Du lịch giáo dục – Vấn đề đặt ra trong quá trình phát triển tại Việt Nam
Giáo dục luôn được coi là lĩnh vực hàng đầu trong mối quan tâm của mỗi quốc gia, là chìa khóa trọng tâm cho sự phát triển kinh tế và các khía cạnh văn hóa, xã hội của một quốc giá. Theo Elly Malihah, Heri Puspito Diyah Setiyorini (2014), giáo dục là một nỗ lực khách quan và có ý thức cho sự phát triển nguồn nhân lực trở nên tốt hơn. Giáo dục không thể tách rời với các hoạt động hàng ngày và cuộc sống con người, bao gồm cả các hoạt động vui chơi, giải trí và du lịch.
Mối quan hệ giữa du lịch và giáo dục trong du lịch thời gian qua cũng có những bước phát triển đáng kể. Các hoạt động “Học mà chơi – chơi mà học” với những trải nghiệm lành mạnh bổ ích ngoài trường học đang hình thành các xu hướng phát triển mạnh trong du lịch dành cho đối tượng trong học đường. Sau khi có được một lượng kiến thức học thuật trên nhà trường, học sinh sinh viên có thể hiểu sâu hơn về các kiến thức ấy trong bối cảnh thực tiễn khi đi tham quan các bảo tàng lịch sử, văn hóa, nghệ thuật. Sự kết hợp giữa lý thuyết và thực hành này giúp cho sinh viên được phát triển toàn diện hơn. Theo Lewis (2005) cho rằng: “Cân bằng các khía cạnh dạy nghề và tự do của giáo dục du lịch là cần thiết để tạo ra sinh viên tốt nghiệp toàn diện. Sự cân bằng này phát triển các sinh viên được giáo dục rộng rãi, có kiến thức và trách nhiệm về phát triển du lịch cũng như chức năng nghề nghiệp trong du lịch. Việc chỉ tập trung vào dạy nghề sẽ làm sinh viên của họ kém hơn và khiến họ ít có khả năng đáp ứng các bên liên quan trong một xã hội du lịch đang phát triển”. Khái niệm về du lịch giáo dục cũng được các chuyên gia nghiên cứu trên nhiều góc độ. Abubakar và cộng sự, 2014 cho rằng: Du lịch giáo dục bao gồm hai thành phần chính là du lịch và giáo dục. Sự kết hợp giữa du lịch và giáo dục đã nâng cao hiệu quả của ngành du lịch (Lam và cộng sự, 2011). Hay du lịch giáo dục là một loại hình du lịch ngắn hạn đặc biệt với mục đích là học tập và trau dồi kiến thức với thành phần tham gia chính là học sinh và giáo viên tham gia thứ yếu (Guo,2000,pp.4-6).
Nếu giáo dục xây dựng được nền móng kiến thức vững chắc cho sinh viên thì du lịch đem lại những hiểu biết thực tế, từ đó giúp nâng cao năng lực của sinh viên. Nghiên cứu của Tribe (2001) cho thấy: “Thực tập cũng làm tăng khả năng phê phán của sinh viên về hoạt động kinh doanh du lịch. Hơn nữa, điều kiện thực tế cũng góp phần vào việc phát triển chương trình giảng dạy hoặc cơ sở giáo dục du lịch”.
Ernawati (2003) ngụ ý rằng khi thiết kế chương trình giảng dạy du lịch, các nhà giáo dục nên hiểu nhu cầu chuyên môn của ngành khoa học du lịch. Vì vậy, các học giả cần phải hiểu và trải nghiệm nhiều hơn trong hoàn cảnh đó. Từ đó, nó tạo ra hoạt động du lịch giáo dục cho các học giả. Trong bối cảnh rộng hơn, khi du lịch phát triển, du lịch giáo dục nên trở thành một điểm cần được xem xét đưa vào trong chương trình giảng dạy. Vì ở mỗi điểm đến hướng đến sự phát triển bền vững, khách du lịch, cộng đồng, khu vực tư nhân/ doanh nghiệp, thậm chí cả chính quyền ở các khu vực bị cô lập đều cần được giáo dục. Điều này phù hợp với Popescu và Baltaretu (2012) khi lập luận khái niệm “du lịch có một thành phần giáo dục vì nó liên quan đến sự trao đổi và hiểu biết văn hóa giữa những người thuộc các chủng tộc, tôn giáo, văn hóa khác nhau”. Do đó, những du khách có trình độ học vấn cao hơn sẽ thực hiện chuyến du lịch với nhận thức cao hơn và cách thức phù hợp không gây tổn hại đến thiên nhiên, các giá trị văn hóa – xã hội của người dân địa phương. Khái niệm này sau đó có thể mang lại sự phát triển du lịch bền vững trong một khu vực.
Dưới góc độ du lịch giáo dục được coi là một phương thức bảo tồn và phát huy giá trị các báu vật quốc gia, tác giả Nghiêm Thị Thanh Nhã (2018) đưa ra minh chứng qua chương trình giáo dục nghệ thuật cho học sinh tiểu học trên toàn nước Anh: “Take One Picture” do Gallery Nghệ thuật Quốc Gia (Anh) tổ chức. Chương trình được đưa ra nhằm truyền cảm hứng nghệ thuật cho các em nhỏ, khuyến khích các phương pháp học tập tích hợp thông qua nghệ thuật. Mỗi năm Gallery lựa chọn một bức tranh trong các bộ sưu tập sẵn có của Gallery làm chủ đề, làm cảm hứng cho các giờ học trong lớp. Các phiên bản của bức tranh được phát cho những người tham gia, suy nghĩ về những gì giáo viên đưa ra trong lớp. Suy nghĩ là cách họ phát triển ý tưởng, phát triển sự sáng tạo, và sau đó họ sẽ đi tham quan Gallery. Chương trình góp phần xây dựng sự tự hòa cho các em học sinh trước một di sản nghệ thuật phong phú của quốc gia.
Trên góc độ kết nối giữa Nhà trường – Người học- Doanh nghiệp – Cộng đồng, Công ty Dịch vụ Khoa học và Du lịch (TASS), trực thuộc trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội được thành lập dựa trên mô hình Doanh nghiệp trong Nhà trường của các quốc gia tiên tiến trên thế giới với mục tiêu tăng cường sự liên kết giữa các bên liên quan để thúc đẩy du lịch giáo dục. Ở đó họ xây dựng sản phẩm chính là các chương trình giáo dục trải nghiệm dành cho học sinh quốc tế đến Việt Nam giao lưu, học hỏi và triển khai các chương trình thiện nguyện cùng các bạn nhỏ vùng sâu vùng xa, đồng thời đem tới những chương trình ngoại khóa cho các bạn trẻ Việt Nam được trải nghiệm, học tập trong môi trường quốc tế tại các quốc gia có nền giáo dục hàng đầu khu vực. Trong mỗi chuyến đi, họ chủ động dung nạp các kiến thức về lịch sử, văn hóa, nghệ thuật và kỹ năng sống, chủ động áp dụng nó vào hoàn cảnh thực tiễn để giải quyết các vấn đề phát sinh trong quá trình tổ chức thực hiện chương trình trải nghiệm hay chương trình du lịch nào đó. Với hiểu biết rộng rãi họ nuôi dưỡng trong mình sự tự hào và ý thức bảo vệ, gìn giữ các di tích lịch sử văn hóa đó cho sự phát triển bền vững trong tương lai.
Từ những vấn đề được phân tích trên đây, để khai thác tốt loại hình du lịch này, về cơ bản, những người làm du lịch cần xem xét các vấn đề sau:
Khi thiết kế hoạt động du lịch giáo dục cần phải bộc lộ tiềm năng tài nguyên du lịch cũng như mức độ hấp dẫn của lãnh thổ đối với mục đích du lịch giáo dục. Các đặc điểm chính của tài nguyên là năng lực, tính ổn định, độ tin cậy, tính sẵn có, độ tương phản, tính độc đáo, giá trị lịch sử hoặc nghệ thuật, sức hấp dẫn về mặt thẩm mỹ.
Cần sự phối hợp giữa các cơ sở đào tạo, giáo dục với các công ty du lịch lữ hành để thiết kế, tổ chức thực hiện các chương trình giáo dục không chỉ đáp ứng được nhu cầu giáo dục, học tập của du khách mà còn phải sáng tạo với đa dạng các hoạt động kết hợp với các mô hình du lịch nông thôn/trang trại, du lịch sinh thái… để kích thích mong muốn “tìm hiểu cái mới” trong phần lớn thị trường khách du lịch tái tạo là các bạn trẻ, học sinh sinh viên thời đại mới.
Một trong những yêu cầu quan trọng nhất đối với việc thiết kế và thực hiện thành công một chương trình giáo dục thành công đó là sự tham gia của những người đóng vai trò hướng dẫn, định hướng và giảng dạy. Trên cơ sở đó yêu cầu cần có các chương trình giáo dục, đào tạo bài bản cho đội ngũ hướng dẫn, thuyết minh viên và những người giảng dạy ở trong các chương trình du lịch giáo dục để đảm bảo người tham gia cảm thấy hài lòng và hứng khởi sáng tạo dựa trên chủ đề sẵn có.
Các hoạt động liên quan đến các chuyến tham quan giáo dục rất đa dạng, từ tìm hiểu trường học, phong tục, văn hóa, học ngôn ngữ, tham dự hội nghị chuyên đề hoặc hội thảo đến tham dự một dự án học thuật hoặc nghiên cứu. Tuy nhiên, mục đích chính của du lịch giáo dục là giáo dục và học tập. Vì vậy điểm đến của các chuyến du lịch giáo dục luôn có những yêu cầu khá khắt khe có thể là các trường, học viện, trường đại học danh tiếng hoặc một số di tích lịch sử, nơi ở của các học giả nổi tiếng…
Việc phát triển du lịch giáo dục sẽ đem lại lợi ích nhiều mặt và góp phần định hướng nghề nghiệp cho các thế hệ tương lại ở mọi cấp học và không tạo ra quá nhiều áp lực trong việc học tập, đồng thời đây cũng là cơ hội tiếp nhận thông tin và nâng cao nhận thức một cách chủ động với mục tiêu lấy người học làm trung tâm. Chính vì vậy, để định hướng và tạo dựng một loại hình sản phẩm mang tính nhân văn sâu sắc cần có sự vào cuộc của tất cả các bên liên quan đặc biệt là của ngành giáo dục và ngành du lịch. Trong tương lai, việc phối hợp, liên kết phát triển sẽ đem lại sự đa dạng về sản phẩm, thị trường đồng thời cũng là cơ hội phát triển điểm đến và bảo tồn các giá trị văn hóa bản địa một cách tích cực đối với ngành du lịch nói chung.
Nguyễn Thị Lan Hương
Viện NCPT Du lịch