Hướng dẫn Hỏi đáp Quy định
  • EnglishEnglish
  • Kinh nghiệm phát triển du lịch gắn với loài hoa ở quốc tế

    Du lịch hoa là loại hình du lịch mang tính nhân văn cao. Du lịch hoa không chỉ nhắm tới giá trị các loài hoa trong tự nhiên mà còn được hiểu theo nghĩa rộng là các công viên hoa chuyên đề, các làng hoa, cây cảnh truyền thống đặc trưng của mỗi quốc gia, mỗi vùng miền, nơi có các đặc trưng địa lý khác nhau… Bài viết biên tập một số mô hình quốc tế về phát triển du lịch gắn với các loài hoa có hoàn cảnh và điều kiện tượng đồng với Việt Nam, từ đó đưa ra bài học áp dụng vào thực tế.

    Từ khóa: Du lịch hoa, kinh nghiệm phát triển du lịch gắn với loài hoa.

    Kinh nghiệm phát triển du lịch nông nghiệp gắn với loài hoa ở Hà Lan 

    Hà Lan có khoảng 2 triệu ha đất nông nghiệp, bình quân diện tích đất canh tác khoảng 0,058 ha/người – thuộc mức thấp nhất của thế giới. Vì thiếu diện tích đất, nước canh tác cho nên chính quyền đã thực thi chiến lược “đầu tư cao – sản xuất nhiều” để phát triển thủy lợi và hệ thống nhà kính, trồng các loại hoa, rau, củ, quả… cung cấp cho nhu cầu trong nước và xuất khẩu. 

    Theo số liệu của Tổ chức Lương thực thế giới (FAO), trong nhiều năm, Hà Lan có nhiều mặt hàng xuất khẩu đứng top 2 thế giới, như hoa tươi, cây cảnh trong chậu, cà chua, khoai tây, hành tây, hạt giống… Sản xuất nông nghiệp Hà Lan được cơ giới hóa và ứng dụng khoa học công nghệ cao, sản xuất ngoài trời chỉ chiếm 6% diện tích đất nông nghiệp, sản xuất trong nhà kính rất phát triển. Ở Hà Lan, 40% nhà kính dùng để trồng rau, 35% trồng hoa, 20% trồng cây ăn quả, hiệu quả cao hơn 5 – 6 lần so với trồng ngoài trời.

    Năm 2018, tổng kim ngạch xuất khẩu bao gồm hàng hoá nông nghiệp Hà Lan đạt 100,8 tỷ euro – lần đầu tiên trong lịch sử vượt mốc 100 tỷ euro, riêng xuất khẩu nông sản đạt kỷ lục 91,7 tỷ euro (112 tỷ USD) năm 2018, vượt mức kỷ lục năm 2017 hơn 7%.

    Điều đáng lưu ý, nền nông nghiệp phát triển như vậy nhưng tỷ trọng chỉ chiếm 1,6% GDP và chỉ chưa đến 1,5% dân số Hà Lan làm nghề nông. Kim ngạch xuất khẩu nông sản của Hà Lan năm 2018 đứng sau Mỹ, nhưng hiệu quả và tính cạnh tranh lại cao nhất thế giới; năng suất lao động tuy thấp hơn Mỹ một chút, nhưng hiệu suất đất thì cao hơn hẳn mọi quốc gia trên thế giới.

    Xuất phát điểm từ năm 1960, đã thành truyền thống tháng Tư hàng năm, các khu nhà kính Hà Lan mở cửa miễn phí thăm quan. Ngày này gọi là Komindeskas – “Thăm nhà kính”. Hàng năm vào ngày 1/4-2/4 là hai ngày duy nhất người Hà Lan có thể thăm các khu nhà kính nông nghiệp trên toàn quốc. 

     Sẽ có hơn hai trăm khu trồng rau, hoa và cây thuộc 12 vùng của Hà Lan tham dự, dự kiến đón trên 200 nghìn lượt khách tới tham quan trải nghiệm.

    Trong ngày Komindekas, các khu nhà kính trở thành điểm thăm quan hấp dẫn, thu hút sự chú ý của trẻ em, thanh niên, người già và khách quốc tế về những điểm mạnh của nền nông nghiệp hiện đại.

    Du lịch NNUDCNC còn có mục đích quảng bá thương mại. Có rất nhiều khách du lịch quốc tế xếp hàng vào tham quan. Ngay tại các khu tham quan, người chỉ dẫn cho khách đều nói được tiếng Anh, nhiệt tình giải thích mọi câu hỏi nếu có. Khách quốc tế biết thêm cách làm vườn, làm nông tuy tưởng đơn giản mà rất tinh vi và hiện đại của Hà Lan, mà còn thiết đãi khách trái cây, rau, củ, quả tại vườn, chế biến thành các món ăn nhẹ, phục vụ thực khách, mà còn lập các khu trưng bày, góc vui chơi với các trò vui nhộn, thông minh, hấp dẫn

    Tại các khu nhà kính, chủ vườn hào phóng phô bày không chút giấu giếm tất cả sự kỳ diệu về công nghệ làm vườn trong nhà kính. Các doanh nghiệp đầu ra cũng được mời đến, trình diễn các mẫu hàng làm từ nông sản nhà kính: để quảng cáo hoa, các quầy tư nhân bày ra tranh vẽ lấy cảm hứng từ hoa, củ, quả, thời trang theo phong cách sắc màu rực rỡ; về quảng bá quả, các nhà hàng nấu tại chỗ các món ăn nhẹ; để giới thiệu các loại củ, đầu bếp chế biến sinh tố, trộn sa lát phục vụ ngay khách thăm….

    Các khu nhà kính không chỉ thu hút trẻ em, khách lớn tuổi mà còn hấp dẫn cả thanh niên. Đây là khu vực tạo công ăn việc làm hấp dẫn, nhiều thanh niên Hà Lan đến đây để tìm cơ hội việc làm.

    Các nông dân, chủ vườn và người làm công tự nguyện tham gia phục vụ hoạt động này tại khu nhà kính. Khách tham quan được hỗ trợ xe bus đi lại tới khu vực tham quan hoặc có thể đi bộ, đi xe đạp để di chuyển giữa các khu nhà kính. Tại khu trưng bày cuối cùng, khách sẽ được mua các sản phẩm nông nghiệp với giá ưu đãi, đây chính là điều mà các thực khách và gia đình mong chờ sau cả chuyến tham quan.

    Đơn cử tại 10 khu nhà kính vùng Westland, quê hương của Komindekas, cách thành phố La Hay gần 20 km, đơn vị tổ chức bố trí hàng chục xe bus đưa đón chở khách vào điểm thăm quan, tiếp đón chu đáo với 10 trang trại rộng lớn, được đánh số, chỉ dẫn rõ ràng chủ yếu là các khu nhà kính hoa và rau củ. Mỗi khu có gian trưng bày bên ngoài và bên trong là vườn canh tác.

    Kinh nghiệm phát triển du lịch hoa Đài Loan: Nông trại hoa du lịch

    Đài Loan đang phát triển mạnh mẽ lĩnh vực du lịch nông nghiệp. Với loại hình dịch vụ này, du khách sẽ được tận hưởng bầu không khí dễ chịu, trải nghiệm các loại hình du lịch gắn với nông nghiệp, đồng thời thưởng thức nhiều sản vật địa phương.

    Khoảng 40 năm trước, nền nông nghiệp của Đài Loan tương đương với nền nông nghiệp Việt Nam hiện nay: Thiên về sản xuất, chưa có chế biến và thương hiệu… Tuy nhiên, sau khi áp dụng mô hình Du lịch nông nghiệp Nông nghiệp chuyển đổi từ mô hình nông nghiệp truyền thống sang mô hình nông nghiệp kết hợp giải trí, trải nghiệm đã tạo nên làn sóng du lịch nông nghiệp Đài Loan. Các khu vực du lịch nông nghiệp được xây dựng dựa trên nền tảng cụm kinh tế và các trang trại du lịch tư nhân. Đây được coi là một bài học đi trước rất hữu ích cho Việt Nam.

    Một số địa điểm du lịch nông nghiệp nổi tiếng tại Đài Loan:

    Trang trại Hoa Lộ: Hay câu chuyện làm Du lịch nông nghiệp của trang trại Hoa Lộ – Đài Loan với hơn 20 năm kinh nghiệm. Trang trại trồng 400 loài hoa và không chỉ để bán ra thị trường, chủ trang trại còn dùng 400 loài hoa này dùng để chế tạo thành tinh dầu thu hút khách du lịch. 

    Tại Đài Loan có triết lý du lịch nổi tiếng: “Khi còn nhỏ, những đứa trẻ đến nông trại để vui chơi. Lúc trưởng thành đến nông trại để lưu giữ những khoảnh khắc quan trọng. Về già tới nông trại để nghỉ ngơi”.

    Tới đây, du khách được tự tay trải nghiệm các công đoạn làm nghề truyền thống như: làm đồ sứ, làm các loại dầu, hái chè… và đặc biệt là là nhuộm vài bằng cây làm thảo. Vải có màu làm thảo mang một sắc màu đặc trưng.

    Nhìn chung du lịch nông nghiệp tại Đài Loan góp phần gia tăng cho kinh tế địa phương, được nhiều người đánh giá là “kỳ tích xanh”. 

    Kinh nghiệm phát triển du lịch hoa ở Trung Quốc: Chương trình Du lịch làng quê tỉnh Quảng Tây, khởi động từ năm 2006, phát triển du lịch nông thôn thành một ngành có quy mô lớn dựa vào ưu thế về cảnh quan sinh thái, khả năng làm du lịch từ nông nghiệp và các làng quê. 

    Nằm ở phía Nam Trung Quốc, có đường biên giới với 4 tỉnh Cao Bằng, Hà Giang, Lạng Sơn và Quảng Ninh của Việt Nam, tỉnh Quảng Tây có nhiều tiềm năng phát triển du lịch hoang sơ gắn với phát triển nông nghiệp công nghệ cao, cũng như thúc đẩy hợp tác về du lịch văn hóa, nông nghiệp, thương mại chuyên về các loài hoa.

    Trung Quốc lấy chủ đề du lịch của năm là “Du lịch làng quê”. Du lịch làng quê của Quảng Tây đã tìm ra được hướng đi riêng cho chính mình, từng bước hình thành một ngành có quy mô lớn.

    Các cấp ngành Du lịch Quảng Tây đã mạnh dạn sáng tạo, chủ động nỗ lực phát huy tiềm năng du lịch, ưu thế về cảnh quan sinh thái và ưu thế ngành, đẩy mạnh khai thác khả năng làm du lịch từ nông nghiệp và các làng quê, phát triển du lịch làng quê và đã đạt được những thành quả nổi bật. 

    Trên địa bàn Quảng Tây có tổng cộng 8 đơn vị đạt danh hiệu thôn xã du lịch cảnh quan đặc sắc cấp nhà nước, 36 đơn vị đạt danh hiệu thôn xã du lịch cảnh quan đặc sắc cấp tỉnh (khu), 202 cơ sở thí điểm du lịch nông thôn, 4 huyện thí điểm du lịch nông thôn cấp nhà nước… Đồng thời phát triển và nhân rộng ra nhiều mô hình, sản phẩm du lịch hoa độc đáo. Cục Du lịch khu tự trị Quảng Tây cũng đã phân bổ nguồn vốn 6 triệu Nhân dân tệ để xây dựng quy hoạch du lịch nông thôn và phát triển du lịch nông nghiệp gắn với các loài hoa, giúp cộng đồng xoá đói giảm nghèo và trích 2 triệu Nhân dân tệ đưa bản người Dao, huyện tự trị tộc người Dao Kim Tú phát triển thành điểm du lịch nông thôn gắn với hoa kiểu mẫu.

    Du lịch nông nghiệp, nông thôn Quảng Tây đã thu hút gần 1 triệu lao động, tổng thu nhập bình quân đầu người đạt 15.000 Nhân dân tệ/năm, hiệu quả giải quyết việc làm và xoá đói giảm nghèo tăng lên rõ rệt. Ngoài ra, ngành Du lịch gắn với phát triển loài hoa của địa phương  đã phát huy những tác dụng tích cực đối với phát triển đô thị, xây dựng nông thôn mới và thay đổi cơ cấu sản xuất nông nghiệp.

    Các bài học kinh nghiệm phát triển du lịch nông nghiệp gắn với loài hoa tại Quảng Tây là:

    Một là, trên cơ sở cảnh quan làng quê, đồng ruộng hoa và những sản phẩm nông nghiệp đặc trưng, xác định “mỗi làng một nghề”, “mỗi thôn một sản phẩm”, “mỗi nhà một điểm sáng”, phát triển các vùng nông nghiệp sinh thái và du lịch làng quê. Đến nay, Quảng Tây đã xây dựng được 100 thôn thí điểm theo mô hình “mỗi thôn một sản phẩm”, trong đó có trên 50 thôn kết hợp thành công phát triển nông nghiệp với du lịch làng quê, trở thành một kênh quan trọng trong việc tạo công ăn việc làm và xoá đói giảm nghèo cho người dân.

    Tại khu Hạ Luân, huyện Liễu Giang, nhà nhà đều trồng sen, nhờ phối hợp với những điều kiện du lịch sẵn có như núi đá, cây đa, khu nhà cổ, rừng trúc tự nhiên, Hạ Luân đã phát triển thành công loại hình du lịch làng quê, đưa sản phẩm sen xuất sang Mỹ, Nhật, Hồng Kông, Đài Loan, Ma Cao… Năm 2018 lượng khách du lịch Hạ Luân đạt trên 300.000 lượt người, thu về trên 6 triệu Nhân dân tệ, trở thành một thôn điển hình theo mô hình “mỗi thôn một sản phẩm”.

    Hai là, trên cơ sở ưu thế các hội chợ nông nghiệp, khu công nghệ nông nghiệp xây dựng các điểm du lịch và các sản phẩm du lịch, bằng các hoạt động du lịch phong phú, đa dạng như tìm hiểu lịch sử ngành nông nghiệp, học tập kỹ thuật trong nông nghiệp và cung cấp kiến thức về nông nghiệp cho khách thập phương. Đến nay, trên địa bàn khu đã có một loạt các khu nông nghiệp hiện đại, đồng thời là những khu du lịch nông thôn nổi tiếng, như: Cơ sở nông nghiệp hiện đại Bát Quế làm tăng thu nhập cho 12.000 hộ gia đình ở 250 thôn, xã.

    Ba là, phát triển xây dựng thương hiệu các thôn, xã trên cơ sở phát triển du lịch làng quê. Mỗi năm chính quyền khu đầu tư trên 10 triệu Nhân dân tệ đẩy mạnh công trình “trăm thôn kiểu mẫu”, xây dựng nông thôn mới trên cơ sở phát triển du lịch nông thôn, đến nay đã xây dựng thành công trên 500 thôn, và mang lại những kết quả đáng mừng. Ví dụ như một loạt điểm nghỉ dưỡng với thương hiệu du lịch sinh thái ở huyện tự trị người Dao Ba Mã, con đường du lịch tại thị trấn Bạch Sa huyện Dương Sóc…

    Bài học rút ra từ việc học hỏi kinh nghiệm phát triển du lịch gắn với các loài hoa.

    Trang trí những không gian hoa tạo nét độc đáo ngay từ sân bay, đường cao tốc dẫn đến các tỉnh, thành phố, hay các khu du lịch, điểm du lịch.

    Đầu tư chiều sâu theo quy hoạch mở rộng không gian vườn hoa và xây dựng vườn thực vật có những loài hoa cao cấp và độc đáo; 

    Trồng cây đường phố mang sắc thái riêng của từng vùng, từng khu vực; 

    Phát triển thương hiệu hoa để quảng bá cho hình ảnh du lịch cho điểm đến; 

    Bồi dưỡng lực lượng lao động ở các làng hoa trở thành những chuyên gia nông nghiệp đồng thời là hướng dẫn viên du lịch; 

    Tập trung sản xuất hoa theo hướng công nghệ cao, tạo ra sản phẩm đồng nhất và mang tính ổn định bền vững, có chính sách tín dụng chuyên đề cho ngành hoa… 

    Ngoài ra, du lịch hoa gắn với phát triển bền vững, nên sản xuất rau hoa không chỉ rau, hoa công nghệ cao mà là rau, hoa sạch. Vì vậy, cần tránh sử dụng lượng thuốc bảo vệ thực vật nhiều, tạo nên không khí khó chịu trong làng hoa, vườn hoa, ảnh hưởng đến du khách. Ví dụ khách khi tham gia vào các tour tham quan làng hoa sẽ có nhu cầu được xem các công đoạn của nghề trồng hoa từ làm đất, bón phân, xuống giống, thu hoạch…

    TÀI LIỆU THAM KHẢO

    1. Dự án “Hỗ trợ tỉnh Lâm Đồng xây dựng mô hình phát triển nông nghiệp theo hướng tiếp cận đa ngành và cải thiện môi trường đầu tư trong nông nghiệp”. Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam phối hợp với Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản –  UBND tỉnh Lâm Đồng. (2015).
    2. “Lợi ích của du lịch nông nghiệp ở San Diego – nông nghiệp” – Tác giả Ramiro E. Lobo nghiên cứu California tháng 10 – 12 năm 1999.
    1. http://www.foodieandtours.com/blog/food-tourism-2015-infographic/
    2. http://edition.cnn.com/2016/12/04/foodanddrink/vietnam-ho-chi-minh-city-street-food/
    3. http://cf.cdn.unwto.org/sites/all/files/pdf/food_tourism_report.pdf

    Trần Thị Lan

    Phòng TT,SP&QLKH

    Bài cùng chuyên mục