Hướng dẫn Hỏi đáp Quy định
  • EnglishEnglish
  • Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch tỉnh Lạng Sơn đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030

    1.    Sự cần thiết phải lập quy hoạch
    Lạng  Sơn – hay còn được gọi là “Xứ Lạng” – là tỉnh miền núi Đông Bắc Việt Nam, có biên giới quốc gia tiếp giáp với nước CHND Trung Hoa với hệ thống cửa khẩu quốc tế, cửa khẩu chính đường bộ và đường sắt liên vận quốc tế giữ vai trò quan trọng trong quan hệ hợp tác quốc tế song phương và đa phương như hợp tác phát triển kinh tế hai hành lang, một vành đai giữa hai nước Việt Nam và Trung Quốc…góp phần đưa Lạng Sơn trở thành một trong những tỉnh có vị trí chiến lược về phát triển kinh tế, an ninh, quốc phòng.
    Với vị trí địa lý quan trọng và khả năng tiếp cận thuận lợi với Thủ đô Hà Nội và các tỉnh trong khu vực nhờ hệ thống giao thông đường bộ, đường sắt tương đối phát triển, Lạng Sơn có những lợi thế nhất định để phát triển ngành du lịch.
    Lạng Sơn từ xa xưa đã nổi tiếng là đất “Trấn doanh bát cảnh”. Ngày nay, nguồn tài nguyên thiên nhiên của Lạng Sơn phong phú và đa dạng với nhiều cảnh quan, trong đó nổi bật là hệ thống hang động Nhị, Tam Thanh, núi Phai Vệ, núi Mẫu Sơn, sông Kỳ Cùng, di tích nàng Tô Thị.v.v…có giá trị cao về mặt du lịch.
    Lạng Sơn “địa đầu Tổ quốc Việt Nam”, gắn liền với truyền thống đấu tranh dựng nước và giữ nước của dân tộc với nhiều địa danh nổi tiếng như ải Chi Lăng, Bắc Sơn, đường số 4.v.v….Lạng Sơn là quê hương của nhiều dân tộc ít người vùng núi Đông Bắc Việt Nam với các đặc trưng văn hoá riêng thể hiện qua các lễ hội, làng nghề, các di tích lịch sử, kiến trúc nghệ thuật, tôn giáo, các làn điệu dân ca, ẩm thực…trong đó điển hình là bản sắc văn hóa các dân tộc Tày, Nùng tạo thành hệ thống tài nguyên du lịch nhân văn có sức hấp dẫn khách du lịch…
    Với xu thế mở cửa và hội nhập kinh tế thế giới, Lạng Sơn đã và sẽ có những cơ hội rất thuận lợi để phát triển ngành du lịch và dịch vụ. Lợi thế về vị trí địa lý được nhìn nhận là nguồn lực to lớn, có tác động sâu sắc, tạo ra các cơ hội để Lạng Sơn đẩy nhanh chiến lược phát triển du lịch tại các khu vực trọng điểm trên địa bàn tỉnh.
    Việc Chính phủ phê duyệt hệ thống khu kinh tế cửa khẩu cả nước trong đó có Khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng – Lạng Sơn và Đề án phát triển khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng – Lạng Sơn có ý nghĩa quan trọng đối với phát triển du lịch Lạng Sơn trong giai đoạn mới.
    Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch tỉnh Lạng Sơn đến năm 2010 được thực hiện trong bối cảnh du lịch thế giới đang có những thay đổi tích cực theo hư¬ớng tập trung vào khu vực Đông Á – Thái Bình Dương và đặc biệt là khu vực Đông Nam Á trong đó có Việt Nam; môi trư¬ờng du lịch trong nước đang ngày càng được cải thiện; Nội dung quy hoạch đã có những định hướng quan trọng phát triển du lịch tỉnh Lạng Sơn thời gian qua. Cùng với tiến trình phát triển trên đây của du lịch cả nước, du lịch tỉnh Lạng Sơn đã đạt được những thành tựu đáng kể, có những đóng góp to lớn trong sự phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh và đối với sự phát triển du lịch chung của cả nước. Du lịch Lạng Sơn đang từng bước trở thành một trong những trọng điểm phát triển du lịch của các tỉnh biên giới phía Bắc.
    Tuy nhiên, sau hơn 10 năm thực hiện quy hoạch tổng thể phát triển du lịch, bối cảnh quốc tế và trong nước đã xuất hiện nhiều yếu tố mới ảnh hưởng đến việc phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh trong đó có du lịch.
    Đặc biệt, trong những năm gần đây, tình hình trên thế giới có nhiều biến động phức tạp như thiên tai, dịch bệnh, nạn khủng bố.v.v…trong đó đáng chú ý là cuộc khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu hiện nay đã và đang ảnh hưởng trực tiếp đến thị trường nguồn đối với du lịch Việt Nam nói chung và du lịch tỉnh Lạng Sơn nói riêng.
    Bối cảnh đó dẫn đến những định hướng của quy hoạch đã không còn phù hợp. Hơn nữa, quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Lạng Sơn chỉ còn một năm thực hiện, đã hết “vai trò lịch sử”, đòi hỏi cần phải đ¬ược điều chỉnh, bổ sung những định hướng phát triển du lịch với tầm nhìn xa hơn.
    Trước tình hình như vậy, việc lập quy hoạch phát triển ngành du lịch Lạng Sơn đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 là hết sức cần thiết, làm cơ sở tiếp tục thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội đã được Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Lạng Sơn đã đề ra.

    2. Mục tiêu, nhiệm vụ, giới hạn phạm vi lập quy hoạch

    2.1. Mục tiêu của quy hoạch
    Quy hoạch phát triển du lịch tỉnh Lạng Sơn là bước cụ thể hoá các định hướng của Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030; Nghị quyết Đại hội tỉnh Đảng bộ Lạng Sơn nhiệm kỳ đến năm 2010, định hướng phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh đến năm 2020; nhằm:
    + Xây dựng được hệ thống quan điểm và mục tiêu phát triển du lịch tỉnh Lạng Sơn theo hướng bền vững một cách toàn diện về kinh tế, văn hoá – xã hội, an ninh quốc phòng và môi trường;
    + Đề xuất được các chỉ tiêu cụ thể, các định hướng và giải pháp phát triển du lịch tỉnh Lạng Sơn với tầm nhìn đến năm 2030 làm cơ sở lập các quy hoạch chi tiết, các dự án đầu tư, quản lý phát triển du lịch Lạng Sơn trở thành địa bàn trọng điểm phát triển du lịch các tỉnh vùng núi Đông Bắc, góp phần đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao đời sống nhân dân, bảo tồn và phát huy các giá trị cảnh quan thiên nhiên, các di tích lịch sử, văn hóa trên địa bàn tỉnh.

    2.2. Nhiệm vụ của quy hoạch
    Để đạt được các mục tiêu trên, nhiệm vụ chủ yếu của quy hoạch phát triển du lịch Lạng Sơn bao gồm:
    1/  Xác định vị trí, vai trò của du lịch Lạng Sơn trong Chiến lược phát triển du lịch quốc gia và vùng; trong sự nghiệp phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh;
    2/ Đánh giá thực trạng phát triển du lịch Lạng Sơn giai đoạn đến năm 2009, trong đó có phân tích so sánh kết quả thực hiện quy hoạch đến năm 2010 và những bài học kinh nghiệm;
    3/ Nhận định những cơ hội, thách thức; phân tích, đánh giá tiềm năng, hiện trạng tài nguyên du lịch và các nguồn lực phát triển du lịch khác trong đó có việc phân tích những lợi thế so sánh với các tỉnh khác trong vùng;
    4/ Xác định hệ thống quan điểm, mục tiêu phát triển du lịch Lạng Sơn giai đoạn 2010 – 2020 tầm nhìn đến năm 2030.
    5/ Tính toán dự báo các chỉ tiêu và luận chứng các phương án phát triển du lịch;
    6/ Định hướng phát triển thị trường và sản phẩm du lịch Lạng Sơn;
    7/ Tổ chức không gian du lịch, đề xuất hệ thống các khu, tuyến, điểm du lịch;
    8/ Xác định danh mục các khu vực, các chương trình, dự án ưu tiên đầu tư, nhu cầu sử dụng đất, vốn đầu tư, nguồn nhân lực cho du lịch ;
    9/ Đánh giá sơ bộ tác động môi trường, các giải pháp bảo vệ tài nguyên và môi trường du lịch;
    10/ Đề xuất các giải pháp thực hiện quy hoạch.

    2.3. Giới hạn phạm vi của quy hoạch
    2.3.1.Về không gian: Giới hạn phạm vi lập quy hoạch được lấy theo địa giới hành chính tỉnh Lạng Sơn, như sau:
    – Phía Bắc giáp tỉnh Cao Bằng: 55 km.
    – Phía Đông Bắc giáp Trung Quốc: 253 km .
    – Phía Nam giáp tỉnh Bắc Giang: 148 km.
    – Phía Đông Nam giáp tỉnh Quảng Ninh: 48 km.
    – Phía Tây giáp tỉnh Bắc Kạn: 73 km.
    – Phía Tây Nam giáp tỉnh Thái Nguyên: 60 km.
    Tổng diện tích tự nhiên 8.323,78 km², dân số 731.000 người (số liệu năm 2009).
    2.3.1.Về thời gian: Quy hoạch đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.

    3.  Căn cứ lập quy hoạch
    – Luật Di sản văn hóa, Quốc hội nước CHXHCN Việt Nam thông qua tháng 6/2001, sửa đổi bổ sung năm 2009;
    – Luật Bảo vệ và phát triển rừng, Quốc hội nước CHXHCN Việt Nam thông qua năm 2004;
    – Luật Du lịch Việt Nam, Quốc hội nước CHXHCN Việt Nam thông qua 6/2005;
    – Nghị quyết 37 ngày 1/7/2004 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ đến năm 2010.
    – Nghị định số 92/NĐ-CP ngày 11/11/2002 về việc hướng dẫn chi tiết thi hành một số điều tại Luật Di sản văn hoá;
    – Nghị định số 92/2006/NĐ-CP ngày 07/9/2006 của Thủ tướng Chính phủ về lập, phê duyệt và quản lý quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế – xã hội;
    – Nghị định 92/2007/NĐ-CP ngày 01/6/2007 của Thủ tướng Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Du lịch;
    – Quyết định số 120/2003/QĐ-TTg ngày 11/6/2003 của Thủ tướng chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển KT-XH tuyến biên giới Việt Trung đến năm 2010.
    – Quyết định số 52/2008/QĐ-TTg ngày 25/4/2008 của Thủ Tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Quy hoạch phát triển các khu kinh tế cửa khẩu của Việt Nam đến năm 2020”.
    – Quyết định số 55/2008/ QĐ-TTg ngày 28/4/2008 của Thủ Tướng Chính phủ phê duyệt Đề án xây dựng Khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng – Lạng Sơn;
    – Quyết định số 91/2008/QĐ-BVHTTDL ngày 30/12/2008 của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ.
    – Nghị quyết số 18/NQ-TU ngày 16/6/2000 của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ về nhiệm vụ phát triển du lịch từ năm 2000 – 2010;
    – Chỉ thị số 50/CT-TU ngày 12/9/2005 của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ về việc tiếp tục đẩy mạnh phát triển du lịch Lạng Sơn giai đoạn 2006 – 2010;
    – Văn kiện Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh Lạng Sơn lần thứ X, nhiệm kỳ 2005 – 2010, tháng 1/2006;
    – Quyết định số 12/2006/QĐ-UBND ngày 21/8/2006 của UBND tỉnh Lạng Sơn ban hành Chương trình hành động về việc tiếp tục đẩy mạnh phát triển du lịch Lạng Sơn giai đoạn 2006 – 2010;
    – Quyết định số 1211/QĐ-UBND ngày 01/7/2009 của UBND tỉnh Lạng Sơn về việc phê duyệt đề cương dự án Quy hoạch tổng thể  phát triển du lịch tỉnh Lạng Sơn giai đoạn 2010 – 2020 và tầm nhìn đến năm 2030;
    – Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ.
    – Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế – xã hội tỉnh Lạng Sơn và quy hoạch của một số ngành khác có liên quan trong tỉnh;
    – Niên giám thống kê tỉnh Lạng Sơn năm 2008.
    – Địa chí Lạng Sơn, sách của UBND tỉnh Lạng Sơn, NXB Chính trị QG – 1999.
    – Một số  văn bản và tài liệu khác có liên quan.

    4. Phương pháp lập quy hoạch
    Quy hoạch phát triển du lịch tỉnh Lạng Sơn giai đoạn 2010 – 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 được xây dựng dựa trên việc sử dụng tổng hợp các phương pháp sau:
    3.1. Phương pháp thực địa: Bao gồm các khảo sát, thu thập thông tin tư liệu để đánh giá tiềm năng, hiện trạng phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn giai đoạn đến năm 2008;
    3.2. Phương pháp tổng hợp, phân tích: Tổng hợp và phân tích những kết quả đạt được, những tồn tại yếu kém, các xu hướng phát triển du lịch của khu vực và thế giới trong hoàn cảnh mới từ đó đề xuất các định hướng và giải pháp phát triển du lịch tỉnh Lạng Sơn trong giai đoạn tiếp theo phù hợp tình hình, nhiệm vụ mới.
    3.3. Phương pháp chuyên gia: Xin ý kiến đánh giá của chuyên gia ở Trung ương và địa phương trong lĩnh vực du lịch cũng như các lĩnh vực liên quan dưới các hình thức hội thảo khoa học, trao đổi kinh nghiệm.
    3.4. Phương pháp kế thừa: Kế thừa các kết quả nghiên cứu của các đề án có liên quan trên địa bàn và mô hình phát triển du lịch của một số địa phương có điều kiện tự nhiên tương tự.
    3.5. Phương pháp sơ đồ, bản đồ: Sử dụng phần mềm hệ thống thông tin địa lý MapInfo xây dựng hệ thống bản đồ quy hoạch.
     
     

    Bài cùng chuyên mục