Cuộc họp TAB lần thứ 16: Du lịch Việt Nam cần biến thách thức thành cơ hội
Ngày 21/10/2020, Hội đồng Tư vấn Du lịch (TAB) tổ chức cuộc họp lần thứ 16 tại Khách sạn Sofitel Legend Metropole Hanoi. Năm 2020, do tác động của dịch Covid-19, cuộc họp thường niên của TAB vào tháng 4 đã không thể thực hiện được. Cuộc họp lần này nhằm mục đích chính là để thảo luận hai vấn đề trọng tâm: Cần chuẩn bị điều kiện gì để đón khách quốc tế trở lại và những việc cần làm để tận dụng cơ hội, biến thách thức thành cơ hội. Ông Nguyễn Văn Hùng, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, ông Nguyễn Trùng Khánh, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch, ông Trần Trọng Kiên, Chủ tịch TAB đồng chủ trì cuộc họp. Tham dự cuộc họp có các thành viên TAB; Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Lê Phúc và các đơn vị chức năng thuộc Tổng cục Du lịch; đại diện Phái đoàn Liên minh châu Âu; đại diện Ban Nghiên cứu Phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV) thuộc Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ; đại diện Chương trình Du lịch bền vững của Thụy Sĩ (SSTP); các chuyên gia tư vấn và các phóng viên báo chí.
Phát biểu tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng đánh giá cao các diễn đàn đối thoại công tư để qua đó đạt được các mục tiêu chung. Năm 2020, Việt Nam phấn đấu đạt được mức tăng trưởng kinh tế – xã hội từ 2,5 – 3%. Thứ trưởng chia sẻ: “Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch hoan nghênh các đề xuất giải pháp TAB có tính thực tiễn cao, trong đó ưu tiên kế hoạch triển khai thực hiện chuyển đổi số và phát triển bền vững.
Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Trùng Khánh cho biết tình hình du lịch trong 9 tháng đầu năm, doanh thu đạt 223 ngàn tỷ đồng (giảm 36% so với năm 2019). Dự báo năm 2020, du lịch Việt Nam chỉ đón được khoảng từ 4 đến 4,5 triệu lượt khách quốc tế. Tổng thiệt hại cho ngành du lịch ước tính 22,2 tỷ USD. Tổng cục Du lịch đánh giá cao sự phối hợp của các thành viên TAB và các sáng kiến của TAB và mong muốn cuộc họp sẽ đạt được kết quả về việc thống nhất lộ trình cụ thể cho kế hoạch hành động trong thời gian tới.
Tại cuộc họp, các đại biểu đã chia sẻ các quan điểm chung về việc ưu tiên hàng đầu là đảm bảo an toàn cho khách du lịch, tập trung vào những việc có thể làm được hiện nay là cơ cấu lại ngành, hỗ trợ doanh nghiệp và thúc đẩy du lịch nội địa. Bên cạnh đó, ông Trần Trọng Kiên, chủ tịch TAB nêu kinh nghiệm quốc tế từ nhóm 20 nền kinh tế lớn (G20) về chính sách phát triển du lịch, bao gồm: (1) thị thực thông thoáng; (2) kết nối đa dạng các loại hình vận chuyển; (3) quản lý khách du lịch; (4) phân quyền từ trung ương đến địa phương ở các ngành liên quan để có quy trình du lịch thông suốt.
Bàn về giải pháp của ngành du lịch trong phối hợp với các ngành khác, các đại biểu cho ý kiến như sau: TAB cần đề xuất cơ chế phối hợp cụ thể giữa ngành du lịch với các ngành hàng không, y tế, ngoại giao. Theo đó, tại thời điểm Chính phủ đang cho phép đón chuyên gia nước ngoài tại một số quốc gia, cần có sự phối hợp các ngành xác định rõ quy trình lựa chọn thị trường, quy định về bảo hiểm, mức thu chi phí của xét nghiệm; cần thông tin rộng rãi về quy chuẩn và phương thức đảm bảo an toàn trong đón khách chuyên gia.
Liên quan đến việc xây dựng quy chuẩn an toàn, các đại biểu cho rằng cần xây dựng thí điểm Đề án đón khách đảm bảo an toàn với các quy trình đề xuất như cấp giấy chứng nhận, cách ly, xét nghiệm, theo dõi lộ trình chuyến đi…; cần có hướng dẫn quy định cụ thể về một giao thức an toàn dịch bệnh cho điểm đến, cho khách du lịch, ưu tiên thị trường nội địa, đặc biệt khách đi du lịch ngắn ngày (2 – 3 ngày)
Một số ý kiến khác cũng được các đại biểu đưa ra tại cuộc họp như vấn đề mức giá chênh lệch dành cho khách quốc tế và Việt Nam; nghiên cứu điều kiện để phát triển du lịch siêu giàu…
Liên quan đến Quỹ hỗ trợ phát triển du lịch cho giai đoạn 2021 và các năm tiếp theo, đại diện Phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam phát biểu: Trong giai đoạn tới, Liên minh châu Âu sẽ phối hợp với Chính phủ Việt Nam để tìm ra lĩnh vực ưu tiên cần được hỗ trợ có tính bao trùm nhiều ngành, trong đó có ngành du lịch. Các lĩnh vực chắc chắn sẽ được quan tâm gồm chuyển đổi số, thỏa thuận xanh (green deal), phát triển bền vững…
Kết thúc cuộc họp, ông Trần Trọng Kiên, chủ tịch TAB đề nghị các thành thành viên TAB cho ý kiến về các ý kiến trình Chính phủ liên quan đến các đề xuất về thể chế, chính sách, quy ước về du lịch an toàn và tái cấu trúc du lịch nội địa; tập trung nghiên cứu một số lĩnh vực phục vụ cho nâng cao năng lực cạnh tranh như: chuyển đổi số; kết nối, đào tạo, đầu tư hạ tầng, phát triển bền vững… Một lần nữa, TAB khẳng định trong thời gian tới sẽ tiếp tục nỗ lực cùng ngành du lịch vượt qua thách thức, vươn lên sau khủng hoảng, để đạt được vị trí top 2 Đông Nam Á.
Chiến Thắng