Hướng dẫn Hỏi đáp Quy định
  • EnglishEnglish
  • “Bong bóng du lịch”- Kết nối giữa Việt Nam và một số nước trong khu vực, tại sao không?

    “Bong bóng du lịch” (travel bubble) là thuật ngữ hay mô hình xuất hiện lần đầu tiên trong khuôn khổ thảo luận về khôi phục ngành Du lịch giữa Australia và New Zealand vào tháng 4/2020. Tại Việt Nam,thuật ngữ“bong bóng du lịch” xuất hiện vào tầm tháng 6/2020 và có thể được hiểu như là thỏa thuận đặc biệt, độc quyền hoặc “hiệp ước song phương về du lịch” giữa một số quốc gia với nhau. Theo đó, một số quốc gia khá thành công trong việc kiểm soát, ngăn chặn đại dịch Covid thỏa thuận, thống nhất để cư dân có thể đi lại tự do giữa các nước và không phải cách ly khi nhập cảnh. Thuật ngữ này xuất hiện như một giải pháp tiềm năng cho ngành Du lịch toàn cầu và mở ra hy vọng cho du lịch inbound, outbound Việt Nam thoát khỏi tình trạng “tê liệt”.
    Tình hình du lịch Việt Nam
    Giai đoạn 5 năm trước khi đại dịch covid xuất hiện, ngành du lịch trên toàn thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng đang trên đà tăng trưởng phát triển với tốc độ cao hơn so với các giai đoạn trước. Theo số liệu thống kê của Tổng cục Du lịch, từ 2015 – 2019, khách quốc tế đến Việt Nam tăng từ 7,9 triệu lượt khách lên 18 triệu lượt với tốc độ tăng trung bình hơn khoảng 23%/năm, vươn lên đứng thứ 4 trong khu vực Đông Nam Á. Với thành tựu này, tổ chức Du lịch thế giới đã xếp Việt Nam đứng thứ 6 trên top 10 nước có tốc độ tăng trưởng về du lịch nhanh trên toàn cầu. Theo xếp hạng của WEF, năm 2019, năng lực cạnh tranh du lịch Việt Nam xếp thứ 63 (trong số 140 quốc gia và vùng lãnh thổ). Ngành du lịch tạo điều kiện phát triển những vùng khó khăn, đẩy mạnh thịnh vượng chung, tạo cơ hội việc làm và thu nhập theo chuỗi giá trị, thâm dụng lao động có tính bao trùm, có xu hướng sử dụng nhiều lao động nữ và trẻ tuổi hơn hầu hết các ngành khác (WB, 2019). Thông qua sự phát triển mạnh mẽ này, có thể khẳng định du lịch đã có nhiều đóng góp quan trọng vào tăng trưởng kinh tế xã hội. Là ngành liên quan đến tất cả các lĩnh vực, là nhu cầu đặc biệt, không thể thiếu của con người, hoạt động du lịch phát triển có sức ảnh hưởng cao đến các ngành kinh tế khác.
    Năm 2019, ngành du lịch Việt Nam phát triển, đóng góp 9,2% vào GDP, tạo nhiều việc làm cho người lao động, góp phần đảm bảo đời sống an sinh xã hội. Thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/TW của Bộ chính trị, du lịch từng bước trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của Việt Nam. Tuy nhiên, năm 2020 đại dịch Covid-19 xuất hiện, bùng phát một cách bất ngờ tác động tiêu cực đến kinh tế xã hội của Việt Nam, rõ rệt nhất với ngành du lịch. Ước tính đến hết năm 2020, Việt Nam chỉ đón được gần 4 triệu lượt khách quốc tế (do dừng đón khách quốc tế từ tháng 3), giảm khoảng 80% so với năm 2019 (18 triệu lượt khách quốc tế). Thị trường khách nội địa cũng chỉ đạt tầm 50 triệu lượt, giảm gần 40% so với cùng kỳ. Ngoài ra, có khoảng 95% doanh nghiệp lữ hành quốc tế đã ngừng hoạt động kéo theo 40 – 60% lao động trong lĩnh vực du lịch bị mất việc làm hoặc cắt giảm ngày công, nhiều cơ sở lưu trú phải đóng cửa, công suất sử dụng phòng có thời điểm chỉ đạt từ 10-15%. Tổng thu du lịch cả nước tổn thất lên tới trên 530 nghìn tỷ đồng, tương đương trên 23 tỷ USD. Đây là những con số “gây sốc” cho toàn ngành du lịch, đòi hỏi những động thái hay ý tưởng giảm thiểu tối đa tác động tiêu cực mà đại dịch mà đại dịch gây ra, và “bong bóng du lịch” có thể góp phần nào vào việc đó trong bối cảnh bình thường mới.
    Điểm qua việc áp dụng “bong bóng du lịch” một số nước trong khu vực
    Singapore đã thiết lập một số thỏa thuận đối ứng mang tên Green Lane và Air Travel Pass với một số quốc gia như Malaysia, Trung Quốc, Hàn Quốc, New Zealand và Brunei. Mô hình “bong bóng du lịch” khi lồng ghép áp dụng hai thỏa thuận này về cơ bản đều cho phép người dân hai bên thực hiện các chuyến du lịch liên quốc gia trong ngắn hạn và được kiểm soát hết sức chặt chẽ theo quy trình kiểm tra dịch tễ trước khi khởi hành và ngay khi nhập cảnh, hành trình phải được các cơ quan chức năng về y tế, du lịch, giao thông… phê duyệt trước, cấp chứng nhận “SafeTravel Pass” đồng thời sử dụng ứng dụng theo dõi tiếp xúc của nước sở tại. Ngày 6/12/2020, ông Ong Ye Kung, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Singapore cho biết chính quyền đảo quốc này đang tiếp tục tìm kiếm đối tác để cùng áp dụng mô hình “bong bóng du lịch”.
    Thái Lan đã từng áp dụng “bong bóng du lịch” với Trung Quốc năm 2020 và với quy định hiện hành về việc nhập cảnh cũng gần giống như Việt Nam, công dân Thái Lan từ nước ngoài trở về hay người ngoại quốc muốn nhập cảnh nước này cần phải trải qua đợt cách ly bắt buộc 14 ngày. Cuối tháng 11/2020, Bộ trưởng Bộ Du lịch và Thể thao Thái Lan Phiphat Ratchakit Prakan thẳng thắn cho biết: “Đôi khi câu hỏi không phải là khi nào Thái Lan sẽ sẵn sàng mở cửa du lịch quốc tế trở lại… mà lại là khi nào các quốc gia khác sẽ cho phép người dân của họ đến du lịch Thái Lan?”. Ông cũng thừa nhận nhu cầu của người Thái Lan muốn thực hiện các chuyến đi ra nước ngoài đến các khu vực có nguy cơ ảnh hưởng về dịch thấp hơn đang bị dồn nén và có khá nhiều rào cản trừ khi Thái Lan có thể tạo ra “bong bóng du lịch” thành công với các nước đối tác tiềm năng trong bối cảnh dịch chưa kết thúc. Trong khi đó, Thái Lan vẫn luôn muốn đàm phán về “bong bóng du lịch” với các nước có rủi ro thấp và dự báo “bất kỳ bong bóng du lịch nào cũng có thể xảy ra trong ngắn và dài hạn”.

    Một đoàn khách Việt Nam du lịch tại Thái Lan thời điểm chưa có dịch Covid 19 (Tony Phan cung cấp)

    Tại Hội nghị cao cấp ASEAN lần thứ 37, hội nghị được tổ chức tại Việt Nam và trực tuyến với hơn 20 điểm cầu trên toàn thế giới vào tháng 11/2020, không ít quốc gia đã đề cập đến việc thỏa thuận “bong bóng du lịch” an toàn vào năm 2021.
    Ngoài ra, khá nhiều người Việt Nam cũng như cư dân tại Singapore và Thái Lan đều mong muốn có “bong bóng du lịch” giữa Việt Nam và một số nước trong khu vực. Khi trả lời phỏng vấn về điều mong ước của mình trong năm 2021, anh Richmond Siranjeevi, chuyên gia công nghệ thông tin tại Singapore chia sẻ: “Tôi mong sẽ được đi du lịch trở lại, tôi rất muốn đến Việt Nam, mong là Singapore và Việt Nam sẽ sớm có một thỏa thuận du lịch, một “bong bóng du lịch”, khi đó tôi có thể đến Việt Nam ngay và ghi lại những nét đẹp ở đó”. Tony Phan, một doanh nhân gốc Việt Nam nhập cư, sinh sống tại Thái Lan được gần 10 năm cho biết, anh hy vọng sẽ áp dụng “bong bóng du lịch” giữa Việt Nam và Thái Lan, đây cũng là hy vọng của cộng đồng người Việt Nam sinh sống tại Thái Lan và những người Thái Lan xung quanh anh…
    Đặc biệt hơn, với nỗ lực “vàng” và tinh thần kiên cường, sáng tạo mỗi khi gặp khó khăn, năm 2020 Việt Nam được thế giới biết đến như một “điển hình sáng” trong công tác kiểm soát đại dịch Covid, sau Việt Nam, Singapore và Thái Lan cũng có một số thành công nhất định trong việc kiểm soát dịch bệnh. Bởi vậy, việc kết nối “bong bóng du lịch” giữa Việt Nam và Singapore hoặc Việt Nam và Thái Lan trong tình hình mới là khá khả thi. Tuy nhiên, việc kết nối này không hề đơn giản, cần yếu tố “can đảm” kết hợp cùng các thỏa thuận với nguyên tắc tạo điều kiện thuận lợi về một số mặt nhưng vẫn cần sự nghiêm ngặt tuyệt đối trong khâu kiểm soát về dịch tễ.
    Một số gợi ý
    Một là, cần nghiên cứu nhanh để đánh giá sơ bộ những lợi ích cũng như dự báo rủi ro có thể xảy ra của việc áp dụng “bong bóng du lịch” giữa Việt Nam và Singapore, Thái Lan để dự trù những phương án ứng phó kịp thời đối với mọi tình huống, bởi việc áp dụng “bong bóng du lịch” có thể tạo ra lợi ích “vật chất” hay “phi vật chất” cho ngành Du lịch nói riêng và đóng góp phần nào vào kinh tế – xã hội của các nước tham gia, giúp tăng cường quan hệ hợp tác, gắn bó bền chặt giữa các bên liên quan… nhưng không thể phủ nhận điều “then chốt” rằng việc này phụ thuộc rất nhiều vào diễn biến tình hình dịch Covid. Ngoài ra, cần xem xét học tập những thành công trong việc áp dụng “bong bóng du lịch” cũng như rút kinh nghiệm từ hạn chế của mô hình này từ các quốc gia đang hay đã thực hiện để áp dụng cho Việt Nam một cách hiệu quả nhất có thể.
    Hai là, cần đưa ra các MOU (biên bản thỏa thuận hợp tác) “bong bóng du lịch” giữa Việt Nam và các nước sao cho phù hợp, tuân thủ nguyên tắc “win – win” và đảm bảo tuyệt đối an toàn, an ninh, chính trị đặc biệt là tuân thủ nghiêm ngặt về việc kiểm soát dịch tễ…
    Ba là, cần có những quy định đặc biệt, rõ ràng thậm chí mức cao hơn là những “cam kết”, nâng cao ý thức của khách du lịch Việt Nam khi sang Singapore, Thái Lan và khách từ các nước trên đến Việt Nam… Bên cạnh đó, cần có sự phối hợp nhuần nhuyễn giữa cơ quan chức năng các ngành y tế, du lịch, ngoại giao nhằm xác định chính xác nhu cầu, mục đích của đối tượng khách không mang trong mình yếu tố dịch tễ hoặc đã được vacxin phòng covid19 để cấp một loại “thẻ du lịch” phù hợp tại các điểm nhập cảnh hay các điểm du lịch theo lịch trình đã được phê duyệt. Dù có thống nhất song phương cũng cần kiểm soát khách quốc tế kể cả khi đối tượng này đã được cấp “thẻ du lịch” từ nước sở tại để đảm bảo họ đang chấp hành nghiêm chỉnh các biện pháp phòng dịch, tránh ảnh hưởng không tốt đến cộng đồng cũng như điểm đến khi họ đang đi du lịch… Cụ thể hơn, có thể xem xét cách kiểm soát qua các ứng dụng online trên điện thoại thông minh như Bluezone (Việt Nam), SingPass (Singapore), Line (Thái Lan) để nhanh chóng phát hiện, giản lược tối đa việc tiếp xúc trực tiếp giữa người và người trong phạm vi có thể đặc biệt là xác định được tiền sử dịch tễ một cách dễ dàng, có độ tin tưởng cao…

    Ảnh minh họa – Jinnee

    Tài liệu tham khảo:
    1. https://destination-review.com/
    2. https://www.traveller.com.au/
    3. https://www.bangkokpost.com/
    4. https://vtv.vn/video/chuyen-dong-24h-trua-01-01-2021-479127.htm
    5. https://vietnamtourism.gov.vn/
    6. https://theleader.vn/anh-sang-cuoi-duong-ham-cho-nganh-du-lich-1612436130998.htm

    Jinnee

    Bài cùng chuyên mục