Hướng dẫn Hỏi đáp Quy định
  • EnglishEnglish
  • Kinh nghiệm phát triển du lịch sinh thái theo hướng tăng trưởng xanh và bài học kinh nghiệm cho phát triển du lịch Vườn Quốc gia Pù Mát

    Du lịch sinh thái có thể được hiểu là loại hình du lịch dựa vào cảnh quan tự nhiên, cảnh quan nhân tạo – tự nhiên, cảnh quan tự nhiên – nhân tạo và văn hóa, gắn với giáo dục môi trường; đóng góp cho công tác bảo tồn; đồng thời phổ biến một số kiến thức cơ bản về sinh thái học cho nhiều đối tượng khác nhau ở nhiều mức độ khác nhau. Mặt khác, theo chiến lược tăng trưởng xanh của Việt Nam được ban hành năm 2012, trong đó có lĩnh vực du lịch, du lịch xanh được định nghĩa là loại hình du lịch dựa vào tự nhiên và văn hóa, có giáo dục môi trường, đóng góp cho nỗ lực bảo tồn và phát triển bền vững, có sự tham gia tích cực của cộng đồng địa phương. Chiến lược này cũng nêu rõ “tăng trưởng xanh” là sự tăng trưởng dựa trên quá trình thay đổi mô hình tăng trưởng, tái cơ cấu nền kinh tế nhằm lợi dụng lợi thế so sánh, nâng cao hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế thông qua việc nghiên cứu và áp dụng công nghệ tiên tiến, phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng hiện đại để sử dụng hiệu quả tài nguyên thiên nhiên, giảm phát thải khí nhà kính, ứng phó với biến đổi khí hậu, góp phần xóa đói giảm nghèo và tạo động lực thúc đẩy quá trình phát triển kinh tế bền vững. Giai đoạn gần đây nhiều điểm đến trên thế giới đã tích cực áp dụng việc phát triển du lịch sinh thái theo hướng tăng trưởng xanh để đảm bảo mục tiêu phát triển bền vững ngành du lịch trong việc ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng và một số thay đổi khác trong tương lai. 

    Vườn Quốc gia Pù Mát Vườn thuộc sườn Đông của dãy Trường Sơn, phía Tây Nam của tỉnh Nghệ An có tài nguyên du lịch sinh thái và đa dạng sinh học được bảo vệ tương đối tốt, lại do điều kiện khách quan là cách xa trung tâm dân cư lớn, giữ được nhiều vẻ hoang sơ, nguyên sinh là yếu tố quan trọng nhất đối với mục tiêu phát triển sinh thái. Mặt khác, Vườn còn có nguồn tài nguyên du lịch nhân văn đặc sắc với di sản văn hóa vật thể, phi vật thể đặc sắc, rất phù hợp để khai thác phát triển du lịch theo hướng tăng trưởng xanh.

    Điểm qua việc phát triển du lịch sinh thái theo hướng tăng trưởng xanh

    Thái Lan, với khoảng 79 Vườn Quốc gia, nhiều khu bảo tồn thiên nhiên (Ramsar) đang phát triển du lịch sinh thái theo hướng tăng trưởng xanh dựa vào 7 yếu tố đó là (1) “Tư tưởng xanh” nhằm nâng cao nhận thức khách du lịch, cộng đồng về du lịch có trách nhiệm với môi trường và xã hội; (2) “Vận chuyển xanh”, Khuyến khích đầu tư, sử dụng các phương tiện vận chuyển thân thiện với môi trường phục vụ cho ngành du lịch; (3) “Điểm đến xanh”, các điểm đến được quản lý theo nguyên tắc có trách nhiệm và bảo vệ môi trường; (4) “Cộng đồng xanh”, hỗ trợ loại hình du lịch cộng đồng gắn với bảo vệ môi trường, văn hóa truyền thống và phong tục tập quán địa phương; (5) “Hoạt động xanh”, thúc đẩy các loại hình du lịch phù hợp, có sự tham gia của cộng động địa phương; (6) “Dịch vụ xanh”, khuyến khích các bên liên quan trong cung cấp dịch vụ du lịch tạo ấn tượng, truyền cảm hứng thông qua sự tôn trọng, quan tâm và bảo vệ môi trường; (7) “Phương pháp tiếp cận xanh”, tăng cường trách nhiệm xã hội, giảm thiểu các hoạt động gây hại đến môi trường, tiết kiệm năng lượng, sử dụng năng lượng tái tạo, cung cấp các sản phẩm thân thiện với môi trường.

    Vườn Quốc gia Kinabalu, thuộc đảo Borneo, Malaysia nổi bật với sự đa dạng sinh học về môi trường cũng như các loài thực vật nhiệt đới ở Đông Nam Á được công nhận là di sản thiên nhiên thế giới với cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ, môi trường thiên nhiên trong sạch tuyệt đối. Điểm đến này đã (1) tăng cường năng lực thể chế, cộng đồng; (2) tích cực xây dựng sản phẩm du lịch sinh thái, ứng dụng công nghệ xanh trong phát triển du lịch; (3) đầu tư, xây dựng toàn bộ cơ sở hạ tầng du lịch nguyên vật liệu từ thiên nhiên, an toàn với môi trường;  (4) thành lập doanh nghiệp và xây dựng chuỗi cung ứng (SCPs) trong du lịch từ lựa chọn phát triển doanh nghiệp, xây dựng kế hoạch kinh doanh du lịch, tiến hành đào tạo phát triển kỹ năng du lịch, xây dựng mạng lưới và phát triển mối liên kết thị trường đến xúc tiến quảng bá đều dựa trên mục tiêu chia sẻ lợi nhuận cao hơn cho cộng đồng; đặc biệt nhất (5) bảo tồn tài nguyên thiên nhiên và văn hóa bằng cách xác định, phân cấp các vùng nhạy cảm môi trường và văn hóa từ đó giám sát và đánh giá hoạt động tăng trường xanh du lịch sinh thái và cộng đồng (CBET) thực hiện nhanh chóng các biện pháp khắc phục, giảm thiểu triệt để thiệt hại tối đa cho môi trường nếu có. 

    Khu bảo tồn thú Shamwari, Kenya, được thành lập vào năm 1992 hội tụ 05 hệ sinh thái. Hơn 30 năm, Shamwari đã phát triển cả về quy mô và phạm vi hoạt động, được quốc tế công nhận là một tổ chức tư nhân hoạt động trong ngành du lịch với mục tiêu giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa bảo tồn và thương mại hóa hoạt động du lịch. (1) Luôn duy trì tính toàn vẹn của động vật hoang dã và đa dạng sinh học trong các hệ sinh thái phong phú của khu bảo tồn; Duy trì tính bền vững của tất cả môi trường trong khu bảo tồn và chất lượng của các chương trình trải nghiệm, ngắm động vật hoang dã; Giám sát liên tục và tích cực hiệu quả của các chương trình quản lý sinh thái lồng ghép phát triển du lịch; (2) Qua các nỗ lực triệt để trong quản lý tài nguyên nước, chất thải, tiết kiệm điện, tái chế và giáo dục; Tổ chức các hoạt động trải nghiệm toàn bộ Khu bảo tồn theo tiêu chuẩn môi trường xanh (Green Leaf); (3) Khai thác một “biệt thự xanh” dành riêng cho khách lưu trú trong Khu bảo tồn để ngắm bình minh; Cung cấp trải nghiệm kỳ lạ cho du khách với sáu nhà nghỉ được xếp hạng năm sao để kết hợp “hoang dã” với những tiện nghi sang trọng hiện đại nhưng vẫn đảm bảo các tiêu chuẩn bảo vệ môi trường; (4) Trao quyền cho người dân địa phương bằng cách cung cấp các khóa đào tạo hướng dẫn thực địa và đào tạo chuyên ngành du lịch cho người dân địa phương.  

    Để phát triển du lịch Vườn Quốc gia Pù Mát theo hướng tăng trưởng xanh

    Về quan điểm, tăng trưởng xanh phải được áp dụng như một chương trình trọng tâm của Ban Quản lý Vườn, tỉnh Nghệ An, rộng hơn là của Việt Nam, tăng trưởng xanh phải tạo điều kiện cho phát triển – chứ không áp đặt sự phát triển  hướng tới mục tiêu mang lại lợi ích hài hòa giữa bảo tồn, bảo vệ cảnh quan, môi trường và kinh tế, hiện thực hóa hạnh phúc của cộng đồng. 

    Về khai thác tài nguyên, xây dựng sản phẩm, cơ sở hạ tầng du lịch, cần ứng dụng công nghệ xanh trong đầu tư, tôn tạo để tạo các sản phẩm du lịch đa dạng, hấp dẫn tại 2 điểm du lịch là Khu Văn phòng và Thác Kèm; Phát triển các tour, tuyến tham quan, trải nghiệm trecking, đạp xe, chèo thuyền Kayak trên dọc các tuyến Khe Khặng và Khe Choăng; tham quan làng nghề dệt thổ cẩm, thủ công mỹ nghệ, sản xuất rượu men lá…Đầu tư, nâng cấp hệ thống hạ tầng cơ sở vật chất phục vụ du lịch như: đường giao thông, điện, hệ thống nước sạch, thông tin liên lạc…tại các tuyến, điểm trên nguyên tắc sử dụng vật liệu gần gũi với thiên nhiên… để khai thác triệt để các tiềm năng, giá trị tài nguyên thiên, đáp ứng nhu cầu ngày càng lớn của khách du lịch.

    Cần có sự phối hợp với chính quyền địa phương các cấp hỗ trợ xây dựng và phát triển các mô hình du lich cộng đồng, mô hình phát triển sinh kế cho cộng đồng người dân sinh sống trong vùng đệm của Vườn. Phối hợp, hỗ trợ bảo tồn và phát huy các bản sắc văn hóa dân tộc, tri thức bản địa cũng như các di tích phục vụ nhu cầu tham quan của khách du lịch (các làn điệu dân ca, dân vũ của các dân tộc; nhạc cụ, khí cụ; phong tục truyền thống; lễ hội; di tích, thắng cảnh…) vừa để gìn giữ những giá trị văn hóa truyền thống vừa là nhữung sản phẩm đặc trưng phục vụ nhu cầu khám phá, trải nghiệm của khách du lịch.

    Về môi trường:  cần chú trọng đặc biệt đối vấn đề bảo vệ môi trường và bảo tồn đa dạng sinh học. Tại các tuyến, điểm du lịch phải thường xuyên bố trí đủ thùng đựng rác, người thực hiện các công việc quét dọn, thu gom và xử lý, phân loại theo các phương pháp khác nhau. Thường xuyên thực hiện các hình thức tuyên truyền nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường và bảo tồn nguồn tài nguyên thiên nhiên, đa dạng sinh học cho du khách.

    Sử dụng hiệu quả, hợp lý nguồn tài nguyên thiên nhiên trong hoạt động du lịch như tài nguyên nước, tài nguyên đất và cảnh quan thiên nhiên. Thực hiện tốt phương án khoán bảo vệ rừng đối với cộng đồng nhằm vừa tạo thêm thu nhập cho cộng đồng vừa nâng cao ý thức trách nhiệm trong công tác bảo vệ rừng, bảo tồn đa dạng sinh học.

    Tài liệu tham khảo:

    Radisson Hotel group (), Phasing out single-use plastics in meetings & events operations

    http://asiapacific.unwto.org/site/all/files/pdf/thailand.pdf

    https://www.oneplanetnetwork.org/sites/default/files/phasing_out_single-use_plastics_in_meetings_and_events_operations_1.pdf

    Nguyễn Thị Phương Linh

    Viện NCPT Du lịch

    Bài cùng chuyên mục