Hướng dẫn Hỏi đáp Quy định
  • EnglishEnglish
  • Một số kinh nghiệm trong nước và quốc tế về các chỉ số đánh giá hiệu quả hoạt động cho điểm đến du lịch thông minh, bài học cho Việt Nam

    Tóm tắt

    Nghiên cứu này tập trung vào kinh nghiệm xác định và xây dựng các chỉ số đánh giá hiệu quả hoạt động của điểm đến du lịch thông minh (ĐĐDLTM), nhằm hỗ trợ các địa phương trong việc phát triển du lịch thông minh một cách bền vững. Đóng góp cho kết quả nghiên cứu là đề xuất một bộ chỉ số đánh giá toàn diện, bao gồm các nhóm chỉ số về yếu tố con người, công nghệ, cơ sở hạ tầng, điều kiện, phát triển bền vững và hiệu quả hoạt động. Việc áp dụng bộ chỉ số này sẽ giúp các ĐĐDLTM xác định được điểm mạnh, điểm yếu, cũng như các cơ hội và thách thức trong quá trình phát triển. Nghiên cứu cũng đề xuất một quy trình tổng thể để hướng dẫn các ĐĐ DLTM áp dụng bộ chỉ số một cách hiệu quả, đảm bảo tính đồng bộ và thống nhất. Đồng thời, việc sử dụng kết quả đánh giá để xác định và xử lý kịp thời các vấn đề phát sinh sẽ góp phần thúc đẩy sự phát triển du lịch bền vững tại các điểm đến.

    Từ khóa: Điểm đến du lịch thông minh, Du lịch thông minh

    Xu hướng du lịch thông minh càng phát triển nhanh, việc đánh giá hiệu quả hoạt động tại điểm đến du lịch cũng cần nhanh chóng được hoàn thiện để theo kịp tốc độ phát triển của xu hướng tất yếu này. Việc sử dụng hệ thống chỉ số để đánh giá hiệu quả hoạt động của điểm đến du lịch thông minh đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc phát triển xu hướng du lịch trong bối cảnh hiện nay. Hầu hết, các nước trên thế giới đã nhanh chóng triển khai và áp dụng một số bộ chỉ đánh giá hiệu quả hoạt động dành riêng cho các điểm đến du lịch thông minh, điển hình như các quốc gia châu Âu có hệ thống chỉ số ETIS được sử dụng để giám sát và đo lường, đánh giá hiệu suất du lịch bền vững tại các điểm đến du lịch thông minh. Ngoài ra, Châu Âu từ năm 2019 thể hiện sự quan tâm về xu hướng du lịch thông minh bằng cách tổ chức cuộc thi “Thủ đô châu Âu về du lịch thông minh” (European Capital of Smart Tourism Competition) nhằm góp phần trong quá trình chuyển đổi du lịch thông minh trong khu vực. Trong đó, thành phố dành chiến thắng có Helsinki và Lyon (2019), Gothenburg và Málaga (2020), Bordeaux và València (2022), Pafos và Seville (2023) và Dublin (2024). Mục đích nhằm tôn vinh những điểm đến du lịch mẫu mực trong triển khai các giải pháp đổi mới và thông minh trong bốn nội dung (1) khả năng tiếp cận, (2) kỹ thuật số, (3) tính bền vững, (4) tính sáng tạo và di sản văn hóa.

    Bên cạnh đó, một số các quốc gia ở Châu Á như: Singapore, Nhật Bản, Trung Quốc, và Hàn Quốc cũng sử dụng những  bộ chỉ số hỗ trợ đánh giá hiệu quả hoạt động của điểm đến du lịch thông minh.

    1. Kinh nghiệm quốc tế

    1.1. Thành phố Dublin

    Nối tiếp Helsinki, thủ đô của Ireland – thành phố Dublin là thành phố giành được chiến thắng trong cuộc thi “Thủ đô châu Âu về du lịch thông minh 2024”, vượt qua 29 thành phố tiềm năng đến từ 17 quốc gia. Dublin chiếm khoảng ⅓ dân số của Ireland với khoảng 1,5 triệu dân sinh sống, được mệnh danh là “Thành phố văn chương”, thu hút khoảng 8,6 triệu du khách (trong đó 77% là khách nước ngoài), thu được 2,6 tỷ euro chi tiêu cho du lịch trước khi dịch bệnh COVID – 19 xuất hiện vào năm 2019. Đối với Ireland, Dublin đóng vai trò là cửa ngõ quan trọng của đất nước khi chiếm đến ⅔ số chuyến bay đến đất nước này. Ngoài ra, thành phố còn sở hữu hai cảng cung cấp tối đa 11 chuyến tàu mỗi ngày. Khi du lịch thông minh trở thành xu hướng được quan tâm, Dublin đã nắm bắt để phát triển du lịch theo hướng số hóa, tập trung vào tính bền vững và bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa, đồng thời tăng khả năng tiếp cận thành phố, trở thành một đối thủ đáng gờm trong cuộc thi “Thủ đô châu Âu về du lịch thông minh 2021”. Tuy nhiên, sau khi vuột mất giải thưởng, thành phố đã thành lập “Dublin City Council Tourism Unit” (tạm dịch: Hội đồng du lịch thành phố Dublin) để xây dựng phương pháp tiếp cận chiến lược đối với du lịch bền vững trong thành phố. Sau khi nghiên cứu và phân tích các ví dụ phát triển du lịch thông minh tại châu Âu, cũng như thu thập các ý kiến đóng góp từ người dân, các bên liên quan và các chuyên gia, hội đồng đã xây dựng “Chiến lược du lịch Hội đồng thành phố Dublin 2023 – 2028), nhằm giúp thành phố phát triển du lịch theo hướng thông minh và bền vững một cách hiệu quả nhất. Thành phố được đánh giá dựa trên 4 yếu tố chính: (1) – Tính bền vững, (2) – Khả năng tiếp cận, (3) – Số hóa, (4) – Di sản văn hóa và Sáng tạo.

    Tính bền vững: Không chỉ nổi tiếng với Khu dự trữ sinh quyển Vịnh UNESCO và sở hữu công viên thành phố lớn nhất châu Âu, Dublin còn tích cực hướng tới phát triển bền vững khi lồng ghép các Mục tiêu Phát triển Bền vững (SDGs) của Liên Hợp Quốc vào Chiến lược Du lịch của thành phố, đồng thời áp dụng định nghĩa của UNWTO về du lịch bền vững. Thêm vào đó, Dublin cũng là thành phố duy nhất tại Ireland ký Tuyên bố Glasgow về Phát triển Du lịch Bền vững và cam kết thực hiện quy trình để đảm bảo thành phố được phát triển theo hướng bền vững nhất. Ngoài ra, bảng khảo sát “Your Dublin Your Voice” thu thập và lắng nghe ý kiến của người dân địa phương được ghi nhận trên nền tảng DearDublin.com thể hiện sự quyết tâm hướng tới việc phát triển du lịch bền vững dựa trên ý kiến của cư dân địa phương.

    Khả năng tiếp cận: Dublin đang không ngừng nỗ lực để trở thành một thành phố thân thiện, nơi mọi người đều cảm thấy được chào đón. Mục tiêu trở thành thành phố thân thiện với người tự kỷ đầu tiên trên thế giới – một sáng kiến được thị trưởng thành phố khởi xướng, là một cột mốc quan trọng trong hành trình xây dựng một cộng đồng nơi mọi cá nhân đều được tôn trọng và có cơ hội phát triển. Bằng việc tập trung vào việc cải thiện khả năng tiếp cận, Dublin hướng tới một tương lai nơi mọi người, bao gồm cả những người mắc chứng tự kỷ, đều có thể tận hưởng thành phố một cách trọn vẹn vào năm 2026.

    Số hóa: Thành phố đã thành công trong việc kết hợp giữa công nghệ hiện đại và di sản văn hóa, tạo nên những trải nghiệm du lịch độc đáo, tiêu biểu là ứng dụng Dublin Discovery Trails. Ứng dụng là sự kết hợp giữa game và thực tế tăng cường, đã mang lịch sử và di sản của thành phố đến gần hơn với du khách. Bên cạnh đó, Dublin cũng là một trong những thành phố đầu tiên áp dụng công nghệ “Kiosks” thông minh, giúp khách du lịch dễ dàng khám phá và định hướng trong thành phố.

    Di sản văn hóa và Sáng tạo: Thủ đô của Ireland nổi bật với sự đầu tư mạnh mẽ vào các hoạt động sáng tạo trong lĩnh vực văn hóa khi thành lập các Công ty Văn hóa. Các công ty này đóng vai trò là đơn vị điều phối và phát triển các hoạt động văn hóa trên toàn thành phố, góp phần không nhỏ trong việc bảo tồn và phát huy di sản văn hóa, điển hình là tổ chức thành công Đại hội Văn hóa Thế giới UCLG năm 2023, khẳng định vị thế của Dublin như một trung tâm văn hóa sôi động của châu Âu.

    Bằng những giải pháp và chiến lược phù hợp, năm 2024 đã đánh dấu cột mốc thành công của Dublin khi giành chiến thắng trong cuộc thi “Thủ đô du lịch thông minh châu Âu” càng củng cố vị thế là thành phố dẫn đầu châu Âu trong việc thiết lập mô hình du lịch thông minh. Theo Hội đồng Xét xử Uỷ ban châu Âu, Dublin đã tích cực thu hút mọi người vào quá trình ra quyết định, tạo ra một điểm đến phù hợp với người dân và đồng thời đón nhận sự đổi mới.

    1.2. Singapore

    Singapore, một trong những biểu tượng của thành phố thông minh trên thế giới, đã đạt được những thành công đáng kể trong việc xây dựng một điểm đến du lịch thông minh. Với hệ thống chỉ số đánh giá hiệu quả chi tiết, bao gồm các chỉ số liên quan đến trải nghiệm du khách, hiệu quả hoạt động và bền vững. Singapore không chỉ đo lường được thành công của ngành du lịch mà còn xác định được những điểm cần cải thiện. Sự đầu tư mạnh mẽ vào công nghệ đã tạo ra những ứng dụng du lịch thông minh, giúp du khách dễ dàng lên kế hoạch và trải nghiệm thành phố. Hệ thống giao thông công cộng thông minh và các chương trình phát triển du lịch bền vững cũng góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ và bảo vệ môi trường tại thành phố. Thành công của Singapore cho thấy, việc xây dựng một hệ thống chỉ số đánh giá toàn diện, kết hợp với việc ứng dụng công nghệ và phát triển bền vững là chìa khóa để xây dựng một điểm đến du lịch thông minh. 

    Trải nghiệm du khách: Singapore đã xây dựng các cuộc khảo sát trực tuyến, tận dụng chức năng đánh giá trên các ứng dụng di động kết hợp với phản hồi của du khách trên mạng xã hội để thu thập ý kiến đánh giá của du khách một cách đầy đủ và toàn diện nhất. Những dữ liệu được thu thập từ khách du lịch cũng như ý kiến của người dân địa phương sẽ giúp Singapore nhận biết và giải quyết vấn đề kịp thời, tránh gây ra ảnh hưởng xấu tới hình ảnh thành phố, từ đó cải thiện chất lượng dịch vụ cũng như tối ưu hóa trải nghiệm của những vị khách tới với thành phố. Ngoài ra, các dữ liệu thu được cũng trở thành nền tảng để Singapore phát triển cũng như đánh giá hiệu quả của các sản phẩm du lịch mới, đồng thời cá nhân hóa trải nghiệm du lịch của mỗi vị khách. 

    Hiệu quả hoạt động: Các chỉ số đo lường hiệu quả hoạt động như độ chính xác của thông tin, thời gian chờ đợi của du khách, tốc độ phục vụ tại điểm đến… Singapore có thể xác định những điểm nghẽn trong quá trình phục vụ khách hàng và đưa ra các giải pháp cải thiện như bố trí lại nhân lực, xây dựng các chương trình nâng cao nghiệp vụ… Bên cạnh đó, việc thu thập và tổng hợp thông tin dựa trên các chỉ số trên hỗ trợ Singapore giả định trước các tình huống có thể xảy ra để sẵn sàng đối mặt với các tình huống khẩn cấp, nhằm đảm bảo an toàn cho du khách cũng như những người dân địa phương. Tiêu biểu có thể kể đến sân bay Changi với hệ thống tự động hóa quy trình check-in, quy trình lên máy bay cùng với các robot thông minh hỗ trợ để giảm thiểu thời gian hành khách phải chờ đợi tại sân bay. 

    Tính bền vững: Singapore không chỉ tập trung vào việc đo lường các chỉ số bền vững mà còn sử dụng dữ liệu thu được để phát triển thành phố theo hướng bền vững. Bằng cách phân tích chỉ số hài lòng của cộng đồng địa phương, Singapore có thể xác định được những tác động tích cực và tiêu cực của du lịch đối với cuộc sống của người dân địa phương và đưa ra các giải pháp phù hợp. Ngoài ra, các chỉ số môi trường như chỉ số carbon, chỉ số chất thải, chỉ số năng lượng và tài nguyên giúp thành phố đánh giá mức độ hiệu quả của các chính sách du lịch bền vững. Các chỉ số trên không chỉ giúp Singapore có thể đưa ra quyết định chiến lược để phát triển du lịch một cách bền vững, đồng thời giảm thiểu tác động tiêu cực của du lịch và tạo hình ảnh tích cực cho điểm đến, thu hút du khách có ý thức về môi trường và góp phần vào sự phát triển bền vững của đất nước.

    1.3. Vienna (Áo)

    Ba lần được bầu chọn là “Thành phố đáng sống nhất thế giới” năm 2018, 2019 và 2022, Vienna đã chứng tỏ sức hút của điểm đến không chỉ thông qua vẻ đẹp kiến trúc độc đáo mà còn có cơ sở hạ tầng, đặc biệt là hệ thống giao thông thông minh, nền tảng y tế tốt và sự bảo tồn cũng như phát huy các giá trị về văn hóa.

    Hệ thống giao thông thông minh, bền vững: Để nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân cũng như hỗ trợ ngành du lịch phát triển, Vienna đã thông qua Chiến lược khung về Thành phố Thông minh để đảm bảo rằng các hệ thống phương tiện giao thông hoạt động theo hướng phát triển bền vững nhất có thể, bắt đầu từ các đội xe như xe chở rác, xe vệ sinh đường và xe cấp cứu. Tiêu biểu, thành phố đã triển khai các phương tiện sử dụng chất thải điện tử đầu tiên của Áo, loại xe không tạo ra khí thải và tạo ra ít tiếng ồn hơn so với các phương tiện chạy bằng động cơ đốt trong. Tất cả các phương tiện giao thông trong TP sẽ được sử dụng điện từ năm 2025 như một phần nỗ lực của điểm đến nhằm đạt được sự trung hòa về khí hậu. Ngoài ra, Vienna cũng thúc đẩy người dân cũng như du khách sử dụng phương tiện công cộng bằng cách tập trung mở rộng hệ thống giao thông công cộng với giá cả phải chăng để đảm bảo sự bền vững trong lĩnh vực giao thông vận tải cũng như góp phần phát triển du lịch thông minh.

    Bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa: Ngoài ra, Vienna cũng chú trọng đến việc bảo tồn văn hóa và lịch sử, đồng thời áp dụng công nghệ để tạo ra các trải nghiệm du lịch độc đáo. Các điểm đến nổi tiếng như cung điện Schönbrunn và Hofburg không chỉ thu hút du khách mà còn được tích hợp với các công nghệ thông minh để cung cấp thông tin và dịch vụ tốt nhất. Với những nỗ lực này, Vienna không chỉ khẳng định vị thế là một trong những thành phố đáng sống nhất thế giới mà còn là một điểm đến du lịch thông minh, bền vững và hấp dẫn cho du khách quốc tế.

    Nền tảng y tế tốt: Là quê hương của ngành phân tâm học Sigmund Freud, người đã định hình liệu pháp trong chăm sóc sức khỏe, hệ thống y tế của Áo được đánh giá rất cao trong mắt khách du lịch cũng như người dân địa phương. Sự an tâm về dịch vụ y tế có thể tăng cường sự hấp dẫn của Áo như một điểm đến du lịch. Ngoài ra, Áo có thể phát triển ngành du lịch y tế bằng cách cung cấp các dịch vụ y tế chất lượng cao, từ điều trị bệnh lý phức tạp đến các dịch vụ chăm sóc sức khỏe và làm đẹp. Điều này không chỉ tạo ra nguồn thu mới mà còn nâng cao hình ảnh quốc tế của Áo. Bên cạnh đó, việc sử dụng các công nghệ hiện đại như telemedicine (y tế từ xa) và hệ thống quản lý sức khỏe điện tử để cải thiện trải nghiệm của cả cư dân và du khách là một phần quan trọng của y tế thông minh. Phát triển các ứng dụng và hệ thống phản hồi nhanh chóng trong trường hợp khẩn cấp cũng giúp du khách cảm thấy an toàn hơn.

    1.4. Nhật Bản

    Trong những năm gần đây, Nhật Bản nổi lên như một điểm đến hàng đầu về du lịch thông minh. Nhờ vào sự kết hợp giữa công nghệ tiên tiến và văn hóa phong phú, Nhật Bản đã phát triển một hệ thống du lịch thông minh với các ứng dụng di động hỗ trợ du khách, hệ thống thanh toán không tiền mặt, và các dịch vụ hỗ trợ khách tự động. Đặc biệt, sau sự ảnh hưởng nặng nề của COVID – 19, Nhật Bản càng chú trọng vào việc phát triển du lịch thông minh và bền vững. Bằng khả năng phục hồi nhanh chóng của ngành du lịch và lữ hành, Nhật Bản đã được Diễn đàn Kinh tế Thế giới năm 2021: Tái thiết vì một Tương lai Bền vững và Khả năng phục hồi xếp vào vị trí thứ nhất trong bảng Chỉ số Năng lực phát triển Du lịch và lữ hành (TTDI).

    Khuyến khích đổi mới công nghệ: TTDI khuyến khích việc áp dụng công nghệ trong ngành du lịch, như hệ thống đặt chỗ trực tuyến, ứng dụng di động cho du khách, và các giải pháp thông minh trong quản lý điểm đến. Tiêu biểu, du lịch Nhật Bản đã sử dụng hầu hết các dịch vụ du lịch đều ứng dụng công nghệ số. Nhật Bản đã mạnh tay áp dụng các loại hình: ví điện tử, mã QR, sử dụng dấu vân tay để thanh toán dịch vụ… Nổi bật, các du khách nước ngoài đến Nhật Bản đều sử dụng thông tin trên Cổng thông tin du lịch Nhật Bản để quét mã QR, tải các ứng dụng dành riêng cho du lịch thông minh. Thậm chí, chỉ cần đăng ký dấu vân tay, hộ chiếu và thẻ tín dụng, du khách có thể đi khắp Nhật Bản bằng “tay không”. Công nghệ thông tin còn là chìa khóa hỗ trợ các nhà khai thác du lịch khi có thể số hóa và thu thập nhiều dữ liệu khác nhau, giúp giảm thiểu chi phí nhân công nhưng lại nâng cao hiệu quả hoạt động.

    Tăng cường sự bền vững: TTDI nhấn mạnh tầm quan trọng của sự bền vững trong phát triển và Nhật Bản đã chứng minh sự quan tâm đặc biệt của chính phủ đối với việc phát triển du lịch bền vững. Các hoạt động du lịch bền vững tiêu biểu có thể kể đến như trải nghiệm du lịch bằng bè, đi bộ đường dài tại con đường mòn Kumano Kodo tại Kansa hoặc leo núi Phú Sĩ. Ngoài ra, việc duy trì và phát triển làng nghề thủ công như dệt may tại thị trấn Kiryu ở Gunma được đánh giá sẽ trở thành điểm đến tuyệt vời cho du khách mong muốn tìm hiểu sâu hơn về văn hóa tại đất nước này.

    Chất lượng và an toàn: TTDI đánh giá chất lượng và an toàn trong ngành du lịch, bao gồm dịch vụ y tế, an ninh, và an toàn vệ sinh. Các yếu tố này đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển các điểm đến du lịch thông minh, nơi du khách cảm thấy an toàn và được chăm sóc tốt. Nhật Bản cung  cấp những thiết bị có thể phân tích, hiểu được biểu cảm của khách dựa trên việc phân tích xúc cảm trên khuôn mặt, giọng nói. Ngoài ra, hầu hết các cơ sở dịch vụ y tế dành cho du  lịch  nghỉ dưỡng  và  chăm  sóc  sức  khỏe ở Nhật Bản đều được trang bị robot thông minh  nhằm đem  lại  sự  hài  lòng  cho  du  khách, đồng thời gia tăng giá trị dịch vụ.

    2. Kinh nghiệm trong nước

    Ở Việt Nam, nhiều địa phương như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Quảng Ninh đang triển khai các giải pháp công nghệ thông minh trong du lịch như triển lãm trực tuyến, vé điện tử, bản đồ du lịch thông minh, thanh toán bằng mã QR… Chính phủ Việt Nam cũng đã ban hành các chính sách thúc đẩy chuyển đổi số và phát triển du lịch thông minh như nghị quyết 52-NQ/TW và Quyết định phê duyệt Quy hoạch tổng thể ứng dụng Công nghệ – Thông tin trong ngành du lịch. Các địa phương và doanh nghiệp du lịch cũng rất hưởng ứng việc ứng dụng công nghệ trên nhiều mảng trong ngành du lịch, tiêu biểu như việc quản lý điểm đến đã áp dụng các tiến bộ khoa học như thực tế ảo, 3D… để xây dựng và tạo ra nhiều sản phẩm mới mẻ, độc đáo, giúp nâng cao trải nghiệm của du khách tại điểm đến.

    2.1. Đà Nẵng

    Đà Nẵng, với tốc độ đô thị hóa nhanh chóng và tiềm năng du lịch lớn, đang không ngừng nỗ lực để trở thành một điểm đến du lịch thông minh hàng đầu Việt Nam. Thành phố đã đạt được những bước tiến đáng kể trong việc xây dựng một hệ thống chỉ số đánh giá hiệu quả hoạt động của ngành du lịch, từ đó xác định được những điểm mạnh, điểm yếu và cơ hội phát triển. Việc ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông vào quản lý du lịch đã giúp Đà Nẵng nâng cao chất lượng dịch vụ, thu hút ngày càng nhiều du khách. Năm 2012, Đà Nẵng trở thành 1 trong 33 thành phố khác trên thế giới được IBM tài trợ thông qua cuộc thi “IBM Smarter Cities Challange”, từ đó đến nay, thành phố đang không ngừng cố gắng trở thành một điểm đến du lịch thông minh hàng đầu Việt Nam, tiêu biểu như việc phát triển du lịch trên nền tảng số Danang FantastiCity, cũng như áp dụng các sáng kiến khoa học như trí tuệ nhân tạo (AI), công nghệ thực tế ảo tăng cường (AR) để từng bước nâng tầng trải nghiệm số cho du khách khi đến với thành phố. Ngọc (2023) đã chỉ ra rằng Đà Nẵng là một trong những địa phương đi đầu tại Việt Nam trong việc áp dụng các phương pháp đánh giá hiện đại vào lĩnh vực du lịch. Việc xây dựng và triển khai chỉ số IDDA (Index of Danang Destination Attractiveness) cho thấy nỗ lực không ngừng của thành phố nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của du khách và củng cố vị thế của mình trên bản đồ du lịch thế giới.

    Khả năng sử dụng công nghệ: Đà Nẵng đang hướng tới việc trở thành một điểm đến du lịch thông minh thông qua việc áp dụng các giải pháp công nghệ sáng tạo nhằm cải thiện quản lý đô thị và du lịch. Thành phố đã phát triển nhiều ứng dụng công nghệ thông tin nâng cao hiệu quả họa động, từ việc phát triển hệ thống thanh toán điện tử cho đến việc sử dụng các nền tảng trực tuyến để quảng bá điểm đến. Chẳng hạn, thẻ Dana Pas được giới thiệu, cho phép du khách thanh toán và truy cập thông tin du lịch một cách thuận tiện, giúp giảm thiểu thời gian chờ đợi và nâng cao trải nghiệm du lịch. 

    Chỉ số về đổi mới: Sự đổi mới cũng được thể hiện qua các ý tưởng và sáng kiến nhằm phát triển du lịch bền vững. Đà Nẵng không chỉ chú trọng vào việc thu hút du khách mà còn đảm bảo rằng các hoạt động du lịch không gây ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường. Thành phố đã khuyến khích các doanh nghiệp du lịch áp dụng công nghệ xanh và phát triển các sản phẩm du lịch thân thiện với môi trường, như du lịch sinh thái và du lịch văn hóa. Một trong những dự án đáng chú ý là việc phát triển khu du lịch sinh thái, nơi kết hợp giữa bảo tồn thiên nhiên và phát triển du lịch, điển hình như khu vực Bà Nà Hills và các bãi biển tự nhiên được bảo vệ, không chỉ thu hút du khách mà còn góp phần bảo vệ hệ sinh thái địa phương.

    Chỉ số đo lường tác động xã hội: Ngoài ra, thành phố cũng sử dụng các chỉ số để đo lường tác động xã hội của các dự án phát triển du lịch thông minh. Việc phát triển du lịch thông minh giúp giảm thiểu tình trạng thất nghiệp tại địa phương, đồng thời nâng cao đời sống cho người dân thông qua các hoạt động kinh doanh liên quan. Hơn nữa, các chương trình đào tạo về công nghệ cho người dân và doanh nghiệp cũng giúp tăng cường khả năng cạnh tranh cho điểm đến.

    Chỉ số hợp tác quốc tế: Cuối cùng, Đà Nẵng đã thiết lập nhiều hoạt động hợp tác quốc tế với các tổ chức và thành phố khác nhằm học hỏi và áp dụng những kinh nghiệm tốt nhất trong phát triển du lịch thông minh. Việc tham gia vào các mạng lưới toàn cầu giúp Đà Nẵng cập nhật công nghệ mới, cải thiện quy trình quản lý và mở rộng cơ hội hợp tác trong lĩnh vực du lịch. Tất cả những nỗ lực này đang dần đưa Đà Nẵng trở thành một điểm đến du lịch thông minh, hấp dẫn và bền vững trong khu vực.

    2.2. Thành phố Hồ Chí Minh

    Thành phố Hồ Chí Minh – một trong những trung tâm kinh tế – văn hóa phát triển lớn của cả nước, du lịch tại thành phố cũng không nằm ngoài xu hướng sử dụng công nghệ thông tin và truyền thông nhằm hướng tới mục tiêu đưa TP.HCM trở thành đô thị du lịch thông minh. Trong vòng 5 năm trở lại đây, TP. Hồ Chí Minh đã chứng kiến sự phát triển mạnh mẽ của du lịch thông minh, song hành cùng với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Với sự hỗ trợ từ các chính sách của Nhà nước, ngành du lịch thành phố đã tận dụng tối đa các công nghệ số để nâng cao trải nghiệm du khách và tăng cường tính cạnh tranh. Hạ tầng công nghệ hiện đại, cùng với sự phát triển của phong trào khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo, đã tạo ra một nền tảng vững chắc cho quá trình chuyển đổi số trong ngành du lịch. Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu xây dựng một điểm đến du lịch thông minh thực sự, TP. Hồ Chí Minh còn đối mặt với nhiều thách thức, bao gồm sự thống nhất về nhận thức, sự kết nối giữa các chủ thể, nguồn lực hạn chế của doanh nghiệp và sự thiếu hụt nguồn nhân lực chất lượng cao

    1. Hồ Chí Minh đang áp dụng nhiều chỉ số để đánh giá hiệu quả hoạt động tại điểm đến du lịch thông minh, nhằm nâng cao trải nghiệm khách hàng và tối ưu hóa quản lý du lịch. Một trong những chỉ số quan trọng là sự hài lòng của du khách, được đo lường thông qua các khảo sát và phản hồi trực tiếp từ khách hàng. Chỉ số này giúp xác định các yếu tố cần cải thiện trong dịch vụ du lịch.

    Ngoài ra, thành phố cũng sử dụng các chỉ số về công nghệ thông tin như tỷ lệ sử dụng các ứng dụng du lịch thông minh, mức độ tiếp cận Internet và các dịch vụ trực tuyến. Điều này cho phép TP. Hồ Chí Minh đánh giá khả năng ứng dụng công nghệ trong ngành du lịch và xác định các lĩnh vực cần đầu tư thêm. Tiêu biểu có thể kể đến các dự án công nghệ Du lịch “ảo” tại gia – một sản phẩm city tour dưới hình thức thực tế ảo của nhóm nghiên cứu giải pháp GIS thuộc Trung tâm Ứng dụng Công nghệ Vũ trụ TP.HCM – Trung tâm Vũ trụ Việt Nam. Dự án cho phép du khách có thể trải nghiệm khắp TP.HCM chỉ bằng một cú nhấp chuột khi vẫn đang ngồi tại nhà hay bất cứ nơi đâu, miễn là có thiết bị TP. Hồ Chí Minh đang áp dụng nhiều chỉ số để đánh giá hiệu quả hoạt động tại điểm đến du lịch thông minh, nhằm nâng cao trải nghiệm khách hàng và tối ưu hóa quản lý du lịch. Một trong những chỉ số quan trọng là sự hài lòng của du khách, được đo lường thông qua các khảo sát và phản hồi trực tiếp từ khách hàng. Chỉ số này giúp xác định các yếu tố cần cải thiện trong dịch vụ du lịch.

    Thành phố cũng chú trọng đến chỉ số phát triển bền vững, bao gồm các yếu tố như bảo vệ môi trường và phát triển cộng đồng. Việc theo dõi các chỉ số này không chỉ giúp TP. Hồ Chí Minh cải thiện hiệu quả hoạt động du lịch mà còn góp phần vào việc xây dựng một mô hình du lịch bền vững, thân thiện với môi trường và có lợi cho cộng đồng địa phương. Tiêu biểu, thành phố có thể thực hiện các khảo sát trực tuyến hoặc qua ứng dụng di động để thu thập ý kiến của du khách về các điểm tham quan, dịch vụ ăn uống và lưu trú. Những phản hồi này sẽ được phân tích để xác định các xu hướng và vấn đề phổ biến, như thời gian chờ đợi tại các điểm tham quan hoặc chất lượng dịch vụ khách sạn. Nếu nhiều du khách phản ánh về việc chờ đợi quá lâu tại một điểm tham quan cụ thể, chính quyền có thể xem xét việc cải thiện quy trình quản lý dòng người hoặc tăng cường nhân lực tại khu vực đó.

    Ngoài ra, TP. Hồ Chí Minh cũng có thể sử dụng chỉ số tỷ lệ quay lại của khách hàng để đánh giá mức độ hấp dẫn của các dịch vụ du lịch. Nếu tỷ lệ này cao, điều đó cho thấy du khách hài lòng với trải nghiệm của họ và có khả năng quay lại trong tương lai. Ngược lại, nếu tỷ lệ này thấp, thành phố cần xem xét lại các yếu tố như chất lượng dịch vụ, giá cả và sự đa dạng của các hoạt động du lịch.

    Cuối cùng, việc áp dụng công nghệ mới như dữ liệu lớn (Big Data), trí tuệ nhân tạo (AI) và Internet vạn vật (IoT) trong quản lý du lịch cũng được xem là một chỉ số quan trọng để đánh giá sự phát triển của du lịch thông minh tại TP. Hồ Chí Minh, từ đó giúp thành phố nâng cao tính cạnh tranh và thu hút du khách.

    2.3. Lào Cai

    Lào Cai, với tiềm năng du lịch đa dạng và sự kết hợp độc đáo giữa thiên nhiên và văn hóa, đang nỗ lực xây dựng mô hình điểm đến du lịch thông minh. Trong thời gian qua, Lào Cai đã triển khai nhiều chỉ số đánh giá hiệu quả hoạt động du lịch, giúp xác định được những ưu điểm và thách thức trong quá trình phát triển. Việc áp dụng các công nghệ thông tin và truyền thông vào quản lý du lịch không chỉ cải thiện trải nghiệm cho du khách mà còn tối ưu hóa quản lý tài nguyên du lịch. Trang web laocaitourism.vn được quan tâm đầu tư nhằm đem đến cho khách du lịch những thông tin chất lượng và nhanh nhất về lễ hội, ẩm thực… tại Lào Cai, hỗ trợ tra cứu và đặt phòng giúp chuyến đi của du khách dễ dàng hơn. Giao diện thân thiện và dễ sử dụng cung cấp thông tin chính thức về du lịch tỉnh Lào Cai, tích hợp bản đồ số giúp du khách dễ dàng tra cứu các dịch vụ như cơ sở lưu trú, địa điểm tham quan, nhà hàng, khách sạn và lữ hành, cũng như đặt tour du lịch phổ biến. Thêm vào đó, tính năng tự động chuyển đổi ngôn ngữ linh hoạt gồm: tiếng Anh, tiếng Việt, tiếng Trung  cho phép cổng thông tin dễ dàng tiếp cận và phục vụ du khách quốc tế.

    Ngoài ra, hệ thống chỉ số trải nghiệm du khách giúp Lào Cai theo dõi và đánh giá mức độ hài lòng của du khách, từ đó đề ra các biện pháp cải thiện dịch vụ. Đồng thời, chỉ số kết nối thông tin đóng vai trò quan trọng trong việc cung cấp thông tin kịp thời và chính xác cho du khách qua các nền tảng số. Lào Cai cũng chú trọng đến các chỉ số bền vững, nhằm đảm bảo phát triển du lịch không gây hại đến môi trường và văn hóa địa phương.

    Cuối cùng, chỉ số quản lý thông minh đã hỗ trợ chính quyền Lào Cai trong việc sử dụng dữ liệu để quản lý hiệu quả lượng khách du lịch và điều chỉnh chiến lược phát triển. Việc triển khai các sáng kiến công nghệ, như trí tuệ nhân tạo (AI) và thực tế ảo tăng cường (AR), đã tạo điều kiện nâng cao trải nghiệm số cho du khách, đồng thời giúp thành phố thu hút ngày càng nhiều khách du lịch quốc tế. Tiêu biểu như Bộ phần mềm du lịch thông minh của tỉnh còn được tích hợp trên ứng dụng dành cho smartphone, hỗ trợ cả hai hệ điều hành IOS và Android. Nhờ chuyển đổi số, người dùng có thể khai thác Cổng thông tin Du lịch tỉnh Lào Cai ngay trên điện thoại, từ việc tra cứu thông tin, đặt vé, đặt dịch vụ, ăn uống, đi lại đến lên kế hoạch cho toàn bộ chuyến đi mà không cần phải tương tác trực tiếp với người khác. Ứng dụng này cũng giúp các chủ doanh nghiệp có thể điều hành công việc mọi lúc, mọi nơi. Những ưu việt trên không chỉ hỗ trợ tỉnh Lào Cai tiếp cận nhiều khách du lịch, nâng cao công tác điều hành, quản lý của nhà nước mà còn là một kênh quảng cáo, giới thiệu về sản phẩm và dịch vụ cũng như hệ thống của tỉnh. 

    Lào Cai cũng đã thiết lập hợp tác quốc tế để học hỏi kinh nghiệm từ các điểm đến du lịch thông minh trên thế giới, từ đó áp dụng những phương pháp tốt nhất vào bối cảnh địa phương. Những nỗ lực này đang giúp Lào Cai không chỉ duy trì và phát triển ngành du lịch mà còn nâng cao vị thế của mình như một điểm đến du lịch thông minh, bền vững tại Việt Nam.

    2.4. Huế

    Huế, với di sản văn hóa phong phú và tiềm năng du lịch lịch sử, đang nỗ lực phát triển thành một điểm đến du lịch thông minh hàng đầu tại Việt Nam. Thành phố này đã đạt được những tiến bộ đáng kể trong việc xây dựng các chỉ số đánh giá hiệu quả hoạt động du lịch, từ đó nhận diện được các điểm mạnh, điểm yếu, và cơ hội phát triển. Việc ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông vào quản lý du lịch đã giúp Huế không ngừng nâng cao chất lượng dịch vụ, thu hút ngày càng nhiều du khách trong nước và quốc tế.

    Khả năng sử dụng công nghệ: Huế đang hướng tới việc phát triển du lịch thông minh thông qua việc ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông trong quản lý du lịch. Thành phố đã triển khai nhiều giải pháp công nghệ, như xây dựng nền tảng quản trị và kinh doanh du lịch trực tuyến, nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động. Một trong những sáng kiến nổi bật là việc phát triển hệ thống thông tin du lịch thông minh, giúp du khách dễ dàng tiếp cận thông tin về các điểm đến, dịch vụ và hoạt động du lịch trong khu vực. Huế đã triển khai nhiều giải pháp du lịch thông minh, nổi bật là việc áp dụng các công nghệ như trí tuệ nhân tạo (AI) và công nghệ thực tế ảo tăng cường (AR). Những công nghệ này không chỉ nâng cao trải nghiệm số của du khách khi khám phá các di tích lịch sử mà còn giúp thành phố quản lý hiệu quả các hoạt động du lịch. Nhiều ứng dụng và nền tảng số đã được phát triển để hỗ trợ du khách trong việc tra cứu thông tin, đặt vé, và lên kế hoạch cho hành trình tham quan một cách thuận tiện. 

    Chỉ số bền vững: Thành phố không chỉ chú trọng vào việc thu hút du khách mà còn đảm bảo rằng các hoạt động du lịch không gây ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường. Huế đã khuyến khích các doanh nghiệp du lịch áp dụng công nghệ xanh và phát triển các sản phẩm du lịch thân thiện với môi trường, như du lịch sinh thái và du lịch văn hóa, nhằm bảo tồn giá trị di sản và thiên nhiên. Tiêu biểu, những tour du lịch chèo thuyền SUP trên dòng sông Hương trở thành một trong những tour được yêu thích tại Huế, khi du khách có được những trải nghiệm tham quan mới lạ trên dòng sông xứ Huế. Ngoài ra, Huế cũng rất chú trọng việc đổi mới trong phát triển du lịch bền vững. Thành phố không chỉ chú trọng vào việc thu hút du khách mà còn đảm bảo rằng các hoạt động du lịch không gây ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường. Huế đã khuyến khích các doanh nghiệp du lịch áp dụng công nghệ xanh và phát triển các sản phẩm du lịch thân thiện với môi trường, như du lịch sinh thái và du lịch văn hóa, nhằm bảo tồn giá trị di sản và thiên nhiên.

    Chỉ số đo lường tác động xã hội: Huế cũng sử dụng các chỉ số để đo lường tác động xã hội của các dự án phát triển du lịch thông minh. Việc phát triển du lịch thông minh không chỉ giúp tạo ra việc làm cho người dân địa phương mà còn nâng cao chất lượng cuộc sống thông qua các hoạt động kinh doanh liên quan. Các chương trình đào tạo về công nghệ cho người dân và doanh nghiệp cũng được triển khai, nhằm tăng cường khả năng cạnh tranh cho điểm đến. Thành phố cũng tích cực thực hiện các chương trình đào tạo và hỗ trợ công nghệ cho người dân địa phương, giúp nâng cao đời sống và tạo thêm nhiều cơ hội việc làm trong lĩnh vực du lịch. Những nỗ lực này không chỉ làm gia tăng sự hài lòng của du khách mà còn thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội một cách bền vững.

    Chỉ số hợp tác quốc tế: Cuối cùng, Huế đã thiết lập nhiều hoạt động hợp tác quốc tế với các tổ chức và thành phố khác nhằm học hỏi và áp dụng những kinh nghiệm tốt nhất trong phát triển du lịch thông minh. Dự án xây dựng thành phố văn hóa và du lịch thông minh, với sự hỗ trợ của Hàn Quốc, là một ví dụ điển hình cho những nỗ lực này. Việc tham gia vào các mạng lưới toàn cầu giúp Huế cập nhật công nghệ mới, cải thiện quy trình quản lý và mở rộng cơ hội hợp tác trong lĩnh vực du lịch. Huế đã thiết lập nhiều mối quan hệ hợp tác quốc tế với các tổ chức và thành phố khác để học hỏi và áp dụng những kinh nghiệm tốt nhất trong phát triển du lịch thông minh. Việc tham gia vào các mạng lưới toàn cầu giúp Huế cập nhật công nghệ mới, cải thiện quy trình quản lý, và mở rộng cơ hội hợp tác trong lĩnh vực du lịch. Tất cả những nỗ lực này đang đưa Huế trở thành một điểm đến du lịch thông minh, hấp dẫn và bền vững, khẳng định vị thế của mình trên bản đồ du lịch khu vực và thế giới​.

    Bài học rút ra 

    Việt Nam có thể rút ra nhiều bài học quý giá từ việc phân tích các điểm đến du lịch thông minh như: Helsinki, Dublin, Singapore, Nhật Bản, Đà Nẵng, Huế, Lào Cai và TP HCM… Những kinh nghiệm này bao gồm việc xây dựng một hệ thống chỉ số đánh giá toàn diện, tập trung vào trải nghiệm du khách, ứng dụng công nghệ trong thu thập và phân tích dữ liệu, đảm bảo tính bền vững, và tăng cường hợp tác đa ngành. Việt Nam cần xây dựng một hệ thống chỉ số linh hoạt, có khả năng điều chỉnh để phản ánh những thay đổi trong xu hướng du lịch và công nghệ mới. Đồng thời, cần chú trọng phát triển cơ sở hạ tầng số, đào tạo nguồn nhân lực có khả năng phân tích dữ liệu và ứng dụng công nghệ trong quản lý du lịch thông minh. Việc xây dựng chính sách hỗ trợ và tăng cường hợp tác quốc tế cũng đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy quá trình xây dựng điểm đến du lịch thông minh tại Việt Nam. Bằng cách áp dụng những kinh nghiệm này, Việt Nam có thể xây dựng một hệ thống chỉ số đánh giá hiệu quả toàn diện và phù hợp, góp phần nâng cao chất lượng du lịch và tăng cường khả năng cạnh tranh trên thị trường du lịch quốc tế.

    Hạng mục đánh giá

    1) Khả năng tiếp cận. Điểm đến có dễ tiếp cận đối với khách du lịch dù có khác biệt về tuổi tác, hoàn cảnh kinh tế xã hội, có khuyết tật hay không. Có thể tiếp cận nghĩa là có thể tiếp cận dễ dàng thông qua mạng lưới các loại hình giao thông khác nhau (ô tô, tàu hỏa, máy bay, xe đạp). Tất cả mọi người có thể tiếp cận các dịch vụ du lịch không? Vui lòng mô tả xem điểm đến có phải là điểm đến không có rào cản hay không – ví dụ khả năng tiếp cận của những người ngồi xe lăn, gia đình có xe đẩy trẻ em…

    Cơ sở vật chất dịch kỹ thuật phục vụ du lịch: nhà hàng, bảo tàng, tour đi bộ có sẵn thông tin bằng nhiều ngôn ngữ? Nhân viên phục vụ có biết  sử dụng nhiều ngôn ngữ không? Có hướng dẫn đường phố cho người khiếm thị không? Dịch vụ du lịch có khả năng tiếp cận như thế nào đối với người khuyết tật, cha mẹ có con nhỏ, người già…Các dịch vụ, hoạt động, triển lãm và điểm tham quan có cho phép tất cả mọi người – bất kể người khuyết tật – tham gia hay không. 

    Hệ thống đặt phòng, trang web đặt dịch vụ có đa ngôn ngữ? Các trang web/ứng dụng có thân thiện và trực quan với người dùng không?.

    2) Tính bền vững: Thành phố có đang nỗ lực hay chiến lược, kế hoạch bảo tồn và tăng cường môi trường và tài nguyên thiên nhiên cũng như cân bằng giữa phát triển kinh tế và văn hóa xã hội không?. Thành phố đang quản lý tài nguyên thiên nhiên như thế nào (bao gồm các biện pháp đổi mới thân thiện với môi trường) với tư cách là một điểm đến du lịch và liệu điểm đến có đang thực hiện các biện pháp và sử dụng hiệu quả tài nguyên nhằm chống lại hoặc thích ứng với biến đổi khí hậu hay không.

    Tính bền vững còn là điểm đến có đang áp dụng các biện pháp nhằm giảm tính thời vụ của du lịch không? Có hành động nhằm thu hút sự tham gia của cộng đồng địa phương không? Có chia sẻ doanh thu với cộng đồng địa phương không? Doanh thu du lịch địa phương có được đóng góp cho sự phát triển địa phương, cộng đồng và doanh nghiệp không?

    Điểm đến với tư cách là một điểm đến du lịch đóng góp như thế nào cho việc làm tại địa phương? (ví dụ: hoạt động du lịch bền vững mang lại thu nhập kinh tế thay thế cho các hoạt động thông thường ở địa phương không?) Điểm đến hỗ trợ các doanh nghiệp và cộng đồng địa phương phát triển như thế nào để phát triển giải pháp bền vững hay hợp tác trong du lịch?

    3) Kỹ thuật số: Trở thành một điểm đến du lịch thông minh (công nghệ kỹ thuật số) có nghĩa là cung cấp thông tin khách sạn, sản phẩm, dịch vụ, không gian và trải nghiệm du lịch và sáng tạo phù hợp với nhu cầu của người tiêu dùng thông qua các giải pháp dựa trên CNTT và công cụ kỹ thuật số. 

    Điểm đến có đang cung cấp thông tin kỹ thuật số về điểm đến du lịch, các điểm tham quan và ưu đãi du lịch không? Thông tin về phương tiện giao thông công cộng, điểm tham quan và chỗ ở có thể truy cập được bằng kỹ thuật số hoặc thậm chí được tích hợp không? Các doanh nghiệp có môi trường thân thiện với kỹ thuật số để phát triển không? Có hỗ trợ các doanh nghiệp du lịch trong việc phát triển và sử dụng các kỹ năng và công cụ kỹ thuật số không? Có sử dụng các giải pháp kỹ thuật số để tăng cường các dịch vụ du lịch sáng tạo không?

    4) Tính sáng tạo và di sản văn hóa: Điểm đến có sử dụng hiệu quả di sản văn hóa và các ngành công nghiệp sáng tạo để làm phong phú thêm trải nghiệm du lịch và chất lượng cuộc sống không? Có đang thực hiện những hành động nào để nâng cao sự công nhận thành phố của mình như một điểm đến du lịch thông minh và kết hợp di sản vật thể và phi vật thể về nghệ thuật, lịch sử và văn hóa? Làm thế nào để sử dụng di sản văn hóa và sự sáng tạo để thu hút khách du lịch, cũng như khai thác sức mạnh tổng hợp giữa du lịch và các ngành công nghiệp văn hóa và sáng tạo?

    Bảng tiêu chí và cách đánh giá

    Các điểm đến cần mô tả cụ thể về các biện pháp được thực hiện theo những hạng mục trên. Mức độ điểm đến thực hiện trong các hạng mục này sẽ được đánh giá dựa trên các tiêu chí đánh giá:

    Các biện pháp được thực hiện thông minh và khả thi đến mức nào?

    Các chuyên gia đánh giá mức độ tiên tiến và độc đáo của các biện pháp được thực hiện ở từng hạng mục. Xem xét lý do tại sao biện pháp này lại mang tính đổi mới ở điểm đến đề cử, những công nghệ mới nào đã được áp dụng, chúng đã thay đổi trải nghiệm du lịch như thế nào và liệu chúng có thể được ứng dụng ở các điểm đến khác hay không?

    Cách tiếp cận chiến lược về tính bền vững có sức thuyết phục như thế nào? Sự duy trì của các biện pháp theo thời gian như thế nào? 

    Theo tiêu chí này, các chuyên gia sẽ đánh giá cách tiếp cận dựa trên giải pháp mang tính chiến lược, dài hạn, thay vì chỉ khắc phục vấn đề ngắn hạn ở từng hạng mục. Nó cũng sẽ được đánh giá xem kết quả của các biện pháp đã thực hiện có được duy trì theo thời gian hay không?

    Các biện pháp được thực hiện có tính toàn diện như thế nào đối với các nhóm xã hội khác nhau? 

    Theo tiêu chí này, các chuyên gia đánh giá sẽ đánh giá theo từng hạng mục xem liệu các chương trình và biện pháp được thực hiện có cho phép mọi người ở mọi lứa tuổi, nền tảng văn hóa hoặc tôn giáo và, bất kể khuyết tật hoặc thiếu kỹ năng ngôn ngữ địa phương, tham gia vào chương trình du lịch/ dịch vụ . Theo tiêu chí này, các chuyên gia cũng sẽ đánh giá xem các biện pháp được thực hiện có phù hợp và phù hợp với các nhóm xã hội khác nhau hay không, ví dụ như gia đình, người cao tuổi…

    Có hệ thống chỉ số nào nhằm xác định tính hiệu quả của các biện pháp không? Hiệu quả của những biện pháp này như thế nào? 

    Theo tiêu chí này, các chuyên gia sẽ đánh giá ở từng hạng mục về hiệu quả và tác động của các biện pháp đối với môi trường kinh doanh và cộng đồng địa phương. Thông tin chi tiết về tài sản hữu hình và nếu có thể, tác động có thể đo lường được của việc triển khai, bao gồm việc cung cấp dữ liệu định lượng về các chỉ số liên quan, sẽ hỗ trợ cho việc đánh giá.

    Tài liệu tham khảo:

    1. https://tapchicongthuong.vn/xay-dung-tp–ho-chi-minh-thanh-diem-den-du-lich-thong-minh–kinh-nghiem-tu-singapore-108058.htm
    2. http://vanhoanghethuat.vn/phat-trien-du-lich-thong-minh-tai-thanh-pho-ho-chi-minh.htm 
    3. https://nhandan.vn/da-nang-tung-buoc-so-hoa-huong-den-du-lich-thong-minh-post778319.html
    4. https://kinhtevadubao.vn/diem-den-du-lich-thong-minh-quan-diem-va-mot-so-noi-dung-nghien-cuu-28250.html
    5. https://www.dublineconomy.ie/insights/dublin-smarter-tourism-model-18102/
    6. https://centersmarttourism.world/for-tourists/destinations-for-smart-tourism/smart-tourism-in-singapore-2/
    7. https://www.researchgate.net/publication/339908294_MO_HINH_LY_THUYET_VE_DIEM_DEN_DU_LICH_THONG_MINH
    8. https://vietnamnet.vn/da-nangduoc-ghidanhthanh-pho-thong-minh-hon-cua-ibm-i363422.html 
    9. https://bvhttdl.gov.vn/nhat-ban-thuc-day-phat-trien-du-lich-huong-toi-tuong-lai-viet-nam-co-the-hoc-hoi-20230703162716013.htm
    10.  https://bvhttdl.gov.vn/cach-nhat-ban-phat-trien-du-lich-ben-vung-xung-danh-diem-den-than-thien-voi-moi-truong-20230522141715054.htm
    11.  Vũ Hương Giang & Vũ Lệ Mỹ. (2022). Kinh nghiệm quốc tế về phát triển du lịch thông minh và bài học cho Việt Nam. Tạp chí Khoa học – Trường Đại học Mở Hà Nội, 93, 35-46.
    12.  Lưu Thị Thu Thủy. (2022). Du lịch thông minh ở Nhật Bản hiện nay.

    ThS. Lê Hoàng Anh – Phòng Hành chính, Kế hoạch, Tài chính

    Bài cùng chuyên mục