Du lịch sáng tạo, những vấn đề đặt ra
Tóm tắt:
Du lịch sáng tạo (Creative tourism) là loại hình mà khách du lịch có cơ hội phát triển tiềm năng sáng tạo của họ thông qua các trải nghiệm học tập, tìm hiểu tại điểm đến. Cũng có thể hiểu là loại hình có nhiều hoạt động tương tác với văn hóa bản địa, những hoạt động mang tính giáo dục, cảm xúc với điểm đến, với văn hóa và con người tại nơi đó. Ở loại hình du lịch này, khách du lịch được tham gia tìm hiểu văn hóa bản địa hoặc những đặc trưng của điểm đến và có sự kết nối với người dân địa phương hoặc những người tạo nên nền văn hóa đặc biệt này. Du lịch sáng tạo cung cấp những hoạt động đa dạng cho du khách nhờ phát huy tối đa những giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể tại điểm đến; đồng thời giá trị của điểm đến cũng được nâng cao nhờ chất lượng của hoạt động du lịch.
Tổng quan về du lịch sáng tạo
Khái niệm du lịch sáng tạo được giáo sư Greg Richards và Crispin Raymond định nghĩa lần đầu tiên vào năm 2000: “Du lịch sáng tạo là loại hình du lịch mang đến cho du khách cơ hội phát triển tiềm năng sáng tạo của mình nhờ tham gia vào các trải nghiệm học hỏi văn hóa và đặc trưng của điểm đến.”
Du lịch sáng tạo là một phần của du lịch văn hóa, nhưng bên cạnh việc quan sát, thưởng ngoạn thắng cảnh hay các sản phẩm mang nét văn hóa địa phương một cách “thụ động”, du khách sẽ được “chủ động” tự tay sáng tạo nên những sản phẩm của địa phương cùng với người dân bản địa. Những hoạt động du lịch sáng tạo có thể bao gồm: vẽ tranh, điêu khắc, làm gốm, nhảy những điệu múa dân gian, nấu ăn,….
Du lịch sáng tạo dễ bị nhầm lẫn với du lịch homestay hay du lịch trải nghiệm (experimental tourism). Về mặt hình thức, du lịch sáng tạo khá giống với du lịch trải nghiệm. Cả hai loại hình du lịch này đều đề cao yếu tố tương tác với người bản địa. Điểm khác biệt là du lịch trải nghiệm chỉ tập trung vào các hình thức trải nghiệm trực tiếp, như: Cùng ăn, cùng ở, cùng sinh hoạt, cùng lao động… với người dân bản địa, chứ không quan tâm nhiều tới việc học hỏi cộng đồng địa phương. Nói cách khác, du lịch trải nghiệm là quá trình tiếp nhận một cách thụ động. Trong khi du lịch sáng tạo là quá trình chủ động khám phá, học hỏi từ nền văn hóa bản địa. Ở loại hình du lịch này, khách du lịch được tham gia tìm hiểu văn hóa bản địa hoặc những sản phẩm đặc trưng của điểm đến và có sự kết nối với người dân địa phương hoặc những người tạo nên nền văn hóa bản địa. Du khách không chỉ là người thụ hưởng, mà đồng sản xuất sản phẩm du lịch mà mình trải nghiệm.
Khách du lịch sáng tạo là những người khách mà chính bản thân họ không coi họ là “khách du lịch thông thường” mà thông qua các chuyến du lịch, họ muốn được trải nghiệm như người bản địa. Họ sẽ được học hỏi, tiếp cận, khám phá các giá trị văn hóa để sáng tác và chế tạo ra những sản phẩm hay tác phẩm nghệ thuật của nơi họ đến và được kết nối, tương tác với người dân địa phương, trải nghiệm lối sống mang tính truyền thống.
Lợi ích của Du lịch sáng tạo
Lợi ích rõ ràng nhất mà Du lịch sáng tạo có thể mang lại chính là bảo tồn và thúc đẩy sự phát triển di sản văn hóa phi vật thể. Để bảo tồn những sản phẩm truyền thống của địa phương như: đồ thủ công mỹ nghệ, ẩm thực, ngôn ngữ, âm nhạc, thiên nhiên, hoạt động thể thao,… song song với niềm tự hào của người dân bản địa dành cho truyền thống địa phương là sự công nhận và yêu thích thông qua trải nghiệm từ khách du lịch để có thể duy trì được những hoạt động đó.
Du lịch sáng tạo là một loại hình du lịch bền vững bởi nguồn lực chính của hoạt động du lịch này là sự sáng tạo của chính du khách và người dân bản địa. Nếu như các di tích lịch sử hay danh lam thắng cảnh có thể bị mai một theo thời gian và sẽ khó có thể lưu giữ lại nguyên bản sau những lần trùng tu, tôn tạo thì du lịch sáng tạo lại được khai thác bởi sự sáng tạo và tinh thần trải nghiệm của du khách cùng với những giá trị mang tính chuyên môn của người bản địa – một nền tảng vững chắc và không ngừng đổi mới.
Du lịch sáng tạo mang tính đặc trưng cho từng vùng đất bởi những giá trị độc đáo trong văn hóa của từng vùng miền. Loại hình du lịch này khai thác từ giá trị của tri thức, kinh nghiệm, kỹ năng sống của người dân bản địa nên rất khó sao chép và mang lại trải nghiệm rất riêng. Điều này cũng tạo điều kiện cho những vùng đất không có lợi thế về địa lý và tự nhiên có thể thu hút khách du lịch bằng những giá trị về lịch sử và văn hóa cũng như khả năng đổi mới để tạo nên trải nghiệm đặc biệt cho du khách. Tính nguyên bản và bền vững của các điểm đến được bảo tồn, trở thành nguồn lực của sự sáng tạo, góp phần nâng cao giá trị tinh thần, niềm tự hào của người dân địa phương về văn hóa truyền thống của họ.
Khi tham gia hoạt động du lịch sáng tạo, du khách mong muốn được trải nghiệm văn hóa bản địa bằng cách tham gia vào các hoạt động giáo dục, sáng tác nghệ thuật hoặc tham dự các hoạt động biểu diễn văn hóa, văn nghệ cùng người dân địa phương. Điều này sẽ góp phần giảm sự tập trung vào những điểm du lịch truyền thống, giúp phân bố đều không gian du lịch ở điểm đến, từ đó bảo tồn được các giá trị văn hóa phi vật thể.
Một số mô hình Du lịch sáng tạo trên thế giới
Porto Alegre là một trong những thành phố văn hóa năng động, nằm ở phía Nam Brazil. “Porto Alegre Creative Tourism” là chương trình được chính quyền địa phương tổ chức cho phép du khách tham gia các khóa học ngắn, các hội thảo và nhiều hoạt động khác nhằm truyền tải nghệ thuật – văn hóa gaucho của địa phương. Hoạt động du lịch sáng tạo tại đây cũng thúc đẩy nhiều doanh nghiệp tham gia vào việc đổi mới và sáng tạo hoạt động du lịch của thành phố này.
Loulé là một vùng đất nổi tiếng với đồ thủ công mỹ nghệ tại Bồ Đào Nha. Địa phương này có truyền thống lâu đời trong hoạt động làm gốm, làm giày, chế tác kim loại,… “Loulé Criativo” là một sáng kiến của chính quyền địa phương nhằm quảng bá và nâng cao bản sắc của vùng đất này thông qua việc hỗ trợ các nghệ nhân địa phương và tổ chức nhiều hoạt động nghệ thuật cho du khách trải nghiệm. Hoạt động này của chính phủ nhằm giúp phục hồi nghệ thuật và thủ công truyền thống, bảo tồn những di sản phi vật thể của vùng đất này.
Đối với khu vực châu Phi, Madagascar Explorer là một đại lý du lịch có lịch sử hoạt động lâu đời tại đảo quốc xinh đẹp Madagascar từ năm 1988. Madagascar Explorer tổ chức rất nhiều hoạt động du lịch sáng tạo cho du khách được sáng tạo và thiết kế những sản phẩm chất lượng mang đậm văn hóa địa phương, chẳng hạn như điêu khắc gỗ bằng kỹ thuật cổ xưa, tự làm khăn lụa hoặc sản xuất giấy Antemoro truyền thống.
Du lịch sáng tạo ở Việt Nam?
Việt Nam có nhiều điều kiện và cơ hội để phát triển du lịch sáng tạo nhờ tài nguyên du lịch phong phú và đa dạng với các giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc, ẩm thực hấp dẫn, thắng cảnh thiên nhiên tươi đẹp. Bên cạnh đó, cơ sở hạ tầng du lịch và công nghệ thông tin phát triển nhanh cũng giúp du khách dễ dàng tiếp cận với những xu hướng mới của xã hội.
Việc phát triển du lịch sáng tạo tại Việt Nam góp phần làm đa dạng và nâng cao chất lượng cho hệ thống sản phẩm du lịch, tăng khả năng cạnh tranh của sản phẩm; bảo tồn giá trị văn hóa, thu hút sự tham gia của cộng đồng trong phát triển du lịch; phát triển thương hiệu du lịch độc đáo, thu hút khách du lịch thông qua hiệu ứng mạng xã hội.
Một số hình thức du lịch sáng tạo đang phát triển tại Việt Nam như: du lịch thiện nguyện, du lịch bảo vệ môi trường, du lịch tham quan phim trường, du lịch nông nghiệp – nông thôn, âm nhạc đường phố, tham quan Nhà hát lớn Hà Nội và nghe hòa nhạc, tham quan phố đi bộ tìm hiểu văn hóa…
Sự tăng trưởng và phát triển của du lịch đã và đang đòi hỏi ngành du lịch Việt Nam không ngừng cải thiện, đổi mới các sản phẩm và dịch vụ du lịch để có thể đáp ứng được nhu cầu của khách du lịch muốn được khám phá và trải nghiệm trực tiếp các giá trị văn hóa, sản phẩm du lịch tại điểm đến. Đây cũng là cơ sở để du lịch sáng tạo được các chuyên gia nghiên cứu, nhà quản lý du lịch, doanh nghiệp kinh doanh du lịch nhìn nhận như một loại hình, sản phẩm du lịch mới nhằm đáp ứng nhu cầu của khách du lịch. Hiện nay, ở Việt Nam có một số mô hình du lịch sáng tạo mới như: phim trường của bộ phim Kong (nằm trong quần thể di sản Tràng An) thành một điểm du lịch mới và là một mô hình du lịch sáng tạo độc đáo của Việt Nam, một số tour “Một ngày làm cư dân phố cổ”, “Một ngày trải nghiệm làm nông dân” ở Phố cổ Hội An cũng đã nổi lên như một điểm đến hấp dẫn, Khi khách du lịch tham gia các tour này, sẽ được sống cùng với gia đình nghệ nhân làng nghề (làm đèn lồng), hoặc trồng rau với người nông dân ở (làng rau Trà Quế). “Một ngày làm dân chài” ở làng chài Vung Viêng (Hạ Long), thực hành nghề thủ công tại một số làng nghề Hà Nội và vùng phụ cận như: Làng tranh dân gian Đông Hồ, làng gốm sứ Bát Tràng, tò he Xuân La, khảm trai Chuôn Ngọ…
Theo đó, các phương thức sinh hoạt, công cụ sản xuất trong đời sống văn hóa tinh thần của dân cư các làng nghề truyền thống sẽ được khách du lịch tự trải nghiệm để khám phá và tích lũy kiến thức, sự hiểu biết cho riêng mình. Đặc biệt là khách quốc tế, sau khi tham gia loại hình du lịch sáng tạo họ đã đánh giá cao và mong muốn sẽ được quay trở lại Việt Nam. Đây chính là đặc trưng của loại hình du lịch này bởi sự tương tác giữa khách du lịch với người dân địa phương đã có sự liên kết và tác động lẫn nhau thông qua quá trình trải nghiệm của chính họ.
Lợi ích mà du lịch sáng tạo mang lại không chỉ góp phần đa dạng hóa và nâng cao giá trị cho các sản phẩm du lịch; mà còn góp phần bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, cũng như nâng cao ý thức trách nhiệm của cộng đồng vào việc bảo tồn văn hóa và phát triển du lịch. Chưa kể, du lịch sáng tạo còn góp phần quảng bá hình ảnh và phát triển thương hiệu du lịch của Việt Nam nói chung và điểm đến các địa phương nói riêng thông qua việc sử dụng hiệu quả các hiệu ứng truyền thông mới như mạng xã hội, Tik Tok, Facebook, Instagram… Dựa trên những đặc trưng và lợi ích của nó dễ dàng nhận thấy loại hình du lịch sáng tạo là một sự lựa chọn thích hợp để phát triển ở các địa phương và cả nước.
Du lịch sáng tạo vốn không bị phụ thuộc bởi tính mùa vụ của du lịch mà chính giá trị văn hóa bản địa của địa phương sẽ làm nền tảng cơ bản để phát triển. Đặc biệt, đây là sản phẩm tương đối bền vững, lại không đòi hỏi yêu cầu quá cao về cơ sở vật chất như các sản phẩm du lịch khác. Chính vì lẽ đó, du lịch sáng tạo đang và sẽ mở ra cơ hội cho du lịch Việt Nam để khai thác, phát huy và phát triển lợi thế từ tài nguyên du lịch tự nhiên và tài nguyên du lịch văn hóa.
Tại Hội thảo “Du lịch sáng tạo – cơ hội cho du lịch Việt Nam”, do Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch (Tổng cục Du lịch) phối hợp với Viện Nghiên cứu Văn hóa và Du lịch Hàn Quốc tổ chức, các chuyên gia nhấn mạnh tới tiềm năng to lớn của du lịch sáng tạo ở Việt Nam. Thậm chí, du lịch sáng tạo còn được coi là một trong những biện pháp để khắc phục những hạn chế đang tồn tại của du lịch Việt Nam với các đặc điểm:
Thứ nhất, loại hình này không bị phụ thuộc vào yếu tố mùa vụ. Du khách của du lịch sáng tạo có thể đến với cộng đồng bản địa để học hỏi kinh nghiệm, trải nghiệm bản sắc vào bất cứ thời điểm nào. Thậm chí, khi thời tiết càng biến động cực đoan, loại hình du lịch sáng tạo càng thêm hấp dẫn. Ví dụ như: một số sản phẩm du lịch của Liên hiệp Khoa học Phát triển Du lịch Bền vững (STDe) có tên:“Biến mưa, bão, lụt miền Trung thành sản phẩm Du lịch”. Đây là dự án giúp thay đổi hoàn toàn tư duy ứng xử với biến đổi khí hậu. Thay cho “trốn chạy” và “chống lại” các yếu tố thời tiết bất lợi, dự án đề xuất các sản phẩm du lịch mới, mang tính đột phá, để du lịch có thể “sống chung” và tìm kiếm cơ hội từ chính những yếu tố bất lợi đó. Khi mới ra đời, dự án đã gây nhiều tranh cãi, nhưng hiện nay đã được các doanh nghiệp tại T.P Huế và T.P Hội An triển khai ứng dụng và tiếp tục hoàn thiện. Dự án “Mô hình khách sạn Bóng đêm” là mô hình khách sạn tiết kiệm năng lượng điện ở mức tối đa nhưng lại khai thác được nhiều giá trị và vẻ đẹp của bóng tối để giúp khách du lịch có những trải nghiệm hoàn toàn mới và tạo được doanh thu cho du lịch. Dự án này được trao tặng giải thưởng cống hiến của cuộc thi “Ý tưởng Kinh tế Xanh 2011” và đã ký được hợp đồng chuyển giao công nghệ cho 3 doanh nghiệp tại Hội chợ Techmart Quốc tế 2012. “Sản phẩm du lịch từ Rơm Đường Lâm”, giúp người dân làng cổ Đường Lâm khai thác tận dụng rơm để làm ra nhiều sản phẩm du lịch khác nhau như: Nhà nghỉ bằng Rơm, đồ lưu niệm rơm, thời trang rơm,…Giảm thiểu được việc đốt rơm gây ô nhiễm môi trường và khai thác hiệu quả hơn các giá trị của cánh đồng. “Sản phẩm Du lịch từ gió Bạc Liêu” giúp cho nhà máy điện gió Bạc Liêu có một hướng phát triển mới để gia tăng chuỗi sản phẩm du lịch từ Gió, tạo thêm nguồn thu nhập lớn từ việc khai thác “cánh đồng điện gió Bạc Liêu”….
Thứ hai, du lịch sáng tạo nhấn mạnh tính đặc trưng của mỗi vùng đất, mỗi con người, vì thế không bị ảnh hưởng nhiều bởi khả năng cạnh tranh-vốn là điểm yếu của du lịch Việt Nam. Trong khi, tính đặc trưng lại là điểm mạnh của du lịch Việt Nam, với bản sắc văn hóa của 54 dân tộc anh em. Ngoài ra, với Việt Nam, du lịch sáng tạo còn đem lại những ưu điểm khác như: Không giới hạn về độ tuổi khách du lịch, thời gian lưu trú linh hoạt, không phụ thuộc vào điều kiện cơ sở hạ tầng… Đặc biệt, du lịch sáng tạo khai thác những giá trị văn hóa, tri thức, kinh nghiệm sống và làm việc của cư dân bản địa – một nền tảng tài nguyên vô cùng vững chắc, nên loại hình du lịch này có khả năng phát triển rất bền vững. Mặt khác, khi đến với hoạt động du lịch sáng tạo, du khách mong muốn được trải nghiệm văn hóa bản địa bằng cách tham gia vào các hoạt động giáo dục, sáng tác nghệ thuật hoặc tham dự các hoạt động biểu diễn văn hóa, văn nghệ cùng người dân địa phương. Điều này góp phần giảm sự tập trung vào những điểm du lịch truyền thống, giúp phân bố đều không gian du lịch, từ đó bảo tồn được các giá trị văn hóa phi vật thể.
Kết luận
Du lịch sáng tạo đã xuất hiện tại Việt Nam nhưng mới chỉ phát triển tự phát, manh mún. Vì thế, các sản phẩm của loại hình du lịch này bộc lộ không ít hạn chế: Chưa khai thác và thể hiện được tính đặc trưng văn hóa vốn có; vẫn tiềm tàng những hiện tượng đẩy giá cao đối với khách du lịch nước ngoài, chèo kéo khách, bán phá giá… Hơn nữa, các sản phẩm đều chưa chú trọng tới yếu tố truyền thụ văn hóa, chưa cung cấp được cho du khách những thông tin sâu sắc về nghề cũng như văn hóa làng nghề. Người dân địa phương tại các điểm làm du lịch sáng tạo vẫn chưa ý thức được vai trò của mình mà chỉ đơn thuần là bán sản phẩm, dịch vụ chứ chưa biết cách thay đổi, tận dụng và phát huy các giá trị văn hóa của địa phương nhằm góp phần tạo nên sự hài lòng cho khách hàng.
Theo một số chuyên gia trong lĩnh vực du lịch, để phát triển loại hình du lịch sáng tạo, ngành du lịch Việt Nam cần nghiên cứu, nắm bắt nhu cầu thị trường và tài nguyên du lịch sẵn có, từ đó nâng cao giá trị cho tour du lịch truyền thống bằng cách bổ sung các hoạt động du lịch tìm hiểu văn hóa bản địa, giao lưu với cộng đồng địa phương… Đặc biệt, cần có cơ chế, chính sách khuyến khích dành cho các doanh nghiệp kinh doanh du lịch sáng tạo, nhất là các doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp khởi nghiệp với các sản phẩm du lịch độc đáo. Và điều quan trọng hơn là việc tuyên truyền cho người dân bản địa những chủ thể của điểm đến-hiểu được giá trị cốt lõi của du lịch sáng tạo, để từ đó có thái độ ứng xử phù hợp hơn với loại hình du lịch này.
Đổi mới sáng tạo trong việc xây dựng sản phẩm du lịch cũng là cơ hội để du lịch sáng tạo phát triển. Các ngành, các cấp, doanh nghiệp, cộng đồng địa phương… những người làm du lịch cần xác định làm du lịch là làm kinh tế chứ không phải phong trào. Vì vậy việc đầu tư, xúc tiến, kích cầu du lịch cần có sự cẩn trọng, đảm bảo tính hiệu quả, tránh việc dập khuôn, bắt chước và thay đổi tư duy phục vụ, lấy nụ cười, sự thân thiện và sự hài lòng của khách du lịch để làm vũ khí cạnh tranh, bên cạnh việc cải thiện chất lượng dịch vụ; Thay đổi thói quen phục vụ chung; Hoạt động liên kết phát triển du lịch giữa các địa phương cần phải sáng tạo hơn nữa trong các vấn đề về đầu tư trọng điểm phát triển hạ tầng giao thông đồng bộ, cơ sở vật hạ tầng du lịch du lịch hiện đại, văn minh, lịch sự; nâng cao trình độ, chất lượng nguồn nhân lực du lịch; phát triển sản phẩm du lịch mới, độc đáo, hấp dẫn; đổi mới phương thức xúc tiến quảng bá du lịch, ứng dụng công nghệ chuyển đổi số…
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
1. https://destination-review.com/du-lich-sang-tao-khi-du-khach-va-nguoi-ban-dia-cung-bao-ton-van-hoa-dia-phuong/ Lam Da (2020).
2. Phát triển sản phẩm du lịch sáng tạo ở Việt Nam (2016) – Trịnh Lê Anh và Trần Thùy Linh (Tạp chí Du lịch).
3. Du lịch sáng tạo, cơ hội cho du lịch Việt Nam (2017) (Viện NCPT Du lịch).
ThS. Lê Hoàng Anh – Phòng QLKH&HTQT