Giới thiệu sáng kiến “Du lịch bền vững – Xóa đói giảm nghèo” của Tổ chức Du lịch thế giới
Sáng kiến ST-EP (Sustainable Tourism – Eliminating Poverty Initiative – Du lịch bền vững – xóa đói giảm nghèo) là một Chương trình quan trọng của Tổ chức Du lịch thế giới UNWTO trong những năm qua nhằm hướng dẫn các nước thành viên về các giải pháp thực hiện xóa đói giảm nghèo thông qua hỗ trợ cộng đồng phát triển du lịch.
Phát triển du lịch gắn với xóa đói giảm nghèo đang là mục tiêu của nhiều quốc gia nghèo và quốc gia đang phát triển, trong đó có Việt Nam. Hiện nay, Viện NCPT Du lịch với tư cách là đơn vị tham mưu cho Tổng cục Du lịch đã xây dựng Đề án “Phát triển du lịch cộng đồng kết hợp xóa đói giảm nghèo và chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn đến năm 2020 để Bộ VHTTDL trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Đây được coi là một nhiệm vụ quan trọng mà Bộ VHTTDL chủ trì để tiến tới cùng các Bộ, ngành liên quan thực hiện lồng ghép nhiệm vụ phát triển du lịch vào các mục tiêu xóa đói giảm nghèo.
Sáng kiến ST-EP được bắt nguồn từ yêu cầu phát triển tất yếu. Tại Hội nghị Thượng đỉnh thiên niên kỷ từ năm 2000, Liên Hợp Quốc xác định nghèo đói là thách thức lớn của toàn cầu, coi đó như một trong những Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ (MDGs), hướng tới xóa đói giảm nghèo cùng cực vào năm 2015. Với mục tiêu này, Tổ chức Du lịch Thế giới (UNWTO) đã tìm cách giải quyết vấn đề bằng việc đưa ra Sáng kiến ST-EP (Sustainable Tourism – Eliminating Poverty Initiative), công bố tại Hội nghị Thượng đỉnh Thế giới về Phát triển Bền vững tại Johannesburg năm 2002.
Mặc dù du lịch có vị trí đặc biệt trong việc xóa đói giảm nghèo, tuy nhiên, người nghèo ở những nước kém phát triển không được hưởng các loại ích kinh tế từ ngành du lịch. Tổ chức Du lịch thế giới đã đưa ra chương trình Du lịch bền vững – Xóa đói giảm nghèo (Sáng kiến ST-EP) nhằm thúc đẩy xóa đói giảm nghèo thông qua hỗ trợ cho các dự án phát triển bền vững. Mọi sáng kiến tập trung vào việc duy trì và nâng cao các hoạt động mang tính lâu dài của các tổ chức hướng tới khuyến khích phát triển du lịch bền vững – xã hội, kinh tế và sinh thái – với các hoạt động đặc biệt tiến tới xóa đói giảm nghèo, hỗ trợ, tạo công ăn việc làm cho người dân sống dưới mức một đô-la một ngày. UNWTO xem Sáng kiến ST-EP như một công cụ hiệu quả để thực hiện các Mục tiêu Thiên niên kỷ (MDGs). Du lịch có thể đóng một vai trò quan trọng đặc biệt đối với mục tiêu 1, 3, 7, 8 giải quyết xóa đói giảm nghèo, bình đẳng giới, xây dựng môi trường bền vững và hợp tác toàn cầu.
Sau khi ra mắt Sáng kiến ST-EP, UNWTO đã thành lập Quỹ ST-EP tại Seoul – Hàn Quốc năm 2004 và bắt đầu thực hiện dự án vào cuối năm 2005 với một chương trình đào tạo hướng dẫn viên du lịch địa phương cho ngôi làng Ebogo ở Camerun. Kể từ đó, danh mục đầu tư của dự án nhanh cho chóng được mở rộng, hiện nay, nó bao gồm hơn 100 dự án nhỏ tại 30 quốc gia đang phát triển với nhiều hoạt động khác nhau từ phát triển sản phẩm du lịch sinh thái cộng đồng địa phương ở Guatemala, cho đến việc phát triển và quảng bá Đường mòn Himalaya vĩ đại tại Nepal với hướng tiếp cận nâng cao nhân tố kinh tế thông qua du lịch tại các quốc gia này. Một nửa số quốc gia được hưởng lợi từ những dự án là các nước kém phát triển. Các dự án có sự hợp tác chặt chẽ giữa các cơ quan du lịch quốc gia, chính phủ địa phương, các tổ chức phai chính phủ, các tổ chức phát triển và doanh nghiệp du lịch tại các nước thụ hưởng.
Dự án Sáng kiến ST-EP thường xuyên tổ chức các hội thảo nhằm nâng cao hiểu biết cũng như năng lực cho các cán bộ công chức, tổ chức phi chính phủ, doanh nghiệp tư nhân, cộng đồng địa phương. Năm 2004, UNWTO đã tổ chức trên 20 hội thảo đào tạo tại các vùng miền và các quốc gia về du lịch và xóa đói giảm nghèo với tổng đại biểu lên tới 2000 quan chức. Ngoài các hội thảo, UNWTO còn tổ chức nhiều diễn đàn ST-EP tại ITB Bec-lin, trình bày dự án này tại các hội thảo quốc tế, cung cấp bài giảng cho nhiều khóa học du lịch, tất cả nhằm phổ biến các kinh nghiệm cũng như bài học trước đó cho nhiều tổ chức và cá nhân quan tâm đến việc làm thế nào thực hiện được các mục tiêu thiên niên kỷ.
Hiện nay, chương trình Sáng kiến ST-EP vẫn đang được Tổ chức Du lịch thế giới UNWTO tiếp tục triển khai tích cực.
7 CƠ CHẾ CỦA ST- EP
Để mang đến những lợi ích thiết thực cho người nghèo, cần thiết phải có hệ thống thông tin rõ ràng nhằm tác động đến việc khuyến khích chi tiêu của khách du lịch, đây cũng là việc đầu tư để cải thiện thu nhập và chất lượng sống cho người dân ở vùng nghèo đói, đồng thời đảm bảo mọi khả năng về vật chất và nhân lực tại địa phương đều được xem xét và sử dụng cho du lịch, đem lại lợi ích kinh tế vùng miền.
Trong ấn phẩm: Du lịch và xóa đói giảm nghèo, đề nghị hành động, Sáng kiến ST- EP đã giới thiệu 7 cơ chế khác nhau, trong đó, người nghèo có thể được hưởng lợi ích từ ngành du lịch. Những cơ chế này trở thành kim chỉ nam quan trọng của Sáng kiến ST-EP, liên quan đến việc phổ biến và kết hợp hoạt động trong dự án ST-EP: nghiên cứu, hội thảo, đào tạo và các hội nghị liên quan. Có thể tóm tắt mỗi cơ chế như sau:
1. Tạo việc làm cho người nghèo trong các doanh nghiệp du lịch
Cơ chế này bao gồm các biện pháp thực hiện nhằm nâng cao mức sống cho người nghèo khi làm việc cho các doanh nghiệp du lịch. Thực tế, mối quan hệ giữa kinh doanh du lịch và việc làm cho người dân địa phương là một hệ cộng sinh, trong đó cả hai mặt đều được hưởng lợi đáng kể. Những khu vực nghèo đói sẽ được hưởng lợi ích trực tiếp bởi nó cho phép người nghèo phát triển những kỹ năng của họ và được hưởng lợi từ điều đó, nâng cao các chất lượng dịch vụ du lịch. Nâng cao chất lượng của giáo dục và đào tạo được cho là rất quan trọng, nhằm giúp người nghèo có thể đáp ứng được yêu cầu cơ hội đến với họ đồng thời, bất kì rào cản xã hội và văn hóa nào cũng bị loại bỏ.
2. Người nghèo hay các tổ chức kinh tế của họ cung cấp hàng hóa và dịch vụ cho các doanh nghiệp du lịch
Một trong những điều kiện cơ bản để có thể xóa đói giảm nghèo đó là hàng hóa và dịch vụ trong ngành du lịch phải là một chuỗi cung ứng, nhiều nhất có thể, đến từ các địa phương, vùng miền. Mục tiêu hướng tới là tối đa hóa tiêu dùng cho ngành du lịch và lợi ích đó được giữ lại ở cộng đồng địa phương mà trong đó, người nghèo tham gia vào quá trình này. Biện pháp nêu trên giúp hỗ trợ các kỹ năng và hoạt động truyền thống của vùng nông thôn, nâng cao chất lượng và định vị sản phẩm du lịch địa phương, giúp ổn định các nguồn thu nhập cho người dân.
3. Người nghèo trực tiếp cung cấp hàng hóa và dịch vụ cho du khách (hoạt động kinh doanh không chuyên)
Một trong những biện pháp chính để người nghèo có thể tìm kiếm lợi nhuận từ du lịch là thông qua việc bán các sản phẩm và dịch vụ, chẳng hạn như: hoa quả, đồ thủ công, hướng dẫn du lịch và họ sẽ trực tiếp thực hiện việc cung cấp đó.
Du khách tham quan tại các điểm đến sẽ có một số hoạt động trao đổi mua – bán nhỏ, lẻ, điều này có thể giúp nâng cao thu nhập cho người nghèo, đồng thời đem lại những trải nghiệm đầy màu sắc và bổ ích cho du khách. Cung cấp thông tin tới du khách là việc làm rất quan trọng, bên cạnh đó, trang bị cho người dân địa phương kiến thức về yêu cầu, tiêu chuẩn sẽ giúp đảm bảo cho sản phẩm của họ có thể đáp ứng yêu cầu của khách du lịch.
4. Thành lập và đưa vào hoạt động các doanh nghiệp du lịch vừa và nhỏ hoặc các tổ chức liên doanh bởi người nghèo (kinh doanh chuyên nghiệp)
Cơ chế này bao gồm việc thành lập, quản lý tổ chức kinh doanh du lịch chuyên nghiệp hơn bởi người nghèo, không phải ở cấp độ riêng lẻ, hay cộng đồng. Những tổ chức này có thể là các cơ sở lưu trú, ăn uống, vận chuyển, cửa hàng bán lẻ, hướng dẫn và giải trí. Lợi ích từ việc hình thành các doanh nghiệp ở cấp địa phương là tạo nên sức mạnh cũng như khả năng quản lý nằm trong tay người dân địa phương, tạo khả năng đảm bảo, duy trì các khoản đầu tư dài hạn cũng như cho phép doanh nghiệp thiết lập một quy mô hoạt động cần thiết để thu hút khách hàng.
5. Phân phối lại số tiền thu được từ thuế hay các khoản phí từ khách du lịch hoặc các doanh nghiệp kinh doanh du lịch
Cơ chế này liên quan đến doanh thu của quốc gia hay chính quyền địa phương từ du lịch có thể giúp giảm nghèo. Ưu điểm của cơ chế này là tất cả những người nghèo đều có thể thu lợi từ du lịch mà không cần tham gia trực tiếp vào ngành du lịch. Phạm vi mà trong đó nguồn ngân sách thu được từ du lịch hướng tới xóa đói giảm nghèo sẽ tùy thuộc vào chương trình và các ưu tiên quốc gia. Thuế và các khoản thu đều có thể đem lại nguồn thu cho địa phương, chẳng hạn như khoản thu từ khách nghỉ qua đêm đến tiền vé vào cửa các khu bảo tồn thường có thể sử dụng tất cả hay một phần làm lợi ích cộng đồng. Sự minh bạch trong việc áp dụng thuế địa phương là cần thiết, bên cạnh đó cũng cần tư vấn cho các khu vực riêng lẻ tránh áp đặt mức thuế quá cao sẽ hạn chế kinh doanh và khách du lịch đến tham quan.
6. Du khách và các tổ chức kinh doanh du lịch tự nguyện ủng hộ, giúp đỡ người dân tại các địa phương.
Việc tình nguyện hỗ trợ người nghèo bằng tiền hay lòng hảo tâm có thể có thể tác động lớn đến xóa đói, giảm nghèo. Nhiều nghiên cứu khác nhau đã chỉ ra rằng, trong số khách du lịch, nhiều người sẵn sàng làm một điều gì đó có ích đối với địa phương mà họ vừa tham quan. Một số doanh nghiệp du lịch cam kết tài trợ cho dự án phát triển của địa phương nơi họ hoạt động. Các tổ chức địa phương hay tổ chức phi chính phủ có thể giúp đỡ trong việc tạo cơ chế thuận lợi thu hút đầu tư, tài trợ. Đề án đã chỉ ra rằng, địa phương và cộng đồng hoàn toàn có cơ hội lớn trong việc thu hút tài trợ, giúp đỡ từ du khách.
7. Đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng thông qua du lịch, đồng thời đem lại lợi ích cho người nghèo ở địa phương, trực tiếp hoặc thông qua sự hỗ trợ của các lĩnh vực khác
Phát triển ngành du lịch, đặc biệt ở vùng sâu, vùng xa, vùng mới khai thác, có thể bao gồm cả công tác đầu tư cơ sở hạ tầng, chẳng hạn như xây dựng đường xá, hệ thống cung cấp nước và năng lượng, vệ sinh môi trường và phát triển văn hóa cộng đồng. Với việc lập kế hoạch một cách cẩn thận, cơ sở hạ tầng sẽ đem lại những lợi ích tích cực đến với người nghèo thông qua cung cấp cho họ những dịch vụ cơ bản, mở ra đường giao thông và tiếp cận nhanh hơn với thị trường. Thách thức chính ở đây là cần đảm bảo việc phát triển du lịch không làm tổn hại những giá trị của địa phương, ngược lại phải mang đến những cơ hội tiếp cận mới cho cộng đồng.
Phòng QLKH & HTQT
Tham khảo tại: http://step.unwto.org/en/content/seven-st-ep-mechanisms