Quản lý điểm đến du lịch có trách nhiệm với môi trường và xã hội, hướng tới mục tiêu phát triển bền vững
Không giống như bất kỳ ngành nào khác có liên quan tới việc khai thác, sử dụng tài nguyên thiên nhiên và văn hóa, ngành Du lịch nhận thức sâu sắc rằng sự đa dạng, giàu có và độc đáo của nguồn tài nguyên mà nó phụ thuộc vào có mối liên hệ mật thiết với phát triển bền vững kinh tế, xã hội và quốc gia. Đó là lý do vì sao Liên hiệp quốc xây dựng các mục tiêu phát triển bền vững (SDG) và Chương trình nghị sự cho phát triển bền vững đến năm 2030.
Rõ ràng, du lịch tạo ra nhiều cơ hội việc làm và có khả năng nâng cao nhận thức và giáo dục đối với người dân địa phương, thế hệ trẻ, và góp phần bảo tồn di sản văn hóa, môi trường. Ngược lại, nếu thiếu sự quản lý hiệu quả, du lịch có thể tác động tiêu cực tới tất cả các lĩnh vực nói trên.
Phát triển du lịch bền vững và có trách nhiệm là yếu tố cơ bản tạo ra sự thay đổi của môi trường và xã hội. Nhưng du lịch chỉ thực sự mang lại những lợi ích hữu hình khi nó tạo ra việc làm và nâng cao đời sống của người dân địa phương, thể hiện qua hiệu quả trong hoạt động thương mại và tác động tích cực đối với môi trường. Kết quả của việc tôn trọng và bảo vệ môi trường thiên nhiên và văn hóa là điểm đến thu hút khách du lịch nhiều hơn. Muốn vậy, các bên liên quan trong ngành Du lịch cần phối hợp chặt chẽ, chân thành và hướng tới mục tiêu bảo vệ sinh thái nhiều hơn, cũng như tăng cường năng lực bảo vệ các giá trị kinh tế – xã hội trong du lịch.
Chúng ta thường quan tâm đến việc cộng đồng địa phương chưa được tham gia đầy đủ hoặc được trao quyền cho hoạch định chính sách quốc gia về quản lý du lịch nhưng có thể chúng ta ít quan tâm tới việc tình trạng nghèo đói hoặc sự thiếu hiểu biết của người dân địa phương tác động tới du lịch như thế nào. Người dân địa phương thường có kiến thức hạn chế về du lịch và khách du lịch. Họ cho rằng chỉ có khách du lịch là đối tượng có ảnh hưởng tới sự phát triển của Ngành. Thực tế phát triển du lịch cộng đồng cho thấy, người dân địa phương chính là chủ thể tạo ra sản phẩm du lịch, duy trì và gìn giữ văn hóa, phong tục, tập quán để thu hút khách đến nhiều hơn. Bởi vậy, trong quản lý điểm đến du lịch, chúng ta đánh giá cao vai trò của chính quyền địa phương thực hiện các nguyên tắc của du lịch có trách nhiệm thông qua việc tạo động lực và truyền cảm hứng cho cộng đồng kinh doanh du lịch.
“Cốt lõi của du lịch có trách nhiệm là sự hiểu biết và chấp nhận trách nhiệm. Mọi quyết định và hành động của chúng ta đều có ảnh hưởng nào đó: tiêu cực hoặc tích cực. Để thực hành du lịch có trách nhiệm, chúng ta cần phải lấy đạo đức, nguyên tắc và quy luật xã hội ra làm căn cứ chỉ dẫn, đưa ra các quyết định mang lại lợi ích tích cực nhất cho con người và môi trường xung quanh chúng ta.” (Du lịch có trách nhiệm khác với các hình thức du lịch bền vững như thế nào? – Tài liệu 8 câu hỏi liên quan đến du lịch có trách nhiệm của Dự án EU-ESRT)
Trên quan điểm tiếp cận toàn diện để phát triển bền vững, chúng ta cần xác định vấn đề cấp thiết rằng điểm đến du lịch cũng như cộng đồng địa phương chính là sản phẩm độc đáo của du lịch và người dân tại điểm đến đó là chủ thể tham gia vào hoạt động du lịch.
Văn hóa giải trí của người dân địa phương không hướng tới du lịch. Bởi họ không có thói quen đi du lịch tới các điểm đến có lệ phí quá cao. Họ chỉ biết tới các điểm đến du lịch nổi tiếng qua sách, báo, phát thanh và truyền hình. Khi các điểm đến không phục vụ mục đích tổ chức hội nghị, hội thảo, thì rất nhiều người không biết và không có thói quen đi du lịch ngay tại địa phương của mình. Với suy nghĩ như vậy, người dân địa phương sẽ không thể đóng góp đáng kể cho việc quản lý môi trường, kể cả việc chăm sóc các điểm tham quan và di sản.
Chỉ khi người dân địa phương giữ vai trò then chốt trong phát triển du lịch bền vững thì chính họ sẽ nhận trách nhiệm đảm bảo việc giữ gìn và phát triển điểm đến.
Mặc dù khách du lịch nước ngoài có tác động mạnh mẽ đối với địa phương, chúng ta thừa nhận rằng vẫn còn thiếu phương pháp tiếp cận toàn diện để đảm bảo sự tham gia và trao quyền đầy đủ cho người dân. Các khoản phí du lịch hầu như không thuộc về họ. Khi người dân được hưởng lợi từ du lịch, họ cần được giáo dục nâng cao nhận thức về việc trân trọng và quan tâm chu đáo tới điểm đến du lịch.
Khi các mục tiêu phát triển bền vững (SDG) được thiết lập, các quốc gia hướng tới các mục tiêu bao trùm. Đối với du lịch, các mục tiêu này nhằm thúc đẩy du lịch bền vững. SDG 8 (Thúc đẩy tăng trưởng kinh tế ổn định, toàn diện, bền vững và tạo việc làm đầy đủ, năng suất cao và bền vững cho tất cả mọi người) xác định vào năm 2030, hoàn thành việc thực hiện chính sách du lịch bền vững tạo ra việc làm và quảng bá văn hóa và các sản phẩm địa phương; SDG 12 (Đảm bảo mô hình tiêu thụ và sản xuất bền vững) thực hiện và phát triển các công cụ giám sát tác động của phát triển du lịch bền vững trong tạo việc làm, quảng bá văn hóa và các sản phẩm địa phương; và SDG 14 (Bảo tồn và sử dụng bền vững đại dương, biển và tài nguyên biển để phát triển bền vững) xác định vào năm 2030 sẽ hoàn thành mục tiêu tăng lợi ích kinh tế của các quốc đảo nhỏ đang phát triển và các quốc gia kém phát triển nhất thông qua việc sử dụng bền vững tài nguyên biển, bao gồm quản lý nuôi trồng và đánh bắt thủy sản và du lịch.
Giải pháp:
– Các điểm đến du lịch cộng đồng cần thành lập trung tâm du khách và môi trường để hỗ trợ thông tin cho khách và bảo vệ môi trường.
– Ngôn ngữ sử dụng trong truyền thông và việc xây dựng thị trường cho điểm đến du lịch cần phải đáp ứng sự quan tâm và nguyện vọng của người dân địa phương.
– Cần thay đổi nhận thức rằng chỉ có khách du lịch nước ngoài mới là khách du lịch và không quảng bá đầy đủ du lịch địa phương.
– Thanh niên cần được trang bị kiến thức toàn diện về cách ứng phó với biến đổi khí hậu trong mối liên hệ với quản lý du lịch.
– Cần trao quyền cho cộng đồng địa phương dựa trên việc chia sẻ rộng rãi thông tin và kiến thức về các điểm đến du lịch, hiểu biết về tầm quan trọng của việc bảo vệ môi trường của điểm đến.
Kết luận:
Nếu không có kiến thức toàn diện và hiểu về du lịch bền vững, người dân địa phương sẽ không thể góp phần vào việc tạo ra và thực hiện sáng kiến có lợi cho môi trường cũng như việc giảm thiểu dấu chân carbon của họ.
Rõ ràng là tất cả các bên liên quan đều được hưởng lợi từ việc tham gia vào phát triển du lịch bền vững. Và chính điều này sẽ đóng vai trò quyết định trong việc quan trọng nhất cần phải làm đó là quản lý môi trường./.
Chiến Thắng