Hướng dẫn Hỏi đáp Quy định
  • EnglishEnglish
  • Cuộc hội nhập đầu tiên của dân tộc

    Trong khuôn khổ “Năm du lịch Đồng bằng Sông Hồng” (2013), một cuộc hội thảo với chủ đề (khá dài) “Khai thác Di sản Văn hoá Phật giáo xứ Đông, thúc đẩy phát triển bền vững du lịch vùng Đồng bằng sông Hồng” mới được tổ chức tại Hải Phòng, đúng vào thời điểm cơn bão số 5 tràn vào thành phố Cảng và vùng bờ biển Đông Bắc.

    chua-dau

    Chùa Dâu, Bắc Ninh. Ảnh: Nguyễn Văn Kự.

    Chọn thành phố Cảng làm nơi tổ chức Năm du lịch vùng Đồng bằng Sông Hồng, các nhà tổ chức đưa ra quan điểm là chính cái cửa biển trọng yếu từng chỉ đóng vai trò như tên gọi của nó là “Hải Phòng” (phòng thủ hướng biển phía Đông của kinh thành quốc gia) trong suốt lịch sử thời trung cổ lại là nguồn lực cho sự phát triển cả một không gian rộng lớn lưu vực của con sông Mẹ (sông Cái) mang sắc đỏ đặc trưng của phù sa nuôi dưỡng sức sống cho cả cái nôi của nền văn minh Đại Việt mà khởi nguồn cũng có thể gọi là văn minh sông Hồng.

    Hướng ra biển là một nguyên lý phát triển mà vị thế địa chính trị của xứ Đông đã phải tích tụ một thời gian rất dài mới thực sự phát huy được kể từ thời điểm dân tộc Việt Nam có cơ hội để hội nhập một cách rất mạnh mẽ với một nền văn minh khác ngoài Trung Hoa kể từ thời cận đại…

    Bàn về Phật giáo xứ Đông trong khuôn khổ năm du lịch, chủ đề được định hướng là tìm ra những nét đặc sắc mà Phật giáo, được nhìn nhận như một nền tảng văn hoá của nhân loại có xuất xứ từ Ấn Độ nhưng đã trở thành một giá trị nhân loại, trong quá trình truyền bá và tác động vào xã hội Việt Nam đã để lại những di sản nào (vật thể và phi vật thể) để ngày nay tiếp tục phát huy, làm phong phú hơn, hiệu quả hơn các hoạt động du lịch như một bản sắc văn hoá dân tộc cần quảng bá, mặt khác lại là một nguồn lực cần được khai thác.

    Có một chủ điểm của cuộc hội thảo thu hút mối quan tâm của nhiều người tham dự là làm rõ hơn những con đường trong lịch sử đã đưa đạo Phật vào Việt Nam và vị thế của xứ Đông trong tiến trình đó. Từ lâu, người ta đã biết đến con đường từ phương Bắc, đạo Phật được truyền xuống vào nước ta trong bối cảnh khi đó là “nội thuộc” của Trung Hoa (cách gọi khác là thời “Bắc thuộc” hay “chống Bắc thuộc” trong thuật ngữ sử học).

    Nói cặn kẽ việc này, học giả Hoàng Xuân Hãn đã nhắc lại nội dung lời thuyết giảng của ngài Trí-Không giải đáp cho Thái hậu Linh Nhân thời Lý (1096), đại loại là về đời Hán có Ma-đằng đem đạo Phật vào Trung Quốc, rồi có 2 dòng (Giáo Tông và Tào Khê) đã vào đất Giao Châu bởi những vị cao tăng có tên tuổi như Mâu-bác, Khương-tăng-hội của dòng Giáo và Ti-ni-đa-lưu-chi, Vô-ngôn-thông của các dòng Thiền…

    Trung Hoa tiếp cận với Phật giáo đầu tiên khi quân Hán chinh phục các tộc hung-nô, gặp, học rồi sai người sang thọ giáo và rước kinh sách về. Rồi từ Trung Hoa, các vị cao tăng lại mang đạo Phật đi truyền tới các vùng nội thuộc của đế chế mà sử sách Trung Hoa nhắc đến Vô-ngôn-thông đã từng giảng pháp ở xứ Giao Châu (khoảng năm 168-169) và Mâu-bác là người đến “định cư” rồi hành pháp ở Giao Châu sớm hơn cả (194-195)…

    Nhưng cũng chính học giả Hoàng Xuân Hãn lại gợi ra một cách lý giải khác: Đạo Phật từ đâu vào đất Việt? Có thể từ đất Hán vì đạo Phật đã vào Hán từ hơn 100 năm trước (so với nước ta). Nhưng đạo Phật cũng có thể từ Ấn Độ theo đường bể đem vào, theo các thuyền buôn… Ông đã dẫn lại cuộc đàm đạo giữa Tề Cao Đế  với sư Đàm Thiên.

    Vua Tề cho rằng xứ Giao Châu tuy là “nội thuộc” nhưng chỉ bị ràng buộc (kimi) mà thôi nên khoe rằng mình đã cho người xây chùa tháp và lúc này nên chọn các sa môn có danh đức sang tiếp tục truyền “phép Bồ-đề”. Sư Đàm Thiên thì lại cho vua Tề biết rằng trước khi đạo Phật vào đến nước Tề thì ở đất Luy Lâu của Giao Chỉ đã xây 20 ngôi chùa và tụng được 15 quyển kinh rồi, “vì đó mà người ta nói rằng Giao Châu theo Phật trước chúng ta”.

    Vào đầu thế kỷ XX, một học giả người Pháp (C.Madrolle) đọc kỹ sách sử Trung Hoa còn phát hiện một địa danh được nhắc tới là “thành Nê-lê” trên đất Giao Châu được xác nhận là vùng đất nay có tên là Đồ Sơn. Và dựa trên những điều tra điền dã các di tích Phật giáo trên vùng đất Đồ Sơn mà các nhà nghiên cứư và bảo tồn ngày nay đã khẳng định rằng đây chính là cái cửa ngõ để đạo Phật của các sư tăng Ấn Độ “đổ bộ” lên vùng đất Giao Châu để từ đó đi sâu vào đất liền và đến được Luy Lâu.

    Nói một cách khác là bên cạnh dòng truyền giáo theo “con đường tơ lụa” (trên đất liền) do các sư tăng Trung Hoa mang đến thì Phật giáo vào Việt Nam cũng theo cả “con đường hồ tiêu” (trên biển) lại trực tiếp do các nhà sư tăng Ấn Độ trực tiếp đưa sang.

    Những di sản vật thể và phi vật thể trên vùng đất Đồ Sơn như Cốc tự (chùa Hang) với huyền tích vị cao tăng Ấn Độ được Nôm hoá là “Sư Bần”; sự tích Chử Đồng Tử và miếu Bà Đa; truyền thuyết Asoka, người truyền thừa của Đức Phật Tổ đã sai người xây tháp thờ Phật tại Nê-lê (Bảo tháp A Dục Vương)… mà sau này Vua Lý Thánh Tông cũng cho xây một bảo tháp khác đặt tên là Tường Long như để xác tín tính chất linh thiêng của vùng đất đã tiếp nhận đầu tiên một nguồn lực tinh thần cho dân tộc ngay từ thuở dựng nước.

    Nhưng từ xứ Đông để thâm nhập vào vùng đất sau này được vinh danh là Kinh Bắc, có một điểm dừng tối quan trọng là Luy Lâu (nay thuộc huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh).   
                                                          
    Nói đến Luy Lâu trước tiên nó là  trị sở sớm nhất của bộ máy cai trị thời Bắc thuộc trên đất nước ta trước khi Cao Biền chọn được đất để xây thành Đại La. Luy Lâu đã từng được sử sách Trung Hoa mô tả “là nơi phồn hoa, xe ngựa dập dìu, phấn son sực nức. Các quan cai trị thi nhau tuyển thê thiếp người Việt. Cũng có nhiều đám cưới của người bản xứ lấy vợ người Hán…” (Quảng Châu địa chí).

    Nói đến Luy Lâu cũng phải nói đên ngôi đền thờ Sĩ Nhiếp, người tích cực quảng bá văn minh phương Bắc vào vùng đất bị coi là “nội thuộc” một thời này. Nói đến Luy Lâu không thể không nhắc đến những di sản văn minh vật chất trong đó có nghề gốm mà người Việt đã tiếp nhận được từ nền văn minh phương Bắc…
    Nhưng nói đến Luy Lâu, người ta không thể không chú ý đến một quần thể những ngôi chùa có thể đựơc coi là cổ nhất trên đất nước ta mà ngày nay vẫn còn bảo tồn được.

    Đó là chùa Dâu, còn gọi là chùa Cả và nhiều tên khác như Cổ Châu tự, Diên Ứng tự, Pháp Vân tự. Ngôi chùa này lại là một thành phần liên kết với 3 ngôi chùa khác được gọi chung là “tứ pháp” gắn với 4 hiện tuợng tự nhiên đặc trưng của nền văn minh nông nghiệp lúa nước (Mây: Pháp Vân; Mưa: Pháp Vũ; Sấm: Pháp Lôi và Chớp: Pháp Điện).

    Chính những ngôi chùa này dù sau này mặt các vị cao tăng Trung Hoa nổi tiếng như đã nhắc ở trên (như Mâu-bác, Khương tăng hội, Tì-ni-đa-lưu-chi…), thì yếu tố bản địa nổi trội của cư dân trồng lúa nước của đồng bằng Bắc Bộ đã trở thành một nhân tố tạo nên cốt lõi những bước phát triển tiếp theo của đạo Phật vào Việt Nam. Cũng có những bằng chứng lịch sử nói tới một cách lý giải rằng chính từ Luy Lâu, đạo Phật do các sư tăng Ấn Độ mang đến đã ngược lên phía Bắc truyền bá mà điểm đến được xác định là Bành Thành và Lạc Dương (Trung Quốc).

    Cuộc hội thảo này không nhằm đi đến một kết luận khoa học về con đường nào đưa đạo Phật vào Việt Nam sớm nhất mà chỉ nhằm khẳng định đến vị thế của xứ Đông trong lịch sử. Nhưng điều chợt nhận ra là một vấn đề hệ trọng trong lịch sử dân tộc.

    Phải chăng tiếp sau cuộc chinh phục của các đế chế Hán bành trướng xuống các tộc của cộng đồng Bách Việt trong đó có tổ tiên của Âu-Lạc Việt của chúng ta phải được coi như một cuộc “hội nhập” cưỡng bức thì đạo Phật được truyền tới Việt Nam, hay nói khác đi là dân tộc ta đã tiếp nhận tôn giáo này cũng chính là một cuộc “hội nhập tự nguyện” đầu tiên với thế giới bên ngoài, lại là một thế giới “ngoài Trung Hoa”?

    Cho dù con đường đạo Phật truyền vào Việt Nam từ phương Bắc xuống, thậm chí đã “Trung Hoa hoá”, hoặc trực tiếp từ Ấn Độ vào nước ta đều trong bối cảnh nước ta đang bị đế chế Trung Hoa cai trị với một chính sách đồng hoá khắc nghiệt. Luy Lâu với vị thế là  trị sở của chế độ cai trị của đế chế Trung Hoa, lại cũng là nơi đang diễn ra quá trình dân tộc bản địa đang bị “Hán hoá” một cách cưỡng bức từ ngôn ngữ, tập quán văn hoá và có cả sự hoà trộn huyết thống…

    Những dấu tích, sau cả hai thiên niên kỷ thời gian vẫn đủ để chúng ta nhận ra cách ứng phó của tổ tiên chúng ta để vượt qua cái thử thách “dễ mất mình” của giai đoạn lịch sử khắc nghiệt ấy. Phật giáo, với nguồn gốc từ Ấn Độ, ngay cả khi đã bị Trung Hoa hoá vẫn là một nhân tố “ngoài Trung Hoa” mà ông cha ta đã tìm cách khai thác một cách triệt để, một cách uyển chuyển và khôn ngoan.

    Những ngôi chùa thờ Phật được Việt hoá (Tứ Pháp) với những nét kiến trúc rất riêng, sinh hoạt Phật giáo được hoà sâu vào đời sống dân gian với môi trường chính là các làng xã (chùa làng)… Và cao hơn là ở những thế kỷ sau, sự thấm nhuần giáo lý của Phật giáo bắt nguồn từ Ấn Độ, các tinh hoa của Phật giáo đã được “quốc tế hoá” trong đó có cả của Trung Hoa được chắt lọc để cuối cùng nó đã đạt tới sự căn bản để ra đời Thiền phái Trúc Lâm tiêu biểu của Phật giáo Việt Nam.

    Cũng từ Luy Lâu, người ta có thể hiểu được vùng Kinh Bắc gắn với tên tuổi của người khai lập triều Lý và không thể thiếu được vai trò của các vị cao tăng như Thiền sư Vạn Hạnh đã vận dụng những tinh hoa của Phật giáo để dựng nghiệp cho một triều đại ghi dấu trong lịch sử như triều đại đã mở ra một thời kỳ phát triển và củng cố nền tự chủ đồng thời đưa nền văn hiến Đại Việt lên một tầm phát triển bền vững thấm nhuần tư tưởng của đạo Phật.

    Rõ ràng câu chuyện con đường đạo Phật truyền bá vào nước ta nếu được nhìn nhận như chuyện hội nhập đầu tiên của dân tộc ta với thế giới bên ngoài, lại từ một nền văn minh lớn không phải là Trung Hoa, sẽ tạo ra những vấn đề lịch sử cần được những người am hiểu tiếp tục nghiên cứu.

    Nguồn: Báo Lao Động

    Bài cùng chuyên mục