Quy hoạch phát triển du lịch khu du lịch Cao nguyên đá Đồng Văn (Hà Giang) với vai trò là khu du lịch Quốc gia
Tổng quan về vị trí, vai trò khu du lịch Cao nguyên đá Đồng Văn, tỉnh Hà Giang trong chiến lược phát triển du lịch quốc gia và vùng
Chiến lược và Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2030 đã định hướng phát triển Du lịch Việt Nam theo 7 vùng với các đặc trưng riêng về loại hình và sản phẩm du lịch. Bên cạnh đó định hướng phát triển 46 khu du lịch quốc gia, 42 điểm du lịch quốc gia làm động lực phát triển du lịch cho từng vùng và cả nước.
Việc định hướng hệ thống các Khu du lịch quốc gia dựa trên kết quả phân tích, đánh giá theo các căn cứ chủ yếu sau:
– Tiêu chí khu du lịch quốc gia được quy định của Luật Du lịch;
– Đặc điểm tài nguyên du lịch và khả năng có thể khai thác phát triển du lịch;
– Vị trí, vai trò của khu du lịch đối với phát triển du lịch và kinh tế – xã hội khu vực và cả nước;
– Hiện trạng phát triển du lịch tại Khu du lịch thời gian qua;
Cao nguyên đá Đồng Văn, tỉnh Hà Giang với nhiều di sản về địa chất, về văn hóa dân tộc bản địa và sự đa dạng sinh học đặc hữu có giá trị khoa học và giáo dục quốc tế nên được UNESCO công nhận là Công viên địa chất Toàn cầu (ĐCTC) vào tháng 10/2010. Đây là Công viên địa chất mang tính toàn cầu duy nhất hiện nay của Việt Nam và thứ 2 của Đông Nam Á. Công viên ĐCTC là mô hình mới của UNESCO trong việc gắn bảo tồn với khai thác các giá trị di sản, danh thắng địa chất để phát triển du lịch nhằm phát triển kinh tế gắn với xóa đói giảm nghèo cho người dân địa phương một cách bền vững.
Khu vực Cao nguyên đá Đồng Văn, tỉnh Hà Giang bao gồm bốn huyện Đồng Văn, Mèo Vạc, Yên Minh và Quản Bạ với diện tích xấp xỉ 2.400 km2. Đây là một vùng thuộc địa đầu của Tổ quốc với hơn 100 km đường biên giới với Trung Quốc. Dọc tuyến biên giới có 5 cặp lối mở với hai tỉnh Tây Nam (Quảng Tây và Vân Nam) của Trung Quốc, vì vậy Cao nguyên đá Đồng Văn giữ có vị trí chiến lược đối với quốc phòng, an ninh của quốc gia.
Khu vực Cao nguyên đá Đồng Văn hiện có khoảng 250.000 dân sinh sống trong đó có 17 dân tộc thiểu số, chiếm trên 90% dân số cả vùng. Trong số 17 dân tộc cùng sinh sống, người Mông chiếm số đông với 230.000 người. Như vậy, đây cũng là vùng tập trung người Mông đông nhất của cả nước.
Điều kiện sinh sống của cộng đồng dân cư tại đây hết sức khó khăn do phần lớn diện tích là vùng núi đá cao trên 1000 m, giao thông đi lại bất tiện và nguy hiểm. Đặc biệt là vì khu vực núi đá nên thiếu đất đai canh tác, thiếu nước, điều kiện cho sản xuất nông nghiệp khó khăn. Khu vực cũng nghèo nàn khoáng sản nên không thể phát triển được công nghiệp. Cả bốn huyện của cao nguyên đá Đồng Văn đều thuộc diện nghèo và khó khăn nhất của cả nước.
Việc cao nguyên đá Đồng Văn được công nhận là Công viên địa chất toàn cầu mở ra cơ hội quan trọng trong việc liên kết về phát triển du lịch, giao lưu văn hóa và trao đổi khoa học đối với cộng đồng quốc tế, từ đó khẳng định vị thế và vai trò của du lịch Việt Nam trên thế giới.
Phát triển du lịch khu vực cao nguyên đá Đồng Văn góp phần bảo tồn và phát huy các giá trị di sản, có ý nghĩa thiết thực trong công cuộc xóa đói giảm nghèo cho người dân nơi đây và góp phần đảm bảo ổn định chính trị khu vực vùng biên, khẳng định chủ quyền lãnh thổ quốc gia trong chiến lược bảo đảm quốc phòng, an ninh.
Nhận thức được vị trí, vai trò của công viên ĐCTC đối với phát triển du lịch tỉnh Hà Giang nói riêng và cả nước nói chung, Chiến lược và Quy hoạch Tổng thể phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 đã định hướng phát triển Cao nguyên đá Đồng Văn trở thành một trong 12 Khu du lịch quốc gia của vùng TDMN Bắc Bộ; 46 khu du lịch quốc gia của cả nước. Đây là cơ sở quan trọng cho việc lập quy hoạch, đầu tư phát triển du lịch để sớm được công nhận là khu du lịch quốc gia trong giai đoạn phát triển mới của du lịch Việt Nam.
Sự cần thiếp lập quy hoạch phát triển du lịch Khu du lịch Cao nguyên đá Đồng Văn
Có thể nhận thấy, định hướng phát triển các khu du lịch quốc gia của Chiến lược là tiền đề quan trọng cho công tác quy hoạch, quản lý tài nguyên để làm động lực phát triển ngành du lịch trên phạm vi cả nước.
Thực tế cho thấy, trong số các khu du lịch quốc gia, có những khu du lịch đã được quan tâm quy hoạch từ những năm trước đây và đã đem lại hiệu quả trong công tác đầu tư, quản lý phát triển du lịch như Khu du lịch Hạ Long – Cát bà, Khu du lịch Đền Hùng (Phú Thọ), Khu du lịch Tràng An, Tam cốc –Bích Động (Ninh Bình), Khu du lịch Măng Đen (Kon Tum), Khu du lịch Phan Thiết – Mũi Né (Bình Thuận), Khu du lịch đảo Phú Quốc Kiên Giang). v.v…
Một số khu du lịch vừa mới được tiến hành lập quy hoạch như Khu du lịch Mộc Châu (Sơn La), Khu du lịch Thiên Cầm (Hà Tĩnh), Khu du lịch thác Bản Giốc (Cao Bằng).
Hiện nay, Thủ tướng Chính phủ đang chỉ đạo ngành Du lịch thực hiện các quy hoạch Khu du lịch Điện Biên Phủ-Pá Khoang-Mường Phăng (Điện Biên), Khu du lịch Sơn Trà (Đà Nẵng), Khu du lịch núi Bà Đen (Tây Ninh). Trong những năm tiếp theo sẽ tiếp tục chỉ đạo thực hiện quy hoạch các khu du lịch khác.
Chính vì vậy, việc lập quy hoạch phát triển Khu du lịch công viên đá Đồng Văn đến năm 2020, tầm nhìn 2030 với vai trò Khu du lịch quốc gia là cần thiết và phư hợp với nhu cầu phát triển chung của khu vực và cả nước.
Quy hoạch phát triển du lịch Khu cao nguyên đá Đồng Văn sẽ là cơ sở lập quy hoạch xây dựng, các dự án đầu tư phát triển Khu du lịch đáp ứng mục tiêu bảo tồn và phát huy các giá trị địa chất toàn cầu của công viên cho phát triển du lịch nói riêng và kinh tế – xã hội nói chung.
Những vấn đề cần quan tâm, giải quyết khi thực hiện lập quy hoạch
Để Khu du lịch Cao nguyên đá Đồng Văn phát triển đúng hướng và xứng tầm Khu du lịch quốc gia, những vấn đề cần quan tâm giải quyết trong quá trình nghiên cứu lập quy hoạch như sau:
1.Tên của quy hoạch
Tên của quy hoạch hết sức quan trọng thể hiện quan điểm, mục tiêu và nhiệm vụ quy hoạch, vì vậy cần được xác định một cách rõ ràng và nhất quán trong hệ thống các khu du lịch quốc gia.
Các quy định về quy hoạch của Luật Du lịch chỉ rõ quy hoạch Khu du lịch quốc gia là quy hoạch tổng thể, vì vậy có thể xác định tên của quy hoạch sẽ là: “Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Khu du lịch quốc gia cao nguyên đá Đồng Văn, tỉnh Hà Giang đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030”.
2. Giới hạn và phạm vi lập quy hoạch
Về không gian: Quy hoạch phát triển du lịch thực hiện theo phạm vi ranh giới của công viên ĐCTC được UNESCO công nhận. Tuy nhiên do du lịch là ngành phát triển mang tính liên vùng nên không gian nghiên cứu phát triển Khu du lịch không chỉ dừng lại ở phạm vị công viên ĐCTC mà được đặt trong mối liên hệ các vùng phụ cận của tỉnh Hà Giang và vùng TDMN Bắc Bộ.
Về thời gian: Số liệu đánh giá hiện trạng giai đoạn trước năm 2013, trong đó đặc biệt quan tâm trước và sau thời điểm được công nhận Công viên ĐCTC (năm 2010).
Quy hoạch đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 để phù hợp với giai đoạn phát triển của Du lịch Việt Nam và kinh tế – xã hội tỉnh Hà Giang.
3. Các căn cứ để lập quy hoạch
Việc lập Quy hoạch Khu du lịch sẽ được dựa trên nhiều căn cứ, văn bản pháp luật khác nhau và nhiều tài liệu có liên quan. Tuy nhiên những căn cứ cơ bản mang tính cốt lõi để lập quy hoạch liên quan đến quy định về Khu du lịch quốc gia và liên quan đến quy định nội dung của quy hoạch Ngành. Cụ thể:
– Các tiêu chí về khu du lịch quốc gia; Các quy định về nguyên tắc, nội dung và nhiệm vụ quy hoạch tổng thể phát triển du lịch được quy định tại Luật du lịch và Nghị định số 92/2007/NĐ-CP ngày 01/6/2007 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật du lịch.
– Các quy định đối với nội dung quy hoạch Ngành được quy định tại Nghị định số 92/2006/NĐ-CP ngày 7/9/2006 của Chính phủ về lập, phê duyệt và quản lý quy hoạch tổng thể kinh tế – xã hội; Nghị định số 04/2008/NĐ-CP ngày 11/01/2008 của Chính phủ sửa đổi bổ sung một số điều của Nghị định số 92/2006/NĐ-CP ngày 7/9/2006 của Chính phủ về lập, phê duyệt và quản lý quy hoạch tổng thể kinh tế – xã hội và Thông tư 01/2007/TT-BKHĐT ngày 07 tháng 2 năm 2007 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định số 92/2006/NĐ-CP ngày 07/9/2006 của Thủ tướng Chính phủ về lập, phê duyệt và quản lý quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế – xã hội.
4. Mục tiêu mà quy hoạch hướng tới
Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Khu du lịch Cao nguyên đá Đồng Văn, tỉnh Hà Giang đến 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 là bước cụ thể hoá Chiến lược phát triển Du lịch Việt Nam; Quy hoạch Tổng thể phát triển du lịch vùng TDMN Bắc Bộ; Quy hoạch bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị của CVĐCTCCNĐ Đồng Văn; Các định hướng phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh Hà Giang, các huyện Đồng Văn, Mèo Vạc, Quản Bạ, Yên Minh và Quy hoạch tổng thể phát triển Du lịch tỉnh Hà Giang, nhằm:
4.1. Xây dựng được hệ thống quan điểm, mục tiêu phát triển Khu du lịch một cách toàn diện về kinh tế, văn hóa – xã hội, an ninh quốc phòng và môi trường, phù hợp yêu cầu phát triển du lịch trong tình hình mới, với mục tiêu bảo tồn và phát huy các giá trị của công viên ĐCTC;
4.2. Đưa ra các chỉ tiêu cụ thể, các định hướng và giải pháp phát triển Khu du lịch làm cơ sở để lập các kế hoạch trung hạn và ngắn hạn, các quy hoạch chi tiết xây dựng và các dự án phát triển du lịch trên địa bàn Khu du lịch từ nay đến năm 2020, 2030 đảm bảo tính khả thi, cân đối cung – cầu, khai thác có hiệu quả tiềm năng du lịch, phát huy thế mạnh, tạo ra sản phẩm du lịch đặc thù góp phần đưa du lịch Cao nguyên đá Đồng Văn, tỉnh Hà Giang phát triển đạt tiêu chí Khu du lịch quốc gia.
5. Các quan điểm quy hoạch phải thực hiện
Quy hoạch tổng thể phát triển Khu du lịch Cao nguyên đá Đồng Văn, tỉnh Hà Giang đến 2020, tầm 2030 cần đảm bảo các nguyên tắc sau:
– Phù hợp với Chiến lược phát triển ngành du lịch Việt Nam và định hướng phát triển kinh tế – xã hội và du lịch Hà Giang.
– Đảm bảo chủ quyền quốc gia, quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội khu vực.
– Đảm bảo nguyên tắc bảo tồn và phát huy các giá trị di sản, cảnh quan thiên nhiên, bản sắc văn hóa dân tộc bản địa.
– Bảo đảm tính khả thi cân đối cung và cầu du lịch.
– Phát huy lợi thế khu vực; sử dụng hợp lý, hiệu quả tài nguyên; đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của du lịch.
– Bảo đảm công bố công khai quy hoạch.
6. Những nhiệm vụ, nội dung quy hoạch phải giải quyết
Căn cứ điều 19, Luật Du lịch, nhiệm vụ và nội dung quy hoạch tổng thể phát triển Khu du lịch quốc gia Cao nguyên đá Đồng Văn, tỉnh Hà Giang bao gồm:
6.1. Xác định vị trí, vai trò và lợi thế phát triển Khu du lịch trong phát triển kinh tế – xã hội của địa phương; trong chiến lược phát triển du lịch vùng và quốc gia trong giai đoạn phát triển mới; trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản và đối với công tác quốc phòng, an ninh khu vực.
6.2. Xác định phạm vi ranh giới, quy mô của Khu du lịch. Phân tích, đánh giá tiềm năng, hiện trạng tài nguyên du lịch và các yếu tố nguồn lực phát triển Khu du lịch.
6.3. Xác định tính chất hoạt động Khu du lịch.
6.4. Đánh giá thực trạng phát triển du lịch giai đoạn đến năm 2013, đặc biệt so sánh trước và sau mốc thời gian năm 2010.
6.5. Xác định quan điểm, mục tiêu phát triển Khu du lịch.
6.6. Dự báo các chỉ tiêu và luận chứng các phương án phát triển Khu du lịch về lượng khách, mức chi tiêu và tổng thu từ khách du lịch, nhu cầu cơ sở lưu trú và lao động của Khu du lịch.
6.7. Xác định thị trường và sản phẩm du lịch của Khu du lịch.
6.8. Xác định các thành phần chức năng chính Khu du lịch và định hướng phân khu chức năng hoạt động du lịch.
6.9. Xác định quy mô, ranh giới các khu chức năng Khu du lịch.
6.10. Định hướng tổ chức kiến trúc – cảnh quan các khu chức năng Khu du lịch;
6.11. Định hướng phát triển một số hạng mục hạ tầng du lịch (cơ sở lưu trú, giao thông, cung cấp điện, nước, thoát nước thải và xử lý chất thải rắn và các nhu cầu khác..).
6.12. Xác định nhu cầu đầu tư, giai đoạn đầu tư, các dự án ưu tiên và tính toán hiệu quả kinh tế.
6.13. Đánh giá tác động môi trường và đề xuất xuất một số vấn đề về bảo vệ tài nguyên và môi trường du lịch góp phần đảm bảo phát triển du lịch bền vững;
6.14. Đề xuất các cơ chế, chính sách, giải pháp quản lý, phát triển du lịch theo quy hoạch.
7. Các phương pháp thực hiện mà quy hoạch cần phải tuân thủ
Để đạt được mục tiêu đề ra, quy hoạch được xây dựng dựa trên việc sử dụng tổng hợp các phương pháp sau:
7.1. Phương pháp thực địa: Bao gồm các khảo sát, thu thập thông tin tư liệu để đánh giá tiềm năng, kết quả hiện trạng phát triển du lịch trên địa bàn khu Cao nguyên đá Đồng Văn, của tỉnh Hà Giang giai đoạn trước khi thực hiện lập quy hoạch.
7.2. Phương pháp tổng hợp, phân tích: Tổng hợp và phân tích những kết quả đạt được, những hạn chế, yếu kém và nguyên nhân; Phân tích, nhận định các xu hướng phát triển du lịch của khu vực và thế giới trong hoàn cảnh mới từ đó đề xuất các định hướng và giải pháp phát triển du lịch Khu du lịch trong giai đoạn tiếp theo phù hợp yêu cầu, nhiệm vụ của giai đoạn phát triển mới.
7.3. Phương pháp chuyên gia: Tham vấn ý kiến đánh giá của chuyên gia ở Trung ương và địa phương trong lĩnh vực du lịch cũng như các lĩnh vực liên quan dưới các hình thức hội thảo khoa học, trao đổi kinh nghiệm.
7.4. Phương pháp kế thừa: Kế thừa các kết quả nghiên cứu của các đề án có liên quan trên địa bàn (như quy hoạch bảo tồn và phát huy các giá trị di sản, các đề án phát triển du lịch cộng đồng..) và mô hình phát triển du lịch của một số Khu du lịch có điều kiện tự nhiên tương tự.
7.5. Phương pháp sơ đồ, bản đồ: Sử dụng các phần mềm để xây dựng hệ thống bản đồ quy hoạch. Hệ thống bản đồ quy hoạch là ngôn ngữ bằng hình ảnh của quy hoạch, một phần quan trọng của sản phẩm quy hoạch.
Công tác tổ chức thực hiện lập quy hoạch
Theo quy định của Luật Du lịch, do khu Cao nguyên đá Đồng văn được Chiến lược và Quy hoạch tổng thể phát triển Du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2030 định hướng phát triển thành Khu du lịch quốc gia vì vậy Tổ chức thực hiện lập quy hoạch Khu du lịch như sau:
– Phê duyệt quy hoạch: Thủ tướng Chính phủ.
– Chủ trì lập quy hoạch và trình phê duyệt: Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch.
Trong trường hợp UBND tỉnh Hà Giang được giao nhiệm vụ chủ trì lập quy hoạch và trình phê duyệt thì phải có ý kiến thỏa thuận của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.
Thay lời kết
Có thể nhận thấy vai trò, vị trí quan trọng của Khu du lịch Cao nguyên đá Đồng Văn trong Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam và vùng TDMN Bắc Bộ đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 và trong phát triển kinh tế – xã hội, phát triển du lịch tỉnh Hà Giang cũng như đối với công tác bảo tồn, phát huy các giá trị di sản công viên ĐCTC.
Việc Khu du lịch Cao nguyên đá Đồng Văn được định hướng Khu du lịch quốc gia trong Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam là cơ sở quan trọng cho công tác lập quy hoạch, quản lý tài nguyên cho phát triển du lịch.
Quy hoạch Tổng thể phát triển du lịch khu Cao nguyên đá Đồng Văn với vai trò Khu du lịch quốc gia sẽ là nền móng cho công quy hoạch và đầu tư xây dựng Khu du lịch đạt được mục tiêu đề ra và là việc làm thiết thực và nhiệm vụ quan trọng của ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch và Chính quyền địa phương tỉnh Hà Giang. Vì vậy, công tác quy hoạch Khu du lịch cần được thực hiện một cách nghiêm túc, bài bản ./.