Hướng dẫn Hỏi đáp Quy định
  • EnglishEnglish
  • Đào tạo nhân lực chất lượng cao cho phát triển du lịch khu vực Tây Nguyên

    Đào tạo nhân lực du lịch chất lượng cao không phải là vấn đề mới được bàn luận ở Việt Nam, ngược lại vấn đề này đã được đề cập ở nhiều diễn đàn khác nhau trên các phương diện khoa học lẫn thực tiễn từ công tác quản trị, điều hành, thực thi chính sách về phát triển nguồn nhân lực quốc gia. Tuy nhiên, trước xu hướng của thời đại kỷ nguyên số, có những vấn đề liên quan đến nguồn nhân lực cần phải được nghiên cứu với nhiều cách tiếp cận khác nhau, nhấn mạnh đến tính thích ứng trong môi trường khoa học, công nghệ. Vì vậy, vấn đề đào tạo nhân lực du lịch chất lượng cao cũng cần phải được phân tích, đánh giá dưới nhiều góc độ, mang tính đa chiều hơn trong xu thế mới để từ đó có những chính sách, phương thức ứng phó phù hợp, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế – xã hội trong đó đặc biệt nguồn nhân lực du lịch.

    1. Nguồn nhân lực du lịch chất lượng cao và nhu cầu đào tạo nguồn nhân lực du lịch chất lượng cao ở Tây Nguyên.

    Nguồn nhân lực chất lượng cao là nguồn lực chính quyết định quá trình tăng trưởng và phát triển kinh tế – xã hội. Ở góc độ doanh nghiệp vừa và nhỏ, nhân lực chất lượng cao là yếu tố trung tâm thúc đẩy hoạt động sản xuất của doanh nghiệp suông sẻ, hiệu quả.

    Diễn đạt cách khác: Một người biết việc và làm được việc như “đầu kéo” để cỗ máy hoạt động nhịp nhàng và tiến về phía trước. Có điều thực tế ở doanh nghiệp nhỏ, nhân lực chất lượng cao rất hiếm và rất quý. Cản trở dễ thấy nhất chính là THÁI ĐỘ của người lao động.

    Trên tinh thần “Tiền nào của nấy” họ thường không nỗ lực làm việc hết mình, không học hỏi hay sáng tạo mà ông chủ chỉ đâu làm đó, làm cho xong kiểu “Được chăng hay chớ”. Đó là chưa kể đến Cái Tôi quá sắc nhọn, ai nói gì mà nghe không lọt lỗ tai là giận dữ, phản ứng gay gắt, giao cho việc mới thì đùn đẩy, chối bỏ, góp ý để tốt hơn thì tự ái, thái độ công thần – kiểu không có mình thì doanh nghiệp bé xiu xíu này chết chắc vì không thuê được ai?…

    Trình độ chuyên môn thì có thể đào tạo hoặc “trăm hay không bằng tay quen”, làm nhiều – va chạm, cọ sát nhiều tức khắc sẽ khá lên. Thế nhưng THÁI ĐỘ thì không thể ra lệnh hay bắt ép mà được. Họ chưa nhận thức rằng: Việc nhỏ phải làm tốt thì mới làm việc lớn. Doanh nghiệp nhỏ với nhân sự hạn chế, áp lực vừa phải, sự cạnh tranh tương đối, khách hàng không quá khó tính như xã hội thu nhỏ với đủ hình thái hỉ, nộ, ái, ố…

    Đây chính là môi trường thuận lợi để người lao động học việc, rèn luyện, nâng cao năng lực mà không mất tiền học phí? Tất cả kỹ năng, ứng xử, nguồn khách hàng, các mối quan hệ xã hội thuộc về cá nhân người lao động – Đó là “điểm cộng” cho chính họ.

    2. Khái quát chung về du lịch vùng Tây Nguyên

    2.1. Tài nguyên du lịch vùng Tây Nguyên

    Tây Nguyên gồm 5 tỉnh Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông và Lâm Đồng với tổng diện tích 54.641 km2, chiếm 16,8% diện tích cả nước. Nơi đây hàm chứa nguồn tài nguyên thiên nhiên và nguồn tài nguyên văn hóa vô cùng to lớn có tiềm năng phát triển các loại hình du lịch.

    Về tài nguyên thiên nhiên: Tây Nguyên được thiên nhiên ưu đãi nhiều danh lam thắng cảnh nổi tiếng liên quan đến núi, sông suối, thác nước, hồ… và cả hệ động thực vật hết sức phong phú, trong đó có nhiều khu bảo tồn thiên nhiên, vườn quốc gia… Những tài nguyên có giá trị để khai thác phát triển du lịch bao gồm: cảnh quan dọc các sông Đắk Bla, Pa Cô, Serepok, Krông Ana, Krông Nô, Đồng Nai…; hệ thống các hồ lớn và đẹp như Tuyền Lâm, Đan Kia Suối Vàng, Hồ Lắk, Biển Hồ, các hồ thủy điện (Yaly, Đại Ninh…); hệ thống các thác nước như Dray Sap, Trinh Nữ, Diệu Linh, Phú Cường, Lưu Ly, Pongour, Cam Ly, Pren…

    Về tài nguyên văn hóa: Tây Nguyên hiện nay là nơi cư trú của 47 dân tộc khác nhau bao gồm cả nhóm dân tộc bản địa sinh sống lâu đời và nhóm dân tộc di cư từ nơi khác đến, làm cho mối quan hệ và giao lưu văn hóa ở Tây Nguyên phong phú và đa dạng. Mỗi dân tộc Tây Nguyên có những nét văn hóa, phong tục, tập quán riêng. Vùng Tây Nguyên có trên 30% dân số là người dân tộc thiểu số, có hệ thống các lễ hội đặc sắc, là nơi bảo tồn và trao truyền các tri thức, các giá trị văn hóa truyền thống quý báu thông qua các hoạt động văn hóa, phương thức tổ chức sinh hoạt văn hóa dân gian của cộng đồng như: văn hóa cồng chiêng, văn hóa mẫu hệ, văn hóa nhà rông, nhà dài, văn hóa ẩm thực, văn hóa thổ cẩm, văn hóa sử thi, văn hóa diễn tấu nhạc cụ, biểu diễn các làn điệu dân ca, dân vũ của các tộc người Tây Nguyên… Không gian văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên đã được UNESCO công nhận là kiệt tác truyền khẩu và là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại. Các lễ hội dân gian, lễ hội văn hóa ở Tây Nguyên rất hoành tráng và sôi động, phổ biến nhất là lễ đâm trâu, lễ cúng lúa mới, lễ hội cồng chiêng… đã trở thành một sản phẩm du lịch văn hóa đầy sức hấp dẫn đối với du khách trong và ngoài nước.

    Tây Nguyên có một hệ thống các buôn cổ truyền của đồng bào các dân tộc thiểu số hiện còn lưu giữ và bảo tồn những cấu trúc văn hóa, thể hiện nét sinh hoạt văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc. Có nghề thủ công truyền thống nổi tiếng như nghề dệt vải thổ cẩm, nghề đẽo – tạc tượng, nghề đan lát mây tre… Ở Tây Nguyên, Nhà Rông, Nhà Dài là biểu tượng văn hóa cộng đồng các dân tộc, là nơi sinh hoạt tôn giáo, tín ngưỡng…; nơi lưu giữ các hiện vật truyền thống cồng, chiêng, trống… Vì vậy, nhà Rông Tây Nguyên vừa có giá trị văn hóa vật thể vừa có giá trị văn hóa phi vật thể. Đây chính là tiềm năng để phát triển loại hình du lịch văn hóa cộng đồng, du lịch trải nghiệm làng nghề, du lịch tìm hiểu bản sắc văn hóa tộc người Tây Nguyên…

    Bên cạnh đó, vùng Tây Nguyên còn lưu giữ được nhiều di tích lịch sử văn hóa và cách mạng, trong đó có nhiều di tích được xếp hạng quốc gia. Kon Tum có: Ngục Kon Tum, Ngục Đắk Glei, di tích lịch sử danh thắng Măng Đen, di tích lịch sử chiến thắng Đắk Tô-Tân Cảnh, di tích chiến thắng Plei Kần. Gia Lai có: Tây Sơn Thượng Đạo, Nhà lao Pleiku, Làng kháng chiến Stor, Chiến thắng đường 7 sông Bờ…. Đắk Lắk có: Nhà Đày Buôn Ma Thuột, Bảo tàng Dân tộc Đắk Lắk, hang đá Đắk Tur, Đồn điền Ca Đa, Đình Lạc Giao, Chùa Sắc Tứ Khải Đoan, Tòa Giám mục Đắk Lắk, Tháp Yang Prong… Đắk Nông có: Di tích lịch sử địa điểm lưu niệm N’Trang Gưh, Cụm di tích lịch sử N’Trang Lơng, Di tích lịch sử Ngục Đắk Mil, Di tích lịch sử địa điểm bắt đầu đường Hồ Chí Minh Nam Tây Nguyên – Nam Bộ… Lâm Đồng có Dinh I, Dinh II, Dinh III, chùa Linh Sơn, Linh Phong; Thiền viện Trúc Lâm; nhà thờ Chánh tòa, Cam Ly; khu mộ cổ của dân tộc Mạ, khu di chỉ khảo cổ Cát Tiên… Đây là những tài nguyên du lịch có giá trị để khai thác phục vụ phát triển du lịch. 

    2.2. Thực trạng phát triển du lịch vùng Tây Nguyên

    Trong giai đoạn 2011-2015, vùng Tây Nguyên đã đạt được nhiều kết quả tích cực trong việc mở rộng thị trường khách du lịch quốc tế, đặc biệt là du khách  từ các nước phát triển và các nước trong khu vực ASEAN. Tổng doanh thu du lịch của các tỉnh trong vùng Tây Nguyên tăng lên rõ rệt, đến cuối năm 2015 mức thu đạt 88.443,9 tỷ đồng. Lượng khách du lịch quốc tế  đi lại vùng Tây Nguyên có xu hướng tăng qua từng năm và tốc độ tăng trưởng tương đối cao đạt khoảng 15%/năm trong giai đoạn 2011-2015 nhưng thị  phần khách du lịch quốc tế của vùng Tây Nguyên không có sự cải thiện nhiều, vẫn chiếm tỷ trọng thấp trong tổng lượng khách quốc tế  cả  nước. Lâm Đồng là địa phương giữ vai trò chủ đạo, trung tâm du lịch của toàn Vùng, lượng khách du lịch quốc tế đến Lâm Đồng chiếm gần 68,5% tổng lượng khách quốc tế đến Tây Nguyên. Tốc độ tăng trưởng khách du lịch đến với vùng trong những năm gần đây bình quân chỉ đạt 10%, tốc độ tăng trưởng bình quân tổng thu du lịch xấp xỉ 30%. So sánh với cả nước, tổng thu du lịch vùng Tây Nguyên chỉ chiếm 4,3%; điều này cho thấy, đóng góp về du lịch trong cơ cấu của vùng chưa đủ lớn.

    Năm 2017, các tỉnh Tây Nguyên đã thu hút trên 1,881 triệu lượt khách, tăng 9% so với năm 2016; trong đó, khách du lịch trong nước tăng 6,6%, khách quốc tế tăng 2,4%, đạt doanh thu trên 2.906 tỷ đồng, tăng gần 14% so với năm 2016. Trong đó, Lâm Đồng vẫn là địa phương có lượng du khách đến nhiều nhất so với các tỉnh trong vùng, chiếm 78,34% so với toàn vùng, kế đến là Đắk Lắk.

    Tuy nhiên, hoạt động du lịch vẫn chủ yếu tập trung tại một số trung tâm, điểm du lịch lớn đã có truyền thống. Việc phát triển các điểm du lịch mới nhằm thu hút khách du lịch trong thời gian qua chưa khả quan, do sản phẩm du lịch chưa có sự khác biệt để hấp dẫn du khách, thiếu sản phẩm du lịch mang tính đột phá.

    3. Nhu cầu đào tạo nhân lực du lịch chất lượng cao ở khu vực Tây Nguyên

    Trong giai đoạn 2011 – 2021, tỷ lệ lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật cao của cả nước đã tăng từ 15,5% lên 21,85%, trong khi đó tỷ lệ này của vùng Tây Nguyên chỉ tăng từ 11% lên 14%. Đa số lao động Tây Nguyên (82%) không có chuyên môn kỹ thuật, chủ yếu là lao động phổ thông, làm các nghề đơn giản; trình độ văn hóa, năng lực làm việc, ý thức kỷ luật lao động, tác phong lao động công nghiệp còn thấp nên chưa đáp ứng được yêu cầu của người sử dụng lao động. Đây là một trở ngại lớn cho Tây Nguyên trong quá trình phát triển kinh tế.

    Tính đến năm 2023, trong 172 cơ sở GDĐH công lập có 146 cơ sở đào tạo công lập trực thuộc các cơ quan trung ương (tính cả các đại học quốc gia, đại học vùng và các cơ sở giáo dục đại học trực thuộc các đại học quốc gia, đại học vùng); 26 cơ sở công lập trực thuộc các địa phương. Ngoài ra, còn có 20 trường cao đẳng sư phạm (03 trực thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo, 17 trực thuộc các địa phương). Trong 67 cơ sở GDĐH ngoài công lập có 05 cơ sở GDĐH có vốn đầu tư nước ngoài. Nhìn chung, mạng lưới các trường đại học được phân bố trên khắp cả nước và các vùng miền. Tuy nhiên, mật độ các trường rất chênh lệch, các trường tập trung chủ yếu vùng kinh tế phát triển như Đồng bằng sông Hồng (44,3%), Đông Nam Bộ (18,4%), thấp nhất ở vùng Tây Nguyên (1,6%).

    Chất lượng dạy nghề, trong đó có lĩnh vực du lịch trong vùng Tây Nguyên còn thấp, quy mô tuyển sinh hạn chế, chủ yếu đào tạo trình độ sơ cấp, thiếu các cơ sở đào tạo ngành nghề kỹ thuật, đặc biệt là ngành nghề kỹ thuật cao, chưa đáp ứng nhu cầu của người sử dụng lao động, nhiều trường hợp khi được tuyển dụng phải đào tạo lại.

    Thời gian qua, các chủ trương, chính sách về phát triển du lịch trong vùng Tây Nguyên nói chung và nguồn nhân lực du lịch trong vùng nói riêng đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, góp phần rất lớn vào tiến trình xây dựng và phát triển du lịch trong vùng. Số lượng và chất lượng nhân lực ngành du lịch không ngừng được củng cố và tăng cường. Tuy nhiên, một thực trạng đang đặt ra là số lượng người lao động trong ngành du lịch “đông nhưng chưa mạnh”. Một trong những lý do cơ bản là nguồn nhân lực ngành du lịch chưa được đào tạo một cách thật sự bài bản. Từ đó, đội ngũ nhân lực du lịch chất lượng cao còn thiếu hụt so với nhu cầu thực tế phát triển của ngành. 

    Theo thống kê của Cục du lịch QGVN: “hiện tại, cả nước có trên 1,3 triệu lao động du lịch, chiếm khoảng 2,5% tổng lao động cả nước; trong đó chỉ 42% được đào tạo về du lịch, 38% được đào tạo từ các ngành khác chuyển sang và khoảng 20% chưa qua đào tạo chính quy mà chỉ được huấn luyện tại chỗ”. Còn theo thống kê của Vụ Đào tạo (Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch) thì: hiện cả nước có đến 192 cơ sở tham gia giảng dạy liên quan đến lĩnh vực du lịch. Trung bình, mỗi năm hệ thống giáo dục cho ra khoảng 20.000 – 25.000 sinh viên ngành du lịch. Tuy nhiên, nguồn nhân lực đó vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế, dẫn đến tình trạng thừa lao động nhưng thiếu nhân lực chất lượng. 

    Quyết định số 509/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ: Phê duyệt Quy hoạch hệ thống du lịch thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 vừa được ký ngày 13/6/2024 có dự báo về nguồn nhân lực du lịch vùng Tây Nguyên đến năm đến 2030 cụ thể như sau: Lao động trực tiếp trong du lịch đến năm 2030: 108.800 người; Lao động gián tiếp ngoài xã hội năm 2030: 217.600

    Nhu cầu nhân lực chất lượng cao ở khu vực Tây Nguyên là vấn đề nan giải trong thời gian qua, cũng n hư trong những giai đoạn tiếp theo; trước tác động của cuộc CMCN 4.0 thì nhu cầu này tiếp tục là một “cơn khát dài hơi” hơn, xuất phát từ nhu cầu tất yếu từ các nhóm đơn vị sử dụng ở cả khu vực công lẫn khu vực tư như: các cơ sở lưu trú, lữ hành, tour, cơ quan quản lý nhà nước về du lịch và các loại hình du lịch khác (các điểm tham quan, các cơ sở, làng thủ công mỹ nghệ… Khi nhu cầu công việc thay đổi, cùng với việc ứng dụng khoa học kỹ thuật, tin học hóa vào trong quá trình làm việc ngày càng mạnh mẽ thì khả năng dư thừa lao động sẽ ngày càng phổ biến, thay vào đó nhu cầu nhân lực có chất lượng cao sẽ ngày càng tăng lên. 

    Mặc dù đây chỉ là con số dự báo, nhưng phần nào cũng nói lên sự tác động rất lớn đến nguồn nhân lực ngành du lịch. Sự chuyển dịch nhu cầu lao động theo xu hướng này sẽ diễn tiến một cách nhanh chóng. Nếu không có những chuẩn bị kịp thời thì khả năng phản ứng chậm trước sự xuất hiện của những xáo trộn sẽ là nguy cơ hiện hữu trong tương lai không xa. Chính vì vậy, vấn đề đào tạo đội ngũ nhân lực du lịch chất lượng cao ở Việt Nam là một nhu cầu cấp thiết hiện nay. Điều đó, buộc chúng ta cần phải quan tâm đến công tác này nhiều hơn nữa. Từ đó, có những giải pháp phù hợp, khả thi trong thời gian tới. 

    4. Một số khuyến nghị 

    Xây dựng chiến lược tổng thể về phát triển nhân lực du lịch chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu của ngành du lịch của vùng Tây Nguyên. Nghị quyết 08-NQ/TW, ngày 16-01-2017 của Bộ Chính trị đã đưa ra các nhiệm vụ, giải pháp về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Trong đó, đã nhấn mạnh đến việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cả về quản lý nhà nước, quản trị doanh nghiệp và lao động nghề du lịch. Chú trọng nâng cao kỹ năng nghề, ngoại ngữ và đạo đức nghề nghiệp cho lực lượng lao động ngành Du lịch. Trên cơ sở đó, cần xây dựng một chiến lược đúng tầm dưới góc độ quản lý nhà nước đối với vấn đề xây dựng và phát triển nhân lực du lịch chất lượng cao, phù hợp với nhu cầu phát triển ngành du lịch ở từng giai đoạn trong vùng Tây Nguyên; làm cơ sở thúc đẩy tiến trình chuẩn hóa chất lượng nhân lực du lịch hợp chuẩn với khu vực và quốc tế.

    Chủ động, khuyến khích doanh nghiệp trở thành một trong những chủ thể tham gia đào tạo với vai trò là nhà đầu tư và đồng thời cũng là đối tác khách hàng cho chính “sản phẩm” của mình; Đẩy mạnh phong trào thi tay nghề trong các đơn vị sử dụng lao động, khuyến khích các doanh nghiệp tham gia các cuộc thi tay nghề khu vực và thế giới thông qua việc bồi dưỡng tay nghề cho các cuộc thi…

    Phối hợp xây dựng, điều chỉnh chương trình đào tạo cho phù hợp, sát với yêu cầu sử dụng lao động và văn hóa của doanh nghiệp. Về phía doanh nghiệp cần tích cực phối hợp, tham gia vào các hoạt động đào tạo cùng với các nhà trường, sẵn sàng tiếp nhận học sinh sinh viên, giáo viên của các nhà trường đến thực hành, thực tập, làm việc bán thời gian và cuối cùng tiếp nhận người học vào làm việc sau khi tốt nghiệp ra trường. 

    Với khát vọng đưa ngành du lịch Việt Nam nói chung và Tây Nguyên nói riêng trở thành một nền kinh tế mũi nhọn vào năm 2035 và hiện đại hóa vào năm 2045, trong đó tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ chiếm trên 90% GDP, trên 70% lao động làm việc trong lĩnh vực công nghiệp và du lịch – dịch vụ, thì những kế hoạch và giải pháp cụ thể cho từng lĩnh vực sẽ giúp chúng ta tiếp tục nâng cao năng suất lao động, phát triển kinh tế – xã hội bền vững dựa trên nền tảng của định hướng chủ nghĩa xã hội ưu việt.

    Kết luận 

    Nguồn nhân lực du lịch chất lượng cao luôn là một đòi hỏi tất yếu. Trước xu thế của ngành du lịch, vấn đề này lại càng mang tính cấp thiết hơn. Để có thể đào tạo nhân lực du lịch chất lượng cao đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới, đòi hỏi phải có sự định hình, dự báo một cách tổng thể hơn về công tác này trong bối cảnh mới, từ đó thực hiện đồng bộ các giải pháp một cách phù hợp, nhằm không ngừng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực ngành du lịch trong vùng Tây Nguyên vào thời gian tới./. 

    TÀI LIỆU THAM KHẢO

    1. TS. Đoàn Mạnh Cương. Phát triển nguồn nhân lực du lịch chất lượng cao trong bối cảnh hội nhập quốc tế. http://vietnamtourism.gov.vn/index.php/items/28647. Truy cập ngày 24/4/2019. 
    2. TS. Nguyễn Thị Tuyết Mai. Một số vấn đề về phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao ở Việt Nam. http://tcnn.vn/news/detail/35262/Mot_so_van_de_ve_phat_trien_nguon_nhan_luc_chat_luong_cao_o_Viet_Namall.html. Truy cập ngày 11/4/2019.
    3. Ths. Nguyễn Tấn Trung, PGS.TS. Phạm Xuân Hậu. Giải pháp đào tạo nhân lực du lịch chất lượng cao của Trường Đại học Văn hiến đáp ứng yêu cầu hội nhập.http://vhu.edu.vn. Truy cập ngày 11/4/2019.
    4. Báo cáo hoạt động du lịch hàng năm của các Sở VHTTDL trong vùng Tây Nguyên qua các năm.
    5. Quyết định số 509/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ: Phê duyệt Quy hoạch hệ thống du lịch thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 vừa được ký ngày 13/6/2024

    Bùi Thị Hạnh

    Viện NCPT Du lịch

    Bài cùng chuyên mục