Các nguyên tắc cơ bản về phát triển du lịch có trách nhiệm
Mở đầu:
Du lịch có trách nhiệm đang trở thành một xu hướng ngày càng mạnh mẽ hơn trên thế giới. Đặc biệt trong bối cảnh hiện nay, sau ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, vấn đề bảo vệ môi trường, thiên nhiên ngày càng được chú trọng và quan tâm hơn. Du lịch có trách nhiệm được nhắc đến nhiều hơn trên các diễn đàn về du lịch trên thế giới nói chung và ở Việt Nam nói riêng. Bài viết nghiên cứu các nguyên tắc cơ bản về phát triển du lịch có trách nhiệm, thêm lần nữa góp phần làm khẳng định vai trò và tầm quan trọng của du lịch có trách nhiệm. Đồng thời, từ đó có những đề xuất kiến nghị đối với phát triển du lịch có trách nhiệm ở Việt Nam.
Từ khóa: “Du lịch có trách nhiệm”, “Du lịch bền vững”, “Bảo vệ môi trường trong du lịch”, “Tăng trưởng kinh tế du lịch”, “Tôn trọng văn hóa địa phương”.
- Khái niệm về Du lịch có trách nhiệm
Khái niệm du lịch có trách nhiệm được xây dựng trên cơ sở định nghĩa về phát triển bền vững của Ủy ban Thế giới về môi trường và phát triển năm 1987 và đã được đề cập chính thức trong Tuyên bố Cape Town tại Hội thảo toàn cầu của Liên Hợp quốc về Phát triển bền vững tại Johannesburg vào năm 2002. Theo Tuyên bố này, du lịch có trách nhiệm đem lại các lợi ích chính như:
o Giảm thiểu tác động tiêu cực về kinh tế, môi trường và xã hội;
o Tạo ra nhiều lợi ích kinh tế hơn cho người dân địa phương và nâng cao đời sống của cộng đồng địa phương, cải thiện điều kiện làm việc và tiếp cận ngành du lịch;
o Người dân địa phương được quyền tham gia vào những quyết định ảnh hưởng đến cuộc sống và cơ hội;
o Đóng góp tích cực vào bảo tồn di sản tự nhiên và văn hóa nhằm duy trì sự da dạng của thế giới;
o Tạo ra những trải nghiệm thú vị hơn cho du khách thông qua những mối quan hệ ý nghĩa hơn với người dân địa phương, am hiểu hơn về những vấn đề văn hóa, xã hội và môi trường của điểm đến;
o Người khuyết tật được tiếp cận;
o Nhạy cảm về văn hóa, tạo ra sự tôn trọng giữa du khách và chủ nhà, xây dựng niềm tin và sự tự hào cho người dân địa phương.
Du lịch có trách nhiệm đưa ra một lộ trình cho tất cả các bên liên quan trong ngành du lịch để giảm thiểu các tác động tiêu cực của du lịch và tăng cường các tác động tích cực của nó. Theo Tuyên bố Cape Town tại Hội thảo toàn cầu của Liên Hợp quốc về Phát triển bền vững tại Johannesburg vào năm 2002, Du lịch có trách nhiệm là một cách tiếp cận để quản lý và làm du lịch chứ không phải điểm đến; với kết quả của Du lịch có trách nhiệm là nơi tốt hơn cho mọi người để sống, và cho mọi người đến thăm, và biện pháp của thành công là thu nhập cao hơn, công việc hài lòng hơn, và cơ sở vật chất xã hội, văn hóa, tự nhiên được cải thiện.
Đối với một số nghiên cứu về sau này, một số nghiên cứu cho rằng du lịch có trách nhiệm được coi là một hình thức du lịch thay thế cho du lịch đại chúng, phù hợp, có ý thức, nhẹ nhàng và xanh, và điều đó không có bất kỳ tác động tiêu cực nào đối với môi trường chủ nhà (Caruana, 2014). Du lịch có trách nhiệm có thể được coi là một giải pháp thay thế tích cực cho du lịch đại chúng và có khả năng thay thế nó (Chan, 2015)……. Như vậy, có thể thấy rằng việc áp dụng du lịch có trách nhiệm có lợi cho sự phát triển bền vững và có kiểm soát của một vùng lãnh thổ. Tất cả các bên liên quan đều quan tâm, việc thực hành tại các điểm đến rất quan trọng đối với việc quản lý và phát triển du lịch bền vững, có khả năng quản lý hợp lý các nguồn tài nguyên trong lãnh thổ và góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của cộng đồng địa phương. Du lịch có trách nhiệm tối đa hóa lợi ích cho cộng đồng địa phương và giảm thiểu tác động tiêu cực đến xã hội và môi trường, giúp mọi người bảo tồn văn hóa và môi trường sống của họ.
Đến nay, khái niệm về Du lịch có trách nhiệm vẫn chưa được thống nhất, bài nghiên cứu sử dụng khái niệm du lịch có trách nhiệm là tất cả các hình thức du lịch tôn trọng môi trường tự nhiên, nhân tạo và môi trường văn hóa của điểm đến, cũng như đảm bảo lợi ích của tất cả các bên có liên quan.
Một số loại hình có liên quan đến du lịch có trách nhiệm như Du lịch bền vững, du lịch sinh thái, du lịch văn hóa, du lịch cộng đồng.
- Các nguyên tắc cơ bản về phát triển du lịch có trách nhiệm
2.1. Theo Bộ công cụ du lịch có trách nhiệm tại Việt Nam Chương trình Phát triển Năng lực Du lịch có trách nhiệm với Môi trường và Xã hội do Liên minh Châu Âu tài trợ, các nguyên tắc cơ bản về phát triển du lịch có trách nhiệm bao gồm 3 nguyên tắc sau:
2.1.1. Trách nhiệm về kinh tế:
– Khi phát triển các dự án du lịch, cần phải đánh giá tác động kinh tế, xác định rõ ưu tiên loại hình nào phát triển phù hợp, sẽ mang lại lợi ích cho cộng đồng dân cư địa phương và giảm thiểu tác động tiêu cực tới đời sống của họ, ví dụ: phát triển dự án du lịch có dẫn tới hậu quả làm tổn hại và cạn kiệt các nguồn lực tài nguyên? Đồng thời, cũng cần phải xác định rõ phát triển du lịch có phải là ngành kinh tế mũi nhọn của địa phương hay không?
– Tăng cường liên kết nhằm khuyến khích sự tham gia mạnh mẽ hơn của các cộng đồng dân cư vào hoạt động du lịch; giảm thiểu sự thiệt hại trong quá trình khai thác và sử dụng các nguồn lực; phát triển du lịch gắn chặt với mục tiêu vì người nghèo và hỗ trợ xóa đói, giảm nghèo.
– Chất lượng sản phẩm du lịch của các điểm đến cần phải nêu bật được nét hấp dẫn đặc thù và chú trọng tới giá trị gia tăng.
– Xúc tiến quảng bá du lịch phải đảm bảo tôn trọng tính nguyên vẹn về văn hóa, kinh tế tự nhiên và xã hội; khuyến khích phát triển các loại hình du lịch phù hợp với hoàn cảnh thực tế.
– Hỗ trợ đáng kể cho các doanh nghiệp nhỏ, vừa và cực nhỏ hoạt động trong các lĩnh vực liên quan tới du lịch phát triển theo hướng bền vững.
2.1.2. Trách nhiệm về xã hội:
– Tích cực thu hút cộng đồng dân cư địa phương tham gia vào quá trình hoạch định chính sách và gia quyết định, nâng cao năng lực để họ hiện thực hóa các sáng kiến đề ra.
– Đánh giá tác động xã hội thông qua các bước hoạt động của dự án, ngay từ khâu lập kế hoạch, thiết kế dự án nhằm giảm thiểu các tác động xã hội và tối đa hóa yếu tố tích cực.
– Biến du lịch thành nhu cầu trải nghiệm chung của toàn xã hội, nhằm đảm bảo quyền lợi cho tất cả mọi người, đặc biệt là những nhóm người và cá nhân dễ bị tổn thương và thiệt thòi.
– Ngăn chặn lạm dụng tình dục trong du lịch, đặc biệt đối với trẻ em.
– Tôn trọng văn hóa bản địa, bảo tồn và phát huy tính đa dạng về văn hóa và xã hội.
– Đảm bảo du lịch đóng góp đáng kể vào cải thiện y tế và giáo dục
2.1.3. Trách nhiệm về môi trường:
– Cần đánh giá tác động môi trường trong quá trình hoạch định và thiết kế dự án du lịch.
– Sử dụng tài nguyên hợp lí và bền vững, giảm chất thải và tiêu thụ quá mức tài nguyên và năng lượng.
– Quản lý đa dạng tài nguyên tự nhiên, sinh thái theo hướng bền vững; phục hồi những khu vực tài nguyên bị xâm hại và xác định rõ các loại hình du lịch gắn với môi trường để có hướng bảo vệ, bảo tồn nguyên vẹn các hệ sinh thái dễ bị phá hủy và các khu phòng hộ.
Tăng cường đào tạo, nâng cao nhận thức cho mọi chủ thể về phát triển bền vững.
– Nâng cao năng lực về du lịch cho mọi chủ thể và cần phải tuân thủ những mô hình phát triển du lịch lành mạnh và hiệu quả nhất. Để đạt được mục tiêu trên, cần phải thường xuyên tham vấn các chuyên gia môi trường và bảo tồn.
2.2. Một số tiếp cận khác về nguyên tắc phát triển du lịch có trách nhiệm (mở rộng)
2.2.1. 10 nguyên tắc cho phát triển du lịch văn hóa có trách nhiệm tại Croatia:
– Sự tôn trọng lẫn nhau của tất cả các bên liên quan trong du lịch và văn hóa, tập hợp lại với nhau để tạo ra các sản phẩm du lịch hấp dẫn có trách nhiệm tại các điểm đến được kỳ vọng. Liên kết quy hoạch các hoạt động du lịch gắn với bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa nhằm tác động tích cực đến cộng đồng và du khách. Thu nhập tài chính từ du lịch bắt nguồn từ việc tham quan các địa điểm văn hóa và di tích nên được cung cấp phù hợp với dịch vụ được cung cấp và ít nhất được sử dụng một phần cho việc duy trì, bảo vệ, phát triển và duy trì di sản.
– Cần cung cấp sự sẵn có của các địa điểm di sản cho du khách, bao gồm cả trình độ diễn giải và thực tế, với giờ làm việc phù hợp, phù hợp với thỏa thuận quy định, cung cấp phương tiện vận chuyển có tổ chức. Việc vận hành các hoạt động du lịch phải bảo vệ tối đa các di sản vật thể và phi vật thể, trong đó có lối sống, phong tục tập quán của cộng đồng địa phương:
– Cần giới thiệu nếp sống văn hóa của người dân cho du khách
– Du lịch không nên thay đổi lối sống của cộng đồng địa phương nếu cộng đồng không muốn.
– Việc thực hiện các quy tắc ứng xử có trách nhiệm đối với điểm đến cần đảm bảo thúc đẩy thái độ và hành động du lịch có trách nhiệm.
– Cần tôn trọng bản sắc, giá trị và sự đa dạng của văn hóa và di sản địa phương.
– Cung cấp thông tin khách quan, đầy đủ về văn hóa, di sản, môi trường, phong tục tập quán, quy tắc xã hội.
– Cung cấp cách giải thích đáng tin cậy về di sản kích thích sự hiểu biết và tính tương tác (hướng dẫn, triển lãm, …)
– Cung cấp việc sử dụng có kiểm soát các địa điểm có ý nghĩa đặc biệt trong đời sống của cộng đồng (nhà thờ, nghĩa trang, thánh địa …)
– Du lịch có thể khuyến khích khôi phục các phong tục và nghề thủ công đã bị lãng quên.
– Cần tôn trọng các địa điểm khảo cổ, lịch sử và khoa học.
– Giảm tiêu thụ, ô nhiễm và ô nhiễm thị giác, giảm thiệt hại cho môi trường, cải thiện trải nghiệm du lịch. Cộng đồng địa phương nên được hưởng lợi từ di sản và du lịch – cần được tham gia vào các hoạt động lập kế hoạch du lịch và du lịch. Thái độ có trách nhiệm đối với nhân viên và nhân viên được đào tạo là chìa khóa của du lịch có trách nhiệm.
2.2.2. 10 nguyên tắc của Du lịch trách nhiệm
+ Bảo tồn và khôi phục các tòa nhà, khu dân cư và cảnh quan lịch sử. Một thành phố không có quá khứ giống như một người không có ký ức. Nhà văn chuyên viết về du lịch Arthur Frommer đã nói như sau: “Trong số những thành phố không có sức hấp dẫn đặc biệt về giải trí, những thành phố còn lưu giữ được quá khứ vẫn tiếp tục tận hưởng du lịch. Những người chưa nhận được hầu như không có du lịch. Du lịch đơn giản là sẽ không đến một thành phố hay thị trấn đã đánh mất linh hồn của nó.”
+ Tập trung vào hàng thật. Du lịch có trách nhiệm nhấn mạnh vào thực tế hơn là nhân tạo. Nó nhận ra rằng câu chuyện có thật về một địa điểm đáng được kể, ngay cả khi nó gây đau đớn hoặc đáng lo ngại.
+ Đảm bảo các cơ sở hỗ trợ du lịch tương thích với môi trường xung quanh. Khách du lịch cần những nơi để ăn và ngủ và đánh giá cao mức độ đáng tin cậy của dịch vụ và chỗ ở. Ngày nay, việc tái sử dụng và tái chế các tòa nhà cũ đang trở nên phổ biến hơn nhiều trong ngành khách sạn. Các chuỗi khách sạn đang tái sử dụng nhiều tòa nhà hiện có như nhà kho, bệnh viện và tòa nhà văn phòng.
+ Diễn giải tài nguyên. Giáo dục và giải thích là một chìa khóa khác để du lịch bền vững. Khách truy cập muốn có thông tin về những gì họ đang xem và diễn giải có thể là một công cụ kể chuyện mạnh mẽ, làm sống động cho tài nguyên du lịch.
+ Bảo vệ hình ảnh cộng đồng. Ấn tượng đầu tiên quan trọng. Cũng giống như lần đầu tiên gặp gỡ một người, ấn tượng tốt ban đầu rất quan trọng và ấn tượng xấu khó thay đổi.
+ Kiểm soát biển báo, biển quảng cáo:Bảo vệ khung cảnh và cảnh đẹp, trồng cây xanh trên đường phố và tạo cảnh quan cho các bãi đậu xe đều có ý nghĩa kinh tế, nhưng kiểm soát các biển báo ngoài trời có lẽ là bước quan trọng nhất mà một cộng đồng định hướng du lịch có thể thực hiện để cải thiện môi trường tự nhiên ngay lập tức và có thể nhìn thấy được.
+ Tăng cường cuộc hành trình cũng như điểm đến.
+ Đưa khách du lịch ra khỏi xe của họ. Nếu bạn thiết kế một cộng đồng hoặc sự phát triển xung quanh ô tô, bạn sẽ nhận được nhiều ô tô hơn. Nhưng nếu bạn thiết kế một cộng đồng hoặc sự phát triển xung quanh mọi người, bạn sẽ có nhiều người đi bộ hơn.
+ Liên kết các trang web. Mặc dù rất ít cộng đồng nông thôn hoặc thị trấn nhỏ có thể tự mình thu hút du khách nước ngoài hoặc du khách quốc tế, được liên kết với các cộng đồng khác, nhưng chúng có thể trở thành một điểm thu hút chặt chẽ và mạnh mẽ.
+ Nhận ra rằng du lịch có giới hạn và phải được quản lý: Cộng đồng hiểu biết luôn hỏi có bao nhiêu khách du lịch là quá nhiều. Phát triển du lịch vượt quá khả năng chịu đựng của một hệ sinh thái hoặc không tôn trọng ý thức về địa điểm của cộng đồng sẽ dẫn đến sự phẫn nộ của cư dân địa phương và cuối cùng là sự phá hủy chính những đặc điểm đã thu hút khách du lịch ngay từ đầu.
Kết luận và khuyến nghị
+ Kết luận:
Theo Tổ chức Du lịch thế giới (UNWTO), trong xu thế phát triển hiện nay, nhất là sau ảnh hưởng của dịch Covid-19, du khách ngày càng quan tâm và dành sự lựa chọn cho những điểm đến an toàn, thân thiện và môi trường trong lành. Do đó, bảo vệ môi trường, thiên nhiên là vấn đề quan trọng và có ý nghĩa lớn đối với hoạt động du lịch, hướng tới sự phát triển bền vững. Thông tư 08 của Bộ chính trị xác định phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn. Trong Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020 tầm nhìn 2030, du lịch được định hướng để trở thành ngành kinh tế mũi nhọn và Việt Nam trở thành quốc gia có ngành Du lịch phát triển. Như vậy, du lịch có trách nhiệm ngày càng khẳng định vai trò quan trọng và đóng vai trò nòng cốt để du lịch phát triển theo hướng bền vững.
Du lịch có trách nhiệm không chỉ là việc đạt được tính bền vững, nó còn đòi hỏi tất cả chúng ta, từ khách du lịch các nhà quản lý và nhân viên trong nhà hàng, khách sạn, đến các cơ quan quản lý du lịch trung ương, địa phương, cần có nhận thức đúng đắn về vai trò và tầm quan trọng của du lịch có trách nhiệm; tham gia tích cực hơn trong việc tạo ra các thay đổi tích cực qua việc ra quyết định và thực hiện chúng để tối đa hóa lợi ích kinh tế, xã hội và môi trường và giảm thiểu tác động tiêu cực liên quan.
Chìa khóa cho sự thành công của Du lịch có trách nhiệm trước hết, là trách nhiệm của tất cả các bên liên quan. Mỗi một quyết định mà chúng ta thực hiện hàng ngày có thể có tác động đến con người và môi trường xung quanh. Để thực hiện du lịch có trách nhiệm yêu cầu chúng ta phải được dẫn dắt bởi chính lương tâm, đạo đức và pháp luật trong xã hội chúng ta, để đưa ra các quyết định khi cả nhà cung cấp lẫn người tiêu dùng du lịch sẽ có lợi ích ròng tích cực nhất đối với con người và môi trường xung quanh.
Đại dịch Covid gây nhiều thiệt hại lớn cho ngành du lịch nhưng cũng là một cơ hội để du lịch các nước trên thế giới và du lịch Việt Nam nói riêng nhìn nhận lại sự phát triển của ngành du lịch nước mình, những mặt tích cực và những mặt còn tồn tại…. , từ đó đưa ra những định hướng đúng đắn cho sự phát triển của mỗi nước để đưa du lịch của nước mình phát triển bền vững. Và còn đường duy nhất, đó chính là thực hiện tốt những nguyên tắc mà du lịch có trách nhiệm đã đề ra để tạo được ba mục tiêu cốt lõi của du lịch có trách nhiệm – nguyên tắc của du lịch bền vững: đảm bảo sự cân bằng giữa kinh tế, xã hội và môi trường.
+ Một số khuyến nghị đối với phát triển du lịch có trách nhiệm ở Việt Nam:
Du lịch Việt Nam hiện đang đứng trước nhiều khó khăn, thách thức, đặc biệt về việc quản lý, tổ chức hoạt động du lịch. Trước bối cảnh mới và xu hướng phát triển du lịch toàn cầu, ngành du lịch Việt Nam nhận thức rõ phát triển bền vững chính là xu thế tất yếu của thời đại. Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 đã đề ra các giải pháp hướng đến việc thực hiện du lịch có trách nhiệm để đạt đến sự phát triển bền vững. Để hiện thực hóa mục tiêu này đòi hỏi phải có sự phối hợp chặt chẽ giữa các ngành, các cấp liên quan. Phát triển du lịch có trách nhiệm sẽ tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển toàn diện của ngành du lịch Việt Nam trong tương lai.
Đối với cơ quan quản lý du lịch tại địa phương: Xây dựng chính sách, chiến lược, quan điểm phát triển rõ ràng; phổ biến, tập huấn, phát tài liệu hướng dẫn, hỗ trợ các doanh nghiệp và cộng đồng địa phương thực hiện theo các nguyên tắc có trách nhiệm; tổ chức các hội thảo, lớp đào tạo để nâng cao nhận thức và trao đổi kinh nghiệm thực tiễn trong quá trình thực hành; tuyên truyền, khuyến khích, tôn vinh các điển hình thực hiện du lịch có trách nhiệm…
Đối với doanh nghiệp du lịch:
– Đối với doanh nghiệp lữ hành: Tập trung xây dựng chính sách, chiến lược doanh nghiệp phù hợp với nguyên tắc có trách nhiệm; thu hút và đào tạo nguồn nhân lực; có chế độ khen thưởng đối với cán bộ nhân viên thực hiện các sáng kiến có trách nhiệm; thực hiện các nguyên tắc phát triển du lịch có trách nhiệm; xây dựng các sản phẩm du lịch có trách nhiệm; hướng dẫn du khách thực hiện du lịch có trách nhiệm; khuyến khích các hoạt động du lịch tình nguyện và các hoạt động mang tính trách nhiệm cao; xây dựng quỹ bảo vệ môi trường, quỹ phát triển cộng đồng…
– Đối với khách sạn và cơ sở lưu trú du lịch: Xây dựng chính sách, chiến lược doanh nghiệp; thu hút và đào tạo nhân lực; chế độ thưởng phạt hợp lý; hướng dẫn khách du lịch thực hiện du lịch có trách nhiệm; thực hiện các nguyên tắc phát triển du lịch có trách nhiệm, đặc biệt trong sử dụng nguồn năng lượng, nguồn nước…
– Đối với các cơ sở kinh doanh dịch vụ khác: Có chính sách quản lý, bảo vệ môi trường và hoạt động phát triển bền vững của các nhà hàng; tiết kiệm năng lượng và nước; sử dụng thực phẩm an toàn; xử lý và hạn chế chất thải; giảm thiểu ô nhiễm và sử dụng hóa chất thân thiện với môi trường; sử dụng nguyên vật liệu thân thiện với môi trường và bán sản phẩm xanh…
Đối với cộng đồng địa phương: Cần có thái độ ứng xử thân thiện, tôn trọng và hỗ trợ khách du lịch trong quá trình tham quan, tìm hiểu tại địa phương; hiểu biết về nguồn tài nguyên cộng đồng đang sở hữu để bảo vệ và giới thiệu đến du khách; tham gia các hoạt động du lịch một cách có tổ chức, tránh tình trạng tự phát, gây lộn xộn, thiếu văn minh đô thị…
Đối với khách du lịch: Tìm hiểu và tuân thủ các tập tục địa phương; lựa chọn các doanh nghiệp có quan điểm, tôn chỉ và hoạt động hướng đến sự bền vững và có trách nhiệm; có ý thức tiết kiệm năng lượng; sẵn sàng tham gia các hoạt động môi trường, ủng hộ phát triển kinh tế – xã hội địa phương; có ý thức bảo vệ môi trường, văn hóa bản địa…
Tài liệu tham khảo
- Cape Town Declaration on Responsible Tourism, (2014), Cape Town Declaration on Responsible Tourism – Responsible Tourism Partnership truy cập 15/6/2022.
- Jamal, T., Camargo, B., & Wilson, E. (2013). Critical Omissions and New Directions for Sustainable Tourism: A Situated Macro-Micro Approach. Sustainability, 5(11), 4594-4613. DOI:10.3390/su5114594.
- Sanjana Mondal & Kaushik Samaddar. (2021). Responsible tourism towards sustainable development: literature review and research agenda, Asia Pacific Business Review, 27(2), 229-266. DOI: 10.1080/13602381.2021.1857963.
- Lenny Yusrini, Nhem Sochea, Ann Suwaree Ashton, Ngo Tuyet Diem Khanh, Rasmee Islam, Santi Rahmawati, Veasna Ky, Andrea Le Ta Hoang Nhi, Sharifah Nurafizah Syed Annuar, Hiram Ting. (2022). An Outlook on Responsible Tourism in Southeast Asia, Journal of Responsible Tourism Management, 2(1). DOI: 10.47263/JRTM.02-01-06.
- Liên minh EU (2013), Bộ công cụ du lịch có trách nhiệm tại Việt Nam
- Ming-Lang Tseng, Kuo-Jui Wu, Chia-Hao Lee, Ming K. Lim, Tat-Dat Bui, Chih-Cheng Chen. (2018). Assessing sustainable tourism in Vietnam: a hierarchical structure approach, Journal of Cleaner Production. DOI: 10.1016/j.jclepro.2018.05.198.
- Nguyễn Châu Á. (2021). Xu hướng du lịch Việt Nam sau đại dịch COVID-19 (2022-2023).
- Orîndaru, A.; Popescu, M.-F.; Alexoaei, A.P.; C ˘aescu, S, .-C.; Florescu, M.S.; Orzan, A.-O. (2021). Tourism in a Post-COVID-19 Era: Sustainable Strategies for Industry’s Recovery. Sustainability 2021, 13, 6781. https:// doi.org/10.3390/su13126781.
- VNA (2021). Vietnamese opt for sustainable tourism after COVID-19, <https://en.vietnamplus.vn/vietnamese-opt-for-sustainable-tourism-after-covid19/204766.vnp
- Vietnamese Government (2011). Strategy on Vietnam’s tourism development until 2020, vision to 2030. Decision 2473/QĐ-TTg, dated December 30, 2011.
Vũ Trọng Hưng
Phòng Nghiên cứu Chính sách, Quy hoạch và Môi trường Du lịch
Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch