Phát triển sản phẩm du lịch đặc trưng: Tạo nét riêng cho du lịch xứ Thanh
Xây dựng thương hiệu điểm đến là một yêu cầu đặc biệt quan trọng trong quá trình phát triển du lịch. Để làm được điều đó, Thanh Hóa cần phát triển các sản phẩm du lịch độc đáo và hấp dẫn của riêng mình. Bởi nếu phát triển những sản phẩm du lịch tương tự như các tỉnh khác trong khu vực sẽ gặp nhiều bất lợi trong việc thu hút khách du lịch.
Xác định sản phẩm đặc trưng dựa vào tiềm năng, tài nguyên du lịch
Để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của du khách, trong điều chỉnh Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Thanh Hoá (đến năm 2020) vấn đề thị trường và sản phẩm du lịch được đặc biệt chú trọng và nghiên cứu, phân tích kỹ lưỡng. Trong đó, một trong những định hướng chính được đưa ra là phát triển các sản phẩm đặc trưng. Theo đó, căn cứ vào tiềm năng, tài nguyên du lịch và các điều kiện liên quan, sản phẩm du lịch đặc trưng của tỉnh bao gồm: Tham quan, nghỉ dưỡng biển, vui chơi giải trí (Sầm Sơn và các khu, điểm du lịch ven biển khác); tham quan, nghiên cứu các hệ sinh thái điển hình, đa dạng sinh học (Vườn quốc gia Bến En, khu BTTN Pù Luông, Pù Hu); tham quan, nghiên cứu các giá trị văn hóa Việt Nam, hướng về cội nguồn (các di tích, lễ hội, làng nghề truyền thống)…
Theo bà Vương Hải Yến – Trưởng phòng Nghiệp vụ Du lịch (Sở VH, TT&DL) thì: “Sau khi tìm hiểu, nghiên cứu thị trường du lịch Thanh Hóa gồm có thị trường khách du lịch quốc tế và khách du lịch nội địa, sản phẩm du lịch đặc trưng đã được đưa ra để phù hợp với nhu cầu của từng thị trường. Do vậy, đối với thị trường khách quốc tế thì các sản phẩm du lịch đặc trưng là du lịch sinh thái, đặc biệt là du lịch khám phá miền Tây xứ Thanh. Đối với thị trường khách du lịch nội địa là các sản phẩm du lịch văn hoá, lễ hội, du lịch nghỉ cuối tuần, các hoạt động ngoài trời và loại hình du lịch kết hợp với các hoạt động thể thao, sự kiện thể thao”.
Chiến lược phát triển sản phẩm du lịch đặc trưng
Để các sản phẩm du lịch đặc trưng phát huy hiệu quả, trong định hướng phát triển du lịch của tỉnh cũng đã chú trọng đến một số vấn đề như: Chiến lược tiếp thị, chiến lược đầu tư cơ sở hạ tầng cho từng loại sản phẩm du lịch đặc trưng (đã được xác định), chiến lược phân đoạn thị trường theo các yếu tố dân số xã hội học và hình thức đi du lịch.
Bà Vương Hải Yến cũng cho biết thêm: Trong giai đoạn hiện nay chiến lược cạnh tranh thị trường là một trong những vấn đề mấu chốt để phát triển sản phẩm du lịch đặc trưng nhằm tăng sức cạnh tranh đối với những sản phẩm du lịch của các tỉnh khác, và cũng như để bổ trợ cho những sản phẩm du lịch đặc trưng. Thời gian tới Thanh Hóa sẽ tạo ra một hình ảnh du lịch riêng, ví dụ như: “Tuor du lịch khám phá miền Tây Thanh Hóa”, “Tham quan và nghỉ cuối tuần ở Thanh Hóa”… Đối với mỗi loại hình du lịch sẽ có những thông tin quảng cáo phù hợp để khách hàng dễ tìm hiểu. Chẳng hạn như với lễ hội văn hóa thì cần có các ấn phẩm quảng cáo riêng về ngày lễ với các thông tin chi tiết và được phân phát trước thời gian tổ chức nhiều ngày. Các ấn phẩm quảng cáo du lịch của Thanh Hóa phải có biểu tượng, khẩu hiệu chung của toàn ngành du lịch do Tổng cục Du lịch đưa ra…
Nguồn: Báo VH&ĐS Thanh Hóa