Phát triển sản phẩm du lịch gắn với di sản thế giới Thành Nhà Hồ: Cơ hội và thách thức
Năm 2011, Thành Nhà Hồ được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới là một sự kiện quan trọng cho thấy tầm vóc của di tích đã vươn xa khỏi phạm vi tỉnh Thanh Hóa, của Việt Nam mà là một di sản của nhân loại. Những năm qua du lịch Thanh Hóa không ngừng tăng trưởng dựa trên khai thác những tài nguyên du lịch đặc sắc, gắn du lịch biển Sầm Sơn với du lịch văn hóa, sinh thái, ẩm thực, làng nghề… với các địa danh như Lam Kinh, Bến En, Hàm Rồng, Từ Thức, Cẩm Lương… trong đó có tham quan di tích Thành Nhà Hồ. Tại quần thể di tích Thành Nhà Hồ cho đến nay chủ yếu đơn thuần diễn ra hoạt động tham quan, tìm hiểu di tích của khách du lịch nội địa mà chưa hình thành sản phẩm du lịch đầy đủ, chưa thu hút được khách quốc tế. Không nghi ngờ rằng lượng khách du lịch đến Thanh Hóa sẽ tăng đột biến sau sự kiện Thành Nhà Hồ được công nhận là di sản văn hóa thế giới. Đối với Thanh Hóa nói chung và điểm đến Thành Nhà Hồ nói riêng, đây là cơ hội to lớn để phát triển du lịch với tầm nhìn và đẳng cấp mới, nhưng đồng thời cũng đối diện với thách thức không nhỏ để làm sao có được những sản phẩm du lịch xứng tầm. Bài viết gợi ý một số yếu tố hình thành sản phẩm du lịch đi liền với những cơ hội và thách thức đối với điểm đến Thành Nhà Hồ nói riêng và đối với du lịch Thanh Hóa nói chung trong bối cảnh vị thế một di sản văn hóa thế giới cần bảo tồn và phát huy giá trị.
1. Vai trò của du lịch với bảo tồn và phát huy giá trị di sản
Đã là di sản của nhân loại thì yêu cầu nhiệm vụ trên hết là bảo tồn và phát huy giá trị để quay lại phục vụ nhân loại. Khi đó giá trị của di sản được đánh giá, khẳng định, công nhận và tôn vinh. Giá trị đó là của chung nhân loại, ai cũng có quyền tìm hiểu, chiêm ngưỡng, tiếp nhận nó. Đối với di sản văn hóa thế giới Thành Nhà Hồ, người Thanh Hóa hay người Việt Nam trên mọi miền tổ quốc hay du khách thập phương trên trái đất này đều có quyền và nguyện vọng được thụ hưởng những giá trị của di sản còn để lại đến ngày nay. Việc bảo tồn và phát huy giá trị của di sản do vậy cũng là để giành cho các thế hệ hôm nay và mai sau được tiếp thu, thưởng thức giá trị di sản văn hóa đó. Như vậy, sứ mệnh của di sản là sống mãi với thời gian để “phơi bày” giá trị đích thực của mình cho mọi người các thế hệ tiếp nối cảm thụ. Giá trị đó chỉ có thể được sáng tỏ khi có con người đến với nó, tìm hiểu nó, tham quan, chiêm ngưỡng nó và đánh giá nó. Giá trị di sản càng lớn và đặc sắc thì càng thu hút nhiều khách viếng thăm; đồng thời càng nhiều khách đến viếng thăm thì càng làm tăng giá trị của di sản. Ngược lại, nếu không có khách viếng thăm, di sản sẽ trở lên vô giá trị hay di sản “chết” hay vô hồn, vô nghĩa. Rõ ràng rằng di sản chỉ có thể sống mãi khi và chỉ khi có khách viếng thăm, tìm hiểu, tham quan, chiêm ngưỡng, cảm thụ giá trị của nó.
Hoạt động bảo tồn một mặt duy trì sự hiện hữu của di sản lâu dài mặt khác làm tường minh những giá trị ẩn chứa trong lòng di sản. Làm tốt công tác bảo tồn cũng có nghĩa giữ được giá trị đích thực, nguyên bản cho di sản. Những giá trị ấy chỉ có thể thấy được khi có con người cảm thụ nó. Khi đó giá trị, ý nghĩa của di sản mới được phát huy. Như vậy, chính hoạt động tham quan, tìm hiểu di sản của các thế hệ hiện tại và mai sau là tác nhân trực tiếp phát huy giá trị di sản. Hoạt động du lịch chính là cầu nối đưa con người đến với di sản, hiểu di sản và làm cho di sản sống mãi với thời gian. Nhưng cũng chính hoạt động du lịch (nếu thiếu quản lý và vi phạm nguyên tắc bền vững, thiếu trách nhiệm) sẽ làm phá vỡ không gian di sản, bóp méo giá trị di sản và nhanh chóng hủy hoại di sản.
Về vai trò của hoạt động du lịch đối với di sản có thể nhận diện ở các khía cạnh sau:
· Du lịch đặt ra yêu cầu cần bảo tồn di sản; càng làm tốt bảo tồn càng tạo sức hấp dẫn du lịch, tạo giá trị gia tăng du lịch
· Ý nghĩa, động cơ bảo tồn là để phục vụ du lịch, mang lại giá trị thụ hưởng cao nhất cho du khách
· Du lịch mang lại nguồn thu để góp phần bảo tồn di sản
· Du lịch trực tiếp khai thác (bán) giá trị di sản, làm cho giá trị di sản được biết đến và trường tồn
· Hoạt động du lịch làm tăng tần xuất tiếp xúc giữa con người với di sản, qua đó làm tăng thêm giá trị cho di sản; càng nhiều khách viếng thăm đến từ nhiều nơi xa xôi thì giá trị của di sản càng được phát huy, bay xa.
· Du lịch vừa là động lực vừa là mục tiêu của bảo tồn và phát huy giá trị di sản
· Hoạt động du lịch (được quản lý đúng nguyên tắc bền vững, có trách nhiệm) là phương thức tối ưu (thích hợp nhất) để bảo tồn và phát huy giá trị di sản.
2. Mục tiêu và yêu cầu hình thành sản phẩm du lịch gắn với di sản thế giới Thành Nhà Hồ
Thành Nhà Hồ (hay còn gọi là thành Tây Đô, thành An Tôn, thành Tây Kinh hay thành Tây Giai) là kinh đô nước Đại Ngu (quốc hiệu Việt Nam thời nhà Hồ), nằm trên địa phận nay thuộc tỉnh Thanh Hóa. Đây là tòa thành kiên cố với kiến trúc độc đáo bằng đá có quy mô lớn hiếm hoi ở Việt Nam, có giá trị và độc đáo nhất, duy nhất còn lại ở Đông Nam Á và là một trong rất ít những thành lũy bằng đá còn lại trên thế giới. Thành được xây dựng trong thời gian ngắn, chỉ khoảng 3 tháng (từ tháng Giêng đến tháng 3 năm 1397) và cho đến nay, dù đã tồn tại hơn 6 thế kỷ nhưng một số đoạn của tòa thành này còn lại tương đối nguyên vẹn. Sau 6 năm đệ trình hồ sơ, ngày 27/6/2011, Thành Nhà Hồ đã được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới và đồng thời được xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt.
Khu di tích Thành Nhà Hồ với trung tâm là Thành Nhà Hồ còn có Hào thành, La Thành, Đàn Nam Giao, Đền thờ nàng Bình Khương, Đình Đông Môn, Nhà cổ, Đền Tam Tổng, Hồ Mỹ Đàm, Hang Nàng và núi An Tôn, Chùa Giáng, Đền thờ Trần Khát Chân, Chùa Du Anh và Động Hồ Công tạo thành quần thể di tích văn hóa, cảnh quan có giá trị đặc sắc và hấp dẫn du lịch.
Để khai thác và phát huy giá trị độc đáo của di sản Thành Nhà Hồ, mục tiêu xây dựng sản phẩm du lịch là hình thành tổ hợp dịch vụ độc đáo, đặc trưng riêng với chất lượng được khách du lịch hài lòng, đáp ứng đúng nhu cầu và mong đợi của du khách. Hoạt động du lịch chủ đạo là tham quan, tìm hiểu, nghiên cứu về văn hóa, lịch sử, kiến trúc, cảnh quan trong không gian kết nối với các điểm hấp dẫn khác của quần thể di tích. Các dịch vụ cơ bản và bổ trợ đảm bảo liên hoàn và bổ sung kết nối với trung tâm thành phố Thanh Hóa, biển Sầm Sơn, Cẩm Lương, Lam Kinh… Du khách đến với Thành Nhà Hồ được đón tiếp, phục vụ tham quan, được hướng dẫn, hiểu và tiếp thu được lịch sử, kiến trúc của Thành và văn hóa lối sống của địa phương gắn với thời điểm lịch sử cho đến ngày nay. Như vậy, sản phẩm du lịch với điểm nhấn Thành Nhà Hồ có yếu tố chính là tham quan văn hóa lịch sử gắn với di tích, sinh thái cảnh quan và lối sống, sản vật địa phương.
Hiện tại, những hoạt động tham quan Thành Nhà Hồ đang diễn ra nhưng còn rời rạc, đơn lẻ và chưa có quan điểm tiếp cận hệ thống tổng thể. Yêu cầu đặt ra đối với một sản phẩm du lịch đầy đủ, hoàn chỉnh tại điểm đến Thành Nhà Hồ cần xem xét là:
– Thứ nhất, Thành Nhà Hồ phải đưa ra được Thông điệp của di sản. Thông điệp đó có thể về quy mô, sự nguy nga, hay kiến trúc độc đáo, sự huyền bí, hay gía trị văn hóa, tâm linh nào đó… Thông điệp của di sản sẽ được gửi gắm tới du khách trước khi đến, cảm nhận trong khi tham quan và đọng lại sau khi rời khỏi.
– Thứ hai, giá trị văn hóa, lịch sử, kiến trúc độc đáo của Thành Nhà Hồ phải được thể hiện, diễn giải và truyền tải tới khách du lịch. Nội dung thông tin diễn giải đảm bảo giá trị chân thực, nguyên bản không bị bóp méo. Yêu cầu đặt ra cần thực hiện tốt công tác sưu tầm tư liệu, hiện vật, biên tập, tổng hợp và thể hiện qua các phương tiện truyền thông, ứng dụng công nghệ để chuyền tải thông tin tới khách trước-trong-sau khi tham quan.
– Thứ ba, hoạt động thuyết minh với kỹ năng điêu luyện đòi hỏi thuyết minh viên phải hiểu biết sâu về di sản Thành Nhà Hồ, nắm bắt được mong đợi của khách và với kinh nghiệm và sự đam mê nghề nghiệp làm cho khách cảm nhận được cả phần hiện hữu và phần hồn của di sản. Nội dung thuyết minh được thiết kế cho từng đối tượng khách khác nhau.
– Thứ tư, hoạt động trưng bày, mô phỏng, tái hiện quá khứ gắn với nội dung di tích Thành Nhà Hồ cần được thiết kế công phu, hấp dẫn, dễ hiểu; quy hoạch vị trí phòng trưng bày hay bảo tàng trong không gian chung với những khu vực dành cho khách tham quan.
– Thứ năm, hiện vật mô phỏng, lưu niệm mang nội dung thông điệp của di sản Thành Nhà Hồ, sản vật địa phương gắn với lịch sử, truyền thuyết… được sản xuất và bán cho khách, tạo ấn tượng về điểm đến du lịch.
– Thứ sáu, dịch vụ đón tiếp, thông tin, hướng dẫn, nghỉ ngơi, ăn uống, giải trí, thư giãn, phòng đọc, tra cứu, chiếu phim tư liệu… Dịch vụ vận chuyển, lưu trú được kết nối trong không gian phục cận. Các hoạt động tìm hiểu văn hóa địa phương, tham quan làng nghề và các điểm di tích khác bổ sung cho hoạt động du lịch tại Thành Nhà Hồ.
– Thứ bảy, sự ân cần, nhiệt tình, mến khách, chu đáo phục vụ của nhân viên cho tới cộng đồng dân cư địa phương góp phần quan trọng tạo ấn tượng tốt về di sản, làm cho khách yên tâm, thoải mái và cảm nhận sâu hơn, mỹ mãn hơn những giá trị ẩn chứa trong lòng di sản Thành Nhà Hồ.
– Thứ tám, vệ sinh, an toàn và không gian văn hóa tôn trọng di sản đạt tới độ văn minh mang sắc thái địa phương được du khách đánh giá cao và lấy đó là một trong những giá trị trải nghiệm khi đến với di sản Thành Nhà Hồ.
3. Cơ hội và thách thức trong phát triển sản phẩm du lịch xứng tầm di sản văn hóa thế giới Thành Nhà Hồ
Từ thực tế Hạ Long, Hội An, Mỹ Sơn, Phong Nha-Kẻ Bàng sau khi được UNESCO công nhận là di sản thế giới, số lượng khách du lịch đến tham quan di sản tăng đột biến 1,5-2 lần năm sau so với năm trước và 10-20% trong những năm kế tiếp. Di sản Thành Nhà Hồ cũng sẽ không chệch quỹ đạo tăng trưởng đó nếu các hoạt động vinh danh, quảng bá thu hút khách được thực hiện tới đích. Cơ hội thu hút khách đến với Thành Nhà Hồ đang hiện hữu. Tuy nhiên, giá trị về văn hóa, lịch sử và kiến trúc của Thành Nhà Hồ đã được nâng tầm cao mới ứng với mong đợi của khách cũng cao hơn. Thách thức đặt ra là làm sao để thỏa mãn được mong đợi của ngày càng đông khách đến Thành Nhà Hồ.
Từ mục tiêu và yêu cầu phát triển sản phẩm du lịch xứng tầm di sản văn hóa thế giới Thành Nhà Hồ có thể phân tích, đánh giá những cơ hội và thách thức đan xen để có chương trình hành động đáp ứng hợp lý.
Cơ hội | Thách thức | Hành động đáp ứng |
+ Lượng khách du lịch tăng lên có điều kiện phân đoạn, lựa chọn từng thị trường | – Làm sao thiết kế sản phẩm du lịch đúng với nhu cầu từng phân đoạn thị trường | Þ Tăng cường chủ động nghiên cứu thị trường, phát triển sản phẩm theo định hướng thị trường |
+ Giá trị cảm nhận du lịch sẽ nâng lên nhờ sự công nhận và tôn vinh giá trị di sản. | – Kỳ vọng, mong đợi của du khách cao hơn, làm sao có thể đáp ứng được | Þ Tập trung giải mã giá trị di sản để thiết kế hình thành từng chi tiết sản phẩm du lịch; kết nối các chi tiết sản phẩm để đáp ứng |
+ Quan tâm của chính phủ và các tổ chức hỗ trợ (UNESCO, hội di sản…) nhiều hơn + Nhiều hoạt động hỗ trợ bảo tồn và phát triển |
– Làm sao để có chính sách phù hợp, khuyến khích được những hoạt động du lịch trách nhiệm có tác động tích cực tới di sản – Giải quyết mối quan hệ giữa bảo tồn và phát triển: bảo tồn làm sao để mở đường cho phát triển; ngược lại phát triển không phương hại mục tiêu bảo tồn |
Þ Quy hoạch phát triển du lịch bền vững, thực hiện chính sách phát triển du lịch có trách nhiệm với di sản Þ Tăng cường hỗ trợ kỹ thuật, nâng cao nhận thức về phát triển du lịch gắn với bảo tồn và phát huy giá trị di sản |
+ Đầu tư tăng lên; nhiều công trình dịch vụ ra đời; nhiều hoạt động dịch vụ liên quan phát triển | – Nguy cơ phá vỡ không gian di sản; khai thác dịch vụ trên nền di sản bị biến dạng, bóp méo, mất đi tính chân thực, nguyên bản, thương mại hóa quá mức – Thách thức đối phó với phát triển tự phát |
Þ Thực hiện nghiêm túc quy hoạch; lựa chọn đầu tư về quy mô, tính chất các công trình, hoạt động ngành nghề dịch vụ tương thích với vị thế, tầm vóc, không gian và đặc điểm của di sản Þ Cân nhắc kỹ trong các quyết định đầu tư, hoạt động dịch vụ |
+ Lợi ích kinh tế trực tiếp lớn hơn có được nhờ mật độ, tần xuất khách viếng thăm tăng cao | – Làm gì để quản lý hoạt động tham quan di sản vào nề nếp đảm bảo duy trì môi trường di sản bền vững – Làm gì để bảo vệ di sản tốt nhất thông qua chia sẻ lợi ích kinh tế đóng góp vào hoạt động bảo tồn |
Þ Kiểm soát chặt chẽ tác động của du lịch tới di sản; hoạt động du lịch phù hợp với sức chứa của di sản, coi trọng mục tiêu bền vững, lấy chất lượng phục vụ khách tham quan là chính yếu; Þ Tăng cường trách nhiệm bảo vệ di sản cả từ phía khách và phía người cung cấp dịch vụ |
+ Phát triển các dịch vụ, ngành nghề liên quan phục vụ du lịch nhờ tiếng vang của di sản | – Áp mô hình cung cấp dịch vụ nào là phù hợp với tính chất đặc thù của di sản để tạo ra giá trị gia tăng mà không làm biến dạng, suy thoái tài nguyên gắn với di sản – Cạnh tranh dịch vụ gia tăng |
Þ Lấy văn hóa địa phương gắn liền với giá trị độc đáo của di sản làm nền tảng để phát triển sản phẩm du lịch đặc thù; chống sao chép phát triển ngắn hạn. Þ Áp dụng các tiêu chuẩn kỹ thuật chuyên ngành; tăng cường kiểm soát chất lượng để có môi trường cạnh tranh lành mạnh |
+ Tăng cơ hội việc làm, thu nhập cho cư dân địa phương | – Nhà nhà làm du lịch, người người làm du lịch dẫn tới sự hỗn loạn, bừa bãi, đầu tư manh mún, kinh doanh chộp dựt, cạnh tranh không lành mạnh – Chất lượng nguồn nhân lực khó đảm bảo trong ngắn hạn |
Þ Tăng cường quản lý hoạt động du lịch và dịch vụ liên quan trong phạm vi di sản Þ Nâng cao nhận thức về du lịch, về di sản, đẩy mạnh giáo dục cộng đồng Þ Đào tạo phát triển nguồn nhân lực du lịch gắn với nội dung bảo tồn và phát huy gía trị di sản |
+ Các điểm du lịch khác ở Thanh Hóa có cơ hội thu hút khách bên cạnh điểm đến Thành Nhà Hồ mới nổi | – Thách thức trong liên kết, kết nối các điểm du lịch | Þ Phát huy tính bổ sung của sản phẩm và dựa vào cạnh tranh để đẩy mạnh đổi mới sản phẩm |
+ Sẽ hình thành thương hiệu du lịch Thanh Hóa gắn với Thành Nhà Hồ | – Chất lượng và sự đặc sắc của sản phẩm du lịch đi liền nội dung, quy mô và tính hướng đích của quảng bá phải xứng tầm thương hiệu | Þ Tăng cường đầu tư cho phát triển sản phẩm và xúc tiến quảng bá du lịch nhằm vào thương hiệu gắn với di sản Thành Nhà Hồ |
… | … | … |
4. Đề xuất và kiến nghị
Từ những phân tích, dẫn dắt nêu trên, ngành Du lịch Thanh Hóa cần cân nhắc một số nội dung hành động ưu tiên sau:
– Xây dựng và thực hiện Chương trình phát triển sản phẩm du lịch gắn với di sản thế giới Thành Nhà Hồ: Xây dựng sản phẩm đặc trưng dựa trên tài nguyên du lịch độc đáo gắn với giá trị di sản Thành Nhà Hồ theo mục tiêu và yêu cầu nêu trên. Đầu tư phát triển sản phẩm du lịch cần tận dụng tốt những cơ hội, đánh giá đúng những thách thức tiên liệu như trên và triển khai những chương trình hành động đáp ứng phù hợp. Chương trình phát triển sản phẩm du lịch gắn với di sản Thành Nhà Hồ là nội dung ưu tiên hàng đầu trong chiến lược phát triển du lịch tỉnh Thanh Hóa thời gian tới. Các nguồn lực cần tập trung tối đa cho chương trình này.
– Các chính sách, chiến lược liên quan: Để thực hiện tốt chương trình phát triển sản phẩm du lịch gắn với di sản Thành Nhà Hồ cần có hệ thống chính sách đồng bộ khuyến khích hoạt động du lịch theo đúng hướng. Các chính sách về huy động nguồn vốn đầu tư, ưu đãi đầu tư, quản lý sử dụng đất, chính sách phát triển cộng đồng, chuyển đổi ngành nghề, di chuyển lao động…; chiến lược phát triển du lịch chất lượng, du lịch trách nhiệm, du lịch bền vững… cần áp dụng đối với tài nguyên du lịch có tính chất nhạy cảm như di sản Thành Nhà Hồ
– Các chương trình, dự án bổ trợ: bên cạnh chương trình phát triển sản phẩm cần có các chương trình, dự án bổ trợ để phát huy hiệu quả tổng thể. Quy hoạch phát triển điểm đến du lịch Thành Nhà Hồ, kế hoạch quản lý điểm đến Thành Nhà Hồ cần được triển khai; chương trình phát triển nhân lực du lịch, chương trình phát triển và quảng bá thương hiệu du lịch gắn với di sản Thành Nhà Hồ, chương trình phát triển hạ tầng du lịch, chương trình bảo tồn di sản, bảo vệ môi trường và chương trình liên kết điểm đến du lịch trong tỉnh và liên tỉnh với điểm nhấn Thành Nhà Hồ.
Kết luận
Du lịch bền vững, có trách nhiệm là giải pháp hữu hiệu nhất để bảo tồn và phát huy giá trị của di sản. Phát triển sản phẩm du lịch gắn với di sản thế giới Thành Nhà Hồ đang đứng trước những cơ hội to lớn nhưng đồng thời cũng đối diện với những thách thức nhiều mặt. Xác định rõ mục tiêu và yêu cầu phát triển sản phẩm du lịch có ý nghĩa quyết định chiến lược đến tầm nhìn, sức sống, sức cạnh tranh của sản phẩm du lịch di sản đặc thù của du lịch Thanh Hóa nói riêng và của du lịch Việt Nam nói chung. Đối với du lịch tại điểm đến Thành Nhà Hồ, chương trình hành động ưu tiên cần tập trung vào phát triển sản phẩm du lịch phát huy giá trị di sản. Chương trình cần có sự quan tâm thực sự của Chính phủ và chính quyền các cấp. Sự vào cuộc của các tổ chức chuyên ngành là cần thiết để hỗ trợ về kỹ thuật và chiến lược giúp cho Thành Nhà Hồ phát huy được giá trị tương xứng với tầm vóc của một di sản thế giới. Thương hiệu du lịch gắn với di sản thế giới Thành Nhà Hồ sẽ là tiêu chí đánh giá cuối cùng về mức độ thành công của những cố gắng của các bên hôm nay./.