Hướng dẫn Hỏi đáp Quy định
  • EnglishEnglish
  • Sử dụng lợi thế về tài nguyên Di sản để phát triển

    Một đất nước với nguồn tài nguyên Di sản lớn, lịch sử truyền thống lâu đời, những phong cảnh thiên nhiên tuyệt đẹp cộng thêm đường bờ biển dài với nhiều bãi biển nổi tiếng thế giới… Với những kế hoạch và chiến lược phù hợp để sử dụng lợi thế nguồn tài nguyên này, chúng ta sẽ trở thành một quốc gia phát triển nhanh về du lịch, kinh tế.

    >Sở hữu nguồn tài nguyên Di sản lớn
    Nếu so sánh trong khu vực Châu Á, Việt Nam có số lượng di sản đứng thứ 3 chỉ sau Trung Quốc và Ấn Độ, đồng hạng với Nhật Bản. Tính đến hiện tại Trung Quốc có 45 di sản được công nhận, Ấn Độ 30 di sản, Nhật Bản và Việt Nam đều có 17 di sản được Unesco công nhận. Trung Quốc có Vạn Lý Trường Thành được công nhận là Kỳ quan thế giới thì chúng ta có Vịnh Hạ Long mới đây cũng đã được thế giới công nhận là Kỳ quan thế giới mới. Điểm lại sẽ thấy nguồn tài nguyên di sản của Việt nam vô cùng lớn và những di sản của Việt Nam đã được Unesco công nhận gồm có:
    02 Di sản thiên nhiên thế giới là: Vịnh Hạ Long được công nhận năm 1994 và năm 2000; Vườn quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng năm 2003.
    05 Di sản văn hóa là: Quần thể di tích Cố đô Huế năm 1993; Phố cổ Hội An năm 1999; Thánh địa Mỹ Sơn năm 1999; Hoàng thành Thăng Long năm 2010; Thành nhà Hồ năm 2011
    07 Di sản văn hóa phi vật thể: Nhã nhạc Cung đình Huế năm 2003; Không gian văn hóa Cồng Chiêng Tây Nguyên năm 2005; Dân ca quan họ Bắc Ninh năm 2009; Ca trù năm 2009; Hội Gióng ở đền Phù Đổng và đền Sóc Sơn năm 2010; Hát Xoan năm 2011; Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ( Phú Thọ ) năm 2012.
    03 Di sản tư liệu: Mộc bản Triều Nguyễn năm 2009; 82 bia Tiến sĩ tại Văn Miếu Quốc tử Giám năm 2010; Mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm năm 2012.

    17dstg
    Sở hữu nguồn tài nguyên di sản lớn và rất nhiều danh thắng đẹp

    nhưng chúng ta lại đang lãng phí những nguồn tài nguyên này..

    Ngoài 17 di sản đã được công nhận, Việt Nam còn có 05 di sản đã đề cử nhưng chưa được công nhận bởi hồ sơ còn thiếu sót và phải hoàn thiện lại: Chùa Hương với đề nghị công nhận là Di sản hỗn hợp (năm 1991); Vườn quốc gia Cúc Phương là Di sản thiên nhiên (năm 1991); Cố Đô Hoa Lư là Di sản văn hóa (năm 1991); Hồ Ba Bể là Di sản thiên nhiên (1997); Bãi đá cổ Sa Pa là Di sản văn hóa (năm 1997).
    Bên cạnh đó, còn có những di sản đã được gửi hồ sơ và đang chờ xét duyệt gồm: Hang Con Moong; Quần thể các công trình tại Hương Sơn; Vườn Quốc gia Hoàng Liên; Nhà tù Côn Đảo; Nhà thờ Phát Diệm; Quần thể di tích núi Yên Tử; Di chỉ khảo cổ Óc Eo; Vườn quốc gia Cát Bà, Vườn quốc gia Cát Tiên; Cao nguyên đá Đồng Văn; Khu danh thắng Tràng An; Hoa Lư – Bích Động…những di sản này dự kiến sẽ được quyết định vào năm 2014 – 2015.
    Sẽ là thiếu sót nếu nói đến nguồn tài nguyên Di sản mà lại không nhắc đến 08 Khu dự trữ sinh quyển của Việt nam đã được Unesco công nhận gồm: Khu dự trữ sinh quyển rừng ngập mặn Cần Giờ năm 2000; Khu dự trữ sinh quyển Cát Bà năm 2004; Khu dự trữ sinh quyển Châu thổ Sông Hồng năm 2004; Khu dự trữ sinh quyển ven biển và Biển đảo Kiên Giang năm 2006; Khu dự trữ sinh quyển miền tây Nghệ An năm 2007; Khu dự trữ sinh quyển Mũi Cà Mau năm 2009; Khu dự trữ sinh quyển Cù Lao Chàm năm 2009; Khu dự trữ sinh quyển Đông Nai năm 2011.
    Hiện nay, có 2 khu dự trữ sinh quyển đang chờ xét duyệt đó là Khu dự trữ sinh quyển Cúc Phương và Khu dự trữ sinh quyển cửa sông Cửu Long. Nếu như 2 khu này được công nhận sẽ nâng tổng số Khu dự trữ sinh quyển của Việt Nam lên con số 10 – một con số đáng nể so với các nước ở khu vực.
    Điểm qua những di sản đã được công nhận và đang chờ công nhận có thể thấy rõ tiềm năng di sản của Việt Nam vô cùng lớn. Trong những năm tới đây, con số này sẽ không chỉ dừng lại mà sẽ ngày càng được nhân lên bởi tiềm năng dồi dào vốn có của chúng. Nếu như nhìn qua danh sách các di sản thế giới của tất cả các quốc gia gồm cả Châu Âu, Châu Á, Châu Mỹ, Châu Phi chứ không riêng gì Châu Á thì Việt Nam vẫn là một trong những quốc gia có số lượng di sản được công nhận lớn.
    >Hiệu quả trong việc khai thác, đầu tư
    Với nguồn tài nguyên lớn về di sản và thiên nhiên như vậy, đúng ra Việt Nam phải là một trong những quốc gia đứng đầu khu vực về du lịch bởi những di sản, danh thắng thiên nhiên chính là những giá trị thu hút khách du lịch của mỗi quốc gia. Nói vậy không có nghĩa là có di sản chỉ để phục vụ mục đích khai thác du lịch, nhưng chính việc khai thác du lịch sẽ là cơ sở để có nguồn thu kinh tế phục vụ việc bảo tồn, giữ gìn các di sản. Bên cạnh đó việc phát triển du lịch dựa vào tài nguyên di sản còn là hình thức quảng bá, giới thiệu tốt nhất về đất nước, con người, lịch sử và văn hóa của mỗi quốc gia.
    Năm 2012, ngành du lịch Việt Nam đón 6,8 triệu lượt khách quốc tế, vượt kế hoạch 0,3 triệu và tăng gần 14% so với năm 2011. Khách du lịch nội địa đạt 32,5 triệu lượt, tăng 8,3% so với năm 2011. Tổng thu từ hoạt động du lịch năm 2012 đạt 160.000 tỷ đồng, tăng trên 23% so với năm trước.
    Trong bối cảnh kinh tế thế giới đang gặp nhiều khó khăn thì những con số nêu trên cũng là đáng khích lệ song trên thực tế nó còn quá nhỏ so với tài nguyên về di sản mà Việt Nam đang sở hữu. Nếu làm 1 phép so sánh nhỏ sẽ thấy rõ sự chênh lệnh của Việt Nam so với các nước bạn lớn như thế nào.

       Quốc gia    

    Diện tích

    (km2)

    Dân số

    (người)

    Số lượng di sản

    Số lượng khách du lịch

    (triệu lượt khách)

    Việt Nam 331.698  80.025.000 17 6,8 
    Trung Quốc 9.571.300 1.343.239.923 45 55,7 
    Nhật Bản 379.954  127.368.088 17 ~ 9 
    Hàn Quốc 100.140  48.860.500 12 45 
    Thái Lan 514.000  67.091.089 05 14 
    Campuchia 181.040  13.388.910 02 3,6

    Với 45 di sản, Trung Quốc cùng với Italia là 2 quốc gia có số lượng di sản được Unesco công nhận nhiều nhất cho đến nay. Điều đáng nói đó là Trung Quốc rất biết dựa vào tiềm năng di sản này để phát triển du lịch, thực tế đã cho thấy hầu hết những di sản đã được công nhận của Trung Quốc đều thu hút số lượng lớn khách du lịch. Năm 2012, ngành du lịch Trung Quốc vượt lên đứng vị trí thứ 3 trên thế giới sau Pháp và Mỹ với tổng số lượng khách du lịch lên tới 55,7 triệu người – một con số đáng kinh ngạc và khiến nhiều quốc gia phải khâm phục.

    Hàn Quốc có số lượng di sản còn thua chúng ta nhưng thu hút đến 45 triệu lượt khách chứng tỏ sức hấp dẫn từ nền văn hóa này mà trong đó phải kể đến sự đóng góp của các di sản nơi đây.
    Nhật Bản có số lượng di sản bằng với Việt Nam chúng ta, tuy nhiên với những trở ngại về khí hậu, thiên tai luôn rình rập cũng là nguyên nhân khiến ngành du lịch bị giảm sức hút. Vậy nhưng ngành du lịch Nhật Bản cũng đạt tới gần 9 triệu lượt khách năm 2009, nếu không vì thảm họa kép thì hiện nay con số này đã tăng lên nhiều.
    Thái Lan – một đất nước mới chỉ vỏn vẹn 05 di sản được công nhận đã đón 14 triệu lượt khách gấp hơn 2 lần Việt Nam trong năm 2012.
    Và sự so sánh cuối cùng với một đất nước láng giềng, nhỏ bé hơn Việt Nam chúng ta rất nhiều, dân số có hơn 13 triệu người với 02 di sản văn hóa, cơ sở vật chất đa số còn thiếu thốn thế nhưng trong năm 2012, Campuchia đón 3,6 triệu lượt khách. Trong khi đó chúng ta có được con số khiêm tốn 6,8 triệu lượt khách.

    Hue-Vat-15

    So với đền Angkor Wat, Cố đô Huế thua xa cả về số lượng khách và nguồn thu kinh tế…

    Tại sao với từng đấy di sản hiện đang sở hữu chúng ta mới chỉ đạt được con số khiêm tốn về du lịch như vậy?
    Campuchia đón 3,6 triệu lượt khách năm 2012, trong đó có gần 3 triệu lượt khách đến thăm quan Di sản văn hóa thế giới – Quần thể đền Angkor Wat. Vé vào cửa thăm quan khu du lịch này là 20 USD/1 người
    Như vậy nếu tính nhẩm 3.000.000 khách x 20 USD = 60.000.000 USD ( tương đương với hơn 1.200 tỷ đồng).
    Cùng là Di sản văn hóa thế giới và cũng là kinh đô của đất nước 1 thời, Di sản cố đô Huế của Việt Nam đón 2,4 triệu lượt khách năm 2012, trong đó số lượng khách quốc tế đạt chưa đến 1 triệu lượt. Vé thăm quan Di sản cố đô Huế từ 35.000 – 45.000 – 60.000/1 vé ( khách Việt và khách quốc tế giá vé khác nhau). Tạm lấy số chung là 45.000đ x 2.400.000 lượt = 108.000.000 tỷ đồng. Chưa bằng 1/10 so với Di sản Angkor Wat.

    HL-VLTT-120
    Cùng là Di sản và là Kỳ quan thế giới nhưng Việt Nam chúng ta

    cần phải học tập nhiều việc khai thác tài nguyên di sản này..

    Trung quốc có Vạn Lý Trường Thành bên cạnh là di sản thế giới được Unesco công nhận thì đây còn là Kỳ quan thế giới. Việt Nam chúng ta có Vịnh Hạ Long vừa là Di sản thiên nhiên và cũng đồng thời là Kỳ quan thế giới. Trung bình, Vạn Lý Trường Thành thu hút 10 triệu lượt khách thăm quan mỗi năm, Vịnh Hạ Long của chúng ta năm 2012 đón 7 triệu lượt du khách trong đó chỉ có 2,6 triệu lượt khách quốc tế. Khách Việt đến với Quảng Ninh thông thường là đi tắm biển nhiều hơn là đến Vịnh Hạ Long ngắm cảnh vì thế số lượng khách du lịch thực sự đến với Kỳ quan thế giới này thấp hơn với con số 7 triệu lượt.
    Điểm qua vài con số so sánh có thể thấy việc khai thác và sử dụng tài nguyên của chúng ta đã hiệu quả ? Thành công có tuy nhiên cũng không tránh khỏi những bất cập và nguyên nhân bởi nhiều lý do .Việc định hướng phát triển, quy hoạch cụ thể , kế hoạch, chiến lược để sử dụng , khai thác hợp lý nguồn tài nguyên văn hóa phục vụ tốt hơn cho ngành du lịch Việt Nam là điều không thể không thực hiện bởi phát triển du lịch còn là phát triển kinh tế xã hội, quảng bá văn hóa ra thế giới.
    Hãy sử dụng những lợi thế của mình để phát triển không chỉ cho một ngành riêng lẻ mà góp phần cho sự giàu mạnh của đất nước.

    Nguyễn Hương

    Nguồn: Cinet

    Bài cùng chuyên mục