Hướng dẫn Hỏi đáp Quy định
  • EnglishEnglish
  • Du lịch tàu biển Việt Nam: thuận lợi và khó khăn

    Tóm tắt

    Theo dự báo của Tổ chức Du lịch Thế giới (UNWTO), du lịch bằng tàu biển đến năm 2030 trên thế giới có xu hướng chuyển dịch và phát triển mạnh mẽ tại khu vực châu Á. Nhiều hãng tàu lớn trên thế giới thường đưa khách đi theo tuyến châu Âu – châu Mỹ – Địa Trung Hải đã bắt đầu khai thác tuyến du lịch sang khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Khu vực này không những trở thành một điểm đến hấp dẫn mà còn là thị trường khai thác lớn cho các hãng du lịch tàu biển thế giới. Bài viết đánh giá tổng quan sự hình thành và phát triển; phân tích các thuận lợi và khó khăn của thị trường tàu du lịch biển tại Việt Nam. Từ đó, tác giả đề xuất các giải pháp để thúc đẩy phát triển mạnh mẽ hơn nữa loại hình du lịch tàu biển ở Việt Nam trong thời gian tới.

    1. Cơ sở phát triển du lịch tàu biểu

    Tàu du lịch biển là tàu chở khách được sử dụng cho các chuyến đi vui chơi khi chuyến đi, các tiện nghi của tàu và đôi khi là các điểm đến khác nhau trên đường đi (tức là các cảng ghé thăm), tạo thành một phần trải nghiệm của hành khách. (Mayntz, 2018).

    Không giống như du lịch xuyên Đại Tây Dương truyền thống trên tàu biển, du lịch tàu biển hiện đại trên hết được đặc trưng bởi sự chuyển đổi của con tàu từ một phương tiện giao thông đơn thuần đến một điểm đến trong chính nó. Tàu du lịch phục vụ như một khách sạn nổi, cung cấp một cách hấp dẫn, thuận tiện và không rắc rối để đến thăm các khu phố khác nhau mà không phải thay đổi chỗ ở. Loại hình du lịch giải trí này có thể được bắt nguồn từ đầu những năm 1970, khi những chuyến du thuyền hiện đại đầu tiên bắt đầu hoạt động ở vùng biển Caribbean với khách du lịch Bắc Mỹ. Vào những năm 1990, hiện tượng hành trình đã đến UK và sau đó là phần còn lại của châu Âu, châu Á và Thái Bình Dương. Hành khách thường được cung cấp chỗ ở kiểu đầy đủ và có thể tận hưởng một loạt các tiện nghi trên tàu như nhà hàng, quán bar, phòng họp, sàn nhảy, sòng bạc, bể bơi, phòng tắm hơi, bể sục, phòng tập thể dục và các cơ sở thể thao khác, dịch vụ làm đẹp, rạp chiếu phim, nhà hát, thư viện, các hoạt động của trẻ em và cửa hàng miễn thuế. Xu hướng về các tàu lớn hơn bao giờ hết với nhiều phương tiện hơn có nghĩa là các tàu du lịch trên thực tế đã phát triển từ các khách sạn nổi thành các khu nghỉ dưỡng nổi. Do đó, một nhà điều hành tàu biển coi các đối thủ cạnh tranh chính của mình là khu nghỉ mát trên đất liền chứ không phải là các tuyến du lịch khác.

    2.Đặc điểm về khách du lịch tàu biển

    Đặc trưng của khách du lịch tàu biển là số lượng khách đông, đến từ nhiều vùng lãnh thổ, quốc gia khác nhau và đi theo tour dài ngày. Thông thường trên một chuyến tàu du lịch số lượng khách thường tính từ vài trăm đến cả nghìn người, nhất là các hãng tàu lớn và các tàu cao cấp. Ví dụ hãng tàu Costa Allegra là tàu 5 sao của Mỹ có sức chứa trên 1.000 du khách; tàu SuperStar Libra chở 1.700 du khách,… Cũng vì số lượng khách đông cho nên các hãng tàu du lịch biển cần tập hợp đủ lượng khách và chuyện họ đến từ nhiều vùng lãnh thổ là điều dễ hiểu.

    Vì khách hàng đến từ nhiều vùng lãnh thổ và nhiều quốc gia khác nhau nên chương trình tham quan của họ cũng không giống nhau. Tuy vậy, phần lớn mục đích chuyến đi của khách du lịch thường là tham quan, giải trí, giao lưu và thưởng thức các bản sắc văn hóa bản địa.

    Một đặc điểm khác biệt của khách du lịch tàu biển là họ thường ít khi có nhu cầu sử dụng dịch vụ lưu trú. Thông thường khách du lịch sẽ quay lại tàu của mình để nghỉ. Bởi lẽ tàu du lịch được trang bị như một khách sạn đầy đủ tiện nghi và nếu điểm đến không có gì hấp dẫn thì du khách sẽ thường quay lại tàu để nghỉ ngơi.

    Đặc điểm du lịch tàu biển (chuyến thủy trình): Các du thuyền được gọi là các khách sạn nổi vì trên đó được cung cấp đầy đủ các dịch vụ như một khách sạn trên đất liền như buồng ngủ (trên tàu gọi là các ca-bin). Các ca-bin cũng được phân hạng như phòng khách sạn: Có ca-bin hạng sang có thể ngắm cảnh bên ngoài, có ca-bin rộng có thể liên thông với nhau,… những ca-bin này thường đắt hơn các ca-bin thông thường khác. Ngoài ra, các ca-bin thông thường trên tàu thường có các giường tầng vì không gian trên tàu hạn chế hơn không gian trong các khách sạn. Hơn nữa, việc bố trí như vậy cũng là cách kéo khách ra ngoài boong tàu, khuyến khích khách mua sắm và tiêu dùng các dịch vụ bổ sung khác trên tàu, giúp gia tăng doanh thu cho hãng.

    Ngoài ra, do một chuyến thủy trình thường dài ngày nên ngoài việc cung cấp các dịch vụ lưu trú, ăn uống khách hàng còn được cung cấp các dịch vụ bổ sung như giải trí, thư giãn,… do đó chi phí trọn gói cho một chuyến thủy trình là khá cao.

    Trong chuyến thủy trình có rất nhiều cảng tạm dừng, đây là nơi mà tàu ghé lại trên chuyến hành trình của mình. Cảng tạm dừng và thời gian tạm dừng tùy thuộc vào chuyến thủy trình, sức hấp dẫn của địa phương nơi tàu tạm dừng, cơ hội mua sắm và một số yếu tố khác.

    1. Điều kiện để phát triển du lịch tàu biển ở Việt Nam

    – Điều kiện về tự nhiên

    Việt Nam lại có rất nhiều lợi thế để thu hút khách du lịch tàu biển khi có vị trí địa lý thuận lợi trên tuyến giao thông hàng hải của khu vực, nước ta còn sở hữu đường bờ biển dài 3.260km, với hơn 4.000 hòn đảo, bãi đá ngầm lớn nhỏ, gần và xa bờ, sở hữu nhiều vịnh, bãi biển đẹp.

    Việt Nam là một quốc gia ven biển, được thừa hưởng rất nhiều vịnh, đảo và các bãi biển đẹp có tiềm năng lớn cho phát triển du lịch, với những kỳ quan thế giới như vịnh Hạ Long được UNESCO công nhận là Di sản Thiên nhiên Thế giới, có giá trị thẩm mỹ và giá trị ngoại hạng toàn cầu về địa chất – địa mạo. Vịnh Nha Trang được ví như “Hòn ngọc viễn đông” và cùng với vịnh Lăng Cô được Câu lạc bộ các vịnh biển đẹp nhất thế giới bầu chọn. Quần thể hang động Phong Nha – Kẻ Bàng với hang Sơn Đoòng được ghi nhận với quy mô lớn nhất thế giới. Các bãi biển đẹp như bãi biển Đà Nẵng được Tạp chí Forbes của Mỹ bình chọn là một trong 6 bãi biển quyến rũ nhất hành tinh. 

    Bên cạnh đó là những khu dự trữ sinh quyển được UNESCO công nhận, hệ thống các vườn quốc gia và khu bảo tồn thiên nhiên ven biển đa dạng.

    Hệ thống 16 vườn quốc gia bao gồm Bái Tử Long (Quảng Ninh), Cát Bà (Hải Phòng), Xuân Thủy (Nam Định), Cúc Phương (Ninh Bình), Bến En (Thanh Hóa), Pù Mát (Nghệ An), Vũ Quang (Hà Tĩnh), Phong Nha – Kẻ Bàng (Quảng Bình), Bạch Mã (Thừa Thiên – Huế, Quảng Nam),… Ngoài ra, còn hệ thống 26 khu dự trữ thiên nhiên và 3 khu bảo tồn loài sinh vật cảnh chạy dọc theo đất nước.

    Các giá trị văn hóa: Các vùng ven biển cũng được thừa hưởng nhiều di tích lịch sử văn hóa phong phú, mà theo Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch, các di tích lịch sử văn hóa đã được xếp hạng ở vùng ven biển (tính đến năm 2011) được ghi nhận với 24 thắng cảnh, 221 kiến trúc nghệ thuật, 106 kiến trúc lịch sử, 14 di tích khảo cổ và 550 di tích lịch sử. Bên cạnh điều kiện thiên nhiên thì nét văn hóa đặc trưng của vùng miền cũng là yếu tố thu hút khách du lịch. 

    • Điều kiện về tổ chức

    Chiến lược phát triển du lịch đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 2473 ngày 30/12/2011 khẳng định: “Ưu tiên phát triển loại hình du lịch gắn với biển, hải đảo; nhấn mạnh yếu tố văn hóa và sinh thái đặc sắc trong sản phẩm du lịch”.

    Để thúc đẩy hoạt động du lịch tàu biển, thời gian qua, Chính phủ và các Bộ, ngành chức năng đã có nhiều chính sách đổi mới, tạo điều kiện thuận lợi cho việc thu hút khách tàu biển vào Việt Nam như đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính tại cảng biển, giảm cảng phí cho các tàu vào Việt Nam định tuyến hoặc nhiều lần, mở cửa đảo Phú Quốc và Côn Đảo cho khách nước ngoài vào tham quan du lịch, miễn visa cho khách du lịch đến đảo Phú Quốc trong vòng 15 ngày, giảm lệ phí visa cho khách tàu biển (áp dụng như khách quá cảnh 5USD/1 khách),… Hơn nữa, hệ thống cảng biển ngày càng được hoàn thiện, đáp ứng nhu cầu và số lượng ngày càng tăng của khách du lịch loại hình này.

    Cơ sở hạ tầng tại nhiều cảng biển đã được đầu tư, nâng cấp, hiện đại hóa như cảng Sài Gòn, Nha Trang, Quy Nhơn, Tiên Sa,… Các tuyến đường nối khu vực cảng tới trung tâm thành phố cũng đã được đầu tư, mở rộng, nâng cấp, tạo thuận lợi hơn cho khách tàu biển.

    Đặc biệt hiện nay, các nước ASEAN đang xây dựng tour du lịch tàu biển xuyên qua các quốc gia ASEAN. Đây là một thuận lợi lớn với du lịch Việt Nam trong việc thu hút khách quốc tế.

    1. Hiện trạng về thị trường khách du lịch tàu biển Việt Nam

    Theo Cục Du lịch quốc gia, trong tổng số 12,6 triệu lượt khách quốc tế đến Việt Nam năm 2023, khách đến bằng đường hàng không đạt gần 11 triệu lượt, chiếm 86,9%; bằng đường bộ đạt 1,5 triệu lượt, chiếm 12,1% và bằng đường biển đạt 126.100 lượt, chiếm 1%. Con số này cho thấy, lượng khách quốc tế đến Việt Nam bằng đường tàu biển hiện chiếm tỷ trọng rất nhỏ.

    Bảng 1: Hiện trạng về lượng khách du lịch tàu biển đến Việt Nam giai đoạn 2015 – T7/2024

    Phương tiện 2015 2016 2017 2018 2019 2020 2022 2023 T7/2024
    Đường biển 63.428 284.855 258.836 215.306 264.115 144.109 3.139 126.087 165.543
    Đường bộ 1.553.384 1.467.257 1.753.018 2.797.498 3.366.967 551.085 380.932 1.525.798 1.409.551
    Đường không 6.282.040 8.260.623 10.910.297 12.484.987 14.377.509 2.991.585 3.277.151 10.950.549 8.408.609
    Totals 7.898.852 10.012.735 12.922.151 15.497.791 18.008.591 3.686.779 3.661.222 12.602.434 9.983.703

    Cục du lịch Quốc gia Việt nam

    Trong thời gian gần đây, du lịch tàu biển, du thuyền không chỉ thu hút khách quốc tế mà du khách trong nước đang có xu hướng lựa chọn loại hình này để du lịch. Đặc biệt, từ đầu năm 2024, thị trường tàu biển đã khởi sắc, đưa hàng nghìn du khách quốc tế cập cảng tại Quảng Ninh, Nha Trang (Khánh Hòa), Đà Nẵng, Bà Rịa – Vũng Tàu, thành phố Hồ Chí Minh. Điển hình như ngày 22/8/2023 vừa qua, tàu Spectrum of the Seas đã cập cảng Phú Mỹ (Bà Rịa – Vũng Tàu) đưa hơn 4.000 khách quốc tế tham quan, trải nghiệm các sản phẩm du lịch kỳ nghỉ lễ, đánh dấu sự phục hồi của ngành tàu biển quốc tế tại Việt Nam. 

    Tháng 7/2024, khách quốc tế đến Việt Nam bằng đường biển là 165,5 nghìn lượt người; gấp 3 lần so với cùng kỳ năm 2023.  Du thuyền trong nước cũng khởi sắc đặc biệt là các du thuyền cao cấp hoạt động thường xuyên cả trong ngày và lưu trú qua đêm. Tuy nhiên để hoạt động tàu biển, du thuyền được phát triển và trở thành loại hình du lịch có sức cạnh tranh với các nước trong khu vực còn rất nhiều việc phải làm và khắc phục.

    Du lịch tàu biển là loại hình mới xuất hiện ở Việt Nam những năm gần đây. Theo các chuyên gia đánh giá, khách du lịch tàu biển thường là dòng khách có chi trả cao, du lịch tàu biển có doanh thu cao hơn khoảng 40% so với du lịch đường hàng không hay đường bộ. Đó là một trong những lý do khiến du lịch tàu biển được các nước phát triển trên thế giới ưa chuộng và khai thác triệt để (Theo Tổ chức Du lịch thế giới (UNWTO)).

    Tháng 2/2024, Phú Quốc (Kiên Giang) liên tiếp đón ba tàu du lịch quốc tế lớn, trong đó có siêu du thuyền 5 sao Le Jacques Cartier của Pháp. Hạ Long (Quảng Ninh) cũng là một điểm đến đáng chú ý với số lượng khách du lịch qua đường tàu biển ngày một tăng.

    Tính riêng tháng 1/2024 đã có 13 tàu biển cập cảng tàu khách quốc tế Hạ Long với gần 20.000 du khách châu Âu, Mỹ và Trung Quốc. Dự kiến năm 2024 sẽ có khoảng 60 siêu du thuyền với 80.000 du khách quốc tế cập cảng Hạ Long.

    Còn tại thành phố Nha Trang (Khánh Hòa), ngay từ đầu năm đã đón 15 chuyến tàu biển, trong đó có những siêu tàu biển quốc tế với sức chứa lên đến 4.000 khách. Không hề thua kém, các thành phố Đà Nẵng, Huế dự kiến đón 40-45 chuyến tàu biển trong năm 2024. Những con số ấy phần nào cho thấy tiềm năng to lớn của loại hình du lịch tàu biển của Việt Nam.

    1. Những thuận lợi và khó khăn trong việc thu hút thị trường khách tàu biển Việt Nam.
    • Thuận lợi
    • Việt Nam có nhiều lợi thế để thu hút khách du lịch tàu biển, bởi nước ta sở hữu đường bờ biển dài 3.260km, với hơn 4.000 hòn đảo, cùng nhiều danh lam thắng cảnh nổi tiếng, di tích văn hóa lịch sử lâu đời.
      • Trong Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 cũng xác định, du lịch biển đảo là ưu tiên số một.
    •   Vị trí địa lý thuận lợi trên tuyến giao thông hàng hải của khu vực, nhiều điểm phát triển cảng biển du lịch như Đà Nẵng, Nha Trang, Hải Phòng, Quảng Ninh, Phú Quốc….
    • Cộng đồng doanh nghiệp đã và đang chủ động làm tốt khâu xác định sản phẩm, tăng sức cạnh tranh, chất lượng điều hành, tiếp cận nguồn khách tiềm năng, triển khai xúc tiến quảng bá du lịch.
    •    Du lịch tàu biển trong thời gian qua phát triển nhanh, trở thành một trong những loại hình phát triển mạnh nhất, góp phần thúc đẩy du lịch Việt Nam phát triển và nâng tầm thương hiệu trên thị trường quốc tế
    • Khó khăn
    • Việc tổ chức nhập cảnh tàu và khách du lịch mất rất nhiều thời gian, qua nhiều công đoạn hành chính không cần thiết, gây khó khăn cho doanh nghiệp lữ hành
    • Việt Nam hiện chưa có nhiều cảng chuyên về du lịch biển, chuyên dụng để đón được khách du lịch quốc tế. Ngoài ra, ở một số cảng, du khách phải đi bộ rất xa mới đến được khu vực lên xe đón đi tham quan, ảnh hưởng đến trải nghiệm của du khách. Trong khi đó, hệ thống dịch vụ, kỹ thuật tại các cảng biển chưa đồng bộ, dẫn đến việc tàu khách không cập được cảng do phải nhường vị trí cho tàu chở hàng, ảnh hưởng đến uy tín điểm đến.
    • Dịch vụ đi kèm cũng còn hạn chế, chưa đồng bộ, không thể giữ chân dòng khách này ở lại qua đêm. Bên cạnh đó các dịch vụ như ăn uống, mua sắm, vui chơi giải trí… cũng chưa đáp ứng nhu cầu đa dạng của khách.
    • Khách vẫn có xu hướng xuống tàu tham quan một số điểm rồi sẽ về lại trên tàu. 

    –      Chính sách visa cũng là rào cản khi thời gian nhập cảnh đi tàu biển còn ngắn, chưa thật linh hoạt; đây là những vấn đề mà ngành cần sớm khắc phục.

    Ngoài ra, số doanh nghiệp có khả năng đáp ứng các dịch vụ cho du khách tàu biển chưa nhiều, chất lượng dịch vụ đón khách du lịch tàu biển còn hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu dịch vụ đón khách cao cấp…

    • Xây dựng sản phẩm tour tuyến phù hợp phục vụ khách tàu biển.
    • Công tác tuyên truyền xúc tiến quảng bá du lịch đối với thị trường khách tàu biển nói riêng chưa được đầu tư một cách có hệ thống, dài hạn. Việt Nam chưa tham gia nhiều và có tính hệ thống vào các Hội chợ du lịch tàu biển thế giới.
    1. Một số giải pháp phát triển thị trường khách du lịch tàu biển Việt Nam

    – Về đầu tư phát triển cảng biển, cần có chính sách riêng cho phát triển du lịch tàu biển, trong đo phải đầu tư hệ thống cảng biển dành riêng cho đón khách tàu biển, có nhà ga đón khách, cơ sở hạ tầng dịch vụ, các trung tâm mua sắm hiện đại, vui chơi giải trí đồng bộ tại khu vực cảng đáp ứng nhu cầu của du khách. Trong giai đoạn chưa có cảng biển hành khách riêng biệt, đối với các địa phương có cảng biển quốc tế, cần phải có chính sách ưu tiên hơn cho các hãng tàu du lịch cập cảng so với tàu chở hàng.

    – Về thị trường nguồn khách tàu biển: Đối với Việt Nam, với vị trí nằm giữa hai trung tâm du lịch tàu biển trong khu vực là Singapore và Hồng Kông, Việt Nam cần tập trung khai thác thị trường khách du lịch từ châu Á, trong đó tập trung vào các thị trường Trung Quốc, ASEAN, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ,…

    – Về định hướng phát triển sản phẩm du lịch tàu biển: Nghiên cứu các sản phẩm du lịch dành cho đối tượng trong độ tuổi trên dưới 40, các sản phẩm du lịch tàu biển dành các đối tượng khách đi theo gia đình, nhóm bạn bè, khách MICE… Kết cấu gói sản phẩm du lịch nằm trong các hành trình ngắn ngày (từ 2 đến 6 ngày). Kết nối sản phẩm trong hành trình của các hãng tàu biển từ trung tâm du lịch tàu biển như Hồng Kông, Singapore, Thượng Hải… Sản phẩm du lịch tàu biển của Việt Nam phải có điểm nhấn tạo ra sự khác biệt về văn hóa, di sản, ẩm thực, dịch vụ bổ trợ, mua sắm hàng hóa,… với các điểm đến trong khu vực, trong cùng một hành trình nhằm nâng cao khả năng thu hút khách, tăng thời gian lưu trú trên bờ và tăng khả năng chi tiêu của du khách.

    – Về xúc tiến quảng bá du lịch tàu biển: Trong giai đoạn tới cần tập trung nghiên cứu thị trường khách tàu biển đặc biệt là thị trường khách châu Á, chú trọng yếu tố thời gian gắn liền với đặc điểm văn hóa của các thị trường gửi khách chủ yếu châu Á; xây dựng website quảng bá du lịch tàu biển Việt Nam; tham gia các hội chợ chuyên về du lịch tàu biển, tích cực trong hợp tác ASEAN về phát triển du lịch tàu biển; đăng cai tổ chức các sự kiện liên quan đến du lịch tàu biển; chủ động phối hợp, cung cấp thông tin điểm đến với các hãng tàu biển du lịch hoạt động thường xuyên ở khu vực.

    – Về cải tiến thủ tục hải quan, đơn giản hóa thủ tục hành chính tạo điều kiện thuận lợi cho khách du lịch tàu biển: Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động kiểm soát xuất – nhập cảnh; nghiên cứu cải tiến thống nhất quy trình thủ tục đối với khách du lịch, đồng thời đảm bảo an toàn, an ninh cho khách tại các cảng biển.

    – Về phát triển nguồn nhân lực phục vụ khách du lịch tàu biển: Nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ du lịch cho cán bộ của cơ quan quản lý nhà nước đảm nhận nhiệm vụ ở những vị trí quan trọng, là đầu mối tiếp xúc với khách du lịch như hải quan, công an, bộ đội biên phòng…; Nâng cao chất lượng, phát triển số lượng đội ngũ nhân viên phục vụ, hướng dẫn viên du lịch chuyên nghiệp để phục vụ khách tàu biển.

    – Tăng cường công tác quản lý điểm đến: Đầu tư nâng cao chất lượng sản phẩm, đảm bảo tính an ninh an toàn, văn minh, thân thiện tại các điểm đến phục vụ khách du lịch nói chung và khách du lịch tàu biển nói riêng.

    TÀI LIỆU THAM KHẢO

    1. Bài viết: Du lịch tàu biển Việt Nam: Cơ hội và thách thức. https://baomoi.com/du-lich-tau-bien-viet-nam-co-hoi-va-thach-thuc/c/28884529.epi
    2. Baovanhoa.vn (2018), Muốn phát triển du lịch tàu biển, bắt buộc các bên phải phối hợp chặt chẽ với nhau. http://baovanhoa.vn/du-lich/chinh-sach-quan-ly/artmid/512/articleid/13798/muon-phat-trien-du-lich-tau-bien-bat-buoc-cac-ben-phai-phoi-hop-chat-che-voi-nhau
    1. Du lịch tàu biển Việt Nam: “Mỏ vàng” đang dần khai lộ. http://kinhtedothi.vn/du-lich-tau-bien-viet-nam-mo-vang-dang-dan-khai-lo-336227.html
    2. Du lịch tàu biển hút khách. http://www.oscvn.com/tin-du-lich/du-lich-tau-bien-hut-khach/268/1098.
    3. Trang web của Cục du lịch Quốc gia Việt Nam (https://thongke.tourism.vn/)

    Bùi Thị Hạnh

    Phòng Thị trường, Sản phẩm và Quản lý khoa học

    Bài cùng chuyên mục