Đề xuất phương pháp lựa chọn các nước và vùng lãnh thổ được Việt Nam đơn phương miễn thị thực
Tóm tắt: Nghiên cứu này xác định phương pháp lựa chọn với các tiêu chí phù hợp nhằm xây dựng một danh sách các nước và vùng lãnh thổ được Việt Nam đơn phương miễn thị thực nhằm tạo điều kiện thuận lợi hơn cho khách du lịch quốc tế đến, thúc đẩy ngành du lịch phát triển mạnh mẽ hơn. Các tiêu chí quan trọng được xác định gồm: (1) Tiềm năng du lịch: Xác định các quốc gia và vùng lãnh thổ có số lượng du khách đến Việt Nam nhiều và có tiềm năng tăng trưởng mạnh mẽ; (2) Chi tiêu du lịch: Ưu tiên các quốc gia và vùng lãnh thổ có khách du lịch chi tiêu cao tại Việt Nam hoặc có tiềm năng chi tiêu cao; (3) Chính sách thị thực của các nước khác: Xem xét các quốc gia hoặc khối nước (như Liên minh Châu Âu) được nhiều nước trên thế giới cũng như các nước trong khu vực miễn thị thực; (4) An ninh và trật tự an toàn xã hội: Loại trừ các quốc gia và vùng lãnh thổ có khả năng phương hại đến an ninh và trật tự an toàn xã hội Việt Nam; (5) Quan hệ ngoại giao và kinh tế: Ưu tiên các quốc gia và vùng lãnh thổ có quan hệ ngoại giao tốt đẹp với Việt Nam, có giao dịch thương mại phát triển tốt và tổng số vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đáng kể vào Việt Nam, góp phần đa dạng hóa thị trường. Các tiêu chí được kiểm chứng bằng số liệu thống kê để từ đó chúng tôi đề xuất các cơ quan quản lý xem xét mở rộng danh sách các quốc gia và vùng lãnh thổ được Việt Nam đơn phương miễn thị thực.
Từ khóa: miễn thị thực; phương pháp lựa chọn; tiêu chí.
Mở đầu:
Việt Nam đã mở cửa đón khách du lịch quốc tế từ ngày 15/3/2022. Năm 2023, Việt Nam đón 12,6 triệu lượt khách quốc tế, đạt tỷ lệ phục hồi 69,9% so với mức 18 triệu lượt vào năm 2019[1]. Để thu hút khách du lịch quốc tế, Việt Nam cần cải thiện chính sách thị thực. Tại Hội nghị toàn quốc về du lịch ngày 15/3/2023, Thủ tướng Chính phủ đã có chỉ đạo liên quan đến tăng số lượng các nước được miễn thị thực[2].
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) có công văn gửi Bộ Ngoại giao về tổng kết chính sách miễn thị thực đơn phương cho các nước. Qua đó, Bộ VHTTDL đề xuất danh sách 20 nước còn lại thuộc Liên minh Châu Âu (Áo, Bỉ, Bulgaria, Croatia, Síp, Séc, Estonia, Hy Lạp, Hungary, Ireland, Latvia, Litva, Luxembourg, Malta, Hà Lan, Ba Lan, Bồ Đào Nha, Rumani, Slovakia, Slovenia) và 5 nước khác gồm: Mỹ, Úc, New Zealand, Canada, Thụy Sĩ. Nghiên cứu này xác định phương pháp lựa chọn với các tiêu chí phù hợp nhằm xây dựng một danh sách các nước và vùng lãnh thổ được Việt Nam đơn phương miễn thị thực.
I. Phương pháp nghiên cứu
Nghiên cứu tài liệu: Luật, nghị quyết của Chính phủ, đề xuất, báo cáo của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch gửi Thủ tướng Chính phủ và các Bộ, ngành liên quan; các công trình nghiên cứu trong nước và quốc tế của các tổ chức thuộc Liên hợp quốc, Ngân hàng thế giới, cơ quan thống kê ASEAN, một số nước thành viên và internet.
Tổng hợp, thống kê, phân tích dữ liệu: Dữ liệu được thu thập, thống kê và phân tích theo hệ thống các tiêu chí đã xác định.
II. Dữ liệu và các tiêu chí để phân tích
2.1. Dữ liệu
Chúng tôi xem xét danh sách tất cả các nước và vùng lãnh thổ trên thế giới được Bộ Ngoại giao sử dụng tại Danh sách các nước có quan hệ ngoại giao với Việt Nam (tính đến tháng 2/2013)[3] và danh sách được Bộ VHTTDL gửi Bộ Ngoại giao về tổng kết chính sách miễn thị thực đơn phương cho các nước.
Các số liệu được trích dẫn từ những nguồn nghiên cứu, báo cáo được công bố của các cơ quan, tổ chức trong nước và quốc tế, đảm bảo tinh thần khoa học, có căn cứ và số liệu minh chứng.
Số liệu thống kê liên quan tới khách du lịch quốc tế (số khách, mức chi tiêu) và thương mại (xuất nhập khẩu, đầu tư FDI) được xem xét ở thời điểm năm 2019 khi đang phản ánh mức độ phát triển cao nhất, ngay trước đại dịch Covid-19. Các số liệu khác được xem xét vào năm 2022-2023 khi ngành du lịch và kinh tế toàn cầu đã bắt đầu quá trình phục hồi.
2.2. Tiêu chí phân tích:
Chúng tôi lựa chọn một số tiêu chí theo thứ tự ưu tiên như dưới đây với ý nghĩa là động lực để phát triển du lịch, kinh tế, trao đổi thương mại và đầu tư. Theo đó, các tiêu chí được sử dụng dựa trên căn cứ dữ liệu về các nước và vùng lãnh thổ:
- Có nhiều khách đến Việt Nam và có tiềm năng tăng trưởng mạnh mẽ;
- Khách du lịch chi tiêu cao tại Việt Nam hoặc có tiềm năng chi tiêu cao;
- Là nước hoặc khối nước (như Liên minh Châu Âu) được nhiều nước trên thế giới cũng như các nước trong khu vực miễn thị thực;
- Ít khả năng phương hại đến an ninh và trật tự an toàn xã hội Việt Nam;
- Có quan hệ ngoại giao tốt đẹp với Việt Nam, có giao dịch thương mại phát triển tốt và tổng số vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đáng kể vào Việt Nam, góp phần đa dạng hóa thị trường.
III. Chi tiết tiêu chí lựa chọn
3.1. Tiêu chí 1 – Có nhiều khách quốc tế đến Việt Nam và có tiềm năng tăng trưởng mạnh mẽ.
Nhiều nước là thành viên Liên minh châu Âu, là những thị trường trọng điểm của Việt Nam cũng như của các quốc gia cạnh tranh. Tổng số khách đến từ các quốc gia này chiếm khoảng 10% thị phần. Nếu được miễn thị thực sẽ tăng hơn nữa thị phần và góp phần đa dạng hóa thị trường khách du lịch đến Việt Nam.
Bảng 1 – Số khách quốc tế đến (năm 2019)
TT | Nước | Việt Nam | Thái Lan | Malaysia | Singapore | ASEAN | ||||||
1 | Mỹ | 746.171 | 1.165.856 | 269.928 | 729.260 | 4.810.291 | ||||||
2 | Úc | 383.511 | 767.162 | 368.271 | 1.143.305 | 4.509.092 | ||||||
3 | Canada | 159.121 | 273.218 | 87.568 | 138.548 | 1.085.043 | ||||||
4 | Hà Lan* | 81.092 | 241.565 | 82.110 | 99.445 | 807.573 | ||||||
5 | New Zealand | 47.088 | 112.660 | 50.140 | 152.995 | 581.034 | ||||||
6 | Israel | 43.952 | 195.856 | 24.296 | 312.178 | |||||||
7 | Ba Lan* | 39.489 | 27.033 | 147.436 | ||||||||
8 | Thụy Sĩ | 36.577 | 192.126 | 25.659 | 97.970 | 477.257 | ||||||
9 | Bỉ* | 34.187 | 114.669 | 22.082 | 34.459 | 302.435 | ||||||
10 | Ireland* | 28.196 | 19.696 | 24.691 | 136.723 | |||||||
11 | Nam Phi | 24.182 | 96.450 | 22.674 | 42.736 | 251.435 | ||||||
12 | Séc* | 21.371 | 54.459 | |||||||||
13 | Áo* | 19.817 | 111.428 | 192.317 | ||||||||
14 | Thổ Nhĩ Kỳ | 19.030 | 15.290 | 74.601 | ||||||||
15 | Bra xin | 18.673 | 69.714 | 141.467 | ||||||||
16 | Bồ Đào Nha* | 16.679 | 70.683 | |||||||||
17 | A rập Xê út | 2.463 | 30.006 | 121.444 | 15.471 | 371.296 | ||||||
18 | Cô oét | 1.263 | 78.199 | 9.625 | 101.727 | |||||||
19 | Các TVQ A rập Thống nhất | 1.119 | 130.158 | 11.174 | 81.526 | 244.038 | ||||||
20 | Ác hen ti na | 7.247 | 29.498 | 57.333 | ||||||||
21 | Romania* | 9.555 | 32.653 | |||||||||
22 | Hungary* | 9.085 | 30.656 | |||||||||
23 | Slovakia* | 7.041 | 20.252 | |||||||||
24 | Hy Lạp* | 6.471 | 23.413 | |||||||||
25 | Bulgaria* | 5.679 | 16.770 | |||||||||
26 | Litva* | 4.997 | 16.962 | |||||||||
27 | Estonia* | 4.538 | 12.967 | |||||||||
28 | Slovenia* | 2.712 | 9.592 | |||||||||
29 | Croatia* | 2.440 | 9.463 | |||||||||
30 | Latvia* | 2.280 | 9.109 | |||||||||
31 | Luxembourg* | 1.451 | 5.345 | |||||||||
32 | Síp* | 1.334 | 5.363 | |||||||||
33 | Malta* | 1.044 | 3.024 | |||||||||
Nguồn: Tổng hợp của tác giả
Chú thích:
- (*): Các quốc gia thuộc Liên minh Châu Âu.
3.2 Tiêu chí 2 – Khách du lịch chi tiêu cao tại Việt Nam hoặc/ và có tiềm năng chi tiêu cao.
Khách có khả năng chi trả cao với mức chi tiêu bình quân khoảng 1.470 USD/ lượt, cao hơn nhóm các nước đã được miễn thị thực đơn phương. Nhóm các nước dưới đây có chi tiêu bình quân trên đầu người cao. Cụ thể, du khách Mỹ, Úc, Canada, New Zealand, Ba Lan, Thụy Sỹ, Bỉ, Ireland là những thị phần khách có khả năng chi tiêu cao thường xấp xỉ 1.300 USD/ chuyến đi. Bên cạnh đó, khách từ các thị trường xa này sẽ lưu trú lâu hơn so với khách du lịch đến từ các nước lân cận nên có khả năng chi tiêu nhiều hơn.
Bảng 2 – Mức chi tiêu bình quân (năm 2019)
Đơn vị: USD/người
TT | Nước | Chi tiêu BQ | Thu nhập BQ |
1 | Mỹ | 1.570,8 | 69.288 |
2 | Úc | 1.541,6 | 56.281 |
3 | Canada | 1.510,4 | 52.085 |
4 | Hà Lan* | 1.467,3 | 63.768 |
5 | New Zealand | 1.842,0 | 46.420 |
6 | Israel | 1.384,0 | 43.722 |
7 | Ba Lan* | 1.560,0 | 37.837 |
8 | Thụy Sĩ | 1.282,8 | 77.274 |
9 | Bỉ* | 1.519,0 | 58.905 |
10 | Ireland* | 1.554,3 | 106.352 |
11 | Nam Phi | 1.123,0 | 14.624 |
12 | Séc* | 885,3 | 45.094 |
13 | Áo* | 58.431 | |
14 | Thổ Nhĩ Kỳ | 30.737 | |
15 | Bra xin | 1.206,2 | 16.031 |
16 | Bồ Đào Nha* | 35.799 | |
17 | A rập Xê út | 48.711 | |
18 | Cô oét | 46.328 | |
19 | Các TVQ A rập Thống nhất | 76.609 | |
20 | Ác hen ti na | 23.650 | |
21 | Romania* | 35.870 | |
22 | Hungary* | 36.753 | |
23 | Slovakia* | 33.010 | |
24 | Hy Lạp* | 31.364 | |
25 | Bulgaria* | 27.926 | |
26 | Litva* | 42.581 | |
27 | Estonia* | 42.138 | |
28 | Slovenia* | 43.603 | |
29 | Croatia* | 34.314 | |
30 | Latvia* | 34.444 | |
31 | Luxembourg* | 134.545 | |
32 | Síp* | 44.110 | |
33 | Malta* | 48.582 |
Nguồn: Tổng hợp của tác giả
Chú thích:
- (*): Các quốc gia thuộc Liên minh Châu Âu.
- Chi tiêu BQ: Mức chi tiêu bình quân mỗi khách/ chuyến đi
- Thu nhập BQ: thu nhập bình quân trên đầu người (PPP per capita)
3.3. Tiêu chí 3 – Là nước hoặc khối nước (như Liên minh Châu Âu) được nhiều nước trên thế giới cũng như các nước trong khu vực miễn thị thực.
Đây là các thị trường có chỉ số hộ chiếu cao, được nhiều nước trên thế giới và trong khu vực miễn thị thực. Các quốc gia cạnh tranh đã miễn thị thực nhập cảnh cho những thị trường này. Ví dụ: Trong khu vực ASEAN, thị trường khách Mỹ là thị trường lớn nhất của Thái Lan, với gần 1,2 triệu lượt năm 2019, trong khi Việt Nam chỉ đón được gần 750.000 lượt. Qua tổng hợp dữ liệu cho thấy, Thái Lan miễn thị thực 45 ngày cho du khách Mỹ.
Bảng 3 – Chỉ số hộ chiếu
TT | Nước | Chỉ số hộ chiếu (nước) | Thái Lan (ngày) | Malaysia (ngày) | Singapore (ngày) |
1 | Mỹ | 187 | 45 | 90 | 90 |
2 | Úc | 186 | 45 | 90 | 90 |
3 | Canada | 186 | 45 | 90 | 30 |
4 | Hà Lan* | 189 | 45 | 90 | 90 |
5 | New Zealand | 187 | 45 | 90 | 90 |
6 | Israel | 160 | 45 | 30 | |
7 | Ba Lan* | 185 | 45 | 90 | 90 |
8 | Thụy Sĩ | 187 | 45 | 90 | 90 |
9 | Bỉ* | 187 | 45 | 90 | 90 |
10 | Ireland* | 188 | 45 | 90 | 90 |
11 | Nam Phi | 106 | 45 | 90 | 30 |
12 | Séc* | 187 | 45 | 90 | 90 |
13 | Áo* | 189 | 45 | 90 | 90 |
14 | Thổ Nhĩ Kỳ | 111 | 45 | 90 | 30 |
15 | Bra xin | 170 | 90 | 90 | 30 |
16 | Bồ Đào Nha* | 188 | 45 | 90 | 90 |
17 | A rập Xê út | 82 | 45 | 90 | |
18 | Cô oét | 97 | 45 | 90 | 30 |
19 | Các TVQ A rập Thống nhất | 178 | 45 | 90 | 30 |
20 | Ác hen ti na | 171 | 90 | 90 | 90 |
21 | Romania* | 176 | 90 | 90 | |
22 | Hungary* | 185 | 45 | 90 | 90 |
23 | Slovakia* | 184 | 45 | 90 | 90 |
24 | Hy Lạp* | 186 | 45 | 90 | 90 |
25 | Bulgaria* | 175 | 90 | 90 | |
26 | Litva* | 184 | 45 | 90 | 90 |
27 | Estonia* | 182 | 45 | 90 | 90 |
28 | Slovenia* | 183 | 45 | 90 | 90 |
29 | Croatia* | 175 | 90 | 90 | |
30 | Latvia* | 183 | 45 | 90 | 90 |
31 | Luxembourg* | 190 | 45 | 90 | 90 |
32 | Síp* | 178 | 90 | 90 | |
33 | Malta* | 186 | 90 | 90 |
Nguồn: Tổng hợp của tác giả
Chú thích:
- (*): Các quốc gia thuộc Liên minh Châu Âu
- Nước: Số nước và vùng lãnh thổ mà công dân nước đó được miễn thị thực đến.
- Ngày: Số ngày miễn thị thực cho khách quốc tế đến.
3.4. Tiêu chí 4 – Ít khả năng phương hại đến an ninh và trật tự an toàn xã hội Việt Nam.
Chúng tôi cho rằng, người dân ở các nước có chỉ số hạnh phúc cao sẽ ít có xu hướng rời bỏ đất nước họ. Theo thống kê về chỉ số hạnh phúc toàn cầu 2023, các quốc gia có chỉ số cao hàng đầu trong nhóm nước dưới đây gồm Israel, Hà Lan, Thụy Sĩ và New Zealand. Bên cạnh đó, chỉ số hòa bình toàn cầu 2022 ghi nhận các quốc gia có chỉ số cao hàng đầu trong nhóm này gồm: New Zealand, Ireland, Áo, Bồ Đào Nha và Séc. Đây cũng là những nước có chỉ số hạnh phúc cao.
Bảng thống kê dưới đây cũng cho thấy những nước có chỉ số hạnh phúc và hòa bình cao thường cũng ít nguy cơ khủng bố, điển hình như Ba Lan, Ireland, Séc, Bồ Đào Nha… Trong số đó, nhiều nước thuộc Liên minh Châu Âu.
Bảng 4 – Chỉ số an ninh, an toàn
TT | Nước | WHR 2023 | GPI 2022 | GTI 2023 |
1 | Mỹ | 15 | 129 | 30 |
2 | Úc | 12 | 27 | 69 |
3 | Canada | 13 | 12 | 54 |
4 | Hà Lan* | 5 | 21 | 67 |
5 | New Zealand | 10 | 2 | 46 |
6 | Israel | 4 | 134 | 25 |
7 | Ba Lan* | 39 | 25 | 93 |
8 | Thụy Sĩ | 8 | 11 | 65 |
9 | Bỉ* | 17 | 22 | 59 |
10 | Ireland* | 14 | 3 | 87 |
11 | Nam Phi | 85 | 118 | 79 |
12 | Séc* | 18 | 8 | 93 |
13 | Áo* | 11 | 5 | 61 |
14 | Thổ Nhĩ Kỳ | 106 | 145 | 23 |
15 | Bra xin | 49 | 130 | 85 |
16 | Bồ Đào Nha* | 56 | 6 | 93 |
17 | A rập Xê út | 30 | 119 | 63 |
18 | Cô oét | 39 | 93 | |
19 | Các TVQ A rập Thống nhất | 26 | 60 | 76 |
20 | Ác hen ti na | 52 | 69 | 57 |
21 | Romania* | 24 | 31 | 84 |
22 | Hungary* | 51 | 13 | 93 |
23 | Slovakia* | 29 | 20 | 58 |
24 | Hy Lạp* | 58 | 53 | 31 |
25 | Bulgaria* | 77 | 24 | 93 |
26 | Litva* | 20 | 37 | 86 |
27 | Estonia* | 31 | 33 | 93 |
28 | Slovenia* | 22 | 7 | 93 |
29 | Croatia* | 48 | 15 | 93 |
30 | Latvia* | 41 | 35 | 93 |
31 | Luxembourg* | 9 | ||
32 | Síp* | 46 | 67 | 74 |
33 | Malta* | 37 |
Nguồn: Tổng hợp của tác giả
Chú thích:
- (*): Các quốc gia thuộc Liên minh Châu Âu
- WHR: Chỉ số toàn cầu về hạnh phúc (World Happiness Report), 1 là hạnh phúc nhiều nhất.
- GPT: Chỉ số toàn cầu về hòa bình (Global Peace Index), 1 là hòa bình nhiều nhất.
- GTI: Chỉ số toàn cầu về khủng bố (Global Terrorism Index), 1 là nguy cơ khủng bố cao nhất.
3.5. Tiêu chí 5 – Có quan hệ ngoại giao tốt đẹp với Việt Nam, có giao dịch thương mại phát triển tốt và tổng số vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đáng kể vào Việt Nam cao, góp phần đa dạng hóa thị trường.
Các quốc gia thuộc nhóm dưới đây có quan hệ tốt đẹp với Việt Nam trên cả lĩnh vực ngoại giao và thương mại, đầu tư. Năm 2023, Mỹ và Việt Nam kỷ niệm 10 năm hai nước thiết lập quan hệ Đối tác Toàn diện[4], 4 nước kỷ niệm 50 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam gồm: Úc, Canada, Vương quốc Hà Lan, Vương quốc Bỉ. Cộng hòa Áo (51 năm), Liên bang Thụy Sĩ (52 năm), Cộng hòa Ba Lan và Cộng hòa Séc (73 năm). Việc Việt Nam công bố miễn thị thực cho các nước này sẽ có ý nghĩa đánh dấu mối quan hệ truyền thống tốt đẹp giữa Việt Nam với các quốc gia này.
Quan hệ thương mại hai chiều với các nước trong nhóm này cũng có thuyết phục cao. Tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ đứng hàng thứ nhất và tổng giá trị xuất, nhập khẩu của Mỹ với Việt Nam đứng hàng thứ hai, chỉ sau Trung Quốc. Mỹ cũng là quốc gia trong top 10 về đầu tư trực tiếp nước ngoài, thể hiện tiềm năng phát triển cao hơn nữa và khẳng định vai trò đối tác thương mại toàn diện của Việt Nam.
Bảng 5 – Quan hệ thương mại và ngoại giao với Việt Nam
Đơn vị: triệu USD
TT | Nước | Xuất khẩu 2019 |
Nhập khẩu 2019 |
FDI 2019 |
Quan hệ ngoại giao |
1 | Mỹ | 60.728,2 | 14.315,5 | 9.383,0 | 1995 |
2 | Úc | 3.523,5 | 4.557,8 | 1.909,9 | 1973 |
3 | Canada | 3.863,6 | 840,7 | 5.025,5 | 1973 |
4 | Hà Lan* | 6.823,3 | 667,5 | 10.051,2 | 1973 |
5 | New Zealand | 553,3 | 556,1 | 209,4 | 1975 |
6 | Israel | 789,3 | 352,0 | 79,0 | 1993 |
7 | Ba Lan* | 1.512,2 | 293,9 | 209,3 | 1950 |
8 | Thụy Sĩ | 1.575,7 | 703,3 | 1.993,2 | 1971 |
9 | Bỉ* | 2.517,8 | 564,4 | 1.030,7 | 1973 |
10 | Ireland* | 147,3 | 2.379,7 | 41,9 | 1996 |
11 | Nam Phi | 810,0 | 342,7 | 1,4 | 1993 |
12 | Séc* | 198,1 | 121,8 | 90,7 | 1950 |
13 | Áo* | 3.401,9 | 333,2 | 147,2 | 1972 |
14 | Thổ Nhĩ Kỳ | 1.142,7 | 355,0 | 708,6 | 1978 |
15 | Bra xin | 2.130,5 | 2.818,9 | 2,8 | 1989 |
16 | Bồ Đào Nha* | 395,3 | 107,6 | 0,1 | 1975 |
17 | A rập Xê út | 352,7 | 1.189,1 | 2,3 | 1999 |
18 | Cô oét | 59,9 | 3.539,5 | 1,4 | 1976 |
19 | Các TVQ A rập Thống nhất | 4.746,4 | 377,6 | 51,5 | 1993 |
20 | Ác hen ti na | 526,3 | 3.234,5 | 0,1 | 1973 |
21 | Romania* | 193,6 | 65,3 | 1,2 | 1950 |
22 | Hungary* | 393,4 | 338,7 | 66,9 | 1950 |
23 | Slovakia* | 912,0 | 44,7 | 140,8 | 1950 |
24 | Hy Lạp* | 279,6 | 103,4 | 0,1 | 1975 |
25 | Bulgaria* | 57,7 | 50,0 | 31,1 | 1950 |
26 | Litva* | 116,4 | 23,9 | 14,2 | 1992 |
27 | Estonia* | 32,3 | 26,3 | 0,3 | 1992 |
28 | Slovenia* | 341,0 | 71,9 | 2,3 | 1994 |
29 | Croatia* | 85,5 | 32,5 | 1994 | |
30 | Latvia* | 212,2 | 15,4 | 0,2 | 1992 |
31 | Luxembourg* | 51,0 | 47,0 | 2.465,5 | 1973 |
32 | Síp* | 35,9 | 41,4 | 478,6 | 1975 |
33 | Malta* | 11,7 | 28,1 | 1974 |
Nguồn: Tổng hợp của tác giả
Chú thích:
- (*): Các quốc gia thuộc Liên minh Châu Âu
- Xuất khẩu: Xuất khẩu hàng hóa trong năm 2019
- Nhập khẩu: Nhập khẩu hàng hóa trong năm 2019
- FDI: Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam trong năm 2019
- Quan hệ ngoại giao: Năm thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam
IV. Kết luận, đề xuất:
Những dữ liệu, số liệu thống kê và phân tích các chỉ số trên đây cho các quốc gia nghiên cứu cho thấy các tiêu chí lựa chọn có liên quan nhiều tới hiệu suất hoạt động của ngành du lịch là lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam và khả năng chi tiêu. Các tiêu chí này phù hợp với tinh thần Nghị quyết số 82/NQ-CP ngày 18/5/2023 của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu đẩy nhanh phục hồi, tăng tốc, phát triển du lịch hiệu quả, bền vững.
Qua đây, các cơ quan chức năng có thể đưa ra đề xuất mở rộng danh sách miễn thị thực cho các quốc gia và vùng lãnh thổ. Ngoài 13 quốc gia đã được Việt Nam miễn thị thực đơn phương, gồm: Nga, Nhật Bản, Hàn Quốc, Na Uy, Phần Lan, Đan Mạch, Thụy Điển, Belarus, Anh, Pháp, Đức, Tây Ban Nha, Italia, chúng tôi đề xuất bổ sung thêm 33 quốc gia được miễn thị thực đơn phương, gồm: Áo, Bỉ, Bulgaria, Croatia, Síp, Séc, Estonia, Hy Lạp, Hungary, Ireland, Latvia, Litva, Luxembourg, Malta, Hà Lan, Ba Lan, Bồ Đào Nha, Rumani, Slovakia, Slovenia, Mỹ, Úc, New Zealand, Canada, Thụy Sĩ, Israel, Nam Phi, Thổ Nhĩ Kỳ, Bra xin, Ác hen ti na, A Rập Xê út, Cô oét, Các Tiểu vương quốc A Rập Thống nhất, Ác hen ti na, Romania, Hungary, Slovakia, Hy Lạp, Bulgaria, Litva, Estonia, Slovenia, Croatia, Latvia, Luxembourg, Síp, Malta.
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
- Bộ VHTTDL, 2023, Báo cáo tổng kết thi hành Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam kèm theo công văn số 830/BVHTTDL-TCDL ngày 9/3/2023
- Henley & Partners, 2023, The Henley Passport Index: Q1 2023 Factsheet, tài liệu trực tuyến tại https://www.henleyglobal.com/passport-index
- Institute for Economics & Peace, Global Peace Index 2022, 2: Measuring Peace in a Complex World, Sydney, June 2022. Available from: http://visionofhumanity.org/resources (accessed Date Month Year)
- Institute for Economics & Peace. Global Terrorism Index 2023: Measuring the Impact of Terrorism, Sydney, March 2023. Available from: http://visionofhumanity.org/resources (accessed Date Month Year).
- John F. Helliwell, Richard Layard, Jeffrey D. Sachs, Jan-Emmanuel De Neve, Lara B. Aknin, and Shun Wang, 2023, World Happiness Report, tài liệu trực tuyến tại: http://worldhappiness.report/
[1]Báo Vietnamnet, Việt Nam đón 12,6 triệu khách quốc tế năm 2023, vượt xa mục tiêu đặt ra, https://vietnamnet.vn/viet-nam-don-12-6-trieu-khach-quoc-te-nam-2023-2232773.html (truy cập ngày 1/5/2024)
[2] Báo điện tử Chính phủ, “TỔNG THUẬT: Thủ tướng chủ trì Hội nghị toàn quốc về du lịch năm 2023,” 2023. https://baochinhphu.vn/tong-thuat-thu-tuong-chu-tri-hoi-nghi-toan-quoc-ve-du-lich-nam-2023-102230315081000958.htm (truy cập ngày 1/5/2024)
[3] Bộ Ngoại giao, “Danh sách các nước có quan hệ ngoại giao với nước CHXHCN Việt Nam (tính đến tháng 2/2013),” 2023. https://www.mofa.gov.vn/vi/cn_vakv/#:~:text=Danh sách các nước có quan hệ ngoại,%28Tên nước%2FNgày thiết lập quan hệ ngoại giao%29 (truy cập ngày 11/5/2023)
[4] Báo điện tử VnExpress, “Tổng bí thư: Việt – Mỹ có cơ sở để nâng quan hệ lên tầm cao mới,” 2023. https://vnexpress.net/tong-bi-thu-viet-my-co-co-so-de-nang-quan-he-len-tam-cao-moi-4593944.html (truy cập ngày 11/5/2023)
Vũ Thắng – Chuyên gia độc lập