Điểm nhấn ngành du lịch thế giới năm 2021 – Tầm nhìn năm 2022
Ngành du lịch vẫn chưa phục hồi hoàn toàn
Đó là những nhận định của Tổ chức Du lịch Thế giới (UNWTO) về tình hình phát triển ngành du lịch trong năm vừa qua. Cụ thể, dù đạt mức tăng trưởng 4% so với năm 2020, nhưng lượng khách du lịch quốc tế vẫn kém 72% so với thời điểm trước đại dịch. Báo cáo UNWTO World Tourism Barometer tháng 1/2022 đánh giá, sự gia tăng của độ phủ vắc-xin, cộng với việc các nước nới lỏng chính sách xuất nhập cảnh đã giúp ngành du lịch phần nào hoạt động khởi sắc hơn trong nửa sau của năm 2021. Tuy nhiên, sự xuất hiện của biến chủng Omicron và sự gia tăng trở lại của số ca nhiễm vào thời điểm cuối năm tiềm ẩn nhiều rủi ro, có thể gây gián đoạn tiến trình phục hồi của ngành du lịch.
Ngành du lịch phục hồi chậm và không đồng đều
Tùy thuộc vào chính sách đi lại, tỷ lệ tiêm chủng và mức độ tự tin của du khách, mức độ phục hồi du lịch ở các khu vực có sự khác nhau. Châu Âu (với mức tăng trưởng 19%) và Châu Mỹ (đạt mức tăng trưởng 17%) là hai châu lục có mức phục hồi du lịch mạnh mẽ nhất, tiếp theo đó là Châu Phi với 12%. Trong đó, tăng trưởng du lịch vùng Carribe là 63%, Nam Địa Trung Hải là 57% và Trung Mỹ là 52%. Bắc Mỹ (+17%) và vùng Trung-Đông Âu (+18%), tuy không phục hồi mạnh mẽ như các khu vực kể trên, cũng đã đạt mức tăng trưởng dương trong năm 2021. Mặc dù đã có những tín hiệu tăng trưởng trở lại, lượng khách du lịch hiện nay vẫn còn đang kém rất xa so với thời điểm dịch bệnh chưa bùng phát.
Ngành du lịch cũng chưa thể tăng trưởng trở lại ở một số khu vực. Lượng khách quốc tế ở Trung Đông và Châu Á-Thái Bình Dương vẫn tiếp tục sụt giảm mạnh trong năm 2021 do nhiều điểm đến vẫn phải đóng cửa. Cụ thể, lượng du khách ở Trung Đông giảm 24% so với năm 2020 và 79% so với năm 2019; ở Châu Á-Thái Bình Dương là 65% so với năm trước và 93% so với thời điểm trước đại dịch.
Chi tiêu du lịch năm 2021 có xu hướng tăng
Trong năm 2021, ngành du lịch đóng góp theo nền kinh tế toàn cầu khoảng 1,9 nghìn tỷ USD. Tuy tổng giá trị thị trường ngành du lịch có sự tăng trưởng so với năm 2020, tổng mức GDP toàn ngành vẫn còn kém xa con số 3,5 nghìn tỷ USD thời điểm trước đại dịch. Tổng kim ngạch xuất khẩu của hoạt động du lịch quốc tế tuy chưa về mức trước đại dịch nhưng cũng đạt mức tăng trưởng so với năm trước, ước đạt 700 tỷ USD.
UNWTO nhận định, việc du khách có xu hướng chi tiêu nhiều hơn đã thúc đẩy ngành du lịch tăng trưởng trong năm vừa qua. Cụ thể, tổng chi trung bình cho mỗi chuyến du lịch của du khách năm 2021 đạt 1,5 nghìn USD, nhiều hơn 200 USD so với năm trước. Chi tiêu du lịch của du khách có phần mạnh tay bởi một số nguyên nhân như: khách du lịch có xu hướng nghỉ dài ngày hơn; việc giảm chi trong thời gian dịch bệnh làm tăng giá trị các khoản tiết kiệm cá nhân. Giá các dịch vụ vận chuyển và lưu trú tăng cao cũng buộc du khách phải chi trả nhiều hơn khi đi du lịch.
Những dự báo cho năm 2022
Phần lớn các thành viên Hội đồng Chuyên gia Du lịch UNWTO nhận định, ngành du lịch có nhiều triển vọng phát triển trong năm 2022 (với 61% đồng ý). Về khả năng phục hồi trở lại, 58% chuyên gia tin rằng du lịch sẽ phục hồi mạnh mẽ từ khoảng quý III năm 2022. 42% còn lại tin rằng sự phục hồi chỉ có thể bắt đầu từ năm 2023. Phần lớn cũng chuyên gia nhận định, sớm nhất là vào năm 2024, lượng khách du lịch quốc tế mới có thể đạt mức trước đại dịch.
Bảng 1: Kết quả khảo sát ý kiến các chuyên gia của UNWTO về thời điểm lượng khách du lịch quốc tế trở lại mức trước đại dịch
Tiến trình tiêm chủng vắc-xin đươc thực hiện nhanh và quyết liệt; việc mở cửa trở lại các đường biên; cùng với đó là tăng cường hợp tác, minh bạch thông tin để kiểm soát các hoạt động du lịch có hiệu quả được các chuyên gia của UNWTO nhận định là các yếu tố tiên quyết để du lịch có thể phục hồi. UNWTO cũng ước tính rằng, lượng du khách quốc tế trong năm 2022 có thể tăng từ 30%-78% so với năm trước, tuy nhiên mức tăng này vẫn sẽ thấp hơn khoảng 50%-63% lượng khách trước đại dịch.
Tuy nhiên, ngành du lịch năm 2022 vẫn sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức trong quá trình phục hồi. Sự gia tăng trở lại của các ca nhiễm và sự xuất hiện của biến chủng Omicron đã ảnh hưởng trực tiếp tới mức độ tự tin của du khách giai đoạn đầu năm 2022. Sự mất cân đối về tỷ lệ tiêm chủng vắc-xin giữa các khu vực, cùng với chính sách hạn chế đi lại ở nhiều quốc gia (đặc biệt là ở khu vực Châu Á-Thái Bình Dương) cũng có thể làm chậm tiến trình phục hồi du lịch năm 2022. Những vấn đề tồn đọng của nền kinh tế toàn cầu, như giá dầu giảm, lạm phát tăng, đứt gãy chuỗi cung ứng… cũng có thể tác động tiêu cực tới ngành du lịch.
Du lịch nội địa vẫn là động lực chính thúc đẩy ngành du lịch phục hồi trong năm 2022. Các chuyên gia của UNWTO dự đoán, du lịch nội địa năm nay sẽ xoay quanh một vài xu hướng chính, như: ưu tiên các điểm du lịch gần địa bàn lưu trú, tận hưởng các hoạt động ngoài trời. Các sản phẩm du lịch dựa vào thiên nhiên, du lịch nông thôn vẫn sẽ tiếp tục được du khách ưa chuộng trong năm 2022.
Minh Đức