Chuyển đổi sinh kế phát triển du lịch tại các tỉnh ven biển Việt Nam ứng phó với biến đổi khí hậu
Tóm tắt:
Biến đổi khí hậu tác động tới cộng đồng ven biển khiến họ phải thay đổi chiến lược sinh kế theo hướng ít phụ thuộc vào tài nguyên thiên nhiên hơn. Chuyên đề phân tích ảnh hưởng của BĐKH đối với cộng đồng các tỉnh ven biển Việt Nam, tổng hợp một số điển hình tốt về chuyển đổi sinh kế ứng phó với BĐKH, qua đó, xác định những vấn đề quan trọng liên quan đến phát triển du lịch.
Từ khóa: sinh kế, biến đổi khí hậu (BĐKH), phát triển du lịch
1. Đặt vấn đề
Việt Nam là một quốc gia ven bờ biển Đông, có các vùng biển và thềm lục địa thuộc chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán quốc gia rộng khoảng 1 triệu km2 (gấp 3 lần diện tích đất liền); bờ biển dài khoảng 3.260 km, cứ 100 km2 đất liền có 1 km bờ biển (trung bình của thế giới là 600 km2 đất liền có 1 km bờ biển); có khoảng 3.000 đảo lớn, nhỏ gần bờ và 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Cả nước có 28 tỉnh, thành phố ven biển trực thuộc Trung ương, chiếm 42% diện tích đất liền và 45% dân số toàn quốc (T.M.Tuấn, 2013). Trên suốt chiều dài đường bờ biển Việt Nam có khoảng 125 bãi tắm, trong đó có những bãi tắm lớn mà chiều dài tới 15 – 18km và nhiều bãi tắm nhỏ chiều dài 1 – 2km đủ điều kiện thuận lợi để khai thác phục vụ du lịch. Các bãi biển của nước ta phân bố trải đều từ Bắc vào Nam. Từ Móng Cái đến Hà Tiên có hàng loạt các bãi tắm đẹp như Trà Cổ, Sầm Sơn, Cửa Lò, Nhật Lệ, Cửa Tùng, Cảnh Dương, Lăng Cô, Non Nước, Mỹ Khê, Sa Huỳnh, Quy Nhơn, Đại Lãnh, Văn Phong, Nha Trang, Ninh Chữ, Cà Ná, Mũi Né, Long Hải, Vũng Tàu, Hà Tiên…
Khu vực ven biển và hải đảo với đặc trưng của các cộng đồng làm nghề chài lưới là điểm hấp dẫn có thể trở thành sản phẩm du lịch đặc thù. Ở Việt Nam các đảo ven bờ có thể khai thác phát triển du lịch cộng đồng thuận lợi là các đảo thuộc quần đảo Bạch Long Vĩ và Hạ Long, Cát Bà, các đảo Cồn Cỏ, Cù Lao Chàm, Lý Sơn, Côn Đảo và Phú Quốc. Các làng chài ven biển thuận lợi khai thác phát triển du lịch chủ yếu tập trung ở dải ven biển miền Trung, từ Quảng Bình đến Bình Thuận. Đối với các đảo ven bờ, có thể hình thành các nhóm đảo khai thác phát triển du lịch cộng đồng là: Nhóm đảo đất Bạch Long Vĩ; Nhóm đảo đá vôi Hạ Long-Cát Bà; Nhóm đảo ven bờ Trung Bộ; Nhóm đảo xa bờ Côn Đảo và Phú Quốc. (TCDL, 2013)
Trước thực trạng BĐKH ảnh hưởng đến sinh kế ven biển, cộng đồng đang phải đối mặt với nhiều rủi ro và tổn thương trên phạm vi toàn cầu hơn bất cứ nơi nào khác. Áp lực do chính con người tạo ra ngày càng tăng, liên quan đến khai thác quá mức tài nguyên biển, đánh bắt và các hoạt động dựa vào đất đai. BĐKH làm chậm hơn khả năng phục hồi của hệ sinh thái biển cho phúc lợi và sinh kế của con người (Adger & cộng sự, 2005; Lebel, 2012). Với sự thay đổi tần suất của các hiện tượng thời tiết cực đoan như lốc xoáy, bão biển, sinh kế của người dân ven biển đang bị ảnh hưởng nặng nề, điển hình như sản xuất nông nghiệp ven biển và đánh bắt. Bên cạnh đó, mức độ nhiễm mặn, mặc dù tăng chậm theo thời gian nhưng là mối đe dọa lớn đến canh tác nông nghiệp truyền thống và hệ sinh thái rừng ngập mặn. (Moniruzzaman, 2012). Các nghiên cứu đã chỉ ra chiến lược sinh kế ứng phó với BĐKH ở ven biển rất đa dạng, phụ thuộc vào khả năng thích ứng của hộ, cộng đồng, vùng lãnh thổ và thậm chí trên bình diện quốc gia. Sinh kế ứng phó với BĐKH mang tính bối cảnh cụ thể và phụ thuộc vào các tiêu chí phân loại thích ứng khác nhau.
Vùng ven biển Việt Nam đang ngày càng bị đe dọa trước sự gia tăng của mực nước biển, bão, lũ lụt và hạn hán. Các sinh kế chính sẽ chịu những ảnh hưởng trực tiếp nhất là thủy sản (đặc biệt là nuôi trồng), nông nghiệp, du lịch và vận tải biển (Jeremy Carew-Reid, 2008, tr.7). Khoảng 58% sinh kế ven biển Việt Nam đều dựa vào nông nghiệp, đánh bắt và nuôi trồng thủy sản (Peter Chaudhry và Greet Ruysschaert, 2007, tr. 2) là những sinh kế phụ thuộc nhiều vào khí hậu và nguồn nước. Điều này sẽ trực tiếp tác động tới cộng đồng ven biển nghèo vốn phụ thuộc nhiều vào các nguồn tài nguyên thiên nhiên, đặc biệt là tài nguyên thủy sản để thực hiện các chiến lược sinh kế.
BĐKH đang biểu hiện rõ ở khu vực ven biển như nhiệt độ ngày càng tăng, lượng mưa biến động hơn và nhiều hiện tượng thời tiết cực đoan. Tại Hà Tĩnh, một trong những tỉnh miền Trung bị ảnh hưởng mạnh bởi BĐKH, nhiệt độ bề mặt có khuynh hướng cao hơn trong các thập niên qua. Hà Tĩnh được đánh giá là một trong những vùng có mức tăng nhiệt độ cao nhất ở Việt Nam. Theo kịch bản biến đổi khí hậu quốc gia, nhiệt độ trung bình của Hà Tĩnh nói riêng và miền Trung nói chung sẽ tiếp tục tăng lên khoảng 20C – 40C; lượng mưa vào mùa khô sẽ giảm khoảng 1% – 12% trong khi có khuynh hướng tăng lên vào mùa mưa khoảng 6% – 19% và mực nước biển tăng khoảng 74 – 100cm. Hạn hán và hiện tượng nắng nóng có dấu hiệu gia tăng rõ rệt ở khu vực miền Trung so với các vùng khác trong cả nước. Tình trạng thiếu nước tưới và nước sinh hoạt vào mùa khô là một trong những hiện tượng nổi rõ nhất trong thời gian gần đây. (H.T.A. Phương, 2016)
Có mối liên hệ giữa mức độ rủi ro thời tiết và lựa chọn sinh kế thay thế theo các mức độ khác nhau. Khi rủi ro càng tăng lên, con người có xu hướng lựa chọn các chiến lược sinh kế đa dạng, có kế hoạch và bền vững hơn. Cụ thể từ sinh kế truyền thống chủ yếu dựa vào nguồn lực tự nhiên và tài nguyên biển, người dân tiến hành các hoạt động cải thiện sinh kế, đa dạng hóa sinh kế, sinh kế bổ sung và sinh kế thay thế (có thể là sinh kế phụ trợ hoặc phi nông nghiệp). Các chiến lược sinh kế sau này hướng tới đa mục tiêu như: tăng thu nhập, giảm thiểu rủi ro, giảm phụ thuộc vào tài nguyên, phát triển ổn định và bền vững trong dài hạn. Ý tưởng dẫn dắt sinh kế thay thế là tạo ra động lực để con người dừng các hoạt động sinh kế không bền vững trong hiện tại để chuyển sang các hoạt động sinh kế bền vững hơn. Để làm được việc này, sinh kế thay thế cần phải đem lại lợi ích kinh tế hơn. (Đ.T. Diệp, 2016).
2. Điển hình tốt về chuyển đổi sinh kế ứng phó với BĐKH
2.1. Điểm đến du lịch Pangandaran ở Java, Indonesia
Pangandaran là một điểm đến du lịch nổi tiếng ở Java, Indonesia nhưng dễ bị tổn thương trước những tác động của BĐKH. Mực nước biển dâng và nhiệt độ cao ảnh hưởng đến hệ sinh thái của khu vực này và sóng thần năm 2006 cũng gây ra nhiều thiệt hại dọc đường bờ biển. Các hoạt động du lịch và các điểm tham quan ở Pangandaran, như bơi lội, lướt sóng và lặn, đều phụ thuộc vào sự ưu đãi của môi trường tự nhiên. Do đó việc giảm thiểu tác động môi trường có vai trò quan trọng, đòi hỏi đầu tư dài hạn của các bên liên quan đến du lịch địa phương.
Dự án STREAM (“Du lịch Bền vững thông qua sử dụng Năng lượng Hiệu quả với các Biện pháp Thích ứng và Giảm nhẹ” – http://wtd.unwto.org/en/content/indonesia-mangrove-and-coral-reef-restoration) là chương trình hợp tác giữa UNWTO và Bộ Du lịch và Kinh tế sáng tạo Indonesia nhằm tạo ra một ví dụ thực tế về cách ngành Du lịch có thể tham gia vào các cộng đồng địa phương. Dự án đưa ra giải pháp có tính liên tục, bền vững để ứng phó với những thách thức của BĐKH. Mục tiêu của dự án là xây dựng STREAM thành một điển hình tiêu biểu ứng phó với BĐKH và sẽ được nhân rộng cho các điểm đến khác ở Indonesia. Dự án STREAM bao gồm một hợp phần phối hợp làm việc với các đối tác địa phương để thực hiện hai sáng kiến liên quan trực tiếp đến việc khôi phục và bảo tồn rừng ngập mặn Pangandaran và rạn san hô. Tại sao dự án lại chọn rừng ngập mặn và rạn san hô? Lý do là rừng ngập mặn có vai trò hết sức quan trọng đối với bảo vệ môi trường, so với các tác nhân khác thì rừng ngập mặn có vai trò đặc biệt trên khía cạnh là bồn hấp thụ carbon vì thực vật ngập mặn hấp thụ khí carbon dioxide và giữ carbon trong trầm tích. Rừng ngập mặn cũng bảo vệ chống xói lở bờ biển, ổn định độ cao của đất và cải thiện chất lượng nước. Hơn nữa, rừng ngập mặn cung cấp một nguồn thực phẩm và thu nhập cho người dân địa phương, là nơi cung cấp thức ăn cho cả động thực vật dưới biển và trên cạn, trong số đó có một vài loài như cua và các loài cá khác có giá trị kinh tế cao. Do có số lượng lớn các hệ động thực vật và động vật trú ngụ – nên rừng ngập mặn cũng có thể là địa điểm hấp dẫn khách du lịch. Để khôi phục rừng ngập mặn Pangandaran, dự án STREAM đã phát động thành công chương trình trồng cây ngập mặn. Cho đến nay, gần 2.000 người từ các tổ chức và các nhóm cộng đồng khác nhau đã tham gia chương trình, trồng được hơn 35.000 cây ngập mặn trong khu vực bảo tồn 17 hécta. Tính đến tháng 3 năm 2013, 31.418 cây đã được ghi nhận còn sống – tỉ lệ sống sót khoảng 90%. Để giúp nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của rừng ngập mặn, một trung tâm tìm hiểu về rừng ngập mặn đã được xây dựng. Dự án STREAM cũng đang tích cực thu hút sự tham gia của học sinh địa phương trong giáo dục môi trường, trồng và giám sát các rừng ngập mặn thông qua Chương trình Đại sứ Rừng ngập mặn của dự án – hiện bao gồm sự tham gia của 18 trường học và 400 đại sứ trong chiến dịch Tự hào!
UNWTO đã hỗ trợ hoạt động khôi phục và bảo vệ các rạn san hô ở Pangandaran, bao gồm trồng rạn san hô, khách du lịch nhận rạn san hô để chăm sóc, đào tạo cho hướng dẫn viên du lịch địa phương, người hướng dẫn lặn biển và ngư dân, tập huấn nâng cao nhận thức cơ bản về hệ sinh thái và bảo vệ rạn san hô và kỹ năng giám sát và đánh giá các rạn san hô. Ngoài ra, UNWTO và các đối tác địa phương phát triển gói tour “Green Energy” (Năng lượng xanh), để du khách đến Pangandaran có thể tận hưởng môi trường cảnh quan tuyệt đẹp bằng xe đạp và thuyền và hiểu biết hơn về tầm quan trọng bảo tồn môi trường.
2.2. Du lịch cộng đồng làng Triêm Tây, Quảng Nam, Việt Nam
Dự án phát triển du lịch cộng đồng làng Triêm Tây huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam ứng phó với lũ lụt. Làng Triêm Tây nằm bên bờ sông Thu Bồn. Ngôi làng đã được tổ chức lại để trở thành một điểm du lịch cộng đồng trên địa bàn tỉnh. Một biệt thự nông thôn gọi là Nhà vườn Triêm Tây được xây dựng bên bờ sông là một trong những địa điểm sinh thái được ghé thăm nhiều nhất sau Hội An. Khu vườn chỉ cách Hội An năm phút đi thuyền. Xói mòn đã đẩy hàng trăm dân làng phải rời xa ngôi nhà của họ.
Kiến trúc sư Bùi Kiến Quốc ngăn chặn sự xâm lấn của con sông và biến khu vực này thành một điểm đến du lịch sinh thái. Hàng trăm người dân Triêm Tây ở làng Điện Phương đã phải sơ tán cách đây sáu năm do sạt lở nghiêm trọng đã tàn phá khu vực dọc bờ sông. Mùa lũ mỗi năm dòng sông lại lấn thêm 10 mét vào đất của dân làng và bờ kè cũng chưa được xây dựng để bảo vệ làng. Phần bờ sông có nguy cơ bị nhấn chìm, trải dài 150 mét dọc theo con sông, nay đã trở thành một điểm đến du lịch sinh thái – biệt thự mang phong cách nông thôn được gọi là Nhà vườn Triêm Tây. Vùng đất 13.000 mét vuông nay đã được bảo vệ bởi một bờ kè “xanh” – một hệ thống là sự kết hợp của móng bê tông, đất, cỏ và nước. Chương trình kéo dài 5 năm về thiết kế, xây dựng và trồng cỏ vetiver và các giống cỏ trong nước tạo ra một bờ kè sinh học giúp bảo vệ bờ sông khỏi những cơn lũ hung dữ. Bờ kè sinh học có ý nghĩa như một bức tường bảo vệ mềm mại để giảm bớt sức mạnh của dòng sông trong mùa nước lũ”. Ngoài ra, Tổ chức Lao động Quốc tế và UNESCO đã hỗ trợ một dự án Du lịch Cộng đồng (CBT) Triêm Tây một ngôi làng rất yên bình nhưng nghèo khó phải đối mặt với vấn đề sạt lở đất nay đã được hồi sinh với sự phát triển của du lịch.
Sự phát triển của Triêm Tây không chỉ giúp xóa đói giảm nghèo cho người dân địa phương, những người đã muốn rời bỏ đất đai của họ vì mất đất, mà còn là một mô hình giúp giảm thiểu biến đổi khí hậu và giảm nghèo cấp tỉnh và quốc gia. Các giải pháp xanh để bảo vệ đất khỏi sạt lở đã được áp dụng với sự hỗ trợ mạnh mẽ của chính phủ cả về chính sách và tài chính. Phát triển du lịch ở Triêm Tây là kết quả của những nỗ lực to lớn của người dân địa phương, sự hỗ trợ mạnh mẽ của chính phủ và sự tư vấn kỹ thuật của ILO và UNESCO. (Bộ VHTTDL, 2016)
3. Khuyến nghị và kết luận
3.1 Khuyến nghị:
Đa dạng hóa các dịch vụ du lịch, tùy theo đặc điểm khí hậu và thời tiết của địa phương để hạn chế tính thời vụ trong du lịch, ví dụ như xây dựng các cơ sở lưu trú homestay, kết hợp với ẩm thực, biểu diễn nghệ thuật truyền thống và tham quan di tích lịch sử, văn hóa theo đặc thù của vùng miền.
Xây dựng sản phẩm đặc thù theo phong cách đặc trưng riêng, tạo sự khác biệt của mỗi vùng ven biển, nhưng có sự liên kết chặt chẽ với các vùng duyên hải khác để tạo ra sự liên hoàn trong du lịch của cả nước. Ví dụ xây dựng các tuyến du lịch đặc sắc, liên hoàn nối các khu vực ven biển, có khả năng bổ sung cho nhau.
Vận động người dân và khách du lịch cùng bảo vệ môi trường ven biển, tham gia vào các dự án tái tạo và bảo vệ tài nguyên du lịch ven biển, trồng rừng chắn cát, chắn gió.
Tập huấn kỹ năng phục vụ và kinh doanh du lịch để chuyển đổi sản xuất sang mô hình dịch vụ du lịch.
3.2 Kết luận:
Thực tế, hoạt động du lịch mang tính mùa vụ, kết hợp với ảnh hưởng ngày càng rõ rệt của BĐKH dẫn tới khó khăn hơn cho cộng đồng ven biển. Tính mùa vụ có ảnh hưởng lớn đến hoạt động đánh bắt, dịch vụ ngư nghiệp, nông nghiệp, xây dựng và du lịch. Bên cạnh đó, sự thất thường của thời tiết, đặc biệt là mưa bão thường xuyên xảy ra dọc bờ biển cũng gây ra những tổn thất nghiêm trọng cho cộng đồng ven biển về người, tài sản và cơ sở hạ tầng. Ngoài ra, hạ tầng phục vụ du lịch các tỉnh ven biển nhìn chung còn nhiều hạn chế, chất lượng phục vụ còn thấp, công tác quảng bá xúc tiến du lịch còn yếu, sản phẩm chưa đa dạng, hấp dẫn. Trong điều kiện nguy cơ ô nhiễm và hủy hoại môi trường biển, các tỉnh ven biển của Việt Nam đang phải chịu thách thức lớn cần phải đối phó, cần có những giải pháp sinh kế mới. Mặc dù người dân bước đầu đã thực hiện một số biện pháp ứng phó với BĐKH nhưng họ đang đối phó hơn là thích ứng với các rủi ro về sinh kế do BĐKH gây ra. Nghiên cứu tác động của BĐKH đối với các tỉnh ven biển rất cần các chính sách hỗ trợ của nhà nước để đạt được sự bền vững về sinh kế cho các cộng đồng ven biển trong bối cảnh BĐKH.
Tài liệu tham khảo:
- Adger, W., Hughes, T., Folke, C., Carpenter, S & Rockstrom, J. (2005), “Social – Ecological Resilience to Coastal Disasters”, Science 309, 1036 – 1039
- Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Chương trình Phát triển năng lực du lịch có trách nhiệm với môi trường và xã hội do Liên minh châu Âu tài trợ (2006), “Hướng dẫn thực hiện tốt phát triển bền vững ngành Du lịch Việt Nam trong bối cảnh biến đổi khí hậu”, Ban quản lý Dự án EU-ESRT
- Đỗ Thị Diệp & Nguyễn Văn Song (2016), “Chiến lược sinh kế ứng phó với biến đổi khí hậu ở vùng ven biển: Lý luận và bài học kinh nghiệm cho Việt Nam”, Tạp chí Kinh tế & Phát triển, Số 229 (II) tháng 7/2016, tr. 2
- Huỳnh Thị Ánh Phương (2016), “Chiến lược sinh kế thích ứng với biến đổi khí hậu của phụ nữ nông thôn miền Trung”, Tạp chí Khoa học và Công nghệ, Trường ĐH Khoa học – Đại học Huế, tập 4, số 2 (2016), tr. 193
- Jeremy Carew-Reid, (2008), “Rapid assessment of the extent and impact of sea level rise in Viet Nam”, ICEM – International center for environmental management, Indoorpilly, Queensland, Australia
- Moniruzzaman (2012), “Impact of climate change in Bangladesh: water logging at south-west coast”, Springer, Berlin
- Scoones I. (1998), “Sustainable rural livelihoods: A framework for Analysis”, Working paper 72, Brighton, UK: Institute of Development Studies
- Tổng cục Du lịch – Viện NCPT Du lịch (2013), Đề án Phát triển du lịch cộng đồng kết hợp với xóa đói, giảm nghèo và chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn đến năm 2020”, Bộ VHTTDL
- Trần Thọ Đạt, Vũ Thị Hoài Thu (2011), “Sự thích ứng của sinh kế ven biển trước tác động của biến đổi khí hậu: Nghiên cứu điển hình tại huyện Giao Thủy, tỉnh Nam Định”, tạp chí Kinh tế&Phát triển, 2011
- Trương Minh Tuấn (2013), “Phát triển kinh tế biển cần có tầm nhìn chiến lược”, Tạp chí Tuyên giáo số 01-2013, tr. 11
Chiến Thắng