Hướng dẫn Hỏi đáp Quy định
  • EnglishEnglish
  • Bảo vệ cấp cơ sở đề tài NCKH cấp Bộ “Các giải pháp thích ứng và ứng phó, góp phần giảm nhẹ tác động của biến đổi khí hậu đối với hoạt động du lịch ở Việt Nam”

    Ngày 30/06/2011, Viện NCPT Du lịch, hội đồng khoa học cấp cơ sở đã tiến hành nghiệm thu đề tài cấp Bộ: Các giải pháp thích ứng và ứng phó, góp phần giảm nhẹ tác động của biến đổi khí hậu đối với hoạt động du lịch ở Việt Nam. Đề tài này do PGS.TS Phạm Trung Lương làm chủ nhiệm. Hội đồng nghiệm thu gồm: TS Trương Sỹ Vinh (chủ tịch Hội đồng); 2 phản biện: TS Nguyễn Văn Bình và TS Nguyễn Quốc Khánh; TS Dương Đình Hiền; Ths Trần Tuyết Mai (thư ký). Tham dự buổi bảo vệ có một số cán bộ, chuyên gia nghiên cứu ở trong và ngoài Viện.
     
              Đây là một đề tài nghiên cứu có tính thời sự cao. Theo số liệu của Cục Bảo vệ Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường), cùng với đà tăng lên của nhiệt độ trên toàn thế giới, từ năm 1920 đến nay, nhiệt độ tại Việt Nam cũng tăng lên từ 0,2-1 độ C, nhưng tăng nhanh chủ yếu từ năm 1980 đến nay. Trong 40 năm qua, nhiệt độ trung bình ở nước ta đã tăng thêm 0,6 độ C. Riêng trong năm 1997, do ảnh hưởng của El Nino, ở Tp.HCM nhiệt độ đã có lúc đạt mức kỷ lục là 40,6 độ C. Sự gia tăng nhiệt độ khiến mùa nóng kéo dài hơn. Trong khi đó, ở Hà Nội và các tỉnh phía Bắc thời gian tốt nhất cho khách du lịch đến từ nước ngoài là mùa thu, mùa đông và mùa xuân khi nhiệt độ từ 15-22 độ C. Do vậy, điều này đã tác động không nhỏ tới doanh thu của toàn ngành du lịch nước ta.
        Nội dung Đề tài bao gồm 6 phần chính:
    – Đặt vấn đề và phương pháp luận nghiên cứu;
    – Tổng quan về biến đổi khí hậu (BĐKH) ở trên thế giới và Việt Nam;
    – Tác động của BĐKH đến du lịch Việt Nam;
    – Kinh nghiệm của quốc tế về thích ứng và ứng phó với biến đổi khí hậu trong hoạt động phát triển du lịch;
    – Đề xuất các giải pháp thích ứng và ứng phó, góp phần giảm nhẹ tác động của BĐKH đối với hoạt động du lịch ở Việt Nam;
    – Kết luận và kiến nghị.

    Theo đề nội dung của đề tài, hiện nay có 6 lĩnh vực chịu ảnh hưởng lớn của BĐKH đó là: Lĩnh vực nông nghiệp; đánh bắt và nuôi trồng thủy sản; năng lượng (thủy điện); xây dựng hạ tầng (giao thông, đô thị); du lịch; đa dạng sinh học.
    Nhóm tác giả đã đưa ra cơ chế tác động của BĐKH đến hoạt động phát triển du lịch trên một số lĩnh vực chính đồng thời chỉ ra 3 yếu tố bị tác động và dễ nhìn thấy nhất đó là: Tài nguyên du lịch (bãi biển, hệ sinh thái, di tích lịch sử – văn hóa); hạ tầng và cơ sở vật chất du lịch; hoạt động lữ hành. Nội dung đề tài chứa đựng nhiều dữ liệu thống kê, bảng biểu, sơ đồ, bản đồ để minh chứng cho các luận điểm ở trên.
    Kết hợp với những kinh nghiệm quốc tế (Hà Lan, Hàn quốc, Ấn độ, Maldiver, Nepan) về thích ứng và ứng phó với biến đổi khí hậu trong hoạt động phát triển du lịch, nhóm nghiên cứu đã đề xuất một số giải pháp áp dụng cho du lịch Việt Nam như: nâng cao nhận thức xã hội, đặc biệt là đội ngũ quản lý về tác động cúa BĐKH đối với hoạt động phát triển du lịch; tăng cường khả năng thích ứng của du lịch; năng lực giảm nhẹ tác động của BĐKH.
     Hội đồng nghiệm thu đánh giá cao các kết quả nghiên cứu của nhóm tác giả. Các kết quả này có thể làm cơ sở để xây dựng kế hoạch ứng phó với biến đổi khí hậu trong lĩnh vực du lịch ở Việt Nam. Hội đồng cũng đề nghị nhóm tác giả nghiên cứu tiếp thu một số ý kiến đóng góp của các thành viên Hội đồng để hoàn thiện báo cáo trước khi  trình hội đồng nghiệm thu cấp trên./.

    Bài cùng chuyên mục