Hướng dẫn Hỏi đáp Quy định
  • EnglishEnglish
  • Khai thác tiềm năng phát triển du lịch huyện Quốc Oai, Hà Nội

    Huyện Quốc Oai nằm cách trung tâm Thủ đô Hà Nội khoảng 20 km về phía Tây, phía Bắc giáp huyện Phúc Thọ và huyện Thạch Thất, phía Nam giáp huyện Chương Mỹ, phía Đông giáp quận Hà Đông và huyện Hoài Đức với ranh giới tự nhiên là sông Đáy, phía Tây giáp huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình. Địa hình nằm trong vùng chuyển tiếp giữa miền núi, trung du và đồng bằng, tổng diện tích tự nhiên 151,13 km2. Toàn huyện có 20 xã và 01 thị trấn gồm: 01 thị trấn Quốc Oai và 20 xã: Cấn Hữu, Cộng Hòa, Đại Thành, Đông Xuân, Đông Yên, Đồng Quang, Hòa Thạch, Liệp Tuyết, Nghĩa Hương, Ngọc Mỹ, Ngọc Liệp, Phú Cát, Phú Mãn, Phượng Cách, Tân Hòa, Tân Phú, Thạch Thán, Tuyết Nghĩa, Sài Sơn và Yên Sơn. với 95 thôn, tổ dân phố (trong đó có 02 xã miền núi là Phú Mãn và Đông Xuân), quy mô dân số khoảng 202.000 người

    Huyện có truyền thống là đơn vị “Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân”, có nền văn hóa xứ Đoài đặc sắc, đa dạng với các làng nghề truyền thống, các di tích, danh thắng, loại hình văn hóa phi vật thể nổi tiếng, độc đáo có giá trị văn hóa, lịch sử. Với đặc điểm, điều kiện tự nhiên, lịch sử, văn hóa, xã hội, huyện Quốc Oai có nhiều lợi thế, tài nguyên và tiềm năng để phát triển kinh tế, xã hội, đặc biệt là phát triển ngành Du lịch và Dịch vụ. Hiện nay, trên địa bàn Huyện có các lợi thế để phát triển các loại hình du lịch như: du lịch văn hoá lịch sử, du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng…Đối với du lịch văn hoá lịch sử, điểm nhấn là quần thể di tích quốc gia đặc biệt Chùa Thầy và Khu vực núi đá Sài Sơn, Hoàng Xá, Phượng Cách và di tích Quốc gia đặc biệt Đình So. Đối với du lịch sinh thái, Huyện có cảnh quan thiên nhiên rất đa dạng, phong phú như: hệ thống rừng, sông, suối, hồ đập tại các xã Đông Xuân, Phú Mãn, Hòa Thạch, Phú Cát…Quốc Oai còn là điểm đến hấp dẫn du khách với các cộng đồng làng bản gắn với các giá trị bản sắc văn hoá độc đáo của đồng bào dân Mường với Lễ hội Cồng chiêng tại xã Đông Xuân, Phú Mãn; lễ hội Chùa Thầy tại xã Sài Sơn; các di sản văn hoá phi vật thể như: Múa rối nước xã Sài Sơn 

    • Tiềm năng phát triển du lịch 

    Lợi thế địa hình bán sơn địa, đồng bằng xen lẫn đồi núi là món quà mà thiên nhiên đã ban tặng cho Quốc Oai có nhiều thắng cảnh đẹp tự nhiên để phát triển loại hình du lịch sinh thái, vui chơi, nghỉ dưỡng cuối tuần. Nơi đây còn là cái nôi của văn hóa xứ Đoài, có bề dày lịch sử, văn hóa,  với 220 di tích, trong đó có 2 di tích Quốc gia đặc biệt chùa Thầy, thuộc xã Sài Sơn và di tích Quốc gia đặc biệt đình So (xã Cộng Hòa); 29 di tích xếp hạng cấp quốc gia; 64 di tích xếp hạng cấp TP. Bên cạnh đó, Quốc Oai còn có nhiều loại hình văn hóa phi vật thể như: nghệ thuật tuồng ở Dương Cốc (xã Đồng Quang); chèo ở Đại Thành, hát Dô ở Liệp Tuyết, múa rối nước ở Sài Sơn, văn hóa cồng chiêng ở Phú Mãn, Đông Xuân… trở thành lợi thế thu hút khách du lịch đến Quốc Oai khám phá, trải nghiệm. Bên cạnh đó, khi đến với Quốc Oai, du khách còn có thể tham quan tổ hợp khu du lịch, sinh thái và vui chơi giải trí Tuần Châu Hà Nội cũng là điểm đến hấp dẫn với nhiều du khách, như biểu diễn cá heo, hải cẩu; chợ quê và đặc biệt là show diễn thực cảnh: “Tinh hoa Bắc Bộ”. Chương trình biểu diễn được dàn dựng công phu với nhiều tiết mục đặc sắc mang đậm nét dân gian truyền thống, trình diễn theo phong cách hiện đại, mang đến cho du khách những ấn tượng sâu sắc về văn hóa của vùng châu thổ sông Hồng. Ngoài ra, du khách có thể trải nghiệm các tour du lịch nông nghiệp, nông thôn theo hướng du lịch xanh tại các xã Đông Xuân, Phú Mãn, Tân Hòa… hoặc du lịch trải nghiệm, homestay tại xã Đông Xuân, Phú Mãn.

    Quốc Oai cũng là một trong những huyện có các loại hình văn hoá phi vật thể như; Hát Dô xã Liệp Tuyết, hát Chèo xã Đại Thành, nghệ thuật biểu diễn Tuồng thôn Dương Cốc xã Đồng Quang, hát Ví hàm rồng xã Tuyết Nghĩa, Nghệ thuật trình diễn múa Rối nước xã Sài Sơn, biểu diễn Còng chiêng xã Phú Mãn, Đông Xuân… Đây là kho tàng văn hoá truyền thống phi vật thể đang tiếp thêm sức mạnh cho du lịch trên địa bàn huyện Quốc Oai

    • Tài nguyên du lịch tự nhiên: 

    + Núi: Khu núi đá Sài Sơn, Hoàng Xá, Phượng Cách

    Núi đá Sài Sơn nằm ở huyện Quốc Oai, ngoại ô phía Tây của Hà Nội, và là một trong những điểm đến nổi tiếng cho thể thao mạo hiểm và tham quan thiên nhiên ấn tượng. Với độ cao khoảng 200m so với mặt biển, núi đá Sài Sơn không chỉ là một nơi tuyệt vời để leo núi và trải nghiệm, mà còn là một phần của quần thể di tích núi Hoàng Xá.

    Núi đá Sài Sơn được biết đến với các tuyến leo núi đa dạng, từ dành cho người mới bắt đầu đến những người có kinh nghiệm. Các tay leo núi tận hưởng thách thức của việc đối mặt với địa hình đa dạng, từ những vách đá đứng đắn đến các đỉnh núi trơn tru. Trên đỉnh núi, bạn sẽ tìm thấy một đền thờ thần núi, nơi mà người dân địa phương tới cúng dường và tôn vinh thần linh bảo vệ núi Sài Sơn. Đền thờ thần núi thường được trang hoàng tráng lệ với các lễ hội tôn vinh và cầu bình an. Ngoài việc leo núi, núi đá Sài Sơn còn là nơi lý tưởng cho các hoạt động ngoài trời khác như dạo chơi, cắm trại, và thậm chí cả nghỉ ngơi và ngắm cảnh. Đây cũng là nơi bạn có thể tận hưởng không khí trong lành và khám phá thiên nhiên hoang sơ khi đi du lịch Quốc Oai.

    Theo thuyết phong thuỷ núi Sài được xem như là con rồng lẻ đàn (quái long), xung quanh có 18 ngọn núi nhỏ chầu về “Thập bát tú sơn” là các con lân, phượng, quy, cóc… làm án ngữ cho tổ sơn Tản Viên. Khu núi đá hiện nay chỉ còn lại 11 ngọn núi sót nổi lên rải rác trong một vùng rộng thuộc địa bàn 4 xã Sài Sơn, Phượng Cách, Yên Sơn và thị trấn Quốc Oai, gồm có: Sài Sơn, Long Đẩu, Hoa Sơn, Phượng Hoàng, Kỳ Lân, Sơn Tượng, Hoàng Xá… Nổi tiếng nhất ngọn núi Sài Sơn (núi Thầy), có hình vòng cung cao khoảng 100m từ Sài Sơn kéo xuống tận Hoàng Xá với bán kính trên 3km. Trên núi có vườn thực vật lớn với nhiều loại cây cổ thụ hàng trăm năm tuổi, nhiều loại thuốc quý được thiên nhiên ban tặng. Núi Sài Sơn cũng có nhiều hang động nổi tiếng như: hang Cắc Cớ, hang Thánh Hoá, hang Gió; lại có Chợ Trời trên đỉnh.

    – Hang Cắc Cớ (Hang Thần) và Chợ Trời: Chợ Trời nằm trên đỉnh núi Sài Sơn, đứng đây có thể quan sát phong cảnh kỳ thú, nên thơ xung quanh. Từ chợ Trời men theo triền núi là tới cửa Cắc Cớ. Đây là một hang núi rất sâu, cửa hang nhỏ hẹp, tối và rất trơn, muốn vào hang phải có đèn đuốc. Trong hang có vòm núi rộng, hiện còn lưu giữ một bể xương người, tương truyền đây là nơi tuẫn tiết của nghĩa quân họ Lữ thời Triệu chống lại nhà Tây Hán thất bại.

    + Động Hoàng Xá

    Động Hoàng Xá là một quần thể di tích đặc biệt thuộc thị trấn huyện Quốc Oai, Hà Nội, nằm cách chùa Thầy chỉ chưa đầy 4 cây số. Động Hoàng Xá không chỉ nổi tiếng với vẻ đẹp thiên nhiên độc đáo mà còn mang trong mình nhiều giá trị lịch sử và văn hóa quan trọng.

    Nơi đây từng là nơi diễn ra cuộc khởi nghĩa Mỹ Lương tháng 12 năm 1854 do Cao Bá Quát lãnh đạo, và cũng là nơi lưu trữ ngân khố và đài phát thanh phụ sau khi đài chính bị địch tấn công trong các cuộc kháng chiến.

     

    Động Hoàng Xá vẫn duy trì được vẻ hoang sơ và tự nhiên từ hàng ngàn năm qua mà thiên nhiên đã tạo dựng. Nơi này cũng thường được đạo diễn sử dụng làm bối cảnh trong các bộ phim để thể hiện những khung cảnh thiên nhiên độc đáo mà nó sở hữu, nhằm quảng bá vẻ đẹp tự nhiên của nơi này.

    • Tài nguyên du lịch nhân văn:

    Huyện Quốc Oai nằm trong cái nôi văn hóa xứ Đoài với 57 lễ hội truyền thống và 220 di tích lịch sử văn hóa. Trong đó, 101 di tích đã được xếp hạng: 02 di tích Quốc gia đặc biệt, 29 di tích cấp Quốc gia, 70 di tích cấp Thành phố. Cùng với đó là nhiều công trình kiến trúc, điêu khắc nổi tiếng từ thời Lê, thời Lý như Đình So, Chùa Thầy, Đình Ngọc Than, Đình Sơn Trung, Quán Đồng Lư, Đình Cấn Thượng, Chùa Cấn Thượng, Chùa Lâm, Đình Phú Mỹ… Quần thể di tích, danh thắng chùa Thầy là một điểm du lịch hấp dẫn, thu hút hàng trăm nghìn lượt khách thăm quan, vãn cảnh mỗi năm. Bên cạnh đó, Quốc Oai còn có nhiều loại hình văn hóa phi vật thể như: nghệ thuật tuồng ở Dương Cốc (xã Đồng Quang); chèo ở Đại Thành, hát Dô ở Liệp Tuyết, múa rối nước ở Sài Sơn, văn hóa cồng chiêng ở Phú Mãn, Đông Xuân…

    – Di tích lịch sử – văn hóa:

    Điểm du lịch Di tích Quốc gia đặc biệt chùa Thầy (xã Sài Sơn) gắn với truyền thuyết về thiền sư Từ Đạo Hạnh đã được UBND Thành phố công nhận là Điểm du lịch

    + Quần thể di tích chùa Thầy

    Khu vực di tích chùa Thầy là một quần thể di tích kết hợp với cảnh quan của những ngọn núi thấp ở giữa vùng đồng bằng tạo nên một diện mạo linh thiêng mà kỳ vĩ, bao gồm các di tích: Khu vực núi đá Sài Sơn, Hoàng Xá, Phượng Cách; Quần thể di tích chùa Thầy; Các di tích trên núi động Hoàng Xá.

    Đây là một tổ hợp các công trình kiến trúc nằm ở chân núi Sài Sơn và trên các sườn của ngọn danh sơn này bao gồm các hạng mục: Chùa Thầy (Thiên Phúc Tự), Chùa Bối Am, Chùa Cao, Đền Thượng, Chùa Long Đẩu, Chùa Sài Khê, Đền Quán Thánh, Hang Cắc Cớ.

     “Chùa Thầy” là cách gọi thể hiện mối quan hệ khăng khít với sự tôn kính của người dân nơi đây với Thiền sư Từ Đạo Hạnh. Không chỉ tên chùa, mà cả tên núi, tên làng, tên tổng cũng được gọi là “Thầy”. Có nhiều tên gọi khác nhau gắn với quá trình hình thành và lịch sử chùa Thầy. “Hương Hải Am – 香 海 庵” chỉ ngôi chùa – am, nơi Từ Đạo Hạnh tu hành. “Bồ Đề Viện” là tên gọi ngôi chùa nơi từ Đạo Hạnh giảng kinh; “Phật Tích” gắn với huyền tích Từ Đạo Hạnh trác tích để lại vết tích trên đá. Tên chữ hiện nay là “Thiên Phúc tự 天 福 寺 ” với ý nghĩa chùa được dựng lên do phúc trời ban cho và từ đó ban phúc cho mọi người. “Chùa Cả” là tên gọi nôm dân gian, xác lập vị trí ngôi chùa trung tâm của khu di tích chùa Thầy trong cụm di tích khu vực tổng Thầy xưa.

      Chùa Thầy đã ăn sâu vào tiềm thức nhân dân với những huyền thoại về Thiền sư Từ  Đạo Hạnh ba lần sinh hóa… Tương truyền sau khi chết, khí thiêng thường hiện lên ở chùa Thiên Phúc, thi thể để cả tháng vẫn có mùi thơm. Dân làng thấy làm lạ bèn đưa vào trong khám để thờ, vua Lý Anh Tông tôn phong làm “Thượng đẳng tối linh thần”. Khi quân Minh đặt chân đến đây, thấy mùi thơm, tìm trong khám thấy một đạo nhân, nét mặt tươi như lúc còn sống, bèn đem hoả táng. Sau 7 ngày đốt mà vẫn không cháy, sau phải làm theo lời báo mộng mới đốt được. Chỗ quân Minh đốt xác ngài nay là Quán Thánh.

    Chùa Thầy thờ “tiền Phật hậu Thánh”. Đức thánh Từ Đạo Hạnh là cao tăng thời Lý (thế kỷ XI). Trong dân gian truyền tụng, đức thánh Từ tu luyện đạt được phép thần thông, rồi thác sinh làm vua Lý Thần Tông (1128 – 1138), sau còn là hậu thân Lê Thần Tông (1619 -1643), Ngài là tăng, là Phật, là vua và được nhân dân tôn là Tổ sư của nghệ thuật múa rối nước truyền thống Việt Nam. 

    Hướng dẫn viên giới thiệu về quần thể di tích chùa thầy

    + Đình So – Di tích quốc gia đặc biệt

    Điểm du lịch Di tích quốc gia đặc biệt Đình So (xã Cộng Hòa), nơi đây được mệnh danh là “đệ nhất đình Đoài” với những giá trị mỹ thuật riêng có, từ kỹ thuật chạm khắc tinh xảo mang phong cách nghệ thuật mẫu mực của văn hóa xứ Đoài.

    Di tích quốc gia đặc biệt đình So (xã Cộng Hòa). Nơi đây được mệnh danh là “đệ nhất đình Đoài” với những giá trị mỹ thuật độc đáo. Đặc biệt, đây là ngôi đình duy nhất được vua Đinh Tiên Hoàng sắc phong “Vạn cổ anh linh”. Đình So là một trong những ngôi đình đẹp nhất ở xứ Đoài, nổi tiếng với câu “Đẹp đình So – To đình Cấn”. Ngôi đình này được xây dựng vào năm 1673, thờ tam vị Đại Vương có công giúp vua Đinh Tiên Hoàng dẹp loạn 12 sứ quân.

    Đình So nằm trên một mảnh đất rộng, cao tiền hướng sông và hậu tựa núi. Trước cửa đình, có một ao nước hình bán nguyệt tạo điểm tụ thủy, tụ phúc cho dân làng. Cổng tam quan của làng So đẹp với dãy bậc thang đá có 18 cấp dẫn xuống hồ bán nguyệt, hai bên có hai hàng lan can bằng đá với hình dáng mây vờn gió thổi rất tinh tế.

    Đình So được xây dựng với niên đại khoảng thế kỷ XVII, mang trong mình rất nhiều giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể của từng thời kỳ lịch sử. Sự hòa quyện giữa hai yếu tố di tích và không gian cảnh quan tạo nên nét riêng khác cho di tích đình So. Ngôi đình nhìn hướng Đông nằm trên thế đất hình con Quy, phía trước có hồ nước bán nguyệt tạo yếu tố tụ phúc tụ thủy, phía sau là đồi Vĩ Quy làm thế tựa thế tỳ, phía Nam có đồi Phượng tạo thế tay vịn. Về bố cục tổng thể đình So nằm trong sự chuyển tiếp từ ngôi đình có bố cục chữ “Nhất” sang kiểu chữ “Đinh”, chữ “Công” rồi sang kết cấu “Nội công ngoại quốc”.

    Trang trí mỹ thuật của đình So rất đa dạng với các mảng chạm khắc có giá trị mỹ thuật và kỹ thuật cao. Trong đó, hình tượng rồng là chủ đề chính được tái hiện từ Nghi môn đến Đại đình. Các bức chạm còn khắc hình tượng các loài linh vật và cây cỏ, tạo nên không gian đa chiều của kiến trúc. Đình So đã được Bộ Văn hóa xếp hạng là di tích Lịch sử Văn hóa vào ngày 10/7/1980.

    Với những giá trị về lịch sử, văn hóa, lễ hội, kiến trúc, điêu khắc, nghệ thuật…như đã điểm qua ở những phần trên, đình So đã là nơi quần tụ các công trình nghiên cứu về lịch sử – văn hóa, mỹ thuật, kiến trúc, điêu khắc… của nhiều học giả trong nước và quốc tế và đã trở thành điểm đến hấp dẫn của du khách thập phương trong các tour du lịch văn hóa tâm linh và lịch sử.

    Các hoạt động văn hóa, tín ngưỡng tại đình So từ trước đến nay đều liên quan đến tục thờ Thành hoàng. Trong năm, hoạt động tín ngưỡng quan trọng nhất là ngày Hội làng.  Đây là dịp để tưởng nhớ công đức của Thành hoàng làng, đồng thời cố kết cộng đồng, biểu dương những giá trị của đời sống tâm linh, đời sống xã hội và văn hóa cộng đồng. Lễ hội đình So có nội dung phong phú và sâu sắc, do nhân dân làng So tổ chức (nay là hai xã Cộng Hòa và xã Tân Hòa).

    + Lễ hội đình làng ngày nay được tổ chức trong thời gian 3 ngày từ 8 đến 10 tháng 2 âm lịch hàng năm, với nhiều hoạt động tế rước truyền thống nhằm tri ân công đức của ba vị Thành hoàng làng đã có công giúp vua Đinh dẹp loạn 12 sứ quân ở thế kỷ thứ X. Đây cũng là dịp để tăng cường tinh thần đoàn kết cộng đồng, gắn kết các thế hệ trong gia đình dòng tộc, tôn vinh những sáng tạo trong lao động sản xuất, góp phần xây dựng quê hương nông thôn mới ngày càng đẹp giàu, văn minh. 

    + Lễ hội truyền thống: 

    Quốc Oai có 57 lễ hội truyền thống với nhiều nét đẹp văn hóa, tiêu biểu là lễ hội Chùa Thầy, lễ hội đình So, hội hát Dô, hát ví Hàm Rồng…

    Các lễ hội nổi tiếng ở Quốc Oai có lễ hội Chùa Thầy, lễ hội truyền thống đình So, hội hát ví Hàm Rồng, hội hát Dô, cồng chiêng người Mường… Các di sản phi vật thể như: Múa rối nước xã Sài Sơn, hát Tuồng xã Đồng Quang, hát chèo xã Đại Thành, hát Dô xã Liệp Tuyết…là những yếu tố văn hoá lịch sử, văn hoá truyền thống, mang nhiều bản sắc văn hoá đặc trưng của Huyện.

    Nét nổi bật trong các lễ hội ở Quốc Oai là thực hiện theo đúng các ngi lễ truyền thống, không pha tạp, lai căng, bảo đảm an ninh trật tự… Điều đó thể hiện qua Lễ hội Chùa Thầy diễn ra vào ngày mồng 7 tháng 3 hàng năm, đây là lễ hội có quy mô lớn trong năm, vì vậy công tác quản lý được các ngành chức năng và chính quyền xã Sài Sơn quan tâm giữ gìn sự tôn nghiêm của quần thể khu di tích. Với Lễ hội hát Dô (xã Liệp Tuyết), trước đây cứ 36 năm mới mở một lần, mỗi khi tổ chức xong các sách ghi bài hát lại được niêm phong cẩn thận tại đình, đền của mỗi thôn, không ai được phép hát lại dù chỉ một câu cho đến lần mở hội sau. Có lẽ vì những luật lệ nghiêm ngặt đó nên hát Dô chưa được lưu hành rộng rãi so với các loại dân ca khác, thêm vào đó là chiến tranh, điều kiện kinh tế khó khăn nên những làn điệu hát Dô đã không được duy trì và có nguy cơ bị mai một. Kể từ năm 2000, được sự quan tâm của lãnh đạo huyện, nhất là sự giúp đỡ nhiệt tình của cán bộ Phòng Văn hóa – Thông tin huyện và những nỗ lực của xã Liệp Tuyết, Câu lạc bộ Hát Dô được thành lập và đi vào hoạt động rất sôi nổi phát huy giá trị văn hóa phi vật thể “Hội hát Dô”. 

    Cùng với hát Dô, câu hát ví người Mường hòa nhịp cùng tiếng cồng, điệu chiêng của cư dân xã Phú Mãn, xã Đông Xuân nhiều năm trước không còn vang vọng thì nay đang cất cao những thanh âm trong trẻo, rộn vui. Những chiếc cồng, chiêng đã được tập hợp lại thành những bộ cồng chiêng đầy đủ trong mỗi thôn, làng để phục vụ lễ hội của địa phương và các lễ trọng đại diễn ra trên địa bàn huyện. Tương tự, việc củng cố, khôi phục lại hoạt động của đội Tuồng Dương Cốc (xã Đồng Quang), phát triển chiếu chèo với dự án “Sân khấu học đường” ở xã Đại Thành, Câu lạc bộ hát chèo ở xã Phú Mãn, từng bước đưa loại hình ca trù trở lại với đời sống của người dân xã Phượng Cách cũng đem lại nhiều kết quả khả quan trong công tác bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa phi vật thể. 

    Xen kẽ trong các lễ hội đó là những tiết mục văn nghệ, những trò chơi truyền thống như tổ tôm, đánh cờ người, đập niêu, bắt vịt ao đình, kéo co, đấu vật…

    + Vui chơi, giải trí:

    Tổ hợp khu du lịch, sinh thái và vui chơi giải trí Tuần Châu Hà Nội

    Đưa vào khai thác từ năm 2018, Tổ hợp khu du lịch, sinh thái và vui chơi giải trí Tuần Châu Hà Nội với tổng diện tích khoảng 250 ha cũng là điểm đến hấp dẫn với nhiều du khách như: Biểu diễn cá heo, hải cẩu; chợ quê và đặc biệt là show diễn thực cảnh: “Tinh hoa Bắc Bộ”. Trong đó, “Tinh hoa Bắc bộ” là vở diễn thực cảnh quy mô lớn, được Tuần Châu Hà Nội thai nghén từ năm 2015. Chương trình biểu diễn được dàn dựng công phu với nhiều tiết mục đặc sắc mang đậm nét dân gian truyền thống, trình diễn theo phong cách hiện đại, sáng tạo, mang đến cho du khách những ấn tượng sâu sắc về văn hóa của vùng châu thổ sông Hồng – trung tâm văn hóa của miền Bắc.

    + Làng nghề truyền thống:

    Đến nay, toàn huyện Quốc Oai (Hà Nội) có 17 làng được UBND Thành phố Hà Nội công nhận làng nghề và làng nghề truyền thống. Trong đó, 14 làng được UBND tinh Hà Tày (cũ) công nhận làng nghề từ giai đoạn 2001-2008; 3 làng được UBND Thành phố Hà Nội công nhận là làng nghề truyền thống các năm 2011, 2015. Các sản phẩm làng nghề được đánh giá cao của huyện Quốc Oai bao gồm: Làng đan nan cót ở xã Tuyết Nghĩa; làng nghề mộc dân dụng Ngọc Than (xã Ngọc Mỹ) và đặc sản miến làng So tại hai xã: Tân Hòa, Cộng Hòa; làng nghề truyền thống mộc dân dụng và đục chạm gỗ cao cấp thôn Yên Quán, xã Tân Phú; làng nghề chế biến tinh bột xã Cộng Hòa; làng nghề chế biến nông sản thực phẩm xã Tân Hòa; nghề làm nón, mũ lá thôn Phú Mỹ, xã Ngọc Mỹ; làng nghề cót nan thôn Thế Trụ, xã Nghĩa Hương…

    Điểm du lịch làng nghề: nghề mộc, miến dong, mây tre đan… Huyện có nhiều sản phẩm OCOP đạt tiêu chuẩn phân bố đều trên các địa phương.

    Ngoài ra, Quốc Oai còn có nhiều tiềm năng để khai thác các tour du lịch nông nghiệp, nông thôn; du lịch cộng đồng theo hướng du lịch xanh; du lịch trải nghiệm tại khu vực Đông Xuân, Phú Mãn… 

    • Đánh giá tiềm năng phát triển du lịch 

    Để phát huy hiệu quả các tiềm năng du lịch, thời gian qua, huyện đã và đang triển khai đồng bộ nhiều giải pháp để quảng bá vùng đất, con người Quốc Oai đến với du khách trong và ngoài nước. Huyện định hướng phát triển du lịch văn hóa tâm linh, du lịch nghỉ dưỡng, du lịch sinh thái, du lịch làng nghề… dựa theo thế mạnh từng khu vực. Đặc biệt, huyện đẩy mạnh du lịch cộng đồng gắn với tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp của địa phương… Nhiều sản phẩm du lịch có chất lượng đã và đang được xây dựng.

    Hiện nay, cùng với việc đầu tư cải tạo, sửa chữa, chỉnh trang các khu di tích, Quốc Oai đã khảo sát và xây dựng tour, tuyến du lịch kết nối. Theo đó, huyện kết hợp với tổ hợp khu du lịch sinh thái và vui chơi giải trí Tuần Châu Hà Nội khai thác các sản phẩm du lịch vui chơi, giải trí hấp dẫn tại đây; đưa văn hóa cồng chiêng, múa rối vào biểu diễn tại tổ hợp này. Song song, huyện xây dựng các tuyến du lịch trải nghiệm gắn với tiêu thụ nông sản đặc sản của các xã miền bãi sông Đáy như nhãn muộn, bưởi Diễn…

    Để khai thác tối đa tiềm năng du lịch, năm 2023, huyện đã có nhiều chủ trương, chính sách, kế hoạch cụ thể, thiết thực thu hút khách du lịch về địa phương. Trong đó có thể kể đến như: UBND huyện đã thành lập Ban Chỉ đạo phát triển du lịch; phối hợp với Viện Nghiên cứu Phát triển du lịch khảo sát đánh giá hiện trạng phát triển du lịch và định hướng, giải pháp phát triển ngành du lịch; tham gia gian hàng quảng bá du lịch huyện Quốc Oai tại Festival Thu Hà Nội năm 2023, Lễ hội Du lịch quà tặng của TP… góp phần gia tăng lượng khách du lịch hằng năm. Huyện đã triển khai thực hiện các chính sách hỗ trợ DN lữ hành, hướng dẫn viên du lịch và người lao động trong lĩnh vực du lịch. Tập trung hỗ trợ các đơn vị, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân xây dựng một số mô hình sản phẩm du lịch, tour du lịch mới, độc đáo, an toàn.

    Năm 2023 được đánh giá là năm thành công của du lịch Quốc Oai, khi được TP ban hành Quyết định số 2281/QĐ-UBND ngày 18/4/2023 công nhận “Điểm Du lịch Khu di tích Quốc gia đặc biệt Chùa Thầy”. Sau nhiều nỗ lực, lượng du khách đến với huyện ngày một tăng, với khoảng trên 300.000 lượt khách du lịch/năm đến tham quan trải nghiệm. Điểm nhấn nữa của du lịch Quốc Oai trong năm 2023 là, huyện đã phối hợp tổ chức đón tiếp nhiều đoàn khách quý như đoàn Hoa hậu Hòa bình Quốc tế Miss Grand International 2023 với 71 quốc gia tham dự. Qua đó, hình ảnh du lịch Quốc Oai đã được lan tỏa mạnh mẽ không chỉ trong nước mà còn cả ở quốc tế. 

    Để đánh thức những tiềm năng, lợi thế nhằm hấp dẫn du khách, theo các chuyên gia cùng nhiều doanh nghiệp lữ hành, huyện cần có giải pháp để phát triển, nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch trên địa bàn, đầu tư đồng bộ hệ thống cơ sở hạ tầng, tạo môi trường du lịch lành mạnh, đẩy mạnh sự kết nối với ngành Du lịch.

    Cần Tập trung sáng tạo các sản phẩm du lịch mới, đặc trưng, độc đáo về tham quan – trải nghiệm, nghỉ dưỡng – ẩm thực, giao lưu văn hóa – đồ lưu niệm để hấp dẫn, thu hút khách du lịch trong và ngoài nước đến thưởng thức nét đẹp cảnh quan.

    Xây dựng các tour, tuyến du lịch trong Huyện: Xây dựng và tổ chức các chương trình, hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch Quốc Oai; khuyến khích doanh nghiệp du lịch gắn kết du lịch chùa Trăm Gian, chùa Trầm với các điểm du lịch văn hóa tâm linh khác như chùa Hương, chùa Thầy, chùa Tây Phương…

    Đẩy mạnh xúc tiến, quảng bá du lịch

    Tăng cường sự hợp tác, liên kết với doanh nghiệp du lịch trong việc tạo tour kết nối các điểm đến, từ đó xây dựng sản phẩm phù hợp với từng phân khúc du khách và sự phát triển của thị trường. Huyện cũng nên đẩy mạnh chuyển đổi số hóa qua đó nâng cao hiệu quả quảng bá tour trên mạng xã hội Facebook, Zalo. Đồng thời phối hợp với các đơn vị truyền thông, báo chí quảng bá sản phẩm du lịch đặc trưng của địa phương.

    Tăng cường liên kết, hợp tác du lịch: Liên kết các điểm tham quan của Huyện với các điểm tham quan tại các huyện Phúc Thọ, Thạch Thất, Ba Vì, Sơn Tây để hình thành các tuyến du lịch xứ Đoài.

    – Hợp tác, kết nối các đơn vị lữ hành, các tổ chức, cá nhân ở Thành phố và các Huyện lân cận để nhằm kết nối khách tham quan trải nghiệm du lịch tại địa phương

    – Tạo sự liên kết giữa di sản – làng nghề – các điểm tham quan, nghỉ dưỡng.

    – Cung cấp thông tin về các tour liên kết điểm du lịch với các khu, điểm du lịch khác cho các đơn vị lữ hành.

    – Tăng cường đầu tư cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất dịch vụ du lịch; huy động nguồn lực phát triển du lịch. Đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực, đào tạo, bồi dưỡng lao động du lịch cho các điểm du lịch

    Ngoài ra, chú trọng công tác tôn tạo, bảo vệ, gìn giữ các di tích lịch sử văn hóa trên địa bàn, tránh tình trạng khôi phục nhưng lại làm mất đi các giá trị lịch sử vốn có của di tích. Đồng thời, cần tăng cường quản lý di tích, bảo vệ danh lam, thắng cảnh, giải quyết triệt để tình trạng lấn chiếm, xâm phạm di tích. Phát huy giá trị các di tích để hình thành sản phẩm du lịch văn hóa đặc trưng.

    Để thu hút du khách cần tạo ra sản phẩm du lịch khác biệt có tính trải nghiệm, tương tác cao, phát triển những sản phẩm du lịch mới mang tính đặc trưng của địa phương. Trước mắt cần tập trung xây dựng sản phẩm chính là du lịch làng nghề, du lịch nông nghiệp và du lịch di tích văn hóa. Nhưng để làm được điều này cần liên kết chặt chẽ với khu vực nội thành để hình thành tour, tuyến hợp lý, có tính liên thông cao, có thể khai thác du lịch. Đầu tư vào hạ tầng, quảng bá điểm đến, thúc đẩy du lịch cộng đồng, Tạo sự liên kết giữa di sản – làng nghề – các điểm tham quan, nghỉ dưỡng. Các hoạt động văn hóa, xúc tiến thương mại, du lịch tại chương trình nhằm đẩy mạnh quảng bá hình ảnh về đất và người Quốc Oai, điểm đến hấp dẫn với nhiều di sản văn hóa phi vật thể, làng nghề, sản phẩm văn hóa ẩm thực đa dạng của địa phương góp phần nâng cao vị thế, hình ảnh và con người Quốc Oai. Tiếp tục xây dựng hình ảnh du lịch huyện Quốc Oai là điểm đến “An toàn – Thân thiện – Chất lượng – Hấp dẫn”.

    Tài liệu tham khảo

    Đề án Phát triển du lịch trên địa bàn huyện quốc Oai giai đoạn 2024-2025, định hướng đến năm 2030.

    https://kinhtedothi.vn/quoc-oai-no-luc-de-du-lich-cat-canh.html

    https://hanoimoi.vn/danh-thuc-tiem-nang-du-lich-quoc-oai-664961.html

    https://vietnamtourism.gov.vn/post/49071

    https://quocoai.hanoi.gov.vn/van-hoa-xa-hoi/-/asset_publisher/PkxzUJ0wdylW/content/le-hoi-truyen-thong-thon-lien-tri-ong-son-xa-tuyet-nghia

    Nguyễn Thị Phương

    Viện NCPT Du lịch

    Bài cùng chuyên mục