Chuỗi giá trị và vận dụng chuỗi giá trị trong du lịch
Tóm tắt
Bài viết này trình bày những vấn đề khái quát về chuỗi giá trị, trong đó trình bày về chuỗi giá trị của Micheal Porter, chuỗi giá trị toàn cầu, chuỗi giá trị theo nghĩa hẹp và theo nghĩa rộng; phân biệt chuỗi cung ứng & chuỗi giá trị; phân tích chuỗi giá trị du lịch với đặc trưng của sản xuất và cung ứng sản phẩm du lịch, chuỗi cung ứng sản phẩm du lịch. Trên cơ sở đó phân tích sự vận dụng chuỗi giá trị vào chuỗi giá trị du lịch và các mô hình chuỗi giá trị du lịch cũng như việc vận dụng các mối liên hệ trong chuỗi giá trị du lịch trong quá trình kinh doanh du lịch.
Từ khóa: chuỗi giá trị, chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị toàn cầu, chuỗi giá trị du lịch
Sản xuất, cung ứng và tiêu dùng sản phẩm, dịch vụ du lịch có tính đặc thù. Vậy thì chuỗi cung ứng và chuỗi giá trị của nó như thế nào? Bài viết này trên cơ sở trình bày khái quát lý luận về chuỗi giá trị, chuỗi cung ứng, đi sâu vào phân tích những đặc điểm của sản xuất, cung ứng sản phẩm, dịch vụ du lịch, từ đó nêu một số suy nghĩ của tác giả về chuỗi giá trị du lịch và các mô hình chuỗi giá trị du lịch có thể vận dụng trong quá trình hoạt động kinh doanh du lịch. Những suy nghĩ này có thể là chưa đầy đủ, song cũng là góp thêm một ý kiến trong quá trình nghiên cứu du lịch.
1. Khái quát về Chuỗi giá trị
1.1. Chuỗi giá trị của Micheal Porter
Chuỗi giá trị (value chain) là một khái niệm từ quản lý kinh doanh đã được Micheal Porter mô tả và phổ cập lần đầu tiên vào năm 1985 trong cuốn sách về phân tích lợi thế cạnh tranh của ông: “Chuỗi giá trị là chuỗi của các hoạt động của một công ty hoạt động trong một ngành cụ thể”. Sản phẩm đi qua tất cả các hoạt động của một công ty hoạt động một ngành nghề cụ thể. Sản phẩm đi qua tất cả các hoạt động của chuỗi theo thứ tự và tại mỗi hoạt động sản xuất thu được một số giá trị nào đó. Chuỗi các hoạt động mang lại nhiều giá trị gia tăng hơn tổng giá trị gia tăng của các hoạt động.
1.2. Chuỗi giá trị toàn cầu (Global value chain) Dựa trên quan điểm của Michael Porter, năm 2002 hai nhà khoa học Mỹ là Raphael Kaplinsky và Mike Morris đã đưa ra khái niệm về chuỗi giá trị trong phân tích toàn cầu: “Chuỗi giá trị là tập hợp những hoạt động cần thiết để biến một sản phẩm hoặc một dịch vụ từ lúc còn là khái niệm, thông qua các giai đoạn sản xuất khác nhau (bao gồm một kết hợp giữa sự biến đổi vật chất và đầu vào các dịch vụ sản xuất khác nhau), đến khi phân phối đến tay người tiêu dùng cuối cùng và vứt bổ sau khi đã sử dụng”. Và một chuỗi giá trị tồn tại khi tất cả những người tham gia trong chuỗi hoạt động để tạo ra tối đa giá trị cho chuỗi.
Chuỗi giá trị toàn cầu là một dây chuyền sản xuất kinh doanh theo phương thức toàn cầu hoá trong đó có nhiều nước tham gia, chủ yếu là các doanh nghiệp tham gia vào các công đoạn khác nhau từ thiết kế chế tạo tiếp thị đến phân phối và hỗ trợ người tiêu dùng”.
1.2.1. Bản chất của chuỗi giá trị toàn cầu
Thực tế, chuỗi giá trị toàn cầu là một cách tiếp cận mới, toàn diện hơn về phân công lao động quốc tế, nghĩa là bất kì doanh nghiệp nào có tham gia vào quá trình sản xuất một sản phẩm xuất khẩu đều có thể coi là đã tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu. Nhưng tiếp cận phân công lao động quốc tế theo chuỗi giá trị toàn cầu sẽ giúp các doanh nghiệp hiểu rõ hơn về vị trí của mình trên thị trường thế giới, để có thể chủ động lựa chọn công đoạn tham gia phù hợp nhằm đạt được lợi nhuận cao hơn. Một chuỗi giá trị toàn cầu được phân chia giữa nhiều doanh nghiệp và không gian địa lí khác nhau. Chẳng hạn, một chiếc máy tính sử dụng lao động và vật liệu từ nhiều nhà cung cấp ở nhiều nước khác nhau, được lắp ráp ở một nước khác, được thiết kế và cuối cùng được bán ở nhiều nơi khác nữa. Chuỗi giá trị toàn cầu là chuỗi giá trị đặc biệt mà lợi ích được phân chia giữa nhiều doanh nghiệp và trải rộng qua một số khu vực, quốc gia. VD: Một cái áo sơ mi hàng hiệu châu Âu có thể được thiết kế ở Đức, nguyên liệu sản xuất tại Trung Quốc, phụ liệu làm và may ở Việt Nam. Đây là ví dụ đơn giản về chuỗi giá trị toàn cầu nhằm kết hợp lợi thế riêng của mỗi doanh nghiệp trong từng công đoạn để tạo ra một sản phẩm có nhiều ưu điểm nhất.
1.2.2. Phân loại chuỗi giá trị toàn cầu
Chuỗi giá trị toàn cầu có hai dạng là chuỗi giá trị ngắn và chuỗi giá trị dài. Chuỗi giá trị ngắn thường xảy ra trong ngành công nghiệp khai khoáng, chế biến thông qua khai thác – sơ chế – thương mại – tiêu thụ. Chuỗi giá trị dài thường được chú trọng từ khâu thiết kế, marketing,.. mới định ra các khâu của chuỗi. Các sản phẩm chế biến sâu, các sản phẩm công nghệ cao,… thường áp dụng chuỗi giá trị từ các khâu nghiên cứu phát triển – vệ tinh chế tạo – sản xuất và lắp ráp – marketing – phân phối – tiêu thụ.
1.3. Chuỗi giá trị theo nghĩa hẹp và theo nghĩa rộng 1.3.1. Chuỗi giá trị theo nghĩa hẹp:
Trong nghĩa hẹp, một chuỗi giá trị bao gồm một loạt các hoạt động thực hiện trong một công ty để sản xuất ra một sản phẩm nhất định.
Tất cả các hoạt động từ thiết kế, quá trình mang vật tư đầu vào, sản xuất, phân phối, marketing bán hàng, thực hiện các dịch vụ hậu mãi đã tạo thành một chuỗi kết nối người sản xuất với người tiêu dùng.
Hơn nữa, mỗi hoạt động lại bổ sung giá trị cho thành phẩm cuối cùng. Tuy nhiên trong thực tế, các chuỗi giá trị thường phức tạp hơn nhiều so với chuỗi giá trị trên. Porter chia hoạt động của doanh nghiệp thành hoạt động chính và hoạt động hỗ trợ.
– Những hoạt động cơ bản bao gồm: Hậu cần bên trong; Hoạt động tác nghiệp; Hậu cần bên ngoài; Marketing và bán hàng; Dịch vụ v.vv
– Những hoạt động hỗ trợ bao gồm: Cơ sở vật chất của doanh nghiệp; Quản lý nguồn nhân lực; Phát triển công nghệ; Mua hàng..
– Lợi nhuận của một doanh nghiệp: sẽ phụ thuộc vào việc doanh nghiệp thực hiện các hoạt động hiệu quả như thế nào để doanh nghiệp biết cách tạo ra giá trị gia tăng cho sản phẩm và khách hàng sẵn sàng trả cho giá trị này thì doanh nghiệp đã tạo ra được thặng dư về giá trị. Michael Porter đề xuất một doanh nghiệp có thể có được lợi thế cạnh tranh của mình nhờ tập trung vào chiến lược giá thấp hoặc tạo ra sự khác biệt của sản phẩm hay dịch vụ, hay là kết hợp cả hai cách thức này. Khái niệm chuỗi giá trị theo Michael Porter trong tác phẩm này chỉ đề cập đến qui mô ở doanh nghiệp.
1.3.2. Chuỗi giá trị theo nghĩa rộng: là một phức hợp những hoạt động do nhiều người tham gia khác nhau thực hiện (người sản xuất sơ cấp, người chế biến, thương nhân, người cung cấp dịch vụ) để biến một nguyên liệu thô và chuyển dịch theo các mối liên kết vơi các doanh nghiệp khác trong kinh doanh, lắp ráp, chế biến,…
Cách tiếp cận theo nghĩa rộng không xem xét đến các hoạt động do một doanh nghiệp duy nhất tiến hành, mà nó xem xét cả các mối liên kết ngược xuôi cho đến khi nguyên liệu thô được sản xuất và kết với với người tiêu dùng cuối cùng.
Phương pháp tiếp cận toàn cầu Kaplinsky và Morri năm 2001
Khái niệm chuỗi giá trị của Michael Porter đề cập đến ở trên chỉ tập trung nghiên cứu ở qui mô của doanh nghiệp, thì Kaplinsky và Morri trong cuốn “Value Chain Handbook” lại mở rộng ở phạm vi của chuỗi giá trị. Theo các tác giả này, chuỗi giá trị là tập hợp các hoạt động bao gồm sản phẩm từ khi mới chỉ là ý tưởng, qua các giai đoạn sản xuất khác nhau, phân phối đến người tiêu dùng và cuối cùng là vứt bỏ sau khi sử dụng. Kaplinsky và Morris cho rằng phân tích về chuỗi giá trị cho thấy giữa các hoạt động có liên quan đến vòng đời của sản phẩm có mối liên hệ với nhau một cách chặt chẽ. Những hoạt động này không chỉ được thiết lập theo một chiều dọc mà còn tác động qua lại lẫn nhau. Ví dụ, bộ phận thiết kế và phát triển sản phẩm không chỉ có ảnh hưởng đến, thậm chí quyết định bản chất, của quá trình sản xuất mà còn ảnh hưởng đến nội dung của hoạt động marketing. Ngược lại, hoạt động marketing cũng góp phần ảnh hưởng đến hoạt động thiết kế và phát triển sản phẩm, vì trong quá trình này người ta luôn phải tính đến việc sản phẩm sẽ được đưa ra thị trường như thế nào. Chuỗi giá trị mở rộng đề xuất một mô hình phức tạp hơn mô hình giản đơn rất nhiều bởi nó tính đến cả liên kết thượng nguồn và liên kết hạ nguồn của doanh nghiệp, nghĩa là tính đến liên kết ngành dọc trong quá trình từ khi các yếu tố đầu vào được tạo thành cho đến khi sản phẩm đến tay người tiêu dùng.
1.4. Phân biệt Chuỗi cung ứng & Chuỗi giá trị
Có một nội dung liên quan (gắn liền) với chuỗi giá trị là chuỗi cung ứng Chuỗi cung ứng là một hệ thống các tổ chức, con người, công nghê, hoạt động thông tin và các nguồn lực liên quan đến việc di chuyển một sản phẩm hoặc dịch vụ từ nhà cung cấp đến khách hàng. Các hoạt động của chuỗi cung ứng biến đổi nguồn tài nguyên thiên nhiên, nguyên vật liệu và bán thành phẩm thành sản phẩm hoàn chỉnh giao cho khách hàng cuối cùng
*Chuỗi cung ứng (Supply Chain) là SỰ KẾT NỐI của tất cả các hoạt động, bắt đầu từ khâu sản xuất nguyên vật liệu thành sản phẩm hoàn chỉnh & kết thúc khi sản phẩm đến tay người tiêu dùng cuối cùng.
*Chuỗi giá trị (Value Chain) là MỘT TẬP HỢP tất cả các hoạt động tập trung vào việc tạo ra hoặc tăng thêm giá trị cho sản phẩm.
Cả 2 mạng lưới này đều giúp đưa sản phẩm chất lượng đến tay khách hàng với giá cả hợp lý. Vì thế, hầu hết thời gian, Supply Chain và Value Chain thường được đặt cạnh nhau và đi liền với nhau.
2. Chuỗi giá trị du lịch
Để phân tích được chuỗi giá trị du lịch, cần phải nắm được những vấn đề chung về chuỗi cung ứng sản phẩm và chuỗi giá trị như đã trình bày ở trên, đồng thời phải hiểu rõ đặc trưng của sản xuất sản phẩm du lịch và của chuỗi cung ứng du lịch.
2.1. Đặc trưng của sản xuất và cung ứng sản phẩm du lịch
– Du lịch là một ngành dịch vụ, sản phẩm của nó chủ yếu là dịch vụ nên không tồn tại dưới dạng vật thể cho nên việc đo lường nó cả về hiện vật và giá trị là rất khó.
– Sản phẩm, dịch vụ du lịch thường xa người tiêu dùng ( du khách) nên muốn tiêu dùng sản phẩm du khách phải di chuyển đến nơi có sản phẩm, dịch vụ du lịch chứ không thể vận chuyển sản phẩm dịch vụ đến cho du khách được.
– Việc sản xuất và tiêu dùng dịch vụ du lịch trùng nhau về mặt thời gian nên sản phẩm du lịch không thể để tồn kho như các hàng hóa thông thường được.
– Du lịch là một ngành kinh tế tổng hợp, liên quan đến nhiều ngành, nhiều lĩnh vực khác cho nên sản phẩm cũng mang tính tổng hợp liên quan đến sản xuất của nhiều ngành khác nhau.
Tất cả các đặc điểm trên liên quan đến chuỗi cung ứng và chuỗi giá trị du lịch. Cho nên để phân tích chuỗi giá trị du lịch không thể không đề cấp đến chuỗi cung ứng du lịch.
2.2. Chuỗi cung ứng sản phẩm du lịch
“Một chuỗi cung ứng du lịch là một mạng lưới các tổ chức du lịch tham gia vào các hoạt động khác nhau, từ cung cấp các thành phần khác nhau của các sản phấm/dịch vụ du lịch như các chuyến bay và chỗ ở cho đến việc phân phối và tiếp thị sản phẩm du lịch cuối cùng tại một điểm đến cụ thể, và có sự tham gia của nhiều cá nhân hoặc tố chức trong cả lĩnh vực tư nhân và công cộng”
Các chuỗi cung ứng du lịch bao gồm nhiều thành phần – không chỉ là chỗ ở, đi lại và đi dạo tham quan mà còn cả các quán bar, nhà hàng, thủ công mỹ nghệ, sản xuất thực phấm, xử lý chất thải và cơ sở hạ tầng hỗ trợ du lịch tại các điểm đến. Tất cả đều là một phần của sản phẩm du lịch mà du khách mong đợi dù nhà cung cấp dịch vụ du lịch có ký hợp đồng trực tiếp với nhà cung cấp hay không.
Như vậy chuối cung ứng du lịch tùy ở phạm vi, mức độ nghiên cứu mà có thể xét theo nghĩa hẹp và theo nghĩa rộng ( ở cả mức độ toàn cầu) Nếu ở phạm vi hẹp thì có mô hình đơn giản. Ví dụ: Chuỗi cung ứng khách sạn gồm nhà cung ứng đầu vào: nguyên vật liệu, thực phẩm, đồ ăn, thức uống, thiết bị, năng lượng.. Còn quá trình cung ứng ( sản xuất ) của khách sạn gồm: Cung cấp dịch vụ lưu trú, ăn uống, hàng hóa, dịch vụ bổ sung khác
Tương tự như vậy, chúng ta có thể suy ra chuỗi cung ứng của các doanh nghiệp du lịch khác như nhà hàng du lịch, khu du lịch, công ty lữ hành. Tuy nhiên, trong thực tế, các doanh nghiệp du lịch không bao giờ đứng riêng rẽ, hoạt động hoàn toàn độc lập với nhau mà luôn có mối liên hệ ràng buộc và là điều kiện hoạt động của nhau ở phạm vi quốc gia và có thể ở phạm vi quốc tế. Chính vì vậy chuỗi cung ứng du lịch là chuỗi cung ứng mở rộng, thậm chí là chuỗi cung ứng toàn cầu.
2.3. Chuỗi giá trị du lịch Từ chuỗi cung ứng mở rộng ( chuỗi cung ứng toàn cầu), có thể hiểu chuỗi giá trị du lịch như sau:
Chuỗi giá trị du lịch, hiểu ở phạm vi doanh nghiệp du lịch bao gồm chuỗi các hoạt động từ thiết kế sản phẩm, mua dịch vụ, tiếp thị, bán hàng, điều hành, hướng dẫn du lịch để mang đến sản phẩm là sự trải nghiệm thăng hoa cho du khách và mang lại giá trị và lợi nhuận cho doanh nghiệp. Chuỗi giá trị du lịch hiểu ở phạm vi mở rộng bao gồm chuỗi hoạt động từ xúc tiến, quảng bá, giao thông vận tải (đường bộ, đường thủy, đường không), thủ tục xuất nhập cảnh, quản lý điểm đến, môi trường du lịch, vệ sinh an toàn thực phẩm… của nhiều tổ chức, ban, ngành liên quan, các doanh nghiệp và người dân để cùng đưa những đầu vào là giá trị các tài nguyên du lịch tự nhiên, các giá trị văn hóa, lịch sử… thành sản phẩm đầu ra mang lại cảm xúc thăng hoa cho du khách, từ đó mang lại nguồn thu và lợi nhuận lớn cho ngành Du lịch và đóng góp vào sự tăng trưởng kinh tế của cả quốc gia.
Có thể thấy rằng, xuất phát từ đặc điểm của sản xuất và sản phẩm du lịch như đã nói trên, chuỗi giá trị du lịch là sự liên kết qua nhiều hoạt động đề tạo nên sản phẩm du lịch và do đó hình thành nên giá trị, trong đó chuỗi giá trị của một công đoạn (trong 1 công ty) là một bộ phận hợp thành. Cho nên sự liên kết các hoạt động ấy là một tất yếu. Chuỗi giá trị đầy đủ (mở rộng) ấy bao gồm: các giá trị do nhà nước tạo ra trong các hoạt động như quảng bá, xúc tiến du lịch và các hoạt động khác liên quan đến du lịch trên phạm vi quốc tế và quốc gia; giá trị do các công ty lữ hành tạo ra trong các hoạt động của họ như nghiên cứu thị trường, xúc tiến quảng bá du lịch, thiết kế xây dựng chương trình du lịch, tổ chức thực hiện chương trình; giá trị do các khách sạn, nhà hàng… tạo ra do hoạt động cung cấp dịch vụ lưu trú, ăn uống và các dịch vụ khác; giá trị do các điểm tham quan, vui chơi giải trí, các điểm trải nghiệm của du khách do các hoạt động của lao động ở những nơi này cung cấp kể cả cộng đồng dân cư.
Thông qua chuỗi cung ứng và chuỗi giá trị du lịch, có thể thấy các mối quan hệ liên kết để hình thành sản phẩm và chuỗi giá trị du lịch. Các mối quan hệ liên kết đó là:
– Liên kết quốc tế, thể hiện trong quan hệ đối tác trong hoạt động du lịch như những văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến du lịch như Pháp lệnh xuất, nhập cảnh, cư trú, đi lại cho người Việt Nam; cho người nước ngoài và các văn bản liên quan khác được bổ sung; thủ tục nhập, xuất cảnh, cư trú, đi lại, hải quan liên tục được cải tiến thuận tiện hơn cho khách cho khách và các nhà đầu tư, hợp tác trong nghiên cứu du lịch, xúc tiến quảng bá du lịch… Những hoạt động này rất quan trọng nhằm xây dựng hình ảnh du lịch Việt Nam và tạo nguồn khách cho du lịch.
– Liên kết theo khu vực (giữa các địa phương trong một khu vực hoặc hành lang phát triển). Trong thời gian qua liên kết khu vực giữa các địa phương được hình thành dưới hình thức tạo ra các chương trình du lịch đặc thù. Ví dụ như: Du lịch Quảng Nam, Đà Nẵng, Thừa Thiên – Huế đã từng bước hướng đến sự liên kết chuyên nghiệp với nhiều nhiều chương trình quảng bá đã được 3 địa phương phối hợp xây dựng chiến lược cùng xúc tiến như “Đà Nẵng biển gọi”, “Quảng Nam – Hành trình di sản”; “Lăng Cô huyền thoại biển”; “Ba địa phương – một điểm đển”. Sự hợp tác liên kết giữa 3 địa phương chính là đã đưa thương hiệu Du lịch miền Trung đến với du khách trong và ngoài nước như là điểm đến lý tưởng của Việt Nam, từ đó góp phần thu hút du khách trong và ngoài nước, tạo thêm công ăn việc làm và ngân sách cho các địa phương…
– Liên kết dọc (từ trung ương đến địa phương, các doanh nghiệp du lịch và cộng đồng dân cư tại điểm đến du lịch). Các doanh nghiệp du lịch và các cơ quan quản lý du lịch duy trì mối liên kết dọc từ trung ương đến địa phương để cung cấp dịch vụ phục vụ khách du lịch, cũng như chỉ đạo điều hành phát triển du lịch theo chiến lược và định hướng chung. Về quản lý Nhà nước, Tổng cục Du lịch thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch là cơ quan trung ương có chức năng tham mưu giúp Bộ thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn quản lý nhà nước về du lịch trong phạm vi cả nước. Ở địa phương chức năng này thuộc UBND tỉnh (các Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch hay Sở Du lịch tham mưu). Nhiều doanh nghiệp du lịch lớn cũng hình thành các văn phòng đại diện tại địa phương để triển khai các hoạt động liên kết tại địa phương trong điều hành kinh doanh du lịch…
-Liên kết theo ngành nghề kinh doanh du lịch (lữ hành, khách sạn, ăn uống, vận chuyển khách du lịch). Hình thức liên kết này chủ yếu được thực hiện qua việc các doanh nghiệp du lịch theo từng ngành nghề kinh doanh ký kết hợp đồng phục vụ khách du lịch trong một chương trình du lịch.
– Liên kết giữa ngành du lịch với các ngành khác cung ứng sản phẩm, dịch vụ cho ngành du lịch như ngành giao thông vận tải, cung cấp điện, nước, nông nghiệp, công nghiệp … với tư cách cung ứng sản phẩm, dịch vụ đầu vào cho ngành du lịch để tạo nên sản phẩm hoàn chỉnh phục vụ khách du lịch.
Trong hoạt đông quản lý và kinh doanh du lịch không thể không tính đến và giải quyết các mối quan hệ nêu trên. Để tạo ra nhiều giá trị gia tăng, nâng cao năng lực cạnh tranh của ngành du lịch Việt Nam nói chung và mỗi doanh nghiệp du lịch nói riêng thì trong mỗi hoạt động của chuỗi cung ứng phải bằng các giải pháp thích hợp để hạ thấp chi phí, nâng cao hiệu quả và từ đó nâng cao giá trị gia tăng cho mỗi hoạt động và cho toàn chuỗi.
Nghiên cứu và phân tích chuỗi giá trị, nhất là chuỗi giá trị du lịch là vấn đề khó khăn, phức tạp bởi tính bao quát và tính đặc thù của sản xuất, cung ứng sản phẩm, dịch vụ du lịch. Việc vận dụng chuỗi giá trị du lịch đòi hỏi nghiên cứu kỹ tính đặc thù nói trên. Nhưng dù ở phạm vi hẹp hay phạm vi rộng (toàn cầu) thì việc vận dụng đó cũng luôn luôn gắn liền với nhiều mối liên hệ cần phải xử lý. Có như vậy mới có ý nghĩa và hiệu quả cao trong hoạt động kinh doanh du lịch, nhất là trong điều kiện Việt Nam đang đẩy mạnh phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn và trong điều kiện hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng.
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
1) Báo DU LỊCH điện tử. Giải pháp và chính sách liên kết chuỗi giá trị đầu vào của các ngành hình thành sản phẩm du lịch. Thứ tư, 09/10/2019 |
2) BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ 11-10-2019. Liên kết chuỗi giá trị hình thành sản phẩm du lịch: Cần những giải pháp đồng bộ.
3) Chỉ thị số 14/CT-TTg ngày 02 tháng 7 năm 2015 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường hiệu lực quản lý nhà nước về du lịch, tập trung khắc phục yếu kém, thúc đẩy phát triển du lịch.
4) Giáo trình Quản trị Marketing, NXB Đại học Kinh tế Quốc dân).
5) Giáo trình Kinh doanh thương mại, NXB Đại học Kinh tế quốc dân)
6) Michael Porter, 1985, “Lợi thế cạnh tranh: Tạo lập và duy trì thành tích vượt trội trong kinh doanh”, tiếng Việt, năm 2009, tr.71-106.
7) Nghị quyết số 103/NQ-CP của Chính phủ ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/TW của Bộ Chính trị phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. 8) Tạp chí Du lịch 6/2018.
GS.TS Nguyễn Văn Đính