Một số giải pháp giúp nâng cao nhận thức về phát triển du lịch văn hóa nói chung và phát triển du lịch dựa trên phát huy các giá trị trò chơi, trò diễn dân gian vùng Đồng bằng sông Hồng
- Khái quát về phát triển du lịch dựa trên phát huy các giá trị trò chơi, trò diễn dân gian (TCTDDG) vùng Đồng bằng sông Hồng
Khái niệm trò chơi dân gian
Trò chơi dân gian có thể được hiểu là sản phẩm xuất phát từ lao động sản xuất, mang tính tập thể, tính cộng đồng, tinh thần đoàn kết trong nhân dân, có giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học và được lưu truyền qua nhiều thế hệ. Trò chơi dân gian hàm chứa yếu tố vui nhiều hơn tính chất phục vụ nghi lễ.
Khái niệm diễn xướng về trò diễn dân gian
Diễn xướng và trò diễn dân gian trước hết (đã thể hiện qua tên gọi) đều là những loại hình nghệ thuật bắt nguồn và tồn tại trong dân gian; phục vụ cho đời sống văn hoá tinh thần của nhân dân. Yếu tố cấu thành nên trò diễn và diễn xướng dân gian bao gồm: văn thơ, âm nhạc, múa, tạo hình diễn xuất…
Về trò diễn, theo tác giả Đặng Hoài Thu thì “Trò diễn là một hình thức cùa diễn xướng. Với phương thức biểu hiện là trình diễn hay trình trò (ra trò), trò diễn mang tính sắp đặt, tinh nhân tạo, tinh biểu diễn và nó được diễn trong khoảng hạn thời gian, không gian cụ thể, có nội dung cụ thể (gẳn với môi trường lễ hội). Ba đặc tính luôn nổi trội cùa trò diễn là: tính tái hiện văn hóa – lịch sử – tín ngưỡng, tính biểu trưng văn hóa – lịch sừ, tín ngưỡng và tính giải thích nghi lễ”.
Diễn xướng dân gian và trò diễn dân gian là những thuật ngữ khoa học còn có nhiều ý kiến và quan niệm khác nhau. Ranh giới giữa diễn xướng và trò diễn cũng không rõ ràng hay nói cách khác việc phân biệt giữa diễn xướng và trò diễn có thể chỉ là tương đối. Có thể hiểu đơn giản rằng, trò diễn dân gian được hiểu là một hình thức của diễn xướng dân gian, có yếu tố “trò” tức có nhân vật, có cốt truyện.
Vai trò của trò chơi, trò diễn dân gian đổi với sự phát triển du lịch
Du lịch là một ngành có tính liên ngành, liên vùng và đặc biệt là có nội dung văn hóa sâu sắc. Do vậy, không chỉ riêng TCTDDG mà các giá trị văn hóa dân tộc đặc sắc của Việt Nam đều có tiềm năng trở thành yếu tố, thu hút, hấp dẫn đối với khách du lịch, đặc biệt là khách du lịch quốc tế. Trò chơi và trò diễn dân gian có thể góp phần phát triển du lịch theo những cách sau:
– Tạo ra các sản phẩm du lịch mới, hấp dẫn: Trò chơi và trò diễn dân gian có thể được tổ chức thành các tour du lịch chuyên đề, hoặc tổ chức trong các lễ hội, các sự kiện văn hóa tầm quốc gia, quốc tế,… thu hút khách du lịch tham gia.
-Bổ sung các hoạt động giải trí cho du khách: Trò chơi và trò diễn dân gian là những hoạt động giải trí lành mạnh, độc đáo, có thể đáp ứng nhu cầu giải trí của du khách.
– Tăng cường trải nghiệm văn hóa cho du khách: Trò chơi và trò diễn dân gian có thể giúp du khách hiểu thêm về đời sống sinh hoạt, phong tục tập quán, tín ngưỡng của người dân, từ đó có những trải nghiệm thú vị và đáng nhớ khi du lịch Việt Nam.
– Thúc đẩy phát triển các ngành nghề truyền thống thông qua du lịch: Trò chơi và trò diễn dân gian thường sử dụng các sản phẩm, dịch vụ của các ngành nghề truyền thống, như dệt may, thủ công mỹ nghệ,… góp phần thúc đẩy phát triển các ngành nghề này.
Khái quát về hệ thống các trò chơi, trò diễn dân gian chủ yếu của vùng đồng bằng sông Hồng
Vùng ĐBSH có tài nguyên du lịch phong phú, đa dạng, đặc biệt là tài nguyên du lịch văn hóa khá đặc sắc, trong đó có các TCTDDG. Cuộc sống sinh hoạt văn hóa cộng đồng gắn với việc sản xuất nông nghiệp từ ngàn năm đã giúp cư dân vùng ĐBSH sáng tạo, lưu giữ được nhiều loại hình nghệ thuật dân gian đặc sắc.
Hệ thống TCTDDG của vùng ĐBSH rất phong phú với khoảng 60 trò phổ biến như: đấu vật, kéo co, cờ người, cướp cờ, chọi gà, chọi trâu, nhảy bao bố, thả diều, và các loại hình biểu diễn dân ca, dân nhạc, dân vũ (quan họ, hát chèo, chầu văn, ca trù), múa rối nước…
Đồng bằng sông Hồng sở hữu hệ thống các trò chơi, trò diễn dân gian vô cùng phong phú với khoảng 60 trò, trong đó có nhiều TCTDDG đang thịnh hành trong nhân dân, thu hút sự quan tâm, yêu thích của khách du lịch trong nước và quốc tế như: đấu vật, kéo co, cờ người, cướp cờ, chọi gà, nhảy bao bố, thả diều, và các loại hình biểu diễn dân ca, dân nhạc, dân vũ (quan họ, hát chèo, chầu văn, ca trù), múa rối nước… vùng ĐBSH có rất nhiều trò chơi trò diễn dân gian, phân bổ rộng khắp và vô cùng đa dạng về loại hình. Trò chơi trò diễn dân gian trong vùng phản ánh lịch sử của một vùng đất lâu đời, mang nhiều điểm đặc trưng nhất của nền văn minh lúa nước của Việt Nam.
TCTDDG trong di sản văn hóa phi vật thể quốc gia được Bộ VHTTDL công nhận tính đến năm 2024 của vùng Đồng bằng Sông Hồng nhiều nhất là Hà nội với 7 di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, tiếp đến là Vĩnh Phúc 5 di sản văn hóa phi vật thể quốc gia; Hải Phòng, Bắc Ninh và Thái Bình cùng có 4 di sản văn hóa phi vật thể quốc gia; Hải Dương 3 di sản văn hóa phi vật thể quốc gia; Hưng Yên và Nam Định cùng có 2 di sản văn hóa phi vật thể quốc gia; còn lại, Hà Nam, Ninh Bình, Quảng Ninh đều có 1 di sản văn hóa phi vật thể quốc gia
– Các TCTDDG vùng ĐBSH gắn liền với hoạt động sản xuất nông nghiệp: Nhiều trò chơi, trò diễn ra đời gắn với các hoạt động sản xuất nông nghiệp như cấy lúa, gặt lúa, đón gió… Ví dụ như trò cướp cờ, cướp phết, trò chọi trâu, đấu vật, đưa ống… Trò cướp cò, cướp phết, diễn ra sau khi thu hoạch, người ta cướp những nắm lúa khô còn sót lại sau lưng những người gặt cuối cùng. Trò chọi trâu, trâu được huấn luyện để húc hoặc đạp nhau khi ra đồng cày cấy. Trò đưa ống, trò canh nông… diễn ra trước khi xuống đồng cấy lúa mới, cầu mong một năm mùa sung túc. Ngoài ra, nhiều trò còn mang ý nghĩa cầu mong mưa thuận gió hòa, mùa màng tốt tươi hay cầu may mắn, bình an… như trò diễn canh nông, trò thủy chiến cửa đình… thể hiện tính nhân văn, gắn kết cộng đồng của người dân vùng ĐBSH. Trò thủy chiến của đình diễn ra vào hội làng đầu năm tượng trưng cho thần thượng võ, rất độc đáo trong các trò hội của cư dân đồng bằng Bắc bộ vốn nhiều nạn úng lụt hàng năm.
– Hầu hết các TCTDDG vùng ĐBSH chứa đựng nhiều giá trị truyền thống, bản sắc văn hóa: TCTDDG của vùng đều mang những nét riêng biệt, độc đáo, thể hiện ở cách thức và nội dung chơi và diễn. TCTDDG của vùng mang theo nhiều giá trị quan trọng trong cuộc sống và văn hóa của con người. Các TCTDDG thể hiện rõ nét truyền thống, bản sắc văn hóa của các cộng đồng dân cư vùng ĐBSH như trò chơi tổ tôm/điếm hay những trò diễn như: hát ca trù, chèo, xẩm, chầu văn, tuồng, trống quân… những trò này được diễn ra hầu hết ở các tỉnh vùng ĐBSH, đặc biệt những nghệ thuật trình diễn dân gian như ca trù, quan họ đã được UNESCO ghi danh là Di sản văn hóa phi vật thể.
– Nhiều TCTDDG vùng ĐBSH mang tính giải trí, vui chơi cao: TCTDDG có giá trị giải trí và thư giãn cao, có khả năng kết nối con người, thúc đẩy sáng tạo, giáo dục lịch sử… Nhiều trò chơi tương đối đơn giản, cho phép khách du lịch có thể tham gia trải nghiệm như trò chơi kéo co, pháo đất, thổi cơm, mèo đuổi chuột, đánh đu… Đây cũng là một trong các yếu tố quan trọng để khai thác phát triển du lịch bởi nếu các TCTDDG dễ chơi, cho phép khách tham gia và trải nghiệm, đáp ứng được sự tò mò, muốn chơi và tìm hiểu của khách du lịch thì càng thu hút khách du lịch. Đặc biệt có nghi lễ và trò chơi kéo co đã được UNESCO ghi danh là Di sản văn hóa phi vật thể.
– Các TCTDDG gắn với phong tục, tập quán, lễ hội: Hầu hết các TCTDDG ở vùng ĐBSH được tổ chức trong các lễ hội truyền thống như Hội Gióng, lễ hội Tịch Điền…, trong các ngày tết (Tết Nguyên Đán, Tết Nguyên Tiêu). Địa điểm tổ chức lễ hội thường là các điểm sinh hoạt văn hóa, cộng đồng của làng, xã như nhà văn hóa, đình làng, đền, chùa… Một số trò diễn được tổ chức, biểu diễn bởi các đoàn nghệ thuật, nghệ nhân tại các nhà hát, trung tâm biểu diễn nghệ thuật; một số khác được chơi, diễn hàng ngày trong trò chơi của lứa tuổi thiếu nhi. Hội Gióng diễn ra vào ngày mồng 6 tháng Giêng âm lịch hàng năm tại đền Phù Đổng và đền Sóc (Hà Nội), trong lễ hội diễn ra nhiều TCTDDG sôi động như chọi gà, cờ tướng, hát ca trù, hát chèo… Lễ hội Tịch điền đọi sơn ở Duy Tiên (Hà Nam), có các trò chơi như đấu vật, đẩy gậy, bắt gà, hát ả đào. Ngoài ra còn nhiều lễ hội khác như lễ hội Chùa Keo, lễ hội Kinh Dương Vương và các hội Làng… thường diễn ra các trò chơi như chọi gà, kéo co, bắt trạch trong chum, bịt mắt bắt vịt, bơi thuyền chải… Các TCTDDG diễn ra thường vào mùa xuân và gắn liền với lễ hội đã mang đến trải nghiệm thú vị cho du khách, tạo cơ hội để người dân, du khách được tìm hiểu thêm về văn hóa, cảm nhận đời sống tinh thần, phong tục, tập quán địa phương. Tuy nhiên, việc tổ chức TCTDDG trong các lễ hội truyền thống vào dịp đầu xuân đã hạn chế việc tiếp cận các TCTDDG đối với khách du lịch do hoạt động du lịch diễn ra quanh năm.
– Có số lượng lớn và phân bố rộng khắp toàn vùng: Qua nghiên cứu các số liệu thống kê của các Sở VHTTDL, Sở Du lịch trên địa bàn toàn vùng và khảo sát thực tế cho thấy vùng ĐBSH có rất nhiều trò chơi trò diễn dân gian, phân bổ rộng khắp và vô cùng đa dạng về loại hình. Điều đó phản ánh lịch sử của một vùng đất lâu đời nhất của văn hóa Việt, mang nhiều điểm đặc trưng nhất của nền văn minh lúa nước của nước ta. Đây có thể là một trong những đặc điểm riêng biệt của vùng ĐBSH so với các vùng khác trên cả nước.
Về số lượng, hiện vùng ĐBSH có khoảng gần 30 trò chơi dân gian và gần 30 trò diễn dân gian phổ biến, được duy trì đến nay và có khả năng khai thác phát triển du lịch.
(Kéo co là trò chơi dân gian phổ biến ở vùng ĐBSH, nguồn ảnh: intenet)
- Một số giải pháp giúp nâng cao nhận thức về phát triển du lịch văn hóa nói chung và phát triển du lịch dựa trên phát huy các giá trị trò chơi, trò diễn dân gian vùng Đồng bằng sông Hồng
Kinh nghiệm phát triển du lịch du lịch văn hóa và du lịch dựa trên phát huy các giá trị TCTDDG của một số quốc gia và địa phương ở Việt Nam cho thấy để khai thác được các tài nguyên du lịch này, cần có cách làm phù hợp, có chính sách cụ thể của Nhà nước và sự phối hợp của nhiều bên liên quan.
Do đó, một trong những chính sách cần được quan tâm là việc nâng cao nhận thức về vai trò, ý nghĩa của việc khai thác các giá trị của du lịch văn hóa nói chung, và du lịch dựa trên khai thác giá trị TCTDDG nói riêng.
Những năm qua, nhiều tỉnh vùng ĐBSH cũng đã bắt đầu quan tâm tới việc khai thác các giá trị TCTDDG để phát triển du lịch, tuy nhiên, hiện không có nhiều địa phương thực sự đầu tư mạnh cho đến vấn nâng cao nhận thức về phát triển du lịch văn hóa nói chung và phát triển du lịch dựa trên phát huy các giá trị trò chơi, trò diễn dân gian.
Có thể nói, việc nâng cao nhận thức về vai trò của trò chơi và trò diễn dân gian trong phát triển du lịch văn hóa đóng vai trò quan trọng, không chỉ góp phần thúc đẩy sự phát triển du lịch của Vùng ĐBSH ngày một bền vững, hiệu quả hơn, mà còn góp phần gìn giữ, bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa, truyền thống quý báu của cha ông để lại.
Mục tiêu của nhóm giải pháp này là xây dựng một nhận thức chung và sâu sắc hơn về vai trò của trò chơi và trò diễn dân gian trong việc phát triển du lịch văn hóa, từ đó thúc đẩy sự tham gia tích cực của các bên liên quan, có những thay đổi hành vi phù hợp nhằm góp phần thúc đẩy sự phát triển du lịch của Vùng.
Để triển khai hiệu quả các giải pháp, cần tiến hành khảo sát đánh giá nhận thức của các đối tượng liên quan trực tiếp đến hoạt động du lịch văn hóa, gồm: các cơ quan quản lý về du lịch, về bảo tồn văn hóa, chính quyền địa phương, các tổ chức xã hội có liên quan, doanh nghiệp du lịch, cộng đồng địa phương và du khách.
Dựa trên kết quả khảo sát, cần xây dựng một chiến lược truyền thông đa dạng và hiệu quả nhằm nâng cao nhận thức về vai trò của TCTDDG trong phát triển du lịch. Cần thực hiện nhiều giải pháp khác nhau, bao gồm giáo dục, tuyên truyền, tổ chức hội thảo, tập huấn, tổ chức sự kiện văn hóa… Các giải pháp cụ thể được trình bày ở dưới đây, nếu được thực hiện một cách đồng bộ, bài bản có thể giúp khỏa lấp khoảng trống trong về nhận thức của các bên liên quan đối với phát triển du lịch văn hóa nói chung và du lịch dựa trên phát huy giá trị TCTDDG nói riêng ở vùng ĐBSH:
1) Tăng cường giáo dục về văn hóa dân gian trong trường học: Giáo dục về văn hóa dân gian trong nhà trường là nhiệm vụ quan trọng, góp phần bồi đắp tâm hồn, nhân cách cho học sinh, sinh viên. Thông qua giáo dục văn hóa dân gian, học sinh có thể hiểu rõ hơn về lịch sử, văn hóa, truyền thống của địa phương, của dân tộc mình. Từ đó, các em sẽ nâng cao nhận thức và ý thức bảo vệ, bảo tồn và phát huy giá trị di sản. Bên cạnh đó, giáo dục di sản văn hóa cũng góp phần phát triển năng lực sáng tạo của học sinh. Giáo dục văn hóa dân gian cần được lồng ghép vào chương trình giảng dạy ở các cấp học, từ mầm non đến trung học phổ thông. Nội dung giảng dạy nên bao gồm lịch sử, ý nghĩa và giá trị của các trò chơi, trò diễn dân gian đặc trưng của từng địa phương. Các buổi học có thể mời các nghệ nhân dân gian đến để truyền đạt kiến thức và kỹ năng thực hành trực tiếp. Điều này cần sự phối hợp chặt chẽ giữa nhà trường, giáo viên và các chuyên gia văn hóa dân gian. Bên cạnh đó, nhà trường có thể tổ chức các hoạt động ngoại khóa như tham quan các địa điểm của di sản văn hóa, lễ hội văn hóa, du lịch của địa phương; tham dự các buổi thực hành trò chơi, trò diễn dân gian để có được thông tin trực tiếp cũng như cảm nhận về di sản; tổ chức các cuộc thi, hội thi có chủ đề liên quan đến các trò chơi, trò diễn dân gian của địa phương…
2) Tổ chức các chương trình tuyên truyền trên phương tiện truyền thông: Sử dụng các phương tiện truyền thông đại chúng như truyền hình, radio, báo chí và mạng xã hội để tuyên truyền về giá trị của văn hóa dân gian và lợi ích của du lịch văn hóa. Sản xuất các chương trình truyền hình giới thiệu về các trò chơi dân gian, lễ hội và các hoạt động văn hóa truyền thống. Phát sóng trên các kênh truyền hình quốc gia và địa phương để thu hút sự chú ý của công chúng. Bên cạnh đó, có thể chủ động tuyên truyền thông qua các bài báo, phóng sự trên báo chí địa phương, báo điện tử. Nội dung bài báo, phóng sự cần ngắn gọn, súc tích, dễ hiểu, tập trung vào những thông tin trọng tâm về vai trò, giá trị, ý nghĩa của phát triển du lịch dựa trên di sản văn hóa nói chung, trò chơi trò diễn dân gian nói riêng. Sử dụng các hình ảnh, video trực quan, sinh động để minh họa cho nội dung bài báo, phóng sự. Ngoài ra, có thể sản xuất các bộ phim, tài liệu và chương trình truyền hình về văn hóa dân gian nhằm giới thiệu và quảng bá rộng rãi giá trị văn hóa này.
3) Sử dụng mạng xã hội, phim tư liệu để tuyên truyền: Các nền tảng như Facebook, Instagram, TikTok và YouTube… có thể được sử dụng để chia sẻ thông tin, bài viết, video và hình ảnh về các TCTDDG, lễ hội và trải nghiệm du lịch văn hóa. Các video clip ngắn, tập trung vào các thông tin quan trọng, có thể mời người có ảnh hưởng trên mạng xã hội để tạo sức hút và lan tỏa thông tin. Cần tăng cường sử dụng các hiệu ứng về hình ảnh, âm thanh để thu hút sự chú ý của người xem.
4)Tổ chức các buổi hội thảo, lớp tập huấn: Mục tiêu của các hội thảo, tập huấn này nhằm phát triển nhận thức và sự quan tâm của các bên liên quan, đặc biệt là cộng đồng đang nắm giữ di sản văn hóa là các TCTDDG. Đây là hình thức truyền thông tại chỗ cho từng nhóm đối tượng, các biên liên quan để nâng cao nhận thức cho các học viên được lựa chọn với mục tiêu đây sẽ là “hạt nhân” lan toả về nhận thức đối với các đối tượng khác cùng nhóm. Các chương trình hội thảo, tập huấn, tuyên truyền nâng cao nhận thức về phát triển du lịch văn hóa nói chung và phát triển du lịch dựa trên phát huy các giá trị trò chơi, trò diễn dân gian vùng cần được triển khai theo hướng “giáo dục di sản”, coi đây là một giải pháp quan trọng để bảo tồn và phát huy giá trị các trò chơi, trò diễn dân gian của Vùng. Cần chú trọng về nội dung và hình thức của tài liệu cần tuyên truyền, nâng cao nhận thức phù hợp với đặc điểm của từng nhóm đối tượng tiếp nhận.
5) Tổ chức sự kiện và hoạt động văn hóa: Việc tổ chức các sự kiện và hoạt động văn hóa, đặc biệt là các lễ hội văn hóa dân gian quy mô lớn, nhằm bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, đồng thời tạo ra những trải nghiệm du lịch độc đáo và hấp dẫn. Giải pháp này không chỉ thu hút du khách mà còn khuyến khích sự tham gia của cộng đồng địa phương, góp phần duy trì và phát triển các trò chơi và trò diễn dân gian. Các địa phương có thể tổ chức các lễ hội, tuần lễ văn hóa dân gian theo nhiều chủ đề đa dạng, hấp dẫn. Đối với loại hình diễn xướng dân gian có thể bao gồm các loại hình đặc thù của địa phương hoặc nhiều loại hình khác nhau khi mời các địa phương khác đến giao lưu. Chẳng hạn đối với loại hình diễn xướng hát có thể gồm hát quan họ, chèo, ca trù, hát xoan, chầu văn…
6) Tổ chức các cuộc thi, hội thi, hoạt động truyền thông sáng tạo: Các cuộc thi viết, vẽ, chụp ảnh hoặc các chương trình giao lưu, gặp gỡ nghệ nhân, thực hành các TCTDDG hoặc các hoạt động truyền thông sáng tạo khác như sản xuất video, đồ họa, viết blog về văn hóa dân gian và các hoạt động du lịch văn hóa cũng giúp thu hút sự tham gia của cộng đồng địa phương, du khách.
7) Xây dựng các câu lạc bộ và nhóm yêu thích văn hóa dân gian: Việc thành lập các câu lạc bộ văn hóa dân gian tại địa phương nhằm tạo ra môi trường thuận lợi để bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, đặc biệt là các trò chơi và trò diễn dân gian. Bên cạnh đó, các câu lạc bộ văn hóa dân gian có thể tổ chức các buổi biểu diễn và thi đấu mở cửa cho du khách tham quan. Điều này không chỉ tạo ra sản phẩm du lịch độc đáo mà còn thu hút sự quan tâm của du khách trong và ngoài nước. Các câu lạc bộ văn hóa dân gian có thể được thành lập tại trường học, làng xã và đô thị để người dân có thể gặp gỡ, chia sẻ và thực hành các trò chơi và trò diễn dân gian. Các buổi giao lưu và thi đấu cần được tổ chức thường xuyên.
+ Tại các trường học: Các câu lạc bộ văn hóa dân gian trong trường học có thể bao gồm các hoạt động như tìm hiểu lịch sử và ý nghĩa của các trò chơi dân gian, thực hành và biểu diễn các trò diễn dân gian trong các giờ học ngoại khóa. Những hoạt động này giúp học sinh không chỉ tiếp thu kiến thức mà còn phát triển kỹ năng xã hội và tăng cường tình yêu đối với văn hóa truyền thống.
+ Tại làng xã và đô thị: Các câu lạc bộ văn hóa dân gian trong làng xã và đô thị sẽ là nơi để người dân gặp gỡ, chia sẻ và thực hành các trò chơi và trò diễn dân gian. Các buổi giao lưu, thi đấu và biểu diễn có thể được tổ chức thường xuyên để thu hút sự tham gia của cộng đồng. Đây cũng là cơ hội để các nghệ nhân dân gian truyền đạt kinh nghiệm và kỹ năng cho thế hệ trẻ.
Tài liệu tham khảo
- Đặng Thị Phương Anh (2012), Khai thác trò chơi dân gian lưu vực sông Thái Bình phục vụ phát triển du lịch, Đại học Quốc gia Hà Nội.
- Đặng Thị Phương Anh (2016), “Đưa trò chơi dân gian phục vụ du khách”, Tạp chí Du lịch. 6/2016.
- Đặng Hoài Thu (2007), “Trò diễn: khái niệm và phân loại”, Văn hóa Nghệ thuật. 3, tr. 19-23.
- Trần Quốc Vượng (2000), Những nghiên cứu về văn hóa Việt Nam, Văn hóa dân tộc.
- Cao Đức Hải (2020), Trò chơi dân gian của người Việt ở châu thổ Bắc Bộ và việc phát huy trong xã hội đương đại, Viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam.
- Nguyễn Thùy Vân (2023), Phát triển du lịch dựa trên phát huy giá trị trò chơi, trò diễn dân gian vùng Đồng bằng sông Hồng, Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch.
Nguyễn Thị Thanh
Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam