Phát triển du lịch với văn hóa, thể thao và gia đình
Từ 2007, khi chức năng quản lý nhà nước về du lịch thuộc bộ đa ngành văn hóa, thể thao và du lịch, có quan điểm cho rằng du lịch sẽ khó phát huy vai trò sứ mệnh của mình là một ngành kinh tế dịch vụ. Nhưng cũng có quan điểm ngược lại rằng du lịch làm lên sứ mệnh của mình thông qua văn hóa, thể thao và gia đình. Tranh luận về vấn đề này, bài viết đưa ra một vài khía cạnh luận giải về tính chất hai mặt của du lịch vừa mang tính kinh tế vừa mang tính xã hội để qua đó nhìn nhận khách quan hơn về yêu cầu đối với quản lý nhà nước về du lịch.
Kinh tế du lịch
Hoạt động kinh doanh du lịch ngày nay đang trở thành ngành công nghiệp lớn toàn cầu. Theo Tổ chức Du lịch Thế giới (UNWTO), năm 2011 với 982 triệu lượt khách, du lịch quốc tế đóng góp trực tiếp 1.050 tỷ USD, bằng 5% GDP toàn cầu (UNWTO 2012) và ngành du lịch và lữ hành toàn cầu đóng góp tổng thể (trực tiếp và gián tiếp) 6.346 tỷ USD, bằng 9,1% GDP toàn cầu (WTTC 2012); tạo ra 255 triệu việc làm (cứ 12 lao động có 1 làm du lịch) và du lịch là 1 trong 4 ngành kinh tế lớn hàng đầu thế giới, mang lại phồn vinh cho nhiều quốc gia, đặc biệt quan trọng đối với các nước đang phát triển thuộc khu vực kinh tế mới nổi.
Theo báo cáo của Tổng cục Du lịch, ngành du lịch Việt Nam năm 2011 đón 6,01 triệu lượt khách quốc tế và phục vụ 30 triệu lượt khách nội địa mang lại tổng thu trực tiếp trên 130.000 tỷ đồng, chiếm 5,8% GDP và tạo ra trên 1,4 triệu việc làm trực tiếp và gián tiếp. Tuy nhiên theo tính toán dựa trên tài khoản vệ tinh du lịch của Hộ đồng Du lịch và Lữ hành Thế giới (WTTC), năm 2011 ngành du lịch và lữ hành Việt Nam đóng góp trực tiếp 107.340 tỷ đồng (khấu trừ nhập khẩu) vào GDP (4,3%), nhưng quan trọng hơn là đóng góp tổng thể vào GDP (gồm trực tiếp và gián tiếp) là 246.814 tỷ đồng (10,0%). Tuy cách tính toán khác nhau nhưng những con số đó cho thấy vai trò kinh tế của du lịch trên thế giới nói chung và ở nước ta nói riêng ngày càng được khẳng định.
Hoạt động kinh tế du lịch trực tiếp được tính đến đó là việc cung cấp dịch vụ ăn, ở, đi lại, tham quan, giải trí, nghỉ dưỡng… trực tiếp phục vụ khách du lịch. Các hoạt động kinh tế khác gián tiếp tham gia vào chuỗi cung ứng dịch vụ phục vụ khách du lịch cũng được tính toán trong đóng góp của du lịch trong nền kinh tế. Ở khía cạnh này có thể nói, ngành kinh tế du lịch có liên quan đến tất cả các ngành, lĩnh vực của đời sống kinh tế xã hội và đóng góp to lớn vào nền kinh tế quốc dân.
Hoạt động kinh doanh du lịch tuân theo các quy luật kinh tế và việc quản lý của Nhà nước đối với kinh tế du lịch bằng công cụ pháp luật thông qua việc ban hành và thực thi các văn bản quy phạm pháp luật và hướng dẫn chuyên ngành của cơ quan quản lý nhà nước về du lịch. Như vậy, thực tế chứng minh du lịch vẫn phát huy vai trò sứ mệnh của mình là một ngành kinh tế, mang lại nguồn thu và tạo việc làm cho xã hội trong khi quản lý nhà nước về du lịch thuộc bộ đa ngành văn hóa, thể thao và du lịch. Vấn đề ở chỗ vai trò của yếu tố con người trong cơ quan quản lý nhà nước về du lịch ở các cấp có đúng vị trí và chuyên môn tham mưu về du lịch hay không. Điều đó quyết định đến chất lượng, hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về du lịch mà không lệ thuộc tuyệt đối vào việc gắn với lĩnh vực quản lý chuyên ngành khác.
Du lịch-hoạt động mang tính xã hội
Mặt khác, hoạt động du lịch là hình thức giao lưu xã hội mở rộng của con người với con người và môi trường sống. Nên có thể nói du lịch là một mặt của đời sống xã hội liên quan đến tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội khác, trong đó có văn hóa, nghệ thuật, thể thao, y tế, gia đình… Để thực hiện sứ mệnh của mình, hoạt động du lịch trước hết phải dựa vào những giá trị văn hóa thể chất và tinh thần làm nền tảng, trong đó có văn học, nghệ thuật, thẩm mỹ, lối sống, sức khỏe, thể thao, gia đình… Du lịch vừa là hình thái tiêu dùng, thụ hưởng những giá trị văn hóa đồng thời qua đó làm cho những giá trị văn hóa đó trở lên có ý nghĩa cho cuộc sống. Hoạt động du lịch trở lên phổ biến và hình thành giá trị cuộc sống trong xã hội văn minh, đồng thời du lịch góp phần nâng cao thể chất và tinh thần cho mỗi cá nhân và qua đó tái tạo sức sống cho xã hội.
Du lịch với văn hóa, nghệ thuật
Văn hóa (xã hội) và sinh thái (tự nhiên) là hai yếu tố chính hình thành động cơ đi du lịch. Yếu tố sinh thái do thiên tạo từ triệu triệu năm nhưng con người cũng có thể tác động có chủ đích với sinh thái. Vì vậy, văn hóa luôn là yếu tố quyết định. Xưa nay, du lịch luôn gắn với văn hóa. Văn hóa vừa là duyên cớ vừa làm mục đích của mỗi chuyến đi du lịch. Ngày nay, trên thế giới đang nổi lên xu hướng du lịch về nguồn để tìm đến những giá trị cội rễ sâu sắc của các nền văn hóa. Nhu cầu du lịch giờ đây hướng tới tìm hiểu sự tinh túy và những góc cạnh khác biệt của văn hóa mỗi điểm đến thông qua sự giao lưu, khám phá văn hóa giữa du khách và chủ nhân của điểm đến. Vì vậy, yếu tố văn hóa không thể thiếu mà luôn được thiết kế tinh tế trong mỗi sản phẩm du lịch để đáp ứng nhu cầu của du khách.
Những giá trị về di sản văn hóa, lối sống, nghệ thuật, thẩm mỹ, ẩm thực…của Việt Nam là những tài nguyên du lịch nhân văn vô giá để thu hút hoạt động du lịch, mang lại nguồn cảm hứng cho du lịch. Thông qua du lịch mà con người (khách du lịch) tiếp cận, cảm nhận, thưởng ngoạn và thấu hiểu những giá trị văn hóa đó, tiêu hóa nó trở thành những giá trị mới hữu ích cho con người hiện tại và thế hệ tương lai. Ở khía cạnh đó, chính hoạt động du lịch hiện thân nội dung văn hóa. Như vậy, chính du lịch vừa thụ hưởng giá trị văn hóa vừa tiếp sức cho văn hóa, tạo chân lý cho văn hóa tồn tại và phát triển.
Trong thực tế, những tác phẩm văn học, nghệ thuật, phim ảnh… đã tạo lên tiếng vang và sức thu hút mạnh mẽ đối với điểm đến du lịch. Đất Kinh Bắc được biết đến là nhờ dân ca quan họ; du lịch đồng bằng sông Cửu Long thu hút khách nhờ đờn ca tài tử; bài hát “bóng cây Cơ nia” đã làm cho vùng đất Tây Nguyên trở lên hấp dẫn; qua bộ phim “Đông Dương” mà Việt Nam được biết đến rộng rãi khắp thế giới… Nền văn hóa Việt Nam với bề dày lịch sử cùng tồn tại và phát triển của 54 dân tộc anh em, đặc trưng bởi bản sắc đậm đà, tính đa dạng và độc đáo nay đang là chủ đề để khai thác phát triển du lịch phục vụ trước hết chính nhân dân Việt Nam và tiếp đến với niềm tự hào trong thiết đãi khách quốc tế. Qua đó, có thể khằng định du lịch Việt Nam chỉ có thể làm lên sứ mệnh của mình là ngành kinh tế chỉ khi biết dựa vào văn hóa, khai thác giá trị văn hóa làm hồn cốt cho sản phẩm du lịch đặc trưng Việt Nam.
Du lịch với thể thao và phát triển thể chất
Ngày nay, trong thế giới văn minh chúng ta chứng kiến hoạt động thể thao ngày càng mở rộng loại hình, quy mô, tính chất và phạm vi, có nhiều trò chơi mới, các cuộc thi đấu đa dạng, có sự tham gia đông hơn của người chơi và người xem đến từ nhiều vùng, miền, châu lục. Thể thao đang trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu đối với mọi lứa tuổi.
Ở nước ta thể thao quần chúng luôn song hành với thể thao thành tích và thể thao chuyên nghiệp và ngày càng được quan tâm phát triển khi các điều kiện kinh tế, xã hội phát triển. Hoạt động thể thao mang lại sức khỏe về thể lực và ý trí cho mỗi cá nhân. Vì vậy, những năm gần đây, khi điều kiện sống được cải thiện, người Việt Nam tham gia hoạt động thể thao ngày càng tăng lên. Gắn với hoạt động du lịch, một số hoạt động thể thao ở đó chính khách du lịch đồng thời là người chơi thể thao như du lịch khám phá, leo núi, nặn biển, chơi golf, đua xe, đua thuyền, lướt ván… Sự giao thoa giữa thể thao và du lịch còn thấy rõ trong hoạt động du lịch giải trí, nghỉ dưỡng, thiền.. gắn với thiên nhiên được xem như là một trong những loại hình thể thao tinh thần. Như vậy, hoạt động du lịch thể thao đó mang lại giá trị về thể chất và tinh thần cho người đi du lịch (khách du lịch thể thao).
Ở khía cạnh khác các giải đấu chuyên nghiệp, thành tích cao, các sự kiện thể thao ngày nay diễn ra với quy mô và phạm vi lớn hơn có sức hấp dẫn thu hút đông người xem đến từ các vùng, miền, châu lục. Chính những người xem, cổ vũ thể thao trở thành khách du lịch. Họ đi du lịch để thưởng thức thể thao và tìm thấy cảm hứng, sự thăng hoa và trải nghiệm du lịch từ việc chứng kiến những khoảng khắc thể thao tại các cuộc chơi, giải đấu, sự kiện thể thao. Như vậy, hoạt động thể thao là động cơ thu hút du lịch mang đến cho du khách là người thưởng thức những giá trị trải nghiệm về những khoảng khắc vượt lên thách thức, chiến thắng chính mình, chiếm lĩnh đỉnh cao.. trong thể thao, qua đó góp phần tạo lên giá trị cuộc sống.
Cả hai trường hợp khách du lịch thể thao hay là khách du lịch thưởng thức thể thao kể trên cùng với các vận động viên, huấn luyện viên chuyên nghiệp thì đây là nhóm khách hàng quan trọng của ngành du lịch. Rõ ràng thể thao trở thành một mục tiêu phục vụ của ngành du lịch. Doanh thu du lịch từ các sự kiện thể thao, phục vụ khách du lịch thể thao chiếm tỷ trọng không nhỏ trong cơ cấu thu nhập ngành du lịch. Ở nước ta, những năm gần đây hoạt động du lịch với mục đích thể thao và hưởng ứng sự kiện thể thao không ngừng tăng lên, góp phần không nhỏ vào kết quả hoạt động của ngành du lịch.
Bên cạnh đó, chính hoạt động thể thao đã tạo ra động cơ du lịch và thu hút du lịch. Thực tế, những sự kiện thể thao lớn là nơi có thể quảng bá hiệu quả cho hoạt động du lịch, quảng bá điểm đến du lịch. Huy chương mà đoàn Việt Nam đạt được tại SEA GAMES, ASIAD hay các giải đấu quốc tế khác không đơn giản chỉ là niềm tự hào chiến thắng, vinh danh đối với cá nhân hay tập thể vận động viên mà qua đó đã truyền tới công chúng thế giới thông điệp và hình ảnh đẹp về đất nước, con người Việt Nam. Khoảng khắc đó đồng thời quảng bá mạnh mẽ cho du lịch Việt Nam. Hướng tới ASIAD 2019 mà Việt Nam đăng cai sẽ là cơ hội to lớn cho ngành du lịch để đón tiếp và phục vụ số lượng lớn khách quốc tế đến với sự kiện của Châu lục đồng thời là dịp quý báu để chứng minh với thế giới về hình ảnh, tiềm lực văn hóa, kinh tế, sức sống Việt Nam, đất nước, con người và sự hiếu khách Việt Nam. Có thể nói, khi đời sống xã hội ở nước ta được nâng lên, hoạt động thể dục thể thao đang kích thích du lịch. Du lịch trở thành hoạt động thể thao chủ động và ngày càng tạo lập giá trị mới về thể chất và tinh thần cho xã hội, đồng thời mang lại giá trị kinh tế cho ngành du lịch.
Du lịch với gia đình và lối sống
Có thể nói, hơn bất cứ nơi nào trên thế giới, Việt Nam đáng tự hào về nếp sống gia đình truyền thống thể hiện ở trật tự gắn kết các thành viên trong gia đình. Lối sống sinh hoạt gia đình Việt Nam đặc trưng bởi những chuẩn mực phản ảnh giá trị cuộc sống và là tiêu chí hạnh phúc.
Ngày nay, trong bão táp của cơ chế thị trường, những giá trị về văn hóa gia đình đang thay đổi, có nguy cơ biến dạng theo chiều hướng xấu, làm mất đi những chuẩn mực có tính truyền thống cao đẹp mà được coi là “cổ hủ” không phù hợp với thị trường đồng thời tiếp biến những giá trị mới được coi là hiện “hiện đại” làm lệch lạc những giá trị đích thực của nếp sống gia đình Việt Nam. Trong xu hướng ấy, du lịch đang nổi lên là yếu tố giải quyết hài hòa giữa cái “cũ” và “mới” đối với gia đình truyền thống Việt Nam. Ngày nay, do điều kiện sống ngày càng được cải thiện, khách du lịch đi theo gia đình ngày càng tăng. Trên thế giới có tới 30% khách du lịch quốc tế đi theo gia đình (cứ 3 khách du lịch có 1 khách đi với yếu tố gia đình), chủ yếu những chuyến du lịch nghỉ dưỡng, nghỉ lễ, nghỉ phép. Ở Việt Nam, con số đó cao hơn nhiều, theo ước tính của Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch khoảng 38% khách du lịch người Việt Nam đi du lịch cùng các thành viên trong gia đình. Trong mỗi chuyến đi du lịch, các thành viên trong gia đình được sinh hoạt trong môi trường mới, có sự tìm hiểu và so sánh và qua đó tìm thấy những giá trị mới đáng học hỏi và tự hào về gia đình mình. Sự gắn kết và ý nghĩa cuộc sống gia đình lại càng được củng cố qua mỗi chuyến đi. Giá trị những kỳ nghỉ cùng gia đình đã làm tăng thêm giá trị hạnh phúc gia đình. Những lệch lạc về chuẩn mực văn hóa gia đình qua đó cũng được nhìn nhận lại. Ở đây du lịch có ý nghĩa to lớn đối với việc nâng cao giá trị hạnh phúc gia đình.
Ở khía cạnh khác, chính hạnh phúc gia đình là mục đích phấn đấu của mỗi cá nhân thành viên gia đình. Sự nỗ lực trong nghề nghiệp để không ngừng cải thiện cuộc sống cũng nhằm phục vụ gia đình để cả nhà có thể cùng đi du lịch. Khi khả năng chi tiêu của gia đình được nâng lên là lúc gia đình quyết định đi du lịch. Tổ hợp dịch vụ phục vụ nhu cầu có tính chất gia đình vì thế hình thành và phát triển. Du lịch gia đình trở thành nhóm khách hàng quan trọng của ngành Du lịch. Khách du lịch gia đình chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu khách và chi tiêu của khách du lịch gia đình tạo phần lớn tổng thu du lịch và tiếp đến là tạo việc làm cho xã hội.
Hơn nữa, hễ là khách du lịch mỗi chuyến đi là cả một câu chuyện dài với mong ước đem về kể cho gia đình bằng những bưu thiếp, món quà lưu niệm, những hình ảnh, những khoảng khắc thú vị trong chuyến đi, những trải nghiệm mới trong cuộc sống trên thế giới… Những thứ đó đều hướng tới đích “cõi đi về” để chia sẻ hạnh phúc trong gia đình. Với ý nghĩa đó, chính du lịch mang lại hạnh phúc luôn luôn mới cho gia đình; du lịch luôn mang đến cảm hứng mới cho gia đình, tạo sự gắn kết đằm thắm hơn trong cuộc sống sinh hoạt gia đình. Trong bối cảnh toàn cầu hóa, các thành viên trong gia đình có thể sinh sống và làm việc ở nhiều nơi khác nhau trên thế giới. Nhờ du lịch mà cơ hội đoàn tụ, họp mặt giữa các gia đình kiểu hiện đại đó sẽ thường xuyên hơn.
Chưa kể hết các giá trị sống khác do du lịch mang lại, chỉ xem xét riêng đối với văn hóa, thể thao và gia đình có thể thấy vai trò sứ mệnh của du lịch. Văn hóa, thể thao, gia đình là động cơ thu hút, quyết định cho những chuyến đi du lịch. Đồng thời người đi du lịch được hưởng lợi từ giá trị văn hóa, trải nghiệm thể thao, sự xum vầy gia đình qua đó chính du lịch góp phần phát huy, làm thăng hoa giá trị văn hóa, thúc đẩy thể thao, cổ vũ tiếp sức cho thể thao và duy trì gia đình. Đây là sứ mệnh vô cùng vĩ đại mà du lịch mang đến cho con người trong xã hội văn minh nói chung và ở Việt Nam nói riêng.
Tuy nhiên, để du lịch làm được sứ mệnh trọng đại đó thì việc quản lý Nhà nước về du lịch từ trung ương đến địa phương phải hiểu rõ và cân đối tính hai mặt (kinh tế và xã hội) của du lịch để quản lý phát triển theo đúng quỹ đạo mục tiêu; hạn chế tối đa sự thiên lệch về kinh tế mà bỏ qua những giá trị xã hội sẽ dẫn tới những hệ lụy khó lường, cảnh báo những tệ nạn xã hội tất yếu xảy ra thông qua du lịch./.
Tại Kỷ yếu 25 năm thành lập Viện NCPT Du lịch.