Hội thảo Triển khai lập Quy hoạch không gian biển quốc gia và Quy hoạch tổng thể khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên vùng bờ
Ngày 16/4/2021, tại khách sạn Thắng Lợi, Hà Nội, Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp với Ngân hàng Thế giới (WB) tổ chức Hội thảo “Triển khai lập quy hoạch không gian biển quốc gia và quy hoạch tổng thể khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên vùng bờ thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2045”. Ông Lê Minh Ngân – Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường làm chủ trì Hội thảo. Tham dự Hội thảo có đại diện các Ủy ban của Quốc hội, các Bộ, Cơ quan ngang Bộ và thuộc Chính phủ, Sở Tài nguyên và Môi trường của 28 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có biển; các tổ chức quốc tế, các chuyên gia, nhà khoa học. Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch tham gia Hội thảo và có bài tham luận chủ đề về du lịch và dịch vụ biển.
Việc triển khai nhiệm vụ lập Quy hoạch không gian biển quốc gia và Quy hoạch tổng thể khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên vùng bờ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 nhằm triển khai các chính sách quan trọng. Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 22/10/2018 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII) về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 xác định du lịch biển là lĩnh vực ưu tiên hàng đầu trong 5 lĩnh vực kinh tế biển. Định hướng này được đưa ra dựa trên tiềm năng phát triển du lịch biển đảo và tài nguyên du lịch biển, đảo của Việt Nam. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trong quá trình lập quy hoạch không gian biển quốc gia và đặc biệt là quy hoạch tổng thể khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên vùng bờ góp phần nâng cao hiệu quả đầu tư của các chương trình/dự án của các ngành, lĩnh vực và địa phương.
Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Lê Minh Ngân cho biết: Nhiệm vụ lập Quy hoạch không gian biển quốc gia và Quy hoạch tổng thể khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên vùng bờ rất khó và phức tạp, đòi hỏi cơ chế phối hợp, liên kết giữa các bên liên quan.
Viện NCPT Du lịch đã trình bày các vấn đề đặt ra trong bài tham luận đối với phát triển bền vững, gồm những khía cạnh chính như sau: Lượng khách du lịch biển và tổng thu từ khách du lịch rất cao nhưng thời gian lưu trú trung bình còn thấp, đặc biệt tính mùa vụ còn rất cao, đặc biệt là ở miền Bắc; việc phân vùng không gian cho các loại hình sản phẩm và các thị trường đòi hỏi có sự khác biệt ở quy mô, cấp độ chưa được nghiên cứu, triển khai thực hiện; việc xây dựng các sản phẩm du lịch ở các khu vực khác nhau chưa chú trọng đến định hướng sản phẩm đặc trưng, vì vậy không chỉ có tình trạng trùng lặp về sản phẩm du lịch trong cùng một khu vực mà còn có sự trùng lặp về sản phẩm du lịch giữa các khu vực có điều kiện địa lý và đặc điểm tài nguyên du phát triển bền vững cần được coi là ưu tiên hàng đầu trong mọi hoạt động phát triển du lịch biển đảo.
Theo đó, Viện NCPT Du lịch nêu quan điểm phát triển bền vững cần được coi là ưu tiên hàng đầu trong mọi hoạt động phát triển du lịch biển đảo. Điều này phù hợp với quan điểm của Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030 là phát triển du lịch bền vững và bao trùm, trên nền tảng tăng trưởng xanh, tối đa hóa sự đóng góp của du lịch cho các mục tiêu phát triển bền vững của Liên Hợp Quốc. Cụ thể, việc phân vùng phát triển cần được thực hiện ở các cấp độ từ quốc gia, các vùng, các tỉnh/thành và tại từng khu vực cụ thể gắn với định hướng khai thác thị trường và phù hợp với đặc điểm tài nguyên để có thể đạt hiệu quả khai thác cao nhất. Bên cạnh đó, cần phải phân kỳ phát triển để các khu vực phát triển sau sẽ được hưởng lợi từ những bài học kinh nghiệm của các điểm đến đi trước, đồng thời góp phần điều chỉnh tính chất cạnh tranh giữa các điểm đến theo hướng lành mạnh hơn. Liên quan đến phát triển du lịch bền vững nói chung và phát triển bền vững du lịch biển đảo nói riêng, cần thực hiện các nghiên cứu về sức chứa, nghiên cứu một cách bài bản, có hệ thống về tác động của biến đổi khí hậu, nước biển dâng đối với du lịch biển, đảo và gắn kết với lợi ích của cộng đồng, của người dân.
Về phía đại diện tổ chức quốc tế, ông Dinesh Aryal, điều phối viên Chương trình Quản lý môi trường và kinh tế biển của WB tại Việt Nam khẳng định WB sẽ hợp tác lâu dài với Việt Nam để góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế biển bền vững.
Chiến Thắng