Kinh nghiệm phát triển du lịch sinh thái tại Sabah, Malaysia
Với mục tiêu trở thành điểm đến hàng đầu về du lịch sinh thái tại Malaysia, những năm gần đây Sabah đã và đang rất thành công trong việc phát triển loại hình du lịch này.
Sơ lược về Sabah
Sabah là một trong hai bang nằm ở phía Bắc đảo Borneo, Malaysia với dân số hơn 3,5 triệu người và diện tích rộng lớn lên đến 72.500 km2. Sabah có 5 tỉnh với 25 huyện trong đó thủ phủ là Kota Kinabalu. Sabah được hưởng một số quyền tự trị và nhập cư khác với các bang khác tại Malaysia. Kinh tế tại Sabah chủ yếu dựa vào nông, lâm nghiệp nhưng khoảng 10 năm trở lại đây, du lịch và dịch vụ đang dần trở nên quan trọng đối với nền kinh tế của bang. Năm 2019, Sabah đã đạt được một kỷ lục mới với hơn 4,2 triệu lượt khách du lịch. Doanh thu ngành du lịch đạt 9 tỷ RM (ringgit).
Tiềm năng du lịch tại Sabah
Nằm ở bờ bắc đảo Borneo – hòn đảo lớn thứ 3 trên thế giới và lớn nhất ở Châu Á do đó Sabah sở hữu nhiều hòn đảo lớn nhỏ và những bãi biển đẹp thơ mộng. Tổng diện tích rừng nguyên sinh tại bang Sabah chiếm tới ½ tổng diện tích toàn bang. Rừng rậm tại Sabah sở hữu hệ động thực vât vô cùng đa dạng, trong đó khu bảo tồn rừng dọc thung lũng sông Kinabatagan là khu vực ngập nước có rừng bao phủ lớn nhất tại Malaysia.
Hiện Sabah có 6 công viên bảo tồn thiên nhiên, bao gồm 3 công viên trên cạn và 3 công viên dưới nước, cụ thể: Công viên quốc gia Kinabalu; Công viên quốc gia Crocker Range; Công viên Tawau Hill; Công viên đảo Rùa; Công viên quốc gia Tunku Abdul Rahman và công viên Pulau Tiga.
Công viên quốc gia Kinabalu được thành lập năm 1964, là di sản thế giới đầu tiên được Unesco công nhận tại Malaysia. Di sản thiên nhiên này được công nhận bởi sở hữu những dãy núi có đia hình đa dạng cùng với hệ thực vật vô cùng phong phú. Đây là nơi cư trú của hơn 4.500 loài động thực vật, gồm 326 loài chim và gần 100 loài thú, đặc biệt có tới hơn 110 loài ốc cạn.
Công viên quốc gia Crocker Range được thành lập năm 1984 trên cơ sở một khu bảo tồn rừng. Với diện tích 1.399km2, Crocker Range trở thành công viên lớn nhất tại Sabah.
Công viên Tawau Hill được thành lập năm 1979, ban đầu được hình thành với mục đích bảo vệ nguồn nước của người dân thị trấn Tawau. Tại đây có cảnh quan núi lửa, suối nước nóng và thác nước hùng vĩ. Đây cũng là nơi sinh sống của nhiều loài thực vật, đặc biệt là những loại hoa lan sống ở vùng thấp trong đó có lan tai voi.
Công viên đảo Rùa được thành lập năm 1977, nằm ở phía bắc biển Sulu. Công viên là nơi cư trú của loài rùa xanh và rùa diều hâu. Chương trình bảo tồn rùa đã được chính quyền bang Sabah triển khai thực hiện sớm nhất trên thế giới, và đây cũng là chương trình có số liệu thống kê, nghiên cứu chi tiết nhất cho đến nay.
Công viên quốc gia Tunku Abdul Rahman được hình thành từ năm hòn đảo là Gaya, Manutik, Manukan, Sapi và Sulug. Công viên được đặt tên theo tên của Thủ tướng đầu tiên của Malaysia và có diện tích trên 50km2. Nổi tiếng với các loài sinh vật biển da dạng, vườn quốc gia cũng là nơi lặn biển nổi tiếng với những người yêu thích thiên nhiên.
Công viên Pulau Tiga gồm 3 hòn đảo trong đó đảo Pulau Tiga là hòn đảo lớn nhất. Phong cảnh tuyệt đẹp và thiên nhiên hoang sơ trên đảo đã được đài CBS của Mỹ lựa chọn là địa điểm thực hiện tập đầu tiên của Chương trình “Người sống sót”, cũng chính vì vậy, hòn đảo này còn được gọi là đảo “Người sống sót”. Pulau Tiga nổi tiếng với bãi biển tuyệt đẹp, nước biển trong vắt và hệ thống bùn trị liệu từ núi lửa rất tốt cho sức khỏe.
Cùng với 6 công viên kể trên, Sabah còn sở hữu nhiều tài nguyên du lịch sinh thái khác như hệ thống sông hồ, rừng, các khu bảo tồn, trung tâm bảo vệ động vật, vườn sinh thái…trong đó phải kể đến sông Kinabatagan, vườn chè Sabah và trung tâm bảo tồn đười ươi.
Sông Kinabatangan là con sông dài nhất ở Sabah và dài thứ hai tại Malaysia với tổng chiều dài 560km. Sông là một trong những địa điểm du lịch sinh thái được yêu thích nhất tại Sabah. Dọc hai bên bờ sông là những cánh rừng ngập nước, nơi cư trú của hàng trăm loài chim, đặc biệt trong số đó có loài chim mỏ sừng. Nơi đây cũng là ngôi nhà của loài đười ươi quý hiếm đang xếp trong danh sách những loài có nguy cơ tuyệt chủng – đười ươi Orangutan và khỉ mũi vòi Probosics.
Vườn chè Sabah là nơi sản xuất chè hữu cơ duy nhất trên đảo Borneo. Đây là nơi trồng và sản xuất ra những loại chè chất lượng cao, hoàn toàn không có thuốc trừ sâu. Không chỉ là nơi trồng chè, vườn chè Sabah còn là địa điểm yêu thích của khách du lịch bởi vẻ đẹp thiên nhiên và khí hậu vô cùng trong lành nơi đây.
Trung tâm phục hồi chức năng đười ươi có tên gọi là Sepilok được thành lập năm 1964 với diện tích 43km2. Nơi đây được hình thành để chăm sóc và nuôi dưỡng những con đười ươi bị lạc đàn, mồ côi hay những con vật được giải cứu khỏi nạn săn bắn trộm. Tại trung tâm, khách du lịch có thể thấy những loài quý hiếm có nguy cơ tuyệt chủng như đười ươi Orangutan, khỉ mũi vòi Probosics và loài gấu chó Sun bear..
Kinh nghiệm phát triển du lịch sinh thái tại Sabah
Năm 2019, Sabah đã đạt được một kỷ lục mới với việc thu hút 4,2 triệu lượt khách du lịch. Mười năm trước đó, năm 2009, số lượng khách du lịch đến Sabah mới chỉ dừng ở con số 2,2 triệu lượt, trong đó riêng khách nội địa đã chiếm tới gần 1,7 triệu, khách quốc tế chỉ đạt 500.000 lượt. Chỉ trong mười năm, số lượng khách tới Sabah đã tăng gần gấp đôi (>190%) cho thấy sức hút không nhỏ của điểm đến này.
Để có được sự thành công như hiện nay, chính quyền Sabah đã phải đối mặt với rất nhiều vấn đề, đặc biệt trong số đó phải kể đến tình trạng khai thác gỗ không kiểm soát từ 30 năm trước, bên cạnh đó việc chặt phá rừng bừa bãi để biến đất rừng thành những đồn điền trồng cọ vẫn còn tiếp tục xảy ra vài năm gần đây. Không chỉ có vậy, nạn đánh bắt cá bằng thuốc nổ đã hủy hoại nghiêm trọng môi trường nước và thủy sản tại các hệ thống sông, hồ trong bang. Rừng bị phá hủy, săn bắn động vật ồ ạt cũng dẫn đến việc một số loài động vật hoang dã không còn môi trường sống, một số loài như đười ươi, cá mập sông, khỉ vòi…bị đưa vào danh sách có nguy cơ tuyệt chủng, loài tê giác Samutra bị tuyên bố tuyệt chủng đầu năm 2015.
Quyết tâm, ngăn chặn tình trạng này, Chính phủ bang đã đầu tư nguồn lực phát triển du lịch, đưa du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng của bang, đồng thời tạo việc làm cho người dân, ổn định xã hội. Năm 2008, Chính phủ bang Sabah đã lập ra Hành lang phát triển Sabah với tổng số vốn đầu tư 105 tỷ ringgit với nhiệm vụ nâng cấp hạ tầng nhằm phát triển du lịch; xóa nạn đói nghèo bằng các lớp đào tạo ngắn – dài hạn đối với người dân địa phương, nâng cao nhận thức cộng đồng trong việc bảo vệ môi trường, hướng dẫn người dân địa phương tổ chức các hoạt động du lịch cộng đồng, đào tạo các kỹ năng cung cấp dịch vụ du lịch… Từ khi thành lập Hành lang vào năm 2008, GDP của bang Sabah tăng đến 10,7%, cao hơn tốc độ tăng trưởng kinh tế quốc gia là 4,8%. Hiện nay, du lịch đã trở thành ngành kinh tế quan trọng thứ ba tại Sabah sau nông nghiệp và khai thác dầu mỏ.
Bộ Du lịch, Văn hóa và Môi trường Sabah cũng đã xây dựng Chiến lược phát triển du lịch của bang. Chiến lược tập trung vào ba nhóm vấn đề chính gồm:
– Chính sách phát triển du lịch
– Sản phẩm du lịch
– Chương trình phát triển du lịch bền vững
+ Chính sách phát triển du lịch Sabah, được xây dựng chủ yếu dựa trên các nguyên tắc phát triển sinh thái. Lấy du lịch sinh thái là thế mạnh và là trọng tâm phát triển du lịch toàn bang, đặc biệt chú trọng công tác quản lý bền vững các nguồn tài nguyên dựa theo thứ tự ưu tiên của tài nguyên. Chính sách nhấn mạnh vào 3 yếu tố:
1, Sự phát triển phải phù hợp với cơ sở tài nguyên của bang, ưu tiên những tài nguyên độc đáo, riêng có.
2, Sự phát triển phải giảm thiểu tối đa tác động tới văn hóa, xã hội và môi trường.
3, Du lịch phải mang lại lợi ích cho cộng đồng địa phương, đặc biệt là những người ở khu vực nông thôn.
+ Sản phẩm du lịch: Chính sách phát triển du lịch của Sabah nêu rõ những sản phẩm du lịch được xây dựng và phát triển phải có ba tính năng sau:
1, Đối với môi trường phải có tác động trực tiếp hoặc gián tiếp vào công tác bảo tồn thiên nhiên, môi trường.
2, Đối với cộng đồng, phải có tác động trực tiếp hoặc gián tiếp bao gồm cơ hội có việc làm, tăng thu nhập cho cộng đồng địa phương, đặc biệt là những người ở khu vực nông thôn.
3, Đối với kinh tế, khuyến khích các hộ gia đình, người dân địa phương tham gia cung cấp sản phẩm và dịch vụ du lịch.
+ Chương trình phát triển du lịch bền vững: Để có thể phát triển du lịch bền vững, chiến lược phát triển du lịch Sabah cũng nêu rõ 5 nhiệm vụ phải thực hiện, đó là:
1, Tăng cường truyền thông, quảng bá, giới thiệu Sabah như một điểm đến du lịch sinh thái hàng đầu.
2, Đầu và phát triển cơ sở hạ tầng, vật chất kỹ thuật. Mỗi năm lên kế hoạch đầu tư theo thứ hạng ưu tiên.
3, Mở rộng mạng lưới các khu vực được bảo vệ và bổ sung các quy định,chính sách phù hợp cho công tác bảo vệ môi trường, tài nguyên thiên nhiên.
4, Cung cấp, phổ biến thông tin về chiến lược, chính sách…để các nhà đầu tư và người dân có thể chủ động phát triển doanh nghiệp cũng như mô hình kinh doanh phù hợp
5, Nâng cao năng lực nguồn nhân lực bao gồm: nguồn nhân lực phục vụ công tác quản lý nhà nước, điều hành du lịch, quản lý điểm đến; nguồn nhân lực từ cộng đồng…thông qua các cuộc hội thảo và các khóa đào tạo chuyên đề.
Bên cạnh Chiến lược phát triển du lịch được Bộ Du lịch, Văn hóa và Môi trường Sabah xây dựng và thực hiện. Chính quyền bang Sabah cũng đã đưa ra Kế hoạch hành động và chiến lược Sabah (2012-2022) trong đó nêu rõ những nhiệm vụ sẽ thực hiện trong 10 năm kể từ năm 2012. Kế hoạch hành động và Chiến lược Sabah tập trung vào 5 nhóm vấn đề chính gồm:
– Thu hút sự tham gia của người dân
– Giảm tải áp lực đối với môi trường sinh thái
– Lập các phương án phục hồi cho hệ sinh thái
– Nâng cao nhận thức trong cộng đồng
– Nâng cao năng lực để quản lý
Thu hút sự tham gia của người dân:bằng nhiều hình thức trong đó tập trung cung cấp đầy đủ thông tin cho người dân về thực trạng kinh tế, du lịch, xã hội về những địa điểm cần bảo vệ, bảo tồn và cả những kế hoạch đã, đang và sẽ triển khai thực hiện qua các trang mạng, tuyên truyền vận động tại chỗ… Từ đó, người dân, cộng đồng địa phương và các doanh nghiệp có được cái nhìn tổng thể và có thể chủ động lên phương án đầu tư, tham gia kinh doanh…
Tăng cường các chương trình, phương án bảo tồn dựa vào cộng đồng.
Để người dân địa phương tham gia vào Ban quản lý của các Khu bảo tồn.
Giảm tải áp lực đối với môi trường sinh thái: bằng các biện pháp và chương trình hỗ trợ vốn cho người dân tham gia sản xuất nông nghiệp. Hướng dẫn người dân các phương pháp chế biến nông, lâm sản để tạo việc làm, tăng thu nhập, hạn chế việc chặt phá rừng và săn bắn trộm.
Để ngăn chặn tình trạng đánh bắt thủy sản bừa bãi bằng thuốc nổ gây tổn hại lớn tới môi trường nước, hệ sinh thái, Kế hoạch hành động được chính quyền bang Sabah đưa ra cũng nêu rõ các phương án hướng dẫn người dân các nuôi, thả thủy hải sản trong môi trường tự nhiên, đồng thời quy hoạch khu vực cho phép triển khai hoạt động này.
Lập các phương án phục hồi cho hệ sinh thái: để phủ lấp những khoảng rừng đã bị chặt phá, khai thác gỗ trong một thời gian dài. Chính quyền bang Sabah cũng tạo một quỹ trồng rừng kêu gọi sự hỗ trợ từ nhà nước và doanh nghiệp. Bên cạnh đó, chính quyền Sabah cũng cho phép các doanh nghiệp, người dân đầu tư các khu nhà nghỉ sinh thái tại các công viên/khu vực rừng không nằm trong vùng lõi bảo vệ. Cách làm này vừa tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân lại tạo ra các điểm đến cho khách du lịch mà không làm ảnh hưởng tới các khu vực cần bảo vệ.
Nâng cao nhận thức trong cộng đồng: Hàng năm, theo Kế hoạch hành động đều có những lớp nâng cao nhận thức cho cộng đồng về các vấn đề liên quan đến môi trường, xã hội, hệ sinh thái và các lớp đào tạo, hướng dẫn nghề..
Nâng cao năng lực để quản lý: Tăng cường các hoạt động nghiên cứu, thực hiện định kỳ hoạt động thanh kiểm tra và báo cáo kết quả thực hiện theo quý.
Với Chiến lược phát triển du lịch và Kế hoạch hành động cụ thể của Chính quyền bang Sabah. Chỉ trong 10 năm, số lượng khách du lịch đến với Sabah đã tăng trưởng gần gấp đôi, song thành công lớn nhất không phải là số lượng khách tăng mạnh mà chính là việc chuyển đổi nền kinh tế từ việc dựa vào khai thác gỗ, trồng cọ sang du lịch. Công tác này không chỉ giúp bảo vệ được môi trường, nguồn nước, hệ động thực vật tại Sabah mà còn tạo việc làm cho người dân, từng bước hướng tới việc phát triển bền vững và đưa Sabah thực sự trở thành một điểm đến hàng đầu về du lịch sinh thái tại Malaysia và khu vực.
Tài liệu tham khảo:
- Tài liệu chương trình Asean Toursim Human Resources Management and Development for Ecotourism Programme 2018.
- https://www.sabahtourism.com/statistics/
- https://www.ttrweekly.com/site/2019/10/sabah-now-an-ecotourism-hotspot/
- https://www.pemandu.org/2019/09/06/going-green-sabahs-ecotourism-industry-going-on-strong/
- https://www.responsibletravel.com/holidays/sabah/travel-guide/sabah-responsible-tourism-issues
Ths. Nguyễn Lan Hương – Viện Nguyên cứu Phát triển Du lịch