Hướng dẫn Hỏi đáp Quy định
  • EnglishEnglish
  • 10 nhiệm vụ trọng tâm trong phát triển văn hóa, thể thao, du lịch

    Để hoạt động văn hoá, thể thao và du lịch phát huy và đạt kết quả tương xứng với tốc độ phát triển kinh tế – xã hội của đất nước, trong chiến lược phát triển của ngành giai đoạn 2011-2015, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã đề ra 10 nhiệm vụ trọng tâm cho phát triển.

    Đó là: Quán triệt, xây dựng, tổ chức thực hiện tốt Nghị quyết đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng; Tiếp tục xây dựng, hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách; Tăng cường kiểm tra đôn đốc, giám sát việc thực thi các chính sách về nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trên từng lĩnh vực; Chú trọng công tác bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa gắn với phát triển du lịch; Tiếp tục chỉ đạo thực hiện tốt các công điện về việc chỉ đạo tổ chức các ngày lễ, lễ hội, xét tặng danh hiệu; Chuẩn bị tốt lực lượng tham gia thi đấu đạt thành tích cao tại các kỳ đại hội thể thao trong và ngoài nước; Mở rộng và nâng cao hiệu quả hoạt động giao lưu, hợp tác về văn hóa trong và ngoài nước; Đẩy mạnh triển khai công tác cải cách hành chính, thực hành tiết kiệm, chống tham nhũng và lãnh phí; Tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách tạo nguồn nhân lực cho đầu tư phát triển du lịch; Chỉ đạo tổ chức tốt hoạt động của Năm du lịch quốc gia 2011, hoàn thiện các chỉ tiêu ngành du lịch đặt ra, phấn đấu đến năm 2020 đưa du lịch Việt Nam trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, có tính chuyên nghiệp cao, có hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật đồng bộ, hiện đại, sản phẩm du lịch chất lượng cao, có thương hiệu…, đến năm 2030 trở thành một trong những điểm đến hấp dẫn, có đẳng cấp trên thế giới…

    Để đạt được các mục tiêu trên, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch đã đưa ra 6 nhóm giải pháp: Xây dựng tổng thể và toàn diện các chương trình phát triển, kế hoạch thực hiện nhiệm vụ từng lĩnh vực; Đẩy mạnh triển khai Chiến lược phát triển văn hoá Việt Nam đến năm 2020; Tập trung thực hiện hiệu quả các chương trình mục tiêu quốc gia về văn hoá giai đoạn 2011-2015, Chương trình hành động quốc gia về thể thao thành tích cao và thể thao chuyên nghiệp giai đoạn 2011-2015, Chiến lược phát triển du lịch giai đoạn 2010-2020 và tầm nhìn 2030; Xây dựng cơ chế, chính sách và giải pháp nâng cao hưởng thụ và hoạt động văn hoá của nhân dân vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng đồng bào các dân tộc thiểu số; Đào tạo nguồn nhân lực về văn hoá, nghệ thuật, tăng cường nguồn lực và cơ sở vật chất – kỹ thuật cho phát triển văn hoá, triển khai quy hoạch phát triển nhân lực văn hoá, thể thao và du lịch đến năm 2020 tầm nhìn 2030; Nâng cao năng lực quản lý nhà nước, đổi mới quản lý và tổ chức hoạt động văn hoá.

    Riêng lĩnh vực du lịch, để đạt được mục tiêu, theo bà Hoàng Thị Điệp, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch, ngay trong năm 2011, Tổng cục Du lịch xác định là năm du lịch quốc gia với trọng tâm là các điểm đến hấp dẫn của du lịch biển Việt Nam, trong đó chủ yếu là khai phá các bãi biển mới, hoang sơ của miền Trung như ở Phú Yên, Ninh Thuận, Bình Thuận. Ngoài ra, du lịch khám phá, du lịch văn hóa… cũng được xác định với nhiều điểm đến hấp dẫn như cao nguyên địa chất Đồng Văn, làng du lịch văn hóa Việt Nam… Tổng cục du lịch sẽ hỗ trợ các địa phương thúc đẩy phát triển du lịch trên địa bàn, biến tiềm năng thành lợi thế, thu hút du khách trong và ngoài nước. Đến năm 2015, ngành du lịch phấn đấu thu hút từ 7-8 triệu lượt khách du lịch quốc tế, phục vụ 32-35 triệu lượt khách nội địa, thu nhập du lịch đạt từ 10-11 tỷ USD, đưa tỷ trọng GDP du lịch chiếm 5,5-6% GDP cả nước… Bên cạnh chú trọng mục tiêu tăng trưởng, ngành cũng tập trung giải quyết các vấn đề môi trường với mục tiêu phát triển du lịch “xanh”, gắn hoạt động du lịch với gìn giữ, phát huy các giá trị tài nguyên và bảo vệ môi trường. Đồng thời gắn mục tiêu phát triển kinh tế với mục tiêu phát triển du lịch, góp phần bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống; phát triển kinh tế du lịch với mục tiêu xóa đói giảm nghèo…/.

    Theo ven.org.vn

    Bài cùng chuyên mục