Hướng dẫn Hỏi đáp Quy định
  • EnglishEnglish
  • Ngành Du lịch với công nghệ thông tin

    (DL) – Trong nhiều năm trở lại đây, Du lịch Việt Nam đã có bước tăng trưởng đáng kể, điển hình cú lội ngược dòng năm 2009 của Du lịch Việt Nam qua chủ đề “Ấn tượng Việt Nam” đã tạo nên cú hích để Du lịch Việt Nam những năm 2010, 2011 tăng tốc, với lượng du khách quốc tế mỗi năm tăng hàng triệu khách, khách nội địa cũng vượt lên con số vài chục triệu mỗi năm.

    Có nhiều nguyên nhân để lượng khách du lịch đến Việt Nam tăng, song có một nguyên nhân không thể phủ nhận được, đó là công tác quảng bá hình ảnh đất nước con người Việt Nam cũng như các dịch vụ du lịch của từng địa điểm du lịch đến với khách trong nước và trên toàn cầu, một sự thật hiển nhiên không phủ nhận được đó là vai trò của công nghệ thông tin (CNTT) trong truyền tải các thông tin này.

    Mới nhất, một lần nữa vai trò của CNTT trong hoạt động quảng bá du lịch đó là cuộc bầu chọn kỳ quan thiên nhiên mới của thế giới, do tổ chức New 7Wonders khởi xướng đã mang về những kết quả ngoài mong đợi. Việt Nam ta cũng nằm trong tầm ảnh hưởng của cuộc bầu chọn này khi vịnh Hạ Long lọt vào danh sách bầu chon từ năm 2007 qua các hoạt động truyền thông và bầu chọn bằng Intenet, nhắn tin trên toàn cầu. Cho tới khi vịnh Hạ Long được bầu chọn là Kỳ quan thiên nhiên mới của thế giới thì thêm một lần nữa cộng đồng thế giới lại biết về Việt Nam một đất nước tươi đẹp, non sông cẩm tú, đâu phải chỉ có giỏi đánh giặc… Ngay chính đồng bào 54 dân tộc anh em của ta sống trên 63 tỉnh, thành của cả nước đâu có phải ai cũng đã biết đến vịnh Hạ Long mà chỉ có thông qua dịp này, địa danh Hạ Long một lần nữa ngời sáng thông qua CNTT. Cũng tại thời điểm này, TCDL đang khẩn trương hoàn thiện đề án áp dụng tài khoản vệ tinh trong việc thống kê khách du lịch, khi đề án này hoàn thành sẽ tạo nên cú hích mới trong hoạt động Du lịch tại Việt Nam. Tất cả những hệ quả ưu việt đó là kết quả của CNTT.

    Hiện nay, 100% doanh nghiệp trong ngành Du lịch Việt Nam sử dụng máy tính và đường truyền Internet, ứng dụng những phần mềm chuyên dụng như quản trị văn phòng, tài chính, mua bán tour, thông tin điểm đến…, mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho doanh nghiệp du lịch, nhất là sự liên thông mang tính toàn cầu trên Internet hiện nay đã giải quyết nhiều khó khăn tồn tại đối với doanh nghiệp trong hoạt động kinh doanh và tìm kiếm thị trường. Sự gắn kết bằng CNTT sẽ tạo điều kiện cho tất cả các doanh nghiệp phát triển, nhất là các doanh nghiệp vừa và nhỏ chưa đủ lực để vươn lên tiếp cận với thị trường và các hoạt động quảng bá quy mô và tốn kém… Liên tục trong nhiều năm trở lại đây, các công ty du lịch lữ hành, khách sạn, cơ sở lưu trú trong cả nước đã tổ chức ứng dụng CNTT vào hoạt động sản xuất kinh doanh thông qua việc xây dựng và duy trì hoạt động của các website, tổ chức mua bán tour, đặt phòng trực tuyến cho du khách trong và ngoài nước. Có thể thấy hoạt động của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch qua trang web ở địa chỉ: cinet.gov.vn bằng 2 ngôn ngữ Anh, Việt; TCDL với trang vietnamtourism.gov.vn được thiết kế với 5 ngôn ngữ Việt, Anh, Pháp, Nhật, Trung đáp ứng nhu cầu của cộng đồng và là kênh quảng bá quan trọng hình ảnh Việt Nam ra thế giới.

    Trang điện tử baodulich.net.vn, của Báo Du lịch cơ quan ngôn luận của Tổng cục Du lịch – Bộ VHTTDL cập nhật các thông tin về hoạt động của ngành trên địa bàn toàn quốc, cũng như giới thiệu các điểm đến, văn hóa di sản, món ăn độc đáo, quảng bá hình ảnh đất nước con người Việt Nam một cách chính xác, cụ thể, thu hút sự quan tâm chú ý của đông đảo độc giả trong nước và quốc tế. Cuối tháng 4/2012, ông Masayuki Suzuki – Chủ tịch công ty Sinwa Industrial Nhật Bản đã đến làm việc với Báo Du lịch để đặt vấn đề hợp tác tuyên truyền trên trang điện tử, đã phát biểu cảm tưởng: “Các bạn làm được những điều ngoài mong đợi của tôi” vì theo ông: thông tin trên mạng thì có nhiều, nhưng thông tin như Báo Du lịch thì quả là cần thiết vì độ tin cậy cao, ông ta còn dự định sắp tới đây sẽ hợp tác toàn diện với Báo để phát triển trang điện tử của công ty và Đài phát thanh Osaka tại Nhật Bản.

    Cùng với các hoạt động CNTT tại các cơ quản quản lý và sự nghiệp của ngành Du lịch, hoạt động CNTT của các doanh nghiệp cũng phát triển khá mạnh, điển hình như các công ty Vietravel, Saigontourist, Bến Thành Tourist, Fiditour, dulichviet… đã triệt để ứng dụng CNTT và các hoạt động quảng bá, sản xuất kinh doanh, góp phần đáng kể vào hiệu quả trong hoạt động của doanh nghiệp và thành tích chung của toàn ngành, cũng như thay đổi diện mạo Du lịch Việt Nam. Có thể thấy rõ nét ở trang điện tử bán tour trực tuyến của Công ty TNHH một thành viên Du lịch & Tiếp thị GTVT Việt Nam (Vietravel) tại địa chỉ: travel.com.vn ra đời từ năm 2007, được khách hàng và các tổ chức du lịch thế giới đánh giá cao về sự tiện dụng, tính hiệu quả, tiện ích đối với người tiêu dùng và dễ quản lý với doanh nghiệp trong hoạt động kinh doanh theo mô hình này.

    Ứng dụng CNTT vào hoạt động du lịch đã mang lại những kết quả đáng kể như đã trình bày ở trên. Với tốc độ tăng trưởng du lịch khá ấn tượng hiện nay và những năm tiếp theo cùng với sự phát triển nhanh, ưu việt của CNTT thì ứng dụng CNTT vào hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp trong hoạt động lữ hành, nhà hàng, khách sạn, cũng như việc quảng bá hình ảnh Du lịch Việt Nam sẽ càng có hiệu quả hơn, góp phần đáng kể để Du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước.

    Nguyễn Dương

    Nguồn: baodulich.net.vn 

    Bài cùng chuyên mục