Hướng dẫn Hỏi đáp Quy định
  • EnglishEnglish
  • Khảo sát thực địa nghiên cứu thị trường khách du lịch Trung Quốc đến các tỉnh phía Bắc

    Năm 2020, Bộ Văn hóa Thể Thao và Du lịch và Tổng cục Du lịch đã giao Viện Nghiên cứu phát triển du lịch nghiên cứu đánh giá thực trạng phát triển thị trường khách du lịch Trung Quốc; tình hình thực hiện các thỏa thuận hợp tác đã được ký kết ở cấp độ địa phương giữa Việt Nam – Trung Quốc trong giai đoạn 2014-2019; đề xuất một số giải pháp góp phần đảm bảo an ninh kinh tế xã hội tại các khu vực cửa khẩu biên giới trên đất liền giữa Việt Nam và Trung Quốc, thuộc nhiệm vụ Thường xuyên theo chức năm “Nghiên cứu thị trường khách du lịch Trung Quốc đến các tỉnh phía Bắc”.
    Để thực hiện nhiệm vụ trên, Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch tổ chức khảo sát thực địa và làm việc tại 07 tỉnh có chung đường biên giới đường bộ với Trung Quốc, trong đó, đợt 1 khảo sát tại bốn tỉnh: Hà Giang, Cao Bằng, Lạng Sơn, Quảng Ninh, từ ngày 12/7 đến ngày 17/7/2020. Đoàn công tác của Viện NCPT Du lịch do Viện trưởng Nguyễn Anh Tuấn dẫn đầu, tham gia đoàn còn có nhóm nghiên cứu viên của Phòng Nghiên cứu Thị trường, Sản phẩm và Quy hoạch du lịch, cán bộ của Cục An ninh đối ngoại A01 (Bộ Công An), Cục Cửa khẩu (Bộ tư lệnh Bộ đội biên phòng – Bộ Quốc phòng) và một số cán bộ thuộc Sở Du lịch, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch các tỉnh Hà Giang, Cao Bằng, Lạng Sơn và Quảng Ninh.
    Sau đây là một số hình ảnh và thông tin tóm tắt kết quả thu được sau chuyến khảo sát, làm việc:

    Tại Hà Giang:
    Hà Giang có hơn 277,5 km đường biên giới tiếp giáp với 2 tỉnh Vân Nam và Quảng Tây của Trung Quốc với 1 cặp cửa khẩu quốc tế và 7 cặp cửa khẩu tiểu ngạch… Trong những năm qua, quan hệ hợp tác phát triển về lĩnh vực du lịch giữa tỉnh Hà Giang với tỉnh Vân Nam luôn được quan tâm đẩy mạnh. Ngành du lịch Hà Giang đã cùng với Cục Du lịch tỉnh Vân Nam, Cục Du lịch Châu Văn Sơn và Cục Du lịch huyện Malypho, tỉnh Vân Nam thường xuyên tổ chức giao lưu và trao đổi kinh nghiệm về hợp tác phát triển du lịch, đưa ra những giải pháp tháo gỡ khó khăn trong lĩnh vực quản lý nhà nước về du lịch cũng như tạo điều kiện tốt nhất cho các doanh nghiệp kinh doanh du lịch hợp tác với nhau trong việc khai thác thị trường giữa hai bên.
    Hà Giang hiện có 02 doanh nghiệp lữ hành quốc tế: Công ty cổ phần thương mại du lịch dịch vụ dầu khí Hà Giang và Công ty cổ phần dịch vụ du lịch Hà Giang, tuy nhiên, các doanh nghiệp này chưa khai thác hiệu quả thị trường khách Trung Quốc. Khai thác thị trường khách Trung Quốc chủ yếu là Công ty du lịch Malypo (Trung Quốc) và Văn phòng đại diện Công ty TNHH đường sắt Hà Nội Mới tại cửa khẩu Thanh Thủy. Các doanh nghiệp lữ hành Hà Giang và tỉnh Vân Nam, Trung Quốc đã chủ động khai thác và quảng bá 02 tuyến du lịch. (1) Côn Minh – Văn Sơn – Malipo – Hà Giang; Hà Giang – Malipo – Văn Sơn – Côn Minh. (2) Văn Sơn – cửa khẩu Thanh Thủy (Thiên Bảo) – Hà Giang – Tuyên Quang – Phú Thọ – Vĩnh Phúc – Hà Nội – Hải Phòng – Quảng Ninh và ngược lại.
    Thị trường khách du lịch Vân Nam do tâm lý và thị hiếu, có nhu cầu hướng biển nhiều hơn. Vì vậy, gần như không có khách du lịch Vân Nam đến Hà Giang. Trước đây, khách du lịch Vân Nam cũng quan tâm đến Hồ Na Hang (Tuyên Quang) liên thông với Bắc Mê (Hà Giang) qua sông Gâm. Tuy nhiên, do hiện nay quy định tham quan du lịch bằng giấy thông hành chỉ được đi lại trong phạm vi 2 địa phương giáp biên vùng biên giới nên khó thu hút khách du lịch Vân Nam đến đây.
    Đoàn cũng đã đến khảo sát tại Cửa khẩu quốc tế Thanh Thủy cách thành phố Hà Giang 30 km. Trước năm 2015, cửa khẩu quốc tế Thanh Thủy được Tổng cục Du lịch cấp phép đón khách du lịch Trung Quốc sử dụng giấy thông hành xuất nhập cảnh. Tuy nhiên, lượng khách du lịch Trung Quốc chưa nhiều, chưa đáp ứng được kỳ vọng phát triển du lịch của Hà Giang, chủ yếu là việc thông thương đi lại của người dân biên giới, đa phần là buôn bán nông sản và một số mặt hàng linh kiện ô tô, đồ điện. Sau khi Luật xuất nhập cảnh có hiệu lực năm 2015, quy định khách du lịch Trung Quốc đi sâu vào nội địa phải sử dụng hộ chiếu, lượng khách du lịch qua cửa khẩu Thanh Thủy giảm 80 – 90 %. Từ năm 2016 trở lại đây, một năm chỉ có vài ba đoàn khách du lịch Trung Quốc nhập cảnh Việt Nam bằng hộ chiếu đi sâu vào nội địa.

    Khảo sát cửa khẩu Thanh Thủy – Hà Giang
    Khảo sát cửa khẩu Thanh Thủy – Hà Giang

    Tại Cao Bằng:
    Cao Bằng có trên 333 km đường biên giới với tỉnh Quảng Tây, với nhiều cặp cửa khẩu thông thương buôn bán với phía Trung Quốc như: cửa khẩu Tà Lùng; cửa khẩu Trà Lĩnh, Sóc Giang, Lý Vạn và nhiều cặp chợ biên giới. Ngoài ra, dọc tuyến vành đai biên giới kéo dài với rất nhiều phong cảnh đẹp, núi non hùng vĩ, dọc tuyến đường có nhiều dân tộc sinh sống tại khu vực biên giới như Công viên địa chất toàn cầu Non nước Cao Bằng với Thác Bản Giốc, Động Ngườm Ngao, Khu di tích quốc gia Rừng Trần Hưng Đạo, Khu di tích quốc gia đặc biệt Pác Pó,… Những lợi thế trên là điều kiện thuận lợi để Cao Bằng thu hút khách du lịch Trung Quốc đến tham quan.
    Cửa khẩu Tà Lùng được nâng cấp từ cửa khẩu chính lên cửa khẩu quốc tế năm 2012, nên có vị trí và vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế, thúc đẩy giao lưu thương mại và du lịch giữa hai nước nói chung và giữa hai tỉnh Cao Bằng và Quảng Tây nói riêng. Mặc dù cửa khẩu Tà Lùng có hệ thống cơ sở vật chất hạ tầng được đầu tư tốt, đảm bảo phục vụ nhu cầu của khách du lịch, thủ tục đơn giản, thuận tiện và nhanh chóng…, nhưng do các doanh nghiệp lữ hành quốc tế ở Cao Bằng còn hạn chế về nguồn lực (chưa chủ động nghiên cứu thị trường, xây dựng và quảng bá để thu hút khách du lịch, đội ngũ cán bộ và hướng dẫn viên còn thiếu và yếu, xử lý thông tin còn chậm, còn nhiều sai sót gây mất thời gian của lực lượng làm thủ tục nhập cảnh…), do giao thông từ Cao Bằng vào sâu lãnh thổ Việt Nam còn khó khăn…, nên việc tổ chức khai thác thị trường khách du lịch Trung Quốc đến Việt Nam qua cửa khẩu Tà Lùng còn rất hạn chế, chủ yếu là hoạt động thông thương của cư dân biên giới, khách du lịch chủ yếu đi trong ngày, tập trung tại Khu du lịch Thác Bản Giốc. Ngoài ra, khách du lịch Trung Quốc cũng thường xuyên đến thăm Khu di tích Pác Pó, đặc biệt tại thời điểm nghỉ Tết âm lịch và ngày quốc khánh Trung Quốc. Tuy nhiên, lượng khách này chủ yếu đi qua đường cửa khẩu Trà Lĩnh.
    Kết quả kinh doanh du lịch còn thấp; hoạt động trao đổi khách du lịch giữa Cao Bằng và Long Châu qua cửa khẩu Tà Lùng hiệu quả chưa cao, phát triển chưa xứng với tiềm năng. Lượng khách du lịch xuất nhập cảnh qua cửa khẩu này không đáng kể.

    Họp trao đổi tại Cao Bằng
    Họp trao đổi tại Cao Bằng
    Khảo sát VQG Phia Oắc – Phia Đén
    Khảo sát VQG Phia Oắc – Phia Đén

    Tại Lạng Sơn:
    Trước năm 2015, tại Lạng Sơn đã thành lập Câu lạc bộ đón khách du lịch Trung Quốc sử dụng giấy thông hành xuất nhập cảnh vào Việt Nam, đồng thời Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Lạng Sơn đã tích cực, chủ động phối hợp chặt chẽ với Cục Du lịch Thành phố Sùng Tả, Quảng Tây, Trung Quốc trong quản lý các doanh nghiệp kinh doanh đón khách du lịch Trung Quốc đến Việt Nam. Các hoạt động kinh doanh đón khách du lịch Trung Quốc sử dụng giấy thông hành xuất nhập cảnh giai đoạn này được quản lý tương đối tốt, khách đi đúng chương trình, góp phần đem lại hiệu quả tích cực trong việc quản lý hoạt động kinh doanh của đối tượng khách này, tạo được ấn tượng tốt cho khách du lịch Trung Quốc. Tuy nhiên, gần đây lượng khách du lịch Trung Quốc đến Việt Nam sử dụng giấy thông hành xuất nhập cảnh suy giảm nhiều, và hiện tại cơ bản đã dừng hẳn do thủ tục cấp giấy phép nhập, xuất cảnh của các cơ quan chức năng quản lý chặt chẽ hơn, chi phí làm thủ tục cấp giấy phép nhập, xuất cảnh cao hơn nhiều so với việc du lịch bằng hộ chiếu.
    Hoạt động kinh doanh đón khách du lịch Trung Quốc đến Việt Nam qua đường bộ tại Lạng Sơn chủ yếu qua cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị và rất ít có đoàn khách caravan. Khách đi qua cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị chủ yếu đi sâu vào nội địa và các điểm đến là Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh hoặc đến các tỉnh miền Trung và miền Nam, còn lượng khách lưu trú tại Lạng Sơn chiếm tỷ lệ nhỏ.
    Tình hình khách Trung Quốc nhập cảnh Việt Nam để du lịch trong những năm qua có xu hướng tăng (khách đi theo tour hoặc tự đi). Năm 2017, lượng khách Trung Quốc qua cửa khẩu là 111.919 lượt khách, năm 2018 và 2019, con số tương ứng là 300.055 và 153.461. Các công ty lữ hành đã chấp hành nghiêm chỉnh các quy định về hoạt động du lịch nên công tác thủ tục cho khách du lịch cơ bản là thuận lợi
    Vào những dịp lễ, tết, lượng khách du lịch Trung Quốc tới Lạng Sơn nhiều hơn, chủ yếu là đi lễ đầu năm tập trung tham quan các đình, chùa, động Tam Thanh, Nhị Thanh, núi Vọng Phu và tham quan quanh khu vực thành phố Lạng Sơn trong ngày nên mức chi tiêu cho các dịch vụ không cao. Lạng Sơn chưa có các điểm vui chơi giải trí đủ hấp dẫn, đáp ứng dịch vụ tốt để lưu giữ khách Trung Quốc ở lại dài ngày hơn.

    Khảo sát tuyến đường tuần tra biên giới Lạng Sơn – Móng Cái
    Khảo sát tuyến đường tuần tra biên giới Lạng Sơn – Móng Cái
    Khảo sát tuyến đường tuần tra biên giới Lạng Sơn – Móng Cái
    Khảo sát tuyến đường tuần tra biên giới Lạng Sơn – Móng Cái

     

    Tại Quảng Ninh:
    Quảng Ninh là điểm du lịch nổi tiếng và rất hấp dẫn khách du lịch Trung Quốc với Kỳ quan thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long, khu nghỉ dưỡng Tuần Châu, đảo Cô Tô, Vân Đồn, Quan Lạn, bãi biển Trà Cổ. Ngoài ra, ẩm thực đa dạng, đặc sản ngon, giá cả vừa phải, cơ sở vật chất và dịch vụ tốt… cũng là những yếu tố hấp dẫn khách du lịch trung Quốc đến Quảng Ninh. Tại Quảng Ninh, khách du lịch Trung Quốc đến theo 3 hình thức: khách tàu biển, khách đường không và khách đường bộ qua cửa khẩu quốc tế Móng Cái hoặc các cửa khẩu Hữu Nghị (Lạng Sơn) và cửa khẩu Lào Cai (Lào Cai) sang hoặc khách đường bộ từ Hà Nội lên (qua cửa khẩu Nội Bài). Lượng khách du lịch Trung Quốc qua cửa khẩu quốc tế Móng Cái rất đông, cư dân biên giới làm ăn buôn bán tấp nập, góp phần đáng kể cho kinh tế địa phương phát triển.
    Hoạt động du lịch giá rẻ trên địa bản tỉnh Quảng Ninh chủ yếu xuất hiện ở thị trường Trung Quốc và tập trung chính đối với các đoàn khách đến từ cửa khẩu đường bộ. Theo thống kê của Sở Du lịch Quảng Ninh, số lượng doanh nghiệp lữ hành tham gia đón đối tượng khách này tại cửa khẩu Móng Cái biến động thường xuyên. Đến nay trên địa bàn tỉnh hiện có khoảng trên 40 doanh nghiệp lữ hành quốc tế đón dòng khách này, trong đó phần lớn các doanh nghiệp có trụ sở chính ở các địa phương khác. Hoạt động khai thác khách du lịch Trung Quốc nhập xuất cảnh qua cửa khẩu Móng Cái có một số đặc điểm:
    – Về chương trình du lịch và chất lượng dịch vụ: chủ yếu đối tượng khách du lịch này thực hiện chương trình tham quan tại Việt Nam theo chương trình 4 ngày 3 đêm; tham quan một số điểm tại Quảng Ninh và Hà Nội, một số đoàn đi đến Ninh Bình. Phần lớn các đoàn khách đi theo đoàn, các đoàn khách đều có trưởng đoàn. Đặc điểm của các đối tượng khách này có hai nhóm cơ bản là khách đoàn và khách lẻ. Chất lượng phục vụ của nhóm khách đoàn thông thường cao hơn nhóm khách lẻ, hiện nay khách đoàn chiếm khoảng 30-35% tổng khách.
    – Về tính thời vụ: Trong giai đoạn trước, hoạt động du lịch từ thì trường Trung Quốc ở các tỉnh phía Bắc, thường vào các thời điểm tháng 8 đến tháng 2 năm sau. Hiện nay, đối tượng khách này được trải ra trong năm, trong đó, cao điểm nhất vào dịp 1/10 (quốc khánh Trung Quốc), dịp Tết Nguyên đán.
    – Cách thức giao dịch với đối tác của các công ty lữ hành: (i) Qua nắm thông tin, hiện nay phần lớn các đoàn khách từ các tỉnh phía trong lục địa Trung Quốc, khi sang Quảng Ninh, Việt Nam đều phải giao cho các công ty lữ hành của tỉnh Quảng Tây để tổ chức; (ii) Phần lớn các công ty lữ hành Việt Nam giao dịch với các công ty lữ hành của Quảng Tây theo hướng, hàng năm có ký kết các hợp đồng nguyên tắc, khi có khách công ty hai bên giao dịch bằng điện thoại hoặc qua mạng QQ của Trung Quốc; (iii) Việc thanh toán chủ yếu theo hình thức chuyển tiền mặt, không qua hệ thống ngân hàng.
    – So với các thị trường khác, khách du lịch từ thị trường Trung Quốc sử dụng chất lượng dịch vụ thấp hơn; khách du lịch từ thị trường này có mức chi tiêu cho việc mua sắm lớn.
    Bên cạnh các kết quả đạt được, hoạt động lữ hành đón khách du lịch sử dụng hộ chiếu qua cửa khẩu Móng Cái đã bộc lộ tình trạng lộn xộn, chất lượng dịch vụ không xứng tầm, cạnh tranh giữa các doanh nghiệp lữ hành thiếu lành mạnh. Đặc biệt đã phát hiện một số doanh nghiệp cho người Trung Quốc “núp bóng” để thực hiện kinh doanh lữ hành trái phép; một số doanh nghiệp có trụ sở chính ngoài tỉnh Quảng Ninh có dấu hiệu hoàn thiện và hợp pháp hóa các chứng từ kế toán, hồ sơ đoàn khách theo quy định để chống chế với cơ quan chức năng; cấu kết với các khách sạn, đơn vị cung cấp dịch vụ không lấy hóa đơn dịch vụ, nhằm trốn các nghĩa vụ đối với ngân sách nhà nước. Mặt khác cùng với vi phạm từ hoạt động lữ hành là vi phạm của một số điểm bán hàng cho khách du lịch, đặc biệt là các vi phạm về thanh toán, sử dụng ngoại tệ trái phép, trốn thuế và các hành vi về quản lý thị trường. Các vi phạm và tồn tại trên là hệ quả của các “tour du lịch giá rẻ” và một số tồn tại của các hoạt động thuộc lĩnh vực khác có liên quan mà công luận phản ánh trong thời gian qua. Ngoài ra hoạt động lữ hành tiếp tục phát sinh một số vấn đề mới như: Một số đoàn khách Trung Quốc được cấp visa tại các cơ quan ngoại giao Việt Nam ở Trung Quốc, khi vào Việt Nam tham quan du lịch không có hướng dẫn viên Việt Nam đi cùng, đơn vị bảo lãnh nhập cảnh không thực hiện việc quản lý khách theo quy định. Qua nắm thông tin ban đầu, được biết các đoàn khách này do các công ty lữ hành phía Trung Quốc tự tổ chức các dịch vụ tại Việt Nam. Các tồn tại từ hoạt động lữ hành đón khách du lịch Trung Quốc qua cửa khẩu Móng Cái làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường và hình ảnh du lịch của Việt Nam nói chung, Quảng Ninh nói riêng, đặc biệt có vụ việc đã tác động đến an ninh trật tự trên địa bàn Tỉnh.

    Họp trao đổi tại Hạ Long (Quảng Ninh)
    Họp trao đổi tại Hạ Long (Quảng Ninh)

    Văn Dương

    Bài cùng chuyên mục