Hội thảo “Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) với ngành du lịch Việt Nam”
Ngày 15/10/2020 tại Hà Nội, Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch tổ chức Hội thảo “Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương với ngành du lịch Việt Nam”. TS. Trương Sỹ Vinh – Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch thay mặt cho Ban Lãnh đạo Viện chủ trì Hội thảo.
Tham dự hội thảo có các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý đến từ các cơ quan, đơn vị, tổ chức khoa học và công nghệ trong lĩnh vực du lịch và kinh tế như: đại diện các Vụ chức năng của Tổng cục Du lịch; đại diện đến từ các viện nghiên cứu, trường đại học; chuyên gia trong lĩnh vực du lịch; đại diện một số doanh nghiệp du lịch; cơ quan báo chí và các chuyên gia Viện NCPT Du lịch.
Phát biểu khai mạc hội thảo, TS. Trương Sỹ Vinh cho biết: Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương là một hiệp định về nguyên tắc thương mại giữa 11 nước thành viên, được kí kết vào tháng 3/2018 và chính thức có hiệu lực đối với Việt Nam từ ngày 14/01/2019. CPTPP được đánh giá sẽ tác động mạnh mẽ đối với sự phát triển kinh tế – xã hội của Việt Nam nói chung và ngành Du lịch nói riêng. Do đó, đánh giá tác động của CPTPP đối với ngành Du lịch Việt Nam là điều vô cùng cần thiết. Năm 2020, Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch được Tổng cục Du lịch (TCDL), Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) giao thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu về vấn đề này.
Tiếp đó, Chủ nhiệm nhiệm vụ Ông Lê Quang Đăng – Phó Trưởng phòng Nghiên cứu Chiến lược Chính sách và Môi trường Du lịch, Viện NCPT Du lịch trình bày báo cáo đề dẫn: “Tác động của Hiệp định CPTPP đối với ngành du lịch Việt Nam” và nêu một số nội dung muốn xin ý kiến từ các chuyên gia tham dự hội thảo.
Ngay sau báo cáo đề dẫn là các bài trình bày tham luận của các chuyên gia. TS. Nguyễn Thị Thu Trang (Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập – VCCI ) trình bày tham luận với chủ đề: “Cam kết và các tác động của Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) tới các doanh nghiệp du lịch Việt Nam”. Tiếp đó, PGS.TS. Nguyễn Thường Lạng (Viện Thương mại và Kinh tế quốc tế – Đại học Kinh tế Quốc dân) trình bày tham luận với chủ đề: “Tác động của Hiệp định đối với đầu tư trực tiếp nước ngoài từ các nước thành viên CPTPP với ngành du lịch Việt Nam”. Và cuối cùng, TS. Nguyễn Quốc Việt (Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách) trình bày tham luận với chủ đề: “Tác động của Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) đối với các chính sách phát triển kinh tế xã hội và du lịch của Việt Nam”.
Sau phần trình bày tham luận, các đại biểu tập trung thảo luận về các vấn đề liên quan đến tác động của CPTPP đối với các lĩnh vực: chính sách, thị trường lao động, lao động, việc làm, hải quan, thuế quan, hàng không, đầu tư, doanh nghiệp, cạnh tranh…; cơ hội và thách thức của CPTPP với ngành Du lịch và những vấn đề liên quan khác.
Tổng kết và bế mạc hội thảo, TS. Trương Sỹ Vinh cảm ơn những ý kiến đánh giá, đóng góp rất tâm huyết và cởi mở của các đại biểu, đồng thời, khẳng định việc đánh giá tác động của CPTPP đối với ngành Du lịch sẽ được tiếp tục thực hiện nhằm tìm ra những những giải pháp, khuyến nghị phù hợp, góp phần phát triển ngành du lịch Việt Nam.
Bùi Thị Nhẹ