Hướng dẫn Hỏi đáp Quy định
  • EnglishEnglish
  • ASEAN – Thị trường khách du lịch tiềm năng

     
    TÓM TẮT
                   Trong những năm gần đây,  khu vực Asean có chuyển biến tích cực trong hoạt động du lịch, thu hút được 73.672 nghìn lượt khách quốc tế đến trong năm 2010. Trong đó lượng khách quốc tế từ các nước trong khu vực này chiếm đến 47%, mang lại cơ hội ổn định và phát triển nguồn khách cho chính các nước trong khối Asean khi nguồn khách từ một số thị trường Mỹ, Châu Âu …giảm do khủng hoảng kinh tế. Du khách từ các nước Asean dịch chuyển trong khu vực khá lớn như Singapore, Malaisia, Thái Lan… Do đó, ngành du lịch Việt Nam nên chuyển hướng khai thác mạnh hơn thị trường này, để tìm kiếm cơ hội đẩy mạnh hoạt động thu hút nguồn khách trong khối Asean, bảo đảm sự phát triển ổn định của ngành du lịch trong tình hình kinh tế khó khăn, nhiều biến động và rủi ro như hiện nay.
     
     
    ABSTRACT
                  In recent years, the Asean region has undergone a positive transformation in tourism activities, attracting 73,672 international visitors in 2010. 47% of which is from Asean countries. This brings themselves stabilization and development opportunities when tourists from US, Europe markets.etc.. have reduced due to the economic crisis. Tourists from Asean countries have made a dramatic inner movement as Singapore, Malaysia, Thailand. Thereby, Vietnam tourism industry should strongly focus on exploiting ASEAN market to seek possibilities to promote tourism activities attracting tourist resource in ASEAN, ensure the sustainable development of tourism industry in the current situation of fluctuated and risky economy.
     
    I. ĐẶT VẤN ĐỀ
                 Trong những năm qua du lịch ở khu vực Asean có sức tăng trưởng mạnh. Lượng khách quốc tế đến Asean tăng bình quân khoảng 6,3% /năm, năm 2005 lượng khách quốc tế đạt 51.287,6 nghìn lượt đến năm 2010 tăng lên đến mức 73.672 nghìn lượt. Tuy trong những năm qua du lịch Asean gặp nhiều biến số tác động từ khủng hoảng kinh tế (2007, 2009), thiên tai, động đất (Philipine), sóng thần, tình hình bất ổn chính trị (Thái Lan), lũ lụt,  dịch bệnh, khủng bố (Bali)… nhưng Asean vẫn hấp dẫn lượng lớn du khách đến từ các nước trên thế giới thông qua nổ lực các chương trình phát triển du lịch quốc gia như: Amazing ThaiLand, Malaysia truly asia, your Singapore, Visit Indonesia – Celebrating 100 Years of Nation’s Awakening, Brunei: ‘A Green Heart of Borneo’ or ‘A Kingdom of Unexpected Treasures’, Philippines: ‘Pilipinas Kay Ganda’ or ‘Wow Philippines’, Vietnam: ‘The Hidden Charm’, Cambodia: ‘Kingdom of Wonder’, Laos: ‘Simply Beautiful’ và sự hợp tác giữa các quốc gia trong khu vực như hành lang kinh tế Đông Tây, hợp tác tiểu vùng sông Mê-Kông.

     

    Biểu đồ 1: Tổng khách quốc tế đến và khách từ các nước trong khu vực Asean đến Asean



    Nguồn : aseansec.org

                 Nguồn khách quốc tế đến Asean gồm các nước trong khối Asean, Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc, Australia, New Zealand, Mỹ, các nước trong khối châu âu, Ấn độ và một số nước khác. Trong đó, lượng khách quốc tế đến từ các nước trong khu vực chiếm tỷ lệ cao nhất, khoảng 47,26% trong tổng thị phần khách quốc tế đến Asean và nguồn khách này có tốc độ tăng trưởng bình quân từ 2005 – 2010 là 8,47%/năm. Nguồn khách đến từ các nước Asean tăng dần qua các năm đã mở ra một hướng mới trong khai thác khách quốc tế của các nước trong khu vực. Gần đây, các nước Asean đã đẩy mạnh hoạt động xúc tiến du lịch đến các thị trường gần trong khối Đông Nam Á để cứu cánh cho các thị trường từ Mỹ, khối cộng đồng Châu Âu khi nền kinh tế thế giới lâm vào khủng khoảng.
                Thị trường khách Trung Quốc có tốc độ tăng trưởng tốt trong những năm qua, chiếm khoảng 7,34% thị phần khách quốc tế và tốc độ tăng trưởng bình quân 13,4%/năm, thị trường đã tăng mạnh sau khi tụt giảm ở năm 2009. Hàn Quốc cũng là một trong những thị trường lớn của Asean, với tốc độ tăng trưởng bình quân hằng năm là 10,28%/năm,  năm 2010 thị trường tăng  mạnh đạt hơn 3 triệu lượt khách. Thị trường Hàn Quốc vẫn đang có xu hướng giảm dần về tỷ trọng, Thị trường từ các nước khối cộng đồng Châu Âu có tốc độ tăng trưởng bình quân 4,74%/năm nhưng thị phần khá ổn định chiếm gần 10% trong tổng lượng khách quốc tế.
                 Thị trường có mức tăng trưởng khá hấp dẫn là Ấn độ, tốc độ tăng trưởng bình quân trên 15 %/năm, với mức tăng trưởng như vậy cộng thêm sự gia tăng nhanh về thị phần từ 2,42 năm 2005  lên 3,36% năm 2010 Ấn  Độ sẽ trở thành thị trường tiềm năng trong thời gian đến.
                 Nguồn khách đến từ Mỹ và Nhật Bản đã sụt giảm mạnh. Thị trường Nhật Bản giảm thị phần từ 7,12% năm 2005 xuống còn 4,55% năm 2010, làm cho tốc độ tăng trưởng trong 5 năm qua tăng trưởng âm. Còn thị phần khách Mỹ giảm từ 4,5% năm 2005 xuống 3.68% năm 2010 làm cho mức độ tăng trưởng bình quân  qua 5 năm đạt 5,05%/năm.
     

    Biểu đồ 2: Thị phần khách quốc tế đến khu vực Asean – năm 2010
     

      Nguồn : aseansec.org

    II. GIẢI QUYẾT VẤN ĐỀ

             XU HƯỚNG VẬN ĐỘNG DÒNG KHÁCH THỊ TRƯỜNG ASEAN

                  Qua phân tích tình hình khách quốc tế đến Asean, nhận thấy nguồn khách của chính khu vực này đang là một thị trường tiềm năng cho ngành du lịch của các quốc gia trong khu vực. Lưu lượng khách từ các nước trong khu vực đi du lịch trong khối Asean khá lớn chiếm gần 50% lượng khách quốc tế đến, năm 2005 khách du lịch đến từ các nước Asean đạt 23,254,300 lượt khách trên tổng khách quốc tế đến Asean là 51,287,600 lượt, đến năm 2010 con số này đã tăng mạnh khách du lịch đến từ các nước Asean 34,817,400 lượt trên tổng khách quốc tế đến Asean là 73,672,000. So sánh tốc độ tăng của năm 2010 với 2005, có thể đánh giá tôc độ tăng của nguồn khách quốc tế đến từ các nước trong khu vực có tốc độ tăng 49,7% lớn hơn tốc độ tăng của tổng khách quốc tế đến Asean. Như vậy, nguồn khách quốc tế từ các nước trong khu vực vừa có thị phần lớn, vừa có tốc độ tăng trưởng nhanh đã mở ra thị trường tiềm năng cho chính các nước trong khối Asean khi mà nguồn khách ở các nước châu Âu, Mỹ còn nhiều biến động do sự tác động của kinh tế, chính trị.
                   Các nước trong khu vực Asean có khả năng thu hút khách quốc tế trong và ngoài khối Asean khác nhau. Biều đồ (1) sau thể hiện mức độ đón khách quốc tế đến trong và ngoài khối Asean ở từng quốc gia như sau:
     
     
      Biểu đồ 3: Khách quốc tế trong và ngoài khối Asean đến các nước Asean – 2009

     
        
    Nguồn : aseansec.org

                 Malaysia, Thái Lan, Singapore là những nước có lượng khách quốc tế đông nhất, trong đó Malaysia có lượng khách từ các nước trong khư vực khá cao, chiếm đến 77,76% tổng lượng khách quốc tế đến Malaysia. Siagapore, Thái lan thu hút khoảng 28 – 37% lượng khách quốc tế đến từ các nước trong khu vực, tuy chiếm tỷ lệ như vậy nhưng tính ra có khoảng 3-4 triệu lượt khách quốc tế đến từ các nước trong khối  Asean, đó cũng là một lượng khách khá lớn.
                 Indonesia có mức thu khách ở mức khá, hơn 6 triệu lượt khách mỗi năm, trong đó lượng khách đến từ các nước trong khu vực chiếm gần 50%.
                Việt Nam, Philippines, Lào , Campuchia có mức thu hút khách quốc tế trung bình so với các nước trong khối Asean. Trong đó, Việt Nam và Philippines có sức thu hút khách quốc tế trong khu vực rất thấp khoảng 8%. Nhưng với Lào, nguồn khách quốc tế đến chủ yếu từ các nước trong khu vực chiếm hơn 80,21%  còn đối với Campuchia nguồn khách từ các nước trong khu vực chiếm khoảng 30%.
                 Tuy nhiên để nhìn thấy rõ khuynh hướng vận động của dòng khách trong khối Asean cần phải phân tích cả dòng khách quốc tế đi và khách quốc tế đến của mỗi nước để thấy được mức du lịch ra nước ngoài của mỗi thị trường và sức hút của điểm đến du lịch của các quốc gia trong khu vực. Thông qua bảng tổng hợp về tình hình khách đi và đến ở từng nước (2) trong năm 2009 cho ta thấy được dòng khách có khuynh hướng dịch chuyển như sau.
     
     
         Bảng 1: Khách quốc tế đến và đi của các nước trong khu vực Asean – 2009
                                          

     
                       Brunei Darussalam: Brunei có lượng khách quốc tế đến thấp nhất so các nước trong khu vực  đạt 77.700 lượt khách. Trong đó lượng khách Asean chiếm một nữa, chủ yếu đến từ Malaysia.  Nhưng ngược lại, hơn 1 triệu người dân Brunie đi du lịch đến các nước trong khu vực. Phần lớn người dân Brunei đến Singapore, Indonesia, Malaysia,Thái Lan.
    Cambodia: Cambochia được xem là một điểm đến văn hóa hấp dẫn thu hút được trên 2 triệu lượt khách quốc tế, trong đó khách quốc tế đến từ các nước trong khu vực chiếm tỷ lệ 32%. Viêt  Nam, Thái Lan, Lào, Malaysia là một trong những nguồn khách lớn từ các nước trong khu vực. Mức đi du lịch ra các nước trong khu vực của người dân Cambochia chưa cao, khoảng 149.204 lượt khách trong, chủ yếu dịch chuyển đến ThaiLand, Malaysia, Lào và Philippines.
                        Indonesia: Indonesia thu hút khoảng 2,7 triệu lượt khách quốc tế từ các nước trong khu vực. Chủ yếu đến từ Malaysia, Singapore, tiếp đến là Philippine và Thái Lan. Người dân Inodonesia đi du lịch nước ngoài đến các nước trong vực cũng khá lớn, khoảng 4,4 triệu lượt khách trong năm. Phần lớn họ cũng đến Malaysia, Singapore và Thái Lan.
    Lao PDR: Lượng khách quốc tế từ các nước trong khu vực đến Lào đạt 1.6 triệu lượt năm 2009, chủ yếu khách từ Thái Lan chiếm 1,2 triệu lượt do có cùng biên giới và du lịch đường bộ giữ Thái Lan – Lào đang phát triển mạnh. Người dân Lào đi du lịch trong khối cũng chưa cao khoảng 750 nghìn lượt trong năm, chủ yếu đi du lịch đến Thái Lan và Campuchia.
                       Malaysia: Malaysia là điểm đến có sức hút du khách quốc tế lớn nhất so với các nước trong khu vực với tổng khách quốc tế đến khoảng 23,6 triệu lượt, trong đó khách quốc tế đến từ các nước trong khối Asean là 18,3 triệu lượt, chủ yếu đến từ Philippines và Indonesia, Thái Lan, Brunie. Ngược lại, mức đi du lịch ra nước ngoài trong khối Asean của Malaysia đạt 4 triệu lượt. Điểm đến được người dân Malyasia ưa chuộng là Thái Lan, Indonesia, Philippines, Singapore, Camphuchia và Brunie.
    Myanmar: Khách quốc tế trong khu vực đến Myanmar tương đối thấp, theo thống kê của Tổng cục du lịch  Myanma có 524 nghìn lượt khách quốc tế, trong đó có khoảng 454 nghìn lượt khách tham quan trong ngày đến chủ yếu từ các vùng biên giới như Philippines, Brunie, còn lại khách du lịch đến từ Thái Lan, Singapore và Malaysia. Cũng trong năm này người dân Myanma đi du lịch ở các nước trong khối khoảng 159 nghìn lượt, chủ yếu họ đến Thái Lan và Singapore.
                      Philippines: Du lịch Philippines có sức hấp dẫn du khách chưa cao. Năm 2009 đón được khoảng 253 nghìn lượt khách quốc tế, chủ yếu đến từ Singapore,  Malaysia, Thái Lan, Indonesia và Việt Nam. Dòng khách đi ra của nước này đến các nước trong khối Asean khoảng 885 nghìn lượt chủ yếu  đến Malaysia, Thái Lan, Indonesia và Campuchia.
    Singapore: Là một trong ba nước có sức hấp dẫn du khách quốc tế, năm 2009 Singapore đón được 9,6 triêu lượt khách quốc tế, trong đó khách quốc tế đến từ các nước trong khu vực là 3,2 triệu lượt. Phần lớn nguồn khách này đến từ các quốc gia Indonesia, Malaysia, Thái Lan, Việt Nam, Myanma, Brunie. Ngược lại người dân nước này có sức đi du lịch rất lớn, trong năm 2009 có đến hơn 14 triệu người dân nước này đi du lịch đến các quốc gia trong khối Asean, gấp hơn 3 lần lượng khách từ các nước trong khối đến. Điểm đến được người dân nước này lựa chọn nhiều là Malaysia, Thái Lan, Philippines và Campuchia.
                         Thailand: Đứng thứ hai về sức thu hút khách quốc tế đến so với các nước trong khu vực. Năm 2009 Thái Lan đón hơn 14 triệu lượt khách quốc tế, trong đó khách quốc tế đến từ các nước trong khu vực đạt khoảng hơn 4 triệu lượt, chủ yếu đến từ Malaysia, Lào, Singapore, Việt Nam, Philippines. Số lượng người dân Thái Lan đi du lịch trong khối Asean cũng khá cao, khoảng 3,4 triệu lượt người. Điểm đến được họ lựa chọn đó là Malaysia, Lào, Singapore, Việt Nam, Campuchia.
                         Viet Nam: Năm 2009 Việt Nam đón khoảng 3,7 triệu lượt khách quốc tế, trong đó nguồn khách đến từ các nước Asean đạt 318 nghìn lượt chiếm khoảng 8,45% chủ yếu là khách Thái Lan và Malasia. Mức đi du lịch ra nước ngoài đến các nước trong khu vực của dân Việt Nam tuy chưa cao khoảng 555 nghìn lượt, song cũng hơn cả lượng khách Asean đi vào Việt Nam. Điểm đến đang được ưa chuộng là Thái Lan, Campuchia, Lào, Singapore, Malaisia.

    III. KẾT LUẬN

     

    Cơ hội mở rộng thị trường của Du lịch Việt nam
                 Sự tăng trưởng của thị trường Asean và dịch chuyển của dòng khách trong khu vực đã mở ra thị trường tiềm năng cho chính các nước trong khu vực trong hoạt động mở rộng thị trường khai thác khách.
    Cơ hội hé mở của thị trường Asean:
    – Các nước có biên giới liền kề có khả năng thu hút lượng khách lớn từ những nước láng giềng chẳng hạn: Singapore – Malaysia, Thái Lan – Lào – Camphuchia- Việt Nam. Các tuyến biên giới này này càng được hoàn thiện về hạ tầng xã hội( bao gồm cả đường bộ, bến cảng, khiến cho hoạt đón tiếp khách du lịch càng trở nên thuận lợi hơn.
    – Mức độ người dân thuộc các nước Asean đi du lịch trong khối Asean ngày càng tăng, nhất là Singapore có đến hơn 14 triệu lượt khách đi du lịch các nước trong khối, tiếp đến là Malaysia, Indonesia, Thái Lan.
    – Chi tiêu cho du lịch outbound bình quân mỗi khách của một vài thị trường trong khu vực trong năm 2009 (3) như sau: Singapore là 2.271$,Malaysia là 1.090$.

    Ngành du lịch Việt Nam nên chuyển sang các thị trường gần
                  Năm 2010, ngành du lịch Việt Nam đón hơn 5 triệu lượt khách quốc tế, trong đó top 5 thị trường dẫn dầu là Trung Quốc, Nhật Bản, Mỹ, Đài Loan, Úc. Tiếp đến mới là thị trường các nước Asean Campuchia xếp thứ 6, Thái Lan xếp thứ 7 và Malaisia xếp thứ 8. Theo thống kê của Tổng cục du lịch Việt Nam mức tăng trưởng cả các nước thuộc khối Asean này có mức tăng trưởng trong năm qua xấp xỉ 30%, riêng thị trường Campuchia có sức tăng đột biến.
                  Trong bối cảnh một số thị trường hiện nay đang gặp khó khăn về tình hình kinh tế như Mỹ, Nhật Bản, sức tăng trưởng của các thị trường này thấp. Để đạt được mục tiêu đón được 7-8 triệu khách quốc tế đến năm 2015, ngành du lịch Việt Nam nên mở rộng thị trường trong thời gian đến.
                    Trước cơ hội sức tăng trưởng du lịch quốc tế đi của các nước trong khu vực như  đã phân tích ở trên. Ngành du lịch Việt Nam nên có chiến lược mở rộng trị trường, chuyển hướng thu hút các thị trường xa sang đẩy mạnh thu hút các thị trường gần tại các nước trong khu vực Asean:
                         – Xác định thị trường khách Thái Lan. Singapore, Malaisia là những thị trường trọng tâm trong khối. Thị trường phụ là Lào, Campuchia
                       – Tăng cường hoạt động quảng bá, xúc tiến, và đặt văn phòng đại diện tại các thị trường trọng tâm. Xúc tiến các sản phẩm liên kết giữa các quốc gia có chung vùng biên giới như Việt Nam – Campuchia, Việt Nam – Lào – Thái Lan để thu hút nguồn khách quốc tế thông qua cửa khẩu đường bộ.
                        – Đẩy mạnh hợp tác du lịch trong khối Asean và song phương về phát triển sản phẩm, quảng bá, chính sách du lịch, chất lượng dịch vụ.

     

    TÀI LIỆU THAM KHẢO
     
       1./ www.wttc.org/bin/pdf/original_pdf_file/brunei_final.pdf
        2./ http://www.tourismbrunei.com/country-overview/facts-and-figures/
        3./ www.asean.org/stat
        4./ http://www.vietnamtourism.gov.vn/index.php
        5./ www.mot.gov.kh
        6./ www.tourism.gov.my/corporate/research.asp?page=facts_figures
        7./ www.moht.gov.mm
        8./ 2009 Statistical Report on Tourism in Laos
        9./ www.tourism.gov.ph or wowphilippines.com.ph
        10./ Brunei Darussalam The impact of Travel & Tourism   on jobs and the economy
        11./ http://dds.bps.go.id/eng/tab_sub/view.php?tabel=1&daftar=1&id_subyek=16&notab=16
        12./ KẾT QUẢ ĐIỀU TRA CHI TIÊU CỦA KHÁCH DU LỊCH NĂM 2009 (Tổng cục Thống kê)
        13./ https://app.stb.gov.sg/asp/tou/tou0201.asp
        14./ http://www.thaiwebsites.com/tourism.asp
        15./ http://data.worldbank.org/indicator/ST.INT.XPND.CD

    Ghi chú:
    (1), (2): Số liệu so sánh giữa các quốc gia được tính cho năm 2009
    (3): số liệu được xác định dựa trên chi tiêu của người dân quốc gia đó (tài liệu tham khảo số 15) và số khách outbound của chính quốc gia đó

     
      _______________________________________________________________

    (*) Thông tin tác giả
    Thạc sỹ Nguyễn Đăng Tuyền
    Đơn vị công tác : Đại học Duy Tân
    Số điện thoại: 0903521886 – Email: nguyendangtuyen@yahoo.com

    Bài cùng chuyên mục