Hướng dẫn Hỏi đáp Quy định
  • EnglishEnglish
  • Bài học về phát triển du lịch của Campuchia

    Năm 2000, lượng khách quốc tế đến Campuchia là 466.000 lượt. Năm 2010, mức dự kiến ngành du lịch Campuchia có thể đạt được là 2,4 triệu lượt. 10 năm tăng 5,1 lần là một con số đáng ngạc nhiên khi mà có tới 2 năm liền (2008, 2009) chịu khủng hoảng của suy thoái kinh tế toàn cầu.

    Việt Nam có ngành du lịch phát triển trước Campuchia. Năm 2000, lượng khách đến Việt Nam đã là 2,14 triệu lượt. Tuy nhiên, 10 năm trôi qua, lượng khách mới chỉ tăng gấp đôi.

    So sánh về tài nguyên du lịch, Việt Nam có nhiều lợi thế hơn hẳn Campuchia. Chiều dài bờ biển của Việt Nam vào khoảng 3400km với hàng ngàn hòn đảo lớn nhỏ, trong khi chiều dài bờ biển của Campuchia bằng chưa đầy 1/7 là 450km. Hệ thống danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử – văn hoá phủ dày và đậm đặc dọc đất nước hình chữ S, còn Campuchia chỉ tập trung vào 5 tỉnh thành chính gồm: thủ đô Pnôm Pênh, Siem Riep, Rattanakhri, thành phố biển Sihanoukville và Palin

    Điều đáng nói là những điểm di tích nổi bật của Campuchia được bảo tồn gần như nguyên vẹn, điển hình là quần thể di tích Angkor. Campuchia đã xác định rõ di tích lịch sử-văn hoá là sản phẩm du lịch trọng điểm, nên có những chính sách bảo tồn tích cực, khoa học và hữu hiệu.

    Campuchia mới đi vào ổn định chính trị từ năm 1999 và cũng trong năm này mới đưa ra các chính sách phát triển du lịch nhưng công tác tổng kiểm kê di sản đã được thực hiện từ đầu thập kỷ 90. Đó là lý do vì sao Campuchia giữ lại được nhiều di sản, di tích đến vậy.

    Với quần thể Angkor – Di sản văn hoá thế giới do UNESCO xếp hạng, công tác bảo tồn, quản lý được thực hiện một cách chuyên nghiệp và có tính bền vững cao. Những ngôi đền trong khu Angkor Wat bị thực vật xâm lấn, nhất là loại cây cổ thụ có tên gọi là cây Tung. Khi rễ cây Tung phát triển đến đâu, nó sẽ đâm thủng những viên gạch và sập mái, tường. Thế nhưng, thay vì trát ximăng hay những vật liệu hiện đại để tạo sự kết dính bền vững như nhiều công trình ở Việt Nam, các chuyên gia tại Campuchia chỉ dùng gạch, gỗ chống đỡ, xếp gọn những tảng đã bị sập lại trong lúc tạm thời chưa có biện pháp phục chế hữu hiệu. Cách làm này đã giữ nguyên được kiến trúc cổ của Angkor trong nhiều năm qua mà không bị “làm mới”, không bị lai tạp.

    Cũng từ khi Angkor được công nhận là Di sản thế giới, lượng khách du lịch đổ về tăng mạnh mỗi năm. Có thời điểm khách đến Angkor chiếm 40% tổng lượng khách quốc tế đến Campuchia. Tuy nhiên, ngay khi có cảnh báo của UNESCO về đe doạ xuống cấp Angkor vì khách tham quan quá đông, ngành du lịch Campuchia ngay lập tức nghiên cứu và thực hiện biện pháp kiểm soát và hạn chế khách du lịch. Năm 2003, khách vào đền Angkor Wat chỉ được tối đa 300 khách mỗi lượt và thời gian tham quan chỉ kéo dài tối đa 2 giờ đồng hồ. Đến nay, các biện pháp hạn chế khách vẫn tiếp tục được nghiên cứu và đề xuất để đối phó với nhu cầu tham quan không ngừng tăng lên hằng năm. Việc phát triển các khu du lịch biển tại các hòn đảo và thị trấn Kép thuộc Sihanoukville ngoài mục đích khai thác tài nguyên du lịch biển còn nằm trong chủ trương  giãn khách khỏi Angkor, hướng khách du lịch những sản phẩm du lịch khác để giảm sức ép cho di sản.

    Năm 1999, Chính phủ Campuchia đã quy hoạch ba thành phố Phnom Penh, Siem Riep và Sihanoukville dành riêng để phát triển du lịch văn hoá và tự nhiên. Để phù hợp với chính sách này, các khách sạn quanh khu Angkor ở Siem Riep không được phép cao quá 3 tầng, bất kể đó là khách sạn 4 sao hay 5 sao. Tất cả các phố mặt tiền đều được quy hoạch tổng thể và tuân thủ chặt chẽ các quy chuẩn về kiến trúc, chỉ giới xây dựng. Thậm chí, các tuyến phố cổ, phố cũ nằm trong khu vực bảo tồn và các nhà phải sơn cùng một màu.

    Khi Campuchia phát triển cơ sở hạ tầng, xây dựng hàng loạt các tuyến đường giao thông mới để phục vụ cho du lịch, một quy định được ban hành là tất cả các cây cầu cổ phải giữ nguyên. Người ta chấp nhận làm đường vòng xa hơn và tốn kém hơn để giữ lại những cây cầu bằng đá ong, đá cẩm thạch và không có phương tiện cơ giới đi qua những cây cầu này. Nhờ thế mà rất nhiều rất nhiều cầu cổ có từ thế kỷ thứ IX, X ở Campuchia đã trở thành điểm tham quan du lịch hấp dẫn, đặc biệt là cây cầu 1300 tuổi mang tên KampongKdei (nằm cách Siem Riep 65km về phía Nam).

    Bảo tồn di sản để phát triển du lịch bền vững chỉ là một trong những quan điểm du lịch, chính sách du lịch hiệu quả của Campuchia. Đất nước của nụ cười Bayon này còn thực thi nhiều giải pháp đáng để các quốc gia khác học tập trong việc thúc đẩy du lịch.

    Có thể kể đến những tiêu chí bắt buộc với một Hướng dẫn viên du lịch tại Angkor. Những hướng dẫn viên được hành nghề ở đây đều phải trải qua những khoá đào tạo bài bản từ chính UNESCO hoặc những đỉa chỉ dạy nghề có uy tín đã được Nhà nước thừa nhận. Và dĩ nhiên, giá thuê hướng dẫn viên không thể rẻ, tối thiểu là 30USD/ngày. Chính vì quy định khắt khe này mà hiện nay Angkor thiếu rất nhiều hướng dẫn viên song không vì thế mà cơ quan quản lý di tích này nới lỏng điều kiện trình độ.

    Vé tham quan Angkor cũng là một điều thú vị. Vé chỉ bán cho khách quốc tế còn khách nội địa được miễn phí. Họ quan niệm rằng, di sản là của cha ông để lại và con cháu được quyền thụ hưởng bình đẳng và quyền được biểu biết về những gì cha ông đã làm nên. Với khách quốc tế, giá vé được phân định theo thời gian tham quan: 1 ngày là 20USD, 2 ngày là 40USD, 3 ngày là 60USD và 60USD cũng là mức giá tối đa áp dụng cho cả tuần hay cả tháng. Mức giá này thể hiện quan niệm: nếu bạn yêu Angkor đến mức thăm nó tới 3 ngày liền chưa chán thì bạn được miễn phí cho tất cả những ngày tham quan còn lại tại đây. Cách làm này không chỉ tạo tâm lý được tiếp đón của du khách mà còn kích thích du khách ham muốn khám phá, tìm hiểu sâu kỹ về quần thể di tích vĩ đại này. Khách càng tìm hiểu sâu, nền văn hoá – lịch sử Campuchia càng được quảng bá rộng và đó là cách quảng bá, xúc tiến tại chỗ tốt đến không thể tốt hơn.

    Chính phủ Campuchia cũng thực hiện một loạt các chính sách về du lịch như tổ chức hàng loạt chương trình quảng bá, xúc tiến hướng tới các tỉnh thành trọng điểm có lượng khách tới Campuchia đông tại các quốc gia châu Á, Âu, Mỹ; cải thiện hệ thống đường sá, phát triển nhiều điểm du lịch sinh thái tại các tỉnh miền sâu, miền xa phía Bắc; đơn giản hoá thủ tục xuất nhập cảnh như cấp visa ngay tại các cửa khẩu, sân bay, miễn visa cho một số quốc gia; bố trí cảnh sát du lịch tại tất cả các điểm du lịch… Tất cả những chính sách này đã tạo ra hình ảnh mới về một Campuchia thân thiện, cởi mở, sẵn sàng chào đón và cực kỳ chuyên nghiệp.

    Campuchia cũng đang tích cực hành động cho một kế hoạch tham vọng về phát triển du lịch biển trong khi Việt Nam cũng đang chọn du lịch biển làm sản phẩm du lịch trọng điểm trong giai đoạn mới. Những ưu thế về tự nhiên cũng như tài nguyên biển thì Campuchia không thể so sánh được với Việt Nam nhưng cách mà  ngành du lịch nước này đang làm thì rất đáng để dè chừng.

    Tại thị trấn Kep giáp biên giới Việt Nam, liên doanh các nhà đầu tư Mỹ, Nhật và Ả Rập đang đổ vào đó 2 tỉ USD để xây dựng các hạng mục resort, khách sạn, biệt thự cao cấp và nhiều cơ sở hạ tầng khác phục vụ du lịch sinh thái biển trải dài 6km. 10 hòn đảo trong vịnh Sihanoukville cũng đã được Campuchia cho các doanh nghiệp lớn của Mỹ, Hồng Kông, Anh nước ngoài thuê để phát triển du lịch. Tuy nhiên, Chính phủ không quên yêu cầu các đối tác giữ nguyên vẻ đẹp sơ khai và tự nhiên của thành phố cảng cổ này. Các ngôi biệt thự do Pháp xây trong thời kỳ thuộc địa cũng được yêu cầu chỉ sửa chữa, không phá vỡ, không mở rộng. Chỉ được làm hồi sinh Sihanoukville – điểm nghỉ dưỡng cao cấp của các quan chức thuộc địa Pháp hồi cuối XIX -đầu XX chứ không được biến Sihanoukville thành thành phố mới. Những đầu tư nghiêm túc và bền vững của Campuchia vào du lịch biển có thể sẽ biến Sihanoukville thành điểm du lịch nghỉ dưỡng biển số 1 của Đông Nam Á như kỳ vọng của vương quốc này.

    Và đó là lý do mà Campuchia đang là đối thủ đáng gờm nhất của Việt Nam trong cuộc đua giành vị trí thứ 4 về du lịch tại Đông Nam Á.

    (Bài của tác giả Loan Nguyễn đăng trên http://www.toquoc.gov.vn)

    Bài cùng chuyên mục