Hướng dẫn Hỏi đáp Quy định
  • EnglishEnglish
  • Dấu ấn văn hóa trong các sản phẩm lưu niệm Việt Nam (Bài 1)

    luuniem 5785Với những nét văn hóa đặc trưng riêng của 17 di sản được Unesco công nhận, sự đa dạng sắc màu của 54 dân tộc Việt nam cùng với hàng nghìn sản phẩm của những làng nghề thủ công truyền thống, khẳng định bản sắc Việt qua việc thể hiện dấu ấn văn hóa trên các sản phẩm lưu niệm là một việc làm tuy khó khăn nhưng hết sức cần thiết góp phần quảng bá Việt nam đến với thế giới.

    Sản phẩm lưu niệm ít dấu ấn văn hóa

    Chỉ cần điểm qua những thành phố phát triển du lịch nhất Việt Nam hiện nay là Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Hội An, Nha Trang, Quảng Ninh…sẽ thấy rất rõ điều này. Ở các thành phố lớn sản phẩm lưu niệm chủ yếu là đồ khảm trai, sơn mài, tranh thêu…Còn ở các thành phố biển thì là các loại sản phẩm được làm từ vỏ ốc, vỏ sò và các sản phẩm từ nan, cói…Ở các vùng núi, vùng đồng bào dân tộc thì đều là các sản phẩm thổ cẩm, đi đến đâu cũng thấy y như nhau.

    luuniem2Ở Hà Nội, đi dạo qua những dãy phố chuyên bán hàng lưu niệm phục vụ khách du lịch như Hàng Gai, Hàng Bè, Mã Mây, Hàng Trống, Nhà Thờ…những sản phẩm lưu niệm có thể mua chỉ là tranh thêu, hàng khảm trai, sơn mài, các sản phẩm gốm sứ của Bát Tràng, Phù Lãng, các loại tranh chép. Riêng dọc tuyến phố Hàng Gai thì chuyên bán các sản phẩm được sản xuất từ tơ lụa.

    Còn ở Thành phố Hồ Chí Minh những tuyến đường trung tâm cũng là những nơi thu hút khách du lịch nhất như Lê Thánh Tôn, Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Nguyễn Huệ…mặc dù có nhiều trung tâm thương mại hơn, đông đúc, nhộn nhịp hơn nhưng các sản phẩm lưu niệm cũng chẳng khác gì Hà Nội. Quanh đi quẩn lại cũng vẫn chỉ là những cửa hàng tranh bán tranh chép, những cửa hàng bán đồ lưu niệm thập cẩm đủ loại từ gốm sứ, khảm trai đến tranh thêu, các sản phẩm mây tre. Cũng giống như phố Hàng Gai ở Hà Nội, dọc đường Nguyễn Huệ là những cửa hàng bán đồ tơ lụa chủ yếu phục vụ khách nước ngoài. Chợ Bến Thành cũng giống như chợ Đồng Xuân ở Hà Nội, trước kia chủ yếu bán buôn nhưng vài năm nay đã trở thành một trong những điểm du lịch nằm trong tour du lịch thành phố. Và như vậy cả hai chợ này đều đầy rẫy các sản phẩm lưu niệm đủ chủng loại để phục vụ khách du lịch.

    Còn ở Hạ Long, Đà Nẵng, Nha Trang…những thành phố biển nổi tiếng với số lượng khách thăm quan du lịch lớn nhất ở Việt Nam thì ngoài những sản phẩm quen thuộc là khảm trai, sơn mài thì còn có thêm những sản phẩm từ vỏ trai, vỏ sò…Cái đáng nói là các sản phẩm này dù là ở Hạ Long, hay Đà Nẵng, Nha Trang thì cũng đều như nhau , không hề có những sản phẩm riêng biệt, đặc trưng của từng vùng.

    Với những khách du lịch thích khám phá, tìm hiểu văn hóa dân tộc thì các vùng núi cao như Lai Châu, Mai Châu, Sapa, Hà Giang…là lựa chọn hàng đầu, chính vì thế những địa danh này cũng thu hút khá đông khách du lịch. Vậy nhưng dạo qua thị trường sản phẩm du lịch ở những nơi này sẽ thất vọng khi lại thấy những món đồ giống nhau từ miền xuôi, đến miền biển được bày bán.

    Như vậy, nhìn đi nhìn lại các sản phẩm mang tính vùng miền của chúng ta đều giống nhau và nhìn tổng thể tất cả các sản phẩm lưu niệm hiện nay thì chưa có sản phẩm nào thực sự nổi trội, đặc trưng. Nếu hỏi bạn bè quốc tế sản phẩm nào là hình ảnh đặc trưng của Việt Nam, họ sẽ khó để có thể trả lời chính xác khi có đến hàng trăm mặt hàng quà tặng lưu niệm.

    Tham khảo sản phẩm lưu niệm đặc trưng của một số quốc gia trên thế giới.

    bup-be-nhat-13-duong-cNhìn sang các nước láng giềng trong khu vực Châu Á như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Thái Lan, Singapore, Malaysia, Campuchia…Hay xa hơn một chút như Nga, Pháp, Tây Ban Nha, Úc…sẽ thấy tất cả các quốc gia này đều có sản phẩm lưu niệm rất đặc trưng mà chỉ cần nhìn thấy người ta sẽ nhận ra ngay món quà đó đến từ đất nước nào. Nhật Bản có búp bê truyền thống, lật đật Daruma, quạt giấy; Hàn Quốc có sản phẩm trống trong bộ nhạc cụ gõ truyền thống không thể lẫn lộn với bất kỳ trống của một quốc gia nào, mặt nạ Hàn Quốc cũng là một sản phẩm nổi tiếng khắp thế giới; Thái Lan thì quá nổi tiếng với hình ảnh voi trên các sản phẩm quà tặng lưu niệm; Trung Quốc có nhiều sản phẩm mang tính vùng miền, ở mỗi tỉnh lại có 1 sản phẩm riêng nhưng dù là sản phẩm nào thì chỉ cần nhìn qua cũng sẽ nhận biết được ngay đó là hình ảnh của Trung Quốc; Cũng như vậy chỉ cần nhìn thấy những sản phẩm có hình ảnh tòa tháp đôi Petronas, con sư tử biển hay ngôi đền tháp Angkor Wat du khách sẽ biết ngay đó là hình ảnh của Malaysia, Singapore và Campuchia.

    Với tháp Eiffel nổi tiếng và là 1 trong những kỳ quan của thế giới, nước Pháp tận dụng rất triệt để hình ảnh tòa tháp này vào mọi sản phẩm lưu niệm của mình. Không chỉ ứng dụng hình ảnh trong các sản phẩm quà tặng trưng bày mà tháp Eiffel còn xuất hiện trên các sản phẩm may mặc, thời trang, kẹo socola…và bằng một cách gián tiếp như vậy hình ảnh đất nước Pháp ngày càng nổi tiếng hơn trên thế giới.

    Nói đến búp bê gỗ Matryoshka là nói đến nước Nga, những bộ búp bê gỗ xinh xắn con bé nằm trong con to, con to lại nằm trong con to hơn nữa đã từ lâu trở thành biểu tượng và góp phần không nhỏ quảng bá văn hóa Nga đi khắp thế giới.

    Chuột túi Kangaroo là biểu tượng và là thương hiệu của nước Úc xinh đẹp, bất kỳ khách du lịch nào đã từng đến Úc thì chắc chắn rằng sẽ có một món quá lưu niệm có hình chú chuột Kangaroo.

    Những ví dụ trên mới chỉ là những nét rất khái quát về sản phẩm lưu niệm của một số nước, còn rất nhiều rất nhiều những ví dụ khác mà thực tế không cần thiết phải liệt kế hết ở đây. Điều đáng nói rằng những đất nước nổi tiếng bởi những sản phẩm lưu niệm và quảng bá được hình ảnh đất nước mình ngày càng sâu rộng bằng hình thức quà tặng lưu niệm lại không hẳn là những quốc gia có lịch sử lâu đời và giàu bản sắc văn hóa . Ngoài Trung Quốc, Nhật Bản là hai quốc gia Châu Á có nền văn hóa, lịch sử khá dài, thì Việt Nam chúng ta có thể xếp vào danh sách những quốc gia có lịch sử lâu đời nhất, có nhiều di sản văn hóa . Vậy nhưng nhìn vào các sản phẩm lưu niệm thì chúng ta có gì ? và cái gì là sản phẩm đặc trưng của Việt Nam? Câu hỏi này tưởng chừng đơn giản nhưng không dễ trả lời bởi sản phẩm tuy nhiều nhưng đặc trưng thì thiếu.

    Với nguồn vốn có sẵn là 17 di sản đã được Unesco công nhận là di sản thế giới, 1 kỳ quan thế giới mới, sắc màu 54 dân tộc và hàng nghìn làng nghề thủ công truyền thống, nếu như biết tận dụng khai thác nguồn tài nguyên phong phú, đưa những dấu ấn văn hóa đặc trưng vào các sản phẩm lưu niệm, liệu có thể góp phần quảng bá văn hóa, phát triển ngành du lịch, nhân rộng hình ảnh Việt Nam trên thế giới? (còn tiếp)

    Nguyễn Hương 

    Ngồn: cinet.vn                   

        

    Bài cùng chuyên mục