Khai thác và quản lý giá trị di sản thích ứng trong xu hướng phát triển du lịch mới
Là một trong những quốc gia Đông Nam Á có nhiều di sản, trong những năm vừa qua Việt Nam đã khai thác khá tốt giá trị của những di sản này phục vụ phát triển du lịch. Tuy nhiên có thể thích ứng trong xu hướng phát triển mới thì còn nhiều điều phải thực hiện.
I. Thực trạng khai thác giá trị di sản phục vụ phát triển du lịch ở Việt Nam
Không tính hàng trăm di tích được công nhận cấp quốc gia, cấp tỉnh và danh sách dài di sản văn hóa phi vật thể, chỉ tính những di sản của Việt Nam được UNESCO công nhận, thì Việt Nam cũng là một trong những quốc gia có số lượng di sản được công nhận cao tại Đông Nam Á. Không chỉ có vậy, Việt Nam còn tự hào bởi tính đa dạng khi có đủ cả di sản văn hóa, di sản thiên nhiên và hỗn hợp. Cụ thể danh sách 08 di sản gồm:
Di sản văn hóa gồm: Cố đô Huế (1993); Phố cổ Hội An (1999), Thánh địa Mỹ Sơn (1999); Hoàng thành Thăng Long (2010), Thành nhà Hồ (2011).
Di sản thiên nhiên gồm: Vịnh Hạ Long (1994, 2000), Vườn quốc gia Phong nha Kẻ Bàng (2003, 2015)
Di sản hỗn hợp: Quần thể danh thắng Tràng An (2014)
Trong những năm vừa qua, ngành du lịch Việt Nam đã khai thác và sử dụng giá trị của 8 di sản này để phát triển du lịch và đạt được thành tựu đáng khích lệ. Đặc biệt trong số đó những di sản như Vịnh Hạ Long, Phố cổ Hội An, Cố đô Huế và Quần thể danh thắng Tràng An là những địa điểm thu hút khách du lịch lớn ở Việt Nam. Vịnh Hạ Long, Phố Cổ Hội An hay Vườn quốc gia Phong Nha Kẻ Bàng còn giúp Việt Nam được nhắc đến và ghi danh trên bản đồ du lịch thế giới với nhiều giải thưởng và bình chọn danh giá đến từ những chuyên trang du lịch uy tín.
Năm 2019, số lượng khách du lịch đến tỉnh Thừa thiên Huế đạt 4,81 triệu lượt, doanh thu từ du lịch ước đạt 4,945 tỷ đồng. Trong đó, khách đến thăm quan Quần thể di tích cố đô Huế đạt gần 3,33 triệu lượt. Số lượng khách du lịch đến phố cổ Hội An đạt 5,35 triệu lượt, doanh thu từ ngành du lịch – thương mại và dịch vụ đạt 8.563 tỷ đồng. Tổng lượng khách du lịch đến tỉnh Ninh Bình đạt 7,65 triệu lượt khách, doanh thu từ du lịch đạt 3.600 tỷ đồng. Trong đó số lượng khách du lịch đến Quần thể danh thắng Tràng An đạt gần 6,33 triệu lượt. Tỉnh Quảng Ninh đón 14 triệu lượt khách, trong đó khách đến tham quan Vịnh Hạ Long đạ 4,4 triệu, doanh thu từ du lịch toàn tỉnh ước đạt 29.457 tỷ đồng.
Không chỉ là những con số về số lượng khách hay doanh thu. Các di sản còn gián tiếp đưa tên Việt Nam đến với thế giới, khẳng định giá trị của di sản Việt Nam trên bản đồ di sản toàn cầu và bản đồ du lịch thế giới. Những giải thưởng và vinh danh mà di sản thế giới của Việt Nam đã nhận được có thể kể đến như:
Năm 2017, tạp chí Travel & Leisure bình chọn Hội An là một trong 15 điểm đến đô thị hàng đầu thế giới. Tạp chí The Culture Trip công bố danh sách 12 thành phố Châu Á nên đến ít nhất một lần trong đời, trong có Phố Cổ Hội An. Năm 2017 – 2018: Hội An lọt vào vòng chung kết cuộc thi thành phố Xanh giai đoạn 2017 – 2018 do WWF tổ chức. Năm 2018: tạp chí Travel & Leisure tiếp tục bình chọn Hội An là một trong 15 thành phố được yêu thích nhất thế giới đồng thời được bình chọn là một trong những điểm du lịch hàng đầu Châu Á. Năm 2019: Hội An lọt danh sách 50 điểm đến tốt nhất trên toàn cầu do tạp chí Travel & Leisure bình chọn. CNN bình chọn Hội An là một trong những địa điểm có kiến trúc và cảnh quan lãng mạn nhất thế giới. Chuyên trang du lịch Travel Triangle bình chọn Hội An là một trong 10 điểm du lịch hè lý tưởng nhất năm 2019. Năm 2020: Hội An tiếp tục lọt danh sách danh sách 25 thành phố tuyệt vời nhất thế giới do tạp chí Travel & Leisure bình chọn. Trang Pretty Wild World công bố danh sách 10 địa điểm du lịch hấp dẫn nhất Châu Á năm 2020, phố cổ Hội An đứng vị trí thứ 5 trong danh sách này.
Năm 2011, tổ chức New Open World đã công bố vịnh Hạ Long của Việt Nam là một trong bảy kỳ quan thiên nhiên mới của thế giới. Năm 2017, kênh CNN đã xếp hạng Vịnh Hạ Long là một trong 50 kỳ quan thiên nhiên đẹp nhất thế giới. Năm 2020, tạp chí Insider (Mỹ) bình chọn Vịnh Hạ Long là một trong 50 kỳ quan thiên nhiên đẹp nhất thế giới. Hostelworld – Nền tảng đặt phòng khách sạn và tin tức du lịch uy tín của Mỹ cũng bình chọn vịnh Hạ Long là một trong 20 địa điểm du lịch bụi tốt nhất năm 2020.
Năm 2014, Thời báo New York đã xếp Sơn Đoòng vào danh sách những điểm đến nên khám phá. Năm 2019, tạp chí Telegraph (Vương quốc Anh) bình chọn hang Sơn Đoòng là một trong 11 địa điểm tuyệt vời nhất thế giới đã được phát hiện trong thế kỷ mới. Năm 2020, tạp chí Insider (Mỹ) đã công bố danh sách 20 điểm đến khắp hành tinh phá vỡ kỷ lục thế giới tự nhiên trong đó có hang Sơn Đoòng. Conde Nast Traveler (Mỹ) đã xếp hạng hang Sơn Đoòng ở vị trí thứ hai trong danh sách 7 kỳ quan mới của thế giới năm 2020.
Những số liệu và thành tích kể trên có thể phần nào đã cho thấy giá trị của di sản có tác động rất lớn đối với việc thu hút khách du lịch, quảng bá điểm đến, xây dựng thương hiệu và khẳng định giá trị điểm đến. Nhận thức được tầm quan trọng này, ngành du lịch nói chung và cơ quan quản lý du lịch tại các địa phương có di sản nói riêng đã tập trung nguồn lực và đầu tư khai thác triệt để giá trị của di sản để thu hút khách du lịch. Thực tế này tuy đem lại nguồn thu lớn cho địa phương, đời sống người dân từ đó được cải thiện nhưng cũng mang đến những bất cập và ảnh hưởng tới di sản.
II. Những lợi ích và ảnh hưởng đến từ việc khai thác di sản phục vụ phát triển du lịch
Thực tế, di sản và du lịch có mối quan hệ tương tác và cần gắn bó với nhau. Bởi di sản là nền tảng góp phần làm phong phú, đa dạng và tăng giá trị của sản phẩm du lịch, còn du lịch lại góp phần quảng bá di sản, duy trì sự sống động của di sản. Ngoài ra, sự phối hợp giữa du lịch và di sản còn mang lại việc làm, cải thiện đời sống của người dân địa phương, tăng ngân sách địa phương. Từ nguồn ngân sách này, di sản lại có nguồn tài chính để tu bổ, bảo tồn, phát huy giá trị. Nói rõ hơn thì du lịch và di sản cần có nhau và nên gắn bó với nhau để dựa vào nhau cùng phát triển.
Tuy nhiên qua hoạt động thực tế tại các địa phương có di sản trong nhiều năm vừa qua, sự gắn bó này đem lại nhiều lợi ích cho du lịch trong khi di sản thường chịu thiệt. Lý do bởi chính quyền địa phương phải tập trung phát triển, nâng cấp cơ sở hạ tầng kỹ thuật để đáp ứng nhu cầu tăng nhanh của khách du lịch, việc xây dựng các công trình mới như cơ sở lưu trú, trung tâm mua sắm…. là điều không thể tránh khỏi. Không chỉ có vậy, số lượng khách du lịch tăng còn gây áp lực cho việc mở rộng đường, xây thêm cầu, bê tông hóa đường đi để thuận lợi cho khách du lịch…
Ví dụ như việc cho phép xây dựng thêm nhiều khách sạn, trung tâm thương mại bên bờ nam sông Hương (Huế) không chỉ phá vỡ cảnh quan cổ kính của cố đô mà còn gây áp lực tới khu vực đô thị cổ bởi gia tăng mật độ dân cư và khách du lịch. Sự phát triển thần tốc của du lịch Quảng Ninh đã gây sức ép lớn tới di sản Vịnh Hạ Long tới mức UNESCO đã phải cảnh báo. Lượng khách quá lớn mỗi ngày đặc biệt tại các điểm tham quan như động Thiên Cung, hang Sửng Sốt, hang Đầu Gỗ, đảo Ti tốp… kéo theo rác thải cả trên mặt đất và mặt biển. Để đảm bảo an toàn cho khách du lịch tham quan hang động, chính quyền phải xây dựng cầu thang, lắp thêm đèn chiếu sáng…điều này làm thay đổi môi trường, khí hậu độ ẩm của hang, gây tổn hại tới các nhũ thạch triệu năm. Lượng tàu bè đưa khách tham quan Vịnh Hạ Long quá lớn không tránh khỏi tác động tới môi trường nước, làm thay đổi và ảnh hưởng tới môi trường sống của sinh vật biển.
Những ví dụ nêu trên chỉ là điển hình, còn rất nhiều thực trạng khác đã và đang tiếp tục diễn ra tại các điểm đến di sản. Trong khi đó, một thực tế không thể không nhìn nhận đó là các di sản đều dễ bị tổn thương bởi chúng là các công trình cổ có niên đại hàng trăm đến hàng nghìn năm, những danh thắng/cảnh quan được thiên nhiên kiến tạo qua hàng triệu năm. Nếu không có định hướng rõ trong việc khai thác di sản thì những giá trị nghìn năm này khó có thể đáp ứng được nhu cầu khai thác và không thể đáp ứng xu hướng phát triển mới.
III. Để giá trị di sản thích ứng trong xu hướng phát triển mới
Đại dịch COVID đã, đang và sẽ tiếp tục ảnh hưởng tới mọi hoạt động của con người trên thế giới, trong đó du lịch là một trong những ngành chịu ảnh hưởng nặng nề nhất. Ngay cả khi một số quốc gia lớn hiện nay đã thực hiện việc áp dụng hộ chiếu vaccine để phục hồi ngành du lịch thì xu hướng du lịch trong thời gian tới vẫn sẽ có rất nhiều thay đổi trong cách nhìn nhận, tiếp cận và lựa chọn loại hình.
Tuy nhiên không hoàn toàn chỉ bởi đại dịch COVID mà việc thay đổi để thích ứng trong xu thế phát triển mới cũng là vấn đề không thể không làm khi cả thế giới bước vào kỷ nguyên số, đồng thời thực trạng khai thác tận thu di sản đã quá rõ ràng và gây tác động xấu những năm vừa qua.
Trên thế giới, rất nhiều quốc gia đã áp dụng công nghệ số để bảo tồn, phát huy giá trị di sản, điển hình có thể kể đến như Trung Quốc, Pháp. Với số lượng di sản được công nhận thuộc danh sách nhiều nhất thế giới, Trung Quốc và Pháp cũng là những quốc gia có số lượng khách du lịch lớn nhất. Vì thế để giảm tải cho các di sản, cơ quan quản lý du lịch đã sớm áp dụng công nghệ khoa học đối với việc bảo tồn di sản, kết hợp với phát triển du lịch. Di sản văn hóa hang đá Mạc Cao, hang đá Vân Cương đều là những di sản có niên đại hàng nghìn năm, việc chịu tác động của thời gian là điều không thể tránh khỏi. Điều này càng trở nên nghiêm trọng hơn khi lượng khách du lịch quá lớn tìm đến những di sản này. Để có thể khai thác giá trị di sản phục vụ du lịch, song song với việc bảo tồn, ngành du lịch Trung Quốc đã sớm áp dụng công nghệ 3D trong việc phục dựng, tái hiện hang động. Khách du lịch có thể tham quan hang động tại những khu vực cho phép, đối với vùng lõi và những khu vực đang chịu tác động khi con người tiếp cận, thay vì cho phép tham quan, du khách sẽ được ngắm nhìn qua hình ảnh 3D. Đối với một số di sản chỉ còn lại phế tích, ngành du lịch Trung Quốc cũng áp dụng việc tái hiện và phục dựng bằng công nghệ để du khách có cái nhìn chân thực nhất về di sản.
Để phân bổ số lượng khách du lịch tham quan, tránh tập trung cùng một khung giờ dẫn tới việc quá tải gây ảnh hưởng tới các di sản. Pháp áp dụng công nghệ đặt lịch trên ứng dụng và chỉ nhận giới hạn số lượng khách trong các khung giờ quy định. Ngoài ra để giảm bớt số lượng hướng dẫn viên hướng dẫn, các di sản và điểm tham quan quan trọng đều sử dụng công nghệ hướng dẫn viên ảo.
Từ những điển hình thành công đó, ngành du lịch Việt Nam cần học hỏi và có định hướng để giảm tải việc khai thác tận thu gây tác động xấu tới các di sản thế giới tại Việt Nam. Khi các di sản được bảo tồn tốt, thì chúng mới có khả năng phát huy giá trị phục vụ phát triển du lịch. Đặc biệt là xu hướng phát triển mới luôn đặt yếu tố bền vững lên hàng đầu. Đối với những di sản thiên nhiên như Vịnh Hạ Long hay hang Sơn Đoòng, có thể áp dụng công nghệ mua vé và đặt lịch tham quan trên ứng dụng, tránh việc quá tải khách du lịch vào cùng khung giờ. Khi hàng nghìn người cùng tham quan, đi lại, chụp ảnh, trong hang động thì việc gây mòn nền hang đá, nhũ đá và thay đổi nhiệt độ trong hang là điều không thể tránh khỏi. Đối với những di sản văn hóa như Thành nhà Hồ, Hoàng Thành Thăng Long hay Thánh địa Mỹ Sơn việc có thể sử dụng công nghệ 3D để tái hiện hình ảnh thời kỳ hoàng kim của các di sản sẽ giúp khách du lịch có thêm trải nghiệm và hiểu rõ hơn về di sản, thay vì chỉ tham quan một phế tích. Các nhà cổ hàng trăm năm tuổi và những công trình kiến trúc giá trị tại Hội An, cố đô Huế hiện nay phần nhiều đã trải qua trùng tu, sửa chữa, nếu khách du lịch có thể chiêm ngưỡng hình ảnh nguyên gốc của những công trình này bằng công nghệ tái hiện thì chúng sẽ sống động, hấp dẫn hơn. Bên cạnh đó, tại những di sản dễ bị tổn thương như bên trong hoàng thành Huế, các dịch quán, nhà cổ ở Hội An nên áp dụng công nghệ hướng dẫn viên ảo để giảm bớt số lượng người qua lại tác động tới di sản.
Việc áp dụng công nghệ số không chỉ là việc cần thiết để thích ứng trong xu hướng phát triển của kỷ nguyên 4.0 mà chúng còn đặc biệt phù hợp trước diễn biến dịch bệnh COVID. Khi chúng ta phải hạn chế tập trung đông người, phải có những hình thức tham quan, tìm hiểu từ xa và đặc biệt khi cả thế giới ngày càng quan tâm hơn tới yếu tố bền vững.
Tài liệu tham khảo:
– http://www.hanoimoi.com.vn/tin-tuc/Oto-xemay/988073/cong-nghe-ky-thuat-so-canh-tay-dac-luc-trong-cong-tac-bao-ton-di-san
– https://vietnamtourism.gov.vn/index.php/items/30957
– Chuyên trang di sản thế giới – Bộ VHTTDL
Trung tâm Tư vấn và Đào tạo Du lịch