Phát triển nghề truyền thống trong xã hội hiện đại.
Khi mà các sản phẩm thiết yếu phục vụ cuộc sống mang tính ứng dụng cao ngày càng phát triển ngược lại những sản phẩm truyền thống càng lúc càng lếp vế. Nhưng không thể vì thế mà chúng ta bỏ quên những giá trị tinh hoa của các sản phẩm thủ công, làng nghề truyền thống…
>Thời kỳ thoái trào của các làng nghề.
Không thể phủ nhận rằng những sản phẩm truyền thống đang thưa dần trên thị trường, và ngày càng ít thấy xuất hiện trong cuộc sống hàng ngày bởi khi xã hội phát triển, khoa học công nghệ cũng phát triển và theo đó là những sản phẩm mang tính ứng dụng cao, hiện đại ra đời. Những sản phẩm này dù là để phục vụ nhu cầu thiết yếu trong sinh hoạt hay để dùng cho việc trưng bày cũng đều gần gũi hơn với nhu cầu của người dân. Điều này là một phần nguyên nhân chính dẫn đến sự thoái trào của các sản phẩm truyền thống và việc mất dần các làng nghề truyền thống theo đó là điều tất yếu.
Chẳng cần nói đâu xa, chỉ cần nhìn ngay ở thủ đô Hà Nội cũng có thể thấy rất rõ vấn đề này. Là mảnh đất nghìn năm văn hiến, lại là thủ đô của cả nước. Suốt hàng nghìn năm qua, Hà Nội là nơi chứa đựng những tinh hoa văn hóa, Hà Nội cũng là nơi có số lượng làng nghề nhiều nhất cả nước với 1.350 làng nghề trong đó có 277 làng nghề được thành phố công nhận. Những làng nghề truyền thống nổi tiếng ở Hà Nội không chỉ là nơi sản xuất ra những sản phẩm thủ công nổi tiếng mà còn mang theo một lịch sử và văn hóa của những thế hệ đi trước. Những làng nghề như gốm sứ Bát Tràng, lụa Vạn Phúc, mây tre đan Phú Vinh, dệt Triều Khúc, thêu Đại Đồng, dát vàng bạc quỳ Kiêu Kỵ, tranh Đông Hồ…không chỉ nổi tiếng trong phạm vi hẹp của thủ đô mà còn nức tiếng cả nước.
Giai đoạn từ năm 1996 đến năm 2006 là thời kỳ hưng thịnh của các làng nghề truyền thống. Vào điểm đó, những làng nghề như gốm sứ Bát Tràng, lụa Vạn Phúc, mây tre đan Phú Vinh…làm không hết việc. Những hộ dân trong làng phải huy động tối đa nguồn nhân lực trong gia đình để sản xuất mà vẫn không đủ hàng bán. Không chỉ hàng bán lẻ, hàng bán theo đơn đặt hàng của những cửa hàng bán hàng lưu niệm, mà đơn đặt hàng xuất đi nước ngoài cũng phải xếp hàng chờ. Trong vòng có mấy năm từ năm 1996 đến năm 2006, bộ mặt làng quê của Bát Tràng hay Vạn Phúc thay đổi rõ rệt. Nhà cao tầng mọc lên như nấm, đường xá trong làng khang trang, to đẹp, đời sống người dân khấm khá no đủ. Ấy vậy nhưng, cả những làng nghề nổi tiếng như vậy cũng không thoát khỏi cơn lốc của thị trường và dần thoái trào kể từ năm 2007 trở lại đây.
Với vô vàn lý do của sự thoái trào như: sản phẩm không có sự thay đổi mà đi theo lối mòn, chất lượng giảm, sự cạnh tranh giá cả với sản phẩm Trung quốc, nguồn nhân lực, tình hình kinh tế chung….tuy nhiên trong phạm vi bài viết này không đi sâu phân tích các lý do đó.
Một số làng nghề tìm đường mưu sinh đã phải chuyển đổi cả nghề truyền thống. Ví dụ như làng làm tranh Đông Hồ từ nghề làm tranh đã chuyển sang sản xuất đồ hàng mã. Cả làng chỉ còn vài nhà vẫn cố gắng duy trì nghề truyền thống dựa vào số lượng đơn đặt hàng ít ỏi từ vài ba cửa hàng bán đồ lưu niệm phục vụ khách du lịch. Nếu những năm 1996-2006 về Vạn Phúc thì từ đầu làng đã nghe tiếng máy dệt của các hộ dân, các xí nghiệp chạy nhưng sau thời gian hưng thịnh đó, về Vạn Phúc rất khó để được nghe tiếng máy dệt, thấy hình ảnh những xúc lụa nhuộm màu đươc phơi ngang dọc trong các sân lớn. Sản phẩm ở Vạn Phúc thời kỳ thoái trào chủ yếu là hàng nhập từ Trung Quốc và 1 số ít những sản phẩm của làng còn sản xuất. Gốm sứ Bát Tràng cũng chịu chung số phận như nhiều làng nghề khác, thời hưng thịnh cả làng thiếu lao động để sản xuất thì nay lao động dư thừa nhiều. Một vài gia đình còn duy trì sản xuất chủ yếu trông chờ vào đơn đặt hàng của những nhà hàng đặt bát đĩa, cốc chén có in logo và địa chỉ nhà hàng.
Trong xã hội phát triển với sự canh tranh gay gắt của thị trường, những sản phẩm mang tính ứng dụng cao được ưa chuộng cũng là điều dễ hiểu. Bởi con người ngày càng bận rộn hơn, gấp gấp hơn những sản phẩm thủ công cần sự cầu kỳ tỉ mỉ để sử dụng tất nhiên sẽ không còn phù hợp nhiều với cuộc sống vì thế việc sản phẩm của các làng nghề mất dần chố đứng cũng không tránh khỏi. Tuy nhiên không thể vì thế mà chúng ta có thể vứt bỏ hay lãng quên những làng nghề này, bởi dù ở xã hội nào thì những làng nghề truyền thống vẫn có giá trị riêng, vẫn là tinh hoa văn hóa của dân tộc cần phải giữ gìn.
>>Những định hướng đúng đắn đã nhanh chóng khẳng định lại được vị trí
Sau giai đoạn thoài trào từ những năm 2007-2010, hai năm gần đây các làng nghề truyền thống đã có những bước chuyển mình để phù hợp hơn với cuộc sống hiện đại. Bên cạnh đó, sự quan tâm của các cấp, ngành quản lý cũng đã góp phần không nhỏ trong việc định hướng phát triển cho các làng nghề.
Những năm gần đây, trong các kỳ Festival, Lễ Hội, các ngày lễ lớn của cả nước hay những hội chợ du lịch luôn luôn đi kèm với các gian hàng giới thiệu hàng thủ công truyền thống. Nhờ những chính sách đúng đắn của Nhà nước trong việc hỗ trợ vốn và dành ngân sách cho việc giữ gìn, bảo tồn giá trị các làng nghề truyền thống. Bên cạnh đó là những định hướng phát triển hợp lý của ngành văn hóa, đến nay các làng nghề truyền thống đã có sự thay đổi và những bước đi đúng đắn để phát triển sản phẩm của làng. Từ những hướng đi đúng đắn như đa dạng hóa mẫu mã, tổ chức các cuộc thi thiết kế mẫu sản phẩm để phù hợp hơn với cuộc sống hiện đại thay cho những sản phẩm cũ, thu hút nguồn nhân lực có trình độ về làng với chế độ đãi ngộ hợp lý…2 năm nay nhiều làng nghề đã có những thành công đáng nể.
Theo thống kê của Sở Khoa học và Công nghệ Hà Nội, tính riêng năm 2012, các làng nghề Hà Nội thu hút hơn 739.630 lao động với 172.000 hộ sản xuất. Hoạt động trong lĩnh vực này có 2.063 công ty cổ phần, 4.562 công ty TNHH, 1.466 doanh nghiệp tư nhân, 164 hợp tác xã, thu nhập bình quân của 1 lao động sản xuất tại các làng nghề đạt 25 triệu đồng/người/ năm. Chính những công ty, các doanh nghiệp này đã góp phần không nhỏ trong việc vực dậy các làng nghề với những hướng đi chuyên nghiệp và đúng đắn theo định hướng của ngành văn hóa. Một số làng nghề có doanh thu cao như dệt La Phù 800 tỷ đồng/ năm, gốm sư Bát Tràng 350 tỷ đồng/ năm…Chú trọng vào việc thu hút nhân tài, thay đổi mẫu mã, mở các website riêng quảng bá sản phẩm, các làng nghề này thông qua các doanh nghiệp tư nhân đã nhận được những hợp đồng lớn từ nhiều nước trên thế giới. Cũng qua đó, sản phẩm truyền thống của Việt Nam nói riêng và một phần văn hóa Việt nói chung được biết đến nhiều hơn trên thế giới.
Sở dĩ có được sự thành công sau vài năm thoái trào như vậy không thể không kể đến những chiến lược dài hạn và những hướng đi đúng đắn của ngành văn hóa trong việc giữ gìn và phát triển các làng nghề truyền thống của đất nước. Bộ VHTTDL cũng như các Sở VHTTDL các tỉnh có làng nghề truyền thống đã rất chú trọng đến việc xây dựng những quy định hỗ trợ các làng nghề đồng thời luôn gắn việc phát triển làng nghề với việc phát triển du lịch, phát triển kinh tế. Bên cạnh đó nhiều chương trình giới thiệu sản phẩm của các làng nghề cũng như giá trị văn hóa của nghề truyền thống cũng liên tục được tổ chức nhằm giới thiệu với người dân cũng như bạn bè quốc tế về văn hóa làng nghề truyền thống.
Mới đây, ngày 26 /7 tại Hà Nội, Ban quản lý phố cổ đã tổ chức một số hoạt động nhằm giới thiệu văn hóa của một số làng nghề truyền thống của người Hà Nội với nhiều những chương trình hấp dẫn, chương trình kéo dài đến hết ngày 30 tháng 8. Trong khoảng thời gian này, tại 3 địa điểm tổ chức là đình Đồng Lạc, đình Kim Ngân, và Ngôi nhà di sản 87 Mã Mây sẽ trưng bày và giới thiệu sản phẩm mây tren đan Phú Vinh, sơn mài, đồ gỗ thờ cúng và sản phẩm ứng dụng…
Tiếp đó vào khoảng tháng 10, Hà Nội sẽ tổ chức Liên hoan Du lịch Làng nghề truyền thống Hà Nội và các tỉnh Đồng bằng sông Hồng năm 2013. Trong khuôn khổ Liên hoan sẽ có triển lãm các sản phẩm du lịch làng nghề truyền thống, giới thiệu nghệ thuật và văn hóa nghề với khoảng 400 gian hàng triển lãm. Qua những hoạt động thiết thực như vậy, các làng nghề có thể giới thiệu được sản phẩm của làng, tinh hoa cũng như nét đẹp văn hóa làng nghề cũng qua đó có thể được người dân trong nước và bạn bè quốc tế biết đến.
>>> Vẫn cần phát triển nghề truyền thống trong xã hội hiện đại
Nếu so sánh tính ứng dụng của sản phẩm truyền thống với những sản phẩm hiện đại thì chắc chắn sản phẩm truyền thống sẽ bị lép vế. Nhưng nếu so sánh sự tinh tế, tinh hoa của văn hóa ẩn chứa trong mỗi sản phẩm thì sản phẩm truyền thống lại vượt trội hơn những sản phẩm hiện đại. Không chỉ có vậy, mặc dù xã hội thay đổi, những sản phẩm đến từ các làng nghề truyền thống ngày nay đã không còn phục vụ nhiều cho cuộc sống hàng ngày nhưng có thể phục vụ nhu cầu trưng bày và lưu niệm. Khi các làng nghề phát triển theo hướng chú trọng vào sản xuất sản phẩm phục vụ lưu niệm và một số mặt hàng có tính ứng dụng cao thì hoàn toàn vẫn có thể làm giàu từ nghề truyền thống của làng. Tính trong năm 2012, sản phẩm do thợ thủ công các làng nghề góp phần đưa kim ngạch xuất khẩu lên tới hơn 1 tỷ USD/năm. Một số làng nghề nổi tiếng như Bát Tràng, La Phù có doanh thu tới 800 tỷ và 350 tỷ đồng/ năm, những làng nghề như Vạn Phúc, La Phù, Phú Vinh cũng đạt 100-200 tỷ đồng/năm..Nhưng con số đáng khâm phục trong giai đoạn kinh tế suy thoái toàn cầu như hiện nay.
Tính riêng tại thành phố Hà Nội, trong quy hoạch phát triển nghề và làng nghề đến năm 2020, định hướng đến năm 2030. Hà Nội phấn đấu tạo việc làm cho khoảng 800.000 đến 1 triệu lao động nông thôn với thu nhập bình quân đầu người đạt 20 đến 30 triệu đồng/năm vào năm 2015, đạt 35 đến 40 triệu đồng/năm vào năm 2020 và 50-60 triệu đồng/năm vào năm 2030. Để làm được việc này Sở Công Thương Hà Nội đã xây dựng Dự thảo quy định chính sách hỗ trợ phát triển làng nghề. Theo đó, ưu tiên hỗ trợ các làng nghề gắn với du lịch và xuất khẩu, ngành nghề sử dụng nhiều lao động, ngành nghề sử dụng lao động trong nước. Trước mắt, từ nay đến năm 2015, tập trung bảo tồn và khôi phục mười làng nghề gồm: làng tết thao làm quai nón Triều Khúc, làng sơn mài Ðông Mỹ (huyện Thanh Trì); làng giấy dó Vân Canh, làng tranh sơn mài Kim Hoàng (huyện Hoài Ðức); làng dệt the La Khê (quận Hà Ðông); làng gốm Phú Sơn (thị xã Sơn Tây); làng đúc đồng Ngũ Xã (quận Ba Ðình), làng giấy dó Bưởi (quận Tây Hồ); làng nghề dâu tằm tơ Thụy An (huyện Ba Vì), làng Ðẹp Thôn (huyện Mê Linh). Giai đoạn 2016-2020, thành phố sẽ bảo tồn và khôi phục 11 làng nghề là làng nón lá Ðại Áng (huyện Thanh Trì); làng nhạc cụ Ðào Xá (huyện Ứng Hòa); làng dệt the, lụa Cổ Ðô (huyện Ba Vì); làng tre trúc Xuân Thủy (huyện Sóc Sơn); làng giấy sắc Nghĩa Ðô (quận Cầu Giấy); làng gốm Tô Hiệu (huyện Thường Tín); làng dâu tằm tơ Tráng Việt, Ðông Cao (huyện Mê Linh); làng thêu ren Hạ Mỗ (huyện Ðan Phượng); làng dệt chồi, lượt Phùng Xá (huyện Thạch Thất); làng nghề ren Bình Ðà (huyện Thanh Oai).
Quy hoạch phát triển nghề, làng nghề thành phố Hà Nội đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 nêu rõ, mục tiêu phát triển nghề, làng nghề nhằm bảo tồn các giá trị truyền thống; đồng thời phát triển các sản phẩm thủ công thế mạnh, gắn sản xuất làng nghề với các hoạt động du lịch, văn hóa, lễ hội.
Như vậy có thể thấy, dù trong xã hội phát triển vẫn cần tôn vinh, giữ gìn và phát triển các làng nghề truyền thống. Bởi giữ gìn, phát triển các làng nghề truyền thống không chỉ là gìn giữ nét văn hóa tinh hoa của dân tộc mà thông qua việc phát triển làng nghề truyền thống còn có thể phát triển kinh tế, tạo việc làm ổn định cho hàng chục nghìn lao động, giúp ổn định cuộc sống, qua đó xã hội có thể ngày càng phát triển mạnh mẽ hơn.
Nguyễn Hương
Nguồn: Cinet