Chính sách phát triển du lịch xanh, bền vững của Singapore và bài học kinh nghiệm với Việt Nam
I. Giới thiệu
Trong bối cảnh biến đổi khí hậu và suy giảm tài nguyên thiên nhiên toàn cầu, việc phát triển du lịch bền vững trở thành một vấn đề cấp bách và quan trọng. Du lịch xanh không chỉ giúp bảo vệ môi trường mà còn góp phần vào sự phát triển bền vững của các cộng đồng địa phương và nền kinh tế. Singapore, với chiến lược phát triển du lịch bền vững toàn diện, đã trở thành một mô hình tiêu biểu cho nhiều quốc gia khác. Năm 2023, Singapore được chứng nhận là điểm đến bền vững dựa trên Tiêu chí điểm đến của Hội đồng Du lịch bền vững toàn cầu (GSTC), phản ánh cam kết của Singapore trong việc trở thành một điểm đến đô thị bền vững và khẳng định rằng những nỗ lực của Singapore đang đi đúng hướng. Singapore cũng cam kết đạt tuân thủ các tiêu chuẩn quốc tế và truyền cảm hứng cho nhiều doanh nghiệp du lịch để đóng góp cho một thế giới xanh hơn.
Bài viết sẽ phân tích chính sách phát triển du lịch xanh và bền vững của Singapore, đồng thời rút ra bài học kinh nghiệm, đề xuất áp dụng trong phát triển du lịch bền vững tại Việt Nam.
II. Chính sách phát triển du lịch xanh, bền vững của Singapore
- Tổng quan ngành du lịch Singapore
Singapore là một quốc gia có diện tích không lớn so với các quốc gia khác trong khu vực Đông Nam Á khoảng 728 km², đã thành công trong việc xây dựng một ngành du lịch mạnh mẽ, đồng thời duy trì sự phát triển bền vững. Du lịch đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế Singapore, không chỉ là nguồn thu nhập lớn mà còn là yếu tố quan trọng trong việc xây dựng hình ảnh quốc gia. Singapore đã thu hút nhiều khoản đầu tư lớn vào cơ sở hạ tầng du lịch, bao gồm các khu nghỉ dưỡng, khách sạn cao cấp, trung tâm hội nghị và các điểm tham quan. Các dự án lớn như Marina Bay Sands và Resorts World Sentosa đã trở thành biểu tượng du lịch và kinh tế của Singapore. Theo số liệu thống kê của Tổng cục Du lịch Singapore, năm 2023, tổng thu từ du lịch của Singapore ước tính đạt từ 24,5 tỷ đến 26 tỷ SGD, tương đương khoảng 88-94% so với mức năm 2019. Số lượng khách quốc tế năm 2023 tăng lên 13,6 triệu, tăng 115% so với năm trước và đạt khoảng 71% so với mức năm 2019. Các thị trường chính bao gồm Indonesia (2,3 triệu), Trung Quốc (1,4 triệu) và Malaysia (1,1 triệu). Các thị trường khác có sự phục hồi mạnh mẽ bao gồm Australia, Hàn Quốc và Hoa Kỳ. [2] Những số liệu này phản ánh hiệu suất mạnh mẽ và sự phục hồi của ngành du lịch Singapore, chứng tỏ tầm quan trọng của ngành này đối với nền kinh tế của đất nước và các nỗ lực chiến lược để thu hút đa dạng du khách quốc tế. Cùng với sự tăng trưởng không ngừng của ngành du lịch, Singapore nhận thức rõ ràng về những tác động tiêu cực có thể xảy ra đối với môi trường và xã hội, từ đó đã triển khai các chính sách nhằm phát triển du lịch theo hướng xanh và bền vững.
- Kế hoạch Xanh Singapore 2030 (Singapore Green Plan 2030)
2.1. Mục tiêu và tầm nhìn
Được công bố vào năm 2021, Kế hoạch Xanh Singapore 2030 (Singapore Green Plan 2030) đưa ra như một lộ trình nhằm thúc đẩy chương trình nghị sự quốc gia của Singapore về phát triển bền vững, với các mục tiêu cụ thể cho các lĩnh vực như năng lượng, giao thông, bảo tồn tài nguyên và du lịch. Hiện nay, Singapore là một trong những thành phố đông đúc nhất nhưng xanh nhất thế giới, với độ phủ xanh trên 40%. Phong trào “Một triệu cây xanh” nhằm mục đích phủ xanh khắp Singapore trong 10 năm tới để phát triển du lịch bền vững. Singapore cũng đang đặt mục tiêu đến năm 2030 mỗi hộ gia đình chỉ cách công viên trong vòng 10 phút đi bộ. Đây là một trong nhiều sáng kiến trong “Kế hoạch Xanh” mà Singapore hướng tới.
2.2. Các sáng kiến chính trong Kế hoạch Xanh Singapore 2030
Kế hoạch Xanh của Singapore có năm trụ cột chính với sự quản lý của 05 cơ quan là Bộ Bền vững và Môi trường (MSE), Bộ Thương mại và Công nghiệp (MTI), Bộ Giao thông vận tải (MOT), Bộ Phát triển Quốc gia (MND) và Bộ Giáo dục (MOE), được cấp ngân sách toàn bộ từ Chính phủ với các nội dung: (1) Thành phố trong tự nhiên, nhằm tạo ra những ngôi nhà xanh, đáng sống và bền vững cho người dân; (2) Cuộc sống bền vững, nhằm hướng tới việc giảm lượng khí thải các-bon, giữ cho môi trường trong sạch, tiết kiệm tài nguyên và năng lượng trở thành một phong cách sống; (3) Tái tạo năng lượng, nhằm sử dụng năng lượng sạch hơn và tăng hiệu quả sử dụng năng lượng để giảm khí thải các-bon; (4) Nền kinh tế xanh, nhằm tìm kiếm các cơ hội tăng trưởng xanh để tạo việc làm mới, chuyển đổi các ngành công nghiệp và khai thác tính bền vững như một lợi thế cạnh tranh và (5) Tương lai kiên cường, nhằm xây dựng khả năng phục hồi khí hậu và tăng cường an ninh lương thực. [1]
Để đạt được những trụ cột này, Chính phủ Singapore đã đưa ra một loạt các sáng kiến và biện pháp hỗ trợ trong lĩnh vực nghiên cứu và phát triển, năng lượng, tài chính xanh, du lịch bền vững và giao thông đường bộ. Cụ thể như sau:
- Tăng cường giao thông công cộng xanh
Singapore đã đầu tư mạnh mẽ vào hệ thống giao thông công cộng để giảm lượng khí thải và cải thiện hiệu quả di chuyển. Chính phủ đã triển khai các dự án cụ thể bao gồm:
– Mở rộng mạng lưới tàu điện ngầm MRT: Singapore đã liên tục mở rộng và nâng cấp mạng lưới tàu điện ngầm MRT. Ví dụ, tuyến Thomson-East Coast Line (TEL) được mở rộng để kết nối các khu vực ngoại ô với trung tâm thành phố, giúp người dân di chuyển dễ dàng và nhanh chóng hơn. Để đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân, Singapore đã tăng cường tần suất các chuyến tàu trong giờ cao điểm, giúp giảm thiểu tình trạng quá tải và chờ đợi lâu.
– Xe buýt thân thiện môi trường: Singapore đã thử nghiệm và triển khai xe buýt điện trên nhiều tuyến đường. Ví dụ, Tập đoàn Giao thông Công cộng Singapore (SBS Transit) và SMRT đã đưa vào vận hành các tuyến xe buýt điện như tuyến 22 và tuyến 43. Các xe buýt điện này không chỉ giúp giảm lượng khí thải mà còn tiết kiệm năng lượng, góp phần bảo vệ môi trường. Ngoài xe buýt điện, Singapore cũng đã thử nghiệm và triển khai xe buýt sử dụng nhiên liệu sạch như khí tự nhiên nén (CNG) để giảm lượng khí thải gây ô nhiễm.
– Hệ thống cho thuê xe đạp công cộng: Chính phủ Singapore đã mở rộng hệ thống trạm cho thuê xe đạp công cộng, như hệ thống SG Bike và Anywheel. Các trạm cho thuê xe đạp được đặt ở nhiều khu vực thuận tiện, như gần các ga MRT và trạm xe buýt. Để khuyến khích người dân sử dụng xe đạp, Singapore đã xây dựng và cải thiện các tuyến đường dành riêng cho xe đạp, đảm bảo an toàn và thuận tiện cho người đi xe đạp. Ví dụ, tuyến đường xe đạp tại East Coast Park kết nối với các khu vực trung tâm, giúp người dân dễ dàng di chuyển bằng xe đạp.
– Công nghệ thông minh: Singapore đã ứng dụng công nghệ thông minh trong quản lý giao thông công cộng, như hệ thống quản lý xe buýt thời gian thực, giúp điều chỉnh lộ trình và tần suất chuyến đi dựa trên lưu lượng giao thông và nhu cầu thực tế.
Những sáng kiến này không chỉ giúp giảm tắc nghẽn giao thông mà còn góp phần giảm lượng khí thải carbon và ô nhiễm không khí, qua đó cải thiện chất lượng cuộc sống và bảo vệ môi trường.
- Xây dựng cơ sở hạ tầng xanh
Singapore đã thành công trong việc quy hoạch đô thị và phủ xanh thành phố với mục tiêu tăng cường mật độ cây, củng cố mỹ quan, và nâng cao môi trường sống cũng như giải trí cho người dân và du khách. Sau nhiều thập kỷ, Singapore đã đạt tỷ lệ phủ xanh hơn 50% diện tích mặt đất theo chiều ngang và hơn 75% theo chiều dọc, đúng theo quốc sách phát triển “vườn thẳng đứng”. Những công trình xanh này không chỉ tạo dựng hình ảnh đất nước Singapore với một diện mạo hoàn toàn khác biệt so với các quốc gia khác trên thế giới mà còn phục vụ cho phát triển du lịch bền vững.
– Quy tắc xây dựng và tiêu chuẩn xanh: Singapore đã triển khai hệ thống Chứng nhận Green Mark để đánh giá và công nhận các công trình xây dựng thân thiện với môi trường. Hệ thống này đánh giá các yếu tố như hiệu quả năng lượng, quản lý nước, chất lượng không khí trong nhà và sử dụng vật liệu bền vững. Điều này thu hút du khách quan tâm đến du lịch bền vững. Chính phủ yêu cầu các công trình mới phải tuân thủ các tiêu chuẩn xây dựng xanh, đảm bảo rằng các tòa nhà không chỉ tiết kiệm năng lượng mà còn có tác động tích cực đến môi trường, góp phần nâng cao trải nghiệm của du khách.
– Ưu đãi và hỗ trợ tài chính: Các doanh nghiệp và nhà phát triển tham gia xây dựng công trình xanh có thể được hưởng các ưu đãi về thuế, giúp giảm chi phí và khuyến khích đầu tư vào các dự án bền vững. Chính phủ cung cấp các gói trợ cấp và chương trình cho vay lãi suất thấp để hỗ trợ các dự án xây dựng xanh, giúp bù đắp chi phí ban đầu cao. Điều này giúp các doanh nghiệp du lịch phát triển các dự án thân thiện với môi trường, cơ sở lưu trú và điểm tham quan xanh từ đó thu hút du khách quan tâm đến du lịch bền vững.
– Khuyến khích nghiên cứu và phát triển: Singapore thúc đẩy nghiên cứu và phát triển các công nghệ, nguyên vật liệu bền vững để ứng dụng trong các công trình xây dựng xanh. Đồng thời thúc đẩy hợp tác quốc tế để chia sẻ kinh nghiệm và học hỏi từ các quốc gia khác trong lĩnh vực xây dựng xanh. Các hội nghị và hội thảo quốc tế về xây dựng bền vững thường xuyên được tổ chức, tạo cơ hội cho du khách tham gia và tìm hiểu về các xu hướng mới trong lĩnh vực này.
- Khuyến khích du lịch xanh, bền vững
Singapore đã phát triển các sản phẩm du lịch xanh nhằm thúc đẩy du lịch bền vững, bảo vệ môi trường và nâng cao nhận thức của du khách.
– Tour du lịch sinh thái:
Khám phá Công viên MacRitchie Reservoir: Du khách có thể tham gia các tour đi bộ đường dài và khám phá thiên nhiên tại công viên này, nơi có hệ sinh thái rừng nhiệt đới phong phú và đa dạng.
Chương trình đêm tại Vườn thú Night Safari: Đây là vườn thú đêm đầu tiên trên thế giới, cho phép du khách khám phá các loài động vật hoang dã trong môi trường tự nhiên vào ban đêm mà không gây phiền nhiễu cho chúng.
– Các điểm tham quan tự nhiên:
Vườn Lan quốc gia Singapore: Đây là nơi bảo tồn và trưng bày hàng ngàn loài lan quý hiếm, giúp du khách tìm hiểu về tầm quan trọng của việc bảo vệ đa dạng sinh học.
Gardens by the Bay: Khu vườn này không chỉ là điểm tham quan nổi tiếng mà còn là biểu tượng của sự kết hợp giữa công nghệ và tự nhiên, với các siêu cây năng lượng mặt trời và nhà kính khí hậu nhiệt đới.
– Các hoạt động giáo dục về môi trường:
Chương trình Green Mark: Chính phủ Singapore đã triển khai chương trình này để khuyến khích các công trình xây dựng xanh và bền vững, đồng thời tổ chức các khóa học và hội thảo về bảo vệ môi trường cho người dân và du khách.
Bảo tàng Sống xanh Singapore (Sustainable Singapore Gallery): Nơi đây cung cấp các triển lãm và hoạt động giáo dục về tầm quan trọng của việc bảo vệ môi trường và sử dụng tài nguyên bền vững.
– Hỗ trợ tài chính và các ưu đãi cho doanh nghiệp du lịch: Chính phủ cung cấp các gói hỗ trợ tài chính, ưu đãi thuế cho các doanh nghiệp du lịch áp dụng các biện pháp bảo vệ môi trường, như sử dụng năng lượng tái tạo, giảm thiểu chất thải và tăng cường sử dụng sản phẩm thân thiện với môi trường.
- Quản lý tài nguyên thiên nhiên và bảo tồn di sản văn hóa
Singapore đã triển khai nhiều chương trình bảo tồn tài nguyên thiên nhiên và di sản văn hóa để duy trì và phát huy giá trị tự nhiên cũng như văn hóa của đất nước. Các khu bảo tồn thiên nhiên và các di tích lịch sử đều được quản lý chặt chẽ, đảm bảo tính bền vững và sự hấp dẫn đối với du khách.
– Bảo tồn tài nguyên thiên nhiên:
Khu bảo tồn tự nhiên Bukit Timah (Bukit Timah Nature Reserve): Khu bảo tồn này là một trong những khu rừng mưa nhiệt đới cổ xưa nhất tại Singapore, chứa đựng nhiều loài động thực vật quý hiếm. Chính phủ đã thực hiện các biện pháp bảo vệ và quản lý khu bảo tồn, bao gồm kiểm soát hoạt động du lịch và phát triển cơ sở hạ tầng bền vững để đảm bảo rằng môi trường tự nhiên không bị xâm phạm.
Khu bảo tồn đầm lầy Sungei Buloh (Sungei Buloh Wetland Reserve): Đây là khu bảo tồn đất ngập nước đầu tiên của Singapore, nổi tiếng với hệ sinh thái phong phú, đặc biệt là các loài chim di cư. Chính phủ đã thực hiện nhiều biện pháp bảo vệ và quản lý khu vực này, như xây dựng các lối đi trên cao để du khách có thể quan sát mà không làm ảnh hưởng đến môi trường sống của các loài động vật.
– Bảo tồn di sản văn hóa:
Chinatown Heritage Centre: Trung tâm này bảo tồn và tái hiện lại cuộc sống của cộng đồng người Hoa tại Singapore trong quá khứ. Các tòa nhà và kiến trúc lịch sử được bảo tồn và phục hồi, đồng thời tổ chức các chương trình triển lãm và sự kiện văn hóa để thu hút du khách và giáo dục cộng đồng.
Little India: Khu vực này được bảo tồn và phát triển như một trung tâm văn hóa của cộng đồng người Ấn Độ tại Singapore. Các công trình kiến trúc và đền chùa cổ được duy trì và bảo vệ, trong khi các lễ hội và sự kiện văn hóa được tổ chức thường xuyên để duy trì và phát huy giá trị văn hóa.
– Quản lý và phát triển bền vững: Chính phủ Singapore đã triển khai các chương trình bảo tồn di sản văn hóa, bao gồm việc phục hồi và duy trì các công trình kiến trúc cổ, tổ chức các sự kiện văn hóa và giáo dục cộng đồng về tầm quan trọng của việc bảo tồn di sản. Các khu bảo tồn thiên nhiên được quản lý chặt chẽ, với các biện pháp như hạn chế khai thác và phát triển, bảo vệ các loài động thực vật quý hiếm và xây dựng các cơ sở hạ tầng thân thiện với môi trường để phục vụ du khách. Ví dụ như Singapore Botanic Gardens: Là vườn bách thảo lâu đời nhất tại Singapore và được UNESCO công nhận là Di sản Thế giới, Singapore Botanic Gardens không chỉ bảo tồn nhiều loài thực vật quý hiếm mà còn là nơi tổ chức nhiều hoạt động giáo dục và nghiên cứu về thực vật học.
2.3. Chương trình chứng nhận du lịch bền vững (Sustainable Tourism Certification)
Chương trình chứng nhận du lịch bền vững là một công cụ quan trọng của Chính phủ Singapore trong việc thúc đẩy các hoạt động du lịch bền vững. Chương trình được thiết kế nhằm khuyến khích các cơ sở du lịch tuân thủ các tiêu chí nghiêm ngặt về bảo vệ môi trường, tiết kiệm năng lượng và hỗ trợ cộng đồng địa phương. Các cơ sở du lịch được chứng nhận không chỉ phải tuân thủ các tiêu chuẩn môi trường mà còn phải tham gia vào các hoạt động cộng đồng và giáo dục về bảo vệ môi trường.
Chương trình này đưa ra các tiêu chí về bảo vệ môi trường và hỗ trợ cộng đồng địa phương, khuyến khích các cơ sở du lịch cải thiện hoạt động của mình để đáp ứng các tiêu chuẩn bền vững.
2.3.1. Tiêu chí đánh giá
Các tiêu chí đánh giá bao gồm:
- Tiết kiệm năng lượng: Các cơ sở du lịch phải áp dụng các biện pháp tiết kiệm năng lượng, như sử dụng đèn LED, hệ thống điều hòa không khí tiết kiệm năng lượng và các thiết bị điện tử hiệu quả.
- Quản lý nước: Các cơ sở phải thực hiện các biện pháp quản lý nước hiệu quả, bao gồm sử dụng các thiết bị tiết kiệm nước và thu gom, tái sử dụng nước mưa.
- Giảm thiểu chất thải: Các cơ sở du lịch phải có các chương trình giảm thiểu chất thải, như phân loại rác, tái chế và sử dụng các sản phẩm thân thiện với môi trường.
- Hỗ trợ cộng đồng địa phương: Các cơ sở du lịch phải ưu tiên tuyển dụng người dân địa phương, giúp cải thiện đời sống và kinh tế cho cộng đồng; tham gia và đóng góp vào các dự án cộng đồng, như xây dựng cơ sở hạ tầng, giáo dục và y tế.
- Giáo dục và nâng cao nhận thức về môi trường: Các cơ sở du lịch phải tổ chức các chương trình giáo dục môi trường cho du khách và nhân viên, giúp nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của việc bảo vệ môi trường; tham gia vào các hoạt động cộng đồng nhằm bảo vệ môi trường, như trồng cây, dọn dẹp bãi biển và tổ chức các sự kiện nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường.
2.3.2. Quy trình chứng nhận
Quy trình chứng nhận bao gồm việc các cơ sở du lịch nộp đơn đăng ký, được đánh giá bởi các chuyên gia độc lập và nhận chứng nhận nếu đáp ứng đủ các tiêu chí. Các cơ sở cũng phải thực hiện các báo cáo định kỳ để duy trì chứng nhận và cải thiện các hoạt động của mình.
– Ví dụ tiêu biểu: Resorts World Sentosa: Đây là một trong những cơ sở du lịch đầu tiên nhận được chứng nhận du lịch bền vững tại Singapore. Khu nghỉ dưỡng này đã áp dụng nhiều biện pháp tiết kiệm năng lượng, quản lý nước và giảm thiểu chất thải. Ngoài ra, họ cũng tham gia tích cực vào các dự án cộng đồng và tổ chức các chương trình giáo dục môi trường cho du khách.
Chương trình chứng nhận du lịch bền vững của Singapore đã giúp nâng cao chất lượng và uy tín của các cơ sở du lịch, thu hút du khách quốc tế quan tâm đến du lịch bền vững và bảo vệ môi trường. Những nỗ lực này không chỉ góp phần bảo vệ môi trường mà còn thúc đẩy phát triển kinh tế và nâng cao đời sống của cộng đồng địa phương.
IV. Bài học kinh nghiệm với Việt Nam
Việt Nam có đầy đủ các điều kiện cần thiết để phát triển ngành du lịch bền vững nhờ vào nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú và nền văn hóa đa dạng. Dưới đây là những bài học kinh nghiệm từ Singapore mà Việt Nam có thể áp dụng để phát triển du lịch xanh và bền vững.
- Xây dựng chiến lược dài hạn với các mục tiêu cụ thể và sự tham gia, phối hợp liên ngành
Kế hoạch Xanh Singapore 2030 là một ví dụ điển hình về việc xây dựng một chiến lược phát triển bền vững với các mục tiêu cụ thể và lộ trình rõ ràng. Trong đó, nổi bật là sự quản lý và tham gia sâu của 05 cơ quan là Bộ Bền vững và Môi trường (MSE), Bộ Thương mại và Công nghiệp (MTI), Bộ Giao thông vận tải (MOT), Bộ Phát triển Quốc gia (MND) và Bộ Giáo dục (MOE) trong các sáng kiến hành động.
Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030 của Chính phủ đã đề ra các định hướng và giải pháp về phát triển du lịch bền vững, tuy nhiên sự tham gia, phối hợp của các Bộ, ngành khác với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch còn nhiều hạn chế. Du lịch là một ngành kinh tế tổng hợp, đòi hỏi phải có sự phối hợp chặt chẽ giữa các Bộ ngành. Vì vậy cần thiết xây dựng các kế hoạch triển khai Chiến lược phát triển du lịch bền vững một cách cụ thể, đề xuất kiến nghị rõ thành phần tham gia, vai trò và trách nhiệm của các bên liên quan bao gồm các cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp du lịch và cộng đồng địa phương.
- Khuyến khích và chứng nhận các hoạt động du lịch Xanh
Chương trình chứng nhận du lịch bền vững của Singapore đã khuyến khích các cơ sở du lịch cải thiện hoạt động của mình thông qua việc đáp ứng các tiêu chuẩn môi trường nghiêm ngặt. Việt Nam có thể phát triển các chương trình chứng nhận cho các cơ sở du lịch, tương tự như Sustainable Tourism Certification của Singapore. Các tiêu chí chứng nhận nên bao gồm các yêu cầu về bảo vệ môi trường, tiết kiệm năng lượng, và hỗ trợ cộng đồng địa phương.
Các công ty du lịch có thể lo ngại việc đầu tư sẽ tốn chi phí và khi mở rộng quy mô lớn sẽ trở thành áp lực lên lợi nhuận công ty. Trong khi đó, yếu tố bền vững ở đây không nhất thiết phải áp dụng hết tất cả cùng một lúc và có thể bắt đầu từ những việc rất nhỏ, như quy định tiết kiệm năng lượng hay sử dụng tài nguyên tại cơ sở lưu trú.
- Đẩy mạnh phát triển giao thông công cộng Xanh
Hiện tại, các trung tâm du lịch lớn của Việt Nam như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Nha Trang vẫn chưa có hệ thống cơ sở hạ tầng giao thông công cộng xanh và hiệu quả. Việc di chuyển của du khách vẫn phụ thuộc nhiều vào xe ô tô và xe máy, gây ra tắc nghẽn giao thông và ô nhiễm không khí. Hệ thống giao thông công cộng hiện tại chưa đáp ứng được nhu cầu di chuyển nhanh chóng, an toàn và thuận tiện của du khách. Các phương tiện công cộng như xe buýt, tàu điện ngầm vẫn còn hạn chế về số lượng, chất lượng và phạm vi phủ sóng.
Việc phát triển hệ thống giao thông công cộng xanh là một bước quan trọng để giảm tắc nghẽn giao thông và ô nhiễm không khí tại các trung tâm du lịch lớn của Việt Nam. Đầu tư và phát triển hạ tầng giao thông công cộng xanh: Đầu tư vào việc xây dựng và mở rộng các tuyến xe buýt điện, tàu điện ngầm và các phương tiện giao thông công cộng xanh khác. Đảm bảo các tuyến này phủ sóng rộng khắp các khu vực du lịch quan trọng. Phát triển các làn đường riêng cho xe đạp để khuyến khích du khách và người dân sử dụng xe đạp làm phương tiện di chuyển.
Chính sách ưu đãi và hỗ trợ: Chính phủ có thể áp dụng các chính sách ưu đãi thuế, hỗ trợ tài chính cho các doanh nghiệp đầu tư vào phương tiện giao thông xanh, như xe buýt điện và xe đạp. Tăng cường các chương trình khuyến khích, như giảm giá vé cho người sử dụng phương tiện giao thông công cộng xanh hoặc miễn phí cho việc sử dụng xe đạp công cộng.
Tăng cường quản lý và vận hành hiệu quả: Ứng dụng công nghệ thông tin vào việc quản lý và vận hành hệ thống giao thông công cộng, như hệ thống vé điện tử, ứng dụng theo dõi lịch trình và tình trạng phương tiện.
Dịch vụ chất lượng cao: Đảm bảo các phương tiện giao thông công cộng luôn sạch sẽ, an toàn và đúng giờ để thu hút du khách và người dân sử dụng.
- Chính sách đặc thù hỗ trợ cộng đồng địa phương
Chính sách hỗ trợ đặc thù cho phát triển du lịch bền vững (điển hình như du lịch cộng đồng và du lịch nông nghiệp) ở Việt Nam còn thiếu cụ thể và rõ ràng, dẫn đến việc các doanh nghiệp và cộng đồng địa phương gặp khó khăn trong việc tiếp cận và triển khai.
Du lịch Việt Nam cần xây dựng khung pháp lý rõ ràng, minh bạch để doanh nghiệp và cộng đồng địa phương dễ dàng tiếp cận và hiểu rõ các quy định, điều kiện hỗ trợ; đồng thời đề xuất các chính sách ưu đãi cụ thể cho du lịch cộng đồng và du lịch nông nghiệp phát triển bền vững, bao gồm các ưu đãi về thuế, hỗ trợ vốn vay. Có thể cân nhắc về các gói hỗ trợ tài chính và vay vốn ưu đãi cho các doanh nghiệp và dự án du lịch bền vững; hỗ trợ kỹ thuật, tư vấn để giúp doanh nghiệp và cộng đồng địa phương triển khai các dự án du lịch bền vững hiệu quả.
Khuyến khích sự hợp tác giữa các doanh nghiệp, cơ quan quản lý và tổ chức phi chính phủ trong việc phát triển và triển khai các sáng kiến bền vững. Xây dựng các mạng lưới kết nối giữa các doanh nghiệp, cộng đồng địa phương và các tổ chức hỗ trợ để chia sẻ kinh nghiệm, kiến thức và cơ hội hợp tác.
- Tuyên truyền và giáo dục
Nhiều doanh nghiệp du lịch vẫn chưa hiểu đúng và đầy đủ về du lịch bền vững. Họ thường xem đây như một loại hình tour thay vì một chiến lược tổng thể cho phát triển bền vững. Các chương trình giáo dục và tuyên truyền về du lịch bền vững hiện tại còn rời rạc và chưa tiếp cận sâu rộng đến mọi đối tượng, từ du khách đến cộng đồng địa phương và doanh nghiệp du lịch. Nhiều cơ quan quản lý du lịch và các doanh nghiệp còn thiếu kiến thức và kỹ năng để triển khai các biện pháp và chiến lược bền vững.
Do đó, đòi hỏi du lịch Việt Nam cần có những chiến dịch truyền thông mạnh mẽ tập trung vào việc giáo dục và nâng cao nhận thức cho cả du khách và cộng đồng địa phương về tầm quan trọng của du lịch bền vững và bảo vệ môi trường. Sử dụng các kênh truyền thông đa dạng như mạng xã hội, truyền hình, báo chí, và các sự kiện cộng đồng để lan tỏa thông điệp. Tổ chức các chương trình giáo dục chuyên sâu: Các khóa đào tạo và hội thảo chuyên đề cho doanh nghiệp du lịch về các nguyên tắc và thực hành du lịch bền vững; Phát triển các chương trình giáo dục nhằm trang bị kiến thức về bảo vệ môi trường và tài nguyên thiên nhiên cho cộng đồng địa phương và du khách.
Tăng cường năng lực quản lý: Đầu tư vào việc nâng cao năng lực cho các cơ quan quản lý du lịch và doanh nghiệp về kiến thức và kỹ năng quản lý bền vững; Xây dựng và thực thi các chính sách và quy định khuyến khích phát triển du lịch bền vững.
Đẩy mạnh tuyên truyền và giáo dục về du lịch bền vững là nhiệm vụ cấp thiết để bảo vệ môi trường, phát triển kinh tế địa phương, và bảo tồn văn hóa. Sự nỗ lực đồng bộ từ các cơ quan quản lý, doanh nghiệp, cộng đồng và du khách sẽ tạo nên sự chuyển biến tích cực trong việc phát triển du lịch bền vững ở Việt Nam.
V. Kết luận
Chính sách phát triển du lịch xanh và bền vững của Singapore là một mô hình thành công mà Việt Nam có thể tham khảo để phát triển ngành du lịch của mình theo hướng bền vững. Singapore đã chứng minh rằng du lịch có thể phát triển mạnh mẽ mà vẫn bảo vệ được môi trường và nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân. Các chiến lược và sáng kiến của Singapore, bao gồm việc xây dựng các cơ sở hạ tầng xanh, khuyến khích du lịch bền vững, và bảo tồn tài nguyên thiên nhiên và di sản văn hóa, đều là những bài học quý giá.
Với các giải pháp kiến nghị bao gồm xây dựng chiến lược dài hạn với các mục tiêu cụ thể và thúc đẩy sự tham gia, phối hợp liên ngành; khuyến khích và chứng nhận các hoạt động du lịch xanh; đẩy mạnh phát triển giao thông công cộng xanh; chính sách đặc thù hỗ trợ phát triển bền vững cho cộng đồng du lịch địa phương; công tác tuyên truyền và giáo dục để nâng cao nhận thức của cộng đồng và du khách về du lịch bền vững và bảo vệ môi trường. Những giải pháp này kỳ vọng sẽ giúp du lịch Việt Nam xây dựng một ngành du lịch bền vững, bảo vệ môi trường, nâng cao chất lượng cuộc sống của cộng đồng địa phương và tạo ra giá trị kinh tế bền vững.
Tài liệu tham khảo
- Kế hoạch Xanh Singapore 2030, Singapore Green Plan 2030, https://www.greenplan.gov.sg/
- Tổng cục Du lịch Singapore, Du lịch Singapore phục hồi mạnh mẽ trong năm 2023, https://www.stb.gov.sg/content/stb/en/media-centre/media-releases/Singapores-tourism-sector-posts-strong-recovery-in-2023-exceeds-forecasts-for-tourism-receipts.html.html
Vũ Hà Giang
Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam