Hướng phát triển sản phẩm du lịch Quảng Ngãi trong liên kết với Bình Định và Kon Tum
Tiềm năng du lịch Quảng Ngãi cho đến nay chưa được khai thác phát triển do những điều kiện thiết yếu chưa hình thành đầy đủ. Trước hết là khả năng tiếp cận điểm đến du lịch bằng đường bộ, đường không, đường sắt và đường biển vẫn còn khó khăn. Quảng Ngãi đơn thương chưa đủ lực để hình thành một cực hút cạnh tranh với hai cực cửa ngõ duyên hải Nam trung bộ có ưu thế tiếp cận thuận lợi hơn là (Quảng Nam-Đà Nẵng) và (Khánh Hòa-Bình Thuận). Vấn đề then chốt là Quảng Ngãi phải liên kết khai thác phát huy tốt những yếu tố tương đồng và bổ trợ với Bình Định và Kon Tum để phát triển và định vị được hệ thống sản phẩm du lịch đặc trưng, có giá trị gia tăng và sức cạnh tranh cao.
1. Du lịch Quảng Ngãi trong quan hệ với Bình Định và Kon Tum
Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 xác định 7 vùng du lịch đặc trưng, trong đó Quảng Ngãi thuộc vùng Duyên hải Nam trung bộ với thế mạnh nổi trội về du lịch biển, đảo gắn với hệ sinh thái văn hóa biển miền Trung. Phía nam tiếp giáp Bình Định, phía tây tiếp giáp Kon Tum, với nhiều điểm tương đồng và bổ trợ lẫn nhau, Quảng Ngãi có thể liên kết với Bình Định và Kon Tum này để phát triển những sản phẩm du lịch đặc sắc và hấp dẫn.
Về tài nguyên du lịch, Quảng Ngãi là vùng đất hoà hợp của những dòng sông xen lẫn núi đồi, ghềnh thác cùng nhiều di tích, kiến trúc cổ: di chỉ văn hoá Sa Huỳnh, chùa Thiên Ấn, thành cổ Châu Sa, làng cổ Thiên Xuân, chứng tích Sơn Mỹ, địa đạo Đám Toái, Khu lưu niệm cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng, Quần thể di tích theo dòng nhật ký Đặng Thùy Trâm, Di tích chiến thắng Vạn Tường … Nhiều danh lam thắng cảnh tuyệt đẹp và hữu tình như: Thiên Ấn niêm hà, Cổ luỹ Cô thôn.., các bãi biển sạch, đẹp và giá trị để phát triển thành khu du lịch nghỉ dưỡng hấp dẫn như Mỹ Khê, Sa Huỳnh, Khe Hai-Dung Quất, Minh Tân, Đức Minh, Tân Định. Đặc biệt đảo Lý Sơn còn nguyên sơ có sức cuốn hút du lịch mạnh mẽ. Nét hấp dẫn khác của Quảng Ngãi còn thấy rõ ở lối sông của vùng đất anh hùng, người dân cần cù, sáng tạo, giàu kinh nghiệm đã để lại những đặc trưng riêng có: bờ xe nước, nghề đúc, nghề gốm, nghề dệt thổ cẩm, nghề dệt chiếu…và còn là quê hương của nhiều danh nhân như Cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng, Bình Tây Đại Nguyên Soái Trương Định… Ẩm thực miền biển đặc sắc như cá Bống sông Trà, chim mía, kẹo gương, mạch nha…; những lễ hội như lễ khao lề tế lính, lễ hội cầu ngư, đua thuyền của ngư dân vùng biển, phong tục độc đáo của dân tộc H’rê, Cor, Cadong mang đậm sắc thái của Quảng Ngãi. Những giá trị tài nguyên tự nhiên và nhân văn độc đáo đó có thể hình thành những sản phẩm du lịch hấp dẫn của Quảng Ngãi.
Kết cấu hạ tầng tiếp cận các điểm đến du lịch Quảng Ngãi còn nhiều khó khăn. Về đường không: cách xa sân bay Đà Nẵng, Cam Ranh; đối với sân bay Quy Nhơn, Chu Lai chưa thuận tiện thu hút được nhiều khách. Về đường biển: chưa có cảng biển đón khách, cầu tàu, bến đậu. Về đường bộ và đường sắt: cách xa các trung tâm; chất lượng đường bộ, nhà ga, bến bãi thấp, các điểm dừng chân thiếu và chưa gắn kết với điểm du lịch. Một số tuyến du lịch đã hình thành như: tuyến TP Quảng Ngãi-Dung Quất-Vạn Tường; tuyến TP Quảng Ngãi- Mỹ Khê; Tuyến Tp Quảng Ngãi-Mộ Đức-Ba Tơ; Tuyến TP Quảng Ngãi-Đức Phổ-Sa Huỳnh; Tuyến TP Quảng Ngãi-đảo Lý Sơn nhưng lượng khách chưa nhiều, sản phẩm du lich còn rời rạc.
Năm 2011, Quảng Ngãi đón khoảng 365.000 lượt khách trong đó có khách quốc tế chiếm tỷ trọng nhỏ khoảng 7,5% với 27.400 lượt. Toàn tỉnh có 65 khách sạn với 1.800 buồng, trong đó có 6 khách sạn 3-4 sao. Các cơ sở dịch vụ nhà hàng ăn uống phục vụ du lịch hình thành tại các điểm du lịch nhưng còn rời rạc, chưa có thương hiệu nổi bật. Đặc biệt trong tỉnh chưa có doanh nghiệp lữ hành mạnh với vai trò thu hút và điều tiết luồng khách đến Quảng Ngãi. Với phần đông khách nội địa, lưu trú ngắn ngày, khách nghỉ dưỡng chiếm tỷ trọng nhỏ, các hoạt động du lịch giản đơn vì vậy hiệu quả kinh tế du lịch còn rất khiêm tốn. Năm 2011 doanh thu du lịch đạt 252 tỷ đồng. Có thể nói, du lịch Quảng Ngãi đang hình thành những điều kiện ban đầu và hứa hẹn nhiều triển vọng phát triển trong thời gian tới.
Nguồn: Sở VHTTDL Quảng Ngãi, Bình Định, Kon Tum
Gắn kết với Bình Định và Kon Tum, các tuyến liên tỉnh đang hình thành trên cơ sở tuyến giao thông đường bộ hiện có nhưng chưa có sản phẩm chung.
Bình Định-quê hương của các loại hình nghệ thuật như tuồng, bài chòi, võ thuật cổ truyền… với bờ biển dài, nhiều vũng vịnh với những bãi tắm đẹp và danh lam thắng cảnh như: Quy Nhơn, Phương Mai, Tam Quan, Tân Thanh, Vĩnh Hội, Trung Lương, Hải Giang, Đảo Yến, bãi tắm Hoàng Hậu, Quy Hòa, Bãi Dại, Tân Phụng, Vĩnh Lợi…, đặc biệt sân bay Quy Nhơn có thể đóng vai trò cửa ngõ đón khách du lịch bằng đường không đến từ TP Hồ Chí Minh, Hà Nội, Hải Phòng, Cần Thơ, Đa Nẵng… Nếu khai thác tốt lợi thế sân bay Quy Nhơn có thể thúc đẩy du lịch Bình Định với Quảng Ngãi. Kon Tum-một vùng đất liền kề đặc trưng bởi văn hóa cồng chiêng của các dân tộc Tây Nguyên đặc sắc và hệ sinh thái cảnh quan hấp dẫn như khu sinh thái Măng Đen, Khu bảo tồn thiên nhiên Ngọc Linh, Vườn quốc gia Chư Mom Ray, rừng đặc dụng Đăk Uy và nhiều cảnh quan thiên nhiên đẹp với sông, hồ, thác, núi hùng vĩ còn đậm nét hoang sơ. Nhưng cho đến nay chưa có sản phẩm du lịch của Quảng Ngãi lồng ghép yếu tố tương đồng về biển và văn hóa Chăm cũng như yếu tố đặc thù của Bình Định, yếu tố sinh thái cao nguyên và văn hóa Tây Nguyên của Kon Tum để bổ sung cho du lịch Quảng Ngãi.
Số liệu năm 2010 và 2011 ở bảng trên cho thấy du lịch ở 3 tỉnh chưa phát triển. Lượng khách đến 3 tỉnh còn thấp, riêng Bình Định có lợi thế sân bay Quy Nhơn có lượng khách cao nhất lên tới 1 triệu lượt năm 2011 nhưng khách đường không chưa lan tỏa tới vùng lân cận Quảng Ngãi và Kon Tum. Chủ yếu khách đi ngắn ngày với mục đích tìm hiểu, khám phá; tỷ trọng khách cao cấp, nghỉ dưỡng dài ngày còn nhỏ do vậy doanh thu du lịch rất thấp. Tỷ trong khách quốc tế đến Kon Tum qua cửa khẩu Bờ Y cao nhưng chủ yếu khách qua biên giới trong ngày, chưa gắn kết với Quảng Ngãi hoặc Bình Định để khách vào sâu tiếp cận với biển. Về tốc độ tăng trưởng năm 2011 hầu hết các chỉ tiêu đều tăng mạnh so với năm 2010 cho thấy xu hướng và triển vọng phát triển du lịch của 3 tỉnh rất tích cực. Vấn đề đặt ra đối với 3 tỉnh cần có sự hợp tác, liên kết chặt chẽ để phát triển sản phẩm chung tạo thành điểm đến chung và tạo cực hút du lịch mạnh mẽ tương xứng và cạnh tranh được với các điểm đến khác trong vùng.
2. Hình thành sản phẩm du lịch đặc trưng của Quảng Ngãi
Có thể tham khảo cơ chế phát triển sản phẩm du lịch tiếp cận theo mô hình dưới đây để xem xét xây dựng sản phẩm du lịch đặc trưng cho Quảng Ngãi đồng thời xây dựng sản phẩm du lịch liên kết Quảng Ngãi với Bình Định và Kon Tum.
Xuất phát từ tín hiệu thị trường, lấy giá trị trải nghiệm du lịch của khách là mục tiêu để xác định nguồn lực cần có và trên cơ sở đó thiết kế các hoạt động du lịch phù hợp với nhu cầu của từng thị trường khách. Mục tiêu phát triển không chỉ mở rộng về quy mô, gia tăng lượng khách mà trên hết là chất lượng và hiệu quả phục vụ khách du lịch; lấy giá trị trải nghiệm, giá trị thụ hưởng du lịch của khách là mục tiêu để phát triển sản phẩm du lịch.
Theo đó, thị trường mục tiêu đón khách đến Quảng Ngãi phải chăng là nhóm khách có kỳ vọng nghỉ dưỡng biển, đảo, giải trí, thể thao biển gắn với tham quan di tích và tìm hiểu văn hóa, lối sống, lễ hội, làng nghề, ẩm thực và các sản vật Quảng Ngãi. Các nhóm nhu cầu khác bổ sung và kết hợp xoay quanh nhóm nhu cầu chính này.
Dựa vào đặc trưng của thị trường khách để thiết kế các hoạt động du lịch đáp ứng nhu cầu với sự khác biệt, đặc trưng riêng của Quảng Ngãi, có thể là:
Nghỉ dưỡng biển Mỹ Khê, Sa Huỳnh, Lý Sơn, Khe Hai, Minh Tân… được thiết kế tiện nghi các dịch vụ ăn, nghỉ, giải trí và các dịch vụ bổ sung như tắm biển, lặn biển, tàu lượn, lướt ván… tại các bãi biển và trên đảo, đảm bảo cho khách tận hưởng những giá trị của sinh thái biển hữu ích cho sức khỏe và trải nghiệm mới (nắng, gió, bãi cát, nước biển, sinh vật biển và ẩm thực biển). Điểm nhấn của hoạt động này là quần thể các khu lưu trú, nghỉ dưỡng, giải trí cung cấp các dịch vụ tiện nghi, chất lượng cao, lành mạnh cho sức khỏe, thanh khiết thân thiện môi trường biển. Nghỉ dưỡng biển đồng thời với giải trí công viên biển, thủy cung, bảo tàng biển… sẽ tạo lên sự phong phú cho các hoạt động của du khách qua những ngày lưu trú.
Tham quan danh thắng như Thiên Ấn niêm hà, Cổ luỹ Cô thôn, núi Ấn sông Trà, Thiên Bút phê vân.., điền dã đảo Lý Sơn. Trong quá trình tham quan du khách được thông tin và hướng dẫn tìm hiểu về nét đẹp và những giá trị ẩn chứa trong danh thắng đồng thời được hỗ trợ tham gia xâm nhập vào môi trường thiên nhiên gắn với các hoạt động du lịch sinh thái cộng đồng, gắn với du lịch làng nghề, du lịch đồng quê.
Tham quan các di tích Làng cổ, thành cổ Châu Sa, khu tưởng niệm Phạm Văn Đồng, di tích Sơn Mỹ, Vạn Tường, Khánh Giang-Trường Lệ… di chỉ văn hóa Sa Huỳnh với Xóm Ốc, suối Chình… Ở mỗi điểm tham quan khách được tiếp cận trước về nội dung, hình ảnh, thông tin chi tiết về giá trị của điểm di tích; đồng thời tiếp thu và hiểu được sâu sắc nhờ kỹ năng và truyền cảm của thuyết minh viên chuyên nghiệp.
Tìm hiểu văn hóa Chăm, vùng đất và con người Quảng Ngãi với hệ thống bảo tàng: Bảo tàng tỉnh Quảng Ngãi, bảo tàng văn hóa Chăm, Bảo tàng chứng tích Sơn Mỹ, Bảo tàng đội du kích Ba Tơ, Bảo tàng chiến thắng Vạn Tường, Bảo tàng khởi nghĩa Trà Bồng, Khu trưng bày Bệnh viện Đặng Thùy Trâm… Ngoài phục vụ về trưng bày, thông tin hướng dẫn, thuyết minh để làm bộc lộ giá trị văn hóa đặc sắc nơi đây, tại các bảo tàng còn có các dịch vụ bổ trợ như ăn, uống, hàng lưu niệm; ứng dụng công nghệ để mô phỏng làm tăng sức hấp dẫn và hiệu xuất truyền tải thông tin.
Các hoạt động tiếp xúc giao lưu văn hóa: hình thành không gian công cộng, tạo cơ hội tiếp xúc giao lưu giữa khách du lịch với người dân địa phương tại trung tâm thành phố Quảng Ngãi, tại các bãi biển, các làng nghề, chợ đêm, phố ẩm thực biển, lễ hội, các hoạt động biểu diễn nghệ thuật, trò trơi dân gian, bán hàng lưu niệm… Đây là cơ hội cho khách hòa đồng với văn hóa địa phương, khách hiểu sâu hơn con người và văn hóa Quảng Ngãi với những ấn tượng rất riêng của Quảng Ngãi. Chính những hoạt động giao lưu này mang lại nhiểu trải nghiệm mới cho khách; khách biết và có cơ hội tham gia nhiều hoạt động phong phú hơn, làm cho thời gian lưu lại của khách trở lên có ý nghĩa hơn.
Sản phẩm du lịch đặc trưng Quảng Ngãi sẽ hình thành từ những hoạt động tiêu biểu thể hiện qua những tuyến du lịch, chương trình du lịch kết nối các điểm hấp dẫn du lịch và các dịch vụ bổ trợ. Yếu tố đặc trưng, khác biệt trong sản phẩm du lịch Quảng Ngãi phải chăng hình thành trong từng chi tiết của sản phẩm, phong cách dịch vụ dựa trên đặc thù về văn hóa, sinh thái địa phương. Nhất thiết từ kiểu dáng phong cách kiến trúc đến lối sống và phong cách dịch vụ phải lấy yếu tố văn hóa địa phương làm gốc. Chính lối sống, phong cách phục vụ dựa trên văn hóa Quảng Ngãi cùng với sự công phu thiết kế sản phẩm vì mục tiêu mang đến giá trị thụ hưởng cao nhất cho du khách sẽ tạo lên sự khác biệt và đặc trưng của du lịch Quảng Ngãi. Sự lồng ghép yếu tố hiện đại với yếu tố truyền thống đặc biệt của văn hóa Chăm luôn là nguồn sáng tạo vô tận để có được sản phẩm đặc trưng. Sự tiếp thu có chọn lọc những kinh nghiệm và thành công cùng với sự sáng tạo và tình cảm, sự tự hào và tôn vinh về vùng đất và con người Quảng Ngãi sẽ tạo lên những giá trị riêng biệt của du lịch Quảng Ngãi. Cũng là du lịch biển, cũng là du lịch văn hóa, tham quan danh thắng và di tích… nhưng đến Quảng Ngãi du khách sẽ mong đợi một kỳ nghỉ có chất lượng với những giá trị trải nghiệm mới, những hoạt động du lịch thú vị, độc đáo, đặc sắc và đáng nhớ. Những giá trị đặc trưng ấy chỉ có được trên cơ sở đầu tư nghiên cứu, thiết kế phát triển sản phẩm theo tín hiệu nhu cầu thị trường. Trong mọi trường hợp tuyệt đối tránh những sao chép máy móc mà thông thường do đầu tư ngắn hạn dưới dạng “ăn sổi ở thì” mang lại.
Tiến tới từng bước hình thành thông điệp cho sản phẩm du lịch đặc trưng Quảng Ngãi dựa trên những yếu tố nổi bật để tiếp thị, quảng bá và định vị trên thị trường. Nguồn lực để xây dựng và đưa sản phẩm du lịch đặc trưng Quảng Ngãi tới thị trường cần thiết là:
– Trước hết cần đánh giá đúng và nâng tầm giá trị hấp dẫn của tài nguyên du lịch. Giá trị tự nhiên và nhân văn của các danh thắng, di tích được giải mã và hình thành nội dung thông tin để truyền tải đến cho khách (trước, trong và sau khi đến Quảng Ngãi). Tài nguyên đó chỉ có trở lên hấp dẫn khi giá trị đích thực của chúng được làm rõ. Muốn vậy, việc khai thác tài nguyên luôn gắn với các hoạt động bảo tồn và phát huy giá trị. Đặc biệt những giá trị văn hóa phi vật thể cần được quan tâm đầu tư khai thác làm cho sản phẩm du lịch hấp dẫn hơn, đặc sắc hơn.
– Tiếp đến, cần có đầu tư đồng bộ vào kết cấu hạ tầng du lịch, hệ thống giao thông kết nối các điểm du lịch. Đặc biệt, Quảng Ngãi có thể xem xét đầu tư phát triển cảng tàu du lịch để thu hút khách từ phía biển, hệ thống bến đậu, cầu tàu và dịch vụ phục vụ phương tiện thủy đưa đón khách ra đảo Lý Sơn. Nhà ga, bến xe cũng cần nâng cấp cả phần cứng và phần mềm về thông tin, lịch tàu, xe… Ngoài ra hệ thống hạ tầng xã hội như an toàn y tế, chăm sóc sức khỏe, dịch vụ thông tin, thương mại thuận tiện.
– Về cơ sở vật chất kỹ thuật, dịch vụ cần có đầu tư mới và nâng cấp các cơ sở dịch vụ khách sạn, resorts, nhà hàng ẩm thực, cơ sở dịch vụ giải trí, dịch vụ cung cấp thông tin, tư vấn du lịch, cơ sở đón tiếp khách tại bến tàu, nhà ga, bến xe, dịch vụ tại điểm du lịch. Sản phẩm, dịch vụ du lịch phát triển đồng bộ theo hướng phục vụ lợi ích tối đa cho du khách, khai thác tốt yếu tố truyền thống, yếu tố địa phương tạo lên sự khác biệt trong chi tiết dịch vụ. Đồng thời ứng dụng công nghệ cập nhật để luôn thích ứng với xu hướng hiện đại, tiện nghi phục vụ du khách. Trong mọi trường hợp cơ sở dịch vụ phải thân thiện môi trường, lấy chất lượng môi trường và phong cách phục vụ là chiến lược phát triển.
– Về nhân lực du lịch cần có chương trình đào tạo nâng cao kỹ năng dịch vụ cho đội ngũ làm du lịch; đầu tư phát triển nhân lực bậc cao, có kỹ năng quản lý chuyên nghiệp, thu hút lao động bậc cao từ nơi khác; khuyến khích các doanh nghiệp du lịch đẩy mạnh đào tạo tại chỗ và tự đào tạo.
– Đối với cộng đồng dân cư cần có chương trình giáo dục, tuyên truyền nâng cao nhận thức, nâng cao kỹ năng đón tiếp, phục vụ khách, văn minh du lịch, làm sao để cộng đồng tham gia tích cực vào các hoạt động phục vụ du lịch; có chương trình hỗ trợ cộng đồng chuyển đổi nghề sang làm du lịch cộng đồng; chương trình cho vay ưu đãi phát triển mô hình nghỉ tại nhà dân; chương trình bảo tồn và gìn giữ, tôn vinh văn hóa bản địa; hỗ trợ khôi phục và phát triển làng nghề truyền thống và sản xuất hàng lưu niệm.
– Về thông tin, quảng bá để tiếp thị và định vị cho sản phẩm du lịch Quảng Ngãi cần tăng cường hoạt động thông tin du lịch. Những giá trị tự nhiên và nhân văn của sản phẩm du lịch phải được mã hóa và xây dựng thành nội dung thông tin quảng bá rộng rãi đến các thị trường mục tiêu. Thiết kế nội dung thông tin đòi hỏi chi tiết, hấp dẫn, phù hợp với từng đối tượng và phải có chương trình quảng bá mạnh mẽ. Làm sao thông điệp về sản phẩm du lịch Quảng Ngãi đến được thị trường khách và khi đến Quảng Ngãi rồi thì được hướng dẫn và tìm hiểu đúng với những nội dung đã quảng bá.
– Về cơ chế, chính sách quản lý cần có chiến lược phát triển sản phẩm du lịch trong chiến lược phát triển du lịch chung của Quảng Ngãi. Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Quảng Ngãi cần được triển khai qua quy hoạch cụ thể các điểm du lịch. Quy hoạch đòi hỏi tầm nhìn dài hạn, đảm bảo tính liên hoàn giữa các yếu tố hình thành sản phẩm và không gian phát triển du lịch chung của tỉnh; quy hoạch không xung đột giữa các ngành với du lịch. Trên cơ sở chiến lược, quy hoạch cần có định hướng và cơ chế khuyến khích huy động các nguồn lực từ các thành phần kinh tế trong và ngoài Tỉnh, tạo điều kiện liên kết các nguồn lực đầu tư cho sản phẩm du lịch. Các chính sách về thuế, đất đai, về bảo tồn và bảo vệ môi trường luôn đi liền với chính sách phát triển sản phẩm du lịch.
3. Hướng liên kết phát triển sản phẩm du lịch Quảng Ngãi với Bình Định và Kon Tum
Liên kết phát triển sản phẩm du lịch là hướng chủ đạo trong tất cả các nội dung chương trình liên kết. Các hoạt động liên kết đều hướng tới phục vụ phát triển sản phẩm du lịch. Nội dung liên kết phát triển sản phẩm du lịch Quảng Ngãi với Bình Định và Kon Tum tập trung vào 3 khâu then chốt, đó là (1) khai thác yếu tố tương đồng, (2) khai thác yếu tố bổ trợ và (3) thực hiện chương trình hành động chung.
3.1. Khai thác yếu tố tương đồng
Về nguyên tắc những yếu tố tương đồng về tài nguyên, về văn hóa, về vị trí cần được khai thác tạo lên những sản phẩm thay thế nhau trong sự phong phú và đa dạng. Mức độ thay thế nhau giữa các yếu tố của sản phẩm tùy thuộc vào tính chất và khả năng liên kết, thông tin liên kết giữa các chủ thể cung cấp dịch vụ, các điểm du lịch và chính quyền địa phương.
+ Quảng Ngãi với Bình Định: sự tương đồng về tài nguyên biển, văn hóa miền biển, văn hóa Chăm cần được khai thác theo hướng hình thành chuỗi sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng biển gắn với tìm hiểu văn hóa miền biển, ẩm thực biển. Hướng tới phát triển chuỗi các khu nghỉ dưỡng biển với các thương hiệu khác nhau phù hợp với từng phân đoạn thị trường tại biển Mỹ Khê, Sa Huỳnh, Lý Sơn thay thế cho Phương Mai, Quy Nhơn… vừa hợp tác vừa cạnh tranh tạo sự phong phú trong cùng 1 loại sản phẩm. Du khách đến Quảng Ngãi nghỉ dưỡng có thể kết nối chia sẻ với các khu nghỉ dưỡng biển Bình Định lựa chọn theo từng phân đoạn thị trường hoặc trong các mùa cao điểm. Sự liên kết còn thể hiện trong sự thống nhất về tiêu chuẩn dịch vụ cũng như những chính sách liên kết về giá của các nhà cung cấp dịch vụ tạo lên hình ảnh chung về du lịch biển của Quảng Ngãi và Bình Định. Sự tương đồng về văn hóa biển và các giá trị văn hóa Chăm cũng cần được chia sẻ trong thiết kế sản phẩm tạo lên sự phong phú về nội dung và chia sẻ về kinh nghiệm thành công giữa các điểm du lịch trong cùng không gian du lịch.
+ Quảng Ngãi với Kon Tum: Các điểm du lịch văn hóa lịch sử với các hoạt động tham quan di tích ở Quảng Ngãi như bảo tàng Quảng Ngãi, chứng tích Sơn Mỹ, Vạn Tường, Ba Tơ, khu lưu niệm cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng, khu trưng bày Đặng Thùy Trâm.. có thể chia sẻ thay thế với tham quan Ngục Kon Tum, di tích chiến trường xưa Đắc Tô, đồi Charlie… tạo thành nhiều điểm hấp dẫn trên tuyến du lịch văn hóa lịch sử, du lịch về nguồn; khai thác không gian chung trên tuyến quốc lộ 24 tham quan các danh thắng gắn với du lịch sinh thái cộng đồng cả ở Quảng Ngãi và ở Kon Tum. Sự tương đồng về chính sách khuyến khích du lịch của 2 tỉnh cũng tạo hiệu ứng trội trong xúc tiến phát triển sản phẩm du lịch và tiếp thị định vị sản phẩm du lịch.
3.2. Khai thác yếu tố bổ trợ
Những yếu tố tự nhiên và văn hóa đặc thù gắn với vùng đất và con người ở mỗi địa phương tạo lên sự đặc sắc, độc đáo, khác biệt trong từng chi tiết của sản phẩm du lịch. Trong không gian địa lý gần kề giữa Quảng Ngãi, Bình Định và Kon Tum cần khai thác yếu tố đặc thù để hình thành sản phẩm du lịch bổ sung cho nhau. Những gì chỉ có ở Quảng Ngãi thì có thể tìm thấy cái khác ở Bình Định và Kon Tum tạo lên những sản phẩm du lịch bổ sung cho nhau giữa Quảng Ngãi với Bình Định và Kon Tum.
+ Quảng Ngãi với Kon Tum: Sự khác biệt giữa không gian địa lý, hệ sinh thái biển Quảng Ngãi có thể bổ sung hoàn hảo với không gian địa lý và hệ sinh thái cao nguyên của Kon Tum. Sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng biển Mỹ Khê, Sa Huỳnh hay Lý Sơn của Quảng Ngãi sẽ bổ sung tuyệt hảo với nghỉ dưỡng núi Măng đen của Kon Tum. Khách nghỉ dưỡng biển Quảng Ngãi có thể kéo dài kỳ nghỉ lên nghỉ dưỡng núi Măng Đen, Kon Tum tạo lên giá trị trải nghiệm du lịch đặc sắc của 1 chương trình du lịch, 1 kỳ nghỉ chọn vẹn. Quảng ngãi sẽ có cơ hội thu hút khách trên cao nguyên cũng như khách quốc tế qua cửa khẩu Bờ Y đến nghỉ dướng biển. Sự bổ trợ về văn hóa biển, văn hóa Chăm với không gian văn hóa Tây Nguyên, sự giao thoa văn hóa giữa các dân tộc Tây Nguyên với không gian văn hóa Quảng Ngãi tạo lên sức hấp dẫn riêng cho sản phẩm du lịch của mỗi tỉnh đồng thời cộng hưởng tạo sức thu hút khách du lịch đến với cả 2 tỉnh. Ẩm thực biển Quảng Ngãi có thể phối hợp tốt với những sản vật cao nguyên như cà phê gốc Kon Tum tại các nhà hàng, cơ sở dịch vụ du lịch. Sự đa dạng về sinh thái, đặc điểm khí hậu biển là phần bù bổ trợ tốt đối với hệ sinh thái và khí hậu cao nguyên tạo lên nhiều điểm tham quan danh thắng phong phú và đa dạng trong cùng không gian phụ cận kết nối giữa Quảng Ngãi và Kon Tum.
+ Quảng Ngãi và Bình Định: Các lễ hội, di tích văn hóa lịch sử, danh lam thắng cảnh của Quảng Ngãi sẽ được kết hợp và bổ sung bằng những nét văn hóa riêng có của Bình Định chẳng hạn như lễ khao lề tế lính ở Quảng Ngãi có thể bổ sung tốt với lễ hội võ thuật cổ truyền Bình Định tạo lên nhiều sự kiện, lễ hội văn hóa trong năm, mỗi nơi có sắc thái riêng. Sự kết nối các điểm du lịch có phong cách riêng của mỗi địa phương tạo lên sản phẩm du lịch đa dạng và hấp dẫn, kéo dài kỳ nghỉ và chu kỳ sống của sản phẩm. Sự phối hợp giữa những khác biệt đó tạo lên những hoạt động du lịch hấp dẫn, những sự kiện du lịch liên tiếp nhau. Sự khác biệt trong phong cách phục vụ, phong cách ẩm thực riêng có ở mỗi địa phương cũng tạo lên sự phong phú và hấp dẫn cho sản phẩm du lịch liên kết bổ sung cho nhau. Cũng là du lịch biển nhưng chiến lược phát triển sản phẩm du lịch ở Quảng Ngãi và Bình Định cần bám sát yếu tố văn hóa địa phương để tạo sự khác biệt, riêng có của mỗi tỉnh đồng thời liên kết bổ sung cho sản phẩm tỉnh bạn hình thành hệ thống sản phẩm phong phú, đa dạng.
3.3 Chương trình hành động chung
+ Chương trình hành động chung liên kết phát triển sản phẩm du lịch giữa 3 tỉnh trước hết được thể hiện trong việc thống nhất triển khai thực hiện chiến lược, quy hoạch phát triển du lịch của mỗi tỉnh trong mối tương quan hài hòa và gắn kết với chiến lược, quy hoạch phát triển du lịch của tỉnh bạn. Sự thống nhất về chính sách hướng tới hình thành 1 đầu tàu hay một trung tâm tạo cực hút du lịch cho cả 3 tỉnh.
+ Chương trình phát triển hạ tầng du lịch, phát triển nguồn nhân lực du lịch, xúc tiến quảng bá du lịch cần có sự tham khảo lẫn nhau từ trong chính sách. Đồng thời có thể phối hợp tổ chức thực hiện các hoạt động chung để giảm thiểu chi phí nguồn lực và tạo hiệu ứng cộng hưởng trong vùng liên kết du lịch như: hạ tầng kết nối các điểm du lịch của các tỉnh; hợp tác phát triển một số công trình hạ tầng then chốt (san bay, bến cảng, nhà ga); các khóa đào tạo chung, cơ sở đào tạo chung cho khu vực; trung tâm triển lãm hội chợ chung…
+ Các sự kiện văn hóa, thể thao và du lịch của 3 tỉnh có thể trở thành hoạt động chung có sự cam kết mạnh mẽ của 3 tỉnh như hội chợ du lịch, hội nghị xúc tiến đầu tư du lịch, lễ hội ẩm thực, lễ hội văn hóa truyền thống ở mỗi địa phương đều có sự tham gia của địa phương bạn.
+ Phát triển, chia sẻ hệ thống thông tin du lịch giữa các tỉnh; thực hiện việc thông tin, tuyên truyền nâng cao nhận thức, tạo tiếng nói chung đối với phát triển du lịch ở 3 tỉnh
+ Tập trung hỗ trợ phát triển các công ty lữ hành mạnh thu hút và điều tiết khách đến 3 tỉnh. Hiện tại chưa có công ty lữ hành của 3 tỉnh đủ tầm để nắm vai trò sứ mệnh này. Vì vậy, sự liên kết giữa nhà nước và khu vực tư nhân, giữa các tỉnh tạo cơ chế thuận lợi cho doanh nghiệp lữ hành của 3 tỉnh phát triển theo hướng hình thành sản phẩm du lịch chung, liên hoàn giữa 3 tỉnh.
Kết luận
Quảng Ngãi, Bình Định và Kon Tum có nhiều tiềm năng để phát triển mạnh du lịch biển với hệ sinh thái và văn hóa miền biển kết hợp với du lịch cao nguyên với hệ sinh thái và không gian văn hóa Tây Nguyên. Nhiều điểm tương đồng và bổ trợ giữa Quảng Ngãi với Bình Định và Kon Tum cho đến nay chưa được khai thác để phát triển du lịch cho mỗi tỉnh. Xuất phát từ tín hiệu thị trường, Quảng Ngãi cần tập trung xây dựng sản phẩm du lịch đặc trưng cho mình đồng thời liên kết phát triển sản phẩm liên hoàn, độc đáo với Bình Định và Kon Tum.
Liên kết về chiều sâu để tạo sản phẩm đặc trưng cho Quảng Ngãi và sản phẩm chung của Quảng Ngãi, Bình Định, Kon Tum để hình thành thương hiệu điểm đến chung cần có sự cam kết mạnh mẽ của mỗi tỉnh, trong đó cần có vai trò của 1 đầu tầu dẫn dắt từ trong chính sách, chiến lược, quy hoạch đến các chương trình hành động chung. Ba tỉnh cần thống nhất trong nhận thức và chương trình hành động, huy động sử dụng tối ưu các nguồn lực hiện hữu và nguồn lực tiềm năng của mỗi tỉnh trong mối liên kết hài hòa, bổ trợ lẫn nhau, tạo sức hấp dẫn và sức thu hút đầu tư cho phát triển du lịch của 3 tỉnh.
Tài liệu tham khảo
1. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (2011), “Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030”,
2. Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch (2012),“Báo cáo khoa học công nghệ năm 2011 của Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch”
3. Hà Văn Siêu (2011), “Một số giải pháp phát triển bền vững du lịch biển đảo ở Quảng Ngãi và các tỉnh vùng duyên hải Nam Trung bộ”, www.itdr.org.vn
4. Hà Văn Siêu (2011), “Quy hoạch phát triển du lịch các tỉnh duyên hải miền trung trong liên kết phát triển vùng”, www.itdr.org.vn
5. Hà Văn Siêu (2011), “Một số gợi ý về chính sách phát triển du lịch”, www.itdr.org.vn
6. Hà Văn Siêu (2012), “Chuyển trọng tâm phát triển du lịch từ diện rộng sang chiều sâu chất lượng và hiệu quả”, www.itdr.org.vn