Hướng dẫn Hỏi đáp Quy định
  • EnglishEnglish
  • Các yếu tố cấu thành môi trường văn hóa tại các khu du lịch quốc gia ở Việt Nam : Thực trạng và giải pháp

    Tóm tắt

    Xây dựng môi trường văn hóa là một trong những chủ trương, định hướng lớn, xuyên suốt của Đảng và Nhà nước. Điều này không chỉ có ý nghĩa quan trọng đối với đời sống, kinh tế, văn hóa – xã hội mà còn có ý nghĩa rất lớn đến hoạt động phát triển du lịch tại mỗi địa phương và ở từng khu, điểm du lịch. Bài viết này tìm hiểu một số vấn đề liên quan đến môi trường văn hóa, các yếu tố cấu thành môi trường văn hóa và những tác động của nó đối với hoạt động du lịch. Trên cơ sở nghiên cứu điển hình thực trạng các yếu tố cấu thành môi trường văn hóa tại Khu du lịch quốc gia Sapa – Lào Cai, bài viết đề xuất một số định hướng, giải pháp xây dựng môi trường văn hóa phục vụ du lịch tại các khu du lịch quốc gia ở Việt Nam trong thời gian tới.

    Từ khóa: du lịch, khu du lịch quốc gia, môi trường, văn hóa

    1. Môi trường văn hóa và các yếu tố cấu thành

    Môi trường nói chung và môi trường du lịch là nhân tố rất quan trọng đối với hoạt động du lịch, quyết định đến sức hấp dẫn của điểm đến, chất lượng của sản phẩm và dịch vụ du lịch, sự hài lòng của khách du lịch… Theo Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, “môi trường bao gồm các yếu tố vật chất tự nhiên và nhân tạo quan hệ mật thiết với nhau, bao quanh con người, có ảnh hưởng đến đời sống, kinh tế, xã hội, sự tồn tại, phát triển của con người, sinh vật và tự nhiên”. Luật Du lịch năm 2017 định nghĩa: “môi trường du lịch là môi trường tự nhiên và môi trường xã hội nơi diễn ra các hoạt động du lịch”.

    Như vậy, môi trường du lịch là một bộ phận của môi trường nói chung, bao gồm các yếu tố thuộc về tự nhiên (thiên tạo) và các yếu tố thuộc về con người, do con người tạo ra (nhân tạo) có ảnh hưởng đến các hoạt động du lịch. Môi trường tự nhiên có thể bao gồm các yếu tố: khí hậu, thời tiết, nhiệt độ, ánh sáng, không khí, đất, nước, các hệ động thực vật, cảnh quan thiên nhiên và các yếu tố thuộc về tài nguyên tự nhiên,… Môi trường xã hội có thể bao gồm các yêu tố: giá trị văn hóa truyền thống, trình độ văn minh – trình độ dân trí, văn hóa ứng xử, các hoạt động sản xuất và sinh hoạt hàng ngày, an ninh trật tự xã hội, các yếu tố thuộc về chính trị, tôn giáo, dân tộc;…

    “Môi trường văn hóa” là một thuật ngữ được quan tâm và sử dụng khá phổ biến trong những năm gần đây, xuất hiện nhiều trong các văn bản của Đảng và Nhà nước, các cơ quan quản lý cũng như trong các nghiên cứu về văn hóa. Đây không phải là một thuật ngữ mới, tuy nhiên cũng giống như khái niệm “văn hóa”, hiện nay chưa có một định nghĩa thống nhất nào về “môi trường văn hóa” được đưa ra. Chỉ riêng tại Việt Nam, khi bàn luận đến vấn đề này, các nhà nghiên cứu cũng có nhiều quan niệm và cách tiếp cận khác nhau như: “Môi trường văn hóa chính là sự vận động của các quan hệ của con người trong các quá trình sáng tạo, tái tạo, đánh giá, lưu giữ và hưởng thụ các sản phẩm vật chất và tinh thần của mình” (Đỗ Huy, 2001); “Môi trường văn hóa là tổng hòa các loại điều kiện văn hóa tinh thần tồn tại xung quanh chủ thể và tác động tới hoạt động chủ thể, yếu tố chủ yếu tạo thành môi trường văn hóa là giáo dục, khoa học, kinh tế, văn nghệ, đạo đức, tôn giáo, triết học, tâm lý dân tộc và tập tục truyền thống” (Mai Hải Oanh, 2012). “Môi trường văn hóa là tổng hòa những thành tố vật chất và tinh thần tương đối ổn định trong một thời gian và không gian cụ thể mà cá nhân tiếp xúc và có tác động tới hoạt động của chủ thể” (Từ Thị Loan, 2022). Theo cách hiểu này, môi trường văn hóa bao gồm: các sản phẩm và hoạt động văn hoá, các thiết chế văn hóa, cảnh quan văn hoá, ứng xử văn hoá, nếp sống văn hoá nơi công cộng, tại cơ quan, tổ chức, gia đình, nhà trường… 

    Xây dựng môi trường văn hóa là một chủ trương, định hướng lớn của Đảng và Nhà nước, là một nhiệm vụ trọng yếu được xếp song song với các nhiệm vụ, mục tiêu phát triển kinh tế, chính trị, xã hội. Văn kiện Đại hội VIII của Đảng (1996) khẳng định: “Mọi hoạt động văn hóa, văn nghệ phải nhằm xây dựng và phát triển nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, xây dựng con người Việt Nam về tư tưởng, đạo đức, tâm hồn, tình cảm, lối sống, xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh cho sự phát triển xã hội”. Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII (1998) xác định: “Môi trường văn hoá là môi trường chứa đựng những giá trị văn hoá và diễn ra các quan hệ văn hoá, các hoạt động sáng tạo, hưởng thụ văn hoá của con người”. Nghị quyết 33-NQ/TW ngày 6/9/2014 về Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước đã nêu rõ mục tiêu, quan điểm và nhiệm vụ: “Cần xây dựng môi trường văn hóa đồng bộ, lành mạnh, phù hợp với bối cảnh phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế. Bên cạnh đó,  xây dựng môi trường văn hóa phải gắn với không gian, điều kiện và chủ thể của mỗi địa phương, cộng đồng, cơ quan, đơn vị, đồng thời phát huy vai trò của gia đình, cộng đồng, xã hội trong việc xây dựng môi trường văn hóa”. 

    Triển khai Nghị quyết 33-NQ/TW, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch được Chính phủ giao làm đầu mối triển khai Chương trình Xây dựng môi trường văn hóa đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước thực hiện trong giai đoạn 2021 – 2026. Tại Chương trình này, định nghĩa về môi trường văn hóa cũng được xác định như sau: 

    “Môi trường văn hóa là không gian gắn với 3 nhóm yếu tố chính gồm: các yếu tố vật thể, các yếu tố phi vật thể, các hoạt động và sản phẩm văn hóa”.

    Trong khuôn khổ bài viết, nhóm tác giả lựa chọn sử dụng khái niệm “môi trường văn hóa” thuộc Chương trình Xây dựng môi trường văn hóa đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì làm cơ sở phân tích các vấn đề liên quan đến nội dung tham luận. Theo đó, môi trường văn hóa được cấu thành bởi 3 yếu tố chính đã được nêu, cụ thể như sau: 

    (1) Các yếu tố vật thể 

    Bao gồm các yếu tố liên quan đến cảnh quan, các công trình, các thiết chế văn hóa, trong đó:

    – Cảnh quan văn hóa được hiểu là không gian địa lý – văn hóa vừa mang yếu tố tự nhiên đặc trưng vừa mang yếu tố văn hóa, do con người sáng tạo ra trong suốt chiều dài lịch sử, có sự đan xen giữa truyền thống và hiện đại, giữa cái mới và cái cũ, giữa xưa và nay… để hình thành nên bản sắc riêng mang tính đặc trưng ở từng địa phương, từng vùng miền hay của quốc gia.

    – Các công trình văn hóa bao gồm di tích lịch sử – văn hóa (di tích lịch sử cách mạng, di tích khảo cổ); công trình tôn giáo, tín ngưỡng; kiến trúc (truyền thống và đương đại); các công trình phục vụ du lịch tại khu/điểm du lịch (khu vực đón tiếp, nhà trưng bày, trung tâm thông tin du lịch, các điểm giới thiệu sản phẩm địa phương,…); hệ thống biển báo, biển chỉ dẫn; cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch (bãi đỗ xe, nhà vệ sinh công cộng, đường,…).

    – Thiết chế văn hóa là thuật ngữ dùng để chỉ các cơ quan, đơn vị hoạt động văn hóa do Nhà nước hoặc cộng đồng xã hội lập ra trong khuôn khổ pháp luật hoặc quy chế của ngành, đoàn thể nhằm đáp ứng nhu cầu văn hóa tinh thần của công chúng, góp phần xây dựng đời sống văn hóa ở địa phương. Hệ thống thiết chế văn hóa bao gồm các công trình như: như Nhà văn hóa thôn bản; trung tâm văn hóa huyện, thị, tỉnh thành; hệ thống rạp chiếu phim, bảo tàng, thư viện,…

    (2) Các yếu tố phi vật thể 

    Bao gồm các yêu tố liên quan đến các giá trị, các quy tắc, phong tục, tập quán, lối sống, lễ hội, hành vi ứng xử… Mỗi dân tộc hình thành trên một khu vực sẽ mang đặc điểm văn hóa bao trùm của khu vực nhưng cùng với đó lại nảy sinh những nét đặc trưng văn hóa riêng biệt trong quá trình hình thành và phát triển, tạo nên bức tranh văn hóa đa dạng và sống động. Các giá trị văn hóa gắn liền với các tộc người như: phong tục tập quán, tín ngưỡng, lễ hội, lối sống, hành vi ứng xử, ẩm thực… được biểu hiện qua các nếp sống hàng ngày, trong các sinh hoạt văn hóa, sinh hoạt cộng đồng… chính là những yếu tố phi vật thể có giá trị, mang bản sắc riêng đầy tính nhân văn và độc đáo của cộng đồng mỗi địa phương hay của cả quốc gia. Bên cạnh đó, các văn bản hướng dẫn, các quy định, quy tắc văn minh trong ứng xử và kinh doanh được ban hành và áp dụng tại các địa phương cũng là một trong những yếu tố cấu thành nên môi trường văn hóa.

    (3) Các hoạt động và sản phẩm văn hóa 

    Bao gồm các yếu tố như: Lễ hội, các hoạt động văn hóa được tổ chức trong cộng đồng, các dịch vụ văn hóa được cung cấp để phục vụ đời sống cộng đồng. Việt Nam là đất nước có nguồn tài nguyên văn hóa dồi dào, đa dạng về loại hình và có giá trị cao trên nhiều phương diện, với 29 di sản văn hóa được UNESCO công nhận là di sản thế giới (05 di sản văn hóa, 15 di sản văn hóa phi vật thể, 9 di sản tư liệu), cùng với đó là số lượng lớn các di tích lịch sử, văn hóa, hệ thống các lễ hội, làng nghề truyền thống, ẩm thực, nghệ thuật và âm nhạc dân gian… Đây được xem là nguồn tài nguyên có giá trị để khai thác tạo ra các sản phẩm văn hóa độc đáo, hấp dẫn và khác biệt. Một số sản phẩm văn hóa tiêu biểu như: phim truyện (bộ phim “Chuyện của Pao” với bối cảnh núi non hùng vĩ, sông nước thơ mộng, con người nồng hậu, ấm áp tại Hà Giang đã góp phần quảng bá cho vùng đất địa đầu Tổ quốc này; bộ phim “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh” với hình ảnh thiên nhiên tươi đẹp, cảnh sắc độc đáo của Phú Yên đã tạo nên sức hấp dẫn kỳ lạ; bộ phim “A tourist’s guide to love” (Bí kíp tình yêu của một du khách) được chiếu trên Netflix vào tháng 5/2023 với những thước phim sống động, tái hiện vẻ đẹp của hàng loạt danh thắng tại Việt Nam như Hà Nội, TP.HCM, Hội An, Mỹ Sơn (Quảng Nam), Đà Nẵng và Hà Giang đã tạo được ấn tượng mạnh mẽ tại Việt Nam và nhiều quốc gia); các chương trình biểu diễn nghệ thuật đã tạo được sức hút đối với khán giả Việt Nam và nước ngoài như: Tinh hoa Bắc bộ, Ký ức Hội An, À Ố show,…; ngoài ra còn có các hoạt động và sản phẩm văn hóa khác nhằm đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa của cộng đồng.

    1. Khái quát chung về các khu du lịch quốc gia Việt Nam

    Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 201/QĐ-TTg ngày 22/1/2013 đã định hướng tổ chức không gian du lịch trên cơ sở phát triển 7 vùng du lịch, trong đó định hướng phát triển hệ thống các khu du lịch quốc gia (gồm 46 khu) thuộc 7 vùng. Đây là những nơi có tài nguyên du lịch hấp dẫn với ưu thế về tài nguyên du lịch tự nhiên, được quy hoạch, đầu tư phát triển nhằm đáp ứng nhu cầu đa dạng của khách du lịch, đem lại hiệu quả về kinh tế – xã hội và môi trường (căn cứ dựa trên tiêu chí khu du lịch quốc gia được quy định tại Luật Du lịch). Cụ thể các địa điểm tiềm năng phát triển thành Khu du lịch quốc gia được phân bố tại 7 vùng du lịch như sau:

    (1) Vùng trung du miền núi Bắc Bộ, gồm 12 khu du lịch: Khu du lịch Cao nguyên đá Đồng Văn, Khu du lịch thác Bản Giốc, Khu du lịch Mẫu Sơn, Khu du lịch Ba Bể, Khu du lịch Tân Trào, Khu du lịch Núi Cốc, Khu du lịch Sa Pa, Khu du lịch Thác Bà, Khu du lịch Đền Hùng, Khu du lịch Mộc Châu, Khu du lịch Điện Biên Phủ-Pá Khoang, Khu du lịch hồ Hòa Bình.

    (2) Vùng đồng bằng sông Hồng và duyên hải Đông Bắc, gồm 9 khu du lịch: Khu du lịch Hạ Long-Cát Bà, Khu du lịch Vân Đồn, Khu du lịch Trà Cổ, Khu du lịch Côn Sơn-Kiếp Bạc, Khu du lịch Ba Vì-Suối Hai, Khu du lịch Làng Văn hóa-Du lịch các dân tộc Việt Nam, Khu du lịch Tam Đảo, Khu du lịch Tràng An, Khu du lịch Tam Chúc.

    (3) Vùng Bắc Trung Bộ, gồm 4 khu: Khu du lịch Kim Liên, Khu du lịch Thiên Cầm, Khu du lịch Phong Nha – Kẻ Bàng, Khu du lịch Lăng Cô – Cảnh Dương.

    (4) Vùng duyên hải Nam Trung Bộ, gồm 9 khu du lịch: Khu du lịch Bà Nà, Khu du lịch Cù Lao Chàm, Khu du lịch Mỹ Khê, Khu du lịch Phương Mai, Khu du lịch Vịnh Xuân Đài, Khu du lịch Bắc Cam Ranh, Khu du lịch Ninh Chữ, Khu du lịch Mũi Né.

    (5) Vùng Tây Nguyên, gồm 4 khu du lịch: Khu du lịch Măng Đen, Khu du lịch Tuyền Lâm, Khu du lịch Đan Kia-Suối Vàng, Khu du lịch Yok Đôn.

    (6) Vùng Đông Nam Bộ, gồm 4 khu du lịch: Khu du lịch núi Bà Đen, Khu du lịch Cần Giờ, Khu du lịch Long Hải-Phước Hải, Khu du lịch Côn Đảo.

    (7) Vùng Tây Nam Bộ, gồm 4 khu du lịch: Khu du lịch Thới Sơn, Khu du lịch Phú Quốc, Khu du lịch Năm Căn, Khu du lịch Xứ sở hạnh phúc.

    Hiện nay, đã có 8/46 khu du lịch quốc gia được Thủ tướng chính phủ/Bộ trưởng Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch quyết định công nhận, bao gồm: Khu du lịch quốc gia Hồ Tuyền Lâm (Lâm Đồng), Khu du lịch quốc gia Sa Pa (Lào Cai), Khu du lịch quốc gia Núi Sam (An Giang), Khu du lịch quốc gia Trà Cổ (Quảng Ninh), Khu du lịch quốc gia Mũi Né (Bình Thuận), Khu du lịch quốc gia Đền Hùng (Phú Thọ), Khu du lịch quốc gia Tam Đảo (Vĩnh Phúc).

    1. Thực trạng các yếu tố cấu thành môi trường văn hóa tại các khu du lịch quốc gia

    2.1. Tác động của môi trường văn hóa đối với du lịch tại các khu du lịch quốc gia

    Môi trường văn hóa có những tác động nhất định đối với hoạt động du lịch tại các khu du lịch quốc gia. Xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, tiến tiến, đậm đà bản sắc dân tộc có thể tạo nên lợi thế so sánh, lợi thế cạnh tranh trong phát triển du lịch cho các khu du lịch quốc gia:

    – Môi trường văn hóa tác động tích cực đến việc tạo nên sức hấp dẫn cho các khu du lịch quốc gia, đóng vai trò quan trọng trong việc hình thành bản sắc và giá trị riêng có của mỗi điểm đến du lịch.

    – Các yếu tố của môi trường văn hóa, cả các yếu tố vật thể, phi vật thể, các hoạt động và sản phẩm văn hóa đều góp phần tạo nên những giá trị tài nguyên du lịch phong phú, đa dạng, làm cơ sở để khai thác, phát triển thành các sản phẩm, dịch vụ du lịch đặc trưng ở mỗi khu du lịch quốc gia.

    Việt Nam được đánh giá là quốc gia giàu tiềm năng cho phát triển du lịch, các địa điểm được lựa chọn, quy hoạch trở thành khu du lịch quốc gia hoặc đã được công nhận là khu du lịch quốc gia đều hội tụ những giá trị văn hóa đặc trưng, độc đáo, có thể mang tính đại diện cho một khu vực, một vùng, miền của cả nước. Ví dụ như: Khu du lịch quốc gia Sa Pa với cảnh quan núi Hàm Rồng, thác Bạc, thung lũng Mường Hoa, bản Cát Cát, bản Tả Phìn,… đã tạo nên một không gian văn hóa mang đậm phong cách núi rừng Tây Bắc. Khu du lịch Mũi Né với đặc trưng là cảnh quan các cồn cát tự nhiên tiêu biểu như thắng cảnh Bàu Trắng, bàu Sen, cảnh quan các khu du lịch ven biển, đô thị ven biển cùng các giá trị di tích, văn hóa của dân tộc Chăm,… tạo nên một không gian văn hóa đặc trưng của mảnh đất ven biển vùng duyên hải Nam Trung Bộ. Dựa trên các giá trị tài nguyên đó, nhiều sản phẩm du lịch đã được xây dựng và phát triển như: du lịch gắn với các hoạt động tham quan danh lam, thắng cảnh; du lịch cộng đồng gắn với tìm hiểu văn hóa, lối sống của đồng bào các dân tộc Việt Nam; du lịch gắn với các lễ hội, sự kiện văn hóa; du lịch gắn với ẩm thực; du lịch sinh thái; du lịch nghỉ dưỡng, thể thao biển,… Một số sản phẩm đã trở thành thương hiệu đặc trưng, tạo nên sự khác biệt cho hệ thống sản phẩm du lịch của Việt Nam, vừa là động lực vừa là mục tiêu cho sự phát triển ngành kinh tế mũi nhọn du lịch, đồng thời, từng bước làm thay đổi cơ cấu kinh tế của địa phương nơi có tài nguyên, mang tới cho cộng đồng và địa phương những lợi ích thiết thực và bền vững.

    – Môi trường văn hóa, đặc biệt là các quy tắc, lối sống, hành vi, văn hóa ứng xử của cộng đồng địa phương tại các khu du lịch quốc gia được quy định và xây dựng lành mạnh, văn minh, thân thiện, hiếu khách là một trong những yếu tố quan trọng để hấp dẫn, thu hút và giữ chân khách du lịch. 

    Việc giữ gìn môi trường cảnh quan sạch, đẹp tại điểm đến du lịch; các quy định về bảo tồn và phát huy giá trị cảnh quan, kiến trúc và di sản văn hóa; ý thức giữ gìn vệ sinh công cộng, sử dụng các nguyên vật liệu thân thiện với môi trường; thái độ lịch sự, cởi mở, thân thiện,… của cộng đồng địa phương (bao gồm cả chính quyền địa phương, người dân địa phương, những người tham gia cung cấp dịch vụ du lịch tại địa phương, các hướng dẫn viên du lịch địa phương…) khi có sự hiện diện của khách du lịch sẽ tạo tâm lý thoải mái và ấn tượng tốt đối với du khách trong thời gian trải nghiệm các hoạt động và dịch vụ du lịch, từ đó kích cầu chi tiêu của khách, mang lại nguồn thu cho khu du lịch nói riêng và địa phương nói chung.

    – Môi trường văn hóa lành mạnh, phát triển đồng bộ, hiện đại, tạo điều kiện thuận lợi cho du lịch phát triển. Nhìn chung, các khu du lịch quốc gia đều sở hữu hệ thống thiết chế văn hóa, cơ sở hạ tầng, các công trình phục vụ du lịch… có chất lượng cao, đảm bảo đáp ứng nhu cầu đa dạng của khách du lịch.

    Tuy nhiên, bên cạnh những tác động tích cực, môi trường văn hóa nếu không được giữ gìn, xây dựng, phát triển lành mạnh, văn minh, hiện đại cũng có thể tạo nên những tác động tiêu cực, ảnh hưởng xấu đến hoạt động du lịch tại các khu du lịch quốc gia:

    – Các giá trị văn hóa như phong tục tập quán, tín ngưỡng, lối sống được biểu hiện qua các nếp sống hàng ngày, trong các sinh hoạt văn hóa, sinh hoạt cộng đồng. Ở một số địa phương, vùng, miền vẫn tồn tại những phong tục cổ hủ, tập quán lạc hậu, mê tín dị đoan, văn hóa ứng xử với người lạ chưa thực sự thân thiện, hiếu khách… những yếu tố này tác động không tốt đối với hoạt động du lịch, có thể gây mất thiện cảm đối với khách du lịch về hình ảnh điểm đến.

    – Trong một số trường hợp nảy sinh sự khác biệt về văn hóa, lối sống giữa khách du lịch với cộng đồng địa phương, nếu khách không được hướng dẫn hoặc thông tin trước, các xung đột về văn hóa có thể xảy ra, điều này sẽ ảnh hưởng đến trải nghiệm và sự hài lòng của khách du lịch đối với điểm đến đó.

    – Văn hoá và du lịch có mối liên hệ chặt chẽ, tạo điều kiện cho nhau cùng phát triển. Tuy nhiên, trong quá trình phát triển du lịch, chính quyền và cộng đồng địa phương nếu không xây dựng được các chính sách và quy định chặt chẽ về quản lý văn hóa như: quy định liên quan đến việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa cho phát triển du lịch; quy định trong các hoạt động kinh doanh phục vụ khách du lịch; quy định về hành vi, trách nhiệm của cộng đồng địa phương và các bên liên quan trong việc xây dựng môi trường văn hóa; quy định về bảo vệ môi trường; quy định về an ninh, an toàn cho khách du lịch; quy định về phân bổ lợi ích hợp lý giữa các bên,… thì rất có thể môi trường văn hóa ở các điểm đến du lịch sẽ bị tác động bởi văn hóa ngoại lai, cạnh tranh và ganh đua giữa cộng đồng dân cư trong quá trình làm du lịch, sự thương mại hóa,… sẽ làm thay đổi giá trị cảnh quan và văn hóa của địa phương, ảnh hưởng đến hình ảnh du lịch. 

    2.2. Đánh giá thực trạng các yếu tố cấu thành môi trường văn hóa – nghiên cứu trường hợp điển hình tại Khu du lịch quốc gia Sa Pa, Lào Cai

    Khu du lịch quốc gia Sa Pa được công nhận vào năm 2017 (tại Quyết định số 1927/QĐ-TTg ngày 01/12/2017 của Thủ tướng chính phủ). Theo Quy hoạch chung xây dựng Khu du lịch Quốc gia Sa Pa – thị xã Sa Pa, tỉnh Lào Cai đến năm 2040 (đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 266/QĐ-TTg ngày 20/3/2023), phạm vi Khu du lịch quốc gia bao gồm toàn bộ ranh giới hành chính thị xã Sa Pa có diện tích 68.137 ha.

    Việc đánh giá được thực hiện dựa trên việc bám sát khái niệm “môi trường văn hóa” thuộc Chương trình Xây dựng môi trường văn hóa đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì và các nội dung đã phân tích tại phần 1.2 của tham luận này. 

    Thực trạng các yếu tố cấu thành và tác động của môi trường văn hóa tại Khu du lịch quốc gia Sa Pa được đánh giá ở cả phương diện tích cực và hạn chế:

    • Những mặt tích cực

    – Các yếu tố vật thể: cảnh quan, các công trình, các thiết chế văn hóa:

    Sa Pa được biết đến là viên ngọc quý của du lịch Tây Bắc, nơi đây được thiên nhiên ban tặng khí hậu mát mẻ, đa dạng về sắc thái cùng nhiều cảnh sắc thiên nhiên tươi đẹp như: cảnh quan núi Hàm Rồng, đỉnh Fansipan; thác Bạc; vẻ đẹp độc đáo của danh thắng ruộng bậc thang thung lũng Mường Hoa; không gian bản làng yên bình với kiến trúc nhà truyền thống của đồng bào các dân tộc bản địa tại bản Tả Phìn, Tả Van; mùa hoa đào, hoa mận, hoa ban (tháng 1 – 3), mùa hoa dã quỳ, hoa cải trắng (tháng 10 – 12) nở rộ tạo nên khung cảnh thiên nhiên màu sắc;… Cùng với đó là các công trình văn hóa tiêu biểu như: di tích lịch sử bãi đá cổ Sa Pa, di tích lịch sử văn hóa đền Mẫu Sơn, nhà thờ đá Sa Pa, dinh thự Hoàng A Tưởng,…

    Sa Pa sở hữu hệ thống thiết chế văn hóa, cơ sở hạ tầng và các công trình phục vụ du lịch khá phong phú, đang dần được đồng bộ, đáp ứng đa dạng nhu cầu của khách du lịch, bao gồm: cơ sở lưu trú đa dạng về loại hình từ homestay cho đến các khu nghỉ dưỡng có chất lượng 5 sao; Quần thể công trình Sun World Fansipan Legend (bao gồm công trình du lịch văn hóa, dịch vụ cáp treo, vui chơi giải trí và khách sạn nghỉ dưỡng), bảo tàng Sa Pa,…

    – Các yếu tố phi vật thể liên quan đến các giá trị, quy tắc, các phong tục tập quán, lối sống, lễ hội, hành vi ứng xử,…

    Sự đa dạng của không gian văn hóa của các làng bản, những nếp nhà sàn bình yên ẩn hiện trong sương mờ; những trang phục, điệu múa đặc sắc (múa xòe của người Tày, múa chuông của người Dao, múa sênh tiền của người Mông, múa quạt của người Giáy,…); tiếng sáo, khèn, đàn môi réo rắt; các lễ hội (lễ hội Roóng pooc của người Giáy, lễ Pút tồng của người Dao đỏ,…); những phiên chợ tình và những ngành nghề thủ công truyền thống (nghề chạm khắc bạc của người Mông, nghề làm trống của người Dao đỏ,…); tri thức dân gian (nghệ thuật trang trí trang phục của người Dao Sa Pa, nghệ thuật làm trang phục của người Mông đen,…); hệ thống ruộng bậc thang được hình thành trong quá trình lao động sản xuất của đồng bào dân tộc thiểu số (Mông, Dao, Tày, Giáy, Xá Phó) trải dài khắp các bản làng Tả Van, Tả Phìn, Lao Chải… đã tạo nên môi trường văn hóa độc đáo và đầy sắc màu.

    Thời gian qua, UBND tỉnh Lào Cai và UBND thị xã Sa Pa đã ban hành các văn bản triển khai hoạt động du lịch, đảm bảo vệ sinh môi trường, an ninh an toàn, áp dụng quy tắc văn minh ứng xử, bao gồm: Quyết định số 39/2023/QĐ-UBND ngày 01/12/2023 của UNBD tỉnh Lào Cai về việc ban hành quy định một số nội dung về quản lý hoạt động du lịch, khu du lịch, điểm du lịch trên địa bàn tỉnh Lào Cai; Quyết định số 2689/QĐ-UBND ngày 12/9/2022 của UNBD thị xã Sa Pa về việc Ban hành Quy chế quản lý, bảo tồn và khai thác Di tích danh thắng Cấp quốc gia Ruộng bậc thang Sa Pa trên địa bàn thị xã Sa Pa tỉnh Lào Cai; xây dựng hoàn thiện Bộ thông điệp ứng xử văn minh trong du lịch của tỉnh Lào Cai,… hướng tới mục tiêu xây dựng môi trường văn hóa, môi trường du lịch văn minh, an ninh, an toàn, thân thiện và bền vững.

    – Các hoạt động và sản phẩm văn hóa như các lễ hội, các hoạt động văn hóa, các dịch vụ văn hóa tại khu du lịch Sa Pa được tổ chức thường xuyên với nhiều hoạt động đặc sắc, hấp dẫn, tiêu biểu như: Xây dựng Không gian văn hóa Tây Bắc tại khu Sun World Fansipan Legend; tổ chức Lễ hội thường niên hàng năm với 5 chủ đề chính: Xuân – Hạ – Thu – Đông và mùa Tình yêu; duy trì các lễ hội truyền thống (lễ hội hát Giao duyên tại Tả Phìn gắn với văn hóa dân tộc Dao, lễ hội xòe tại khu vực Bản Hồ và Mường Bo gắn với văn hóa dân tộc Tày; lễ hội xuống đồng tại Tả Van gắn với văn hóa dân tộc Giáy; lễ hội Gầu Tào tại xã Hoàng Liên gắn với văn hóa dân tộc Mông; lễ hội Cấp Sắc tại xã Ngũ Chỉ Sơn gắn với văn hóa dân tộc Dao; lễ Quét làng tại xã Liên Minh gắn với văn hóa dân tộc Xa Phó); chuỗi chương trình thuộc Lễ kỷ niệm 120 năm du lịch Sa Pa như: show diễn thực cảnh “Điểm hẹn”, “Vũ điệu dưới trăng”; Tuần lễ hàng nông sản an toàn và sản phẩm OCOP Lào Cai, Liên hoan ẩm thực quốc tế, Lễ hội mùa thu Sa Pa – Ngày hội mùa vàng… Đây là những hoạt động văn hóa đa dạng, đặc sắc, không chỉ có ý nghĩa đối với đời sống văn hóa của cộng đồng dân cư địa phương mà còn mang lại những trải nghiệm thú vị, thu hút khách du lịch. 

    Nhìn chung, môi trường văn hóa ở Khu du lịch quốc gia Sapa đang được xây dựng, vận dụng, phát huy có hiệu quả phục vụ du lịch. Các yếu tố cấu thành môi trường văn hóa, cả các giá trị vật thể, phi vật thể, các hoạt động văn hóa đều được khai thác, phát triển thành các sản phẩm, dịch vụ phục vụ khách du lịch, trong đó có nhiều sản phẩm, dịch vụ độc đáo, đặc trưng, mang bản sắc riêng có, tạo điểm nhấn quan trọng cho Khu du lịch quốc gia Sapa.

    • Những mặt hạn chế

    – Các yếu tố vật thể: cảnh quan, các công trình, các thiết chế văn hóa.

    Một trong những vấn đề “nóng” trong quá trình phát triển của khu du lịch quốc gia Sa Pa đó là sự tăng trưởng nhanh về lượng khách du lịch trong thời gian qua, đặc biệt là từ khi đường cao tốc Hà Nội – Lào Cai hoàn thành vào năm 2014. Điều này vô hình chung đã tạo áp lực lên cơ sở hạ tầng của Sa Pa: hạ tầng giao thông, điện, nước, vệ sinh môi trường, không gian công cộng chưa đủ để đáp ứng, đặc biệt là tình trạng “quá tải” vào các dịp nghỉ lễ.

    Bên cạnh đó, nhiều dự án lớn đang được triển khai đã tạo ra những cơ hội, bước đột phá mới cho du lịch Sa Pa song cũng mang lại những thác thức lớn. Sự phát triển nhanh chóng và dày đặc của các dự án, công trình xây dựng, trong đó nhiều công trình xây dựng sai phạm, thiếu kiểm soát đã làm ảnh hưởng đến cân bằng sinh thái, làm biến đổi cảnh quan môi trường của Sa Pa. Nơi đây đang dần “bê tông hóa” và hiện đại hóa nhanh chóng giống như nhiều đô thị khác, không gian và bản sắc riêng của vùng đất này đang dần bị mất đi. 

    – Các yếu tố phi vật thể liên quan đến các giá trị, quy tắc, các phong tục tập quán, lối sống, lễ hội, hành vi ứng xử,…

    Sức hấp dẫn của du lịch Sa Pa là sự kết hợp giữa cảnh đẹp tự nhiên, khí hậu trong lành, sắc màu văn hóa của cộng đồng các dân tộc bản địa. Tuy nhiên, quá trình đô thị hóa nhanh, việc tiếp xúc với khách du lịch từ nhiều nơi cũng làm cho bản sắc văn hóa truyền thống của con người Sa Pa đang dần bị mai một. Sự bùng nổ của các hoạt động du lịch, trong khi nhận thức của người dân còn nhiều hạn chế, đã làm cho lối sống, sinh hoạt của người dân địa phương có nhiều thay đổi, nguy cơ nảy sinh các tệ nạn xã hội, điển hình: tình trạng chèo kéo, đeo bám, bán hàng rong, ăn xin, lợi dụng trẻ em để trục lợi – đây là một trong những vấn nạn tồn tại ở Sa Pa từ rất lâu nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết một cách triệt để. Người dân làm du lịch nhưng đa phần vẫn còn mang tính tự phát, chủ yếu chiều theo nhu cầu của khách du lịch mà chưa nghĩ đến việc cần phải giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa, nhiều hộ kinh doanh sẵn sàng cho khách du lịch thuê các trang phục của Trung Quốc để chụp ảnh, check-in tại Sa Pa, việc này đã làm sai lệch và ảnh hưởng đến hình ảnh của Sa Pa.

    1. Một số định hướng, giải pháp xây dựng môi trường văn hóa tại các khu du lịch quốc gia ở Việt Nam 

    Để xây dựng, hoàn thiện môi trường văn hóa góp phần thúc đẩy phát triển bền vững du lịch tại các khu du lịch quốc gia, một số định hướng, giải pháp được đề xuất như sau:

    1. a) Tuân thủ và thực hiện nghiêm túc chủ trương, chính sách của nhà nước về xây dựng môi trường văn hóa. Đồng thời, các khu du lịch cần căn cứ vào điều kiện cụ thể để xây dựng những quy định về việc bảo vệ môi trường văn hóa gắn với hoạt động phát triển du lịch, xây dựng và phổ biến quy tắc ứng xử văn minh trong du lịch. Các quy định và quy tắc này cần được xây dựng chi tiết, dễ hiểu, mang tính định hướng về chuẩn mực, hành vi ứng xử của cộng đồng địa phương trong sinh hoạt hàng ngày cũng như trong hoạt động du lịch tại các khu du lịch quốc gia.
    2. b) Đối với công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch tại các khu du lịch quốc gia cần phải được thực hiện một cách tổng thể, đồng bộ, có sự giám sát chặt chẽ của các cấp chính quyền, bám sát Quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, đảm bảo giữ gìn và phát huy giá trị tài nguyên, cảnh quan và văn hóa, hướng tới phát triển bền vững, hài hòa tại các khu du lịch quốc gia.
    3. c) Tăng cường phối hợp trong công tác quản lý liên cấp, liên ngành đảm bảo xây dựng môi trường văn hóa ổn định, lành mạnh dựa trên khai thác, phát huy các giá trị văn hóa đặc sắc, độc đáo; từng bước xóa bỏ những phong tục cổ hủ, tập quán lạc hậu, mê tín dị đoan và nếp sống thiếu lành mạnh. Thành lập và vận hành có hiệu quả Ban quản lý tại các khu du lịch quốc gia, đây là đơn vị trực tiếp quản lý, kiểm tra và giám sát việc chấp hành các quy định của pháp luật của các cơ sở kinh doanh du lịch, các tổ chức cá nhân liên quan; giám sát chất lượng dịch vụ du lịch trong phạm vi khu du lịch quốc gia.
    4. d) Tăng cường công tác bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa trong các khu du lịch quốc gia, như các di tích lịch sử, văn hóa, nghệ thuật, các hoạt động văn hóa của cộng đồng, các nghề thủ công truyền thống, các lễ hội, trang phục, ẩm thực truyền thống. Quan tâm, chú trọng công tác phục dựng, trùng tu, tu bổ các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể đã bị xuống cấp, mai một, đặc biệt là những giá trị văn hóa độc đáo, có ý nghĩa cấp tỉnh, cấp vùng và cấp quốc gia.
    5. e) Tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục và nâng cao ý thức bảo vệ môi trường văn hóa cho người dân địa phương và du khách, thông qua các phương tiện truyền thông đại chúng, các kênh thông tin trên môi trường internet. Đồng thời, tổ chức các lớp tập huấn, đào tạo, nâng cao nhận thức về môi trường văn hóa trong hoạt động du lịch từ cấp quản lý, đến doanh nghiệp và cộng đồng địa phương. Có cơ chế khuyến khích và khen thưởng những hành động góp phần bảo vệ môi trường văn hóa, và xử lý nghiêm những hành vi vi phạm.
    6. g) Xây dựng các sản phẩm du lịch văn hóa hấp dẫn, đa dạng và phù hợp với nhu cầu và sở thích của du khách, đồng thời tôn trọng và bảo vệ các giá trị văn hóa của địa phương. Điều này đòi hỏi sự sáng tạo và đổi mới của cơ quan quản lý, các doanh nghiệp du lịch, cũng như sự tham gia tích cực từ phía cộng đồng địa phương trong khu du lịch.
    7. h) Tạo ra các cơ hội và môi trường giao lưu, học hỏi, trao đổi văn hóa giữa người dân địa phương và du khách, thông qua xây dựng các sản phẩm văn hóa: các lễ hội, các chương trình văn nghệ, thể thao, hội chợ, triển lãm,…. góp phần tăng cường mối quan hệ, gia tăng sự hiểu biết và trân trọng văn hóa địa phương của khách du lịch đối với cộng đồng địa phương trong khu du lịch./.



    Bài cùng chuyên mục