Ảnh hưởng của du lịch đến giao thông vận tải
Hoạt động của du lịch có hai yếu tố chính: quá trình di chuyển và lưu trú tạm thời ngoài nơi sinh sống hàng ngày của du khách trong thời gian đi du lịch. Yếu tố đầu là quá trình di chuyển gắn liền với giai đoạn bắt đầu và kết thúc chuyến đi. Quá trình di chuyển của du khách liên quan đến việc sử dụng các phương tiện giao thông nhằm thỏa mãn nhu cầu đi lại, thay đổi địa điểm cần đến và nghỉ ngơi của khách du lịch.
Du lịch và giao thông có mối quan hệ mật thiết và tác động thúc đẩy nhau cùng phát triển. Nhu cầu của du khách muốn đến nghỉ ngơi, thăm thú những nơi có cảnh quan đẹp, tìm hiểu văn hóa đời sống…của vùng đất khác lạ có khoảng cách địa lý so với nơi cư trú thường xuyên của họ. Người từ quốc gia này muốn vượt biên giới nước mình tham gia các hành trình du lịch để tới thăm những quốc gia khác trên thế giới.
Giao thông vận tải là điều kiện tiền đề cho sự ra đời và phát triển ngành du lịch.
Giao thông là “sợi dây” kết nối mọi hoạt động của du lịch. Cũng giống như các ngành kinh tế khác, giao thông thuận lợi là “đòn bẩy” để du lịch phát triển. Một điểm đến dù có hấp dẫn nhưng giao thông không thuận lợi, kết nối không tốt cũng sẽ khó khăn trong thu hút được khách hàng.
Có thể kể đến một vài phương tiện vận tải đặc sắc như cáp treo, khinh khí cầu hay phương tiện vận chuyển mang màu sắc dân tộc như cưỡi voi, cưỡi trâu, cưỡi ngựa,…Từ những năm 40 của thế kỷ 19 đến đầu thế kỷ 20, nhờ thành tựu của cách mạng công nghiệp, quá trình đô thị hóa, sự phát triển của kinh tế và sự gia tăng thời gian nghỉ được hưởng lương…, du lịch bắt đầu phát triển nhanh và trở nên phổ biến đối với cả những người dân thường. Bên cạnh đó, không thể không nhắc tới những thành tựu khoa học và công nghệ, đặc biệt là máy hơi nước của James Watt (1784), đường sắt vào thế kỷ 17, phát minh ra ô tô của Benz (1885), điện tín (1876), điện thoại (1884), radio (1895)… Trong đó, đặc biệt là sự xuất hiện của máy hơi nước đã dẫn tới sự thay đổi lớn trong lĩnh vực giao thông vận tải. Sự xuất hiện của các loại phương tiện vận chuyển khối lượng lớn, tốc độ cao và giá rẻ như tàu hỏa, tàu thủy đã thúc đẩy sự phát triển nhanh chóng của ngành Du lịch.
Đến đầu thế kỷ 20, đặc biệt là sau Chiến tranh thế giới lần thứ II (1939-1945) sự ra đời của máy bay dân dụng có khả năng di chuyển tốc độ cao, khối lượng vận chuyển lớn có thể vượt qua mọi điều kiện địa hình, giá cả vừa phải, đã mở ra kỷ nguyên mới cho du lịch quốc tế quy mô lớn và kéo dài cho đến bây giờ.
Tác động của du lịch tới sự phát triển giao thông trên nhiều lĩnh vực khác nhau:
– Hoàn thiện cơ sở vật chất kỹ thuật ngành giao thông.
– Tổ chức và quản lý hoạt động giao thông.
– Hệ thống phục vụ trong ngành giao thông.
– Chính sách thị trường và giá cả.
Ngành Du lịch là ngành kinh tế tổng hợp, sản phẩm du lịch bao gồm nhiều dịch vụ khác nhau. Chi phí cấu thành chi phí của sản phẩm du lịch về cơ bản bao gồm: chi phí vận chuyển, chi phí lưu trú, chi phí ăn uống, chi phí tham quan, chi phí hướng dẫn viên, chi phí bảo hiểm, chi phí bổ sung, phát sinh trong chuyến đi du lịch. Chi phí cho vận tải của du khách chiếm tỷ lệ tương đối lớn trong tổng chi phí du lịch, tùy thuộc vào phương thức vận chuyển, nội dung chương trình du lịch, thời điểm thực hiện chương trình du lịch… Tuy vậy, vận tải du lịch vẫn là nguồn thu quan trọng của du lịch.
Hiện nay nhu cầu của du khách được đáp ứng nhờ các phương tiện giao thông hiện đại: tàu thủy, máy bay, tàu cao tốc thậm chí cả du hành vũ trụ. Giao thông giúp du khách với quỹ thời gian ngắn có thể thực hiện những chuyến đi tới nhiều địa điểm khác nhau trên hành tinh. Hoạt động du lịch tác động đến quá trình mở rộng phạm vi hoạt động và hiện đại hóa các phương tiện giao thông.
Tác động của ngành kinh tế du lịch tới sự phát triển giao thông được xét xét từ khía cạnh sau:
- Tốc độ phát triển cao của hoạt động du lịch. Trên phạm vi thị trường du lịch nội địa của từng nước cũng như hoạt động du lịch quốc tế trên phạm vi toàn thế giới. Năm 1975 toàn thế giới có 25,3 triệu lượt khách đi du lịch, năm 1990 có 456 triệu lượt khách, theo số liệu của tổ chức du lịch thế giới của liên hiệp quốc (UNWTO) công bố cho thấy có 1,3 tỷ du khách quốc tế đi lại năm 2023 doanh thu đạt 1400 tỷ USD.
- Nếu so sánh mức độ sử dụng dịch vụ giao thông của khách du lịch với những chuyến đi không có mục đích du lịch có thể thấy tốc độ tăng trưởng của những chuyến đi du lịch có chỉ số cao hơn nhiều.
- Các chuyến đi du lịch ngày càng có xu thế di chuyển nhiều hơn với khoảng cách không gian lớn hơn, độ dài di chuyển có xu thế ngày càng tăng. Các chuyên gia du lịch đưa ra kết luận từ năm 2010-2020 độ dài hành trình du lịch tính bình quân cho một du khách tăng 190 km
- Thu nhập du lịch từ bán hàng hóa dịch vụ cho du khách ngày càng tăng trưởng với tốc độ nhanh, trong đó phần thu đáng kể từ dịch vụ vận chuyển khách. Chi phí cho vận chuyển du lịch nội địa chiếm tỷ trọng 25% con số ngày trong hoạt động du lịch quốc tế khảng 50%.
Nhằm thu hút tối đa lượng khách du lịch sử dụng các phương tiện giao thông góp phần tăng nguồn thu, các doanh nghiệp giao thông thực hiện hai biện pháp chính:
- a) Tăng khối lượng cơ sở vật chất đối với tất cả các loại hình giao thông: đường bộ, đường thủy, hàng không và đường sắt
- b) Hoàn thiện cơ sở vật chất theo hướng tăng cường loại hình và chất lượng.
– Nâng cao năng lực chung (sức chứa) của ngành giao thông
– Tăng cường chất lượng các phương tiện giao thông bằng các trang thiết bị, các phương tiện kỹ thuật hiện đại như hệ thống xe điện, taxi không người lái, xe hơi điện, tàu điện ngầm…hiện đại hóa và xây dựng con đường mới. Những nước có ngành du lịch phát triển cũng là nước có hệ thống giao thông phát triển
Du lịch phát triển có tác động trực tiếp đến việc hoàn thiện chất lượng cơ sở vật chất ngành giao thông, thúc đẩy xây dựng những sân bay, nhà ga, hệ thống đường bộ, hải cảng ở những trung tâm du lịch. Khách du lịch đòi hỏi phương tiện giao thông ngày càng hoàn thiện nhằm đảm bảo hệ số an toàn cao, tiện dụng, tốc độ lớn…trên cơ sở ứng dụng những thành tựu khoa học và kỹ thuật hiện đại vào lĩnh vực khoa học giao thông.
Hướng tác động của hoạt động giao thông đến cầu du lịch là cải tiến và hoàn thiện chính sách giá cả. Tác động của nó là nhằm hướng những khách hàng “du lịch” và việc sử dụng một loại phương tiện giao thông nhất định. Đại dịch Cvid-19 tác động rất lớn đến việc thay đổi giá cả các loại dịch vụ giao thông. Có 6 lĩnh vực được kết nối với nhau mà qua đó giao thông vận tải có thể bị ảnh hưởng vì dịch COVID-19 gồm: nhu cầu di chuyển, thay đổi phương thức đi lại, công bằng vận tải, sử dụng đất, an toàn giao thông và các công việc vận tải.
Bên cạnh mặt tích cực, cũng còn nhiều hạn chế, trong đó có vấn đề về hoạt động du lịch ảnh hưởng đến một số khía cạnh của môi trường tự nhiên. Hoặc là vấn đề tiến bộ trong giao thông vận tải đã giúp việc đi lại trở nên dễ dàng hơn. Tuy nhiên, sự gia tăng số lượng du khách đến những nơi từng là vùng sâu, vùng xa đã dẫn đến sự suy thoái các nguồn tài nguyên, cần phải đánh giá lại vai trò của giao thông vận tải trong quá trình thực hiện. Do đó, đề xuất các cơ quan quản lý của nhà nước cần quan tâm vấn đề quy hoạch và khả năng dự báo hoạt động du lịch và giao thông. Phát triển giao thông – du lịch tập trung vào các khu vực nhạy cảm và mong manh cần phải được đánh giá kỹ lưỡng về mức độ bền vững trong tương lai.
Mối quan hệ giữa thành công kinh tế và khả năng tiếp cận hợp lí theo nghĩa là luồng hàng hóa và dịch vụ không bị cản trở. Tuy nhiên, logic này có thể bị lạm dụng bởi các chính phủ sẵn sàng hi sinh môi trường để có dòng tiền ổn định. Câu hỏi về tính bền vững và các vấn đề kinh tế một lần nữa xuất hiện trong bức tranh tổng thể phát triển về kinh tế. Đánh đổi giữa kinh tế và môi trường sẽ vẫn là một vấn đề vì nó sẽ phụ thuộc vào các biến số như tầm nhìn của cộng đồng liên quan, các chính sách hiện có hoặc thông lệ chung
Trên thế giới, một số điểm đến du lịch đã phát triển thành hoạt động kinh doanh gần như hoàn hảo. Ở nhiều quốc gia, các điểm đến du lịch là nguồn đem lại sự giàu có và là điểm thu hút lớn đối với công nghiệp giải trí và du lịch. Có lẽ, nếu không có những điểm đến du lịch, nhiều địa phương sẽ không có gì hấp dẫn thu hút mọi người đến thăm quan, trải nghiệm và khám phá vùng đất của mình. Du lịch với tư cách là một ngành kinh tế sẽ được hưởng lợi nhiều khi nó được vận hành một cách bền vững. Vai trò của các nước trên thế giới nói chung, Việt Nam nói riêng là rất quan trọng để sử dụng các nguồn lực một cách thích hợp. Do đó, qua những kết quả phân tích trên, hoạt động quản lý du lịch nói chung, đầu tư và quản lý hiệu quả tuyến giao thông du lịch nói riêng cần phải được chú ý cải thiện liên tục của cơ quan quản lý nhà nước và các bên liên quan.
Như vậy, qua phân tích ở trên chúng ta có thể thấy du lịch và giao thông Vận tải có sự liên kết chặt chẽ, cùng nhau thúc đẩy phát triển.
Tài liệu tham khảo:
- Lữ hành du lịch – Trần văn Mậu, NXB Giáo dục 1998
- Văn Nguyễn (2021). Hạ tầng giao thông Việt Nam sau 35 năm đổi mới: Đi trước một bước để phát triển kinh tế. Truy cập từ https://laodong.vn/xa-hoi/ha-tang-giao-thong-viet-nam-sau-35-nam-doi-moi-di-truoc-mot-buoc-de-thuc-day-phat-trien-kinh-te-871977.ldo.
- Croall, J. (1995). Preserve or destroy: tourism and the environment. London: Calouste Gulbenkian Foundation.
- Cracolici, M. F., Nijkamp, P., & Rietveld, P. (2008). Assessment of tourism competitiveness by analysing destination efficiency. Tourism economics, 14(2), 325-342.
- Marlina, E., & Natalia, D. A. (2017). Land Transportation and Tourism Development. International Journal of Economic Perspectives, 11(2).
- Martin, C. A., & Witt, S. F. (1988). Substitute prices in models of tourism demand. Annals of Tourism Research, 15(2), 255-268.
- Sorupia, E. (2019). Rethinking the role of transportation in tourism. In Proceedings of the Eastern Asia Society for Transportation Studies, 5, pp. 1767-1777.
- Van Raaij, W. F. (2021). Consumer research on tourism mental and behavioral constructs. Annals of Tourism Research, 13(1), 1-9.
- World Tourism Organization. (2021). Tourism education quality: Results of WTO’s global survey, WTO News Newsletter, 2, 18.
Vũ Trọng Hưng
Phòng Chính sách, Quy hoạch và Môi trường Du lịch