Hướng dẫn Hỏi đáp Quy định
  • EnglishEnglish
  • Khảo sát “Đánh giá thực trạng các cơ sở cung cấp dịch vụ vui chơi giải trí và khuyến nghị chính sách nhằm thúc đẩy phục hồi và phát triển du lịch tại Việt Nam” tại Đà Nẵng, Quảng Nam

    Triển khai nhiệm vụ TXTCN năm 2023 “Đánh giá thực trạng các cơ sở cung cấp dịch vụ vui chơi giải trí và khuyến nghị chính sách nhằm thúc đẩy phục hồi và phát triển du lịch tại Việt Nam”, từ ngày 03/7 – 07/7/2023, đoàn công tác Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch dưới sự chỉ đạo của Phó Viện trưởng Đỗ Thị Thanh Hoa đã tiến hành khảo sát và làm việc trực tiếp tại 2 địa phương là Đà Nẵng và Quảng Nam. 

    Đoàn khảo sát tại khu Bà Nà Hills

    Trong chuyến công tác, đoàn đã có buổi làm việc với Sở Du lịch Đà Nẵng và cán bộ quản lý của một số khu/tổ hợp VCGT, công viên chủ đề, các doanh nghiệp du lịch để thảo luận và làm rõ những vấn đề liên quan đến hoạt động và định hướng phát triển của các cơ sở cung cấp dịch vụ VCGT. Tại Đà Nẵng, đoàn đã đến khảo sát, làm việc trực tiếp với các cán bộ quản lý của các khu/ tổ hợp VCGT, công viên chủ đề và một số khu du lịch mới hoạt động như khu Công viên suối khoáng nóng Núi Thần Tài, khu du lịch Hoà Phú Thành, làng Toom Sara, công viên nước Mikazuki, khu du lịch suối Lương, khu VCGT Bà Nà Hills, công viên Asia Park. Tại Quảng Nam, đoàn tập trung khảo sát, làm việc trực tiếp tại Vin Wonder Nam Hội An và đảo ký ức Hội An (trước là công viên ấn tượng Hội An). 

    Đoàn làm việc tại Sở Du lịch Đà Nẵng

    Thực tế khảo sát và làm việc đã cho thấy hoạt động của các khu VCGT tại hai địa phương Đà Nẵng và Hội An trong thời gian gần đây sau đại dịch COVID-19 đang dần sôi động trở lại, nguồn khách thu hút chủ yếu vẫn là thị trường nội địa. Thị trường khách quốc tế chiếm tỷ trọng chỉ từ 1% – 30%. Chỉ duy nhất có Đảo ký ức Hội An thu hút được lượng khách quốc tế lớn với tỷ trọng khoảng 40% – 60% nhờ vào show diễn thực cảnh “Ký ức Hội An”. Nhóm nghiên cứu cũng ghi nhận một số vấn đề nổi bật như sau: 

    – Chính sách liên quan đến các hoạt động vui chơi giải trí dưới nước đang được thực thi theo Nghị định 48/2019/NĐ-CP của Chính phủ quy định về quản lý hoạt động của phương tiện phục vụ vui chơi, giải trí dưới nước. Tuy nhiên, những quy định này còn nhiều bất cập, điển hình là việc xác định cơ quan nào quản lý hoạt động VCGT dưới nước, có trách nhiệm kiểm duyệt các phương tiện phục vụ VCGT dưới nước, các tiêu chuẩn, tiêu chí đối với các phương tiện VCGT dưới nước. Chính sự bất cập này đã đã gây khó khăn cho nhiều doanh nghiệp, nhà đầu tư cung ứng dịch vụ khi muốn mở rộng hoạt động kinh doanh VCGT dưới nước, thậm chí nhiều đơn vị đã nhập trang thiết bị, phương tiện về nhưng qua nhiều năm vẫn không triển khai hoạt động được. 

    – Các quy định pháp lý về hoạt động VCGT mạo hiểm còn nhiều bất cập. Hoạt động này được Sở Du lịch/ Sở VHTT Du lịch cấp tỉnh/ thành phố cấp phép, nhưng đơn vị Sở chỉ quản lý được về giá cả, dịch vụ, cơ sở lưu trú còn vấn đề chất lượng và độ an toàn của các trò chơi trong khu VCGT lại nằm ngoài thẩm quyền. Cơ quan nhà nước chỉ yêu cầu doanh nghiệp cung cấp các tài liệu và hầu như rất ít khi thẩm định lại hoặc kiểm tra bằng cảm quan. Điều này rất dễ nảy sinh sơ xuất về an toàn khi trang thiết bị phục vụ các hoạt động VCGT mạo hiểm không đủ tiêu chuẩn bị đưa vào sử dụng.

    Đoàn khảo sát tại Công viên Asia Park

    – Vấn đề về chế chính sách tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư trong việc vận hành và quản lý hoạt động kinh doanh. Cụ thể như chính sách về giá thuê đất, giá điện đối với các cơ sở cung cấp dịch vụ VCGT, cơ chế cho phát triển hoạt động kinh tế về đêm… còn là rào cản đối rất lớn. Điển hình như công viên Asia Park chỉ hoạt động từ 03 giờ chiều đến 10 giờ tối nên chi phí để thắp sáng các không gian công cộng tạo cảnh quan là rất lớn và trở thành gánh nặng tài chính đối với doanh nghiệp.

    – Vấn đề liên quan đến các sản phẩm, dịch vụ cung cấp cho khách du lịch tại các khu VCGT. Phần lớn các khu VCGT cung cấp cho du khách các dịch vụ, hoạt động VCGT hiện đại, đáp ứng thị hiếu số đông, nhưng chưa chú trọng khai thác và làm nổi bật được giá trị văn hoá bản địa, nét đặc sắc riêng có, khiến các sản phẩm trở nên nhàm chán và mang tính rập khuôn. Tuy nhiên, bên cạnh đó phải kể đến một số điển hình tốt trong việc khai thác hiệu quả những giá trị văn hoá trong hoạt động VCGT như khu VCGT Vin Wonder Nam Hội An với khu vực làng nghề truyền thống góp phần giới thiệu đến du khách, bảo tồn và phát huy những giá trị văn hoá đặc sắc riêng của Việt Nam; hay Đảo kí ức Hội An với những show diễn khơi gợi lại những văn hoá và lịch sử truyền thống của con người Hội An nói riêng và con người Việt Nam nói chung.

    Đoàn làm việc với Ban quản lý Đảo ký ức Hội An

    Kết thúc chuyến khảo sát, đoàn công tác đã thu thập được một số những tài liệu cần thiết, cũng như nắm bắt được hiện trạng chung của các khu/ tổ hợp VCGT, công viên chủ đề ở Đà Nẵng và Quảng Nam. Các tài liệu và kết quả khảo sát thu về sau các chuyến khảo sát sẽ là cơ sở quan trọng để tổng hợp và làm rõ hiện trạng hoạt động của các khu/ tổ hợp VCGT, công viên chủ đề tại Việt Nam hiện nay, cũng như là căn cứ để đề xuất các giải pháp, kiến nghị phù hợp, tạo điều kiện để các cơ sở này hoạt động hiệu quả, góp phần thúc đẩy sự phục hồi và phát triển của du lịch trong thời gian tới. 

    Một số hình ảnh phục dựng làng nghề tại khu VCGT Vin Wonder Nam Hội An:

    Làng nghề giấy dó
    Làng nghề tranh Đông Hồ
    Làng nghề dệt thổ cẩm, dệt lanh

    Tin & Ảnh: Phương Mai

    Bài cùng chuyên mục