Khảo sát đánh giá sức chịu tải môi trường tại điểm du lịch bản Lác, Mai Châu, Hòa Bình
Thực hiện nhiệm vụ môi trường “Đánh giá sức chịu tải môi trường của một số khu, điểm du lịch, di tích quốc gia Việt Nam” do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch giao, từ ngày 18/9 đến ngày 23/9/2019, Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch tổ chức đoàn công tác do TS. Trương Sỹ Vinh, Phó Viện trưởng đồng thời là chủ nhiệm nhiệm vụ làm trưởng đoàn và một số cán bộ chuyên môn, chuyên gia tham gia nhiệm vụ. Đoàn đã tiến hành khảo sát thực địa, điều tra tại điểm du lịch Bản Lác, xã Chiềng Châu, huyện Mai Châu, tỉnh Hòa Bình.
Chiều ngày 18/9/2019, đoàn có buổi làm việc tại huyện Mai Châu. Tham dự buổi họp có Phó Chủ tịch UBND huyện Mai Châu, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hòa Bình, Lãnh đạo một số phòng chức năng của huyện Mai Châu như Phòng Tài chính – Kế hoạch, phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, phòng Tài nguyên môi trường, Phòng Văn hóa và Thông tin và Phó chủ tịch UBND xã Chiềng Châu.
Nội dung làm việc xoay quanh những vấn đề về hiện trạng phát triển du lịch tại Bản Lác, hiện trạng môi trường (thu gom, xử lý rác thải, nước thải…); đánh giá mức độ tác động tối đa của hoạt động du lịch đến môi trường tại điểm du lịch bản Lác và đề xuất các giải pháp xử lý; nước sạch và phòng cháy chữa cháy tại các hộ gia đình kinh doanh homestay…
Phó Chủ tịch UBND huyện Mai Châu chia sẻ: du lịch Mai Châu gắn với bản sắc văn hóa của người Thái (chiếm gần 60% dân số), là nơi có nhiều điểm du lịch cộng đồng được khai thác và phát triển từ rất sớm như: bản Lác (Chiềng Châu), bản Pom Coọng… Du lịch Mai Châu nói riêng và bản Lác nói chung có sự phát triển nhanh qua từng năm, thu hút sự quan tâm của khách du lịch quốc tế và khách du lịch nội địa đến trải nghiệm, khám phá bản sắc văn hóa các dân tộc tại địa phương.
Từ thời Pháp bản Lác đã được quy hoạch là điểm du lịch, là nơi nghỉ dưỡng của các sỹ quan Pháp, tiếp đó đến những năm 1990, chuyên gia Liên Xô sang xây dựng thủy điện Hòa Bình cũng lựa chọn bác Lác, Mai Châu là điểm nghỉ dưỡng cuối tuần. Đến năm 2005, phát triển du lịch cộng đồng đã manh nha và xuất hiện một số hộ làm du lịch tại đây. Các dịch vụ thời điểm này chỉ đơn giản là khách tới lưu trú và nhờ người dân chuẩn bị thực phẩm. Đến thời điểm hiện tại, nhu cầu khách du lịch tăng cao, năm 2019, toàn bản có 74 hộ kinh doanh lưu trú du lịch trên 125 hộ. Hiện sản phẩm du lịch phục vụ du khách có gia tăng sự lựa chọn nhưng vẫn còn khá đơn điệu, chưa giữ chân được du khách, gia tăng trải nghiệm cũng như tiêu dùng trong du lịch. Sản phẩm du lịch chủ yếu vẫn là đi bộ, xe đạp quanh bản, thưởng thức văn hóa người Thái, thưởng thức ẩm thực của đồng bào dân tộc… Khách đến du lịch bản Lác mang tính thời điểm khá cao tập trung vào ngày nghỉ cuối tuần, các dịp nghỉ lễ tết, nghỉ lễ 30/4 – 1/5, 2/9, tết dương lịch… điều này sẽ gây ảnh hưởng nhất định đến sức chịu tải của môi trường tại bản Lác.
Tiếp đó, đoàn có buổi trao đổi ngắn gọn với cán bộ xã Chiềng Châu về tình hình hoạt động du lịch tại bản Lác và hiện trạng công tác bảo vệ môi trường, sử dụng nguồn nước tại xã Chiềng Châu trong đó có bản Lác.
Để có cái nhìn thực tiễn, đoàn cũng đã tiến hành phỏng vấn cộng đồng, khách du lịch và khảo sát sản phẩm du lịch tại bản Lác và một số tuyến du lịch phục vụ khách du lịch hiện đang khai thác như: đi xe điện tham quan 8 bản (bản Lác, Nà Phòn, xóm Nhót, Pom Coọng, Nà Thia, Chiềng Sại, bản Văn, xóm Chiềng Châu); khảo sát tuyến phục vụ khách nước ngoài (bản Lác, Vạn Mai, Mai Hịch, bản Bước),…
Chuyến khảo sát kết thúc với những thông tin, tư liệu có ý nghĩa nhằm nắm bắt được hiện trạng phát triển du lịch, những tác động của hoạt động du lịch đến môi trường và sức chịu tải môi trường tại bản Lác, Mai Châu, Hòa Bình. Đây những là cơ sở dữ liệu quan trọng phục vụ thực hiện các nội dung chuyên môn và xây dựng báo cáo tổng hợp nhiệm vụ./.
Thanh Hiền