Hướng dẫn Hỏi đáp Quy định
  • EnglishEnglish
  • Viện NCPTDL khảo sát và làm việc tại Kenya

                Thực hiện Quyết định số 1426/QĐ-BVHTTDL, ngày 29/04/2011 của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch thực hiện chuyến đi khảo sát và làm việc tại Cộng hòa Kênia từ ngày 05/05/2011 đến ngày 11/05/2011 theo thư mời của Công ty Du lịch Lữ hành Campofrio Safaris Kenia.

                                

               Mục đích của chuyến công tác là nhằm trao đổi kinh nghiệm trong hoạt động khai thác tài nguyên đa dạng sinh học tại các Vườn quốc gia, khu Bảo tồn tự nhiên để phát triển các sản phẩm du lịch sinh thái; tìm hiểu các kinh nghiệm trong việc xây dựng chiến lược, lập kế hoạch phát triển du lịch sinh thái. Thành phần đoàn cán bộ khảo sát gồm 7 người : Bà Hoàng Thị Điệp, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch; Ông Hà Văn Siêu, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển Du lịch; Ông Từ Mạnh Lương, Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học Công nghệ và Môi trường, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch; Ông Nguyễn Việt Tùng, Phó trưởng phòng phụ trách Phòng Quản lý và Bảo vệ Môi trường, Vụ KHCN&MT, Bộ VHTTDL; Ông Đỗ Minh Tuấn, Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Tài chính Tổng cục Du lịch;Ông Đào Duy Tuấn, cán bộ phòng Kinh tế Du lịch, Viện Nghiên cứu phát triển Du lịch và Ông Hoàng Đạo Bảo Cầm, cán bộ phòng Thiết kế Quy hoạch, Viện Nghiên cứu phát triển Du lịch.

                 Kenya là một trong những điểm đến du lịch lớn của thế giới, nổi tiếng và hấp dẫn bởi với sự đa dạng của thể giới động thực vật hoang dã, cảnh quan và các giá trị văn hóa truyền thống. Từ thảo nguyên sâu rộng đến các bãi biển nhiệt đới và rạn san hô, rừng rậm xích đạo tuyết núi hùng mũ và nhiều hơn nữa, Kenya là một thế giới riêng của mình. Kenya là điểm đến ưa thích của các chương trình du lịch trải nghiệm thiên nhiên hoang dã của châu Phi – “Kenia safari”, thu hút các nhà thám hiểm, và khách du lịch mạo hiểm trong nhiều thế kỷ. Một chương trình Safari đến Kenya thực sự là một chuyến đi của một đời. Kenya là một điểm đến lý tưởng cho tất cả các loại hình du lịch, kể cả du lịch Cộng vụ và các hoạt động du lịch Hội nghị Hội thảo. Đến nay, Bộ Du lịch Kênia đã đưa ra những chính sách nhằm hỗ trợ và thúc đẩy du lịch bền vững vì lợi ích của cả du khách và các doanh nghiệp lữ hành Kênia.

                    Tại buổi làm việc với đại diện Bộ Du lịch Kênia, Đoàn đã được nghe giới thiệu về cơ cấu tổ chức, các biện pháp hỗ trợ dịch vụ phát triển du lịch, các chương trình, kế hoạch và nội dung quy hoạch phát triển du lịch của Kênia, các đối tác phối hợp cùng với Bộ Du lịch trong các nỗ lực bảo vệ môi trường, bảo tồn nguồn gen và đa dạng sinh học cho phát triển du lịch. Bộ Du lịch Kênia cùng với chính quyền tại 47 địa phương luôn khuyến khích người dân đi du lịch trong nước để mọi người dân Kenya đều có thể khám phá những tài nguyên thiên nhiên và các giá trị văn hóa đặc sắc của đất nước họ, bên cạnh đó Kênia cũng rất tích cực và chủ động hỗ trợ và thúc đẩy các dự án về phát triển du lịch sinh thái cộng đồng nhằm bảo vệ giá trị và chất lượng của các điểm đến du lịch cho tương lai. Đoàn cũng được Bộ Du lịch cung cấp các thông tin cơ bản về tình hình phát triển du lịch của Kênia trong năm 2010, cụ thể: Ngành kinh tế dịch vụ du lịch của Kênia hiện đóng góp khoảng 63% tổng GDP toàn đất nước. Ngay từ sau khi giành được độc lập, ngành du lịch của Kênia đã không ngừng được mở rộng và phát triển, và đến cuối những năm 1980 của thế kỷ 20 đã trở thành một trong bốn ngành thu hút ngoại tệ chính của đất nước cùng với trồng hoa, chè và cà phê. Năm 2010, ngành du lịch Kênia đánh dấu mốc phát triển mạnh mẽ khi tiếp đón được gần 1,1 triệu lượt khách du lịch quốc tế, tăng 15% so với năm 2009 (số liệu thống kê này không bao gồm khoảng 700 ngàn lượt khách du lịch mậu biên). Thu nhập du lịch đạt 73,68 tỷ USD, tăng 18% so với năm 2009. Thị trường khách du lịch lớn nhất của Kênia là Anh với 174.051 khách chiếm thị phần 16%; Mỹ là 107.842 khách chiếm thị phần 10%; Italia với 87.694 khách chiếm thị phần 7,8% và khách du lịch Đức chiếm thị phần 5,3% với 63.011 khách… Từ khu vực Châu Phi, khách du lịch đến từ Uganđa đứng đầu với 33.900 khách du lịch nhập cảnh vào Kênia, tiếp đến là Nam Phi với 33.076 khách và Tanzania với 30.264 khách… Dẫn đầu thị trường khu vực Châu Á là Ấn Độ với 47/611 khách, tiếp theo đó là Trung Quốc (47.611 khách) và UAE (14.874 khách). Mục tiêu phát triển của du lịch Kênia đến năm 2012 là phấn đấu thu hút được 2 triệu lượt khách du lịch quốc tế, qua đó từng bước đạt được mục tiêu là đưa Kênia trở thành điểm đến hàng đầu về du lịch bền vững của Châu Phi và thế giới. Để hiện thực hóa mục tiêu này, từ năm 2009 ngành du lịch Kênia đã tiến hành nghiên cứu phân đoạn lại các thị trường mục tiêu và lập kế hoạch phát triển du lịch theo từng địa bàn, cụm và từng điểm đến trên toàn lãnh thổ qua đó đặt trọng tâm vào phát triển du lịch cao cấp, ưu tiên phân đoạn đối tượng khách có khả năng chi trả cao và giới hạn số lượng khách du lịch tại cùng một thời điểm.
                 Để thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ đề ra, theo đuổi mục tiêu phát triển trở thành một điểm đến du lịch bền vững, Bộ Du lịch Kênia đã đặt ra những giá trị cơ bản của du lịch Kênia cần phải đạt được là:
    – Cung cấp các dịch vụ du lịch có chất lượng nhất
    – Đảm bảo tính toàn vẹn của hệ sinh thái, tính minh bạch và trách nhiệm trong hoạt động kinh doanh lữ hành
    – Đảm bảo tính chuyên nghiệp của đội ngũ phục vụ du lịch
    – Đảm bảo sử dụng các nguồn tài nguyên du lịch một cách hiệu quả nhất.
    – Đảm bảo công bằng xã hội
    – Luôn đổi mới và sáng tạo trong phát triển sản phẩm du lịch
    – Luôn thể hiện tinh thần đồng đội giữa đội ngũ nhân viên và giữa các nhóm đối tác chính.
             Cũng theo báo cáo của Bộ Du lịch, đoàn cán bộ công tác của Việt Nam sang thăm quan học tập kinh nghiệm lần này là đoàn khách du lịch chính thức đầu tiên của Việt Nam nhập cảnh vào Kênia.  Kết thúc buổi làm việc, hai bên đã trao đổi các món quà tặng lưu niệm, các ấn phẩm xúc tiến quảng bá du lịch.

                      
            Tiếp tục chương trình công tác, đoàn đi khảo sát và thăm quan Vườn quốc gia Aberdares. Vườn quốc gia Aberdares là một phần của dãy núi Aberdare – dãy núi cao thứ 3 ở Kenia với độ cao gần 4000m, theo tiếng của người Kikuyu thì đây được ví như một trong những ngôi nhà của Chúa.
    Vườn quốc gia Aberdares có địa hình đa dạng gồm các sông băng, thác nước hùng vĩ và những cánh rừng mưa. Hệ động vật và thực vật khá độc đáo và khó có thể tìm thấy nơi nào khác trên đất nước Kênia, là khu vực hấp dẫn đối với những người yêu thích phong cảnh. Với một diện tích lưu vực lớn, rừng mưa nhiệt đới Aberdares là nguồn cung cấp nước ngọt chính cho dân cư địa phương và dân cư thủ đô Nairobi. Sâu trong vùng lõi của Vườn quốc gia Aberdares, có 2 nhà nghỉ trên cây – Tree hotels, đây là hai nhà nghỉ độc đáo và duy nhất với 219 buồng; 8 khu cắm trại đặc biệt (dành cho các mục đích khảo sát, nghiên cứu, khách du lịch cần phải đặt chỗ trước và được trang bị các thiết bị bảo hộ chuyên dụng), 1 điểm cắm trại tập trung và 5 điểm dành cho các hoạt động picnic dã ngoại (chủ yếu dành cho học sinh và sinh viên).
    Đoàn công tác nghỉ tại khách sạn Treetop, được xây dựng trên ngọn cây dẻ hơn 300 tuổi, bên cạnh một con đường mòn đưa các loài động vật hoang dã đến với điểm uống nước và muối khoáng duy nhất trong rừng. Tại 2 đầu hồi của khu nghỉ có bố trí ban công để du khách có thể tự do chụp ảnh và trực tiếp quan sát các loài thú. Ở đây, chúng ta có thể nhìn thấy những đàn voi và trâu rừng với số lượng lớn, ngoài ra là vô số các loài chim và các loài linh trưởng. Cuộc sống về đêm ở Aberdares càng trở nên sống động với sự xuất hiện của các đàn voi rừng, trâu rừng, sơn dương, hoẵng, lợn rừng…

             Trong khuôn khổ chuyến công tác, Đoàn đã thực hiện chuyến nghiên cứu, khảo sát tại vườn quốc gia hồ Nakuru, Khu bảo tồn tự nhiên Masai Mara, Khu nghỉ dưỡng Mara Sarova Tent Lodge, khảo sát làng của người Maasai, trung tâm bảo tồn Hươu cao cổ…nhằm nghiên cứu các kinh nghiệm trong bảo tồn các giá trị đa dạng sinh học, kinh nghiệm triển khai các dự án phát triển du lịch sinh thái tại các vườn quốc gia và khu bảo tồn tự nhiên; tìm hiểu việc trực tiếp triển khai các sản phẩm du lịch sinh thái và các chính sách hỗ trợ của Chính phủ Kênia với các doanh nghiệp lữ hành quốc tế;tìm hiểu việc tổ chức dịch vụ lưu trú du lịch tại vùng lõi của vườn quốc gia, các biện pháp quản lý khu du lịch, quản lý các tuyến, điểm tham quan du lịch và các biện pháp bảo vệ môi trường cũng như việc ứng dụng công nghệ xử lý môi trường…

    Hồ Naruku là một trong số những hồ nước mặn tự nhiên lớn nằm trong thung lũng Rift ở độ cao 1.754 m so với mặt nước biển, và nằm trọn vẹn trong khuôn viên của vườn quốc gia Naruku. Hồ được bảo vệ theo công ước Ramsa về đất ngập nước.Vườn quốc gia hồ Naruku bao bọc trọn vẹn hồ nước mặn Naruku, một số hồ nhỏ khác trong thị trấn Naruku gần đó và dần dần mở rộng ra toàn bộ vùng thảo nguyên với tổng diện tích 188 km2. Naruku nổi tiếng với hàng ngàn, thậm chí hàng triệu con chim Hồng hạc làm tổ dọc bờ hồ. Nhìn từ xa hồ Naruku như được bao phủ bởi một màu hồng. Và cùng với hơn 400 loài chim khác cùng đến đây sinh sống và cư trú, Naruku thực sự là một điểm dừng chân lý tưởng trên hành trình “Khám phá Kênia”.
    Ngoài ra, vườn quốc gia Naruku có một khu vực rộng khoảng 12,2 km2 là nơi bảo tồn và lưu giữ nguồn gen của tê giác đen và tê giác trắng cùng với hươu cao cổ Rothschild – đây là 3 loài nằm trong danh sách đặc biệt nguy cấp cần được bảo tồn. Từ năm 2009 trở lại đây, số lượng cá thể tê giác và hươu cao cổ đã tăng lên đáng kể sau những nỗ lực bảo tồn của người dân Kênia. Đến nay đã ghi nhận được 25 cá thể tê giác đen và 70 cá thể tê giác trắng cùng một số cá thể hươu cao cổ Rothschild. Ngoài ra, du khách đến đây cũng ghi nhận sự xuất hiện của một số cá thể của loài động vật ăn thịt như báo hoa, báo gêpa, sư tử…Theo báo cáo của Quỹ Bảo tồn động vật hoang dã Kênia, hàng năm vườn quốc gia Naruku đón tiếp khoảng 200.000 lượt khách đến tham quan, tuy nhiên du khách chỉ được lưu trú lại tối đa không quá 48 tiếng, nhằm hạn chế tối đa những tác động tiêu cực lên môi trường sống hoang dã.

     

    Khu bảo tồn tự nhiên Masai Mara là khu bảo tồn nổi tiếng nhất ở đất nước Đông Phi. Khu bảo tồn tự nhiên này nằm trên lãnh thổ 2 quốc gia là Tanzania và Kênia, phần phía Bắc của vườn quốc gia Serengeti Tanzania chính là khu bảo tồn Maasai Mara, đặt tên theo tên của bộ tộc người Maasai những thổ dân chính cư trú ở vùng đất này. Khu bảo tồn Maasai Mara có diện tích khoảng 1.500 km2, là nơi thu hút nhiều khách du lịch nhất của Kênia đồng thời cũng là nguồn thu ngoại tệ lớn của đất nước này. Tại đây trong hai ngày du khách đưực các xe chuyên dụng trần xe để hở cho dễ dàng chụp hình quay phim… nhưng rất an tòan nếu có thú dữ tấn công… Trong cuộc săn tìm (hunting) các loài động vật hoang dã, du khách sẽ được chứng kiến hàng trăm con ngựa vằn, linh dương, dê rừng(wildebeest), nai, hoẵng, voi… và nếu may mắn có thể thấy được cả gia đình sư tử, báo, linh cẩu, hươu cao cổ, tê giác… lang thang khắp thảo nguyên Mara và dễ dàng chụp hình chúng… với máy du lịch hoặc các máy ảnh có ống kính chuyên nghiệp. Các loại xe chuyên dụng sẽ khách du lịch chạy ngang dọc 4 hướng Đông Tây Nam Bắc trong khu bảo tồn rộng hơn ngàn cây số vuông để tận hưởng cái không khí trong lành của thảo nguyên Mara hoang dã vào lúc bình minh hay hoàng hôn…, thực sự là một trải nghiệm hiếm có.

     

     

    Khu nghỉ dưỡng Mara Sarova Tent Lodge là một khu lều trại mang phong cách Châu Phi tuyệt đẹp, nằm gọn dưới tán rừng keo, giữa chốn rừng hoang vu của bình nguyên Mara rộng lớn. Khu lều trại (Mara tents) được thiết kế thật sự giản tiện mang đúng tinh thần của đất nước vùng Đông Phi này nhằm để cho du khách có được cảm giác trải nghiệm cuộc sống hoang dã của cùng đất Maasai Mara, nơi được ví như kỳ quan thứ 8 của thế giới. Khu Mara Sarova Tents tuy có thiết kế đơn giản nhưng thực sự mang dáng dấp của một khu nghỉ dưỡng 5 sao với 74 phòng ngủ (tents), hồ bơi, nhà hàng… với đầy đủ tiện nghi sinh hoạt hiện đại.

    Làng của người Maasai là nơi sinh sống của nhiều tộc người kỳ lạ mà quan trọng nhất là 4 tộc người Turkala, El Molo, Kikuyu và Maasai. Tất cả các bộ tộc này đều sống hòa mình với thiên nhiên, cùng với rất nhiều tập tục lạ và trang phục sặc sỡ. Những tộc người này góp phần tạo nên sự hấp dẫn kỳ thú của đất nước Kênia. Người Maasai là tộc người du mục có tính độc lập cao, đến nay họ vẫn duy trì được các giá trị văn hóa cũng như các nghi lễ truyền thống trong đời sống sinh hoạt hàng ngày. Sinh sống trên vùng thảo nguyên Mara rộng lớn này, tộc người Maasai không chỉ coi mình là cư dân mà là một phần không thể tách rời của vùng đất này. Theo truyền thống, người Maasai không săn bắt thú rừng mà sống hòa thuận cùng với tự nhiên. Sư tử và Dê là 2 loài động vật đóng vai trò quan trọng trong đời sống tín ngưỡng của thổ dân Maasai. Nét sinh hoạt văn hóa độc đáo nhất của thổ dân Maasai chính là điệu nhảy cuồng điên của các chiến binh Maasai bên ánh lửa và trong tiếng trống bongo hoang dã…, mà theo lời kể của người tộc trưởng thì điệu nhảy này để xua đuổi các loài thú dữ đến phá làng và ăn thịt các loài vật nuôi của người dân. Sự đồng tồn tại giữa con người và các loài động vật hoang dã mà không có bất kỳ một sự bảo vệ đặc biệt nào (như các hàng rào điện tại khu nghỉ Sarova Mara Tent) đã biến vùng đất Maasai này thành một trong những vùng đất độc đáo nhất trên thế giới.

    Trung tâm bảo tồn Hươu cao cổ Rothschild được thành lập từ nguồn kinh phí hỗ trợ của Quỹ Bảo vệ các loài động vật hoang dã Châu Phi. Nằm ở quận Langata, ngoại ô thủ đô Nairobi, được thành lập với mục đích ban đầu là nơi nuôi dưỡng loài hươu cao cổ Rothschild, một loài đang bị đe dọa tuyệt chủng trên toàn bộ lãnh thổ Châu Phi. Đến nay, trung tâm này hoạt động như một trung tâm giáo dục về môi trường và đa dạng sinh học cho học sinh phổ thông. Tất cả các nguồn thông tin hữu ích về loài hươu cao cổ Rothschile đều có thể tìm thấy ở đây, đồng thời tại đây khách du lịch có thể mặt đối mặt với các cá thể hươu cao cổ và trực tiếp cho chúng ăn. Trực tiếp cho hươu ăn bằng tay cũng là một cách tìm hiểu cách mà chúng sử dụng chiếc lưỡi dài, linh hoạt của mình để tách lá ra khỏi nhánh các cây keo gai.

             Qua chuyến nghiên cứu, khảo sát, Đoàn đã có những kiến nghị đề xuất với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Tổng cục Du lịch trong việc mở rộng quan hệ đối tác toàn diện trong lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch với Cộng hòa Kênia; đặc biệt trong hợp tác phát triển du lịch gắn với mở rộng quan hệ ngoại giao; xem xét và tổ chức đoàn khảo sát chính thức của Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch tiến hành khảo sát toàn diện các điểm du lịch sinh thái của Kênia cũng như có lời mời chính thức với Bộ Du lịch Kênia sang thăm, làm việc và khảo sát các tiềm năng du lịch của Việt Nam để tiến tới đặt quan hệ đối tác song phương với Cộng hòa Kênia trong hợp tác phát triển mọi mặt về du lịch…

    Bài cùng chuyên mục