Văn hóa: một toa thuốc đặc trị cho ngành du lịch
Lâu nay chúng ta đang cố gắng đi tìm những giải pháp để giải quyết vấn đề phát triển cho ngành du lịch. Có không ít những cuộc hội thảo được tổ chức nhằm tìm ra phương thức hữu hiệu để giải quyết những khó khăn của ngành du lịch. Tuy nhiên, có một “toa thuốc” được xem là có thể “trị bá bệnh” cho ngành du lịch vẫn chưa được sử dụng đúng mức đó là văn hóa.
|
Từ lâu vấn đề đa dạng hóa và nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch đã được nhiều người quan tâm đặc biệt là ngành du lịch. Làm thế nào để chúng ta có được những sản phẩm du lịch tốt nhất, cạnh tranh nhất và hấp dẫn du khách nhất, đã trở thành bài toán khó giải của ngành du lịch Việt Nam trong nhiều năm qua. Các công ty du lịch thì không ngừng tìm tòi, khám phá để đưa vào khai thác những tour du lịch hấp dẫn du khách, còn Ngành Du lịch Việt Nam thì cũng đã đưa ra nhiều chương trình nhằm quảng bá du lịch Việt Nam ra thế giới…Dù chúng ta đã tổ chức rất nhiều chương trình tour du lịch về khắp các vùng trên cả nước nhưng vẫn cứ bị phê bình là sản phẩm du lịch “nghèo nàn”? Thật ra sản phẩm du lịch của Việt Nam có đúng là “nghèo nàn” như chúng ta thường phê bình không? Thật ra chúng ta đang sở hữu một “kho báu” để làm nền tảng thiết kế sản phẩm du lịch mà nhiều quốc gia khác không có. Chúng ta có tour du lịch sinh thái (biển, rừng, sông nước, suối, thác, hồ, hang động…), du lịch văn hóa (Tour về với không gian văn hóa Tây Nguyên, Tây Bắc, du lịch tham quan di tích lịch sử, chiến trường xưa, du lịch lễ hội…), Chúng ta có di sản thế giới vật thể và phi vật thể, chúng ta có lịch sử làm thế giới kính nể, và hơn nữa chúng ta có một nền văn hóa hết sức đặc sắc.
Nếu so với các nước trong khu vực và thế giới, thì chừng ấy về chủng loại sản phẩm du lịch và các giá trị đang có thì phải được xếp là loại “giàu có” chứ không phải là “nghèo nàn” như chúng ta thường than trách. Vậy ta cần làm gì để khắc phục những “yếu kém” đang tồn tại? Câu trả lời đó là hãy đầu tư vào phát triển văn hóa, vì văn hóa được xem là bài thuốc hữu hiệu có thể chữa lành nhiều căn bệnh của của ngành du lịch. Chúng ta có thể liệt kê những công dụng của bài thuốc này như sau:
Văn hóa giải quyết vấn đề sản phẩm du lịch Việt Nam.
Chúng ta dùng Văn hóa để giúp cho sản phẩm du lịch Việt Nam vốn đã phong phú về chủng loại thêm hấp dẫn khách du lịch trong và ngoài nước. Các loại hình du lịch văn hóa hiện đang được các nước tiên tiến khai thác:
Nhóm một: Du lịch văn hóa vùng di sản (Heritage sites cultural tourism), bao gồm tất cả những chuyến du lịch tham quan di sản thiên nhiên, di sản văn hóa (vật thể và phi vật thể).
Nhóm hai: Du lịch văn hóa thắng cảnh nhân văn (Literary landscapes cultural tourism) gồm tất cả những chuyến du lịch thăm lại những khu di tích lịch sử của vùng, thăm những ngôi nhà của các anh hùng lịch sử dân tộc, thăm quan nơi làm việc của các vĩ nhân…
Nhóm ba: Du lịch văn hóa những điểm đen[1] (Blackspot cultural tourism), là loại du lịch văn hóa đem lại cảm giác xúc động mạnh như: tham quan khu thảm sát trong chiến tranh, tham quan khu xảy ra tai nạn của các nhân vật nổi tiếng, hay nơi xảy ra vụ đắm tàu lịch sử, nơi chôn xác trong chiến tranh…
Nhóm bốn: Du lịch văn hóa công viên chuyên đề (Theme parks cultural tourism), gồm những chuyến tham quan các công viên văn hóa chuyên đề như: Công viên nước, công viên hoa, công viên tranh nghệ thuật, công viên điêu khắc, công viên tình yêu, công viên nghệ thuật hóa trang…
Từ bốn nhóm căn bản trên ta có các loại hình du lịch văn hóa tiêu biểu như sau:
Thứ nhất: về loại hình du lịch văn hóa cảm xúc (sense of place), là những sản phẩm khai thác các đặc tính thẩm mỹ phi vật thể (non-material characteristics) thông qua các giác quan như: màu sắc, âm thanh, ánh sáng, hương vị, tiếng động những thành tố tạo thành cái cội nguồn văn hóa của vùng, dân tộc hay quốc gia. Những thành tố này sẽ tạo nên một vùng cảm xúc mạnh mẽ đối với du khách và để lại cho họ những kí ức đẹp về chuyến đi
Thứ hai: Du lịch văn hóa sự kiện và lễ hội (Festival & Events), là những sản phẩm du lịch tận dụng sự kiện và lễ hội để xây dựng chương trình tour sao cho khách du lịch có thể trải nghiệm và hòa mình vào không khí của lễ hội một cách hợp lý nhất.
Thứ ba: Du lịch văn hóa di sản (cultural heritage), là sản phẩm lấy những giá trị văn hóa, lịch sử có trong di sản để cho khách thưởng thức. Các nước phát triển đã đầu tư xây dựng những phim tư liệu về lịch sử hình thành và các sự kiện có liên quan đến di sản, di tích để cho khách tham quan, thưởng thức.
Thứ tư: Du lịch “Con đường văn hóa” (the cultural trails tour), là sản phẩm lấy “con đường văn hóa” làm hành trình của chuyến tham quan. Ở mỗi điểm dừng trên con đường ấy là những minh chứng cho một thời kỳ hưng thịnh hay suy tàn của một nền văn hóa nào đó.
Thứ năm: Du lịch văn hóa hiện đại (modern cultural tour), là sản phẩm khai thác các giá trị văn hóa lịch sử hiện đại bao gồm vật thể và phi vật thể như: các công trình thế kỷ, di sản thế giới hiện đại (modern world heritage), các lễ hội chuyên đề, sự kiện âm nhạc, chính trị, tôn giáo, văn hóa, thể thao… để xây dựng chương trình tham quan hấp dẫn du khách.
Thứ sáu: Du lịch văn hóa nông thôn (farm experiences homestay cultural tour), là sản phẩm được xây dựng dựa vào các yếu tố sinh hoạt văn hóa nông thôn của vùng, để tạo cơ hội cho khách có thời gian trải nghiệm cuộc sống của vùng nông thôn nơi họ đến.
Thứ bảy: Du lịch văn hóa nghệ thuật ăn ngon (Gastronomy cultural tour), là sản phẩm được xây dựng trên cơ sở khai thác những nét tinh hoa ẩm thực truyền thống của vùng hoặc quốc gia tạo cho khách cơ hội nghiên cứu, thưởng thức những món ăn đặc sản truyền thống.
Thứ tám: Du lịch văn hóa ngôn ngữ (languages cultural tour), là sản phẩm du lịch văn hóa dành cho những khách du lịch muốn tìm hiểu nghiên cứu một ngôn ngữ lạ nào đó đang tồn tại quốc gia họ muốn đến. Hình thức tour du lịch này là xây dựng một chương trình tour giao lưu với dân bản địa để học hỏi nghiên cứu ngôn ngữ.
Thứ chín: Du lịch văn hóa làng nghề truyền thống (handy craft village cultural tour), là sản phẩm du lịch khai thác các giá trị của làng nghề truyền thống, tạo cho khách cơ hội giao lưu học hỏi cách làm và mua những sản phẩm ấy.
Tóm lại chúng ta dùng văn hóa để tạo ra cái hồn cho sản phẩm du lịch của mình như các nước trên thế giới đang áp dụng. Làm như vậy, chúng ta sẽ giải quyết được vấn đề đa dạng hóa và nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch hiện nay.
Văn hóa giải quyết vấn đề gia tăng lượng khách du lịch
Từ chổ sản phẩm du lịch của ta có sức hấp dẫn về mặt văn hóa thì tự nhiên số lượng khách du lịch đến Việt Nam sẽ tăng lên đó là quy luật tự nhiên. Bởi vì văn hóa chính là phần mềm của cổ máy du lịch và văn hóa cũng là động cơ, là mục đích tìm kiếm của khách du lịch. Hơn thế nữa, những ấn tượng về văn hóa sẽ làm cho khách du lịch khó quên về chuyến đi của mình và họ tự dưng sẽ giới thiệu, quảng cáo và thậm chí tâng bốc thêm những giá trị ấy.
Văn hóa giải quyết vấn đề bảo tồn và phát huy môi trường du lịch
Trong tất cả các loại hình du lịch thì du lịch văn hóa là một hình thức du lịch mang lại nhiều lợi ích cho môi trường du lịch nhất. Chúng ta hãy xem lại nguyên lý cơ bản về du lịch văn hóa hiện nay của châu Âu để thấy bản chất của du lịch văn hóa từ đó thấy được tầm quan trọng của văn hóa đối với môi trường du lịch.
Du lịch văn hóa là công cụ để khôi phục, duy trì và phát huy những giá trị văn hóa của cộng đồng địa phương một cách hữu hiệu nhất. Du lịch văn hóa nếu khai thác tốt nó là một hình thức du lịch bền vững có lợi cho môi trường tự nhiên và môi trường nhân văn của cộng đồng chủ nhà. Khách du lịch văn hóa thường có ý thức bảo vệ môi trường du lịch tốt hơn khách du lịch đại chúng.
Văn hóa giải quyết vấn đề kiểm soát tác động tiêu cực
Vấn đề kiểm soát sự tác động tiêu cực của du lịch đối với môi trường tự nhiên và nhân văn là một trong những nhiệm vụ lớn của ngành du lich và của mọi người dân. Những giải pháp kiểm soát tác động tiêu cực của du lịch đều có bóng dáng của công cụ văn hóa. Chẳng hạn như việc làm thế nào để duy trì được bản sắc văn hóa ứng xử của người Việt trong môi trường du lịch – không thể không sử dụng công cụ văn hóa. Hay làm thế nào để bảo vệ môi trường tự nhiên và nhân văn ở các điểm đến du lịch? Ngoài các biện pháp chế tài bắt buộc chúng ta cũng phải sử dụng đến công cụ văn hóa đề tuyên truyền, giáo dục…
Văn hóa giải quyết vấn đề nâng cao hình ảnh thương hiệu du lịch quốc gia.
Bên cạnh việc thực hiện nhiệm vụ chỉ tiêu tăng trưởng, vấn đề nâng cao hình ảnh thương hiệu quốc gia là một nhiệm vụ lớn nữa của ngành du lịch. Chúng ta làm sao để khách du lịch có ấn tượng tốt về một đất nước Việt Nam xin đẹp, thân thiện và đầy bản sắc? Vâng, điều đó tùy thuộc vào chiến lược phát triển văn hóa của chúng ta. Khách du lịch không phải đến Việt Nam vì bờ biển đẹp, không phải đến Việt Nam vì chúng ta vừa có sân bay mới, không phải họ đến Việt Nam vì chúng ta vừa xây dựng xong những khách sạn tiêu chuẩn 5sao…mà phần lớn họ đến Việt Nam hay quyết định quay trở lại Việt Nam vì những cuốn hút về mặt văn hóa. Hình ảnh Việt Nam cũng sẽ đẹp hơn trong mắt du khách thông qua những ấn tượng về mặt văn hóa. Khách du lịch sẽ khó quên những khoảnh khắc được thưởng thức và hòa mình vào trong sinh hoạt văn hóa cồng chiêng, kỷ niệm những đêm ngủ tại ngôi nhà lá ở vùng sông nước Mekong(Tour homestay), những giây phút được dạo quanh thành phố bằng xe xích lô, hay được đón tiếp bằng một thái độ, lịch sự, chân thật của cô tiếp tân, anh hướng dẫn viên…Chính những nét văn hóa này sẽ góp phần quan trọng làm tăng thêm hình ảnh thương hiệu du lịch Việt Nam. Hình ảnh thương hiệu du lịch quốc gia sẽ đẹp và ấn tượng hơn trong lòng du khách vì nhân tố văn hóa chứ không phải chỉ vì cơ sở vật chất hay một logo du lịch đẹp.
[1] Blackspots