Hướng dẫn Hỏi đáp Quy định
  • EnglishEnglish
  • Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch tỉnh Nam Định đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030

    1. Sự cần thiết lập quy hoạch
    Nam Định là tỉnh duyên hải ở phía nam đồng bằng Bắc Bộ, có diện tích 165.145,72 ha, dân số 1.830.023 người (Niên giám thống kê tỉnh Nam Định năm 2010). Phía đông nam tỉnh Nam Định là biển Đông, phía đông giáp tỉnh Thái Bình, phía tây giáp tỉnh Ninh Bình, phía bắc giáp tỉnh Hà Nam.
    Với khả năng tiếp cận thuận lợi với Thủ đô Hà Nội và các tỉnh trong khu vực nhờ hệ thống giao thông đường bộ, đường sắt tương đối phát triển, Nam Định có những lợi thế nhất định để phát triển ngành du lịch.
    Nguồn tài nguyên thiên nhiên của Nam Định khá phong phú. Nam Định có bờ biển dài 72 km từ cửa Ba Lạt đến cửa Đáy, một số nơi có bãi cát thoải mịn thích hợp với phát triển du lịch nghỉ dưỡng biển.  
    Nằm trong vùng đồng bằng châu thổ sông Hồng, Nam Định có bề dày văn hóa truyền thống, với văn hóa phi vật thể phong phú như hát chèo, hát văn, rối nước và lễ hội cổ truyền (lễ hội Phủ Dầy, hội chợ Viềng, lễ Khai ấn tại đền Thiên Trường…). Truyền thống lịch sử và văn hóa đã ghi dấu trên vùng đất Nam Định nhiều di tích nổi tiếng như: Khu di tích lịch sử- văn hóa Trần, chùa Cổ Lễ, chùa Keo Hành Thiện, quần thể di tích lịch sử- văn hoá Phủ Dầy… Đây chính là những tài nguyên du lịch nhân văn hấp dẫn khách du lịch.
    Với xu thế mở cửa, hoà nhập kinh tế thế giới của đất nước, với những lợi thế về vị trí địa lý và tài nguyên tự nhiên, tài nguyên nhân văn, Nam Định đã và sẽ có những điều kiện, cơ hội thuận lợi để phát triển ngành du lịch và dịch vụ.
        Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch tỉnh Nam Định đến năm 2010 (xây dựng năm 2003) được thực hiện trong bối cảnh du lịch Việt Nam và thế giới có nhiều thay đổi. Trên thế giới, dòng khách du lịch đã và đang tập trung vào khu vực Đông Á – Thái Bình D¬ương, đặc biệt là khu vực Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam. Ở trong nước, du lịch đã và đang tiếp tục phát triển mạnh, đóng vai trò ngày càng quan trọng trong nền kinh tế quốc dân.  
    Quy hoạch đã có những định hướng quan trọng về phát triển du lịch tỉnh thời gian qua. Cùng với tiến trình phát triển trên đây của du lịch cả nước, du lịch tỉnh Nam Định đã đạt được những thành tựu đáng kể, có những đóng góp nhất định trong sự phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh và đối với sự phát triển du lịch chung của cả nước. Du lịch Nam Định đang từng bước trở thành một trong những trọng điểm phát triển du lịch của các tỉnh đồng bằng sông Hồng.
    Tuy nhiên, đến nay, thời gian thực hiện quy hoạch đã hết, bối cảnh quốc tế và trong nước đã xuất hiện nhiều yếu tố mới ảnh hưởng đến việc phát triển kinh tế- xã hội của tỉnh trong đó có du lịch. Đặc biệt những năm gần đây, tình hình trên thế giới có nhiều biến động phức tạp như thiên tai, dịch bệnh, nạn khủng bố.v.v…xảy ra ở nhiều nơi. Những vấn đề như biến đổi khí hậu, tình hình tranh chấp chủ quyền trên biển Đông, khủng hoảng tài chính toàn cầu… đã và đang ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển của du lịch Việt Nam nói chung và du lịch tỉnh Nam Định nói riêng.
    Trước tình hình như vậy, việc lập quy hoạch phát triển ngành du lịch Nam Định đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 là hết sức cần thiết, làm cơ sở tiếp tục thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế đã đ¬ược Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Nam Định lần thứ XVIII đã đề ra.

    2. Các căn cứ lập quy hoạch
    – Nghị quyết Đại hội Đại biểu Toàn quốc lần thứ IX, X, XI Đảng Cộng Sản Việt Nam;
    – Luật Du lịch Việt Nam;
    – Nghị quyết 54-NQ/TW ngày 14/9/2005 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng đồng bằng sông Hồng  đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020;
    – Nghị định số 92/2006/NĐ – CP ngày 07/9/2006 của Thủ tướng Chính phủ về lập, phê duyệt và quản lý quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế – xã hội;
    – Nghị định 92/2007/NĐ – CP ngày 01/6/2007 của Thủ tướng Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Du lịch;
    – Quyết định số 2473/QĐ-TTg ngày 30 /12/2011 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt “Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030";
    – Quyết định số 109/2006/QĐ-TTg  ngày 19 tháng 5 năm 2006 của Thủ tướng Chính phủ Phê duyệt  Đề án Quy hoạch tổng thể phát triển  thành phố Nam Định trở thành Trung tâm kinh tế, văn hóa, xã hội của Vùng nam Đồng bằng sông Hồng;
    – Quyết định số 156/QĐ-TTg  ngày 9 tháng 2 năm 2009 của Thủ tướng Chính phủ Phê duyệt nhiệm vụ điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng thành phố Nam Định, tỉnh Nam Định đến năm 2025;
    – Văn kiện Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh Nam Định lần thứ XVIII, nhiệm kỳ 2011 – 2015, tháng 9 năm 2010;
    – Nghị quyết số 05-NQ/TU ngày 1/12/2006 của Tỉnh ủy Nam Định về xây dựng thành phố Nam Định trở thànhTrung tâm kinh tế – văn hóa – xã hội vùng Nam đồng bằng sông Hồng;
    – Quyết định số 87/2008/QĐ-TTg  ngày 3 tháng 7 năm 2008 của Thủ tướng Chính phủ Phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế – xã hội tỉnh Nam Định đến năm 2020;
    – Thông báo số 921/TB-BVHTTDL ngày 28/3/2011 của Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch thông báo kết luận của Bộ trưởng Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch Hoàng Tuấn Anh tại buổi làm việc với Tỉnh ủy, UBND tỉnh Nam Định;
    – Quyết định 1501/QĐ-UBND  ngày 01/9/2011 của UBND tỉnh Nam Định về việc phê duyệt Báo cáo Kinh tế- Kỹ thuật dự án Lập Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Nam Định đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030
     – Quy hoạch của các ngành có liên quan trong tỉnh;
    – Một số văn bản và tài liệu khác có liên quan.

    3. Mục tiêu quy hoạch
    Quy hoạch tổng thể phát triển Du lịch tỉnh Nam Định đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 là bước cụ thể hoá các định hướng phát triển kinh tế – xã hội tỉnh Nam Định, được thể hiện trong Nghị quyết Đại hội tỉnh Đảng bộ nhiệm kỳ 2011- 2015, nhằm:
    1. Xây dựng được hệ thống quan điểm, mục tiêu phát triển ngành du lịch một cách toàn diện về kinh tế, văn hóa – xã hội, an ninh quốc phòng và môi trường;
    2. Đưa ra các chỉ tiêu cụ thể, các định hướng và giải pháp phát triển du lịch làm cơ sở để lập các kế hoạch trung hạn và ngắn hạn, các quy hoạch chi tiết và các dự án phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh Nam Định từ nay đến năm 2020, đảm bảo tính khả thi, cân đối cung – cầu, khai thác có hiệu quả tiềm năng du lịch, phát huy thế mạnh tài nguyên góp phần đẩy nhanh phát triển các ngành dịch vụ trở thành ngành có tỷ trọng cao trong GDP của tỉnh.

    4. Nhiệm vụ và nội dung quy hoạch
    Căn cứ điều 19, Luật du lịch, nhiệm vụ và nội dung Quy hoạch tổng thể phát triển Du lịch tỉnh Nam Định đến năm 2020, tầm nhìn đến năm  2030 bao gồm :
    1. Rà soát, đánh giá tình hình thực hiện quy hoạch tổng thể phát triển du lịch tỉnh Nam Định đến năm 2010.
    2. Xác định vị trí, vai trò và lợi thế phát triển du lịch Nam Định trong phát triển kinh tế xã hội của địa phương, vùng và quốc gia trong giai đoạn phát triển mới.
    3. Phân tích, đánh giá tiềm năng, hiện trạng tài nguyên du lịch, thị trường du lịch và các nguồn lực phát triển du lịch.
    4. Xác định quan điểm, mục tiêu phát triển du lịch, dự báo các chỉ tiêu và luận chứng các phương án phát triển du lịch.
    5. Tổ chức không gian du lịch.
    6. Xác định các khu vực ưu tiên đầu tư, đề xuất danh mục các dự án ưu tiên đầu tư (về quy mô, nhu cầu vốn…); nhu cầu sử dụng đất làm cơ sở xây dựng các quy hoạch chi tiết và các dự án nhằm thu hút vốn đầu tư ở trong và ngoài nước về phát triển du lịch.
    7. Đánh giá sơ bộ tác động môi trường và đề xuất một số vấn đề về bảo vệ tài nguyên và môi trường du lịch góp phần đảm bảo phát triển du lịch bền vững.
    8. Đề xuất các cơ chế, chính sách, giải pháp quản lý, phát triển du lịch theo quy hoạch.

    5. Nguyên tắc lập quy hoạch
    Căn cứ điều 18, Luật Du lịch, Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch tỉnh Nam Định giai đoạn đến 2020, tầm 2030 cần đảm bảo các nguyên tắc sau:
    – Phù hợp với định hướng phát triển kinh tế – xã hội Nam Định và Chiến lược phát triển ngành Du lịch Việt Nam.
    – Đảm bảo góp phần giữ vững an ninh, trật tự an toàn xã hội.
    – Bảo vệ, phát triển tài nguyên du lịch và môi trường, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc.
    – Bảo đảm tính khả thi cân đối cung và cầu du lịch.
    – Phát huy lợi thế địa phương, sử dụng hợp lý, hiệu quả tài nguyên, đáp ứng nhu cầu du lịch.
    – Bảo đảm công khai trong quá trình lập và công bố quy hoạch.

    6. Phương pháp lập quy hoạch
    Quy hoạch phát triển du lịch tỉnh Nam Định giai đoạn đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 được xây dựng dựa trên việc sử dụng tổng hợp các phương pháp sau:
    6.1. Phương pháp thực địa: Bao gồm các khảo sát, thu thập thông tin tư liệu để kiểm kê, đánh giá tiềm năng, hiện trạng phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh Nam Định giai đoạn đến năm 2010.
    6.2. Phương pháp tổng hợp, phân tích: Tổng hợp và phân tích những kết quả đạt được, những tồn tại yếu kém, các xu hướng phát triển du lịch của khu vực và thế giới trong hoàn cảnh mới từ đó đề xuất các định hướng và giải pháp phát triển du lịch tỉnh Nam Định trong giai đoạn tiếp theo phù hợp tình hình, nhiệm vụ mới.
    6.3. Phương pháp chuyên gia: Xin ý kiến đánh giá của chuyên gia ở Trung ương và địa phương trong lĩnh vực du lịch cũng như các lĩnh vực liên quan dưới các hình thức hội thảo khoa học, trao đổi kinh nghiệm.
    6.4. Phương pháp kế thừa: Kế thừa các kết quả nghiên cứu của các đề án có liên quan trên địa bàn và mô hình phát triển du lịch của một số địa phương có điều kiện tự nhiên tương tự.
    6.5. Phương pháp sơ đồ, bản đồ: Thể hiện các nội dung nghiên cứu trên bản đồ quy hoạch.  
     

    Bài cùng chuyên mục