Hướng dẫn Hỏi đáp Quy định
  • EnglishEnglish
  • Một số triển vọng thu hút thị trường khách du lịch Ấn Độ đến Việt Nam trong bối cảnh mới

    1. Khái quát về thị trường khách du lịch Ấn Độ

    1.1. Đôi nét về đất nước Ấn Độ

    Nằm ở khu vực tiểu lục địa Nam Á (hay còn gọi là tiểu lục địa Ấn Độ), nơi khởi nguồn của nền văn minh cổ đại lưu vực sông Ấn – Hằng, nước Cộng hòa Ấn Độ có diện tích gần 3,3 triệu km2 với dân số hơn 1,4 tỷ người, đứng thứ 7 thế giới về diện tích và đứng đầu thế giới về dân số. Độ tuổi trung bình của người dân nước này là 29,4 tuổi, trong đó, lứa tuổi từ 15 – 64 chiếm tới 65%, hơn 900 triệu người. Số lượng người sinh sống ở thành thị khoảng hơn 500 triệu người, chiếm 36% dân số với các thành phố lớn như thủ đô New Delhi hơn 30 triệu người; Mumbai hơn 20 triệu người; Bangalore 17 triệu người, Hyderabad 11 triệu người; Chennai 8 triệu người; Kolkata 7 triệu người… 

    Về kinh tế, Ấn Độ có GDP đứng hàng thứ 5 thế giới với 3,6 nghìn tỷ USD (xếp sau Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, Đức và xếp trên cả Anh và Pháp), thu nhập bình quân đầu người hơn 2.100 USD, đứng thứ 145 thế giới. Nước này sử dụng đơn vị đo lường hệ mét (Metric) nhưng một số nơi vẫn dùng các đơn vị đo truyền thống cũ; đơn vị tiền tệ là Rupee, 01 Rupee tương đương khoảng 300 VNĐ và 01 USD khoảng 80 Rupee; lái xe kiểu Anh về bên trái và có múi giờ quốc tế + 5.30, chênh lệch muộn hơn 1h30 so với Việt Nam.

    Ấn Độ là một quốc gia đa ngôn ngữ, đa tôn giáo, sắc tộc, văn hóa, tín ngưỡng và lễ nghi: tiếng Hindi và tiếng Anh – Ấn (Indian English, hay còn gọi là Hinglish) được sử dụng phổ biến; đạo Hindu – Ấn Độ Giáo chiếm đa số hơn 80%, Hồi Giáo trên 13%, Cơ Đốc Giáo trên 2%, đạo Sikh 2%, Phật Giáo gần 1%… Ảnh hưởng to lớn của tôn giáo đạo Hindu cùng các yếu tố địa – chính trị và sắc tộc khác đã định hình cấu trúc phân tầng giai cấp văn hóa – xã hội đặc trưng sâu sắc tại Ấn Độ, nhất là sự phân biệt về đẳng cấp, chênh lệch giàu nghèo, bất bình đẳng giới và bất bình đẳng xã hội. Điều đó tiềm ẩn nhiều mối bất ổn và xung đột sắc tộc trong nội tại xã hội Ấn Độ. Đây cũng là rào cản không nhỏ tới tốc độ phát triển của đất nước đầy tiềm năng to lớn này.

    1.2. Khái quát về du lịch nước ngoài (Outbound) của Ấn Độ: 

    Theo những số liệu thống kê được công bố, năm 2023 có tới hơn 30 triệu lượt người Ấn Độ đi du lịch nước ngoài. Những điểm đến được du khách nước này ưa thích là Bắc Mỹ, Trung Đông, Châu Á và Châu Âu, cụ thể đứng đầu là Mỹ với 6 triệu lượt; kế đến là các tiểu Vương Quốc Ả Rập thống nhất 4 triệu lượt; Singapore 2,7 triệu lượt; Malaysia 2,6 triệu lượt; Thái Lan 2,5 triệu lượt, Châu Âu (Anh, Pháp, Đức, Ý, Tây Ban Nha, Thụy Sĩ…) 0,65 triệu lượt (giảm đáng kể so với năm 2019 là 1,8 triệu lượt). Chi phí bình quân cho một chuyến đi du lịch nước ngoài của họ lên tới 2.500 USD, một con số khá ấn tượng, trong đó, chi phí dành cho lưu trú là 35%; giao thông, vận chuyển và đi lại là 27%; ăn uống 20%; mua sắm 10% và các chi phí khác 8%. 

    Mùa cao điểm đi du lịch nước ngoài của du khách Ấn Độ là từ tháng 04 đến tháng 07 hàng năm và có xu hướng kéo dài quanh năm do nhu cầu gia tăng của tầng lớp trung lưu hậu Covid – 19 cùng sự tiếp cận các điểm đến ưa thích ngày càng dễ dàng, thuận tiện hơn về visa và vận chuyển hàng không với chi phí hợp lý. Du khách Ấn Độ thường đi theo nhóm gia đình hoặc bạn bè, rất ít khi đi du lịch một mình. Độ tuổi trung bình của họ thường từ 25 – 35 là đối tượng trẻ, năng động, thích khám phá, đã có gia đình, việc làm và thu nhập.

    Hội đồng Du lịch và Lữ hành Thế giới (The World Travel & Tourism Council – WTTC) nhận định Ấn Độ là thị trường Outbound lớn, đầy tiềm năng và sẽ đạt số lượng gần 50 triệu lượt khách với doanh thu ước tính khoảng 100 tỷ USD vào năm 2027.

    1.3. Khái quát về thị trường khách du lịch Ấn Độ tại Việt Nam: 

    Theo số liệu thống kê của các trang mạng tìm kiếm du lịch thế giới, số lượt truy cập từ Ấn Độ tìm hiểu về các điểm đến du lịch nổi tiếng tại Việt Nam cũng như việc tìm kiếm đặt phòng khách sạn và tìm mua vé máy bay đều tăng vọt trong thời gian gần đây, thể hiện sự quan tâm lớn của du khách Ấn Độ với Việt Nam.

    Thông tin từ Tổng cục Thống kê và Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam công bố cho thấy, vào thời điểm đỉnh cao của du lịch quốc tế tại Việt Nam năm 2019 trước khi đại dịch Covid – 19 diễn ra, thị trường khách du lịch Ấn Độ vẫn còn khá mới mẻ, xa lạ và rất khiêm tốn chỉ với gần 94.000 lượt; hậu Covid – 19, con số này đã lên tới 138.000 lượt năm 2022 với doanh thu ước đạt 120 triệu USD, tăng tới 47% về số lượng khách và khoảng 41% về doanh thu so với năm 2019. 

    Năm Khách QT
    (lượt)
    Khách Ấn Độ
    (lượt)
    2023 (6T) 5.570.000 181.000
    2022 3.660.000 137.900
    2021 157.300 4.659
    2020 3.800.000 20.984
    2019 18.000.000 93.921

                    Lượng khách du lịch Ấn Độ đến Việt Nam – Nguồn: Cục Du Lịch Quốc Gia Việt Nam

    Vẫn theo nguồn số liệu nêu trên, chỉ tính riêng 6 tháng đầu năm 2023, lượng du khách Ấn Độ đến Việt Nam đã là 181.000 lượt, đạt 131% so với cả năm 2022. Nếu so với năm 2019, con số này đã đạt 192% cả năm và 236% cùng kỳ. Những con số ấn tượng này đã đưa Ấn Độ lọt vào danh sách Top 10 thị trường khách du lịch nước ngoài hàng đầu đến Việt Nam 6 tháng đầu năm 2023.

    Từ chỗ chỉ quen với lượng lớn khách du lịch nước ngoài đến từ Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản trước thời điểm Covid – 19 và trông đợi những thị trường này trở lại, phục hồi nhanh chóng sau dịch, tuy nhiên 6 tháng đầu năm 2023, Việt Nam mới chỉ đón được 557.000 lượt khách đến từ nước láng giềng lớn này và chỉ đạt 22.4% so với cùng kỳ năm 2019, thấp hơn rất, rất nhiều so với kỳ vọng; tiếp đến là Hàn Quốc, dù đứng đầu trong danh sách Top 10 nhưng thị trường khách này cũng chỉ mới đạt 77% cùng kỳ năm 2019 với hơn 1.6 triệu lượt; thị trường Nhật Bản còn thấp hơn khi chỉ có 241.000 lượt khách đến Việt Nam, đạt 52.8% so với cùng kỳ năm 2019. 

    Chính vì vậy, sự tăng trưởng chóng mặt của thị trường khách du lịch Ấn Độ có thể được coi là cứu cánh của không chỉ các doanh nghiệp, HDV mà còn góp phần đáng kể vào việc nâng cao chỉ số phục hồi của cả ngành du lịch Việt Nam thời kỳ hậu Covid – 19.

    Số TT Thị trường khách  Số lượng khách
    (lượt)
    Mức độ phục hồi
    (so với cùng kỳ 2019)
    1 Hàn Quốc 1.602.000 77,0 %
    2 Trung Quốc 557.000 22,4 %
    3 Mỹ 374.000 95,0 %
    4 Đài Loan (TQ) 322.000 75,0 %
    5 Thái Lan 266.000 108,4 %
    6 Nhật Bản 241.000 52,8 %
    7 Malaysia 232.000 78,0 %
    8 Campuchia 198.000 338,0 %
    9 Australia 185.000 92,0 %
    10 Ấn Độ 181.000 236,0 %

    Tốp 10 thị trường khách quốc tế đến Việt Nam 6 tháng 2023
    Nguồn: Tổng cục Thống kê & Cục Du Lịch Quốc Gia Việt Nam

    Theo dự báo của Hội đồng Du lịch và Lữ hành Thế giới (WTTC), năm 2023, lượng khách Ấn Độ đến Việt Nam sẽ lên tới 250.000 lượt với doanh thu ước đạt 180 triệu USD, đạt mức 181% về lượng khách và 150% về doanh thu so với năm 2022. Dự báo đến năm 2027, lượng du khách từ thị trường tiềm năng này tới Việt Nam có thể đạt hơn 600.000 lượt.

    Số lượng khách Ấn Độ đến Việt Nam 2023 250.000 lượt
    Thời gian lưu trú bình quân 07 ngày
    Cơ sở lưu trú hay lựa chọn KS tầm trung, hạng 3 sao
    Chi phí trung bình / khách / tour 1.500 USD

    Các điểm đến hàng đầu 

    Hà Nội 75.000 lượt 
    TP. HCM 50.000 lượt 
    Đà Nẵng – Hội An 30,000 lượt 
    Nha Trang 25.000 lượt
    Phú Quốc 15.000 lượt 
    Huế 8.000 lượt
    Sapa 3.000 lượt
    Đà Lạt 2.000 lượt

    Nguồn: Hội đồng Du lịch và Lữ hành Thế giới – WTTC

    1.4. Đặc điểm của khách du lịch Ấn Độ tại Việt Nam 

    Là một quốc gia rộng lớn cả về dân số và diện tích, đa ngôn ngữ, văn hóa, sắc tộc, tôn giáo và tín ngưỡng, Ấn Độ được coi là đất nước của lễ hội hầu như quanh năm. Các ngày lễ lớn phải kể đến ở đây bao gồm: ngày cộng hòa 26/01/1950 lập nên nước Cộng hòa Ấn Độ; ngày tuyên bố độc lập 15/08/1947; lễ hội ánh sáng Diwali (12/11/2023); lễ hội sắc màu Holi ngày 8 tháng 3 năm 2023 (thứ bảy); lễ hội ăn chay Eid al Fitr ngày 22 tháng 4 năm 2023 (thứ bảy) đánh dấu sự kết thúc của tháng Ramadan…

    Do có sự phân biệt về đẳng cấp, chênh lệch giàu nghèo, bất bình đẳng giới và bất bình đẳng xã hội, tiềm ẩn nhiều bất ổn trong nội tại xã hội, du khách Ấn Độ thường không thích nói về các chủ đề nhạy cảm như: chính trị, sắc tộc, tôn giáo. Mối quan tâm lớn nhất đối với họ là gia đình và môn thể thao được ưa chuộng nhất ở xứ sở này là bóng chày kiểu Anh (cricket). Trong giao tiếp họ từ tốn, tiếp cận dần dần, không vồ vập, hồ hởi kiểu thăm dò và dùng tiếng Anh để chào hỏi, bắt tay nhẹ nhàng (nữ giới không bắt tay), một số vẫn chắp tay chào theo cách truyền thống. Lưu ý rằng việc gật đầu hay nói vâng đối với người Ấn Độ không có nghĩa là đồng ý hay tán dương. Họ cũng thích được tặng quà và nhận quà tặng nhưng không bóc ngay ra trước mặt.

    Mùa cao điểm của khách du lịch Ấn Độ là từ tháng 04 đến tháng 08 hàng năm trùng với dịp nghỉ hè của học sinh, nhưng đông nhất là từ tháng 05 – 07. Họ thường đi du lịch theo nhóm gia đình hay bạn bè, rất ít khi đi du lịch một mình và khá ngẫu hứng trong việc quyết định về thời gian cũng như điểm đến du lịch. Thời gian du lịch của khách Ấn Độ tại Việt Nam trung bình kéo dài khoảng 6 – 7 ngày, ở trong các cơ sở lưu trú tầm trung, hạng 3 sao là phổ biến với chi phí bình quân khoảng 1.000 USD / người / tour. 

    Du khách Ấn Độ đến Việt Nam chủ yếu từ các thành phố lớn như: New Delhi, Mumbai, Bangalore, Hyderabad, Chennai và Kolkata…, nơi có sự tập trung dân số đông, tầng lớp trung lưu lớn, số lượng người trẻ, năng động, ưa xê dịch có độ tuổi từ 25 – 35 ở mức cao, có việc làm và thu nhập, có gia đình đoàn tụ nhiều thế hệ ở độ tuổi trung bình từ 15 – 65 và cũng là nơi có nhiều sự kết nối vận chuyển hàng không nhanh chóng, thuận tiện tới Việt Nam với chỉ khoảng 4 đến 5 giờ bay. 

    Du khách Ấn Độ ưa khám phá, tìm hiểu cả sự khác biệt lẫn những nét tương đồng và giao thoa về văn hóa, lịch sử, tôn giáo, tín ngưỡng, lễ nghi, kiến trúc đền, chùa, miếu mạo; thích cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp của rừng xanh bạt ngàn, núi non hùng vĩ, biển trời bao la, con người hiền hòa, mến khách; đồng thời họ cũng muốn hòa mình vào bầu không khí ồn ào, náo nhiệt, tấp nập nơi phồn hoa đô hội đông người, những trung tâm mua sắm sầm uất, các điểm vui chơi giải trí hiện đại, hấp dẫn… Điểm đến được nhiều du khách Ấn Độ lựa chọn là: Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng – Hội An, Nha Trang, Phú Quốc, Huế, Sapa, Đà Lạt… 

    Mặc dù người dân nước này thường ưu tiên dành chi phí cho việc ăn uống, thưởng thức ẩm thực địa phương và các hoạt động vui chơi, giải trí hơn là việc mua sắm nhưng vẫn không thể thiếu bữa ăn truyền thống, đặc trưng mang đậm nét riêng có của Ấn Độ. Đại đa số người dân Ấn Độ (chiếm tới hơn 80% dân số) theo đạo Hindu, không ăn thịt bò và coi bò là vật linh; nhiều người theo đạo Hồi (trên 13%) không ăn thịt lợn. Thay vào đó, họ thường ăn cơm gà cà ri, bột nghệ, các loại bánh tráng nướng, thịt dê, cừu và đồ hải sản chiên nướng. Người Ấn Độ có thói quen ăn bốc bằng tay phải và ăn các món chay với nhiều đồ gia vị như: cà ri, nghệ, thảo quả, hoa hồi, quế, mùi, thìa là, hạt tiêu, mù tạt,…Điều đó đang đặt ra vấn đề đối với hệ thống nhà hàng, khách sạn tại Việt Nam còn hạn chế về khả năng sẵn sàng cung cấp các dịch vụ ăn uống phù hợp với nhu cầu của dòng khách này, nhất là đồ gia vị, nguyên phụ liệu, thực phẩm và cách chế biến các món ăn kiêng, chay kiểu Ấn Độ tại các điểm đến du lịch.

    Ngoài việc duy trì các bữa ăn kiêng chay, người Ấn Độ còn vận trang phục truyền thống ngay cả khi tắm biển và thực hiện các lễ nghi khi đi du lịch nước ngoài. Vì thế du khách Ấn Độ thường mang theo rất nhiều đồ đạc lỉnh kỉnh, phần lớn hành lý là trang phục truyền thống, phụ kiện, đồ trang sức và không thể thiếu đồ ăn kiêng chay của riêng họ để đến tối có thể ăn thêm trong phòng ngủ, thậm chí là nấu nướng ngay tại các cơ sở lưu trú. Điều này ẩn chứa nhiều rủi ro an toàn cháy nổ, làm vấy bẩn chăn ga, gối đệm, bừa bãi, lộn xộn, ám mùi gia vị và hơi người đặc trưng lâu dài trong phòng ngủ, khó xử lý, khắc phục và gây không ít phiền toái cho các cơ sở lưu trú phục vụ đối tượng khách này.

    Đa số khách Ấn Độ thường không tuân thủ giờ giấc và rất hay trễ hẹn. Họ cũng được đánh giá là đối thượng khách khá ồn ào, mất trật tự, không thực hiện đúng quy định tại các điểm đến du lịch, nơi công cộng, trên các phương tiện giao thông, vận chuyển, xả rác, hút thuốc lá bừa bãi ngay cả những nơi cấm hút thuốc; họ cũng không thích xếp hàng, hay chen lấn, hay đòi hỏi thêm nhiều cái không có, ngoài chương trình và không mấy khi bồi dưỡng tiền típ cho người phục vụ hoặc có nhưng rất khiêm tốn. Người Ấn Độ có thói quen khảo giá, dạo khắp thị trường, mặc cả lên xuống, đòi giảm giá, kể cả khi đã đồng ý mua rồi họ vẫn cứ đòi thêm cái nọ, cái kia, kèm đồ khuyến mại, quà tặng…Nhìn chung du khách và đối tác không phải dạng “dễ nhằn” này rất nhạy cảm về giá, yêu cầu được trả tiền sau tour nhưng thường bầy hầy, thanh toán chậm, nhỏ giọt và có độ trung thành, uy tín không cao.

    Bên cạnh du lịch truyền thống, thị trường khách này cũng đã thấy xuất hiện các dòng tour đặc thù, chuyên biệt như: MICE hội nghị, hội thảo của các công ty, doanh nghiệp, các tập đoàn lớn và đặc biệt là các tour du lịch cưới hỏi, nghỉ dưỡng xa hoa, du lịch triệu phú, tỷ phú… tại các điểm đến nổi tiếng của Việt Nam như: Phú Quốc, Hạ Long, Đà Nẵng, Nha Trang

    2. Một số triển vọng thu hút thị trường khách du lịch Ấn Độ đến Việt Nam trong bối cảnh mới

    2.1. Dự báo về số lượng người đi du lịch của Ấn Độ.

    Ấn Độ hiện là quốc gia đông dân nhất thế giới tính đến cuối tháng 4 năm 2023 thì dân số Ấn Độ là  1.425.782.975 người và sẵn sàng trở thành thị trường du lịch lớn mạnh. Theo dự báo, khách du lịch Ấn Độ đến Việt Nam dự kiến tăng ít nhất 1000% so với mức trước đại dịch.

    Theo những báo cáo gần đây, đến năm 2024, người Ấn Độ dự kiến chi hơn 42 tỷ USD mỗi năm cho các chuyến du lịch nước ngoài. Ấn Độ đang trải qua điều mà Omri Morgenstern – giám đốc điều hành của trang web du lịch và đặt phòng Agoda – gọi là “sự bùng nổ” du lịch và hiện là nơi có thị trường outbound phát triển mạnh mẽ nhất. Dù tổng lượng khách từ một số quốc gia khác cao hơn nhưng không có ngành du lịch của quốc gia nào phát triển nhanh như của Ấn Độ. Ấn Độ còn đang chi hàng tỉ USD vào việc phát triển ngành hàng không và củng cố vị thế là một trung tâm đi lại.

    Chính phủ Ấn Độ năm nay công bố kế hoạch chi 980 tỷ rupee (11,9 tỷ USD) vào năm 2025 để xây dựng và hiện đại hóa các sân bay trong nước, Reuters đưa tin. Trong số này có sân bay quốc tế Noida ở thành phố Jewar thuộc bang Uttar Pradesh. Theo Times of India, sân bay dự kiến khai trương năm 2024, sẵn sàng trở thành sân bay lớn nhất châu Á.

    Dữ liệu của Agoda chỉ ra từ tháng 1/2019 tới tháng 5/2023 lượt tìm kiếm khách sạn của khách Ấn Độ tại ba điểm đến trên tăng lần lượt 147%, 215% và 256%. Lượt tìm kiếm tới Việt Nam của khách Ấn Độ còn tăng thêm 390% so với năm 2019.

    Theo chính phủ Ấn Độ, thị trường du lịch nước ngoài của Ấn Độ nằm trong danh sách tăng trưởng nhanh nhất thế giới. Hiện Ấn Độ có khoảng 80 hộ chiếu đang được lưu hành. Nếu so sánh, con số này còn lớn hơn tổng dân số Thái Lan, quốc gia đông dân thứ 20 trên thế giới.

    2.2. Chi tiêu của khách Ấn Độ ra nước ngoài:

    Tổng chi tiêu của khách Ấn Độ ra nước ngoài khá cao trên thế giới. Năm 2010 đạt 10,5 tỷ USD; 2017: 18,4 tỷ USD (đứng thứ 16 trên thế giới); 2018: 21,3 tỷ USD (đứng thứ 14); năm 2019 ước tính tăng 9,8% so với 2018 (theo Hàn thử biểu của UNWTO, tháng 1/2020).

    Các chuyên gia đã dự báo, mức chi tiêu này có thể đạt 45 tỷ USD vào năm 2025 và khoảng 91 tỷ USD vào năm 2030.

    1. Về xúc tiến quảng bá du lịch

    Việt Nam và Ấn Độ nâng cấp quan hệ ngoại giao lên quan hệ đối tác chiến lược. Trong lĩnh vực du lịch, những năm gần đây, Ấn Độ và Việt Nam đã tăng cường nhiều hơn các hoạt động xúc tiến du lịch và trao đổi hợp tác phát triển du lịch, qua đó đã góp phần gia tăng nhanh chóng lượng khách du lịch giữa hai bên. Tổng cục Du lịch tích cực tổ chức triển khai các chương trình phát động thị trường, giới thiệu du lịch Việt Nam tại Ấn Độ từ năm 2015; sự tham gia của các địa phương, doanh nghiệp du lịch tại các Hội chợ du lịch ở Ấn Độ như Hội chợ thương mại và dịch vụ GES, Hội chợ PATA Travel Mart (2015), Hội chợ triển lãm du lịch quốc tế SATTE, tổ chức các đoàn famtrip sang Ấn Độ; đón đoàn báo chí và doanh nghiệp Ấn Độ, đoàn làm phim Ấn Độ khảo sát tại Việt Nam;…

    Ngày 07/5/2023, Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tỉnh Ninh Thuận tổ chức đón đoàn Famtrip Ấn Độ tại Hoàn Mỹ Resort Ninh Chữ, với sự tham dự của Tổng lãnh sự quán Ấn Độ tại Tp. Hồ Chí Minh và 20 công ty lữ hành của Ấn Độ đến khảo sát các điểm du lịch trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận.

            Theo lịch trình, đoàn Famtrip Ấn Độ sẽ bắt đầu với chuyến tham quan, khảo sát đến các điểm du lịch: Tháp PôKlông Garai, làng gốm Bàu Trúc, làng dệt thổ cẩm Mỹ Nghiệp, Trung tâm nghiên cứu văn hóa Chăm, vịnh Vĩnh Hy, Hang Rái, làng nho Thái An.

            Thông qua hoạt động Famtrip, ngành du lịch Ninh Thuận muốn mở rộng cơ hội để tìm kiếm đối tác, các mối quan hệ hợp tác kinh doanh giữa các doanh nghiệp du lịch của tỉnh với các doanh nghiệp du lịch của Ấn Độ. Đồng thời, góp phần tăng cường công tác truyền thông, quảng bá hình ảnh, con người, văn hóa, các sản phẩm du lịch đặc trưng của Ninh Thuận đến với nước bạn. Nhằm thu hút thị trường khách Ấn Độ đến với Ninh Thuận. Và đây cũng là tính hiệu đáng mừng cho du lịch Ninh Thuận để có thể mở rộng thị trường khách du lịch quốc tế, góp phần vào sự phát triển du lịch của tỉnh trong thời gian tới.

               Ngày 15 đến 18-7-2022, đoàn 460 khách du lịch MICE từ Ấn Độ đã đến Thành phố Hồ Chí Minh. Đoàn được Đại sứ quán Việt Nam tại Ấn Độ phối hợp với Công ty Cổ phần Quản lý điểm đến châu Á giới thiệu để lựa chọn Thành phố Hồ Chí Minh là điểm đến cho các lịch trình hội nghị MICE và tham quan, du lịch.

              Trong 3 ngày từ 9 đến 11/2/2023 tại Trung tâm triển lãm Ấn Độ (India Expo Centre) đã diễn ra Hội chợ Du lịch & Lữ hành Nam Á (SATTE – South Asia’s Travel & Tourism Exchange) lần thứ 30 với sự tham dự của nhiều doanh nghiệp các nước, trong đó có Việt Nam.

    Cùng với đó, cộng đồng du lịch Ấn Độ cũng rất quan tâm đến tăng cường trao đổi khách giữa hai nước, thông qua các hoạt động hỗ trợ lẫn nhau trong thúc đẩy hợp tác phát triển du lịch như thường xuyên tổ chức các chương trình giới thiệu, xúc tiến du lịch tại các thành phố lớn của hai nước; tổ chức các đoàn famtrip và presstrip để khảo sát sản phẩm, dịch vụ du lịch và tìm kiếm đối tác.

    1. Kết nối cơ sở hạ tầng

    – Kết nối hàng không Việt Nam – Ấn Độ

    Trong giai đoạn vừa qua, để đẩy mạnh hợp tác song phương trong ngành du lịch giữa Ấn Độ và Việt Nam chính phủ hai nước đã tăng cường hợp tác, kết nối trên nhiều phương diện khác nhau. Một trong những thành công trong việc kết nối kinh tế giữa hai quốc gia là kết nối hàng không. Kết quả của việc kết nối hàng không đó là cuối năm 2019, Ấn Độ và Việt Nam đã thiết lập được đường bay trực tiếp thông qua việc khai thác hai đường bay từ  Hồ Chí Minh – New Delhi và Hà Nội – New Delhi. Việc kết nối được đường bay trực tiếp sẽ thúc đẩy thương mại song phương, cơ hội hợp tác đầu tư, du lịch giữa hai quốc gia. Đặc biệt, việc kết nối trực tiếp về hàng không sẽ giúp cho việc lưu chuyển hàng hóa giữa Ấn Độ và Việt Nam dễ dàng, nhanh chóng cũng như giảm chi phí vận chuyển giữa hai quốc gia. Điều này sẽ thúc đẩy doanh nghiệp hai nước tích cực đầu tư để khai thác thị trường lẫn nhau. Bên cạnh đó, việc kết nối trực tiếp hàng không giữa Ấn Độ và Việt Nam sẽ là cầu nối về hành khách đến các quốc gia khác trong khu vực Đông Nam Á.

    Việc có đường bay trực tiếp còn tạo ra cơ hội lớn trong việc đẩy mạnh hợp tác du lịch giữa Việt Nam và Ấn Độ, tăng lượng khách du lịch giữa hai nước trong thời gian tới. Trong vòng vài năm trở lại đây, tính chung 10 tháng đầu năm 2022, tổng số khách Ấn Độ đến Việt Nam đạt 82.066 lượt, tốc độ tăng trưởng khách đạt bình quân 51%/tháng. Từ tháng 7/2022, lượng khách Ấn Độ đến Việt Nam hàng tháng đã vượt mức năm 2019. Đáng chú ý, lượng tìm kiếm từ thị trường Ấn Độ đang có xu hướng tăng khá nhanh, trong tháng 10/2022 tăng gấp 3 lần so với tháng 7/2022 và gấp 2 lần so với tháng 8/2022. Kết nối thuận lợi về hàng không với Ấn Độ sẽ là cơ hội cho Việt Nam thu hút khách du lịch Ấn Độ – một trong những quốc gia có lượng khách du lịch nước ngoài cao (khoảng 30 triệu khách du lịch ra nước ngoài mỗi năm). Ngoài ra khách du lịch Ấn Độ thường là những tầng lớp thượng lưu, khá giả (khoảng 200 đến 300 triệu người), nên nhu cầu mua sắm và chi tiêu rất cao. Bên cạnh đó, hiện rất nhiều khách Ấn Độ ngày càng thích du lịch Việt Nam bởi nhiều lý do như môi trường du lịch an toàn, phong cảnh đẹp, du lịch Việt Nam rất đa dạng, hấp dẫn với nhiều sản phẩm du lịch đa dạng, phong phú ở các vùng miền, con người thân thiện, món ăn hấp dẫn, là đất nước có tôn giáo Phật giáo lâu đời… Hiện nay, để thúc đẩy mạnh hơn nữa về kết nối hàng không Ấn Độ đã áp dụng việc cấp thị thực điện tử, tạo điều kiện cho du khách nước ngoài trong đó có Việt Nam. Do đó, nó sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho du khách Việt Nam tới Ấn Độ với mục đích du lịch, kinh doanh, khám chữa bệnh…

    – Kết nối vận tải đường biển Việt Nam- Ấn Độ

    Vận tải bằng đường biển là phương thức vận tải lâu đời trong thương mại quốc tế. Hình thức này có ưu điểm là có thể vận chuyển với khối lượng lớn, tương đối an toàn, chi phí thấp, phù hợp với những hàng hóa không đòi hỏi về mặt thời gian. Ấn Độ và Việt Nam là hai quốc gia có tốc độ tăng trưởng ổn định và cao trong thời gian vừa qua, thương mại song phương ngày càng gia tăng, do đó hoạt động trao đổi hàng hóa giữa hai quốc gia ngày càng lớn. Điều này cũng đòi hỏi việc kết nối và sử dụng nhiều phương thức vận tải khác nhau giữa hai quốc gia. Giữa Ấn Độ và Việt Nam mặc dù đã có kết nối về đường không, tuy nhiên phương thức này mới đi vào hoạt động cũng như chi phí của phương thức này khá cao không phải hàng hóa nào cũng có thể chịu được chi phí này. Một số tuyến vận tải trực tiếp bằng đường biển giữa hai quốc gia đã được thiết lập như tuyến Hồ Chí Minh – Chennai (12 ngày), Hồ Chí Minh –  Nhava Sheva (14 ngày), Hồ Chí Minh – Bangalore (17 ngày). Tuy nhiên, từ năm 2019 với sự hình thành các cảng nước sâu cũng như quá trình ký kết các FTA của Việt Nam đã thúc đẩy việc kết nối vận tải biển giữa Ấn Độ và Việt Nam được thuận lợi hơn, giúp cho hình thành các tuyến tàu trung bình từ Ấn Độ đến Việt Nam và hình thành các tuyến dịch vụ kết nối Việt Nam – Ấn Độ. Các hãng tàu lớn như Hapag-Lloyd, Hyundai, ZIM, Yang Ming đều đã đưa các tuyến dịch vụ – du lịch kết nối Việt Nam – Ấn Độ vào các cảng nước sâu ở Việt Nam (cảng Cái Mép – Thị Vải, Lạch Huyện, Cái Lân).

    • Kết nối đường bộ Việt Nam – Ấn Độ

    + Đường cao tốc kết nối Ấn Độ – Myanmar – Thái Lan

    Đường cao tốc kết nối Ấn Độ – Myanmar- Thái Lan nằm trong khuôn khổ sáng kiến hợp tác Mekong – Ganga bắt đầu từ năm 2005 và là một nỗ lực nhằm thúc đẩy kết nối đường bộ giữa ba quốc gia nhằm mở rộng thương mại, du lịch và giao lưu nhân dân. Đường cao tốc trên dài 1360 km, được xây dựng với chi phí 700 triệu USD, chạy từ Moreh ở Ấn Độ đến Maw Sot ở Thái Lan qua Bagan ở Myanmar. Việc hoàn thành và đưa vào vận hành hệ thống đường cao tốc trên đã đảm bảo kết nối của Moreh, với tuyến đường sắt Diphu – Karong -ImphalMoreh. Dự án đường cao tốc này còn đảm nhận nhiệm vụ xây dựng một con đường từ Kanchanaburi ở Thái Lan đến Dawei ở Myanmar, và phát triển cảng biển nước sâu tại Dawei. Đây là một số nỗ lực rõ ràng mà Chính phủ Ấn Độ thực hiện nhằm thúc đẩy kết nối và liên kết của nước này với khu vực ASEAN. Do đó, dự án đường cao tốc ba bên là một yếu tố quan trọng trong nỗ lực của Ấn Độ trong việc tiếp cận ASEAN.

    Tại Hội nghị thượng đỉnh ASEAN – Ấn Độ vào năm 2018, Ấn Độ đã thể hiện sự ưu tiên cho dự án tuyến đường cao tốc ba bên Ấn Độ – Thái Lan – Myanmar và tiếp tục thể hiện tham vọng sẽ mở rộng kết nối sang Campuchia, Lào và Việt Nam. Việt Nam, Lào, Thái Lan đang phối hợp để sớm triển khai mở rộng hành lang Đông-Tây (EWC) tới các trung tâm kinh tế của cả ba nước. Điều này cũng có thể góp phần kết nối đường bộ với Ấn Độ thông qua Myanmar và khu vực Đông Bắc.

    + Đường sắt kết nối Delhi – Hà Nội (DHRL)

    Năm 2003, Ấn Độ và Việt Nam đã cùng thống nhất sáng kiến xây dựng tuyến đường sắt kết nối Delhi – Hà Nội. Sáng kiến này được đưa ra với mục tiêu chính là liên kết Manipur của Ấn Độ với hành lang đường sắt chính của Ấn Độ và thiết lập lại và cải tạo mạng lưới đường sắt ở Myanmar. Để việc kết nối về đường sắt giữa Ấn Độ và các quốc gia trong khu vực ASEAN được dễ dàng và thuận lợi thì sự phù hợp giữa hệ thống đường sắt của Ấn Độ và các quốc gia ASEAN là rất cần thiết. Vì Myanmar là cửa ngõ để Ấn Độ kết nối với ASEAN nên để sáng kiến này trở thành hiện thực nó đòi hỏi sự tương thích trong hệ thống đường sắt của Myanmar với Ấn Độ. Do đó, năm 2006 Ấn Độ đã hoàn thành một nghiên cứu sơ bộ để thiết lập liên kết đường sắt Delhi – Hà Nội. Để xúc tiến nhanh quá trình này, Ấn Độ đã đầu tư 56 triệu USD cho Myanmar để cải tạo và nâng cấp hệ thống đường sắt dài 640 kết nối Mandalay – Yangon. Để thực hiện sáng kiến kết nối đường sắt Delhi – Hà Nội, Ấn Độ đã đưa ra hai phương án kết nối: (1) kết nối Delhi – Hà Nội qua Myanmar, Thái Lan và Campuchia, (2) kết nối Delhi-Hà Nội qua Myanmar đến Bangkok qua Ye và một phần đường mới được xây dựng của Ye và Dawei ở Myanmar, và sau đó đến Hà Nội thông qua Thái Lan và Lào.

    Mặc dù đã nỗ lực trong việc thực hiện và triển khai dự án này song tính tới thời điểm hiện tại thì tuyến đường sắt sắt kết nối Delhi – Hà Nội vẫn ở giai đoạn đầu và chưa có nhiều tiến triển. Đặc biệt là việc kết nối hệ thống đường sắt giữa Ấn Độ và Myanmar vẫn chưa được hoàn thiện với nhiều nguyên nhân khác nhau như địa hình khắc nghiệt khó thi công, việc vận chuyển vật liệu xây dựng gặp nhiều khó khăn,…

    • Hành lang kinh tế du lịch Mê Kông – Ấn Độ

    Tiểu vùng sông Mekong thường được gọi là các nước CLMV (Campuchia, Lào, Myanmar và Việt Nam) là một phần không thể tách rời của Đông Nam Á và nối vịnh Bengal với Biển Đông bằng đường bộ. Đối với Ấn Độ, Tiểu vùng sông Mekong đóng một vai trò quan trọng trong chính sách đối ngoại vì Ấn Độ chia sẻ ranh giới đất liền với một trong các nước CLMV, đó là Myanmar ở Vịnh Bengal và Việt Nam là đối tác chiến lược của du lịch Ấn Độ. Điều này khiến Ấn Độ đặc biệt hướng tới mối quan hệ chặt chẽ về mặt kinh tế và chính trị trong đó có du lịch với các quốc gia này. Mặc khác, với sức mạnh kinh tế ngày càng tăng của Trung Quốc, các quốc gia ở tiểu vùng sông Mekong đang dần bị thu hút về phía gã khổng lồ thương mại mới nổi. Về mặt ngoại giao, Trung Quốc đang lợi dụng vị trí của các nước CLMV để tiếp cận Ấn Độ Dương. Ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc trong khu vực đã khiến Ấn Độ tăng cường quan hệ với các nước này. Vì mục tiêu này, New Delhi đã thực hiện một số biện pháp kết nối để thúc đẩy hội nhập Ấn Độ – Đông Nam Á. Một trong những dự án kết nối quan trọng là Hành lang kinh tế Mekong – Ấn Độ, đây là một hành lang kinh tế đa phương thức kết nối Ấn Độ với các nước tiểu vùng Mekong. Hàng lang Kinh tế Mekong – Ấn Độ đề xuất kết nối Thành phố Hồ Chí Minh (Việt Nam) với Dawei (Myanmar) qua Bangkok (Thái Lan) và Phnom Penh (Campuchia), kết nối với Chennai (Ấn Độ). Hành lang kinh tế này sẽ tăng cường thương mại -du lịch giữa các nước CLMV và phần còn lại của thế giới, đặc biệt là Ấn Độ. Nó cũng sẽ làm giảm khoảng cách đi lại giữa Ấn Độ và khu vực tiểu vùng Mekong. Tuy nhiên, có nhiều vấn đề và thách thức đặt ra cần phải được giải quyết để MIEC được thực hiện thành công như thiếu cảng biển nước sâu ở Myanmar hoặc đường cao tốc giữa Dawei và biên giới Thái Lan. Liên kết phía Tây của MIEC là một trong những các tuyến đường quan trọng nối Ấn Độ với Đông Nam Á. Hành lang này sẽ tạo ra một tuyến đường biển giữa Bangkok và Chennai qua Dawei, giúp các nền kinh tế này hội nhập và trở thành một khối kinh tế cạnh tranh toàn cầu. MIEC sẽ có tác động lớn hơn đến các quốc gia có thu nhập thấp hơn như Myanmar và Campuchia, do đó thu hẹp khoảng cách phát triển của tiểu vùng Mekong.

    Theo đánh giá của ERIA (2010), tác động lớn nhất của MICE đối với tiểu vùng Mekong là thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và thu hẹp khoảng cách phát triển của các quốc gia trong vùng (dự kiến GDP thực tế tăng 1,19%). Hành lang kinh tế Ấn Độ – Mekong còn tạo cơ hội cho các quốc gia trong vùng xây dựng cơ sở kinh tế và công nghiệp mạnh mẽ và nâng cấp hệ thống cơ sở hạ tầng. Hành lang kinh tế Ấn Độ – Mekong sẽ cho phép các quốc gia tiểu vùng Mekong trong đó có Việt Nam  hội nhập tốt hơn và nền kinh tế có tính cạnh tranh toàn cầu.

    • Về phát triển hạ tầng bến cảng sân bay

    New Delhi đã thông báo kế hoạch chi 980 tỷ rupees, tương đương 11,9 tỷ USD từ nay cho đến năm 2025 nhằm xây dựng và hiện đại hóa các sân bay trên khắp đất nước, trong đó có sân bay quốc tế Noida nằm tại thành phố Jewar, bang Uttar Pradesh. Theo dự kiến, sân bay này sẽ được mở cửa vào năm 2024 với tư cách là sân bay lớn nhất châu Á, qua đó nâng cao đáng kể khả năng kết nối của toàn vùng thủ đô Delhi và miền Tây Uttar Pradesh.

    Đây là thành quả mới nhất cho một quá trình đầu tư quy mô lớn đã được bắt đầu từ lâu mà đến bây giờ nhiều người mới để ý đến. Kể từ năm 2017, đã có ít nhất 73 sân bay được đưa vào vận hành trong mạng lưới kết nối vùng của Ấn Độ. Năm 2022, sân bay quốc tế Indira Gandhi ở Delhi lần đầu tiên được liệt vào danh sách 10 sân bay bận rộn nhất trên phạm vi toàn thế giới với lưu lượng hành khách lên tới 59,5 triệu lượt người, tăng 60,2% so với năm 2021.

    Nhận thức được thời cơ đang đến, các hãng hàng không Ấn Độ đã mạnh dạn đầu tư vào việc nâng cấp máy bay và tăng cường số lượng khách chuyên chở giữa các vùng ở Ấn Độ cũng như giữa Ấn Độ với nước ngoài.

    – Hợp tác Việt Nam – Ấn Độ trong lĩnh vực du lịch: Việt Nam và Ấn Độ đều rất có tiềm năng để thúc đẩy hợp tác du lịch giữa hai nước.

    – Theo báo cáo của Tổng cục Du lịch, khách Ấn Độ có xu hướng lựa chọn điểm đến là các quốc gia châu Á (hơn 60%) do sự gần gũi về địa lý và văn hóa, chi phí thấp; trong đó 2 trong top 5 điểm đến ưa thích của du khách Ấn Độ nằm ở khu vực Đông Nam Á (Thái Lan, Singapore). Nghiên cứu cho biết, du khách Ấn Độ thường sẵn lòng khám phá những điểm đến mới như Campuchia và Việt Nam. Các yếu tố khác ảnh hưởng tới quyết định lựa chọn điểm đến của khách Ấn Độ gồm an ninh, an toàn; tài nguyên du lịch phong phú và mang lại nhiều trải nghiệm; hạ tầng và cơ sở vật chất phục vụ du lịch; thủ tục visa đơn giản; các sản phẩm và gói du lịch hấp dẫn; đồ ăn phù hợp.

    – Để đẩy mạnh thu hút khách từ thị trường này, thời gian qua, Việt Nam đã tổ chức nhiều hoạt động xúc tiến quảng bá thị trường du lịch Ấn Độ thông qua các hội thảo, roadshow, đón các đoàn FAMtrip, Press trip… Ngành du lịch Việt Nam đang hướng tới mục tiêu đón 100 nghìn lượt khách Ấn Độ trong tương lai.

    – Khách Ấn Độ thích tiêu dùng, ăn uống, tiệc tùng. Họ không bao giờ đi một mình mà thường đi cả nhóm bạn bè hoặc gia đình. Họ kỹ tính về đi lại, ăn uống nhưng chi rất mạnh cho tiêu dùng và mua sắm. Những người Ấn đi du lịch nước ngoài là những người thuộc đẳng cấp giàu có, trong nhà có ít nhất 4-5 người giúp việc.

    Nguyễn Quang Vinh

    Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch

    Bài cùng chuyên mục