Hướng dẫn Hỏi đáp Quy định
  • EnglishEnglish
  • Hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch các tỉnh Việt Bắc – những cơ hội và thách thức

            Các tỉnh Việt Bắc có tài nguyên du lịch phong phú và đa dạng. Tài nguyên du lịch tự nhiên với những cánh rừng tự nhiên, những cảnh núi non sông suối, những hồ nước rộng lớn, những nguồn nước khoáng có tác dụng chữa bệnh, những bản làng nguyên sơ mộc mạc có thể tổ chức loại hình du lịch sinh thái, du lịch nghỉ dưỡng, du lịch mạo hiểm đầy hấp dẫn đối với khách du lịch trong nước và khách du lịch nước ngoài.
        Các tỉnh Việt Bắc có nguồn tài nguyên du lịch nhân văn hấp dẫn. Đó là các di tích lịch sử cách mạng, nơi Đảng và Bác Hồ đã sống, làm việc và lãnh đạo dân tộc ta giành độc lập cho đất nước cũng như kháng chiến chống thực dân Pháp thắng lợi. Nơi đây cũng rất nhiều di tích lịch sử, từ những di tích khẳng định cuộc chiến đấu ngoan cường và dũng cảm chống lại quân xâm lược phương Bắc từ thời tiền Lê, Lý, Trần, Hậu Lê đến những thành cổ nhà Mạc. Các tỉnh Việt Bắc có những khu khảo cổ chứng minh sự sống của con người trên mảnh đất này từ mấy nghìn năm trước đây. Ngày nay, các dân tộc sinh sống trên Việt Bắc có những truyền thống văn hóa đặc sắc. Những phong tục tập quán, nếp sống, những lễ hội, những làn điệu dân ca và cả những món ăn độc đáo và đặc sắc có thể thu hút nguồn khách du lịch lớn.

         Nhưng tài nguyên du lịch chỉ là cái có sẵn, muốn phát triển du lịch đòi hỏi phải có trí tuệ và sức sáng tạo của con người nhằm tạo ra những sản phẩm mà thị trường du lịch đang cần đến. Theo nguyên lý cơ bản của Marketing hiện đại với 4 chữ P (Produce-Prize-Promotion-Place), thì sản phẩm (Produce) bao giờ cũng chiếm vị trí đầu tiên. Để tạo ra sản phẩm bán được trên thị trường, người ta thường nghiên cứu và đánh giá thị trường đang cần gì, ở đâu cần, ai cần, cần vào những thời điểm nào và giá cả ra sao. Sau khi có những kết quả của thị trường người ta mới xây dựng các điểm đến du lịch (tourism destination) và tổ chức xúc tiến quảng cáo (Promotion).
        Thực tế hiện nay, các tỉnh Việt Bắc đang khai thác các tài nguyên du lịch để phát triển du lịch, nhưng hoạt động du lịch vẫn còn rất hạn chế. Nguyên nhân của vấn đề này có cả chủ quan và khách quan. Về mặt khách quan, cơ sở hạ tầng còn yếu kém đây là một cản trở lớn cho sự phát triển du lịch. Theo lý thuyết, để một điểm đến du lịch phát triển đòi hỏi phải có ít nhất 3 trong 5 loại phương tiện vận chuyển (hàng không-đường sắt-đường biển-đường bộ và đường sông) khách du lịch đến với tiêu chuẩn thuận tiện-nhanh chóng-tiện nghi và an toàn cao. Về mặt chủ quan, chưa có những cơ chế, chính sách ưu đãi và khuyến khích nhằm thu hút các nhà đầu tư phát triển du lịch ở các tỉnh này.
    Điều này có thể lấy điểm đến du lịch nổi tiếng trên thế giới làm ví dụ cho  việc dùng các cơ chế, chính sách để thúc đẩy sự phát triển du lịch.
       

    Sơ lược lịch sử về Las Vegas(Mỹ)
             Las Vegas vốn do người gốc Tây Ban Nha tìm ra từ năm 1829, nhưng dường như họ không thích làm ăn nên họ nghèo. Trong suốt thế kỷ 19, Las Vegas chỉ là một “xóm” giữa xa mạc cho đến khi người Mỹ, một dân tộc có máu kinh doanh đến đây lập nghiệp. Năm 1905 thị trấn Las Vegas mới ra đời và năm 1911 nó được nâng lên thành thành phố. Năm 1931 khởi công xây dựng đập Hoover cung cấp nước cho Las Vegas. Xây đập này tốn rất nhiều tiền, lấy ở đâu ra? Cùng năm khởi công xây đập, sắc luật cho phép đánh bạc ở Las Vegas được ban hành. Năm 1946, bỏ thu thuế trên kinh doanh cờ bạc để kích đầu tư nghề khách sạn, công nghiệp giải trí…v.v, trong đó có cả môn giải trí rất bản sắc văn hoá dân tộc như cưỡi ngựa quăng dây thòng lọng… và những đoàn xe hoa diễu hành.
        Chớ có tưởng Las Vegas là một “thành phố tội lỗi” với những tệ nạn xã hội đầy đường. Bói cả năm cũng không thấy cảnh ”lả lơi” ngoài đường xá. Las Vegas chẳng có một chút di sản lịch sử và tài nguyên thiên nhiên nào, chỉ bằng đầu óc con người mà hái ra tiền và trở thành “thành phố ước mơ” của nhiều người trên thế giới.

    Nguồn: Danh Đức, http://viet bao.vn

     

        Khi các nhà đầu tư đến xây dựng các điểm đến du lịch họ sẽ phải nghiên cứu thị trường, xây dựng sản phẩm và tổ chức xúc tiến, quảng cáo để thu hút khách du lịch nhằm thu lại vốn đầu tư. 

      
         Nếu nói rằng các tỉnh Việt Bắc chưa có điểm đến du lịch là chưa đúng, vì dựa vào tài nguyên du lịch các tỉnh đã xây dựng các điểm du lịch tương đối lớn như: Hồ Núi Cốc, hồ Ba Bể, hồ Thác Bà, khu ATK, khu Mẫu Sơn, khu Pắc Pó..v.v, nhưng số lượng khách du lịch trong nước và đặc biệt là khách du lịch nước ngoài đến các điểm đến du lịch này vẫn còn hạn chế. Một trong những nguyên nhân khách quan là cơ sở hạ tầng còn hạn chế, nhưng nguyên nhân chủ quan là việc quy hoạch, tổ chức các loại dịch vụ đồng bộ để thỏa mãn nhu cầu của khách du lịch còn nghèo nàn và chất lượng phục vụ chưa cao. Mặt khác, việc thu hút các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài vào đầu tư các điểm đến du lịch này vẫn còn hạn chế, chưa tạo ra động lực và sức thu hút họ bỏ vốn vào đầu tư phát triển du lịch. Nếu như thu hút được đầu tư để phát triển du lịch sẽ giải quyết được nhiều vấn đề trong việc phát triển kinh tế-xã hội-môi trường của các tỉnh và thực hiện được chính sách xóa đói, giảm nghèo của Đảng và Chính phủ.

        Tuyên truyền, quảng cáo và xúc tiến du lịch là sự cần thiết khách quan đối với sự phát triển du lịch của một đất nước, một vùng hoặc một địa phương. Công việc này như “một con dao hai lưỡi”, nếu tuyên truyền, quảng cáo và xúc tiến đúng với sự thật thì sẽ tạo ra hiệu quả cao không chỉ thu hút khách mà cả trong hoạt động kinh doanh. Ngược lại, nó sẽ phản lại tác dụng của tuyên truyền, quảng cáo và xúc tiến du lịch. Đối với các tỉnh Việt Bắc, khi các sản phẩm du lịch chưa đồng bộ và hoàn chỉnh có nên tập trung vào công tác tuyên truyền, quảng cáo và xúc tiến để thu hút khách du lịch hay tập trung vào việc thu hút các nhà đầu tư để xây dựng các điểm đến du lịch đồng bộ và hoàn chỉnh với chất lượng cao.
        Theo suy nghĩ của chúng tôi, cần thực hiện cả hai, nhưng có trọng tâm, trọng điểm.

        Đối với việc tuyên truyền, quảng cáo và xúc tiến để thu hút khách du lịch trước hết tập trung vào thị trường nội địa. Đây là một thị trường rộng lớn cho hoạt động du lịch của các tỉnh Việt Bắc. Trước hết, người dân từ Bắc đến Nam, từ già đến trẻ đều nhớ đến ”cái nôi” đầu tiên của cách mạng Việt Nam thông qua các bài học lịch sử được giảng dạy trong nhà trường hoặc do những người đã trải qua kể lại. Một trong những bài thơ hay nhất và cũng là một thông điệp tuyên truyền, quảng cáo du lịch mạnh nhất đối với mọi thế hệ người Việt Nam, đó là bài thơ Việt Bắc  của nhà thơ Tố Hữu. Bài thơ này đã chứa đựng rất nhiều yếu tố đặc sắc, hấp dẫn  thu hút khách du lịch:

     

    …Mình về, rừng núi nhớ ai
    Trám bùi để rụng, măng mai để già
    …Rừng xanh hoa chuối đỏ tươi
    Ðèo cao nắng ánh dao gài thắt lưng…
    …Mình về thành thị xa xôi
    Nhà cao còn thấy núi đồi nữa chăng?
    Phố đông còn nhớ bản làng?
    Sáng đèn còn nhớ mảnh trăng giữa rừng?
    Mình đi ta hỏi thăm chừng
    Bao giờ Việt Bắc tưng bừng thêm vui?

        Một trong những đối tượng khách quan trọng khác, đó là những cán bộ lão thành cách mạng, ở Việt Bắc tới 15 năm và những người con của họ đã được sinh ra trên mảnh đất này, nay đã trở thành những cán bộ cao cấp, những doanh nhân thành đạt, những nhà trí thức nổi tiếng…v,v.., họ có những ước mơ thăm lại mảnh đất yêu dấu năm xưa, đó chính là các di tích cách mạng.

        Đối với việc tuyên truyền, quảng cáo và xúc tiến đầu tư du lịch cần được tiến hành một cách nhanh chóng và có hiệu quả. Trên cơ sở của việc quy hoạch phát triển du lịch, các tỉnh cần có những chính sách ưu đãi và khuyến khích các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài xây dựng những điểm đến du lịch lớn để thu hút khách. Điều đặc biệt quan trọng, các tỉnh cần kiến nghị với Chính phủ cho phép các nhà đầu tư được mở các loại dịch vụ phù hợp với nhu cầu của thị trường du lịch trong khu vực và trên thế giới để cạnh tranh thu hút khách. Có như vậy, các nhà đầu tư họ mới vào và phát triển du lịch.

     
        Thực tế đã chứng minh, càng ở những nơi khó khăn về kinh tế-xã hội, những nơi còn nghèo đói thì càng phải có những cơ chế, chính sách thông thoáng thu hút các nhà đầu tư du lịch. Thông qua đầu tư du lịch sẽ giải quyết công ăn, việc làm cho người dân, thực hiện việc chuyển đổi cơ cấu kinh tế, phát triển du lịch cộng đồng, gìn giữ bản sắc văn hóa của các dân tộc, bảo vệ môi trường sinh thái và Du lịch thực sự trở thành” Chìa khóa vàng cho công cuộc xóa đói, giảm nghèo”.

    (Bài tham luận tại Hội thảo Liên kết phát triển du lịch về nguồn Việt Bắc – Tuyên quang 11/2010)

    Bài cùng chuyên mục