Hàng loạt giải pháp để phát triển du lịch biển
Việt Nam nằm trong khu vực phát triển năng động, với lợi thế trên 3.200km bờ biển, hàng trăm bãi biển đẹp, cảnh quan thiên nhiên đẹp, nắm giữ các tuyến giao thông quan trọng trên biển Đông… và là địa điểm lý tưởng để xây dựng nơi đây trở thành một trung tâm du lịch tàu biển trong khu vực.
Thời gian qua, du lịch tàu biển ở Việt Nam đã có những bước phát triển. Sự kiện năm 1999, lần đầu tiên tàu 5 sao Super Star Leo của hãng tàu Star Cruises có sức chứa 3.000 khách với các dịch vụ tiện nghi cao cấp cập cảng Sài Gòn đã đánh dấu mốc phát triển mạnh mẽ của du lịch tàu biển tại Việt Nam. Tuy nhiên, so với các nước trong khu vực và với tiềm năng sẵn có, du lịch tàu biển Việt Nam còn nhiều hạn chế.
Theo ông Nguyễn Văn Tuấn, Tổng Cục trưởng Tổng cục Du lịch, mặc dù năm 2012 khách du lịch tàu biển đến Việt Nam tăng 12,6% so với năm 2011; 5 tháng đầu năm 2013, số lượng khách tàu biển đến Việt Nam tăng 51% so với cùng kỳ năm 2012; số lượng tàu biển quốc tế và tần suất chuyến tàu đến Việt Nam cũng tăng mạnh so với các năm trước, song, số lượng khách du lịch tàu biển vẫn chiếm tỷ lệ khiêm tốn trong tổng số khách quốc tế đến Việt Nam (khoảng 4 – 5%), chưa tương xứng với tiềm năng và thế mạnh của du lịch Việt Nam.
Điều này có thể do nhiều nguyên nhân như: Kết cấu hạ tầng tại nhiều cảng biển còn hạn chế. Chưa có nhà ga, bến tàu dành riêng cho khách du lịch. Chất lượng dịch vụ tại cảng biển chưa cao. Sản phẩm du lịch biển còn thiếu đa năng. Năng lực doanh nghiệp du lịch Việt Nam đón khách tàu biển còn nhiều hạn chế. Môi trường xung quanh cảng biển còn nhiều bất cập. Một số cơ chế, chính sách liên quan đến du lịch biển còn lạc hậu, tạo ra một số rào cản cho phát triển du lịch. Thủ tục tại cảng biển đã được cải tiến nhiều nhưng vẫn còn nhiều tầng nấc. Nguồn nhân lực du lịch còn hạn chế về trình độ, kỹ năng… Việc khai thác các giá trị di sản văn hóa, thiên nhiên thế giới, tài nguyên biển, bản sắc văn hóa dân tộc chưa thật sự hiệu quả. Do đó, khách tàu biển lưu tại Việt Nam thường là trong khoảng thời gian rất ngắn. Mặt khác, công tác tuyên truyền xúc tiến quảng bá du lịch nói chung và đối với thị trường khách tàu biển nói riêng thiếu được đầu tư một cách có hệ thống, dài hạn.
Nhằm phát huy thế mạnh vốn có, khắc phục những hạn chế nêu trên, tận dụng những cơ hội thu hút khách tàu biển trên thế giới, tại hội thảo phát triển về du lịch tàu biển được tổ chức mới đây ở Nha Trang, ông Nguyễn Quý Vượng, Vụ trưởng Vụ Lữ hành, Tổng cục Du lịch cho biết: Theo dự báo của Tổ chức Du lịch Thế giới, du lịch tàu biển sẽ tiếp tục phát triển mạnh mẽ trong tương lai. Nhiều hãng tàu mới với sức chứa lớn, các trang thiết bị tiện nghi hiện đại sẽ ra đời nhằm đáp ứng nhu cầu gia tăng của khách du lịch tàu biển. Khu vực Bắc Mỹ và châu Âu vốn là thị trường nguồn truyền thống của khách du lịch tàu biển sẽ tiếp tục là thị trường nguồn khách trong thời gian tới. Với vị trí nằm giữa 2 trung tâm du lịch tàu biển trong khu vực là Singapore và Hồng Công, sát cạnh thị trường khách đầy tiềm năng là Trung Quốc, Việt Nam có điều kiện thuận lợi để thu hút khách tàu biển đến từ những thị trường này. Do đó, Du lịch Việt Nam phải chú trọng tăng cường công tác xúc tiến quảng bá đến các thị trường nguồn khách quan trọng trên như: Đầu tư khảo sát nghiên cứu thị trường khách tàu biển, xây dựng website quảng bá du lịch tàu biển Việt Nam, tham gia các hội chợ chuyên ngành, tích cực hợp tác ASEAN về phát triển du lịch tàu biển, đăng cai tổ chức các sự kiện liên quan đến du lịch tàu biển.
Bên cạnh đó, theo các chuyên gia, cần nghiên cứu xây dựng một số cảng dành riêng cho đón khách tàu biển, bảo đảm ga hành khách hiện đại đầy đủ tiện nghi. Có chính sách khuyến khích đầu tư xây dựng các trung tâm mua sắm hiện đại, phát triển các dịch vụ vui chơi giải trí tại khu vực cảng đáp ứng nhu cầu của du khách. Đơn giản hóa thủ tục hành chính tạo điều kiện thuận lợi cho khách du lịch tàu biển. Tiếp tục đầu tư, nâng cao chất lượng các sản phẩm du lịch hiện đang khai thác như hoạt động tham quan các di sản thế giới ở vùng ven biển, tham quan các di tích lịch sử văn hóa, di tích cách mạng, tham quan cảnh quan tự nhiên… nhằm tạo ra các sản phẩm du lịch có chất lượng cao, tránh trùng lặp…
Ngoài ra, cần nâng cao năng lực đón khách tàu biển của doanh nghiệp du lịch Việt Nam. Nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ du lịch cho cán bộ của cơ quan quản lý Nhà nước đảm nhận nhiệm vụ ở những vị trí quan trọng là đầu mối tiếp xúc với khách du lịch như hải quan, công an, bộ đội biên phòng… Nâng cao chất lượng, phát triển số lượng đội ngũ hướng dẫn viên, thuyết minh viên du lịch.
Giải quyết được những vấn đề này thì du lịch tàu biển mới phát triển bền vững.
Hoàng Văn
Nguồn: thanhtra.com.vn