Những vấn đề đặt ra từ thực trạng phát triển du lịch làng nghề ở Hà Tây và mối quan hệ giữa các công ty lữ hành với các điểm du lịch làng nghề trên địa bàn.
1. Những vấn đề đặt ra từ thực trạng phát triển du lịch làng nghề ở Hà Tây.
Từ những kết quả nghiên cứu thực trạng của việc kinh doanh, phát triển du lịch làng nghề của Việt Nam nói chung và Hà Tây nói riêng ở trên. Có thể đúc kết ra được những điểm đã đạt được và chưa đạt được của việc hoạt động kinh doanh du lịch của các làng nghề.
* Những kết quả đạt được từ hoạt động du lịch làng nghề:
– Sự trở lại của rất nhiều ngành nghề truyền thống tưởng như đã mai một theo thời gian. Hiện nay cả nước có khoảng 2017 làng nghề có bề dày lịch sử trên 100 năm, mỗi làng gắn với với một vùng văn hóa, hệ thống di tích và truyền thống riêng, trong đó có đến hơn 1.000 ngành, nghề truyền thống đã và đang được các thế hệ nghệ nhân có tâm huyết bảo tồn và phát huy giá trị.Với sự kiện Liên hoan du lịch làng nghề – phố nghề được tổ chức vừa qua tại Hà Nội, có thể thấy làng nghề ở miền Bắc bộ nói chung và làng nghề ở Hà Nội, Hà Tây nói riêng đang dần tìm lại vị trí của mình. Liên hoa này hội tụ đến hơn 300 gian hàng trong đó có đến 170 gian hàng ẩm thực, thực hiện bên cạnh những ngành nghề vốn nổi tiếng lâu đời như gốm sứ Bát Tràng, lụa của Vạn Phúc – Hà Tây…
– Hầu hết các làng nghề truyền thống được khách du lịch quan tâm, tham gia có tính chuyên nghiệp và tập trung nghề cao, có khoảng 30% lượng người trong làng tham gia sản xuất. Một số làng nghề truyền thống đang phát triển mạnh cả về nghề và cả về thu hút khách du lịch như làng Gốm Bát Tràng, lụa Vạn Phúc, mây tre đan Phú Vinh… thì có đến 60-80% dân số trong làng tham gia vào quá trình sản xuất sản phẩm.
– Các hình thức tổ chức trong làng nghề du lịch ngày càng phong phú và đa dạng. Trong một số làng nghề có sự phát triển đa dạng, phong phú về các hộ nghề, các hộ kiêm và hộ chuyên ngànhtham gia làm nghề. Một số các hộ đã tập hợp nhau lại để hình thành các hợp tác xã thủ công nghiệp, các doanh nghiepẹ tư nhân hay các công ty trách nhiệm hữu hạn.
– Việc xuất khẩu mạnh các mặt hàng thủ công truyền thống đã góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế ở khu vực nông thôn, từ đó góp phần phát triển hơn đời sống kinh tế – xã hội địa phương, ngành, vùng. Ngoài ra, việc khôi phục, bảo tồn, phát triển các làng nghề du lịch đã có tác động quan trọng đối với sự phát triển kinh tế xã hội mà còn góp phần đối với sự phát triển của ngành du lịch. Hiện nay bên cạnh các hình thức du lịch khác nhau: du lịch văn hóa – lễ hội, tham quan các di tích lịch sử, du lịch sinh thái, du lịch kết hợp hội nghị – hội thảo, du lịch biển, du lịch mạo hiểm… du lịch làng nghề đã và đang thu hút được sự quan tâm của khách du lịch trong nước và quốc tế. Du lịch làng nghề làm phong phú các sản phẩm du lịch, các tour du lịch. Những sản phẩm làng nghề có tính đơn lẻ, độc đáo, có sự kết tinh của văn hóa Việt thực sự hấp dẫn khách du lịch đến với làng nghề.
– Về cơ chế chính sách, Chính phủ đang có định hướng gìn giữ, bảo tồn và khai thác các làng nghề truyền thống lâu đời, đồng thời xây dựng và phát triển các làng nghề mới, đồng thời Chính phủ cũng đề ra mục tiêu hỗ trợ xây dựng và phát triển “mỗi làng – mỗi nghề” nhằm tăng nguồn thu nhập cho các làng, nâng cao mức sống của nhân dân, đa dạng hóa sản phẩm cũng như các tour du lịch làng nghề.
– Du lịch làng nghề phát triển bước đầu đã giúp các làng nghề khôi phục, phát triển được các hoạt động văn hóa dân gian, xây dựng được môi trường du lịch văn hóa, cải thiện hơn các cơ sở hạ tầng kết hợp với bảo vệ môi trường du lịch sinh thái, đẩy mạnh công tác dạy nghề cho lớp trẻ nhằm duy trì, gìn giữ kỹ năng truyền thống, bản sắc văn hóa của làng nghề.
– Các làng nghề truyền thống đã có ý thức khai thác sự hấp dẫn, độc đáo của sản phẩm làng nghề để thu hút khách du lịch tới làng nghề tham quan, mua sắm.
– Các làng nghề khai thác du lịch cũng bước đầu có ý thức tạo dựng cơ sở hạ tầng ban đầu tối thiểu cần thiết cho hoạt động du lịch như hệ thống cửa hàng mua sắm.
– Một số làng nghề cũng đã bắt đầu quan tâm tới việc xúc tiến, quảng bá cho làng nghề nhằm chào bán các sản phẩm, thu hút khách du lịch.
* Những vấn đề bất cập cần giải quyết
Du lịch làng nghề như ta đã thấy có một tiềm năng phát triển rất lớn, một vai tró phát triển rất quan trọng. Nhưng trên thực thế trong thời gian qua có thể nói hiệu quả hoạt động của các tuyến du lịch trên địa bàn tỉnh Hà Tây đạt được chưa cao.
– Du lịch làng nghề hiện nay được xây dựng dựa trên nguyên tắc tự phát, tức là do một địa phương hoặc một tổ chức đứng ra xây dựng điểm du lịch nên thiếu quy hoạch đồng bộ và chuyên nghiệp. Hà Tây là một tỉnh có nhiều làng nghề nhất trong cả nước thì hoạt động du lịch cũng chỉ diễn ra ở một số ít làng hội tụ được những yếu tố như có truyền thống công nghệ đặc sắc, đậm nét cảnh quan truyền thống và thuận tiện thiết lập các tour và các tuyến du lịch thuộc các địa phương tiêu biểu như: Hà Nội, Hà Tây, Bắc Ninh, Hải Phòng…
– Việc tạo dựng các sản phẩm du lịch trọn gói, hấp dẫn khách du lịch và lập chương trình cho các tuyến, chương trình du lịch làng nghề còn chưa được quan tâm thỏa đáng. Rất nhiều tài nguyên du lịch chưa được quan tâm khai thác, kết hợp hài hòa để tạo ra sức hất dẫn trong tour du lịch, tuyến, chương trình du lịch.
Ngay cả những mặt hàng truyền thống độc đáo được sản xuất thủ công tại các lành nghề cũng chưa được chú ý, đầu tư thích đáng. Chủng loại, kiểu dáng của sản phẩm thủ công truyền thống chưa phong phú, đa dạng, chất lượng chưa cao… đế hấp dẫn khách du lịch. Nguyên nhân chính của tình trạng này là do các làng nghề thiếu một đội ngũ sáng tác, thiết kế mẫu chuyên nghiệp làm cho tính truyền thống luôn hòa quyện với tính tiên tiến và hiện đại nhờ đó mà sản phẩm truyền thống mang được tính hơi thở của thời đại, mẫu mã sản phẩm sẽ đa dạng, phong phú hơn, hấp dẫn khách du lịch hơn.
– Chính quyền địa phương, cộng đồng dân cư tại làng nghề chưa nhận thức được đầy đủ, sâu sắc về vai trò và tác động của du lịch làng nghề đối với sự phát triển kinh tế xã hội của địa phương cũng nhưu tầm quan trọng của việc bảo tồn, gìn giữ những nghề truyền thống quý bấu cảu dân tộc. Các làng nghề truyền thống hiện nay phái đứng trước hai con đường: Một là bảo lưu các làng nghề truyền thống, hai là phải thay đổi để tồn tại trong nền kinh tế thị trường. Để tiếp tục tồn tại, các làng nghề phải chọn con đường tiếp tục đổi mới để phát triển tồn tại.
Hoạt động xúc tiến thương mại đối với hoạt động du lịch làng nghề còn chưa được quan tâm đúng mức. Mặc dù bước đầu đã có cổng thông tin Website của Tổng cục Du lịch Việt Nam, Hiệp hội du lịch làng nghề phía Bắc, giới thiệu, quảng bá loại hình du lịch làng nghề Việt Nam nhưng trong các chương trình quảng bá và xúc tiến tiềm năng du lịch của làng nghề còn thiếu và yếu. Hơn nữa, cũng chưa có cơ quan nào, đơn vị nào được giao nhiệm vụ tập hợp, phân tích và phổ biến các thông tin về du lịch làng nghề, số liệu về du lịch làng nghề và dự báo về sự phát triển trong tương lai của loại hình du lịch mới mẻ này.
Việc quảng bá về các làng nghề Việt Nam chưa thực sự là một điểm nhấn về văn hóa lịch sử, chưa tạo được ấn tượng mạnh thu hút sự quan tâm của khách du lịch quốc tế. Hiện nay nhu cầu đi du lịch của người dân ngày một tăng, do đó nhu cầu đi du lịch tham quan các làng nghề, tìm hiểu văn hóa làng nghề, mua sắm sản phẩm của làng nghề đó làm ra ngày một tăng. Trên thực tế phát triển các làng nghề du lịch tại nước ta thời gian qua cho thấy các làng nghề chưa nhận thức rõ ràng sâu sắc những động cơ, kinh nghiệm, sở thích của khách du lịch đối với du lịch làng nghề truyền thống. Các công ty du lịch chưa thực sự đáng giá, nghiên cứu tìm hiểu để nắm bắt được nhau cầu và mong muốn của khách du lịch. Phải dựa trên cơ sở nắm bắt được những thị hiếu và nhu cầu của khách du lịch thì mới đưa ra được những tour du lịch làm hài lòng khách du lịch.
– Về cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch, chỉ có một số làng nghề trọng điểm được quan tâm, hỗ trợ đầu tư của Nhà nước về hệ thống giao thông đường làng, điện nước… còn hầu hết các làng nghề cơ sở hạ tầng còn yếu và thiếu, chưa đủ đáp ứng yêu cầu kinh doanh du lịch. Nhiều làng nghề chưa xây dựng được các khu ăn uống, vui chơi giải trí, chỉ đơn thuần tập trung vào việc giới thiệu và bán sản phẩm. Ngoài ra nhiều làng nghề đều thiếu các nhà truyền thống, nhà trưng bày bảo tồn của làng nghề.
– Ô nhiễm môi trường đang là vấn đề bức xúc đối với các làng nghề. Hầu hết các làng nghề sản xuất đồ gồm, dệt nhuộm, đúc đồng… hiện nay đều trong tình trọng ô nhiễm báo động. Nguyên nhân cơ bản là do làng nghề này chưa quan tâm thỏa đáng đến vấn đề bảo vệ môi trường và nhận thức của người dân về việc phát triển làng nghề gắn với vệ sinh môi trường còn thấp…
– Do các làng nghề đều nằm trong giai đoạn phát triển ban đầu nên thiếu sự phối với giữa các ban ngành trong việc xây dựng cơ chế quản lý làng nghề, thiếu quy hoạch phát triển làng nghề để từ đó có định hướng đầu tư, khôi phục, bảo tồn và phát triển làng nghề cũng như thiết lập các tuyến du lịch mang tính liên hoàn kết nối các làng nghề du lịch.
Về quản lý nhà nước, Hiệp hội làng nghề Việt Nam… hiện chưa có cơ chế chính sách cụ thể, rõ ràng trong việc đãi ngộ những nghệ nhân nổi tiếng, có đóng góp quan trọng đối với việc gìn giữ và lưu truyền nghề truyền thống của mỗi làng nghề, của dân tộc, chưa có một hệ thống các chính sách riêng, văn bản pháp luật liên quan đến du lịch làng nghề nhằm khuyến khích khôi phục, bảo tồn và phát triển làng nghề du lịch truyền thống.
Chưa xây dựng được mối quan hệ chặt chẽ giữa làng nghề, Hiệp hội làng nghề, giữa hiệp hội làng nghề và Tổng cục du lịch, giữa các công ty du lịch với các làng nghề để các công ty du lịch đưa khách đến các làng nghề. Các công ty du lịch chưa gắn bó chặt chẽ với các làng nghề du lịch trong việc xác định sản phẩm du lịch đặc trưng của làng nghề du lịch, phương thức khai thác du lịch, nghiên cứu, xây dựng các chương trình du lịch đa dạng, hấp dẫn mới lạ, phù hợp với từng đối tượng khách du lịch.
– Thời gian khách du lịch đi thăm các làng nghề du lịch là rất ngắn, thường thì chỉ trong phạm vi một ngày. Nếu như các công ty du lịch, đại lý lữ hành và các làng nghề du lịch nếu biết khai thác và kéo dài thời gian tham quan, lưu trú của khách du lịch tại địa phương thì chắc chắn du lịch làng nghề có khả năng phát triển mạnh trong tương lai.
– Chưa có chế độ đãi ngộ đúng mức đối với các nghệ nhân. Hiện nay, các nghệ nhân khi được phong vẫn chưa được hưởng bất kỳ chế dộ đãi ngộ nào. Họ chưa được tạo điều kiện để mở các lớp đào tạo truyền nghề cho các thế hệ trẻ.
– Vấn đề đào tạo nguồn nhân lực còn nhiều hạn chế. Công tác đào tạo nguồn nhân lực, ở đây còn đề cập đến cả công tác phát triển đội ngũ nghệ nhân, công nhân làng nghề, hướng dẫn viên du lịch địa phương… đều chưa được quan tâm và chú ý đúng mức.
– Nhiều địa phương chưa có cơ chế chính sách phát triển làng nghề, chưa chú trọng gắn làng nghề với du lịch.
– Các làng nghề đều thiếu vốn, công nghệ, đặc biệt là công nghệ đẻ giải quyết môi trường và tạo mẫu mã…
Như vậy, có thể nói mặc dù du lịch làng nghề nước ta đã cho thấy tiềm năng phát triển lớn, vai trò rất quan trọng nhưng trên thực tế, trong thời gian qua, hoạt động của loại hình du lịch trên vẫn còn nhiều bất cập, tồn tại cần được giải quyết.
2. Mối quan hệ giữa các công ty lữ hành với các điểm du lịch làng nghề trên địa bàn.
Việc phát triển làng nghề gắn với du lịch sẽ nâng cao hình ảnh, tên của làng nghề; sản phẩm được tiếp cận với nhiều khách du lịch trong và ngoài nước, giải quyết được việc làm và tăng thu nhập cho lao động địa phương; góp phần phát triển ổn định làng nghề, nghề thủ công. Do vậy, cần phải có sự gắn kết giữa các ngành, các cấp khảo sát cũng cố, nâng cấp các làng nghề hiện trên địa bàn các huyện, thị để xây dựng các tuyến du lịch gắn với làng nghề và hình thành một số điểm trưng bày và bán sản phẩm chất lượng cao của các làng nghề, nghề thủ công trong tỉnh.như: hàng thủ công mỹ nghệ và hàng đặc sản địa phương.
Du lịch làng nghề là sản phẩm du lịch khai thác các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể. Các sản phẩm do nghề thủ công của làng nghề tạo ra như là một đối tượng tài nguyên du lịch có giá trị, được khai thác để phục vụ cho nhu cầu nghiên cứu tìm hiểu văn hóa, tham quan du lịch của du khách; mang lại lợi ích kinh tế cho địa phương và đất nước, góp phần tôn vinh, bảo tồn giá trị truyền thống văn hóa dân tộc. Khôi phục và phát triển làng nghề; gắn kết làng nghề truyền thống với thị trường du lịch có vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế – xã hội của đất nước. Vai trò của du lịch làng nghề khá phong phú và quan trọng.
Du lịch làng nghề góp phần đa dạng hóa các sản phẩm du lịch làng nghề truyền thống là một đối tượng tài nguyên nổi bật của thị trường du lịch. Xây dựng hệ thống sản phẩm du lịch làng nghề truyền thống góp phần tăng cường khả năng lựa chọn của khách du lịch đối với các sản phẩm du lịch của Việt Nam, tăng cường khả năng xây dựng các sản phẩm du lịch có tính khác biệt lớn giữa các điểm đến trong tour, tăng mức độ hấp dẫn và ấn tượng đối với du khách, thỏa mãn nhu cầu của du khách, đặc biệt khách du lịch quốc tế, muốn tìm hiểu về văn hóa làng, xã, gắn liền với nó là những sản phẩm thủ công truyền thống của các làng nghề mang tính độc đáo, nghệ thuật cao.
Mặc dù những năm qua làng nghề ở nước ta được khôi phục và phát triển khá nhanh, có nhiều đóng góp cho kinh tế làng xã, mở rộng thị trường cải thiện đáng kể đời sống nhân dân. Nhưng sự phát triển làng nghề và thị trường du lịch làng nghề vẫn chưa ngang tầm với tiềm năng và còn nhiều hạn chế. Hoạt động du lịch làng nghề còn đơn điệu, chưa được tổ chức chặt chẽ và chuyên nghiệp, khả năng mở rộng kinh doanh du lịch còn thấp nên doanh thu chưa cao. Các dịch vụ tại điểm du lịch làng nghề chưa phát triển dẫn đến thời gian ở lại làng nghề của du khách là rất thấp và hạn chế nhu cầu chi tiêu của khách. Một số vấn đề xã hội bắt đầu nảy sinh như bán giá cao cho khách, bán hàng có xuất xứ không phải từ làng nghề; thái độ thiếu thân thiện, ô nhiễm môi trường…
Du lịch làng nghề đang phải đối mặt với rất nhiều vấn đề cần quan tâm giải quyết như: trình độ tổ chức quản lý, trang thiết bị và nguồn lực tài chính, kiến thức thị trường, marketing, cơ sở hạ tầng và kỹ thuật công nghệ còn thiếu và yếu. Chất lượng sản phẩm còn chưa đồng đều, mẫu mã sản phẩm không phù hợp với phong cách hiện đại, còn nhái lại những sản phẩm nước ngoài.
Thông tin trên thị trường du lịch làng nghề cho khách du lịch không đầy đủ. Mặc dù số điểm làng nghề được khai thác khá nhiều nhưng chất lượng sản phẩm du lịch vẫn chưa đảm bảo. Nhiều chương trình du lịch được xây dựng với lịch trình chưa hợp lý về mặt không gian và thời gian. Sự kết hợp các điểm du lịch làng nghề với các điểm du lịch sinh thái, lễ hội chưa phù hợp gây nên tâm lý không tốt cho khách. Một số công ty lữ hành xây dựng chương trình du lịch làng nghề còn mang tính hình thức, chưa có sự tin tưởng vào khả năng thành công của sản phẩm cho nên hiệu quả khai thác chưa cao.
Để khai thác và kinh doanh tốt thế mạnh, tiềm năng du lịch làng nghề, trong thời gian tới, cần chú ý một số giải pháp vừa cấp bách vừa cơ bản sau:
Xây dựng quy hoạch tổng thể phát triển du lịch làng nghề đặt trong mối quan hệ chặt chẽ với quy hoạch tổng thể phát triển du lịch chung và quy hoạch phát triển ngành nghề nông thôn. Cần phải nghiên cứu tiềm năng du lịch và thị trường khách du lịch, đánh giá năng lực của cộng đồng trong việc phát triển du lịch, quan tâm đến vấn đề phát triển bền vững làng nghề. Trong quy hoạch chú ý kết hợp các chương trình, chiến lược phát triển kinh tế – xã hội đất nước và của từng vùng gắn với lợi ích của cộng đồng dân cư địa phương; phải đề ra được những mô hình, những giải pháp để phát triển du lịch làng nghề.
Đào tạo nguồn nhân lực cho phát triển làng nghề và du lịch làng nghề. Chú trọng nâng cao năng lực quản lý doanh nghiệp, đào tạo nghệ nhân, hướng dẫn viên, thuyết minh viên, trang bị những kiến thức về văn hóa, chuyên môn kỹ thuật và cách thức quản lý kinh doanh trong cơ chế thị trường , nâng cao kỹ năng nghiệp vụ đón tiếp khách du lịch , kỹ năng bán hàng, chiến lược thiết kế và marketing du lịch. kỹ năng phát hiện thị trường mục tiêu, thiết kế sản phẩm phù hợp với thị trường mục tiêu, thương mại điện tử trong thời đại mới,… cho cán bộ, nhân viên, và nhân dân làng nghề. Các hình thức đào tạo nên tổ chức đa dạng tại các trung tâm dạy nghề, mở các lớp ngắn hạn, câu lạc bộ ngành nghề, câu lạc bộ giám đốc doanh nghiệp, trung tâm thông tin và tư vấn, các nghệ nhân truyền nghề… Liên kết với các trường đại học gắn các làng nghề thủ công chủ yếu là các trường đại học về kinh tế, du lịch, thiết kế, mỹ nghệ để hỗ trợ nững kiến thức về du lịch, kinh tế, sản xuất kinh doanh và bằng cấp tốt về kỹ thuật.
Tuyên truyền giáo dục rộng rãi trong nhân dân nâng cao nhận thức vai trò vị trí của du lịch làng nghề. Tổ chức các hội nghị, hội thảo, tuyên truyền cổ động nâng cao nhận thức của người dân về vai trò của việc bảo tồn giá trị văn hóa truyền thống, tầm quan trọng của thị trường nội địa và những yếu tố không thể kiểm soát được của thị trường nước ngoài (như dịch bệnh, khủng hoảng…) nhận thức được việc tạo lập thói quen thân thiện, gần gũi với khách du lịch. Tổ chức đi khảo sát thực tế các làng đã thành công trong việc trực tiếp mô hình du lịch làng nghề để học hỏi những kinh nghiệm, học cách kết hợp giữa việc sản xuất hàng thủ công với phát triển du lịch.
Phát triển thị trường, tuyên truyền quảng bá du lịch làng nghề, xây dựng thương hiệu làng nghề. Đẩy mạnh công tác nghiên cứu thị trường, tập hợp và phân tích thông tin về thực trạng phát triển du lịch làng nghề, số lượng khách du lịch đến các làng nghề, cơ cấu khách, đặc điểm khách… Thực hiện chiến lược vùng về marketing và xúc tiến du lịch để khuyến khích sự cộng tác giữa các chủ thể du lịch. thực hiện đồng bộ các chính sách thị trường, hỗ trợ các làng nghề ổn định và mở rộng thị trường trong và ngoài nước, tăng cường khả năng tiếp cận thông tin. Xây dựng trang Web, đĩa CD giới thiệu chung về làng nghề và du lịch làng nghề Việt Nam. Tham gia các hội chợ thương mại, du lịch trong nước và quốc tế, các chương trình quảng bá du lịch tại nước ngoài để giới thiệu tiềm năng du lịch làng nghề Việt Nam, mở rộng thị trường và tổ chức liên hoan du lịch làng nghề.
Bảo tồn di sản văn hóa làng nghề, tổ chức khôi phục lại các lễ hội truyền thống mang bản sắc làng nghề, đặc biệt cần tái hiện lại một cách chân thực quá trình hình thành và phát triển của làng nghề, ông tổ của nghề và những nét đẹp trong bản thân quá trình tạo ra sản phẩm làng nghề đó. Có chính sách tôn vinh tổ nghề, nghệ nhân, những bàn tay vàng. Phát triển làng nghề không thể tách rời việc bảo tồn các yếu tố truyền thống độc đáo của dân tộc đã in đậm trên các sản phẩm thủ công. Đồng thời hỗ trợ phát triển các sản phẩm ấy lên một bước mới bằng cải tiến kỹ thuật sản xuất nhằm đáp ứng nhu cầu và thị hiếu người tiêu dùng thời hiện đại. Đó cũng chính là nét đặc thù của du lịch làng nghề đang thu hút đông khách du lịch.
Đa dạng hóa và nâng cao chất lượng sản phẩm làng nghề tạo nên sự hấp dẫn đối với du khách. Đa dạng hóa nhưng phải giữ những nét đặc trưng, tinh tế của sản phẩm làng nghề và trên cơ sở những nhu cầu của khách du lịch. Thiết lập thương hiệu và lôgô cho sản phẩm làng nghề, qui định những tiêu chuẩn cho sản phẩm của làng nghề. Xây dựng phông đón tiếp khách, trưng bày giới thiệu sản phẩm, khuyến khích sử dụng trong các làng nghề. Tổ chức hướng dẫn tại điểm làng nghề, có thể tổ chức cho du khách thử nghiệm tham gia vào quá trình tạo ra sản phẩm tạo sự thích thú và hấp dẫn đối với khách, đồng thời phải đảm bảo vệ sinh môi trường của làng nghề, phát triển các dịch vụ bổ sung phục vụ nhiều đối tượng của khách du lịch.
Cần có sự phối hợp liên ngành và sự tham gia tích cực của cộng đồng dân cư địa phương trong phát triển du lịch làng nghề. Kết nối chương trình du lịch làng nghề truyền thống giữa các tỉnh, thành phố của cả nước. Hình thành sự liên kết giữa Trung ương, tỉnh, huyện, và chính quyền địa phương, nơi có làng nghề là cần thiết trong việc marketing, tuyên truyền quảng cáo thương hiệu làng nghề, đào tạo nhân lực cho làng nghề và giáo dục cộng đồng.